Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

LỜI MẸ ÂU CƠ

ĐẠI NHẠC HỘI HÙNG SỬ VIỆT




CHỦ ĐỀ: Tinh Thần Bất Khuất Chống Ngoại Xâm



THIỆP MỜI
INVITATION
Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt trân trọng kính mời
………………………………………………..
tham dự Đại Nhạc Hội HSV kỳ 10 - Trực tiếp Truyền Hình
You are cordially invited to the 10th Vietnamese Cultural and Historical Annual Performances live at:
VHN-TV
16055 Brookhurst St. Fountain Valley, CA 92708
Bắt đầu từ 1:30 PM – 2: 00 PM: Tiêp  tân -
2:00 PM - 5: 00 PM:  Trực tiếp truyền hình
ngày Chủ Nhật 29 tháng 09 năm 2013
Starting at 1:30 PM – Sunday 09-29-2013
Sponsored by VHN-TV Tel. 714-531-8884.– DIRECTV Channel  2073      
Vào Cửa Miễn Phí  
Ban Tổ chức: Song Thuận - Bích Huyền - Nguyễn Văn Khoa - Nguyễn Đức Năng- Thu Cúc- Nguyễn Mạnh 
Hiền B- Quỳnh Khanh- Phương Lê - Bửu Trâm - Dạ Lan- Ngọc Vân - Quỳnh Hoa - Thy Linh    
Kính mời

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Chiếc Đèn Lồng



chiếc bánh trung thu nằm hờm trong mộng
chỉ những vội vàng, em gọi vầng trăng
đêm giữa thu anh có về cho đúng
giờ em mong khuya nửa giấc em ngoan

chiếc đèn lồng anh tặng em thuở nhỏ
xa anh rồi...em xếp cất vào rương
đêm tròn trăng tháng tám về em mở
thắp lại đèn, chuyện với bóng em thương

những tâm sự sụt sùi cùng lá rụng
anh chở thu vàng em tận bao xa?
làm trăng cay đôi mắt từ vô tận
ánh lửa chùng đủ sáng giọt buồn sa

chiếc bánh trung thu nằm yên vờ ngủ
chỉ tách trà trên tay dỗ dành nhau đêm nay
trăng long lanh đầy hạt vỡ
anh sẽ lưu đày thu em đến bao giờ?

đông hương 
@

 phổ nhạc & trình bày Dzuylynh:

Tết Trung Thu

Nguồn gốc, phong tục và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu.
Tết Trung Thu 

Theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám ta. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.
Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là "phá cỗ."

Nguồn Gốc Tết Trung Thu

Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Tàu. Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.
Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.

Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.

Người Hoa và người Việt đều làm bánh trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Điểm chung kế tiếp là người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm trung thu.

Ý Nghĩa Tết Trung Thu

Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.

Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này.

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình.” Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Trẻ em được người lớn chú ý săn sóc như các hội đoàn người Việt hải ngoại đã và đang làm. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị quở mắng là “ăn kẹo hư răng.”

Trong dịp Tết Trung Thu, trẻ em có dịp được học bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” một cách thích thú: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu.”

Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.
(Theo Mummy Blog) 

Lửa Hồng Xưa

 

những chiếc đèn một thời hồng ánh lửa 
theo tiếng cười đi giữa ánh trăng thanh 
khi hạnh phúc đã không cần chọn lựa 
giữa dòng đời chỉ có một màu xanh 

rồi mưa gió ( trung thu nào chẳng vậy ) 
ngôi sao xinh vụt tắt giữa vòng tay 
những tiếng khóc thơ ngây cùng chợt vỡ 
đời đang vui, bóng tối bỗng ùa vây 

bóng dáng những đèn xưa còn mãi đấy 
mà tiếc mình không giữ lửa trong tay 
đêm quá khứ hồn nhiên bừng sáng dậy 
gọi đèn về gây lại lửa hồng xưa 

còn mưa nữa, trăng sẽ buồn biết mấy 
ai đưa người đi xuyên qua bóng tôi 
lửa hồng tắt vì mây thôi, chắc vậy 
Sài Gòn ơi ! ta lại nhớ người rồi ! 

Cao Nguyên