Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Danh tướng Bùi Thị Xuân

(Danh tướng Bùi Thị Xuân – Tranh ViVi)



Danh tướng Bùi Thị Xuân (1752? – 1802)


Bà Bùi Thị Xuân là một danh tướng thời Nguyễn Tây Sơn. Bà là vợ danh tướng
Trần Quang Diệu (1), có nhan sắc, văn võ toàn tài, được phong chức đô đốc và có
tên trong danh sách “ngũ phụng thư” (năm vị anh thư trong đoàn quân Tây Sơn gồm
có: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc).
Bà Bùi Thị Xuân có lẽ sinh năm 1752(?) và mất năm 1802, người huyện Tuy Viễn,
phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Bà cùng chồng theo phò vua Quang Trung Nguyễn Huê, đánh dẹp 20,000 quân Xiêm
tại Rạch Gầm Xoài Mút (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) năm 1784 và góp công sức trong
các chiến trận phá tan 200,000 quân Mãn Thanh xâm chiếm Thăng Long năm 1789.
Khi ra trận, bà thật dũng cảm, có tài xử dụng song kiếm, cưỡi ngựa bắn cung và
huấn luyện voi trận.
Bà có lòng thương dân khi được cử làm Trấn Thủ trấn Quảng Nam. Bà mở kho phát
chẩn, trừng trị bọn cường hào, cứu nạn mất mùa tại đây và giúp cho dân được an
cư lạc nghiệp, nên rất được lòng dân cảm phục
Ngoài việc lo cho gia đình chồng con yên ấm, bà Bùi Thị Xuân luôn một lòng một dạ
trung thành phò tá nhà Tây Sơn, đã quyết liệt tấn công vào lũy Trấn Ninh trong trận
sinh tử cuối cùng, mong chiếm lại Phú Xuân năm 1802.
Sau khi bị bắt và bị hành hình một cách dã man bằng cách cho voi giày, bà Bùi Thị
Xuân vẫn hiên ngang ngẩng mặt, làm khiếp vía lũ voi và binh tướng nhà Nguyễn.
Đời sau có thơ ca tụng Bà:

Vịnh Bà Bùi Thị Xuân

Pháp trường nữ tướng trổ thần oai!
Kim cổ anh hùng dễ mấy ai?
Quắc mắt, ngựa run quỳ bốn vó,
Cau mày, voi sợ cúp hai tai.
Theo chồng tận tụy nơi binh lửa
Phò chúa trung kiên chốn vũ đài (2)
Vải trắng quấn mình trang tiết liệt
Danh thơm còn mãi chẳng hề phai!
Vương Sinh

Câu đối

NỐI CHÍ Ỷ LAN, DÂN NAM CẢM PHỤC (3)
NOI GƯƠNG TRƯNG TRẮC, GIẶC BẮC KINH HOÀNG (4)

Hai câu đối (5) trên được Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đề nghị treo tại Miếu Thành
Hoàng (6), Hội Chợ Tết Sinh Viên năm Tân Mão (2011) với chủ đề “Xuân Ước Mơ”
và danh tướng Bùi Thị Xuân được chọn làm Thành Hoàng “Làng Việt Nam” của Hội
Chợ Tết 2011 do Tổng Hội Sinh Viên Miền Nam CA tổ chức hàng năm tại Garden
Grove Park, Orange County, California , USA. Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt (www.
hungsuviet.us) là một trong nhiều Hội Đoàn đóng góp về Văn Hóa & Lịch Sử cho
những sinh hoạt của Hội Chợ Tết.

Ngoài câu đối treo tại Miếu Thành Hoàng, còn câu đối treo tại cổng chính của Hội
Chợ Tết 2011 là:

XUÂN ƯỚC MƠ, MƠ THẤY NHÂN QUYỀN, TỰ DO, DÂN CHỦ
TẾT HY VỌNG, VỌNG VỀ TIẾN BỘ, ĐOÀN KẾT, PHÚ CƯỜNG

và câu đối treo tại cổng làng Việt Nam trong Hội Chợ Tết. :

LỊCH SỬ OAI HÙNG, NON SÔNG VỮNG MẠNH
NHÂN VĂN RỰC RỠ, DÂN TỘC TRƯỜNG TỒN


Chú thích

(1) Trần Quang Diệu (?-1802) quê huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, là một danh
tướng thời Nguyễn Tây Sơn, chồng nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân. Danh tướng Trần
Quang Diệu là một trong những cột trụ triều đình nhà Tây Sơn, làm Đốc trấn Nghệ An
và được phong tới chức Thái Phó, phục vụ hai triều vua Quang Trung và vua Cảnh
Thịnh. Vợ chồng Danh tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đã hết lòng phù tá
nhà Tây Sơn, đánh đuổi giặc xâm lăng Xiêm La trong Nam và giặc Mãn Thanh
ngoài Bắc. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, vợ chồng danh tướng Trần Quang Diệu đều bị
hành hình năm 1802. Riêng ông bị xử “lột da” (tùng sẻo) rất tàn bạo cho tới chết.

(2) Chốn vũ đài: Trường chính trị, chính trường. Trái với nơi binh lửa là chỗ đánh
nhau, chiến trường.

(3) Thái hậu Ỷ Lan vốn là một cô gái hái dâu, dệt lụa ở ngoại thành Thăng Long
thời nhà Lý, được vua Lý Thánh Tông đón về cung, sau hạ sinh Hoàng Tử Kiền Đức,
được phong là Ỷ Lan Nguyên Phi . Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân
chinh đi đánh giặc ngoại xâm cùng Lý Thường Kiệt. Trong khi vua ở ngoài biên
cương, Ỷ Lan Nguyên Phi đảm đang chăm lo quốc sự, trị nước điều khiển có kỷ
cương khiến thần dân thán phục, đất nước được yên vui. Năm Nhâm Tý (1072) Lý
Thánh Tông mất, Thái Tử Kiền Đức lên ngôi, tức vua Lý Nhân Tông.
Khi ấy vua mới lên bảy, tôn mẹ là Ỷ Lan Nguyên Phi lên làm Linh Nhân Hoàng Thái
Hậu. Bà vừa làm nhiệm vụ người mẹ dạy dỗ con, vừa giúp coi triều chính điều khiển
cả quốc gia, cùng Tể tướng Lý Thường Kiệt giữ vững giang sơn, xã tắc.
Hai lần quân Tống đến (1075, 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan Thái
Hậu đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến.
.
(4) Năm 40 bà Trưng Trắc là vợ ông Thi Sách, vì nợ nước thù chồng, đã cùng em là
Trưng Nhị nổi lên đánh đuổi Tô Định và quân Đông Hán ra ngoài bờ cõi, thu về 65
thành quách và 4 Quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố (thuộc tỉnh
Quảng Đông). Hai Bà Trưng lên làm vua 3 năm từ năm 40 – 43. Sau nhà Hán sai
Mã Viện sang đánh báo thù,Hai Bà thua phải nhẩy xuống sông Hát tự trầm vào ngày
6 tháng 2 năm Quý Mão (43), để bảo toàn danh tiết.

(5) Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc
cân xứng nhau (Dương Quảng Hàm - Văn Học Việt Nam). Câu đối gồm 2 câu văn đi
song song, mỗi câu gọi là “vế”. Nếu câu đối do một người làm ra thì gọi là vế trên
(chữ cuối vần trắc), vế dưới (chữ cuối vần bằng). Nếu người làm ra một câu (vế ra)
và người khác đối lại, gọi là vế đối. Số chữ trong câu đối không hạn định.
Xưa, các ông Đồ thường viết câu đối bằng chữ Hán và treo để người đọc từ phải
sang trái (theo cách đọc ngược của người Tầu). Nay câu đối đã được “Việt hóa”,
viết theo lối thư pháp Việt (chữ quốc ngữ) và treo từ trái sang phai (theo cách đọc
suôi của người Việt).

(6) Thành Hoàng: Là vị thần đứng đầu, bảo vệ làng, được thờ tại Miếu hoặc tại
Đình làng. Theo nghĩa chữ Hán, thành là thành quách, hoàng là hào xâu bao quanh
để bảo vệ quan quân và dân chúng sinh sống trong thành. Vị thần cai quản và bảo vệ
làng (hay nơi thị tứ, kinh thành như thành Thăng Long) gọi là Thần Thành Hoàng
(theo nhà văn Sơn Nam), hay còn gọi là Thần Hoàng (theo Phan Kế Bính trong Việt
Nam phong tục). Tục thờ Quỷ Thàn sông núi, Thành Hoàng …được du nhập vào
nước ta từ thời Bắc Thuộc. Theo niềm tin của dân chúng: “Đất có Thổ Công, sông
có Hà Bá”. Mỗi làng Việt Nam đều có thờ một vị Thành Hoàng, đôi khi thờ nhiều vị
Thành Hoàng, gọi chung là Phúc thần. Có 3 hạng Phúc thần:
1- Thượng đẳng thần: gồm có thần Sông Núi linh thiêng, thiên thần như Liễu Hạnh
Công Chúa và nhân thần như Lý thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, có công đức với dân
với nước …
2- Trung đẳng thần: gồm có những vị thần do làng thờ đã lâu, có họ tên nhưng
không rõ sự tích, hoặc có quan tước nhưng không rõ họ tên (nguồn Wikipedia), có
chút ít hiển linh…
3- Hạ đẳng thần: do dân làng thờ từ lâu, không rõ sự tích, nhưng là chính thần.
Những Phúc thần đều được vua và triều đình ban sắc phong tặng.

Song Thuận

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Happy new year

Tết Dương Lịch & Tết Nguyên Đán

Phong tục về ngày Tết Nguyên Đán


1- Tổng Quát về Dương Lịch và Âm Lịch:

Năm Mới Dương Lịch hay Tết Dương Lịch, “Tết Tây”
bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 Dương Lịch. Đó là ngày
đầu năm tính theo lịch Gregorian Calendar - do BS
Aloysius Lilius nước Ý đề nghị từ sự cải cách lịch Julian
Calendar. Lịch Gregorian calendar được sử dụng rộng
rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay, ngoại trừ
Do Thái vẫn sử dụng lịch Julian Calendar, ngày Tết sẽ
rơi vào 14 tháng 1 Dương Lịch (theo lịch Gregorian
Calendar). Cũng nên biết thêm lịch Julian Calendar là
cải cách của lịch La Mã. Những năm sau thời gian này
được ghi chú bằng chữ AD (anno Domini) hay CE
(Common Era - tiếng Việt dịch là Công Nguyên - CN).
Những năm trước thời gian này ghi là BC (Before
Christ) hoặc BCE (Before the Common Era). Những ghi
chú này thường gặp trong sách Lịch Sử .


Khoảng 4000 năm trước (2000 năm trước Công Nguyên - BC), người Babylon cổ mừng
ngày đầu năm theo mặt trăng, tức là ngày bắt đầu “Trăng Mới” (the first New Moon -
thường vào ngày đầu tiên thấy xuất hiện vành trăng non hình lưỡi liềm – đó là ngày đầu tiên
của mùa Xuân – Tương tự người Việt và người Tàu thường Cung Chúc Tân Xuân). Đây
chính là ngày bắt đầu mùa Xuân, ngày vạn vật hồi sinh sau những ngày đông tháng giá,
cây cối dâm chồi, nẩy lộc, nở hoa…ngày bắt đầu vụ mùa trong năm.

Như vậy ngày Tết Dương Lịch không liên quan gì đến Thiên Văn Học hoặc mùa màng.
Đó chỉ là cách tính toán số học cho tròn 365 ngày hoặc 366 ngày trong một năm (Theo mặt
trời nên gọi là dương lịch, tính trung bình một cách chính xác, một năm có 365 ngày, 5 giờ,
49 phút, 12 giây). Cũng theo lịch này, một năm chia ra 12 tháng với số ngày khác nhau
như sau: Các tháng 1,3,5,7, 8, 10, 12 có 31 ngày, còn tháng 4, 6, 9, 11 có 30 ngày. Đặc
biệt tháng 2 có 28 ngày mà thôi và cứ sau 4 năm thì tháng 2 lại có 29 ngày, đó là “tháng
nhuần” (vì 1 năm tính tròn là 365 ngày, sẽ dư ra 6 giờ, cứ 4 năm thì dư ra 24 giờ tức là 1
ngày, do đó có tháng 2 nhuần để trang trải số giờ dư thừa đó.)

Đối với dân tộc Việt Nam (tương tự người Tàu), ăn Tết theo âm lịch, nên ngày đầu năm
(Năm Mới hay ngày “Tết” Nguyên Đán do chữ “Tiết” Nguyên Đán - Nguyên là đầu tiên,
Đán là sáng sớm) khác với Tết Dương lịch (thường trong khoảng 21 tháng 1 đến 21 tháng
2 Dương Lịch - Mồng 1 Tết Kỷ Sửu rơi vào ngày 26 tháng 1 – 2009) và mỗi năm mang tên
một con thú. Thí dụ năm 2008 là Tết con Chuột (Mậu Tí), năm 2009 là Tết con Trâu (Kỷ
Sửu)... (cách tính ghép 10 Can với 12 Chi thành tên một năm: Thập Thiên Can là Giáp, Ất,
Bính, Đinh, Mậu, Kỷ , Canh, Tân, Nhâm, Quý với Thập Nhị Địa Chi là 12 con giáp: Tý, Sửu,
Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Theo cách ghép này, cứ hết 1 vòng là
60 năm. Đối với Dương Lịch, ngày và đêm cộng chung là 24 giờ. Nhưng đối với âm lịch, lại
phân biệt “đêm 5 canh, ngày 6 khắc” (Đêm bắt đầu từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng tức là 10
tiếng đồng hồ. vậy mỗi canh là 2 tiếng đồng hồ. Còn ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 7 giờ
tối, tức là 14 tiếng. Vậy mỗi khắc là 2 giờ 20 phút.)
Giờ Tí là nửa đêm “Nủa đêm giờ Tí canh ba”. Chính Ngọ là 12 giờ trưa.

Năm canh:
“Canh Một (7:00 PM-9:00 PM) dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm
Trình anh dậy học thôi nằm mà chi
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh…
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên sắm bút cho anh học hành”.

Tuy rằng ta theo lịch Tàu và chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu rất nặng nề, nhưng Triều Đình
VN xưa cũng có tòa Khâm Thiên Giám xem thiên văn làm lịch riêng, không phải hoàn toàn
chép theo lịch Tàu. Cũng vì thế, 12 con giáp của ta khác Tàu như: năm Mão hay mẹo là
năm con mèo (Tàu là năm con thỏ), Năm mùi là con dê khác Tàu (con cừu), năm sửu là con
trâu, khác Tàu (con bò). Các quan trong tòa Khâm Thiên Giám quan sát sao Bắc Đẩu, lấy
khởi điểm ở tháng Dần làm tháng Giêng, lúc chuôi sao Bắc Đẩu chỉ về hướng Dần, cho đến
tháng 12, chuôi sao Bắc Đẩu chỉ về hướng Sửu. Tết Ta và Tết Tàu khác nhau vào các năm
1985 (Tết Ta vào 21 Jan., Tết Tàu vào 20 Feb.), năm 2007 (Tết ta vào 17 Feb. Tết Tàu vào
18 Feb.), năm 2030 (Tết Ta sẽ vào 2 Feb. Tết Tàu sẽ vào 3 Feb.)…

Người Thái Lan ăn Tết (Songkran) theo Phật lịch, mồng 1 Tết vào ngày 15 tháng tư là ngày
Đức Phật đản sinh (ăn Tết từ 13-15 tháng tư AL và có tục tắm Phật và té nước vào nhau lấy
hên). Một số nước như Iran hoặc theo đạo Hindu ăn Tết vào tháng 3 DL. Năm Mới đối với
người theo đạo Hồi (ngày 1 Muharram theo lịch Hồi giáo) thường sớm hơn Tết Dương Lịch
11 ngày.

Ngày Tết Dương Lịch thường tổ chức đốt pháo vào nửa đêm New Year's Eve (tương tự
đêm Giao Thừa Tết VN gây tiếng động đuổi tà ma) và tổ chức diễn hành vào sáng mồng
một Tết (Diễn hành Hoa Hồng - Roses Parade tại Pasadena, California hàng năm. Cộng
Đồng Việt Hải Ngoại cũng tổ chức diễn hành tại khu Bolsa, thành phố Westminster). Ngoài
ra, buổi sáng mồng một Tết DL, mọi người thường chúc tụng nhau “Happy New Year”, uống
rượu mừng năm mới (uống rượu không được lái xe). Trong thời gian Lễ Giáng Sinh và ngày
Tết DL dân chúng thường đi “shopping” vì có nhiều hàng “sale”có khi tới “ 75% off” trong
dịp này.

Ngoài phong tục đốt pháo mừng năm mới, còn có tục “countdown”, đếm ngược số từ 10
đến 1 trước giờ bước sang năm Mới, mở rượu “champagne” chúc mừng nhau.

• Ngày Tết Dương Lịch tại Anh và Scotland có chơi football.
• Tại Mỹ có Rose Bowl football game và Roses Parade tại Pasadena
• Tại nước Áo (Austria) có hoà nhạc
• Polar Bear Clubs có tục lệ tắm nước giá băng vào ngày Tết Dương Lịch (từ 1903).
• Người theo đạo Hindu ăn Tết bằng cách tôn kính cha mẹ và người lớn tuổi.(Tham
khảo Wikipedia).

2- Tết Nguyên Đán

a- Sửa soạn Tết – Mua Sắm Tết: Tết Nguyên Đán là ngày rất trọng đại nên người VN
chuẩn bị ăn Têt rất kỹ lưỡng, thường hàng tháng trước, có khi hàng năm trước (nhất là tại
thôn quê), như:
- Lá, lạt gói bánh chưng (bánh tét trong Nam)
- Nuôi heo, gà đến Tết mổ thịt (nhà nghèo có thể chung nhau nhiều nhà một con heo
gọi là đụng thịt), vì thế, ngày Tết nhà nào cũng có thịt heo, gà trong nhà:
“Số ông không giàu thì nghèo”
“Đêm ba mươi Tết thịt treo trong nhà”
Hay câu đối:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”
“Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. (trong Nam thay dưa hành bằng dưa món và
thường có món thịt kho hột vịt, cá thu kho, bánh tét…
- Có nơi đi chợ Tết thường mua 2 cây mía về để bên bàn thờ để làm gậy ông vải ...
- Mua vàng hương cúng Tết.
- Mua hoa trưng Tết (Bắc hoa đào, Nam hoa Mai), hoa Thủy Tiên, hoa Lan, Cúc Vạn
Thọ Đại Đóa, chậu quít hay kim quất, Lay Ơn…tại chợ hoa như tại chợ hoa Nguyễn Huệ ở
Sài Gòn hay chợ Hoa gần khu Phúc Lộc Thọ tại Little Sài Gòn.
- Mua sắm quần áo mới nhất là cho trẻ em
- Mua tranh Tết như Tranh Đông Hồ, pháo, câu đối Tết do ông Đồ biết chữ Nho viết
(xưa):

Ông Ðồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay!
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu!
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(Vũ Đình Liên -1936).

Câu đối Tết:

“Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa”
“Sáng mồng một, rượu say túy lúy, , giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.” (Nguyễn Công Trứ)

***
a- Chuẩn bị đón Tết:
- Mua thực phẩm đủ dùng cho 3 ngày Tết (hay nhiều hơn vì chợ và cửa hàng đều
đóng cửa có khi cả tuần lễ, sau khi chọn được này tốt mới mở cửa lại).
Cũng vì thế, chợ Tết rất đông: đông như chợ Tết.
- Dọn dẹp sạch sẽ cửa nhà, bàn thờ, đánh bóng đỉnh đồng…
- Dựng nêu (ở thôn quê, trên ngọn nêu buộc vàng mã, khánh bằng đất nung…) trễ
nhất vào 30 Tết, rắc vôi bột, vẽ cung tên, bàn cờ để đuổi tà ma, xác định nhà có chủ…
- 23 tháng chạp (tháng 12 âm lịch) lễ tiễn Ông Táo về Trời để tâu trình việc gia
chủ, việc thế gian...(Sự tích Táo quân hai ông một bà…Xưa có 2 vợ chồng nhà kia, vì người
chồng phải đi xa làm ăn, mãi không về. Người vợ tưởng chồng đã chết nên tái giá. Một hôm
người chồng cũ đi ăn xin qua nhà. Người vợ biết được, rất thương sót, lấy cơm cho ăn và
quần áo cho mặc. Chẳng may người chồng mới trở về. Người vợ sợ bị hiểu lầm nên dấu
người chồng cũ vào đống rơm rạ ngoài sân. Người chồng mới vô tình đốt rơm để làm phân
bón. Người chồng cũ chết cháy. Người vợ thương tâm nhẩy vào đống rơm cứu và bị chết.
Người chồng mới cũng nhẩy vào đống lửa cứu vợ và cũng bị chết cháy. Ngọc Hoàng biết
chuyện 3 người có nghĩa và chung thủy nên cho làm Vua Bếp hay Táo Quân)
- Biếu Tết: Biếu Tết ông bà, cha mẹ, Thầy dạy học, Thày thuốc…“sêu” Tết nhà vợ
chưa cưới, biếu quà cho ân nhân hay người giúp việc (tương tự bên Mỹ thường tặng quà
cho Mailman…nhân dịp Giáng Sinh hay Tết Dương Lịch).

b- Đêm Giao Thừa, Lễ Trừ Tịch:
Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Dân chúng tin
tưởng mỗi năm có một vị thần Hành Khiển và một phụ tá là Phán Quan trông coi việc thế
gian, và bàn giao công việc vào lúc nửa đêm giao thừa, sau 12 năm mới trở lại (có thần
hiền và thần ác, cúng lễ giao thừa thường bày ngoài sân.)
Người ta đi lễ rất đông (lễ giao thừa hoặc sáng mồng một Tết) tại Chùa , Lăng Ông tại
Sài Gòn (Tả quân Lê Văn Duyệt), Các Chùa tại Little Sài Gòn, Orange County… Sau khi đi
lễ về có tục hái lộc lấy hên.

c- Kiêng cữ ba ngày Tết:
Để tránh xui sẻo cả năm (rông hay giông), người ta tránh:
- Kiêng nói những câu xui sẻo, không nói con khỉ, con hùm.
- Kiêng đánh vỡ chén bát, đổ ống điếu, dầu hôi (xưa)
- Kiêng cãi nhau, đánh nhau (trẻ em kiêng khóc)
- Kiêng mặc áo quần mầu trắng (mầu tang)
- Kiêng ăn thịt vịt đầu năm sợ xui. Kiêng sát sinh.
- Kiêng quét nhà (sự tích người lái buôn qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng cho một
hầu gái là Như Nguyện, nên giàu có. Một lần vào ngày Tết, người lái buôn đánh nó nên nó
chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó người lái buôn lại nghèo như cũ). Có nhiều địa
phương kiêng tắm vào ngày mồng một Tết (nên có tục tắm tất niên).
- Đầu năm đến nhà ai, chủ mời ăn bánh mứt, hạt dưa, uống trà, rượu…cũng nên nhấm
nháp một chút lấy thảo. Nếu từ chối, gia chủ sẽ không vui vì bị giông cả năm (việc làm
không hanh thông).

d- Cúng lễ ba ngày Tết:
Tối 30 Tết làm cỗ đón Ông Bà về ăn Tết. (xưa đốt pháo), sau đó
đèn nhang thắp suốt 3 ngày Tết, mỗi bữa đều có cơm cúng ông bà cho tới khi “hóa vàng”
mới thôi. (Tập tục mỗi nhà nấu bánh chưng, từ chiều 29 hay 30 Tết, kể chuyện ma, đánh
bài Tam Cúc…trong khi canh nồi bánh chưng…là những kỷ niệm rất thú vị và khó quên.

e- Đi Lễ Chùa và đi chúc Tết Bố mẹ ruột, Bố mẹ vợ, Thầy dạy học và bạn thân:
“Mồng một thì ở nhà cha
Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà Thầy.”
Chúc mừng những câu tốt đẹp gọi là “mừng tuổi”, cho các em bé tiền “mừng tuổi”, “mở
hàng” hay “lì xì” đựng trong bao giấy đỏ.
Ngoài những câu chúc Tết tốt lành, những người gánh nước thuê mướn (xưa) còn mang
nước đến nhà đổ vào lu để chúc Tết, có ý nói tiền sẽ vào nhiều như nước.

f- Xông đất - Xuất hành – Khai bút:
Tục lệ xông đất vẫn còn thịnh hành ở nhiều nơi. Người ta tin rằng được người tốt, nhanh
nhẹn, hiền hậu, có nhiều con cháu…xông đất sẽ may mắn suốt năm.
Xuất hành theo hướng tốt không còn hợp thời ở thành thị, vì lái xe ra đường phải tuân theo
luật lệ giao thông, không thể chọn hướng.
Tục lệ khai bút vẫn thấy ở các nhà thơ văn:
“Đầu năm khai bút…bút khai hoa…”

g- Hội Chợ Tết:
Là nơi gặp gỡ của mọi người, mọi gia đình đến đây vui xuân. Ở Việt Nam,
Thành Phố Sài Gòn có Hội Chợ Tết (ở vườn Hoa Tao Đàn), vừa mua bán hàng Tết, nhất là
Hoa Tết, vừa vui xuân. Hội Chợ Tết tại Hải Ngoại thường do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ
chức hàng năm tại Garden Grove Park, chỉ với mục đích gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp
của người Việt, gặp gỡ vui chơi, không mang tính thương mại.

(Tham khảo: Việt Nam Phong Tục – Phan Kế Bính, Đất Lề Quê Thói - Nhất Thanh Vũ Văn
Khiếu, Wikipedia & tài liệu trên internet)

Xem tiếp: MÙA XUÂN BÊN ẤY

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010


VIETCH-PAF

The Vietnamese Cultural & Historical Performing Arts Foundation

Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt Nam CA, SJ, MI, VA, CT

Kính chúc quý Vị và quý anh chị


GIÁNG SINH AN BÌNH, NĂM MỚI 2011 HẠNH PHÚC









Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Nhã Nhạc Cung Đình

Câu Chuyện THƠ - NHẠC





Dẫn Nhập:

Như Tình Yêu, Chàng và Nàng luôn bên nhau quấn quít và hòa quyện cả Tâm, Thân .
Thơ và Nhạc cũng quấn quít nhau như hình với bóng . Đôi khi bóng với hình như một, nhưng cũng đôi khi bóng chạy theo hình hoặc hình theo ý bóng .
Thơ không có âm điệu của nhạc là thơ chết . Nhạc không có ý thơ là nhạc vu vơ .
Khi tiếng động của không gian và thời gian giao phối thành giọt nước thơ nhạc rơi chạm vào bất cứ một lặng im nào
cũng nẩy lên một thanh âm hồi tưởng ngân lên từ những vách tim tạo nên sự chấn động tâm thức mê hồn .
Trên hành trình đi của giọt nước, thơ và nhạc cám ơn lẫn nhau bằng tâm kinh phát thệ: đồng sinh, đồng tử .
Với ý nguyện hiến dâng cho nhân sinh sự tuyệt vời của cuộc sống ngôn từ hóa thân thành âm vọng
có khả năng hồi sinh những điêu tàn của mặt đất, những u uất của lòng người trở về thuở khải nguyên của vũ trụ tình .
Ở đó, thơ nhạc là một thánh giáo chẳng cần sự xiển dương cũng thu hút được tín đồ .
Tôi là một tín đồ thuần thành của giáo phái thơ nhạc,
Muốn tòng tâm đi góp nhặt kinh từ dâng lên các thầy rao giảng về pháp âm và ngôn điệu
trên hằng hà bi lụy của trần gian suốt chiều dài của thời gian huyền sử thăng trầm .

Cao Nguyên

Mời vào phòng nghe:
CÂU CHUYỆN THƠ NHẠC



Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Cổ Vật Triều Nguyễn



TPO - Sáng 9-10, tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam, diễn ra lễ khai trương triển lãm Bảo vật hoàng cung. Đây là lần thứ hai kể từ năm 1961, những bảo vật đại diện cho uy quyền của bậc vua chúa triều Nguyễn ra mắt công chúng.

Đây không phải là lần đầu tiên các bảo vật triều Nguyễn được trưng bày tại Hà Nội. Cách đây gần 50 năm, nhân dịp Quốc khánh 2-9 (năm 1961), một số ít trong số các bảo vật này đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, khoảng thời gian gần 50 năm từ đó tới nay là quá lâu đối với sự tò mò, háo hức của công chúng Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Như Nguyễn Phương Linh (sinh viên Đại học Hà Nội), đa phần những thế hệ hậu sinh chỉ được biết tới những bảo vật này qua sách vở lẫn những câu chuyện đậm màu sắc kỳ bí cho hay “Đây là lần đầu tiên em được tận mắt được xem một trong số những vật dụng được dùng cho sinh hoạt nơi cung cấm; cũng như biểu trưng cho quyền lực của vua chúa…”

Trong không gian của triển lãm, 13 bảo vật có chất liệu chính bằng vàng khối và ngọc quý, được chọn ra từ hàng trăm bảo vật vương triều Nguyễn đang lưu giữ tại bảo tàng, đã được trưng bày thu hút hàng trăm người tới chiêm ngưỡng như: ấn vàng, kiếm vàng, sách vàng, đồ ngự dụng bằng vàng ngọc…

Đây là những bảo vật vô giá, có giá trị lịch sử, văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, đồng thời, phản ánh tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân Cung đình qua từng thời đại.

Ngoài chiếc ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, 2 chiếc ấn còn lại đều bằng vàng ròng, được đúc vào tháng 10 năm Minh Mạng 8 (1827). Trong đó, chiếc kim ấn “Sắc mệnh chi bảo” nặng 8,5 kg, gồm hai cấp, có hình vuông, trên ấn có hình rồng đầu hướng lên cao với 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán: “Thập tuế hoàng kim nhị bách nhị thập tam lạng lục tiền; Minh Mạng bát niên thập nguyệt cát nhật tạo”. (Vàng 10 tuổi nặng 223 lạng 6 tiền - đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8, 1827).

Chiếc kim ấn còn lại có tên là “Hoàng đế tôn thân chi bảo” có kích thước to hơn, nặng 8,7 kg, khắc chữ: “Thập bát kim, trọng nhị bách tam thập tứ lạng tứ tiền tam phân; Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo” (Nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân, khoảng 8,7 kg) đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8, năm 1827).

CỔ VẬT

Cổ Vật Triều Nguyễn Cơ Nguy Mất Sạch

Cổ vật triều Nguyễn ở Huế có nguy cơ bị mất sạch... Đó là lời báo động từ báo SGTT.VN.
Bản tin báo này cho biết tình hình đầy bi quan như sau.
“Gần đây, nhiều vụ trộm cổ vật liên tiếp xảy ra tại các điểm di tích và các ngôi cổ tự làm đau đầu các nhà quản lý quần thể di tích cố đô Huế. Do kẻ trộm lộng hành, các cổ vật của triều Nguyễn ở Huế đang có nguy cơ bị mất sạch.
Nhiều cổ vật bị “đạo chích” lộng hành
Mới đây, rạng sáng ngày 1.12, kẻ trộm đã đột nhập vào lăng Khải Định lấy đi bảy cổ vật quý giá là ngự dụng (đồ vua dùng để sinh hoạt) của vua Khải Định có xuất xứ từ Pháp và Việt Nam, như: bộ khay đồng hình bầu dục gấp khúc, có niên đại năm 1916 – 1925, dài 43,5cm, cao 11cm, rộng 31cm, mặt khay khắc chìm hai con rồng uốn quanh ô chữ nhật, trên có khắc bốn chữ Hán “Khải Định niên tạo”; bộ đồ xoáy trầu của Việt Nam gồm cối, thìa, que xoáy. Ngoài ra còn có bộ ấm bạc nặng 450g và bình rượu bằng bạc của Việt Nam cao 15,5cm, rộng 12cm cổ cao thon, thân bầu tròn có quai...
Trao đổi với báo giới, nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Phan Thuận An cho biết, ông rất bức xúc trước việc những cổ vật của hoàng cung triều Nguyễn ngày càng rời xa nơi ở của nó. Đặc biệt, có những cổ vật được xem là “pháp bảo” của triều Nguyễn như Kim ngọc bảo tỷ. Theo ông An, những Kim ngọc bảo tỷ đã dần dần biến mất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ông An kể: “Trong suốt 143 năm tồn tại với 13 đời vua triều Nguyễn đã cho chế tác và sử dụng hơn 100 Kim ngọc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc – chưa kể số ấn tín quý riêng được tấn phong của các vương công. Ngoài hệ thống ngọc tỷ của vua ra, thái hoàng thái hậu (bà nội của vua), hoàng thái hậu (mẹ của vua) và hoàng hậu, hoàng phi (vợ vua) tuỳ thứ bậc, mà sẽ có ấn vàng, ấn bạc mạ vàng, hay ấn bạc. Có cả ngọc tỷ chế tác riêng cho từng vua sau khi qua đời mang tên vua có hình con rồng đứng ngẩng cao đầu”...”
Đặc biệt, nhà khảo cổ học Phan Thuận An cho biết bảo vật triều đình bâyg iờ chỉ còn chừng 1/10 so với thời hoàng kim thôi.
Bản tin SGTT kể:
“...hiện nay tôi không rõ, nhưng có hơn 100 chiếc Kim ngọc bảo tỷ khác cũng như những vật dụng bằng vàng, hoặc mạ vàng phục vụ đời sống sinh hoạt của hoàng triều hiện đang lưu lạc ở Pháp, Mỹ hay các nước châu Âu. Trong lúc đó, bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện còn một ít ấn triện, nhưng đều là loại dùng cho các quan, không phải của vua, cho nên giá trị không lớn; riêng ngọc tỷ ở Huế, từ lâu đã không còn cái nào. Tại bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện còn hơn 8.000 hiện vật cổ vật, so với số mất đi, cộng với số lưu lạc ở trong và ngoài nước, theo tôi, giá trị cổ vật Huế hôm nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim của triều Nguyễn”, ông Phan Thuận An nói...”

http://sgtt.vn/Thoi-su/Trong-nuoc

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

5 bản nhạc cho mùa Giáng Sinh

Mỗi Giáng Sinh, các nước có người theo Thiên Chúa Giáo đều có những bài hát riêng của mình để mừng Giáng Sinh, tuy cũng phải nói là đã từ lâu không phải chỉ có những người theo Cơ Đốc Giáo mới coi đấy như một ngày vui.


Riêng tại Hoa Kỳ thì mỗi năm, vào mùa Giáng Sinh ta lại đuợc nghe quanh đi quẩn lại từng ấy bài hát, từng ấy bản nhạc. Và trong những điệu nhạc quen thuộc ấy thì lại nổi lên một giai điệu không những phổ thông ở Hoa Kỳ mà là cả thế giới: giai điệu của bài “Silent Night” xuất phát xưa kia từ bên nước Áo, của tác giả Franz X Gruber, năm 1818.
Từ bấy đến nay, trong mùa Giáng Sinh chưa có nước nào theo đạo Thiên Chúa có đuợc bản nhạc nào vượt qua đuợc bản nhạc đó. Mới hay, làm cho được một giai điệu đẹp để người ta giữ lại trong lòng, để trở thành một nét của truyền thống, không phải là chuyện đơn giản! Lai lịch bài "Silent Night" đại để như sau:

Vì bài này xuất phát từ bên Áo cho nên cái tựa đề của nó khi xưa, ở Âu Châu, là “Stille Nacht”! Tương truyền rằng vào mùa Đông năm 1818, Thầy Phó Tế, phụ tá cho cha xứ nhà thờ Thánh Nicolas o Obendorf, một làng kế cận thành phố Salzburg ở nuớc Áo, đã phải đối phó với một việc khá gay go! Giáng Sinh thì đã đến nơi, ấy thế mà cái đàn “organ” của nhà thờ khi không nó lại ăn vạ, bị trục trặc nên không xử dụng đuợc. Hát hò trong một dịp lễ lớn sắp tới như thế ở trong nhà thờ mà không có cái đàn “organ” thì còn làm ăn đuợc cái nỗi gì? Trong làng lại không có tay thợ chuyên môn để đến sửa cây “organ”! Làm thế nào bây giờ?

Thầy Joseph Mohr, tên của Thầy Phụ Tế, bèn được Bề Trên “soi sáng”! Trước đó thì Thầy đã có viết đuợc một bài thơ nói về việc Chúa Giê-su ra đời! Một bài thơ rất giản dị! Bây giờ làm thế nào để trong dịp Giáng Sinh đó, thay vì xài cái đàn “organ” thì tạm xài một cây đàn ghi-ta nào đấy để cho một nhóm hợp ca có thể “hát” đuợc bài thơ nọ! Tính thì tính vậy, thế nhưng thơ thì cho dù có hay đến mấy cũng làm sao để người ta “hát” lên được? Phải có nhạc vào đấy chứ? Phải có một màn “Thơ phổ Nhạc” như xưa giờ dân Việt Nam ta vẫn khá quen thuộc chứ?



Vậy thì ai phổ nhạc bây giờ? Thầy Joseph không thuộc loại người thích làm càn, tức là không rành về nhạc nhưng vẫn cứ phổ nhạc đại cho thơ của mình! Thầy thuộc loại “biết mình biết người”; và Thầy biết đuợc một người có thể làm cái việc “phổ nhạc” đó! Thầy có người bạn thân tên là Franz Gruber, tức chả có ai khác hơn là kẻ vẫn chơi cái đàn “organ” đang nằm vạ ra kia!
Vậy thì Bề Trên đã soi sáng, chỉ đuờng mách nước cho Thầy Joseph thì bây giờ đến luợt ông Franz Gruber nhà ta lại đuợc Bề Trên ban ân cho có đuợc cảm hứng cấp kỳ! Có thể nói là chỉ trong nháy mắt, sau khi xem qua bài thơ của bạn mình, ông Franz Gruber đưa ngay đuợc vào bài thơ nọ cái giai điệu tuyệt vời mà từ hai trăm năm nay cả thế giới đều biết đến.

Đêm Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 1818, bài hát “Stille Nacht” đuợc nhóm hợp ca của nhà thờ Thánh Nicholas tại làng Obendorf bên Áo trình bày lần đầu tiên với sự phụ họa của một cây ghi-ta rất ư là bình dân!



Ở đây, mùa Giáng Sinh này ta cùng nghe năm bản nhạc do dàn nhạc của Paul Mauriat trình tấu. Trên CD thì người sản xuất ghi ở phần tác giả các bản nhạc là “thuộc loại cổ truyền” ( “Traditional” ) nhưng trong số đó lại có một bản chả có “cổ truyền” một tí nào là bài “White Christmas” của nhạc sĩ Hoa Kỳ nổi danh xưa kia là Irving Berlin, sáng tác vào năm 1940; sau được nam danh ca Hoa Kỳ Bing Crosby hát vào năm 1942 và đuợc truyền tụng cho đến bây giờ! Tương truyền là sau khi viết xong bài hát thì sáng hôm sau ông Irving Berlin nói với tay thư ký của mình:
"Grab your pen and take down this song. I just wrote the best song I've ever written - hell, I just wrote the best song that anybody's ever written!" (“Lấy ngay bút và chép bài hát hay nhất từ xưa đến giờ của tôi ! Bố khỉ ! Tôi vừa viết xong một bài hát mà xưa giờ chưa có tay nào làm hay đuợc như thế !”). Câu nói tất nhiên có nghĩa là nói về một bài hát thuộc đề tài Giáng Sinh, và ta cũng hiểu là tác giả khi nói “ chưa có tay nào” thì chỉ nghĩ đến cái đám dân Mỹ như mình!

Riêng đối với một số người Việt ở Sài Gòn của năm 1975 thì bài “White Christmas” lại nhắc nhở đến một kỷ niệm đầy kinh hoàng! Tháng Tư năm đó, giới theo rõi tình hình đều có đuợc cái tin là khi đài phát thanh của các giới quân sự Hoa Kỳ đóng tại Sài Gòn cho phát bài “I'm dreaming of a white Christmas” (tức là một cách khác để gọi tên cũng bài hát đó) thì đấy là mật lệnh để toàn bộ lực lượng quân sự Hoa Kỳ rời khỏi Sài Gòn, rời khỏi miền Nam, phó mặc số phận của miền Nam trước những đạo quân Cộng Sản đang tiến chiếm!

Thanh Trang (Mùa Giáng Sinh 2007)



Mời quý vị nghe 5 bản nhạc nổi tiếng về Giáng Sinh do dàn nhạc của Paul Mauriat trình bày:

1. Silent Night
2. Adeste Fideles

3. White Christmas
4. Jingle Bells
5. O Tannenbaum


Nghe Nhạc:
NHẠC GIÁNG SINH

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

We Wish You a Merry Christmas

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH & NĂM MỚI

TÂM KINH
Chuông vang vang nhật nguyệt
vọng tha thiết ngàn năm
lời kinh cầu nhã khiết
du thuyết đường đạo tâm

Ăn năn người cúi mặt
thành kính lòng nguyện cầu
xin khắp cùng mặt đất
thôi trầm uất thương đau!

*

Chuông vang vang nhật nguyệt
xin ơn Chúa nhiệm mầu
ban phước lành dân Việt
trên khắp mặt địa cầu

từ tâm người ngước mặt
nhìn Ngôi Chúa Giáng Sinh
đọc chân kinh mật khải
mong thế giới hòa bình!


Cao Nguyên



CHÚC ANH CHỊ EM THÂN HỮU

GIÁNG SINH AN VUI - NĂM MỚI NHƯ Ý

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

HÌNH CHIM TRÊN TRỐNG ĐỒNG LẠC VIỆT

HÌNH CHIM TRÊN TRỐNG ĐỒNG LẠC VIỆT








Trần Gia Phụng




1.- XUẤT XỨ CỦA CHỮ “LẠC”

Tài liệu bằng văn bản quan trọng đầu tiên về chữ “lạc” trong danh từ “Lạc Việt” (Lo Yueh),
cho đến ngày nay tìm thấy được, nằm trong đoạn văn của Giao Châu ngoại vực ký (sách
của Trung Hoa) xuất hiện khoảng giữa đời Tấn (265-420), được nhiều sử sách trích dẫn, từ
Thủy kinh chú (thế kỷ thứ 6) của Lịch Đạo Nguyên (Trung Hoa), đến An Nam chí lược (thế
kỷ 13) của Lê Tắc (người Việt sống ở Trung Hoa), rồi các sách khác về sau nữa.

Lịch Đạo Nguyên, trong sách Thủy kinh chú, đã lặp lại theo Giao Châu ngoại vực ký như
sau: “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều
thượng hạ. Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu chủ chư
quận huyện. Đa vi Lạc tướng, đồng ấn thanh thụ.” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận
huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm. Dân
khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc. Họ lập Lạc vương, Lạc hầu để coi quận
huyện. Có nhiều Lạc tướng, có ấn đồng lụa xanh.)(1)

Trong An Nam chí lược, Lê Tắc trích như sau: “Tại Giao Châu ngoại vực ký, tích vị hữu
quận huyện thời, lạc điền tùy triều thủy thượng hạ, khẩn kỳ điền giả vi lạc dân, thống kỳ dân
giả vi lạc vương, phó vương giả vi lạc tướng, giai đồng ấn thanh thọ...” (Giao Châu ngoại
vực ký chép: hồi xưa, chưa có quận huyện, thì lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày
cấy. Người cày ruộng ấy gọi là lạc dân, người cai quản dân gọi là lạc vương, người phó là
lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu...)(2)

Tuy hai cách hành văn khác nhau, nhưng ý chung của cả hai phần trích dẫn trên đây, trong
hai sách khác nhau đều bắt đầu rằng ở cổ Việt có một loại ruộng gọi là “lạc điền”, người cày
cấy “lạc điền” đề sinh sống là “Lạc dân”, rồi mới có “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng”.

Di chỉ rõ ràng nhất về nền văn minh Lạc Việt là trống đồng. Khi Mã Viện (Ma Yuan, 14 TCN
- 49) đem quân sang cổ Việt đánh Hai Bà Trưng vào năm 41 (tân sửu), ông lấy được nhiều
trống đồng ở cổ Việt, nhiều đến nỗi ông đã dùng các trống đồng đó để nấu chảy và đúc
thành con ngựa, dâng lên vua của ông là Hán Quang Võ (Han Kuang-wu, trị vì 25 - 57). Sử
sách Trung Hoa gọi trống đồng ở cổ Việt là “Lạc Việt đồng cổ” (trống đồng Lạc Việt).

Như vậy là sau “Lạc điền, Lạc dân, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng” thì có thêm chữ “Lạc
Việt đồng cổ”. Từ các tài liệu Trung Hoa trên đây, danh xưng Lạc Việt được dùng để chỉ
chủng người sống trên đất cổ Việt, và là tổ tiên của người Việt chúng ta ngày nay.(3)

Trên mặt cũng như trên thân những trống đồng Lạc Việt, có rất nhiều hình ảnh, trong đó có
hình chim. Không có một tài liệu nào của người xưa giải thích về các hình vẽ, hoặc những
ẩn dụ trong các hình vẽ, khắc trên trống đồng. Các sử sách cổ cũng không giải thích hình
chim trên trống đồng Lạc Việt là chim gì? Nói cách khác, những hình vẽ trên trống đồng Lạc
Việt là hình “câm”. Các giải thích của những học giả đời sau chẳng qua là những lời phỏng
đoán, những giả thuyết mà thôi, và không ai giải mã được đầy đủ ý nghĩa của những hình
vẽ nầy.

Xem tiếp:

Hình Chim Trên Trống Đồng

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

CHIẾC LÁ RỪNG PHONG



CHIẾC LÁ RỪNG PHONG

Sáng nay trở lạnh. Bóng Thu sang
Lác đác rừng phong rụng lá vàng
Ta đứng thu mình trong áo ấm
Đợi hoài, chuyến bus chẳng đi ngang

Mắt nhìn theo chiếc lá vàng rơi
Gió cuốn bao nhiêu phận lá rồỉ
Đưa lá đi về muôn nẻo lạ
Vùng trời nào nhỉ có xa xôi???

Gió dìm lá xuống dưới tầm sâu
Rồi hất tung lên đỉnh ngọn sầu
Hỏi lá quay cuồng trăm hướng gió
Gió về muôn nẻo. Lá về đâu ...

Lá về đâu nhỉ. Lá về đâu
Tan tác, cô đơn khắp địa cầu
Lá có thương thân, đời viễn xứ
Có hờn bãi biển hóa nương dâu ?

Phương trời vô định, lá buồn không?
Xa cội, niềm đau hẳn úa lòng
Chắc lá đêm ngày thương nhớ lắm
Những mùa Thu có gió thu trong

Một mai lá mục với thời gian
Có xót xa đau phận lá tàn?
Hồn lá chắc gì siêu thoát được
Khi rừng phong cũ vẫn quan san!


Ngô Minh Hằng

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Đêm Tạ Ơn Quê Hương



Đêm Tạ Ơn Quê Hương
ca khúc đặc biệt viết cho Đêm Tạ Ơn của sinh viên
Montgomery College/ Maryland

nhạc lời NGHIÊU MINH
tiếng hát KYRA NGUYEN
hòa âm NGUYỄN MINH CHÂU

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Tưởng niệm HIẾU ANH




Chiều thu buồn, mây tím buồn
tâm ghe người hát, tình vương khối sầu
nhớ người, bóng đã qua cầu
dõi theo từng bước, thơ đau chật hồn!
(Cao Nguyên - 11/24/2006)

Mình lại nói chuyện với Bạn đó, Hiếu Anh! Đếm ngày Bạn đã đi qua chiếc cầu sinh-tử, ba-trăm-sáu-mươi-lăm-ngày, có là bao khi những vẫy tay chào của bằng hữu với Bạn còn mãi thắm tình.
Sáng nay, Phan Anh dũng - người bạn thơ nhạc - lại gởi tiếng hát của Tâm Hảo đến với mọi người trong bài "mây tím chiều thu" của Bạn. Nghe mà nhớ, mà thương chi lạ cái chân tình Bạn gởi giữa lòng người.
Trời đang cuối Thu vào Đông, những người bên này cầu lại gởi đến Bạn những món quà trong mùa lễ Tạ Ơn, như nhắc nhở giữa Ơn Đời, Ơn Người, mình còn nợ nhau nhiều lắm. Hãy nhìn đó, những dáng người thân thương; hãy nghe đó những tiếng hát của bạn bè ngân lên trên những nốt thơ nhạc Bạn gởi lại đời với tấm lòng vương lên trên cõi đời nhân ái.
Mọi người đang nhìn Bạn, đang nghe Bạn hát. Chờ những bông tuyết bay trên vai, để lại vẫy chào Bạn, thoáng đó mà đi vào cõi đã về trong tích tắc của một năm vừa chợp mắt...
Bạn ở đây, và tiếng hát ở đây:

MÂY TÍM CHIỀU THU

***
Lời tâm tình gởi Hiếu Anh - người bạn thân quí của tôi về cõi vĩnh hằng .
Thoáng đó mà đã 5 năm, mỗi một cuối năm, tôi lại tưởng nhớ về anh từ gương mặt, ánh mắt thân tình, đến những giòng thơ nhạc anh gởi lại trần gian chứa trọn lòng nhân ái .
Mời nghe những tình khúc của nhạc sĩ Hiếu Anh:

http://trinhnu.net/?i=x&x=9429
Và xem " Hiếu Anh Còn Đó Giữa Tình":
http://caonguyen.net/cn/viewtopic.php?t=371