Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Nguồn Xanh


Từ "câu chuyện một chiếc cầu" đến niềm hy vọng "nguồn xanh" .
Thời gian vốn vô tình! Không đâu . Vừa ai đó nhắc những vết thương trong quá khứ, niềm đau trở mình, con mắt hướng tâm nhìn lại vết thương . Những vết thương còn rướm máu hồng và mắt đời hoen lệ - những giọt lệ hồng:

giọt lệ hồng

" chợt nghe từ đá hồn thương tích
vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa "
(Thanh Nam)


đã có bao lần
em thấy
giọt lệ hồng
rơi!

đã có bao lần
em hiểu
vì sao
giọt lệ - hồng?

những giọt lệ pha máu
từ tim
chảy xuyên qua mắt
buốt đau theo giòng chảy
cay đắng suốt trăm năm

đã có bao lần
em biết
tại sao có giọt lệ hồng?

nó kết tụ bởi máu và nước mắt
từ những cái chết
vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận


em hiểu
tại sao hôm nay
anh bị chấn động
viết những dòng
không thường hằng có trong anh
bởi chỉ vì
hôm nay
anh muốn viết
về một thời đã qua
đầy nước mắt và máu
của bạn mình
chết bởi
một viên đạn
một liều thuốc độc
một dây treo cổ
....
giọt lệ hồng
đang chảy trong anh
và chung quanh anh

*

có thể anh sẽ viết cho em
hiểu thêm những điều gì đó
về những giọt lệ hồng
trong tháng Tư đen và trước nữa
mà cũng có thể là không
vì anh sợ mình không vượt khỏi
những lần tim chảy máu
những giọt lệ hồng
mãi chảy
trong anh
trong đời bạn bè anh
trong giòng sống
trong giòng chết

giọt lệ hồng không ngưng tụ
trong đá sỏi
trong giá băng
trong câm lặng
mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
của vô tri

bất giác
anh đang cảm thấy
lòng mình thổn thức
bên cạnh những ngôi mộ
chôn trong ký ức
từng dãy
từng hàng
xác của bạn anh
những người ruột thịt của anh
họ đã đứt ruột ra đi
họ đã chia thịt cho xứ sở
và máu họ trộn vào
không gian mưa lũ
đỏ au!

Em ơi
có thể đây là bài thơ tự do hay nhất
mà anh viết
có thể đây là một đoạn
trong bài điếu văn anh gởi cho bạn bè
cho những Cha, Chú, Anh, Em
đã nằm xuống
vì những chữ Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền

Bài viết hôm nay
em nhớ
không có lòng thù hận
chỉ có nỗi tiếc thương
cho những con tim
đã chảy
giọt lệ hồng

em cũng nhớ
không có sự bi thảm
vì người anh hùng không chết
cho những cưu mang lừa dối
và lòng thương hại


và em nên nhớ
sự ra đi
chững chạc và dứt khóat
của những con người
có trái tim chân chính
xuyên qua
những giọt lệ hồng!

Cao Nguyên

Những giọt lệ hồng mãi chảy từ quá khứ, râm ran qua hiện tại đến tương lai trên quê hương lầm than sau chiến tranh, với những nỗi lo về thế hệ cháu con sống bằng những rủi ro đã mất quyền định hướng cuộc đời.
Như nỗi lo của người mẹ, mỗi sáng con đi học phải lội sông vượt giòng nước xoáy, liệu chiều về có được bình an?

giòng sông và chiếc cầu

mỗi cuối tháng thủy triều lên mạnh mẽ
con lại nghe mẹ kể chuyện giòng sông
bởi nghèo quá dân ruộng đồng hóa tệ
một chiếc cầu, mãi để một đời mong

đời dẫu cực, cơm bữa no bữa đói
vẫn mong con được học hỏi nên người
nhưng mỗi sáng nhìn con qua bến lội
cha mẹ lo may rủi một dòng trôi

nay đã có những tấm lòng Gạch Nối
bắt cho con chiếc cầu mới qua sông
con an vui, mẹ không còn bối rối
không còn lo bão nổi, nước triều dâng!

chuyện giòng sông và nỗi lòng của mẹ
mãi sau này, con vẫn kể người nghe
rằng nơi đây, trước chỉ là bến lội
nhờ chiếc cầu đã nối những bờ sông.

Cao Nguyên

Hiểu được nỗi lo của mẹ, có những tấm lòng tự nguyện góp những viên gạch xây một chiếc cầu qua con rạch thay cho chiếc cầu khỉ lắc lư . Để các em bé thơ mỗi sáng đến trường trong niềm hân hoan với bước chân vui, với niềm tin của mẹ .
Câu chuyện đó dường như cổ tích, dẫu công trình tâm huyết mới thực hiện có 3 năm từ những tấm lòng của gạch-nối-online .
Để những ước mơ trở thành hiện thực, và giữ lại hiện thực trong tầm nhìn từ những bước đi của bé thơ, tin yêu vào tương lai với hành trình chính mình tự chọn cho mỗi cuộc đời trỗ biếc mầm xanh, trong nguồn xanh bao la của quê hương .
Như bạn thấy, tôi thường viết về những ước mơ . Một trong những ước mơ đó là xây dựng nhóm "Nguồn Xanh" . Trong một tâm thư gởi những người bạn trẻ với lời khẩn thiết gọi mời những tấm lòng nhân ái họp sức vào việc xóa dần những đau xót hôm nay, cho những tiếng cười vui nở tới ngày mai .

"... những đứa trẻ vốn được sinh ra trên một đất nước đã hòa bình nhưng bị dìm đuối dưới sức nặng của những hậu quả tàn khốc do chiến tranh để lại, do những tàn hại của chủ thuyết thống trị và thụ hưởng. Nghèo đói là nguyên nhân chính buộc cha mẹ không đủ sức nuôi con (dẫu đã bán cả máu mình để mua sữa và thức ăn) . Đến lúc họ kiệt sức đành buông đứa con do mình đứt ruột đẻ ra; Hoặc do cha mẹ đẻ con ra mà quên trách nhiệm nuôi nấng, đành vất con mình ở một nơi không xứng với phận làm người!
Những đứa trẻ đó đang và sẽ sống, lớn lên như thế nào? Khi thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sự học hành . Đau xót hơn, có những con em chúng ta đang bị bọn buôn người chiếm đoạt cả thân xác và tâm hồn! Đang sống vất vưởng nơi xứ người!
Sao mình không góp sức nâng các em lên, vuốt phẳng những nếp nhăn thân xác nhọc nhằn trước tuổi? Nuôi lớn nó thành người hữu ích cho mai sau với bước đi vững vàng trên con đường nhân ái. Có được một tri thức đủ biết vun xanh một gốc cây đời từ trên những rữa mục của quá khứ, từ trong sự băng hoại hôm nay nơi quê nhà ..."

Ước mơ cài trên niềm hy vọng vẫn cứ bay như những giòng thơ tôi viết về một thảo nguyên xanh:

"... chiều đang xuống đó em
những hoàng hôn vàng ệch như giấc tuổi anh, em
những hoàng hôn như một dấu lặng
ngưng đọng
chờ đợi một chuyển giao
giữa đêm và ngày
giữa thế hệ chúng ta và con cháu
ngưng đọng để nhớ về xương máu
của Cha Ông
của chính anh và bạn bè anh
đã bón, đã tưới cho cây thêm xanh
cho cành thêm hoa quả...

đã đến lúc phải chuyển giao vào điệp khúc
cố quên lòng thù hận
cho tim mình khỏi bị ép chặc
nghẹt thở
con cháu chúng ta muốn được nghe
từ khởi đầu của điệp khúc
với nỗi cảm xúc tận cùng
về huyết thống
về danh dự của một Dân Tộc
và luôn muốn ngẩng cao đầu
trước mọi dị chủng
để nói
tôi là người Việt Nam ..."
( Thảo Nguyên - thơ CN)

Ôi Nguồn Xanh - niềm tin của một đời người, Hy Vọng và Hạnh Phúc .
Những ước mơ đến từ những con tim và những tấm lòng . Không đến từ những tên và tuổi của mỗi con người!

Cao Nguyên
MD 083110

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

NÓI TIẾNG MẸ ĐẺ

Mở đầu
Tiếng mẹ đẻ là tiếng nói của người mẹ sinh ra con, cũng là tiếng nói đầu đời của trè thơ
được mẹ truyền dạy. Đó là tiếng nói của một dân tộc. Đối với dân tộc Việt, tiếng mẹ đẻ
chính là Tiếng Việt, một sinh ngữ tồn tại được là nhờ có “sức sống” mãnh liệt từ một nguồn
cội thuần nhất lâu đời và khả năng đồng hóa những tiếng nói của các dân tộc tiếp cận.

Thực vậy, trước khi có vua tất nhiên phải có dân. Theo truyền thuyết, từ khi được cai trị bởi
vua Kinh Dương, Lạc Long và sau đó là các vị vua Hùng, dân chúng của nước Văn Lang đã
biết quây quần thành từng bộ tộc nhỏ, rồi kết thành Bộ Lạc lớn… . Dân tộc Lạc Việt là
thành phần dân chúng quan trọng của những Bộ Lạc này. Nước Văn Lang được chia làm
15 Bộ, và tiếng nói của dân chúng trong 15 Bộ đó, theo thời gian đã thành tiếng nói của
dân tộc Việt.

Tục Ngữ, Ca Dao
Tục ngữ ca dao được coi là văn học bình dân truyền khẩu của dân tộc Việt (Tục Ngữ là
những câu có tự lâu đời – Ca Dao là câu hát phổ thông trong dân gian). Tục Ngữ Ca Dao
được hình thành từ xa xưa theo thời gian, không rõ từ bao giờ. Vì trước kia không có chữ
viết để truyền bá, tục ngữ ca dao được học thuộc lòng và truyền bắng tiếng nói (truyền
miệng hay truyền khẩu) từ người này đến người khác, từ thế hệ này qua thế hệ sau.

Chữ Nôm
Trong một ngàn năm bị người Tàu đô hộ và hơn tám trăm năm học và thi cử bằng chữ Nho
tức chữ Hán, dân tộc Việt vẫn không bị Hán hóa. Ngược lại, chữ Nôm hay chữ riêng của dân
Nam được hình thành trong thời kỳ cực thịnh của nền Nho học tại nước ta.(1)

Chữ Quốc Ngữ
Thời gian bị Tây đô hộ gần trăm năm, tiếng Việt không những không bị “Tây hóa” mà còn
được chính thức góp mặt với năm châu qua chữ Quốc Ngữ, một trong những sinh ngữ đang
được phổ biến trên thế giới và được trên tám mươi triệu người nói, học và tìm hiểu. Chữ
Quốc Ngữ chính là chữ của dân tộc Việt ngày nay.

Tiếng Việt có vị thế vững vàng trong số những sinh ngữ trên thế giới như tiếng Anh, Pháp,
Ý, Tây Ban Nha, Nga, Nhật, Trung Hoa, Ấn … là nhờ được ký âm bằng tiếng La Tinh và một
số dấu phụ. Đây là công trình nghiên cứu và sáng tạo của nhiều người, trong đó nhà truyền
giáo có công nhất là Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - La
Tinh.

Học và nói tiếng mẹ đẻ chính là một nhu cầu của người Việt sống tại Hải Ngoại vì các lý do
tự hào dân tộc và mục đích giữ gìn tiếng Việt trong sáng trong một môi trường dân chủ, tự
do và cạnh tranh để sinh tồn.

Tiếng Việt dễ học và dễ truyền bá nhờ được ký hiệu bằng chữ La Tinh, một thứ chữ rất phổ
biến trên thế giới. Liên Hiệp Quốc tôn trọng tiếng nói của các dân tộc trên thế giới, nên đã
tổ chức ngày nói tiếng mẹ đẻ quốc tế hàng năm vào ngày 21 tháng 2. (2)

Theo GS Nghiêm Toản, chữ Quốc Ngữ được sáng tạo do nhu cầu truyền Đạo của các giáo
sĩ Thiên Chúa giáo tại Việt Nam: “Từ thế kỷ thứ XVI, trong thời Hậu Lê (Trịnh, Nguyễn phân
tranh) các đường giao thông trên mặt bể giữa Âu, Á được mở mang, người Tây Âu bắt đầu
đến xứ ta, phần nhiều là nhà buôn và giáo sĩ đi truyền đạo Thiên Chúa. Các giáo sĩ học nói
tiếng bản xứ và muốn đem kinh Thánh ra giảng dạy tất phải dịch ra tiếng Việt, nhưng chữ
Nôm khó học, dùng không tiện, họ bèn nghĩ cách lấy chữ La Mã để ghi âm tiếng Việt Nam.
Công cuộc sáng chế chữ Quốc Ngữ là công việc chung của nhiều người (có cả giáo sĩ Ý,
Pháp, Bồ Đào Nha…), những sách trứ thuật đầu tiên là:
Tự vựng Việt Nam - Bồ Đào Nha của cố Gaspard.
Tự vựng Bồ Đào Nha - Việt Nam của cố Antoine de
Bar

Nhân hai cuốn ấy mà cố Alexandre de Rhodes , người Pháp, soạn cuốn Từ Điển Việt Nam -
Bồ Đào Nha – La Tinh, in năm 1651 tại La Mã. Nhà in của giáo hội La Mã đúc chữ Quốc
Ngữ bắt đầu từ đó…”

Như vậy, tiếng Việt được viết bằng chữ Quốc Ngữ, dựa trên bộ chữ La Tinh, gồm:

* 22 chữ cái chính là:

A, B, C, D, E, G, H, I, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, X, Y

* 7 chữ cái phụ là

Đ, Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư

Tổng cộng 29 chữ cái.

Những chữ F, J, W, Z không dùng trong tiếng Việt, ngoại trừ để phiên âm tiếng nước
ngoài hay viết tên người.

Ngoài 29 chữ cái kể trên, tiếng Việt còn có thêm 9 chữ ghép đôi và một chữ ghép ba (Chữ
ghép đôi còn được dùng làm bội vận kép, và chữ ghép ba được dùng làm bội vận đụp):
CH, GH, GI, KH, NG, NH, PH, TH, TR và NGH

Bộ dấu chữ Việt
Ngoài các chữ cái, vẫn cần thêm dấu mới có thể phát âm đầy đủ tiếng Việt:
Có 5 dấu: HUYỀN, SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG

Nguyên âm và phụ âm

Để phân biệt nguyên âm và phụ âm, người ta chia ra:
- Phụ âm là chữ cái tự nó không thể phát ra âm mà phải đi với chữ khác mới phát ra âm.
Có 17 phụ âm (Còn được dùng làm Bội Vận đơn):

B, C, D, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S. T, V, X và Đ.

- Nguyên âm là chữ cái khi đọc lên, tự nó đủ để phát ra âm. Có 12 nguyên âm là:

A, E, I, O, U, Y, Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư .

Nguyên âm lại được chia thành:
- Nguyên âm có nghĩa: A, E, O, U, Y, Ê, Ô, Ơ, Ư .
(tự nó phát ra đã có ý nghĩa của tiếng Việt)
- Nguyên âm vô nghĩa: Ă, Â, I (tuy phát ra âm, nhưng trong tiếng Việt thì âm đó không có
nghĩa).

Cách phát âm các chữ cái -
Có hai cách phát âm những chữ cái phụ âm:

- Phát âm theo dạng chữ viết: (là cách phát âm chữ La Tinh, dù là người Pháp hay
người Viêt: B (bê), C (xê), D (dê), Đ (đê - chữ này chỉ dùng cho chữ Quốc Ngữ), G (giê), H
(hát), K (ca), L (en lờ), M (em mờ), N (en nờ), P (pê), Q (cu), R (e rờ), S (ét sì), T (tê), V
(vê), X (ich xì).

- Phát âm theo âm tiếng Việt khi phụ âm ghép vần với những chữ khác:
B (bờ), C (cờ), D (dờ), Đ (đờ), G (gờ), H (hờ), K (cờ), L (lờ), M (mờ), N (nờ), P (pờ),
Qu (quờ)*, R (rờ), S (sờ), T (tờ), V (vờ), X (xờ).

* (Phụ âm Q tự nó không thể phát âm thành vần quờ, mà phải đi kèm với chữ “u” và
phát âm là “quờ” (ở đây, “u” là phụ âm, tương tự “i” là phụ âm đi kèm với “g” thành “gi” để
phát âm chữ “giờ”)

Âm Tiết – Âm Vị - Âm Vận - Bội Vận - Chính Vận
Tiết là đốt, âm tiết là “chuỗi lời nói mà con người phát ra gồm nhiều khúc đoạn dài ngắn
khác nhau. Đơn vị phát âm ngắn nhất là âm tiết (syllable).” (nguồn: Net Ngôn Ngữ). Tiếng
Việt là đơn âm, nên một từ đọc lên được coi là một “âm tiết” (syllable), khác với tiếng Anh
hay tiếng Pháp thuộc loại “đa âm” nên mỗi từ (word) chia ra nhiều âm tiết (syllables). Như
vậy theo “Sách Giáo hoa Việt Tộc”, Từ (word) trong tiếng Việt không có “âm tiết “ mà chỉ có
“Âm Vị” mà thôi.

Vị có nghĩa là chỗ đứng (vị trí). Một Âm Vị thường có 2 Âm Vận tức là 2 loại vần. Thí dụ
chữ BAN nếu chặt đôi sẽ có vần AN (khi làm thơ gieo vần). Vần AN là vần chính của từ BAN
nên được gọi là Chính Vận, và vần B (đọc là bê hay bờ) là Bội Vận.

Chính vận được lập bởi một nguyên âm đứng đầu. Trong tiếng Việt có 3 loại chính vận, đó
là chính vận đơn (AN), chính vận kép (ghép 2 nguyên âm: ƯƠNG) và chính vận đụp (ghép
3 nguyên âm: UYÊN).

Bội Vận là phụ âm hoặc tập hợp những phụ âm. . . Có 3 loại Bội Vận: Bội Vận đơn (Thí dụ:
vần B của chữ BAN), Bội Vận kép (Thí dụ: vần CH của chữ CHÂN , Bội Vận đụp (thí dụ: vần
NGH của chữ NGHINH)…

Cách đánh vần
Tùy theo cách phát âm các chữ cái phụ âm, Có 2 cách đánh vần chữ Quốc Ngữ:
- Đánh vần theo âm các chữ cái phụ âm. Thí dụ: Đánh vần chữ BANH: A+N+H = ANH,
BÊ + A + BA + N + H = BANH - BANH

Đánh vần theo âm tiếng Việt khi chữ cái phụ âm ghép vần với những chữ khác. Thí dụ:
Đánh vần chữ BANH: A+N+H =ANH, BỜ + ANH = BANH – BANH.

Cách đánh dấu tiếng Việt
Dấu tiếng Việt rất quan trọng vì khi phát âm theo dấu sẽ làm khác hẳn nghĩa của cùng một
chữ viết không dấu. Thí dụ chữ “BA” không dấu có nghĩa là “cha”. Khi thêm dấu huyền
thành “BÀ”. thêm dấu sắc thành “BÁ”, thêm dấu hỏi thành “BẢ”, thêm dấu ngã thành “BÔ và
thêm dấu nặng thành “BẠ”.

Dấu tiếng Việt để vào đâu? Trên chữ nào?

* Theo nguyên tắc, dấu tiếng Việt phải để trên nguyên âm (chính vận). Thí dụ TÁ, MÀ, BẢ
(T, M, B là bội vận, A là chính vận đơn)
* Trường hợp có hai nguyên âm (chính vận kép), dấu sẽ để trên nguyên âm phát ra tiếng
nói hoặc trên nguyên âm ở chính giữa chữ nếu không rõ âm phát tiếng. Đây là cách để dấu
theo lối mỹ thuật của nhà in hay người trình bày bài in. Thí dụ: BUỒN, CHÁO. CỦA , HÓA,
KHỎE . Những chính vận uồn, áo, ủa do âm chính phát ra từ chữ ồ, á, ủ nên để dấu trên
các chữ này. Theo mỹ thuật, để dấu ở giữa chữ như thế cũng rất hợp lý. Đối với chữ Hóa,
chính vận óa phát âm từ chữ “á”, đáng lẽ phải để dấu trên chữ á (hoá) mới đúng. Nhưng vì
lý do mỹ thuật, để dấu ở chữ o cho cân xứng. Vậy nếu ai đánh dấu trên chữ a thành hoá
cũng không sai. Tương tự đối với chữ khỏe hay khoẻ đều đúng cả.
Trường hợp có 3 nguyên âm (chính vận đụp), dấu để trên nguyên âm chính giữa. Thí dụ:
SOÁI, TUỔI…

Cách viết tiếng Việt (Ngữ Pháp)
Tiếng Việt được viết ra bằng chữ Quốc Ngữ, nghĩa là ghép những chữ cái (nguyên âm và
phụ âm) lại với nhau mà tạo thành. Vậy CHỮ (alphabet) là những chữ cái hay gọi tắt là
CHỮ. Nhiều CHỮ tạo thành TỪ (mot, word). Nhiều TỪ tạo thành CÂU (phrase, sentence)
Nhiều CÂU tạo thành một BÀI VIẾT.

Văn phạm tiếng Việt tương đối giống văn phạm tiếng Pháp, do đó cách viết tiếng Việt cũng
giống với cách viết tiếng Pháp (do cách nói của người Việt và cũng phù họp với cách nói
của người Pháp?). Cách viết tiếng Việt khác với cách viết tiếng Hán hay tiếng Anh.
Thí dụ: Sông Hồng (tiếng Việt), Rivière rouge (tiếng Pháp), Hồng Hà (tiếng Hán), Red river
(tiếng Anh).

Cách dùng chữ i (i ngắn) và chữ Y (y dài):
Vì hai chữ i (i ngắn) và Y (y dài) phát âm giống nhau, nên thường có sự lúng túng và lẫn
lộn khi sử dụng hai chữ này.

Theo Wikipedia: “Đã có quyết định của Bộ Giáo dục Việt Nam vào năm 1984, quy định dùng
i thay cho y. Quy chuẩn này không áp dụng cho các nguyên âm đôi và nguyên âm ba, cũng
như ngoại trừ tên riêng; nhưng vẫn có hạn chế trong việc thực thi trong cuộc sống. Trường
hợp các từ có phụ âm đầu là qu, sử dụng vần y thì sẽ đúng hơn”. Wikipedia kết luận : ”y và i
có thể dùng thay cho nhau trong nhiều trường hợp”.

Không rõ “Bô Giáo Dục Việt Nam” quyết định như thế nào, nhưng sách xuất bản trong nước
ngày nay, thường dùng chữ i (i ngắn) thay cho chữ y (y dài), dù đó là tên các nhân vật lịch
sử . Thí dụ: “Lý Thường Kiệt” là một danh tướng thời Lý (y dài), nay viết là “Lí Thường Kiệt”,
nhìn vừa “lạ” mắt vừa không tôn trọng Quyết Định 1984?!

Sách Giáo Khoa - Việt Tộc Thiếu Niên Cấp II, số 2 đưa ra quy luật như sau:
• Nếu chỉ có một mình nó bao trùm chính vận, phải viết y (y dài) như Ty, By, Sy….
• Nếu đi với chữ khác mới thành chính vận được, thì chỉ có 2 loại như sau:

- Phát âm giống nhau thì phải dùng chữ i (i ngắn).Thí dụ: in, tin, tiên…(Chữ yên ngựa
đáng lẽ viết là iên ngựa mới đúng cách. Nhưng thường viết là yên ngựa. (Nhìn quen mắt mất
rồi, có nên coi đó là ngoại lệ?).
- Phát âm khác nhau, không thể thay thế chữ nọ bằng chữ kia được. Thí dụ: chính vận
úí và chính vận uý. Từ Thúi khác hẳn nghĩa với Thuý.
- Đối với chữ QUÝ phải viết là y (y dài) vì âm phát ra là “uý”. không phải “úi”.

Nhận xét và đề nghị: Có rất nhiều ngoại lệ đối với quy tắc sử dụng i và y. do “Sách Giáo
Khoa Việt Tộc” đưa ra. Thí dụ: Chữ bi (hòn bi), li (li ti), theo quy tắc trên phải viết là hòn by,
ly ty. .. ? Trên thực tế không ai viết như thế! Vì chữ i ngắn nhỏ bé, ốm yếu nhất trong bộ
chữ cái, nên dùng i ngắn đối với những chữ gợi hình nhỏ bé. thí dụ li ti, bé tí. Chữ ý là ý
kiến, nên dùng cho các chữ “lý thuyết”, “lý lẽ”, “lý luận”…

Vấn đề dùng i (i ngắn) hay y (y dài) đã được bàn luận rất nhiều từ trước đến nay. Một lần
nữa, xin đề nghị quý thầy cô giáo dạy tiếng Việt tại các Trung Tâm Việt Ngữ và quý vị làm
truyền thông, văn hóa quan tâm đến Tiếng Việt cùng góp ý kiến về vấn đề này.

Sự khác biệt giữa TR và CH
Cũng theo “Sách Giáo Khoa - Việt Tộc Thiếu Niên Cấp II, số 2”, hai chữ truyền và chuyền
đều có nghĩa là đem từ chỗ này đến chỗ khác. Nếu ý nghĩa của chữ là trừu tượng , vô hình,
thể tĩnh, thì viết là truyền. Thí dụ truyền bá tư tưởng. Còn nếu ý nghĩa của chữ là hữu hình,
cụ thể, thể động, viết là chuyền. Thí dụ chuyền banh cho nhau. Ta cũng có thể áp dụng quy
tắc này cho chữ truyện và chuyện (?)

Sự khác biệt giũa X và S
Quy tắc này được “Sách Giáo Khoa - Việt Tộc Thiếu Niên Cấp II, số 2” đề cập như sau: Ở
thể động dùng chữ S, thể tĩnh dùng chữ X. Thí dụ: NỮ SINH, XẤU XÍ.

Kết luận
Nói tiếng mẹ đẻ , nghe tiếng mẹ ru là điều tất nhiên, rất bình thường. Nếu mẹ là người Việt,
nói tiếng Việt, đứa con sinh ra đương nhiên biết nói tiếng Việt. Nhưng biết viết chữ Việt lại là
chuyện khác. Phải học mới viết được chữ Quốc Ngữ.
Xưa ta chưa có chữ viết riêng, ca dao tục ngữ được lưu truyền bằng cách truyền miệng
(truyền khẩu). Sau đó các cụ dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Nôm dùng để ghi chép nhiều
tài liệu văn chương giá trị. Vì nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam, các vị Giám Mục ngoại quốc
đã nghĩ ra cách dùng bộ chữ cái (mẫu tự) La Tinh để ký âm tiếng Việt. Đó là chữ Quốc Ngữ
mà hiện nay chúng ta đang sử dụng. Nhiều người cùng góp công sáng tạo ra chữ Quốc
Ngữ, nhưng người có công nhất là Cố Alexandre de Rhodes.
Tiếng Việt là một đơn âm. Nhờ bộ dấu riêng nên âm phát ra những tiếng nói trầm bổng rất
hay.

Chữ Quốc Ngữ rất dễ học, vì thế học nói tiếng Việt không khó. Hiện nay tiếng Việt được trên
80 triều đồng bào trong nước sử dụng và hơn 3 triệu đồng hương gốc Việt ở nhiều quốc
gia trên thế giới nói và gìn giữ .(3)

Ta có thể kết luận: “Không phân biệt chủng tộc, người nào cũng có thể viết và nói được
tiếng Việt. Ai chưa nói được tiếng Việt là vì chưa muốn học nói đấy thôi”.
Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt sẽ tặng một số Học Bổng Học Tiếng Việt.
Muốn có học hổng học tiếng Việt tại các Trung Tâm Việt Ngữ, xin vui lòng vào: www.
hungsuviet.us hoặc email về: webmasterhungsuviet@yahoo.com để biết thêm chi tiết.

Chú thích

(1) Theo GS Nghiêm Toản, có 3 cách viết chữ Nôm: (a) Dùng nguyên hình chữ Nho. (b)
Ghép 2 chữ Nho thành chữ mới (Nôm). (c) Ghép một chữ Nôm chỉ âm với một chữ Nho chỉ ý.
Muốn biết chi tiết xin mời vào:

http://e-cadao.com/Chunom/chunomvaviechocchunom.htm
hoặc:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AF_N%C3%B4m#Nh.E1.BB.AFng_c.C3.A1ch_t.E1.
BA.A1o_ch.E1.BB.AF_N.C3.B4m

(2) “Ngày 21 tháng 2 hàng năm được UNESCO tuyên bố là Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế vào
ngày 17 tháng 11 năm 1999. Ngày kỷ niệm này cũng đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
chính thức công nhận trong nghị quyết trong đó quyết định năm 2008 là Năm Ngôn ngữ
Quốc tế[1]. Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế bắt nguồn từ sự thừa nhận trên toàn thế giới Ngày
Phong trào Ngôn ngữ, tưởng niệm sự kiện diễn ra tại Bangladesh (trước đây là Đông
Pakistan) từ năm 1952, khi một số sinh viên của trường đại học Dhaka bị cảnh sát và quân
đội Pakistan giết chết tại Dhaka trong Phong trào tiếng Bengal. Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế
được các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức hàng năm tại các trụ sở UNESCO nhằm
quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ.” (nguồn: Wikipedia”).

(3) Trường học Ðài Loan mở chương trình dạy tiếng Việt

Sách tham khảo:

- Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu - Hạo Nhiên Nghiêm Toản – Nhà Xuất Bản Sống Mới.
- Sách Giáo Khoa Việt Tộc Thiếu Niên - Cấp II. Số 2 – Cơ sở Paris ấn hành
- Wikipedia và những tài liệu trên internet.

GS Song Thuận
Trầm Tư


Thơ: Cao Nguyên, Nhạc: Đỗ Quân
Hoà âm: Thanh Tùng, Trình bày: Hoàng Quân



thư anh viết vẫn giữa dòng sông nhớ
nên nặng hoài những đợt sóng cưu mang
giữa trầm tích vỡ ra lời thương cảm
tuôn theo dòng huyết lệ chảy qua thơ

những cuộc đời đi quên lời tiễn biệt
nghẹn lòng đau tha thiết biết chừng nào
mai gặp lại trăng tàn trong đáy huyệt
đèn phù du siêu độ những vì sao

vốc nắm đất phù sa bờ sông Cửu
thơm ngạt ngào mùa ngô lúa đơm bông
nhặt viên sỏi trên lưng đèo Ngoạn Mục
nghe cồng chiêng vui dạ khúc Trường Sơn

đạp sóng nước cửa sông Tiền ,sông Hậu
rộn tiếng hò theo mái đẩy duyên đưa
nghe tiếng võng vui đùa trưa tháng Hạ
thèm chùm bông so đũa bữa canh chua

chiều trầm lắng tiếng chuông chùa ngược gió
reo bồi hồi ngói vỡ nóc hoàng cung
tranh cổ sử ngựa chùn cương mạt lộ
dãy chiến bào ướt đẫm lệ chinh phu

tiếng rít rợn cửa sắt tù thế kỷ
ngợp rừng thiêng hồn theo gió vi vu
góp tất cả những hành trang hệ lụy
theo trăng về Cội Rễ để trầm tư .

Cao Nguyên


Nghe nhạc: Trầm Tư

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Bòn Bon




Hơn hai tháng nay, đi ngang chợ nào cũng có mít, gía không còn đắt như vài năm trước, mua một trái mít hơn mười ký mất tiêu 60 đồng đô Mỹ, người còn ở Việt Nam nghe thế hẳn trợn tròn mắt. Năm nay gía cả đã nhẹ nhàng hơn, dưới một đồng một cân anh (pound = 425 gr) trái mít hơn mười kg chỉ còn khoảng trên dưới hai mươi đồng. Giống như cách đây gần hai mươi năm, một trái xoài tươi gần ba đồng, đến nay một thùng sáu đến tám trái có khi cũng chỉ ba đồng, khi chợ tung ra bán hạ giá vì hàng chất trong kho bắt đầu chín rộ. Có lẽ mỗi chợ mua mão hẳn một vườn cây chăng? Mà xoài của mỗi chợ khác vị khác hiệu chẳng giống nhau, Ocean khác Đại Thành khác, Senter chẳng giống 99, Thanh Trúc - Hải Thành thùng màu vàng thùng màu tím, ngay cả các chàng Mễ bán dạo bên đường cũng bán xoài khác hiệu. Nói chung vào đúng mùa trái cây nhiệt đới, dân chúng California sung sướng thưởng thức không biết bao nhiêu thứ trái cây để kể. Nhớ ngày nào phải hồi hương lập nghiệp, xa lánh ánh đèn đô thị tập làm việc đồng áng cho biết lao động với người ta, thòm thèm ngắm bức tranh, chụp hình đĩa trái cây treo trên vách nhà dựng bằng lá dừa, có trái dưa vàng cantaloupe loại trái này Việt Nam chưa thấy bao giờ, trái kiwi, trái sơ ri một hột (cherry) mà mơ mộng có ngày được nếm xem nó chua ngọt thế nào, bây giờ chợ chất đầy mua một tặng một không thèm ăn nữa. Kiwi trái xanh chê chua không thèm ăn, phải lựa loại kiwi vàng nhập cảng từ New Zealand hơn hai đồng một trái mới chịu, đúng cái lưỡi là nguồn cơn của bao tội lỗi.
Nhìn hàng hóa nhập từ Việt Nam sang chất đầy trong tủ đá của các chợ, từ xả bằm nhuyễn đến gấc nấu xôi, khoai mì khoai mỡ, bắp luộc, chuối nấu, chuối nướng chuối xào, nói chung là người tha hương thèm thuồng vị gì, quê nhà chuyển sang đầy đủ, đùi ếch hến cồn – cua đồng ba khía không thiếu. Chỉ thiếu vị tươi, nói sao thì nói, ăn sao thì ăn điều quan trọng là phải chín cây, phải mới lưới. Nghe tin cả ký hóa chất dùng để “bảo quản không bị héo úng”, cả thùng phân hóa học tưới đến đâu nở hoa đến đấy mà ngài ngại Made in Việt Nam. Dù ngại mà thấy trái măng cụt - trái vú sữa - trái sa pô chê lần đầu trong tủ đá, cũng phải mua mang về, ăn thử xem sao là một, hai nữa khoe cho con xem cây trái của quê mình.
Hỡi ơi!

Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở - trái hết ngon khi bị bỏ phi – zờ (freezer) (sửa thơ của Hồ Dzếnh)

Trái vú sữa chẳng ra làm sao, trái sa cô chê cũng không ra sao cả và trái măng cụt thì thâm xỉ thâm xì, dạo trước trái thanh long cũng bị cho vào đông đá, để gởi sang bán cho người Việt tha hương, hẳn các trái ấy đã vật vã đã vùng vằng như các cô gái, bị cha mẹ ép gả để lấy của hồi môn thời xưa.

Và chùm trái bòn bon đã xuất hiện bên cạnh quầy tính tiền của cô hàng trong khu chợ Lee Sandwich, trái tươi hẳn hoi không bị rụng rớt chi hết, dĩ nhiên trái bòn bon bây giờ đúng nghĩa là trái Nam Trân, cái tên vương giả của Chúa Nguyễn đặt cho, khi ông dẫn quân chạy vào rừng gặp được cây bòn bon trái chín lúc lỉu, nhờ cây này mà Chúa và đoàn quân không bị chết đói. Phẩm vật tiến vua ngày xưa luôn phải có một một mâm.

Trái bòn bon trong dòn, ngoài héo
Trái thầu dầu trong héo, ngoài tươi
Em thương anh ít nói, ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng.

Theo câu ca dao trên, trái bòn bon phải heo héo bên ngoài vỏ thì bên trong mới tươi ngọt đậm đà, ai tham lam mua chùm trái to sẽ bị gạt, vì trái càng to hạt bên trong càng lớn, đang ăn ngon ngọt gặp cái hạt đắng mất cả thú, nhiều người nuốt luôn cả hột các bà nhà vườn bảo: “Ăn hột đâu có sao, thành thuốc!” nhắc đến câu thành thuốc mà thương, cây trái gì cũng có vị thuốc: lá thuốc - hoa thuốc - cây thuốc - vỏ thuốc dĩ nhiên trái cũng là thuốc, hạt cũng là thuốc. Vừa gặp anh Google mách lẻo, anh chàng Google này thuộc hàng nhiều chuyện thầy chạy hỏi một câu anh trả lời trăm câu, viết một chữ anh phóng trả ngàn chữ, người hỏi tối tăm mặt mũi như gặp khói trận đồ, ngồi dán mắt vào anh say mê nghe anh nói có đầy đủ hình ảnh phụ họa.

Công dụng thuốc và dinh dưỡng của dược sĩ Trần Việt Hưng sống tại Portland, trên trang Y Dược Ngày Nay:

http://www.yduocngaynay.com/
bài của ông viết đã được phát tán đều khắp thế giới internet, từ Việt Nam đến trăm ngàn nơi, qua bài ông viết mới hay đâu chỉ các cô các cậu thanh niên Việt Nam mới mê trái bòn bon mà rủ nhau đạp xe tìm đến các vườn cây để hái bòn bon, các cô các cậu người Phi người Thái, nhất là người Mã Lai, quê hương chính của cây bòn bon này. Cái tên gọi Bòn-bon giống tên gọi viên kẹo đường tròn xoay của Pháp nên anh Google có bảo: “Cái tên bòn bon này do một người Pháp đặt cho cây!”

Con chim vàng ảnh vàng anh
Ăn no tắm mát đậu cành dâu da
Ta thương mình, mình chẳng thương ta
Cành kiêu bổng phất, cành la đa chìm.

Nhắc đến bòn bon mà không nhắc đến trái dâu da cũng tội, những trái dâu duyên dáng nhẹ nhàng thòng từ thân cây mập mạnh, lần nào đi Lái Thiêu về cũng treo lủng lẳng trên giỏ xe, thuở mê chua hơn ngọt, mua dâu da rẻ hơn mua bòn bon, lý do trước cổng trường trung tiểu học ngày xưa bán dâu da cho học sinh mua ăn vặt, chẳng thấy bóng dáng trái bòn bon.
Trái dâu có duyên hơn trái bòn, các anh chàng “khéo ăn khéo nói” dùng trái dâu khen đôi môi em khen khuôn mặt em vì trái dâu không tròn nó hơi dài chút đỉnh, nhất là có điểm nhọn như dáng trái tim. Hai cây dâu da và cây bòn bon cũng cao to, cũng trái mọc trên thân từ trên cao xuống tận gốc, cũng là giống cây mộc trong rừng, tuổi phải hơn hai mươi mới chịu khôn lớn, “cành kiêu bổng phất, cành la đa chìm” .

Sống nhiều đi nhiều, gặp gỡ nhiều cây trái, mùa này dân chúng sống ở California, nhà nhà có trái rụng trái rơi, trái mời chim ăn, trái mang chia hàng xóm vẫn còn trĩu nặng đầy cây mà có không ít người vẫn đi tìm trái gì đó không có chung quanh. Tiềm thức bảo tìm trái dâu da chua lè chua lét, hái từ vườn mang ra bờ sông nâu đỏ mầu phù sa bóc ăn hết ruột đã lâu mà người bên cạnh kể chuyện mây nước trời trăng chưa hết, đầu lưỡi còn nhớ cả vị chua của vỏ lúc e lệ nghe người ta kể chuyện tình Roméo Juliette rồi hỏi: “Nếu tui là Roméo, bà có chịu đóng vai Juliette không?” Hình ảnh thuở 1970 một nam một nữ ngồi cách nhau cả sải tay, ở giữa là đống vỏ dâu da, không xa lắm cả đám bạn chơi đùa tiếng cười nói giòn tan đã là bao “lãng mạn – tình tứ” bốn mươi năm sau còn nhớ câu hỏi “lãng òm”

Năm xưa thầy mẹ bảo em
Chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi
Để nhà anh tới chịu lời
Ăn dâu quả ngọt ngẫm người biết ta!

Hồi ấy chỉ biết có vườn trái cây Bình Dương – Lái Thiêu, bây giờ biết thêm sông Hưng Bình Núi Ấn Lĩnh của Làng Truồi cũng là nơi trồng dâu, loại dâu tiên ngọt ngào có điểm son trên trái, điểm son là nơi ánh nắng sáng rọi thẳng vào chùm trái, tô màu thành vệt đỏ cam. Trong cả chùm hơn ba mươi quả, tìm trái dâu tiên mà ăn thì nhung nhớ cả đời.
Biết thêm bên đàng trai làng Truồi có thêm mâm dâu tiên dẫn cưới, đàng gái Làng Truồi trả quả cũng mâm dâu tiên.
Bóc vỏ quả bòn bon, mủ trắng dính tay, tìm trái heo héo không bị như thế, múi bên trong người bảo có năm múi, sao có trái chỉ mang ba múi vẫn đầy, múi xinh xắn mọng nước, ngậm tan trên lưỡi ngọt ngào.
Biết hạt là vị thuốc nên dành lại cho người yêu ăn tẩm bổ, mình thì dại chẳng thèm!
Cây bòn bon có hoa lưỡng tính cho vị ngọt thơm – dự luật số 8 đã thông qua rồi dâu da trảy vỏ thành bòn bon môi cười.

Một bài viết thật dễ thương về cây dâu Hạ Châu

Ở ĐÂY


ẤU TÍM

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Ước Mơ






Mỗi năm, vào thời điểm Tháng Tư, tôi thường đứng trước tủ sách chứa những linh hồn của chữ, để chọn đọc một quyển sách, thấp thoáng thấy có mình trong đó. Như quyển "Lịch Sử Còn Đó" của nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, hoặc quyển tự truyện "Nửa Thế Kỷ Việt Nam" của nhà văn Song Nhị vừa gởi tặng.
Dù vậy, những quyển sách chứa di chứng lịch sử chưa vội đọc, tạm xếp vào ngăn (hôm qua). Từ từ ngẫm lại những dấu chân xưa trên hành trình vượt chết và tìm sống. Đọc để vui vì thấy mình và bạn còn đứng được giữa hôm nay dưới áp lực của thời gian và những cơn lốc thế sự.
Tủ sách của tôi vốn có 3 ngăn: hôm qua, hôm nay và ngày mai. Sách trong ngăn (hôm qua), cứ nhẩn nha đọc, nhìn người cùng thời đi trong nỗi nhớ về từng biến cố vừa bi tráng vừa đau thương. Sách trong ngăn (hôm nay), đọc vào mỗi lúc tịnh yên để thấm những yêu thương cùng tận của Người và Đất trong cõi Quê Nhà. Sách trong ngăn (ngày mai), đọc với nỗi xôn xao của niềm mơ ước một Quê Hương trong tầm nhớ vào thời chưa nhận cuộc lưu vong và cả thời hưng thịnh mai sau hình thành bởi tâm huyết của thế hệ đi trước và tiếp sau.
Quyển sách tôi chọn đọc cho mùa này là "Giấc Mơ Việt Nam" của Trần Trung Đạo. Trên những nỗi đau của sông núi điêu tàn, của cảnh đời ly tán, của sự sống vượt qua ngưỡng chết bi thảm, của tàn nhẫn và vô luân của thống trị... Là bản phát thảo một quê hương Việt Nam tuyệt vời được xây dựng bằng những giấc mơ.
Lời tựa của "Giấc Mơ Việt Nam" viết ngày 2 tháng 4 năm 2003. Bảy năm qua, giấc mơ dựng lại mùa xuân trên Quê Hương còn nằm trên những trang giấy. Dù sao thì giấc mơ vẫn đẹp hơn thực tại. Mơ để thoát nỗi bi ai, mơ để tái tạo nét đẹp trên những nẻo đường Việt Nam.


Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười!
(Thơ Trần Trung Đạo)


Giấc mơ đẹp quá chừng: giấc mơ Việt Nam, giấc mơ Mẹ, giấc mơ Quê Huơng cứ quyện vào nhau làm thành một nguồn tâm huyết của thế hệ đi trước gởi về sau với bao điều ủy thác: giữ thơm Quê Mẹ.
Giấc mơ lớn quá như thơ tôi mơ làm Người Phù Đổng, mơ mặt trời vẫn mọc ở phương đông! Mơ làm Người Phù Đổng để được nhìn sự tái tạo lớn lên sau hủy diệt.
tay con, lau sậy làm cờ
tựa lưng bia đá đợi giờ ngựa bay
(Thơ Cao Nguyên)

Mơ mặt trời vẫn mọc ở phương đông để biết tính bổn thiện của con người từ khởi thủy nhân chi sơ. Hẳn nhiên là muốn nhìn những hoang tưởng xung đột chính kiến, những va chạm phù phiếm của quyền lực và danh vọng bị đốt thành tro bón đất cho mùa xanh nhân ái mọc lên tươi thắm cõi đời.

đừng khóc nữa, nằm yên nghe mẹ hát
từng khúc buồn, dòng lục bát của ba
người đã mất cả một thời khao khát
quê hương xanh với những bản tình ca
.......
yên chí ngủ con ơi, đừng hoảng sợ
rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông!
(Thơ Cao Nguyên)



Không có ước mơ, không có hiện thực.
Không có quá khứ, không có tương lai.
Không có tương lai, không có hy vọng.
Tất cả hy vọng nằm trong giấc mơ Việt Nam: Tự Do, Thanh Bình và Thịnh Vượng.
Ơi những cây bút thần có thể làm phương tiện chuyên chở tuổi trẻ thực hiện ước mơ làm Người Phù Đổng?
đêm con mơ: sông núi hồng
cha nghiêng vai gánh cánh đồng lúa xanh
(Thơ Cao Nguyên)

Hỡi nghị lực và lương tri có chịu cho tuổi trẻ mượn làm đôi hia bảy dặm lên đường thực hiện ước mơ!
này em hỡi! giữa bộn bề cuộc sống
hãy từ ta, vì khát vọng mà đi
khi yêu thương, chưa tới mùa thất sủng
thôi bâng khuâng và bớt những hoài nghi
(Thơ Cao Nguyên)

Để đi như người làm văn học:
vẫn vững bước trên hành trình nhân ái
được rọi sáng bởi đức tin chân lý
và sự hỗ trợ đắc lực hơi thở nồng nhiệt của chính mình
cho đến khi ngã xuống
dưới chân thánh giá được làm bằng chất liệu cây bút lương tri
mà họ đã nương cậy suốt đời
để thực hiện những trang sử thi!
(Lương Tri/Cao Nguyên)


Và chỉ có thế, giấc mơ Việt Nam mới thực hiện được.
Và chỉ có thế, không băn khoăn quá đỗi khi nhìn vào ngăn (hôm qua) với những tên sách: Chuông Gọi Hồn Ai, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Điệu Ru Nước Mắt, Đêm Giữa Ban Ngày, Nỗi Buồn Mặt Đất...!
Ngày mai và những giấc mơ Việt Nam đẹp hơn những gì mình có trong hôm qua và hôm nay!

md 03242010
Cao Nguyên

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Cuộc di cư của chữ nghĩa

Cuộc di cư của chữ nghĩa
Nguyễn văn Lục



Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi , chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm. Chuyến đi gian nan của nguời di cư thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất? Hình như chẳng còn ai tâm trí đâu để lưu tâm tới điều đó. Chữ được di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường? Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa?

Phải đợi đến sau ngày 30 tháng tư 1975, người ta mới có thể biết được sự còn mất này một phần nhờ so sánh chữ nghĩa giữa hai miền. Hình như cũng ít ai để ý đến cái mất, cái còn của chữ nghĩa, vì có quá nhiều cái mất cái được được lớn hơn. Cái mất lớn hơn đó để người khác lo, người viết lạm bàn về số phận chữ nghĩa người di cư sau 1954 và nếu có dịp về chữ nghĩa của người di tản.

Phần 1.- Chữ mòn theo thời gian.

Cho dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị sói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự sói mòn của thời gian . Chữ nghĩa như một vật dùng một lần thì còn ngon, nhưng dùng nhiều lần thì mòn hay cùn đi. Như cái kéo cắt mãi cũng phải cùn. Dao băm mãi cũng lụt đi. Khen đi khen lại đâm nhàm tai. Yêu nhau lắm, cắn nhau đau, hay ít ra cũng chán. đùa dai hoài đâm nhạt như nước ốc. Hình như chữ nghĩa dị ứng với cái lập đi lập lại. Tất cả những ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều : Thời gian và sự đi lập lại có thể làm sói mòn, hoen rỉ chữ nghĩa. Tâm lý con người lại ưa chuộng cái mới, cái lạ. Như trong tình yêu, dùng chữ đó với nhau lần đầu, trọng lượng của chữ nặng lắm, thấm thía lắm, cảm động lắm. Dùng lần thứ hai thấy nhẹ đi rồi. Phải tăng cường độ nghĩa bằng những chữ lắm, nhất, số một. Có khi cả bằng tay chân vẫn chưa đủ. Tăng lời thề.. Hình như vẫn hụt.

Trong văn chương, ta cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Nhất là trong lãnh vực thơ . Thơ là khơi nguồn cho sáng tạo chữ mới, văn ảnh mới, biểu tượng mới. Còn nhớ, hồi thơ Nguyên Sa xuất hiện đúng lúc khi mà cuộc di cư đã hoàn tất. Chữ nghĩa thơ của ông còn nóng hổi, thơm phức như bánh mì mới ra lò. Nhiều cô cậu, ghi ghi chép chép để dùng lại:

A'o nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc.
A'o nàng xanh, tôi mến lá sân trường.

Chữ nghĩa đó được truyền tay, đến người cuối cùng có thể chỉ là chiếc bánh mì nguội. Cứng như đá. Thật ra, thơ đó có một vài văn ảnh mới. Mới với người đọc thôi. Nguyên Sa đã gợi nguồn cảm hứng từ người tình là cô Nga ( sau này là bà Trần Bích Lan) . Có thể lúc mà thơ đó mới ra lò, đối với ông, thơ văn đó chả có ấn tượng gì nữa. Nhưng mới người cũ ta. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ suốt đời mang cái nghiệp phải sáng tạo cái mới. Sáng tạo không ngừng.

Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cành báo về cái hữu hạn của nó. Sự sợ hãi của Nguyễn Du phải chăng cũng từ đấy mà ra?
Chữ có thế vắn số nên có nhiều chữ đã trở thành chữ cổ ít ai nhắc tới. Còn nhớ, hồi mới di cư dzô Nam, người Bắc sửng sốt nhất, nghe lạ tai nhất là chữ Mã Tà. Mã tà thời tây gọi là Hiến Binh, sau này trong Nam gọi là Cảnh sát, ngoài Bắc gọi là Công An. Không biết vì lý do gì, chữ Mã tà sau khoảng hai năm gì đó, không còn nghe ai nói nữa. Cũng vậy, theo sách vở, chữ manh nghĩa là nhỏ mọn. Người đời chỉ còn nhớ váng vất khi nó đi với chữ khác như mong manh, tan manh, chiếu manh, manh áo, manh mún. Một chữ khác như chữ Khem, nghĩa là kiêng cữ. Nếu nó không cặp bạn với chữ Kiêng thì người ta không còn nhận ra nó như Kiêng khem ra nắng, ra gió. Chữ khác như chữ Lụn, nghĩa là hết, người ta cũng chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi : Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, lụn năm, lụn ngày, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt. Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn xử dụng những chữ cổ trên.
Nhưng có chết đi mới có sống lại, cái chết đi ung mầm ra cái mới. Nhờ vậy mà chữ nghĩa thay đổi và tiến bộ, mỗi ngày một đa dạng, một phong phú và chuẩn xác hơn. Thời gian đã là một nhẽ, cộng thêm dụng ý của người xử dụng chữ làm chữ nghĩa sống dở, chết dở. Từ nay, chữ có thêm nghĩa. Chữ và nghĩa. Chữ dùng giống nhau, nhưng nghĩa thì mỗi người hiểu một nghĩa. Rầy rà từ đấy mà ra.

Huyền thọai về việc xây tháp cổ Babel phải chăng là một bằng cớ báo trước về sự sa đà của ngôn ngữ, chữ nghĩa và đến cả số phận của nó nữa.

Số phận chữ nghĩa, cái sống, cái chết của nó là sống mòn, chết mòn, chết từ từ. Mỗi ngày của nó là một bước ngắn lại. Cả làng, cả nước đang dùng, vậy mà không đâu biến đi đằng nào.. Từ mòn đến là hay, nó gợi lên văn ảnh của một đồ vật mới đầu bóng loáng , sáng choang, mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn người ta. Ai ai cũng mê, cũng nói, cũng dùng. Chữ trở thành thời thượng. Càng được dùng, càng nhiều người nhắc đi nhắc lại, càng phổ biến thì cái nguy cơ mất lúc nào không hay. Chữ vẫn đó, mà nghĩa đã mất dần . Cái xe chở chữ, lúc chở chữ này, lúc khác chở chữ khác, hoặc dán nhãn hiệu khác. Nó đã chở như thế bao nhiêu chuyến, đã thay hình đổi dạng bao nhiêu lần.

Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn? Cái nào mòn trước, cái nào mòn sau? Chữ là cái chuyên chở nghĩa và một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ. Chẳng hạn , chữ cái và con. Chữ chỉ có hai, nhưng nghĩa thì nhiều lắm nên nghĩa lúc thế này, lúc thế khác. Cũng là con , nhưng con dao, con với cái, nhỏ con, con dại cái mang, con đĩ, cỏn con. Nhưng cũng không thiếu trường hợp cả hai đều mệnh yểu.

Chữ càng mòn nhanh nếu nó chuyên chở nhiều nội dung, ý hướng của người dùng. Tất cả tuỳ thuộc vào ý hướng người xử dụng.. Nhưng làm sao nắm bắt được ý hướng đó. Dĩ nhiên khó lắm. Vấn đề nay đã lây lan sang một chủ đề triết lý là : sự ngộ nhận, sự thông cảm hay sự bất lực trong việc tìm hiểu tha nhân mà các triết gia hiện sinh thường đề cập tới. Vì có dụng ý chữ nghĩa đôi lúc trở thành gian dối, lừa phỉnh và trong chính trị trở thành tuyên truyền. Một thứ bạo lực ngôn ngữ, một thứ vũ khí như con dao, khẩu súng. Chẳng hạn chử Việt gian thời Việt Minh, hay chữ tay sai Cộng Sản thời bây giờ.

Với cái nhìn nhân bản thì chữ nghĩa có một cuộc sống , có dòng sinh mệnh, có thể mất, có thể còn, trôi nổi như đời sống một người. Nhiều chữ nay đã chết, nằm chôn vùi trong nghĩa địa của các Bảo tàng hay sách cổ. Nói ra cũng ngậm ngùi.
Xin trích dẫn một số chữ nghĩa làm bằng chứng về sự mất còn này. Trong lời mở đầu báo Nam Kỳ địa phận, số đầu tiên, năm 1907 có những câu như sau
:* Bổn báo kỉnh cáo, tòa báo đã ước ao cho con nhà Annam, đua nhau tấn tài, tấn đức, thông phần đạo, ngoan việc đời… Tờ báo có ý khai đàng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho mọi bề, việc đạo việc đời đều thông thuộc.*
Xin trích dẫn một đọan khác :
* Lời rao cần kíp. Bổn báo gửi cho mỗi người hai số nhựt trình đầu hết mà xem thử, như ai bằng lòng mua thì đem ba đồng bạc đến mượn cha Sở mua dùm.. Trong một trả lời bạn đọc, chúng ta nghe thử lời rao sau đây :* Bổn báo có nhận được một mandat của một ông nào đó không đề tên, không đề địa chỉ, nhưng yêu cầu gửi báo .
Tức cười thật. Nhưng 25 năm sau, trong tờ L!Impartial viết vào ngày 20-11-1929, ta thấy lối viết đã nhẹ nhàng thông thoát hơn :

* Sự giải phóng người Annam về phương diện thương mại và kỹ thuật chỉ là một huyền thoại.

Bạn đọc thấy có nhiều chữ được xử dụng cách nay một thế kỷ đã không còn được dùng nữa như bổn báo kỉnh cáo, nhựt trình, con nhà Annam, tấn tài tấn đức, khia đằng văn minh. Nhưng có nhiều chữ vẫn được dùng cho đến ngày nay như Chữ Cha Sở và nhất là những chữ khá chuyên môn cách nay 70 năm như giải phóng, phương diện thương mại và kỹ thuật, huyền thoại vẫn còn được dùng. Nhất là chữ Huyền thoại mà người viết có cảm tưởng là nó chỉ được dùng sau này trong Triết học Tây Phương mà thôi. Hóa ra nó đã có một nguồn gốc lâu đời đến thế.

Trong những chữ bị mòn, mất đi..ở trên. Vấn đề là tìm hiểu xem, tại sao chúng không còn được dùng nữa.

Sự mất còn của một chữ trước hết là thói quen, rồi sự xói mòn, sự được dùng ít hay dùng nhiều, tính địa phương, sự sáng tạo của các nhà văn, nhà báo, dụng ý chính trị và cuối cùng là các cuộc di dân. Và đặc biệt nhất là cuộc di cư năm 1954 cũng là mục tiêu của bài viết này.

Phần 2. Cuộc di cư của chữ nghĩa.

Xem tiếp: Ở ĐÂY

Trên Con Đường Thế Hệ

Anh vẫn nhớ những con đường quê cũ
Cong theo chiều của tổ quốc yêu thương
Nghìn sao lạ sáng soi bờ liễu rũ
Thời hoa niên theo giấc mộng vô thường

Còn ở đó một quê nghèo nắng bỏng
Vết chân mòn trên những cánh đồng khô

Chiều viễn xứ anh ngồi nghe tiếng sóng
Đời mười năm chưa hết nợ giang hồ

Anh muốn hát bài ngợi ca đất nước
Sao ý tình như lạc chốn xa khơi
Đôi tay nhỏ, một tâm hồn tập bước
Làm sao anh ôm hết mộng trên đời

Thơ anh đấy vẫn sẽ buồn như thế
Vẫn một màu sương khói giữa chiều lam
Thơ anh viết cho cuộc đời dâu bể
Cho niềm đau chất chứa ở trong lòng

Anh mơ viết ngàn lời thơ tuyệt đẹp
Cho bạn bè cho tổ quốc Việt Nam
Gởi qua đấy một tấm lòng sắt thép
Trong như gương và thắm tựa hoa hồng

Anh đã nguyện đi trên đường thế hệ
Sẽ không buồn vì có các em theo
Đi đi nhé chẳng bao giờ quá trễ
Để muôn đời lịch sử tiếng thông reo.

Trần Trung Đạo

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG

Giai thoại là những chuyện hay và lạ được truyền tụng trong mọi từng lớp dân gian. Cũng như các truyện cổ tích, tiếu lâm, phong dao, tục ngữ, giai thoại cũng là sản phẩm văn nghệ tiêu biểu cho tình cảm và nếp sống của một dân tộc. Nhưng có điều khác hơn, giai thoại là những chuyện có thật, nghĩa là xuất phát từ sự thật, từ những nhân vật có tên tuổi và sự kiện rõ ràng.
Còn giai thoại văn chương là những chuyện hay, vui, lạ về văn chương, mang tính chất bổ ích trong việc xây dựng và phát triển nền văn học nói riêng và tinh thần dân tộc nói chung.
Qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, kho tàng văn học ta có rất nhiều giai thoại văn chương.
Trong khuôn khổ bài này, người viết xin kể lại một vài giai thoại văn chương tiêu biểu hầu cống hiến quý độc giả để “Mua vui cũng được một vài trống canh” trong những ngày trên đất khách quê người:

Bài thơ con cóc
Nói đến đề tựa này, chắc hẳn chúng ta không ai quên bài thơ trong truyện tiếu lâm chế giễu mấy nhà thơ nọ khi thấy một con cóc bèn cùng nhau làm một bài tức cảnh:
Con cóc trong hang,
Con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra,

Con cóc ngồi đó.
Con cóc ngồi đó,
Con cóc nhảy đi...

Và bài vịnh “Con Cóc” sau đây của vua Lê Thánh Tôn nói lên cái khẩu khí của một vì thiên tử:
Bác mẹ sinh ra mặc áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng nuốt ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

Đọc bài thơ trên ta thấy tức cười, đọc bài vịnh dưới ta thấy cảm phục. Nhưng cảm phục lẫn tức cười chưa lấy gì bằng bài thơ “Con Cóc” sau đây của 4 vị quan nghè đời Tây Sơn.
Chuyện kể rằng sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, triều đình có tổ chức một cuộc lễ khao quân để mừng các tướng sĩ thắng trận. Trong số đình thần có bốn ông tiến sĩ xin làm một bài thơ ca tụng chiến công của nhà vua. Ý kiến tâu lên được nhà vua chấp thuận nhưng đầu đề và vần phải do nhà vua chọn. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, nhà vua bèn ra đầu đề “Con Cóc” và lấy vần “Bàm”. Ra đầu đề và vần xong, nhà vua lại bắt buộc tất cả bốn ông tiến sĩ phải đứng xếp hàng một, mỗi ông làm một câu, hễ ông trước làm xong bước lên thềm thì ông sau phải ứng khẩu tiếp ngay, nếu bài thơ không thành, mỗi ông sẽ bị phạt uống một tô rượu.
Bốn ông nghè bắt đầu làm, ông thứ nhất khởi đọc:
Nghiến răng lừng biển Bắc,
Ông thứ hai tiếp theo:
Tắc lưỡi dậy trời Nam.
Hay! Hay! Hai câu này thật là hay, đúng là con cóc lại ngụ ý nói lên được cái chiến công oanh liệt của vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long do vua Chiêu Thống dẫn đường sang và đánh chìm 500 chiến thuyền của quân Xiêm ở miền Nam do chúa Nguyễn Ánh cầu viện về. Kể ra không kém gì câu: “Chép miệng nuốt ba con kiến gió. Nghiến răng chuyển động bốn phương trời” của vua Lê Thánh Tôn.
Nhưng đến ông thứ ba mới là khổ! Phải làm sao cho ông thứ tư còn lấy được vần “Bàm”, nếu không, mang danh là tiến sĩ mà để bị phạt uống một tô rượu thì nhục lắm. Bởi nghĩ thế nên ông ta mới buộc lòng ứng khẩu đọc tiếp:
Ấy nó là con cóc,
Thế rồi ông thứ tư đọc luôn:
Chẳng phải quả bàm bàm.

Khi đọc xong, nhà vua và các quan văn võ ai nấy cũng đều cười muốn vỡ hội trường:
Nghiến răng lừng biển Bắc,
Tắc lưỡi dậy trời Nam.
Ấy nó là con cóc,
Chẳng phải quả bàm bàm.

Thật ra, hai ông sau không phải là kém tài hay làm thơ dở mà chính đó mới là hay, là sát nghĩa vì cái “dễ làm” thì hai ông trên đã “hứng” mất rồi. Cái khó là làm sao phải gieo được vần
“Bàm” mà không bị khổ độc, nên hai ông tiến sĩ sau đành phải ứng khẩu một cách “nôm na” như vậy.
Sao mày đối thiếu một chữ?
Trong các bậc văn nhân tiền bối nước ta như các cụ Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, bà Đoàn Thị Điểm đều nổi tiếng thông minh, văn hay chữ tốt khi còn nhỏ và làm cho mọi người nể phục.
Nhưng kỳ lạ hơn hết, thật không ai bằng cụ Trạng Vũ Công Duệ, người làng Trình Xá, tỉnh Sơn Tây, mới ngoài 20 tuổi đã đỗ Trạng Nguyên làm quan đến chức Đô Ngự Sử cuối đời nhà Lê. Tính khí của cụ rất cương trực khiến các quan văn võ đều nể sợ. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, cụ cương quyết không theo phe nghịch thần, cụ mắng chửi Mạc Đăng Dung thậm tệ rồi ôm ấn nhảy xuống cửa thần phù tự tử chết.
Thuở nhỏ Công Duệ nhà rất nghèo, một hôm cùng mấy bạn đồng lớp trên đường đi học, Công Duệ lấy đất sét nặn thành con voi, bắt bốn con cua làm chân, bắt hai con bướm làm tai, bắt một con đỉa làm vòi. Thành ra con voi bằng đất sét biết đi, biết vẫy tai và co vòi lên xuống.
Lúc đó một vị quan đang cưỡi ngựa đi qua thấy lạ liền dừng ngựa lại xem. Sau khi hỏi Công Duệ một vài câu, thấy Công Duệ đối đáp trôi chảy chứng tỏ là một đứa bé có học và thông minh nên vị quan muốn thử tài mới bảo:
- Mày đã đi học rồi, vậy ta ra cho câu đối, nếu mày đối được ta sẽ thưởng tiền cho.
Công Duệ đồng ý và vị quan ra câu đối như sau:
- Đồng tử lục thất nhân, vô như nhĩ sảo
(Trẻ nít sáu bảy đứa, không ai hơn mày khéo)
Trước khi đối, Công Duệ hỏi vị quan:
- Thế ông là gì đã?

Vị quan trả lời:
-Ta là Lang Trung, mỗi tháng lãnh hai ngàn thạch lúa.
Quan nói xong, Công Duệ liền ứng khẩu đối:
- Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công...
(Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông...)
Nghe Công Duệ đối như thế, vị quan ngạc nhiên mới hỏi:
-Tại sao mày đối thiếu một chữ?
Cậu bé Công Duệ mỉm cười, trả lời một cách hóm hỉnh:
- Còn một chữ nữa tôi để dành, hễ quan lớn thưởng tiền thật thì tôi đối là “Liêm”, bằng không thì tôi đối là “Tham”.
Vị quan nghe nói phải phục tài bèn móc túi lấy tiền thưởng cho cậu bé Công Duệ để lấy được chữ “Liêm”, nên câu đối thành:
Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm.
(Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông liêm)

“Nói láo” qua thi phú
“Nói láo” là đặt điều, là bịa ra mà nói, là nói điều không đúng sự thật, và nói láo là một sự xấu.
Ngày xưa, bầy tôi nói láo với vua là mang trọng tội. Chiếu theo luật pháp của các triều đại phong kiến, nói láo với vua là mang tội “khi quân” có thệ bị xử trảm. Thế nhưng trong kho tàng văn chương ta có kẻ dám nói láo với vua và chẳng những không bị tội mà còn được nhà vua ban thưởng như giai thọai sau đây:
Số là, ông Đinh Nhật Thận hiệu Bạch Mao Am, sinh năm 1815, và mất năm 1860, người làng Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông thi đỗ Đình Nguyên Khoa Mậu Tuất năm Minh Mạng thứ 19, tức vào năm 1838 dương lịch. Ông được bổ làm quan ít lâu thì chán cảnh hoạn trường nên cáo quan về sinh sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc.
Ông Đinh Nhật Thận là bạn thân của nhà thơ “ngông” Cao Bá Quát, vì thế đến đời vua Tự Đức ông bị bắt giải về kinh vì bị tình nghi có nhúng tay vào vụ Cao Bá Quát khởi loạn. Nhưng vì không có bằng chứng nên được tha. Vua Tự Đức mến tài ông nên giữ ông ở lại kinh đô để dạy cho các tôn thất học.
Khi ở kinh thành, một hôm ông cùng các quan đại thần được theo ngự thuyền ngoạn cảnh trên sông Hương, nhân lúc vua và các quan đàm luận về đạo đức thánh hiền, ông có nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu” (Vua khiến tôi chết, tôi không chết không trung; cha khiến con chết, con không chết không hiếu) và cho đó là một câu chí lý mà mọi người phải theo.
Nghe ông nói vậy, vua Tự Đức mới phán:
- Thế bây giờ trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này mà chết đi, khanh có làm không?
Nghe nhà vua phán, các quan ai nấy đều lo cho số phận của ông vì không nhảy thì mang tội bất trung còn nhảy thì chết một cách oan uổng. Thế nhưng ông vẫn bình tĩnh, lạy tạ nhà vua xong rồi lao mình xuống sông Hương. Giòng nước bắn tung tóe, mọi người đều nghĩ đây là nơi an giấc nghìn thu của ông Đinh Nhật Thận. Thế là kết liễu một đời tài hoa không tội lỗi...
Nhưng chỉ giây lát sau, hết dưỡng khí, bị ngộp thở, ông ngoi đầu lên bơi đến bám vào ngự thuyền. Vua Tự Đức thấy vậy bèn hỏi:
- Sao khanh không ở dưới đó mà chết đi còn trở lên đây?
Ông đáp:
- Thần định ở nhưng vừa xuống tới đáy sông thì gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần bằng hai câu thơ như sau:
“Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn!
Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà?”
(Ta gặp vua ngu phải chịu chết oan đã đành, còn người gặp vì vua sáng suốt cớ sao lại chết đuối?)
Thần nghe ông ấy mắng đúng lắm nên phải lên đây tâu bệ hạ rõ.
Vua Tự Đức nghe qua cả cười, sai thị vệ đón ông lên ngự thuyền, lấy quần áo cho thay, rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng. Thưởng cho cái tài ứng phó mẫn tiệp mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, tức là nói láo.
Đó là nói láo đấy, nhưng nói láo mà nhà vua phải khen, các quan phải phục và người đời sau ca tụng mãi mãi. Lối nói láo đó không làm hại gì ai mà trái lại còn tô điểm cho kho tàng văn học thêm phong phú. Ở đời đã mấy ai không nói láo, nhưng đã có mấy ai nói láo có nghệ thuật để thiên hạ biết mình nói láo mà vẫn nghe, vẫn phục và vẫn có thiện cảm!

Dùng Truyện Kiều điều khiển trâu
Giai thoại truyền tụng rằng có anh thư sinh nọ quanh năm học ở tỉnh thành, nhân dịp năm cũ sắp hết được nghỉ học nên về quê ăn Tết. Đi qua một cánh đồng thấy mấy cô thôn nữ đang cho trâu ăn vừa cười đùa vui vẻ, chàng thư sinh liền tẻ vào đến làm quen. Thấy anh chàng thư sinh lững thững tiến đến, một cô trong bọn liền ngâm một câu Kiều:
“Trông chừng thấy một văn nhân...”
Rồi cô bỏ lửng, chàng thư sinh hí hửng, vuốt vạt áo the đứng ngóng nghe câu tiếp theo. Chợt một cô khác cất giọng:
“Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”
Tưởng mình được mấy cô ví là Kim Trọng không dè các cô cắc cớ lại ví mình với Mã Giám Sinh nên anh ta vừa thẹn vừa tức. Tuy nhiên thấy các cô xinh xinh lại ngâm Kiều mà Kiều là sở trường của mình, anh chàng liền lên mặt thách thức:
- Chà, các cô thuộc truyện Kiều lắm đấy nhỉ?
Một cô nhanh nhẩu đáp:
- Chúng em quê mùa, ít học đâu dám khoe tài. Còn anh chắc giỏi Kiều lắm nên mới hỏi thế chứ gì? Vậy nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con trâu đang đi ở chỗ kia đứng lại dùm tụi em xem nào.
Chàng thư sinh hơi chột dạ, tự nhủ: “Chết chửa, xưa nay mình có dùng Kiều để điều khiển trâu bao giờ đâu?” Tuy thế anh ta cũng tìm được hai câu Kiều và tin chắc rằng sẽ điều khiển con trâu đứng lại nên anh chàng mạnh dạn đọc:
“Tần ngần “đứng” suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.”
Anh ta cố ý đọc to chữ “đứng” để con trâu đứng lại nhưng con trâu vẫn lững thững bước đi khiến các cô cười ầm. Tưởng con trâu chưa nghe, anh lại đọc hai câu khác:
“Trong vòng tên đá bời bời,
Thấy Từ còn “đứng” giữa trời trơ trơ”
Lần này anh thư sinh hét to chữ “đứng” nhưng con trâu vẫn tiếp tục đi.
Một cô liền nói:
 Thôi, anh chả bảo nó được đâu, để em bảo dùm cho. Đoạn cô ngâm:
“Họ”Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.”

Cô đọc to và kéo dái chữ “Họ”,quả nhiên con trâu đứng lại ngay. Kế đó, một cô khác lại thách:
Bây giờ đố anh bảo con trâu đi rẽ sang phải đấy?
Bị “xệ” quá, muốn gỡ thẹn, anh thư sinh liền đọc luôn:
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
Chàng “đi” thiếp cũng một lòng xin “đi”.
Chàng thư sinh nhấn mạnh hai tiếng “đi”, con trâu đi thật nhưng lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ bên phải. Anh ta bèn chạy theo con trâu đọc lại lần nữa như nó cũng cứ đi thẳng.
Chợt nhớ ra một câu khác, tin chắc lần này thế nào cũng có kết quả, anh chàng dõng dạc ngâm:
“Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.
Chàng ta cố ý kéo dài chữ “rẽ”, nhưng con trâu vẫn chậm rãi đi thẳng khiến các cô lại ôm bụng cười một lần nữa. Anh chàng tiu nghỉu, thẹn tím cả mặt. Bấy giờ một cô trong bọn mới cất giọng ngâm:
“Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong “vắt” thấy gì nữa đâu.”
Cô nhấn mạnh chữ “vắt”, quả nhiên con trâu ngoan ngoản rẽ sang bên phải. Tiếng “họ” và tiếng “vắt” là những tiếng mà người miền quê dùng để điều khiển trâu bò, “họ” là đứng lại, còn “vắt” là rẽ sang phải.

LÊ THƯƠNG
(Richmond, Virginia - 04-2007)

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010




Văn bản đúc chữ nổi gắn trên bệ ciment nơi Công Viên Anh Hùng:
1 -
King Hùng (2879 B.C.)

According to legend, Kinh Dương Vương came to power in 2879 B.C.,
founded Hồng Bàng Dynasty, and became the King of Bách Việt regions.
His son Lạc Long Quân married Âu Cơ, they had one hundred children who
were all male. Because the parents belonged to different realms, they
separated. The father took fifty sons to the ocean, while the mother took
fifty sons to the mountain. The eldest son was the first king of eighteen
different Hùng Vươngs, or Hùng Kings. The First Hùng King who founded
Văn Lang country (now Việt Nam), was named Quốc Tổ Hùng Vương.

Quốc Tổ Hùng Vương (2879 B.C.)

Theo truyền thuyết, Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Kinh Dương Vương làm vua nước
Xích Quỷ (khoảng 2879 B.C.). Vua kết duyên với Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Sau Lạc
Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách
Việt. Lớn lên, 50 con theo cha xuống bể Nam Hải và 50 con theo
mẹ lên núi. Con trưởng lên làm vua là Hùng Vương Thứ Nhất, lập ra
nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ), truyền được 18 đời
thuộc họ Hồng Bàng. Dân tộc Việt tôn vinh Hùng Vương là Quốc Tổ.
Công Đức: Vua Hùng có công dựng nước, chia Văn Lang thành 15
bộ và đặt ra Lạc Hầu (tướng văn), Lạc Tướng (tướng võ), Quan Lang
(hoàng tử), Mỵ Nương (công chúa) và Bồ Chính (chức quan nhỏ), quyền
chính trị cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Dân nước Văn Lang thuộc
tộc Lạc Việt, hào hùng, bất khuất và luôn đề cao tinh thần nhân bản.
Đền thờ: Trên núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ Bắc Việt và tại nhiều nơi khác.
Ngày Kỷ Niệm: Hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch

2 -
The Trưng Sisters (40 – 43)

The Trưng Sisters, Trưng Trắc and Trưng Nhị, were General Lạc’ s daughters
from Mê Linh. They were the first female Vietnamese leaders in the first century, who
successfully fought Chinese oppression when Giao Chỉ was under the Hán Empire. By the
year 40 A.D., Tô Định - a cruel ruler to the Viet people, killed her husband, Thi Sách. Trưng
Trắc along with her sister Trưng Nhị, led an uprising and successfully captured 65 citadels
from the Chinese and liberated four Counties: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Tô
Định was forced to escape, and Trưng Sisters declared themselves queens. The Hán
emperor then sent Mã Viện with a large army to fight the Trưng Sisters. Defeated by Mã
Viện and the massive Chinese army, the Trưng Sisters drowned themselves in the Hát River
(43 A.D.). The Trưng Sisters are now regarded as Vietnamese national heroines.

Trưng Nữ Vương (40 – 43)

Hai chị em Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái quan Lạc Tướng ở huyện
Mê Linh (Phúc Yên). Bà Trưng Trắc là vợ ông Thi Sách người quận Chu
Diên (Vĩnh Yên).
Công Đức: Năm Giáp Ngọ (34), nhà Đông Hán cử Tô Định làm Thái Thú
quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, tham lam nên lòng dân rất
oán giận. Năm Canh Tý (40), Tô Định giết ông Thi Sách. Hai Bà Trưng
khởi nghĩa, đem quân đánh đuổi Tô Định, hạ được 65 thành trì và thu hồi
4 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố (Quảng Đông). Hai
Bà Trưng lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh. Năm Quý Mão (43) Nhà Hán sai Mã Viện đem
quân sang xâm lăng, hai Bà yếu thế phải nhẩy xuống sông Hát tuẫn tiết. Trưng Nữ Vương
chính là những vị nữ anh hùng đã thu hồi Độc Lập, Tự Chủ cho dân tộc Việt thời Bắc thuộc.
Đền thờ: Đồng Nhân (Hà Nội), Hát Môn (Sơn Tây), Hạ Lôi (Vĩnh Phúc)
và nhiều nơi khác.
Ngày Kỷ Niệm: Hàng năm vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch.

3 -
General Trần Hưng Đạo (1226 - 1300)


Trần Hưng Đạo, born as Trần Quốc Tuấn, was a military Grand Commander
of Đại Việt (old Vietnam) during the Trần Dynasty. He commanded the
Đại Việt armies and turned back three major Yuan invasions in the 13th
century. His victories over the Mongol troops under Kublai Khan (Genghis
Khan’s grandson) in the 13th century are considered as some of the greatest
battles in warfare history. General Trần Hưng Đạo’s military brilliance and
prowess are reflected in his many feats in warfare, and he is known as one
of Vietnam’s most revered generals.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300)

Húy là Trần Quốc Tuấn, người làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc
tỉnh Nam Định), là con trai thứ của An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Hưng
Đạo sinh năm 1226, được phong là Hưng Đạo Đại Vương, mất ngày 20
tháng tám năm Canh Tí (1300), thọ 74 tuổi.
Công Đức: Trần Hưng Đạo có công đánh đuổi quân Nguyên Mông, hung
bạo nhất thế giới vào thế kỷ 13. Quân Nguyên xâm lăng nước Đại Việt 3
lần, đều bị quân Hưng Đạo Đại Vương đánh tan. Trận đánh nổi tiếng trên
sông Bạch Đằng, lợi dụng thủy triều, dùng cọc nhọn cắm ngầm dưới lòng sông để đánh tan
quân Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi (thế kỷ 10, Ngô Quyền đã dùng kế này
tiêu diệt quân Nam Hán). Trần Hưng Đạo còn là một nhà quân sự đại tài,
nổi danh trên thế giới. Tác phẩm của ngài: Hịch Tướng Sĩ, Binh Thư Yếu
Lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
Đền Thờ: Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương. Làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định và
nhiều nơi khác.
Ngày Kỷ Niệm: Hàng năm vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.

4 -
Emperor Lê Lợi (1385-1433)

Lê Lợi was born in 1385 in Lam Sơn village, Thanh Hóa province. He was an Emperor of
Vietnam and a founder of the Later Lê Dynasty. Lê Lợi was among the most famous figures
from the medieval period of Vietnamese history and considered one of the greatest
Vietnamese heroes. In 1407, Đại Việt was invaded by the Ming Dynasty. In 1418, Lê Lợi
fought against the Ming, and declared himself as the “Pacifying King” (Bình Định Vương).
After fighting the Ming troops for ten years, he succeeded
in driving out the powerful Ming Dynasty. In 1428, Lê Lợi took the throne
and declared himself Emperor of Đại Việt. He ruled for five years until he
passed away at the age of 48.

Bình Định Vương Lê Lợi (1385-1433)

Ngài sinh năm 1385, người làng Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xuất thân từ
nghề nông, giàu có, tính hào sảng, có chí lớn, kết nạp được nhiều hào
kiệt bốn phương, nổi danh nhất là Nguyễn Trãi (với bài hịch “Bình Ngô Đại
Cáo”). Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, cùng với một số
tướng lãnh phất cờ khởi nghĩa ở núi Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh. Năm
Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi, đế hiệu là Lê Thái Tổ (1428 -1433), đóng đô ở Đông Kinh
(Hà Nội), giữ quốc hiệu là Đại Việt, làm vua 5 năm thì mất (22 tháng 8 âm Lịch - 1433), thọ
48 tuổi.
Công Đức: Bình Định Vương Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, gian
khổ hơn mười năm mới giành lại được nền độc lập cho nước nhà. Đã có
lần ngài bị quân Minh vây khốn, phải nhờ Lê Lai hy sinh, liều mình cứu
chúa. Lê Lợi là một vị anh hùng dân tộc, có công cứu nước Nam ra khỏi
vòng nô lệ của nhà Minh.
Đền thờ: Điện Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày Kỷ Niệm: Hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch.

5 -
Emperor Nguyễn Huệ (1753-1792)

Nguyễn Huệ, also known as Emperor Quang Trung was born in 1753,
in Bình Định province. He was one of the most successful military
commanders in Vietnamese history. In 1788, Emperor Qing sent about 200,000
troops with Tôn Sĩ Nghị to fight against Đại Việt in order to regain the throne for a previous
king, Lê Chiêu Thống. Nguyễn Huệ gathered Vietnamese forces around Thăng
Long (Hà Nội). In a period of five days, Nguyễn Huệ and his forces defeated
the Chinese troops who retreated back to China. He was in power for four years until he
passed away in 1792 at the age of 39.

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (1753-1792)

Ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa ở Qui Nhơn. Nguyễn Huệ là em út
sinh năm 1753. Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Nguyễn Huệ có
tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh, giỏi
chiến đấu... Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế năm 1788, lấy hiệu là Quang
Trung, mất năm 1792 thọ 39 tuổi.
Công Đức: Vua Quang Trung (1788 -1792) là một anh hùng xuất chúng, có
tài điều binh, khiển tướng, tốc chiến tốc thắng, đánh đuổi 200 ngàn quân
Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh sang chiếm Thăng Long. Trận chiến
thắng Đống Đa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) làm người Việt Nam thật
hãnh diện. Vua Quang Trung cũng đã từng đánh tan 20 ngàn quân Xiêm
tại Rạch Gầm, Soài Mút và đem quân ra Bắc diệt Trịnh phò Lê, mở đầu
cuộc thống nhất đất nước sau này.
Đền Thờ: Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ngày Kỷ Niệm: Hàng năm vào ngày 5 tháng 1 âm lịch.

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Lương Tri




(Thân kính gởi
những người làm công cho chính mình
trên hành trình văn học)



người làm văn học đi xuyên đêm
bất chấp thời gian là mùa nào
bất chấp không gian đang là đâu
họ âm thầm đi xuôi ngược
quá khứ - hiện tại - tương lai
hành trang chỉ là chữ nghĩa
đôi lúc nhẹ hều, đôi khi nặng trĩu
cứ phóng đi, hướng tới
theo cách nhìn, cách nghĩ khách quan
về chất bi, chất tráng
về cả những hành xử thô bạo
của những kẻ nhân danh đồng chủng
nhân danh đất và nước
để hoàn thành mưu đồ thụ hưởng
để vênh váo cái ta trong vũ trụ người...

người làm văn học
cần lọc bỏ hết những vẫn đục phù danh
những cạnh tranh phù phiếm
những đàng điếm ngôn từ
để lấy ra chất tinh túy của tâm văn và chính sử!

người làm văn học
kẻ làm công cho chính mình
để trả ơn nơi sinh thành chữ nghĩa
để cung cấp thức ăn tri thức cho người
cung cấp nước uống cho những con tim khao khát tự do,
bác ái và nhân quyền
họ đi nương tựa vào cây bút dấn thân
và hào khí làm áo khoác
cho một niệm thân khổ hạnh
vì tình, vì đời, vì những yêu thương
cần sự tồn tại của đạo lý
và tính nhân bản cuộc đời!

người làm văn học
không cần những phù điêu của dị ngôn
họ chỉ cần tự do tìm sự thật
từ hai mặt của những con chữ
sau lớp hóa trang phù phiếm bụi trần
sau những hào quang của những vinh danh tự tạo
trong ba chiều không gian ngụy trá
và thời gian mê hoặc giáo điều!

dẫu nặng nhọc, dẫu khó khăn
người làm văn học vẫn vững bước trên hành trình nhân ái
được rọi sáng bởi đức tin chân lý
và sự hổ trợ đắc lực của hơi thở nồng nhiệt chính mình
cho đến khi ngã xuống
dưới chân thánh giá được làm bằng chất liệu cây bút lương tri
mà họ đã nương cậy suốt đời
để thực hiện những trang sử thi!

Cao Nguyên

Phù Đổng Thiên Vương




Chuyện Phù Đổng Thiên Vương

Chuyện xẩy ra vào đời Hùng Vương thứ 6, khi đó giặc Ân rất cường bạo và hung hãn,
xâm lăng nước Văn Lang. Quân tướng ta đều thua trận.

Vua Hùng và các quan rất lo sợ, mới truyền lệnh khắp nước tìm người tài giỏi để
giúp vua đánh giặc. Tại làng Phù Đổng, có cậu bé lên ba mà chưa biết nói. Khi nghe được lời truyền của vua,cậu bé liền nói được và nhờ sứ giả tâu vua cho đúc ngựa sắt cùng roi sắt để đi đánh giặc.
Khi ngựa và roi sắt đúc xong, cậu bé vươn vai trở thành một thanh niên cao lớn,
cưỡi ngựa cầm roi đi đánh đuổi giặc Ân.
Giặc tan, cậu bé cũng biến mất trên núi Sóc Sơn. Vua biết ơn, cho lập đền thờ ở
làng Phù Đổng,và phong là Phù Đổng Thiên Vương.

Lịch Sử Việt Nam

Tóm tắt
Lịch Sử Việt Nam
(từ thời Hồng Bàng đến 2009)


Nước Việt Nam thuộc về phía đông nam Á châu, là một dải non sông dài và hẹp ở miền
Trung, rộng hai đầu Nam Bắc giống hình chữ S, bắc giáp Trung Hoa, tây giáp Lào và
Campuchia, đông và nam giáp biển Đông.

Dân tộc Việt đa số thống nhất về chủng tộc, tiếng nói và phong tục tập quán.

Theo truyền thuyết, nước Việt Nam xưa bao gồm vùng đất Ngũ Lĩnh, phía nam nước Tàu
từ Động Đình Hồ tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành, miền Trung Việt Nam ngày nay) nên gọi
là Lĩnh Nam. Sau có nhiều tộc Việt đến sinh sống ở Lĩnh Nam, vì thế còn gọi là đất Bách
Việt.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm.

Họ Hồng Bàng mở nước từ năm 2879 trước CN, do Kinh Dương Vương trị vì rồi truyền
ngôi cho Lạc Long Quân và 18 đời vua Hùng. Các vị vua Hùng đóng đô ở Phong Châu
(Bắc Việt ngày nay), đặt tên nước là Văn Lang.

Thời vua Hùng có những chuyện cổ tích truyền miệng như “Phù Đổng Thiên Vương phá
giặc Ân”, “Bánh chưng bánh dày”, “Sơn tinh Thủy tinh” v…v…

Năm 257 tr. CN, Thục Phán đánh bại vua Hùng thứ 18, lên làm vua, hiệu An Dương
Vương lập ra nhà Thục và đặt tên nước là Âu Lạc, kéo dài 50 năm.

Năm 207 tr. CN, Triệu Đà phản lại nhà Tần, chiếm đất Bách Việt, lên làm vua tức Triệu Vũ
Đế, thành lập nước Nam Việt độc lập với nhà Hán. Nhà Triệu truyền được 5 đời kéo dài
96 năm.

Năm 111 trước CN, nhà Tây Hán (Tiền Hán) xâm lăng và tiêu diệt nước Nam Việt, chia ra 9
quận để cai trị.

Đây là thời kỳ Bắc thuộc lần Thứ Nhất (111 tr. CN – năm 39), kéo dài 150 năm.

Năm 40, Hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị vì nợ nước thù nhà đã khởi nghĩa đánh
đuổi thái thú Tô Định về Tàu, thu lại 4 quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và
65 thành, lên làm vua tức Trưng Nữ Vương (40-43), được 3 năm thì bị nhà Đông Hán sai
Mã Viện sang xâm lăng. Hai Bà Trưng phải nhẩy xuống sông Hát tuẫn tiết.

Đây là thời kỳ Bắc thuộc lần Thứ Hai (43-544) kéo dài 501 năm.

Trong thời kỳ này có sự nổi dậy của Bà Triệu Thị Trinh ở Thanh Hóa đánh nhau với
quân Đông Ngô do thứ sử Lục Dận chỉ huy. Bà Triệu đã hy sinh năm 23 tuổi.

Nhà Đông Ngô đô hộ nước ta rất tàn ác, chia cắt nước Nam Việt thành Quảng Châu và
Giao Châu (Giao Châu gồm 4 quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam).
Năm 544 Lý Bôn nổi lên đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương về Tàu (Đông Ngô -
Tấn - Tống - Tề - Lương), lên làm vua tức Lý Nam Đế (544-548) lập ra nhà Tiền Lý (544-
602), đặt tên nước là Vạn Xuân. Trong thời kỳ này có Triệu Quang Phục (Dạ Trạch
Vương) đánh đuổi Trần Bá Tiên của nhà Lương, lên nối ngôi nhà Lý tức Triệu Việt Vương
(549-571). Sau Lý Phật Tử giành được ngôi của Triệu Việt Vương trở thành Hậu Lý
Nam Đế (571-602), nhưng đến năm 602 phải đầu hàng nhà Tùy (Nhà Tùy thống nhất
được Nam Bắc nước Tàu thời đó).

Đây là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3 (603-939).

Trong thời kỳ này có các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687), Mai Hắc
Đế (722), Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (791) và họ Khúc dấy nghiệp ở Giao Châu
gồm có Khúc Thừa Dụ (900-907), Khúc Hạo (907-917), Khúc Thừa Mỹ (917-923). ..

Năm 939, Ngô Vương Quyền dùng mưu cắm cọc bọc sắt trên sông Bạch Đằng phá tan
quân Nam Hán, bắt được thái tử Hoằng Tháo của Nam Hán giết đi rồi xưng Vương, mở ra
kỷ nguyên tự chủ từ đó.

Tổng cộng 3 thời kỳ Bắc thuộc là 989 năm.

Ngô Quyền (939-944) chỉ xưng Vương, truyền 2 đời dài 26 năm.

Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 Sứ quân, lên làm vua tức Đinh Tiên Hoàng (968-979),
lập ra nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, truyền 2 đời dài 12 năm.

Năm 980 Lê Hoàn tức Lê Đại Hành (980-1005) lên ngôi, đánh Tống Bình Chiêm, lập ra
nhà Tiền Lê, truyền 3 đời, dài 29 năm.

Năm 1010 Lý Công Uẩn lên ngôi tức Lý Thái Tổ (1010-1028), lập ra nhà Lý, đóng đô ở
Thăng Long, truyền 9 đời , dài 216 năm. Nhà Lý có danh tướng Lý Thường Kiệt (1019-
1105) và nhiều tướng tài đánh Tống bình Chiêm làm vẻ vang dân Việt. Vua Lý Thánh
Tông (1054-1072) đổi tên nước là Đại Việt.

Năm 1225 Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (1225-1258), lập ra nhà Trần truyền
được 13 đời, kéo dài 175 năm. Nhà Trần có danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc
Tuấn và rất nhiều danh tướng đã phá tan quân Nguyên Mông 3 lần xâm lăng Đại Việt.
Chiến thắng Bạch Đằng Giang một lần nữa làm quân thù phương Bắc khiếp vía, rửa
được mối nhục gần ngàn năm bị đô hộ.

Năm 1400, Hồ Quý Ly lên làm vua lập ra nhà Hồ chỉ được 7 năm thì bị giặc Minh xâm lăng,
đô hộ Việt Nam thêm 13 năm (1414-1427). Đây là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 4.

Năm 1428 Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi tức Lê Thái Tổ (1428-
1433) lập ra nhà Hậu Lê truyền 27 đời kéo dài 160 năm. Thời nhà Hậu Lê có danh nhân
Nguyễn Trãi (1380-1442) và rất nhiều tướng tài giúp vua Lê Lợi đánh giặc xâm lược,
giành lại đất nước Đại Việt.

Sau nhà Lê, đến thời nhà Mạc (1527-1592) truyền được 8 đời, dài 65 năm ở kinh thành
và 85 năm ở vùng Cao Bằng.

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chia nước Việt thành Đàng Trong (Nam) và Đàng
Ngoài (Bắc), lấy sông Gianh làm ranh giới.

Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) ở Đàng Trong và các chúa Nguyễn nối tiếp có công
mở đất miền Nam rộng tới mũi Cà Mâu.

Năm 1788 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi tức Quang Trung Hoàng Đế (1788-
1792) đánh đuổi giặc Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào mùa xuân 1789, mở đầu cho
thời kỳ độc lập và xóa bỏ lằn ranh phân chia Nam Bắc.

Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long tức Nguyễn Thế Tổ (1802-1819)
lập ra nhà Nguyễn, thống nhất Việt Nam, truyền 12 đời kéo dài 143 năm. Nhà Nguyễn chỉ
giữ được nền độc lập từ 1802 đến 1883 kéo dài 81 năm. Từ 1883 đến 1945 là thời kỳ
Pháp đô hộ, dài 62 năm.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, có nhiều tổ chức, phong trào, đảng phái và anh hùng, danh
nhân nổi lên chống Pháp, giành quyền tự quyết cho dân tộc Việt. Những vị anh hùng,
danh nhân chống Pháp được lịch sử nhắc nhở như Trương Công Định (1820-1864),
Nguyễn Trung Trực (1837-1868), Phan Đình Phùng (1844-1895), Hoàng Hoa Thám
(1858-1913), Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926), Nguyễn Thái
Học (1901-1930)…

Sau 1945 Pháp trở lại Việt Nam thêm 9 năm nữa cho tới Hiệp Định Genève 20 tháng 7,
1954 chia đôi đất nước, lấy ranh giới là sông Bến Hải: Miền Bắc theo chế độ Cộng Sản
và Miền Nam theo chế độ Dân Chủ Tự Do.

Năm 1975, chế độ Cộng Sản cai trị cả nước Việt Nam, lập ra Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa.
Ngày nay có hơn 3 triệu người Việt tự do đã di tản và định cư ở nước ngoài, lập thành
những khu Cộng Đồng Đồng Hương người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới và mau
chóng ổn định đời sống, tạo được nhiều thành công về kinh tế, thương mại, khoa học, y
tế, kỹ thuật và chính trị.. làm vẻ vang dân tộc Việt.

(Song Thuận – 5/2009)

* Tham khảo:

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim
- Tự điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam - Nguyễn Q Thắng, Nguyễn Bá Thế
- Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn
- Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca - Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái
- Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam - Phạm Cao Dương
- Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần
- Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời - Đào Duy Anh
- An Nam Chí Lược - Lê Tắc
- Việt Sử Tiêu Án - Ngô Thời Sỹ
- Sử Trung Quốc - Nguyễn Hiến Lê
- Sử Ký - Tư Mã Thiên (Sách Dịch ra tiếng Việt)
- Thủy Kinh Chú Sớ - Lịch Đạo Nguyên (chủ) - Sách dịch ra tiếng Việt.

CLB Hùng Sử Việt Tất Niên Kỷ Sửu 2010

nguyen tri phương - dấu tích Mộ Thần by DDHung

Công Viên Anh Hùng







Đài Kỷ Niệm 5 vị Anh Hùng Dân Tộc Việt (Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Hưng Đạo
Đại Vương, Vua Lê Lợi và vua Quang Trung)

Công Viên Anh Hùng – Công trình tâm huyết sử thi
Trầm Khúc - là những đoản khúc được viết với sự trầm lắng của những giọt nghĩ rơi xuống hôm nay sau va chạm những góc cạnh quá khứ . Cũng có thể từ những ước vọng vói tới những đóm sáng ước mơ về một tương lai xanh mầm nhân ái .
Ngay khi chọn mỗi chuyến đi mở rộng tầm nhìn trên cảnh sắc từ ruộng đồng, núi sông và phố thị . Trong sự miên man giăng tỏa sức sống của Người và Đất trên vùng ngụ cư, những giọt nghĩ về cố hương vẫn gõ đều lên lý ức . Trộn lẫn hoài cảm với hiện thực, vẽ lên bức tranh với sắc màu cảm giác sâu lắng .
Như không gian chạm tới của chiều nay khi đứng ngắm công trình “Công Viên Anh Hùng” tại Thành Phố Midway ở Nam California do Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đang khởi công xây dựng . Tâm trí tôi lại quay về những bài học lịch sử từ thuở mở nước Văn Lang đến thời định vị pháp chế tự cường của một dân tộc luôn bị thế lực ngoại xâm manh tâm chiếm đoạt và đồng hóa .
Nhìn cái bệ ciment kiên cố với 5 ô trống chờ được gắn lên 5 bảng sắc đúc những giòng chữ nổi ghi tóm lược tiểu sử và công đức của 5 vị anh hùng có công mở và dựng nước từ Quốc Tổ Hùng Vương đến Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ . Lòng tôi dấy lên sự xúc động về những con người luôn nghĩ đến quê Cha, đất Tổ . Họ bền tâm làm việc chỉ với niềm mong ước lưu lại cho những thế hệ tiếp sau cái hào khí của tiền nhân để nhớ đến cội nguồn Việt Nam .
Tôi muốn nói đến các anh chị trong Ban Điều Hành Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt California, đã không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp về nền Văn Hóa Sử Việt Nam .
Trong 10 năm qua, từ khi thành lập đến nay, các anh chị vẫn nhiệt tình truyền bá di huấn của Tổ Tiên,
Nhắc nhở con cháu “uống nước nhớ nguồn” , bảo tồn truyền thống tốt đẹp nền văn hóa Việt Nam qua bốn nghìn năm văn hiến với mọi thể loại sinh hoạt thơ, văn, nhạc, kịch, hội họa, điêu khắc …
Thường xuyên xuất bản những cuốn sách văn hóa sử và giáo dục nhằm góp công vào mục đích hướng dẫn thế hệ trẻ dù sống ở đâu cũng không quên nguồn gốc Tổ Quốc Việt Nam . Để tiếp tục cuộc hành trình của Cha, Ông trong công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc .
Lịch sử nhân loại phát triển trên nền tảng công lý nhân bản, thì tư tưởng cực đoan chủ nghĩa sẽ bị thoái hóa theo thời gian . Văn Hóa Sử chính thống như giòng thác khai hóa tư duy xoáy vào và cuốn trôi những phù danh và hư ngôn xảo ngữ của những kẻ vong quốc .
Từ “trầm khúc”, những ý nghĩ sâu lắng của tôi bổng trổi lên niềm ước mơ hòa nhịp vào sự nhiệt tâm của các anh chị trong CLB Hùng Sử Việt trước công trình mang tính sử thi .
Sắp đến khi công trình “Công Viên Anh Hùng” hoàn tất . Đứng nhìn những giòng chữ vinh danh công đức tiền nhân mà thấy được ánh sáng tâm linh dẫn đường vào lịch sử kiêu hùng của một dân tộc . Thấy được niềm kỳ vọng vào thế hệ tiếp sau luôn nhiệt thành tha thiết “Giữ Thơm Quê Mẹ” .
Thời gian không giết chết những ước mơ đẹp và không gian bao la không làm mờ những nụ cười nở trên những ước mơ .
Cám ơn những ước mơ làm nên công trình tâm huyết sử thi – Công Viên Anh Hùng .

Maryland, May 2010
Cao Nguyên

Thi Sử


Theo dòng thi sử xem kỳ tích
trống Phú Xuân, vó ngựa Thăng Long
thuở dựng nước trời xanh ngọc bích
thời xây non đất ánh hồng tâm

truyền thuyết Âu Cơ, lời linh hiển
kẻ lên non, người ra biển tạo đời
kẻ lên non quên lời mẹ dặn
khi vỡ nương, chặt đứt dây nôi

đất vỡ mạch, đời lầm than quá đỗi
hồng hạc bay cánh mỏi nhớ rừng ngô
trên phế tích quách thành chen cỏ rối
người trầm ưu, mùa đợi gió hong mồ

nghiêng bia vỡ, soi trăng tìm cổ tự
viết lại dòng thi sử đã mờ rêu
thắp sáng trầm hương ngày tháng cũ
ghi ơn Tiên Tổ dựng Non Sông !


Cao Nguyên

Dòng Sử Việt oai hùng
Anh tự hào Lạc Việt
Chị hãnh diện Âu Cơ
Em thương nòi Bách Việt
Tôi tiếc Động Đình Hồ

Những gì trong truyền thuyết
Là cội rễ cha ông
Đời đời ghi nhớ mãi...
Dẫu nước có xa nguồn

Giặc Tần sang cướp đất
Nam Việt dựng Phiên Ngung
Ta một thời đứng dậy
Toan phục quốc vua Hùng

Nhưng số trời cay nghiệt
Giặc Hán tràn Quảng Đông
Quảng Tây cũng thất thủ
Ta trụ ở sông Hồng

Từ đó mình ý thức
Đất nước, là của chung
Hơn ngàn năm tranh đấu
Để khỏi bị vong thân

Từ đó thù chất ngất
Xương máu đẫm cùm gông
Chị em Trưng nổi dậy
Khơi dòng sử kiêu hùng

Bốn mươi năm độc lập
Từ Ngô lập chiến công
Đại Cồ Việt sóng gió
Giặc Tống lại xâm lăng!

Ôi! Không có Lê Hoàn
Và Thái Hậu họ Dương
Thêm ngàn năm Bắc thuộc
Nước ta còn hay không?

Lý, Trần tiếp Sử hùng
Tống, Nguyên mộng xâm lăng
Nhưng chúng đều thất bại
Xác giặc không mồ chôn

Chính sự Hồ phiền hà
Giặc Minh chiếm nước ta
Hơn mười năm chiến đấu
Lê giành lại sơn hà

Rồi Mạc nhiễu triều trung
Khiến Nam Bắc phân tranh
Nhờ Tây Sơn khởi nghĩa
Thông dòng máu Tiên Rồng

Mãn Thanh tràn biên cương
Toan chiếm giữ Thăng Long
Vua Quang Trung tuốt kiếm
Giặc Mãn phải tan hàng!

Nhà Nguyễn được Ngai vàng
Thực dân Pháp bạo tàn
Thêm trăm năm kháng chiến
Tiếp nối chí hùng anh....

Hôm nay ta nhắc lại
Dòng Sử Việt oai hùng
Gươm thiêng xin cầm lấy
Vận nước cùng lo chung!

Song Thuận (2007)



Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Bài Ca Bình Bắc




Bài Ca Bình Bắc

Thơ Vũ Hoàng Chương - Trần Lãng Minh diễn ngâm



Kể từ đấy
Mặt trời mọc ở phương Đông, ngùn ngụt lửa.
Mặt trời lặn ở phương Đoài, máu chứa chan.
Đã sáu mươi ngàn lần...
Và từ đấy cũng sáu mươi ngàn lần
Trăng tỏ bóng nơi rừng cây đất Bắc
Trăng mờ gương nơi đồng lúa miền Nam
Ruộng dâu kia bao độ sóng dâng tràn...
Hãy dừng lại thời gian
Trả lời ta -- Có phải
Dưới vầng nguyệt lạnh lùng quan ải,
Dưới vầng dương thiêu đốt quan san
Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại Mà chí lớn dọc ngang
Mà nghiệp lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Vẫn ngàn thu người áo vải đất Qui Nhơn?
Ôi người xưa Bắc Bình Vương
Đống Đa một trận trăm đường giáp công
Đạn vèo năm cửa Thăng Long
Trắng gò xương chất, đỏ sông máu màng.
Chừ đây lại đã xuân sang
Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ
Ai kia lòng có mang mang
Đầy vơi sầu xứ -- Hãy cùng ta
Ngẩng đầu lên, hướng về đây tâm sự
Nghe từng trang lịch sử thét từng trang
Một phút oai thần dậy sấm
Tan vía cường bang
Cho bóng kẻ ngồi trên lưng bạch tượng
Cao chót vót năm màu mây chiêm ngưỡng
Dài mênh mông vượt khỏi lũy Nam Quan
Và khoảnh khắc
Đổ xuôi chiều vươn ngược hướng
Bao trùm lên đầu cuối Thời Gian.
Bóng ấy đã ghi sâu vào tâm tưởng
Khắc sâu vào trí nhớ dân gian
Một bành voi che lấp mấy ngai vàng.
Ôi Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải
Muôn chiến công, một chiến công dồn lại
Một tấm lòng, muôn vạn tấm lòng mang.
Ngọn kiếm trỏ, bao cánh tay hăng hái
Ngọn cờ vung, bao tính mệnh sẵn sàng.
Người cất bước, cả non sông một dải
Vươn mình theo -- dãy Hoành Sơn mê mải
Chạy dọc lên thông cảm ý ngang tàng.
Cũng chồm dậy đáp lời hô vĩ đại
Chín con rồng bơi ngược Cửu Long Giang!

Người ra Bắc, oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn.
Lệnh ban xuống, lời lời tâm huyết
Nẻo trường chinh ai dám bước chân chồn.
Gươm thiêng cựa vỏ,
Giặc không mồ chôn.
Voi thiêng chuyển vó,
Nát lũy, tan đồn
Ôi một hành ca hề, gào mây, thét gió,
Mà ý tướng, lòng quân hề, bền sắt, tươi son.
Hưởng ứng sông hồ giục núi non
«Thắt vòng vây lại» tiếng hô ròn
Tơi bời máu giặc, trăng liềm múa
Tan tác xương thù, ngựa đá bon.

Sim rừng, lúa ruộng, tre thôn,
Lòng say phá địch, khúc dồn tiến quân
Vinh quang hẹn với phong trần
Đống Đa gò ấy, mùa xuân năm nào.
Nhớ trận Đống Đa hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề, máu nở hoa đào,
Ngập giấc Xuân tiêu hề, lửa trùm quan tái
Trời đất vô cùng hề, một khúc hát ngao
Chí khí cũ gầm trong da thịt mới
Vẳng đáy sâu tiềm thức, tiếng mài dao,
Đèo Tam Điệp hề, lệnh truyền vang dội
Sóng Sông Mã hề, ngựa hí xôn xao
Mặt nước Lô Giang hề, lò trầm biếc khói,
Mây núi Tản Viên hề, lọng tía giương cao...
Rằng: «Đây bóng kẻ anh hào
Đã về ngự trên ngã ba thời đại»
Gấm vóc giang san hề, còn đây một dải
Thì nghiệp lớn vẻ vang
Thì mộng lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi...
Ôi ngàn người áo vải đất Qui Nhơn!
Nay cuộc thế sao nhòa, bụi vẩn,
Lũ chúng ta trên ngã ba đường
Ghi ngày giỗ Trận
Mơ Bắc Bình Vương
Lòng đấy thôn trang hề, lòng đây thị trấn
Mười ngã tâm tư hề, một nén hương
Đồng thanh rằng: «Quyết noi gương!»
Để một mai bông thắm, cỏ xanh rờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt.
Mừng đất trời gió bụi tan cơn
Chúng ta sẽ không hổ với người xưa
Một trận Đống Đa ngàn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề phai, đá chẳng sờn
Vũ Hoàng Chương



Nghe diễn ngâm:Ở ĐÂY