Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Nation of America



Danny Nguyen (Ðiền Nguyễn) nhạc sĩ gốc Việt, tác giả BẢN NHẠC Nation of America 

Những lá cờ Hoa Kỳ tung bay phất phới, 100 ca sĩ Mỹ đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi sắc tộc, đứng cạnh bên nhau để cùng hợp ca, trong đó có những người là quân nhân, là cô giáo, em bé học trò, hay công nhân, những chiếc xe quân đội, máy bay lượn trên vòm trời cao, và cảnh cứu người trong sự kiện 9-1-1, Katrina, và Boston Marathon.



Một cảnh trong clip của bài hát Nation of America. (Hình chụp qua Youtube)

Tất cả là những khúc phim tài liệu chạm đến trái tim mọi người, được gom góp, tạo thành linh hồn của ca khúc “Nation of America” hay “Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Bài hát này do một người gốc Việt, nhạc sĩ Denny Nguyễn, sáng tác!
Nhạc sĩ Denny Nguyễn, anh tên thật Ðiền Nguyễn, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, theo gia đình định cư Hoa Kỳ năm 1986, diện H.O.

Ðiền Nguyễn đã từng tham gia Thủy Quân Lục Chiến dự bị được khoảng trên hai năm.
“Âm nhạc là tài năng và động lực thúc đẩy tôi trong cuộc sống.” Nhạc sĩ Nguyễn Ðiền nói. Anh kể, đã từng viết rất nhiều ca khúc cho các ca sĩ tên tuổi tại hải ngoại, cũng như trong nước như Trina Bảo Trân, La Sương Sương, Ánh Minh, Dương Triệu Vũ, Ngọc Sơn, Bảo Yến, Thanh Lam...
Nguyễn Ðiền cho biết anh đã từng là ca sĩ, hát cho một vài trung tâm ca nhạc tại hải ngoại.

“Tôi viết bài 'Nation of America' cách đây hai năm.” nhạc sĩ Ðiền Nguyễn tâm sự thêm: “Thật sự tôi muốn sáng tác bài 'Nation of America' theo dạng của bài ‘We Are The World.’”
Thêm vào đó thần tượng của Ðiền là nhạc sĩ Trúc Hồ, anh giải thích, bởi vì anh nghe nhiều bài hát hợp ca của trung tâm Asia quá hay, nên anh tự nhủ lòng: “Ước gì mình có thể sáng tác được 1 hay 2 bài, được trình bày hợp ca theo kiểu như thế của anh Trúc Hồ.”

“Sau khi bài hát 'Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ' được hoàn tất, mới đầu tôi chỉ dự định nhóm hợp ca bài này là một nhóm nhỏ, khoảng 10 đến 20 ca sĩ là nhiều lắm rồi... Sau khi nghĩ như vậy, tôi gửi đăng những lời cần người, quảng cáo trên các trang mạng, cũng như các tờ báo địa phương.”
Nhạc sĩ trẻ Ðiền Nguyễn tâm sự tiếp: “Vậy đó mà tới chừng vừa gửi thông báo lên các trang mạng, là người ta ùn ùn gọi tới tấp, hẹn cho vào phòng thu thử giọng, kết quả là có cả mấy trăm người muốn tham gia.”
“Cuối cùng tôi quyết định chọn khoảng 100 người để hợp ca bài hát này, mà 100 người đó bao gồm già trẻ lớn bé, và không phân biệt màu da, chủng tộc,” Ðiền nói.



Nhạc sĩ Ðiền Nguyễn (trái) và một người bạn. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

Hành trình để đi tìm đủ 100 người theo như chàng nhạc sĩ nói, quả thật không hề đơn giản, cặp mắt của anh bỗng sáng rực, khi nhắc đến những kỷ niệm, mà anh nói rằng, “Chẳng phải ngọt ngào gì lắm đâu.”
Bốn chữ “không hề đơn giản” mà anh đề cập đến là một quãng đường dài, một năm, tám ngày, trong đó có 6 tháng ròng rã, người nhạc sĩ, ca sĩ này làm việc miệt mài trong các phòng thu.

“Cái khó khăn cho mình vì tên tuổi và uy tín chưa bao giờ có trong cộng đồng người bản xứ, bởi vậy như khi đi tìm, chọn những em bé để hát chung với dàn hợp xướng, mình phải vào từng trường tiểu học, xin phép những thầy cô hiệu trưởng, trình cho họ bài hát của mình, sau khi họ nghe thấy tốt, họ mới mời phụ huynh đến họp để hỏi ý kiến, và cuối cùng là quyết định cho các con em của họ tham gia vào dàn hợp xướng hay không?”

Ðiền Nguyễn tiếp tục mô tả lại những khó khăn khi tạo dựng bài hát này, anh kể có những đêm lang thang một mình vào các sòng bài, vũ trường lớn có ca hát, “Ngồi nghe từng người ca sĩ của họ hát, từ đầu đến cuối, sau đó mới quyết định chọn ai? và mạnh dạn đến mời họ tham gia, dĩ nhiên là trả thù lao đàng hoàng.”
Anh tâm tình: “Vui lắm, có nhiều ca sĩ mình mời họ hát cho mình, sau khi vào phòng thu, hoàn tất phần việc của họ, xong ra về, lúc gửi bao thư cho họ, họ không lấy, mà còn nói 'Tôi cảm xúc và vinh dự được tham gia với bạn trong dự án âm nhạc lớn như thế này', rồi sau đó họ lại là người giúp mình quảng bá bài hát rất tích cực.”

“Bài hát này có thể dịch ra tiếng Việt của mình được không?” Nhạc sĩ Ðiền Nguyễn lắc đầu, anh cho biết dịch sang tiếng Việt sẽ mất ý nghĩa đúng của nó.
“Ý tưởng nào để bạn viết ca khúc này vậy?,” ngừng một chút, nhạc sĩ Ðiền Nguyễn trả lời: “Bởi vì tôi thật sự yêu nước Mỹ.”
Anh nói khi sáng tác bài hát “Nation of America,” anh chỉ nghĩ được thay mặt cho cộng đồng Việt Nam, tỏ bày sự mang ơn đối với đất nước đã và đang cưu mang chúng ta.”
Cũng vẫn theo lời chàng nhạc sĩ, bài hát “Nation of America” đã từng được hát trong một số dịp lễ lớn của cộng đồng Mỹ như lễ khánh thành của nhiều LA fitness, lễ nhậm chức của bà thống đốc tiểu bang Rhode Island, lễ diễn hành của Rhode Island...

Cũng nhờ sự giới thiệu của những chính trị gia, những người bạn Mỹ mến mộ bài hát này, họ đưa đẩy anh đến với những đài radio Mỹ như ở LKVS (San Louis), Illinois, Chicago mời phỏng vấn.
“I love the USA until the day I die”... Câu cuối cùng của bài hát, tất cả chừng ấy nghệ sĩ tham gia trong dàn hợp xướng cùng để bàn tay phải lên ngực trái.
Ðó cũng là hình ảnh gây xúc động mạnh đến người xem.
Ngày 4 tháng 7, tôi yêu nước Mỹ, và cảm ơn đất nước Hoa Kỳ. Thông điệp duy nhất, nhắc nhở mọi người nhân ngày Lễ Ðộc Lập sắp tới.

Ðức Tuấn/Người Việt

Nếu Con Không Phải Là Con Của Lính

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Diễn văn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Diễn văn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

BÀI DIỄN VĂN LỊCH SỬ CỦA CỐ TỔNG THỐNG ĐỆ II VNCH NGUYỄN VĂN THIỆU TRONG NGÀY QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA 19/6/1973





Tổng Thống Đệ II Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố dứt khoát không chấp nhận Chính phủ Liên Hiệp với cộng sản, một đòi hỏi LẬP CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP VỚI CỘNG SẢN của Phật giáo Ấn Quang của Thích Trí Quang và Thích Quảng Độ vào thời điểm đó.

Chiến hữu các cấp: 

Cách đây đúng (1) một năm, cũng vào ngày quân lực, tôi đã ra lệnh cho anh em thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ.

Đúng 3 tháng sau, anh em đã đánh bại quân cộng sản xâm lược trên khắp các chiến trường chính yếu, và những lãnh thổ trọng yếu đã được tái chiếm.

Thời gian 3 tháng đó là thời gian quyết định. Những chiến thắng đó là những chiến thắng quyết định.

Quyết định sự thảm bại sau cùng, trong những cố gắng sau cùng của quân cộng sản xâm lược kể từ tết Mậu Thân 68.

Đồng thời, buộc chúng 3 tháng 6 mới đây: Ngưng bắn lại được cộng sản cam kết thêm một lần nữa; nhưng trong những ngày qua, chúng lại vẫn tiếp tục vi phạm trầm trọng hơn nữa.

Như vậy, đủ xác nhận rằng chủ trương của cộng sản không phải là vãn hồi hoà bình bằng một giải pháp ôn hoà dựa trên tinh thần hoà giải quốc gia, hoà hợp dân tộc qua công thức tổng tuyển cử tự do dân chủ để thực thi quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Miền Nam.

Trái lại càng xác nhận rằng bản chất của cộng sản vẫn là hiếu chiến, chủ trương của cộng sản vẫn là chiến tranh xâm lược.

Ý đồ của chúng vẫn là thôn tính trọn vẹn Miền nam bằng vũ lực và bạo tàn.

Với kinh nghiệm từ năm 54, qua những hiệp định về VN và các quốc gia láng giềng, với kinh nghiệm hiệp định Balê năm nay, với những vi phạm tiếp diễn so với thông cáo chung ngày 13 tháng 6 vừa qua, cộng sản chỉ ký kết hoà ước là để tự cứu nguy khi chúng bị thảm bại, nhưng đồng thời để chuẩn bị một cuộc xâm lăng mới.

Cho nên, không còn ai ngây thơ tin tưởng rằng cộng sản sẽ tôn trọng ngưng bắn nghiêm chỉnh để vãn hồi hoà bình thực sự tại phần đất này. Nhân dân Miền Nam hơn ai hết lại càng không thể ngây thơ tin tưởng rằng cộng sản đã từ bỏ ý đồ xâm lăng để có hoà bình thực sự bền vững tại phần đất này.

Chiến hữu các cấp trước ai hết, anh em lại càng phải thấy rằng hoà bình dù mỏng manh như hiện tại cũng không phải là một món quà tự nhiên mà có, ngồi chờ tự dưng nó đến.

Càng không phải nhờ sự kêu gọi thiện chí hay van xin lòng nhân đạo của cộng sản mà được, như một số người chủ bại ngây ngô lầm tưởng.

Trái lại, hoà bình mà không nô lệ cộng sản là nhờ nơi sức mạnh, nơi tinh thần, nơi ý chí của cả dân tộc quyết tâm chiến đấu để tự tồn, thực hiện bằng xương bằng máu của hàng ngàn hàng vạn thân xác anh em, bằng hy sinh vô bờ bến của hàng ngàn, hàng vạn đồng bào.

Hoà bình mà phải tước đoạt cam go từ trong tay 1 (một) kẻ thù vô cùng bạo tàn khát máu. Vậy giá của hàng chục hàng trăm thị tứ xóm làng điêu tàn đổ nát của Miền Nam thân yêu của chúng ta, chính nhờ ý chí kiên trì, sức mạnh của dân quân Miền Nam chúng ta kết hợp cùng những dân tộc yêu chuộng hoà bình và tự do trên khắp Thế giới mới buộc được cộng sản ký kết hoà bình hồi tháng giêng năm nay. 

Rồi những tháng vừa qua, cũng với ý chí kiên trì và sức mạnh bằng xương bằng máu mà quân dân Miền Nam chúng ta mới chận đứng được cộng sản dành dân lấn đất.

Suốt 18 năm trường, không khi nào cộng sản nghĩ đến chấm dứt xâm lăng vì thiện chí hoà bình hay vì tình thương dân tộc, mà cộng sản chỉ buộc phải dừng bước xâm lăng khi chúng bị ta đánh bại.

Cho nên cộng sản cũng sẽ không khi nào từ bỏ ý đồ tái xâm lăng nếu không thấy rằng tái xâm lăng rồi cũng sẽ bị quân ta đánh bại.

Đó là lý do mà Miền Nam chúng ta phải mạnh, phải duy trì và kiện toàn sức mạnh quân sự, phải có sức mạnh quân sự với một quân đội quyết chiến quyết thắng mới ngăn chặn được xâm lăng tái diễn, mới đảm bảo được hoà bình lâu dài và chỉ có 1 sức mạnh quân sự sẵn sàng đánh bại mọi hành động quân sự của cộng sản, chứ không có gì khác hơn mới làm cho cộng sản tôn trọng mọi hiệp định hoà bình mà chúng đã ký kết.

Cho nên ngày Quân Lực năm nay không chỉ để đánh dấu chiến thắng mà các anh em đã đạt đuợc, mà còn để biểu dương sức mạnh thì chúng ta phải tiếp tục kiện toàn để biểu dương ý chí quyết chiến quyết thắng mà anh em phải tiếp tục nuôi dưỡng.

Trước một kẻ thù gian manh lật lọng là cộng sản, tôi kêu gọi toàn thể anh em hãy không ngừng đề cao cảnh giác tột độ để ngăn chặn hữu hiệu, phản ứng kịp thời và mãnh liệt mọi hành động dành dân lấn đất của chúng.

Hãy liên tục rèn kén chỉnh quân, trui luyện chí khí, trao dồi tác phong, cải tiến chiến thuật, canh tân kỷ luật để đập tan mọi công cuộc tái phát xâm lược của chúng.

Anh em đã làm được sứ mệnh đánh bại xâm lăng, xây dựng hoà bình thì nay anh em phải làm được sứ mạng ngăn chận tái xâm lăng, bảo vệ hoà bình.

Chiến hữu các cấp: Hôm nay, trước quốc dân với sự có mặt của những đơn vị chiến thắng về đây đại diện cho những đoàn quân chiến thắng; những cá nhân xuất sắc về đây đại diện cho những quân, binh chủng xuất sắc; những cấp chỉ huy về đây đại diện cho toàn thể quân đội anh hùng, 

Tôi long trọng tuyên dương toàn thể Quân Lực chiến thắng và anh hùng.

Tôi kính cẩn nghiêng mình trước các anh em đã hy sinh. Tôi gửi lời thăm các anh em đang điều trị, Tôi gửi lời thăm các anh em đang ghìm tay súng bảo vệ đất nước.

Tôi gửi lời thăm các anh em đã trở về từ ngục tù cộng sản. Tôi sốt sắng cầu nguyện cho các anh em đang còn trong ngục tù cộng sản. Tôi gửi lời thăm các cựu chiến binh, các cháu cô nhi, các chị quả phụ tử sỹ toàn quốc.

Nhân dân ghi ơn tất cả các bạn, đất nước hãnh diện nơi các bạn.

Thân chào các chiến hữu @

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Giá trị của VNCH




 - ...Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc. Sau 40 năm, VNCH như một mạch nước chảy ngầm trong rặng núi, đau đớn, vất vả, khó khăn nhưng không bao giờ ngừng chảy. Nếu ai cho tôi khoác lác hãy gác qua bên mặc cảm Bắc Nam, định kiến xã hội, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hòa trên trang đầu của Hiến pháp VNCH mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung thôi, tôi tin người đọc dù Nam hay Bắc, dù trong hay ngoài nước, sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến...

*

Trong suốt 60 năm từ 1954, bộ máy tuyên truyền của đảng đã không ngừng vẽ trong nhận thức của bao nhiêu thế hệ Việt Nam một VNCH chẳng khác gì một con ma, ghê sợ, hung dữ và tội lỗi nhất trong thế gian này. Suốt 60 năm qua, VNCH là hiện thân của thứ tội ác. Trong nhận thức không chỉ tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 1975 mà ngay cả các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhà văn, nhà thơ đều được dạy để biết VNCH có ba đặc điểm lớn là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân đế quốc Mỹ”. 

Trong tiểu luận “Khám nghiệm một hồn ma” trên Talawas 8 năm trước người viết đã có dịp phân tích thể chế cộng hòa tại miền Nam. Xin trích một phần bài viết đó ở đây để chia sẻ với các độc giả chưa đọc. 

Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Chẳng những có mà còn vô cùng trầm trọng. 

Miền Nam có đàn áp biểu tình, đối lập không? Có, không chỉ đàn áp một lần mà nhiều lần, không chỉ một năm mà nhiều năm. 

Miền Nam trước 1975 có sống bám vào viện trợ Mỹ không? Có, không chỉ 300 triệu dollars “viện trợ đặc biệt” như nhiều người hay nhắc mà nhiều tỉ đô la. 

Vâng, tất cả điều đó đều có. Chế độ cộng hòa tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hòa hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi. Miền Nam có tất cả sắc thái của một xã hội dân chủ đang từng bước đi lên. Dân chủ không phải là lô độc đắc giúp một người trở nên giàu sang trong một sớm một chiều mà là quá trình tích lũy vốn liếng từ những chắt chiu của mẹ, tần tảo của cha, thăng trầm và thử thách của cả dân tộc. 

Ngay cả những quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nam Hàn cũng phải bước qua con đường đầy máu nhuộm để có được nền dân chủ như hôm nay. VNCH cũng vậy. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính. Như một viên ngọc nằm trong lòng lớp rong rêu của vỏ con trai, trên tất cả, giá trị đích thực của VNCH không nằm trong tham nhũng, trấn áp và đồng đô la Mỹ mà nằm trong Hiến pháp VNCH đặt nền tảng trên một thể chế dân chủ do dân và vì dân. 

Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hòa “Dân chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân” phát xuất từ “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.” 

Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hòa, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, được phân quyền rõ rệt: ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”. 

Phục hưng VNCH không có nghĩa là phục hưng chính quyền miền Nam. Chính thể không đồng nghĩa với một chính quyền và do đó không sống hay chết theo một chính quyền. Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc. Sau 40 năm, VNCH như một mạch nước chảy ngầm trong rặng núi, đau đớn, vất vả, khó khăn nhưng không bao giờ ngừng chảy. Nếu ai cho tôi khoác lác hãy gác qua bên mặc cảm Bắc Nam, định kiến xã hội, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hòa trên trang đầu của Hiến pháp VNCH mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung thôi, tôi tin người đọc dù Nam hay Bắc, dù trong hay ngoài nước, sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến. Công nhận các giá trị được đề ra trong hiến pháp VNCH không có nghĩa là đầu hàng, chiêu hồi. Không. Không ai có quyền chiêu hồi ai hay kêu gọi ai đầu hàng. Đây là cuộc chiến mới, cuộc chiến giữa dân tộc và phản dân tộc, giữa cộng hòa và cộng sản, giữa tự do và độc tài, giữa nhân bản và toàn trị. Mỗi người Việt sẽ chọn một chỗ đứng cho chính mình phù hợp với quyền lợi bản thân, gia đình, con cháu và sự sống còn của dân tộc. 

Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống do Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và rất nhiều nhà cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng thế kỷ trước đã mọc và lớn lên trong mưa bão. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt đầu sau khi đất nước bị chia đôi 1954 mà đã có từ hàng trăm năm trước. 

Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng hòa sau này. Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc đã được đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều người. Đó không phải là tài sản của riêng miền Nam mà của tất cả những người Việt cùng ôm ấp một ước mơ dân chủ. Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, tháo gỡ lớp màn “căm thù Mỹ Ngụy” ra khỏi nhận thức, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Không cần phải tìm giải pháp từ Miến Điện, Nam Phi, Ai Cập, Libya hay tìm chân lý ở Anh, ở Mỹ mà ngay ở đây, giữa lòng đất nước Việt Nam. 

Phục hưng VNCH không có nghĩa là phủ nhận công lao của những người đã hy sinh trong chiến tranh chống thực dân Pháp. Như kẻ viết bài này đã nhấn mạnh nhiều lần, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh đầy gian khổ nhưng rất anh hùng của một dân tộc bị nô lệ đã đứng lên chống lại một thực dân tàn bạo. Việc tham gia vào đảng phái, kể cả việc tham gia vào đảng Cộng sản của một số người Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn. Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập nhưng đối với đảng CS chiếc phao lại chính là dân tộc. 

Nhiều người yêu nước chọn tham gia vào đảng CS nhưng bản thân đảng CS như một tổ chức chính trị dựa trên ý thức hệ CS chưa bao giờ là một đảng yêu nước. Những nông dân hiền hòa chất phác, những công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay. Dù sao, người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên. Lịch sử sẽ đánh giá, tổ quốc sẽ ghi công họ một cách công bằng. 

Phục hưng VNCH không có nghĩa là tái thực thi hiệp định Paris. Dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất và tất cả các hòa ước Patenôtre, hiệp định Geneva hay hiệp định Paris đều là những chiếc còng của thực dân và đế quốc áp đặt lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam yếu kém và phân hóa. Trước 1975, trong đáy lòng của bất cứ một người Việt yêu nước nào cũng mong một ngày dân tộc Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau sẽ được đoàn viên trong tự do, dân chủ và thịnh vượng. Tuy nhiên, ngoài trừ lãnh đạo CSVN chủ trương CS hóa toàn cõi Việt Nam bằng súng đạn của Nga, Tàu, không ai muốn đoàn viên phải trả bằng giá của nhiều triệu sinh mạng người dân vô tội, đốt cháy một phần đất nước, để lại một gia tài nghèo nàn lạc hậu cho con cháu. Hôm nay, dù không tự mình chọn lựa, dân tộc Việt Nam cũng đã là một và không có một thế lực nào làm Việt Nam phân ly lần nữa. 

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có khi cuồn cuộn lúc âm thầm, có chỗ sâu chỗ cạn nhưng chưa bao giờ ngưng chảy. Đó là sự thật. Khoảng thời gian từ khi Mã Viện, danh tướng nhà Đông Hán, đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43) đến khi Lý Nam Đế đánh bại quân Lương Vũ Đế và dựng nước Vạn Xuân (năm 543) là tròn 500 năm. Biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và chết đi trong suốt 5 thế kỷ sống trong bóng tối nô lệ nhưng sức sống Việt Nam vẫn tồn tại và lớn lên. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới trong đó người dân gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào thân thương và trìu mến. Đối mặt với một kẻ thù đông hơn nhiều và mạnh hơn nhiều, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của 90 triệu người Việt trong nước và 3 triệu người Việt ở hải ngoại cần thiết như hôm nay. Đảng CS có 3 triệu đảng viên nhưng đa số trong số 3 triệu người này trong thực tế cũng chỉ là nạn nhân của một tập đoàn lãnh đạo đảng tham quyền và bán nước. Chỉ có sức mạnh toàn dân tộc phát triển trên cơ chế dân chủ tự do mới mong thắng được Trung Cộng và mọi kẻ thù có âm mưu xâm lược Việt Nam. Tổ tiên Việt Nam đã làm được rồi các thế hệ Việt Nam ngày nay cũng sẽ làm được. 

Người viết biết rằng, đối với một số người Việt đã bị bộ máy tuyên truyền đầu độc quá lâu và các bạn trẻ bị nhào nặn hoàn toàn trong hệ thống giáo dục một chiều CS, để có một nhận thức đúng về lịch sử là một quá trình đấu tranh tư tưởng khó khăn. 

Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn thẳng vào thực tế đất nước sau 39 năm vẫn là một nước lạc hậu về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, quốc phòng và đời sống. Việt Nam còn thua xa những nước ở châu Phi như Ghana, Sierra Leone, Namibia vì những quốc gia đó còn nghèo nhưng hãnh diện vì chính phủ họ do nhân dân họ bầu lên. Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn vào cách giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Cộng của lãnh đạo CSVN. Ngoài những lời phản đối đọc như kinh nhật tụng họ không có và cũng không thể có một chọn lựa dứt khoát nào chỉ vì quyền lợi trước mắt của một nhóm người lãnh đạo được đặt lên trên quyền lợi lâu dài của đất nước. Như người viết đã trình bày trong bài trước, rồi mai đây, sau trận đánh ghen HD-981, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy. Thảm trạng xã hội Việt Nam hôm nay, những lạc hậu kinh tế hôm nay, những yếu kém về quốc phòng hôm nay, những cô đơn trong bang giao quốc tế hôm nay là những câu trả lời cho những ai còn do dự, còn một chút tin tưởng nào đó ở lãnh đạo đảng CSVN. 

Sau hải chiến Hoàng Sa đầy hy sinh xương máu, VNCH lần nữa lại được lịch sử giao trọng trách đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa trong tay Trung Cộng. Cuộc tranh đấu mới sẽ khó khăn nhưng là con đường đúng nhất của dân tộc trong cùng hướng phát triển của nhân loại. Giống như hầu hết các nước cựu CS ở Đông Âu và khối Liên Xô, thể chế Cộng Hòa là chọn lựa đương nhiên và dứt khoát. Các quốc gia sẽ bình đẳng trước công pháp quốc tế. Những khẩu hiệu tuyên truyền rất sến như “16 chữ vàng”, “hữu nghị Việt Trung” sẽ bị chôn sâu theo xác của ý thức hệ CS. Dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển thành một quốc gia hiện đại về cả kinh tế lẫn quốc phòng. Các nhà lãnh đạo VNCH trong cuộc đấu tranh mới trên mặt trận ngoại giao sẽ hành xử xứng đáng với tư cách của một cấp lãnh đạo chính danh, thay mặt cho một nước VNCH thống nhất, dân chủ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đại đa số con người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Giành lại Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là một cuộc tranh đấu gian nan, gai góc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng sẽ thắng.

*

Trích đoạn từ bài viết "Việt Nam Cộng Hòa, lối thoát của Hoàng Sa và dân tộc" của tác giả Trần Trung Đạo.


Trần Trung Đạo

Ngày Quân Lực VNCH



Ngày 19 tháng 6 là Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà [QLVNCH]. Đó là ngày ghi nhớ ơn nghĩa của những nam nữ quân nhân Việt Nam Cộng Hoà đã vì nước hy sinh, vì dân chiến đấu khi còn ở nước nhà. Và những người ấy bây giờ đã lớn tuổi mà không nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục chiến đấu bằng tay không với ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất trong một cuộc “chiến tranh khác” – là cuộc chiến tranh chánh trị, đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN ở hải ngoại để hỗ trợ cho đồng bào người Việt Quốc gia trong nước. Chớ ở hải ngoại tại các nước định cư ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc châu, tự do, bình đẳng, dân chủ, nhân quyền đã có thừa người Việt không cần đấu tranh cho mình nữa.

00

Một, người chiến sĩ VNCH trong chiến tranh Quốc Cộng ở nước nhà VN. Trong cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của CS Bắc Việt, QLVNCH là những người Việt Bắc, Trung, Nam, Thượng đem những ngày hoa mộng của đời mình để chiến đấu cho tự do, dân chủ của đồng bào trước làn sóng xâm lược của CS. Chiến đấu hào hùng, bẻ gãy mọi cuộc tấn công của CS. Dù mới thành lập nhưng kiên cường chiến đấu suốt hai thời đệ nhứt và đệ nhị VNCH, trở thành một quân lực hùng cường nhứt ở Đông Nam Á. Không một xóm, một làng, một quận nào của Miền Nam từ Bến Hải đến mũi Cà mau, CS tấn công mà CS chiếm giữ được.

Có trên 300,000 quân nhân VNCH đã hy sinh cho Tổ Quốc. Nếu so với dân số Mỹ và số 2 triệu thương vong Mỹ trong cuộc Chiến Tranh Nam Bắc của Mỹ, tỷ lệ tổn thất của QLVNCH cao gấp đôi của Mỹ. Nếu không thực sự dũng cảm chiến đấu, thì không thể tổn thất lớn lao như vậy.

Với độ lùi thời gian quá đủ, với tài liệu về Chiến tranh VN Mỹ giải mật gần hết, những nhà nghiên cứu và lịch sử đã trả lại chân lý cho QLVNCH một thời bị Phản Chiến Mỹ gieo tiếng oán một cách oan sai trên truyền thông và công luận Mỹ. Rõ rệt như trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng sản Bắc Việt, quân nhân VNCH đã chống trả một cách quyết liệt và hữu hiệu. Không một đơn vị nào bị tan rã, không một thành phố nào CS chiếm giữ được.

Trái lại quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị nướng gần hết. Các sư đoàn xâm nhập của CS Bắc Việt bị phản công điên đảo phải rút qua biên giới Miên, Lào “dưỡng quân”, tạo một thời kỳ hậu Mậu Thân rất yên ổn cho VNCH.

Lúc bấy giờ tinh thần quân dân như cá với nước lên cao làm thanh niên VN tình nguyện vào QLVNCH quá đông khiến QLVNCH ngưng tuyển mộ và cho quân nhân gốc giáo chức biệt phái về trường tiếp tục dạy học.

Trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, CS Bắc Việt pháo kích như mưa, dùng chiến xa tấn công liên tục. QLVNCH đã anh dũng tử thủ chiến trường An Lộc. Một tiểu đội hạ được hai xe thiết giáp của CS Bắc Việt. Để rồi đánh đuổi bộ đội CS Bắc Việt bao vây, làm ngạc nhiên Mỹ và thế giới.

Trong trận Khe Sanh, báo chí phản chiến của Mỹ ở Saigon, ăn ngủ trong phòng lạnh chê QLVNCH. Trái lại người quân nhân Mỹ ở chiến truờng rất kính phục. Trên Báo Armed Forces Journal của Mỹ số 19 tháng 4 năm 1972, Đại tá Robert Monelli, một sĩ quan Hoa Kỳ có mặt trong mặt trận đó đã kể lại "Một tiểu đoàn VNCH với 420 binh sĩ bị bao vây liên tiếp trong ba ngày bởi một trung đoàn Cộng Sản độ 2.500 đến 3.000 tên. Quân đội Hoa Kỳ không thể tiếp tế cho họ được. Họ phải chiến đấu cho tới khi gần hết đạn, rồi mở đường máu bằng khí giới tịch thu của địch. Họ đã mang theo tất cả binh sĩ bị thương và cả một số xác chết. Không ảnh thám sát chụp được rõ ràng có 637 xác địch rải rác chung quanh căn cứ. Về phía quân đội VNCH, tiểu đoàn trên chỉ còn lại có 253 binh sĩ sau khi đến được vòng đai bạn.”

Trong thời kỳ Mỹ việt nam hoá chiến tranh và thi hành Hiệp Định Paris năm 1973, các cuộc nghiên cứu sau này của những chiến lược gia Mỹ, đặc biệt là ở ở Đại Học Texas cho biết nếu Quân lực Mỹ bị cúp quân viện như QLVNCH, thì Quân Lực Mỹ chỉ có thể chịu đựng ba tháng mà thôi, chớ không phải ba năm như QLVNCH.

Và trận chiến sau cùng khi VNCH bị Mỹ bức tử. Mỹ cúp viện trợ chánh quyền VNCH, cúp quân viện QLVNCH, kể cả đạn dược và xăng dầu thiết yếu. Thế nhưng một sư đoàn của QLVNCH đã anh dũng cầm cự chiến đấu với bốn sư đoàn quân Bắc Việt trong suốt hai tuần lễ tại Xuân Lộc.

Hai, người chiến sĩ VNCH trong chiến tranh chánh trị ở hải ngoại. Ngày Quân Lực là ngày thán phục những quân nhân VNCH sau nhiều năm tù cải tạo còn da bọc xương, đi tỵ nạn chánh trị ở các nước, nhưng không ai coi mình đã giải ngũ. Tướng Mac Athur tài danh của Mỹ nói, người lính già không chết mà chỉ mờ khuất trong lịch sử thôi. Những người lính gìa của QLVNCH cùng toàn quân dân, cán, chính vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu. Chuyển sang hình thái chiến tranh mới, chiến tranh chánh trị, đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Có tự do, dân chủ nhân quyền là không có CS độc tài đảng trị toàn diện.



Ngày Quân Lực là ngày quân dân cán chính VNCH tự hào mình đã tiếp tay khai nguyên, xây dựng được một Việt Nam Hải Ngoại đối kháng với chế độ CS ở nước nhà VN, như quân nhân và kháng chiến quân Pháp và những người Pháp yêu nước cùng Tướng De Gaulle kết họp lại thành France d Outre mer, làm đầu cầu cùng đồng minh đánh đuổi quân Đức Quốc xã ở nước nhà Pháp và ở Âu châu. Không sống được ở VN với CS, quân dân cán chính VNCH và hậu duệ đem VN theo mình. Tương kế tự kế vận động giương cao ngọn cờ VN nền vàng ba sọc đỏ tại các nước định cư ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc châu dù VNCH bây giờ không còn pháp nhân công pháp đối với Liên Hiệp Quốc.

40 năm sau, chỉ một thế hệ xã hội học thôi, non nửa đời người thôi, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt là có các tổ chức chánh trị, hội đoàn, văn hóa, xã hội ngoại vi, thân hào nhân sĩ vừa là đối tượng vừa là chủ thể của một Việt Nam Hải Ngoại.

Trong những người Việt còn gắn bó với vận mạng nước non nhà, phần lớn có anh chị em QLVNCH. Bỏ công bỏ của riêng, “ăn cơm nhà ra vác ngà voi hàng tổng” để phục vụ cộng đồng. Bất cứ nơi nào có biểu tình chống Cộng là có mặt anh chị em quân nhân VNCH đảm trách vai trò xương sống và an ninh nổi chìm cho cuộc đấu tranh. Khen thì ít, chê lại nhiều, nhưng tinh thần cộng đồng trong tim óc vẫn mạnh hơn những lời ra tiếng vào vốn phải có trong sinh hoạt tập thể ở các nươc tự do.

Ba, Ngày Quân Lực VNCH là ngày nhớ ơn những người mẹ, ngưởi vợ, người chị, người em gái, ngươi con của quân nhân QLVNCH đã buôn gánh bán bưng, lo tần lo tảo, chắc mót để dành đi “thăm nuôi chồng con em” là quân nhân QLVNCH bị đi tù cải tạo.

Ngày Quân Lực là ngày lớp trẻ của các gia đình quân dân cán chính VNCH dành cơ hội tự vấn lương tâm, nhận thức và khẳng định mình từ đâu, nhờ ai mà đến được những vùng đất hứa này để tiến thân ngàn lần hơn những người đồng trang lứa còn kẹt trong nước. Để từ đó tiếp nồi truyền thống hào hùng và tinh thần bất khuất của những cha anh là chiến sĩ VNCH đi trước. Đó là những người nay dù già rồi vẫn tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN mà hơn 90 triệu đồng bào trong nước rất hy vọng và tin tưởng/.

Vi Anh
 

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

GIỌT MƯA

Thảm Họa Bắc Thuộc

Thảm họa Bắc thuộc: Phim Tài liệu
Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-15
Hình bìa bộ phim Tài liệu Thảm họa Bắc thuộc
Hình bìa bộ phim Tài liệu Thảm họa Bắc thuộc

 Một nhóm làm phim tại hải ngoại vừa cho ra đời một bộ phim tài liệu mang tựa đề Thảm họa bắc thuộc, nói về quan hệ Việt nam Trung quốc. Sau đây là trao đổi giữa Kính Hòa và ông Chu Lynh, một trong những người thực hiện bộ phim về việc xây dựng bộ phim cũng như nội dung của nó. Ông Chu Lynh cho biết:

Ông Chu Lynh: Cuốn phim Thảm họa bắc thuộc đã được thực hiện trong hơn hai năm, với cái nội dung chính yếu là nhận diện cộng sản Trung Hoa, và nhận diện cộng sản Việt nam trong cái thảm kịch đưa đất nước Việt nam vào tình trạng thảm họa bắc thuộc. Sau đó chúng tôi có nói tới, đề cập tới một phần khá quan trọng, đó là những ngọn lửa Việt xuất phát từ trong quá khứ của lịch sử Việt nam cho đến ngày hôm nay. Những người trong nước, đặc biệt là giới trẻ, tổ chức thành những đoàn thể để mà lên tiếng về cái thảm họa bắc thuộc ngày hôm nay. Và sau cùng là chúng tôi cũng gửi đi một thông điệp, thông điệp này trước tiên là của tiền nhân, kế tiếp là của những nạn nhân trong thảm kịch bắc thuộc.

Kính Hòa: Hiện nay Việt nam là một quốc gia độc lập, thế thì cái đe dọa là như thế nào để Việt nam lệ thuộc Trung Hoa như ông vừa nói, thì ông có thể nói rõ hơn không?

Ông Chu Lynh: Chuyện Bắc thuộc không phải chỉ có bây giờ mà nó xuất phát từ trong quá khứ. Nhưng mà người Tàu không làm gì được nước Việt nam, bởi vì lúc đó triều đình với dân là một để chống lại quân xâm lăng từ phía bắc. Nhưng ngày hôm nay, triều đình tức là cộng sản Việt nam không đứng về phía dân chúng, tức là không đứng về phía dân tộc, cho nên người dân rất khó lòng chống lại người Tàu. Ngược lại thì cộng sản Việt nam đã toa rập, thần phục, tiếp tay cho người Tàu để mở cửa, từ biên giới cho đến các lĩnh vực khác, để người Tàu chiếm các cuộc đấu thầu, những cuộc đấu thầu có tính chiến lược về kinh tế và quốc phòng đều lần lượt nằm trong tay người Tàu. Chúng tôi không đi vào chi tiết vì trong cuốn phim có nõi rõ những lãnh vực đó.

Nội dung chính yếu là nhận diện cộng sản Trung Hoa, và nhận diện cộng sản Việt nam trong cái thảm kịch đưa đất nước Việt nam vào tình trạng thảm họa bắc thuộc
Ông Chu Lynh

Chúng tôi nghĩ rằng nếu mà ngày nay, cộng sản Việt nam trở về với dân tộc và đứng về phía dân chúng, thì chúng tôi nghĩ sẽ không có thảm họa bắc thuộc.

Kính Hòa: Thưa ông Chu Lynh, đây là một bộ phim tài liệu, vậy thì ông có thể cho biết những nguồn tài liệu nào đã được sử dụng và những nhân vật nào xuất hiện trong phim?

Ông Chu Lynh: Tài liệu về thảm họa bắc thuộc trôi nổi trên Internet rất là nhiều. Mà nếu mình lấy tài liệu trên Internet thì phải nói là rất khó khăn vì có quá nhiều tài liệu. Có nhiều bài báo có tính cách nghiên cứu, mà nhận định cũng không thuần nhất, thì cái nhiệm vụ của chúng tôi khi làm phim tài liệu là lọc và hệ thống hóa tất cả những dữ diệu trong quá khứ, và hiện tại. Chúng tôi lọc ra và chọn những tài liệu. Cộng với một số nhà nghiên cứu có uy tín ở hải ngoại, đồng thời chúng tôi cũng có phỏng vấn một số người trong nước.

Đặc biệt chúng tôi có mời ba nhân vật ngoại quốc là đạo diễn David Setter, ông là đạo diễn của bộ phim The age of Delirium, hình như dịch ra là Thời đại mê sảng. Giáo sư Stephen Young, ông là Giáo sư tại trường Đại học Hamline, Minnesota. Và sau cùng là Giáo sư Carlyle Thayer là chuyên viên về Đông Nam Á, rất nổi tiếng chuyên về bình luận vấn đề thời sự của Đông Nam Á. Nói tóm lại chúng tôi phỏng vấn 21 người.

Kính Hòa: Thưa ông Chu Lyng, trờ về với cái vấn đề bắc thuộc, có vẻ như người ta nói một trong những nguyên nhân của nó là do sự đồng ý thức hệ giữa hai đảng đang cầm quyền ở Trung quốc và Việt nam, có phải đó là nguyên nhân mà nhóm làm phim cho rằng dẫn tới thảm họa bắc thuộc của dân tộc Việt nam hay không?

Ông Chu Lyng: Trong cuộc phỏng vấn, Giáo sư Carlyle Thayer có nói cái vấn đề là trước đây là ý thức hệ, nhưng cộng sản Việt nam không ngờ là ý thứ hệ bây giờ không còn nữa, mà bây giờ là ý thức dân tộc, quyền lợi của dân tộc. Cộng sản Việt nam đâu có ngờ rằng bây giờ là quyền lợi của Trung quốc. Khi nhận ra bây giờ đã quá muộn rồi, cái ý thức hệ bây giờ không còn nữa.

Kính Hòa: Dạ thưa ông, người ta cũng hay nói rằng là Việt nam đang thực hiện một chính sách gọi là chính sách đu dây giữa các cường quốc. Và dường như là họ cũng có những nổ lực như là mua sắm vũ khí, đôi khi họ cũng lên tiếng mạnh mẽ chống lại Trung quốc. Thì liệu khi nói rằng họ sẽ dẫn tới thảm họa bắc thuộc thì có quá đáng hay không?

Giáo sư Carlyle Thayer có nói cái vấn đề là trước đây là ý thức hệ, nhưng cộng sản Việt nam không ngờ là ý thứ hệ bây giờ không còn nữa, mà bây giờ là ý thức dân tộc, quyền lợi của dân tộc
Ông Chu Lynh

Ông Chu Lynh: Chúng tôi không phải là những bình luận gia về thời cuộc, tuy nhiên nói về phương diện tài liệu, thì nếu bây giờ cộng sản Việt nam sắm tàu bè thì theo chúng tôi cũng là một cái điều cần, nhưng những cái lực lượng đó chưa chắc đối lại nổi với Trung quốc. Cái vấn đề bây giờ là nội lực của mình là chính chứ không phải là những vũ khí đó. Những vũ khí đó nếu đi kèm với nội lực, cộng sản Việt nam nếu khía thác được cái tinh thần dân tộc của mình, cái độc lập. Viện trợ của các nước chỉ là phần nhỏ.

Nếu nói là đu dây thì theo tôi nghĩ cộng sản Việt nam họ không có đủ khả năng để đu dây. Bởi vì đu dây là đu dây đường dài, chứ còn họ đu dây trong một thời gian thì người ta thấy cái sự man trá của họ.

Kính Hòa: Trước khi dừng lời, ông còn có ý nào nữa không về bộ phim này để nói với quí khán thính giả?

Ông Chu Lynh: Dạ thưa đó là một điều chưa được đề cập đến, hoặc đề cập đến mà quá sơ sài. Nếu ông Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ James Zumwalt có nói về biến cố đá Garma, ông nói rằng đó là một thảm sát mà thế giới chưa biết đến, nhưng có một tổn thất lớn nhất là dân chúng tại biên giới sáu tỉnh phía bắc. Đây cũng là một thảm sát mà thế giới chưa biết đến. Người dân Việt nam trong nước hay ngoài nước nên chú ý tới cái điều này. Chúng tôi nghĩ là nếu ở trong nước có những nhà báo độc lập, những nhà làm phim độc lập, chứ không phải của nhà nước, làm một cuốn phim, một phóng sự, một bài viết về tình tại biên giới, về cái thảm kịch của họ, từ chiến tranh 1979 cho đến giờ, thì chúng tôi nghĩ là rất hữu ích cho đất nước.

Kính Hòa: Xin cám ơn ông.