Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

NÓI TIẾNG MẸ ĐẺ

Mở đầu
Tiếng mẹ đẻ là tiếng nói của người mẹ sinh ra con, cũng là tiếng nói đầu đời của trè thơ
được mẹ truyền dạy. Đó là tiếng nói của một dân tộc. Đối với dân tộc Việt, tiếng mẹ đẻ
chính là Tiếng Việt, một sinh ngữ tồn tại được là nhờ có “sức sống” mãnh liệt từ một nguồn
cội thuần nhất lâu đời và khả năng đồng hóa những tiếng nói của các dân tộc tiếp cận.

Thực vậy, trước khi có vua tất nhiên phải có dân. Theo truyền thuyết, từ khi được cai trị bởi
vua Kinh Dương, Lạc Long và sau đó là các vị vua Hùng, dân chúng của nước Văn Lang đã
biết quây quần thành từng bộ tộc nhỏ, rồi kết thành Bộ Lạc lớn… . Dân tộc Lạc Việt là
thành phần dân chúng quan trọng của những Bộ Lạc này. Nước Văn Lang được chia làm
15 Bộ, và tiếng nói của dân chúng trong 15 Bộ đó, theo thời gian đã thành tiếng nói của
dân tộc Việt.

Tục Ngữ, Ca Dao
Tục ngữ ca dao được coi là văn học bình dân truyền khẩu của dân tộc Việt (Tục Ngữ là
những câu có tự lâu đời – Ca Dao là câu hát phổ thông trong dân gian). Tục Ngữ Ca Dao
được hình thành từ xa xưa theo thời gian, không rõ từ bao giờ. Vì trước kia không có chữ
viết để truyền bá, tục ngữ ca dao được học thuộc lòng và truyền bắng tiếng nói (truyền
miệng hay truyền khẩu) từ người này đến người khác, từ thế hệ này qua thế hệ sau.

Chữ Nôm
Trong một ngàn năm bị người Tàu đô hộ và hơn tám trăm năm học và thi cử bằng chữ Nho
tức chữ Hán, dân tộc Việt vẫn không bị Hán hóa. Ngược lại, chữ Nôm hay chữ riêng của dân
Nam được hình thành trong thời kỳ cực thịnh của nền Nho học tại nước ta.(1)

Chữ Quốc Ngữ
Thời gian bị Tây đô hộ gần trăm năm, tiếng Việt không những không bị “Tây hóa” mà còn
được chính thức góp mặt với năm châu qua chữ Quốc Ngữ, một trong những sinh ngữ đang
được phổ biến trên thế giới và được trên tám mươi triệu người nói, học và tìm hiểu. Chữ
Quốc Ngữ chính là chữ của dân tộc Việt ngày nay.

Tiếng Việt có vị thế vững vàng trong số những sinh ngữ trên thế giới như tiếng Anh, Pháp,
Ý, Tây Ban Nha, Nga, Nhật, Trung Hoa, Ấn … là nhờ được ký âm bằng tiếng La Tinh và một
số dấu phụ. Đây là công trình nghiên cứu và sáng tạo của nhiều người, trong đó nhà truyền
giáo có công nhất là Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - La
Tinh.

Học và nói tiếng mẹ đẻ chính là một nhu cầu của người Việt sống tại Hải Ngoại vì các lý do
tự hào dân tộc và mục đích giữ gìn tiếng Việt trong sáng trong một môi trường dân chủ, tự
do và cạnh tranh để sinh tồn.

Tiếng Việt dễ học và dễ truyền bá nhờ được ký hiệu bằng chữ La Tinh, một thứ chữ rất phổ
biến trên thế giới. Liên Hiệp Quốc tôn trọng tiếng nói của các dân tộc trên thế giới, nên đã
tổ chức ngày nói tiếng mẹ đẻ quốc tế hàng năm vào ngày 21 tháng 2. (2)

Theo GS Nghiêm Toản, chữ Quốc Ngữ được sáng tạo do nhu cầu truyền Đạo của các giáo
sĩ Thiên Chúa giáo tại Việt Nam: “Từ thế kỷ thứ XVI, trong thời Hậu Lê (Trịnh, Nguyễn phân
tranh) các đường giao thông trên mặt bể giữa Âu, Á được mở mang, người Tây Âu bắt đầu
đến xứ ta, phần nhiều là nhà buôn và giáo sĩ đi truyền đạo Thiên Chúa. Các giáo sĩ học nói
tiếng bản xứ và muốn đem kinh Thánh ra giảng dạy tất phải dịch ra tiếng Việt, nhưng chữ
Nôm khó học, dùng không tiện, họ bèn nghĩ cách lấy chữ La Mã để ghi âm tiếng Việt Nam.
Công cuộc sáng chế chữ Quốc Ngữ là công việc chung của nhiều người (có cả giáo sĩ Ý,
Pháp, Bồ Đào Nha…), những sách trứ thuật đầu tiên là:
Tự vựng Việt Nam - Bồ Đào Nha của cố Gaspard.
Tự vựng Bồ Đào Nha - Việt Nam của cố Antoine de
Bar

Nhân hai cuốn ấy mà cố Alexandre de Rhodes , người Pháp, soạn cuốn Từ Điển Việt Nam -
Bồ Đào Nha – La Tinh, in năm 1651 tại La Mã. Nhà in của giáo hội La Mã đúc chữ Quốc
Ngữ bắt đầu từ đó…”

Như vậy, tiếng Việt được viết bằng chữ Quốc Ngữ, dựa trên bộ chữ La Tinh, gồm:

* 22 chữ cái chính là:

A, B, C, D, E, G, H, I, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, X, Y

* 7 chữ cái phụ là

Đ, Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư

Tổng cộng 29 chữ cái.

Những chữ F, J, W, Z không dùng trong tiếng Việt, ngoại trừ để phiên âm tiếng nước
ngoài hay viết tên người.

Ngoài 29 chữ cái kể trên, tiếng Việt còn có thêm 9 chữ ghép đôi và một chữ ghép ba (Chữ
ghép đôi còn được dùng làm bội vận kép, và chữ ghép ba được dùng làm bội vận đụp):
CH, GH, GI, KH, NG, NH, PH, TH, TR và NGH

Bộ dấu chữ Việt
Ngoài các chữ cái, vẫn cần thêm dấu mới có thể phát âm đầy đủ tiếng Việt:
Có 5 dấu: HUYỀN, SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG

Nguyên âm và phụ âm

Để phân biệt nguyên âm và phụ âm, người ta chia ra:
- Phụ âm là chữ cái tự nó không thể phát ra âm mà phải đi với chữ khác mới phát ra âm.
Có 17 phụ âm (Còn được dùng làm Bội Vận đơn):

B, C, D, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S. T, V, X và Đ.

- Nguyên âm là chữ cái khi đọc lên, tự nó đủ để phát ra âm. Có 12 nguyên âm là:

A, E, I, O, U, Y, Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư .

Nguyên âm lại được chia thành:
- Nguyên âm có nghĩa: A, E, O, U, Y, Ê, Ô, Ơ, Ư .
(tự nó phát ra đã có ý nghĩa của tiếng Việt)
- Nguyên âm vô nghĩa: Ă, Â, I (tuy phát ra âm, nhưng trong tiếng Việt thì âm đó không có
nghĩa).

Cách phát âm các chữ cái -
Có hai cách phát âm những chữ cái phụ âm:

- Phát âm theo dạng chữ viết: (là cách phát âm chữ La Tinh, dù là người Pháp hay
người Viêt: B (bê), C (xê), D (dê), Đ (đê - chữ này chỉ dùng cho chữ Quốc Ngữ), G (giê), H
(hát), K (ca), L (en lờ), M (em mờ), N (en nờ), P (pê), Q (cu), R (e rờ), S (ét sì), T (tê), V
(vê), X (ich xì).

- Phát âm theo âm tiếng Việt khi phụ âm ghép vần với những chữ khác:
B (bờ), C (cờ), D (dờ), Đ (đờ), G (gờ), H (hờ), K (cờ), L (lờ), M (mờ), N (nờ), P (pờ),
Qu (quờ)*, R (rờ), S (sờ), T (tờ), V (vờ), X (xờ).

* (Phụ âm Q tự nó không thể phát âm thành vần quờ, mà phải đi kèm với chữ “u” và
phát âm là “quờ” (ở đây, “u” là phụ âm, tương tự “i” là phụ âm đi kèm với “g” thành “gi” để
phát âm chữ “giờ”)

Âm Tiết – Âm Vị - Âm Vận - Bội Vận - Chính Vận
Tiết là đốt, âm tiết là “chuỗi lời nói mà con người phát ra gồm nhiều khúc đoạn dài ngắn
khác nhau. Đơn vị phát âm ngắn nhất là âm tiết (syllable).” (nguồn: Net Ngôn Ngữ). Tiếng
Việt là đơn âm, nên một từ đọc lên được coi là một “âm tiết” (syllable), khác với tiếng Anh
hay tiếng Pháp thuộc loại “đa âm” nên mỗi từ (word) chia ra nhiều âm tiết (syllables). Như
vậy theo “Sách Giáo hoa Việt Tộc”, Từ (word) trong tiếng Việt không có “âm tiết “ mà chỉ có
“Âm Vị” mà thôi.

Vị có nghĩa là chỗ đứng (vị trí). Một Âm Vị thường có 2 Âm Vận tức là 2 loại vần. Thí dụ
chữ BAN nếu chặt đôi sẽ có vần AN (khi làm thơ gieo vần). Vần AN là vần chính của từ BAN
nên được gọi là Chính Vận, và vần B (đọc là bê hay bờ) là Bội Vận.

Chính vận được lập bởi một nguyên âm đứng đầu. Trong tiếng Việt có 3 loại chính vận, đó
là chính vận đơn (AN), chính vận kép (ghép 2 nguyên âm: ƯƠNG) và chính vận đụp (ghép
3 nguyên âm: UYÊN).

Bội Vận là phụ âm hoặc tập hợp những phụ âm. . . Có 3 loại Bội Vận: Bội Vận đơn (Thí dụ:
vần B của chữ BAN), Bội Vận kép (Thí dụ: vần CH của chữ CHÂN , Bội Vận đụp (thí dụ: vần
NGH của chữ NGHINH)…

Cách đánh vần
Tùy theo cách phát âm các chữ cái phụ âm, Có 2 cách đánh vần chữ Quốc Ngữ:
- Đánh vần theo âm các chữ cái phụ âm. Thí dụ: Đánh vần chữ BANH: A+N+H = ANH,
BÊ + A + BA + N + H = BANH - BANH

Đánh vần theo âm tiếng Việt khi chữ cái phụ âm ghép vần với những chữ khác. Thí dụ:
Đánh vần chữ BANH: A+N+H =ANH, BỜ + ANH = BANH – BANH.

Cách đánh dấu tiếng Việt
Dấu tiếng Việt rất quan trọng vì khi phát âm theo dấu sẽ làm khác hẳn nghĩa của cùng một
chữ viết không dấu. Thí dụ chữ “BA” không dấu có nghĩa là “cha”. Khi thêm dấu huyền
thành “BÀ”. thêm dấu sắc thành “BÁ”, thêm dấu hỏi thành “BẢ”, thêm dấu ngã thành “BÔ và
thêm dấu nặng thành “BẠ”.

Dấu tiếng Việt để vào đâu? Trên chữ nào?

* Theo nguyên tắc, dấu tiếng Việt phải để trên nguyên âm (chính vận). Thí dụ TÁ, MÀ, BẢ
(T, M, B là bội vận, A là chính vận đơn)
* Trường hợp có hai nguyên âm (chính vận kép), dấu sẽ để trên nguyên âm phát ra tiếng
nói hoặc trên nguyên âm ở chính giữa chữ nếu không rõ âm phát tiếng. Đây là cách để dấu
theo lối mỹ thuật của nhà in hay người trình bày bài in. Thí dụ: BUỒN, CHÁO. CỦA , HÓA,
KHỎE . Những chính vận uồn, áo, ủa do âm chính phát ra từ chữ ồ, á, ủ nên để dấu trên
các chữ này. Theo mỹ thuật, để dấu ở giữa chữ như thế cũng rất hợp lý. Đối với chữ Hóa,
chính vận óa phát âm từ chữ “á”, đáng lẽ phải để dấu trên chữ á (hoá) mới đúng. Nhưng vì
lý do mỹ thuật, để dấu ở chữ o cho cân xứng. Vậy nếu ai đánh dấu trên chữ a thành hoá
cũng không sai. Tương tự đối với chữ khỏe hay khoẻ đều đúng cả.
Trường hợp có 3 nguyên âm (chính vận đụp), dấu để trên nguyên âm chính giữa. Thí dụ:
SOÁI, TUỔI…

Cách viết tiếng Việt (Ngữ Pháp)
Tiếng Việt được viết ra bằng chữ Quốc Ngữ, nghĩa là ghép những chữ cái (nguyên âm và
phụ âm) lại với nhau mà tạo thành. Vậy CHỮ (alphabet) là những chữ cái hay gọi tắt là
CHỮ. Nhiều CHỮ tạo thành TỪ (mot, word). Nhiều TỪ tạo thành CÂU (phrase, sentence)
Nhiều CÂU tạo thành một BÀI VIẾT.

Văn phạm tiếng Việt tương đối giống văn phạm tiếng Pháp, do đó cách viết tiếng Việt cũng
giống với cách viết tiếng Pháp (do cách nói của người Việt và cũng phù họp với cách nói
của người Pháp?). Cách viết tiếng Việt khác với cách viết tiếng Hán hay tiếng Anh.
Thí dụ: Sông Hồng (tiếng Việt), Rivière rouge (tiếng Pháp), Hồng Hà (tiếng Hán), Red river
(tiếng Anh).

Cách dùng chữ i (i ngắn) và chữ Y (y dài):
Vì hai chữ i (i ngắn) và Y (y dài) phát âm giống nhau, nên thường có sự lúng túng và lẫn
lộn khi sử dụng hai chữ này.

Theo Wikipedia: “Đã có quyết định của Bộ Giáo dục Việt Nam vào năm 1984, quy định dùng
i thay cho y. Quy chuẩn này không áp dụng cho các nguyên âm đôi và nguyên âm ba, cũng
như ngoại trừ tên riêng; nhưng vẫn có hạn chế trong việc thực thi trong cuộc sống. Trường
hợp các từ có phụ âm đầu là qu, sử dụng vần y thì sẽ đúng hơn”. Wikipedia kết luận : ”y và i
có thể dùng thay cho nhau trong nhiều trường hợp”.

Không rõ “Bô Giáo Dục Việt Nam” quyết định như thế nào, nhưng sách xuất bản trong nước
ngày nay, thường dùng chữ i (i ngắn) thay cho chữ y (y dài), dù đó là tên các nhân vật lịch
sử . Thí dụ: “Lý Thường Kiệt” là một danh tướng thời Lý (y dài), nay viết là “Lí Thường Kiệt”,
nhìn vừa “lạ” mắt vừa không tôn trọng Quyết Định 1984?!

Sách Giáo Khoa - Việt Tộc Thiếu Niên Cấp II, số 2 đưa ra quy luật như sau:
• Nếu chỉ có một mình nó bao trùm chính vận, phải viết y (y dài) như Ty, By, Sy….
• Nếu đi với chữ khác mới thành chính vận được, thì chỉ có 2 loại như sau:

- Phát âm giống nhau thì phải dùng chữ i (i ngắn).Thí dụ: in, tin, tiên…(Chữ yên ngựa
đáng lẽ viết là iên ngựa mới đúng cách. Nhưng thường viết là yên ngựa. (Nhìn quen mắt mất
rồi, có nên coi đó là ngoại lệ?).
- Phát âm khác nhau, không thể thay thế chữ nọ bằng chữ kia được. Thí dụ: chính vận
úí và chính vận uý. Từ Thúi khác hẳn nghĩa với Thuý.
- Đối với chữ QUÝ phải viết là y (y dài) vì âm phát ra là “uý”. không phải “úi”.

Nhận xét và đề nghị: Có rất nhiều ngoại lệ đối với quy tắc sử dụng i và y. do “Sách Giáo
Khoa Việt Tộc” đưa ra. Thí dụ: Chữ bi (hòn bi), li (li ti), theo quy tắc trên phải viết là hòn by,
ly ty. .. ? Trên thực tế không ai viết như thế! Vì chữ i ngắn nhỏ bé, ốm yếu nhất trong bộ
chữ cái, nên dùng i ngắn đối với những chữ gợi hình nhỏ bé. thí dụ li ti, bé tí. Chữ ý là ý
kiến, nên dùng cho các chữ “lý thuyết”, “lý lẽ”, “lý luận”…

Vấn đề dùng i (i ngắn) hay y (y dài) đã được bàn luận rất nhiều từ trước đến nay. Một lần
nữa, xin đề nghị quý thầy cô giáo dạy tiếng Việt tại các Trung Tâm Việt Ngữ và quý vị làm
truyền thông, văn hóa quan tâm đến Tiếng Việt cùng góp ý kiến về vấn đề này.

Sự khác biệt giữa TR và CH
Cũng theo “Sách Giáo Khoa - Việt Tộc Thiếu Niên Cấp II, số 2”, hai chữ truyền và chuyền
đều có nghĩa là đem từ chỗ này đến chỗ khác. Nếu ý nghĩa của chữ là trừu tượng , vô hình,
thể tĩnh, thì viết là truyền. Thí dụ truyền bá tư tưởng. Còn nếu ý nghĩa của chữ là hữu hình,
cụ thể, thể động, viết là chuyền. Thí dụ chuyền banh cho nhau. Ta cũng có thể áp dụng quy
tắc này cho chữ truyện và chuyện (?)

Sự khác biệt giũa X và S
Quy tắc này được “Sách Giáo Khoa - Việt Tộc Thiếu Niên Cấp II, số 2” đề cập như sau: Ở
thể động dùng chữ S, thể tĩnh dùng chữ X. Thí dụ: NỮ SINH, XẤU XÍ.

Kết luận
Nói tiếng mẹ đẻ , nghe tiếng mẹ ru là điều tất nhiên, rất bình thường. Nếu mẹ là người Việt,
nói tiếng Việt, đứa con sinh ra đương nhiên biết nói tiếng Việt. Nhưng biết viết chữ Việt lại là
chuyện khác. Phải học mới viết được chữ Quốc Ngữ.
Xưa ta chưa có chữ viết riêng, ca dao tục ngữ được lưu truyền bằng cách truyền miệng
(truyền khẩu). Sau đó các cụ dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Nôm dùng để ghi chép nhiều
tài liệu văn chương giá trị. Vì nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam, các vị Giám Mục ngoại quốc
đã nghĩ ra cách dùng bộ chữ cái (mẫu tự) La Tinh để ký âm tiếng Việt. Đó là chữ Quốc Ngữ
mà hiện nay chúng ta đang sử dụng. Nhiều người cùng góp công sáng tạo ra chữ Quốc
Ngữ, nhưng người có công nhất là Cố Alexandre de Rhodes.
Tiếng Việt là một đơn âm. Nhờ bộ dấu riêng nên âm phát ra những tiếng nói trầm bổng rất
hay.

Chữ Quốc Ngữ rất dễ học, vì thế học nói tiếng Việt không khó. Hiện nay tiếng Việt được trên
80 triều đồng bào trong nước sử dụng và hơn 3 triệu đồng hương gốc Việt ở nhiều quốc
gia trên thế giới nói và gìn giữ .(3)

Ta có thể kết luận: “Không phân biệt chủng tộc, người nào cũng có thể viết và nói được
tiếng Việt. Ai chưa nói được tiếng Việt là vì chưa muốn học nói đấy thôi”.
Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt sẽ tặng một số Học Bổng Học Tiếng Việt.
Muốn có học hổng học tiếng Việt tại các Trung Tâm Việt Ngữ, xin vui lòng vào: www.
hungsuviet.us hoặc email về: webmasterhungsuviet@yahoo.com để biết thêm chi tiết.

Chú thích

(1) Theo GS Nghiêm Toản, có 3 cách viết chữ Nôm: (a) Dùng nguyên hình chữ Nho. (b)
Ghép 2 chữ Nho thành chữ mới (Nôm). (c) Ghép một chữ Nôm chỉ âm với một chữ Nho chỉ ý.
Muốn biết chi tiết xin mời vào:

http://e-cadao.com/Chunom/chunomvaviechocchunom.htm
hoặc:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AF_N%C3%B4m#Nh.E1.BB.AFng_c.C3.A1ch_t.E1.
BA.A1o_ch.E1.BB.AF_N.C3.B4m

(2) “Ngày 21 tháng 2 hàng năm được UNESCO tuyên bố là Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế vào
ngày 17 tháng 11 năm 1999. Ngày kỷ niệm này cũng đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
chính thức công nhận trong nghị quyết trong đó quyết định năm 2008 là Năm Ngôn ngữ
Quốc tế[1]. Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế bắt nguồn từ sự thừa nhận trên toàn thế giới Ngày
Phong trào Ngôn ngữ, tưởng niệm sự kiện diễn ra tại Bangladesh (trước đây là Đông
Pakistan) từ năm 1952, khi một số sinh viên của trường đại học Dhaka bị cảnh sát và quân
đội Pakistan giết chết tại Dhaka trong Phong trào tiếng Bengal. Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế
được các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức hàng năm tại các trụ sở UNESCO nhằm
quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ.” (nguồn: Wikipedia”).

(3) Trường học Ðài Loan mở chương trình dạy tiếng Việt

Sách tham khảo:

- Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu - Hạo Nhiên Nghiêm Toản – Nhà Xuất Bản Sống Mới.
- Sách Giáo Khoa Việt Tộc Thiếu Niên - Cấp II. Số 2 – Cơ sở Paris ấn hành
- Wikipedia và những tài liệu trên internet.

GS Song Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét