Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Nguồn Xanh


Từ "câu chuyện một chiếc cầu" đến niềm hy vọng "nguồn xanh" .
Thời gian vốn vô tình! Không đâu . Vừa ai đó nhắc những vết thương trong quá khứ, niềm đau trở mình, con mắt hướng tâm nhìn lại vết thương . Những vết thương còn rướm máu hồng và mắt đời hoen lệ - những giọt lệ hồng:

giọt lệ hồng

" chợt nghe từ đá hồn thương tích
vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa "
(Thanh Nam)


đã có bao lần
em thấy
giọt lệ hồng
rơi!

đã có bao lần
em hiểu
vì sao
giọt lệ - hồng?

những giọt lệ pha máu
từ tim
chảy xuyên qua mắt
buốt đau theo giòng chảy
cay đắng suốt trăm năm

đã có bao lần
em biết
tại sao có giọt lệ hồng?

nó kết tụ bởi máu và nước mắt
từ những cái chết
vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận


em hiểu
tại sao hôm nay
anh bị chấn động
viết những dòng
không thường hằng có trong anh
bởi chỉ vì
hôm nay
anh muốn viết
về một thời đã qua
đầy nước mắt và máu
của bạn mình
chết bởi
một viên đạn
một liều thuốc độc
một dây treo cổ
....
giọt lệ hồng
đang chảy trong anh
và chung quanh anh

*

có thể anh sẽ viết cho em
hiểu thêm những điều gì đó
về những giọt lệ hồng
trong tháng Tư đen và trước nữa
mà cũng có thể là không
vì anh sợ mình không vượt khỏi
những lần tim chảy máu
những giọt lệ hồng
mãi chảy
trong anh
trong đời bạn bè anh
trong giòng sống
trong giòng chết

giọt lệ hồng không ngưng tụ
trong đá sỏi
trong giá băng
trong câm lặng
mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
của vô tri

bất giác
anh đang cảm thấy
lòng mình thổn thức
bên cạnh những ngôi mộ
chôn trong ký ức
từng dãy
từng hàng
xác của bạn anh
những người ruột thịt của anh
họ đã đứt ruột ra đi
họ đã chia thịt cho xứ sở
và máu họ trộn vào
không gian mưa lũ
đỏ au!

Em ơi
có thể đây là bài thơ tự do hay nhất
mà anh viết
có thể đây là một đoạn
trong bài điếu văn anh gởi cho bạn bè
cho những Cha, Chú, Anh, Em
đã nằm xuống
vì những chữ Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền

Bài viết hôm nay
em nhớ
không có lòng thù hận
chỉ có nỗi tiếc thương
cho những con tim
đã chảy
giọt lệ hồng

em cũng nhớ
không có sự bi thảm
vì người anh hùng không chết
cho những cưu mang lừa dối
và lòng thương hại


và em nên nhớ
sự ra đi
chững chạc và dứt khóat
của những con người
có trái tim chân chính
xuyên qua
những giọt lệ hồng!

Cao Nguyên

Những giọt lệ hồng mãi chảy từ quá khứ, râm ran qua hiện tại đến tương lai trên quê hương lầm than sau chiến tranh, với những nỗi lo về thế hệ cháu con sống bằng những rủi ro đã mất quyền định hướng cuộc đời.
Như nỗi lo của người mẹ, mỗi sáng con đi học phải lội sông vượt giòng nước xoáy, liệu chiều về có được bình an?

giòng sông và chiếc cầu

mỗi cuối tháng thủy triều lên mạnh mẽ
con lại nghe mẹ kể chuyện giòng sông
bởi nghèo quá dân ruộng đồng hóa tệ
một chiếc cầu, mãi để một đời mong

đời dẫu cực, cơm bữa no bữa đói
vẫn mong con được học hỏi nên người
nhưng mỗi sáng nhìn con qua bến lội
cha mẹ lo may rủi một dòng trôi

nay đã có những tấm lòng Gạch Nối
bắt cho con chiếc cầu mới qua sông
con an vui, mẹ không còn bối rối
không còn lo bão nổi, nước triều dâng!

chuyện giòng sông và nỗi lòng của mẹ
mãi sau này, con vẫn kể người nghe
rằng nơi đây, trước chỉ là bến lội
nhờ chiếc cầu đã nối những bờ sông.

Cao Nguyên

Hiểu được nỗi lo của mẹ, có những tấm lòng tự nguyện góp những viên gạch xây một chiếc cầu qua con rạch thay cho chiếc cầu khỉ lắc lư . Để các em bé thơ mỗi sáng đến trường trong niềm hân hoan với bước chân vui, với niềm tin của mẹ .
Câu chuyện đó dường như cổ tích, dẫu công trình tâm huyết mới thực hiện có 3 năm từ những tấm lòng của gạch-nối-online .
Để những ước mơ trở thành hiện thực, và giữ lại hiện thực trong tầm nhìn từ những bước đi của bé thơ, tin yêu vào tương lai với hành trình chính mình tự chọn cho mỗi cuộc đời trỗ biếc mầm xanh, trong nguồn xanh bao la của quê hương .
Như bạn thấy, tôi thường viết về những ước mơ . Một trong những ước mơ đó là xây dựng nhóm "Nguồn Xanh" . Trong một tâm thư gởi những người bạn trẻ với lời khẩn thiết gọi mời những tấm lòng nhân ái họp sức vào việc xóa dần những đau xót hôm nay, cho những tiếng cười vui nở tới ngày mai .

"... những đứa trẻ vốn được sinh ra trên một đất nước đã hòa bình nhưng bị dìm đuối dưới sức nặng của những hậu quả tàn khốc do chiến tranh để lại, do những tàn hại của chủ thuyết thống trị và thụ hưởng. Nghèo đói là nguyên nhân chính buộc cha mẹ không đủ sức nuôi con (dẫu đã bán cả máu mình để mua sữa và thức ăn) . Đến lúc họ kiệt sức đành buông đứa con do mình đứt ruột đẻ ra; Hoặc do cha mẹ đẻ con ra mà quên trách nhiệm nuôi nấng, đành vất con mình ở một nơi không xứng với phận làm người!
Những đứa trẻ đó đang và sẽ sống, lớn lên như thế nào? Khi thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sự học hành . Đau xót hơn, có những con em chúng ta đang bị bọn buôn người chiếm đoạt cả thân xác và tâm hồn! Đang sống vất vưởng nơi xứ người!
Sao mình không góp sức nâng các em lên, vuốt phẳng những nếp nhăn thân xác nhọc nhằn trước tuổi? Nuôi lớn nó thành người hữu ích cho mai sau với bước đi vững vàng trên con đường nhân ái. Có được một tri thức đủ biết vun xanh một gốc cây đời từ trên những rữa mục của quá khứ, từ trong sự băng hoại hôm nay nơi quê nhà ..."

Ước mơ cài trên niềm hy vọng vẫn cứ bay như những giòng thơ tôi viết về một thảo nguyên xanh:

"... chiều đang xuống đó em
những hoàng hôn vàng ệch như giấc tuổi anh, em
những hoàng hôn như một dấu lặng
ngưng đọng
chờ đợi một chuyển giao
giữa đêm và ngày
giữa thế hệ chúng ta và con cháu
ngưng đọng để nhớ về xương máu
của Cha Ông
của chính anh và bạn bè anh
đã bón, đã tưới cho cây thêm xanh
cho cành thêm hoa quả...

đã đến lúc phải chuyển giao vào điệp khúc
cố quên lòng thù hận
cho tim mình khỏi bị ép chặc
nghẹt thở
con cháu chúng ta muốn được nghe
từ khởi đầu của điệp khúc
với nỗi cảm xúc tận cùng
về huyết thống
về danh dự của một Dân Tộc
và luôn muốn ngẩng cao đầu
trước mọi dị chủng
để nói
tôi là người Việt Nam ..."
( Thảo Nguyên - thơ CN)

Ôi Nguồn Xanh - niềm tin của một đời người, Hy Vọng và Hạnh Phúc .
Những ước mơ đến từ những con tim và những tấm lòng . Không đến từ những tên và tuổi của mỗi con người!

Cao Nguyên
MD 083110

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét