Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

NGUYỄN NGỌC BÍCH, TẤM LÒNG CHO QUÊ HƯƠNG


Góp bút: Thích Giác Đức, Bùi Diễm, Dan Southerland, Ngô Thanh Hải, Hoàng Đức Nhã, Đoàn Hữu Định, Nguyễn Quốc Quân, Lê Phú Nhuận, Trần Dũng, Tạ Văn Tài, Võ Văn Ái & Ỷ Lan, Jeannette Kwok, Trần Văn Sơn, Bùi Văn Phú, Jackie Bông, Nguyễn Long, Phạm Trần, Ca Dao, Cao Nguyên, Cao Văn Hở, Chu Lynh, Đặng Đình Khiết, Đặng Lâm, Đinh Hùng Cường, Đinh Quang Anh Thái, Đoàn Viết Hoạt, Đỗ Thành Công, Giao Chỉ, Hoàng Thị Quỳnh Hoa, Hoàng Vy Kha, Hồ Trường An, Hồng Thủy, Hồ Văn Sinh, Lê Mạnh Hùng, Lý Kiến Trúc, Lưu Nguyễn Đạt, Mai Thanh Truyết, Nguyễn Mậu Trinh, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Minh Cần, Nguyễn Thị Ngọc Dung, LM Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Khanh, Nguyên Lương, Nguyễn Long Quang, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Việt Nữ, Nguyễn Văn Sâm, Phạm Nam Phu, Phan Anh Dũng & Tâm Hảo, Phan Khâm & Vũ Hối, Phan Thanh Tâm, Phong Thu, Trần Huy Bích, Trần Mộng Tú, Trần Ngọc Thành, Thomas Công, Trần Phong Vũ, Trần Thị Thức, Trần Trung Việt, Trần Trung Đạo, Tâm Thường Định, Triệu Lương Dân, Trịnh Hội, Trịnh Bình An, Trương Hồng Sơn, Trương Anh Thụy, Từ Thức, Vân Lan, Võ Thành Nhân, Uyên Thao, Kim O’Connell, Pham Ngoc Que Chi…

LỜI NGỎ

Suốt 41 năm tại hải ngoại, không ít người Việt Nam yêu nước đã phục vụ quên mình cho lý tưởng tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam; tuy nhiên, phải công nhận rằng ít người đã cống hiến một cách tích cực, liên tục và phong phú trong nhiều lãnh vực như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông đã thành lập hay góp phần thành lập và lãnh đạo nhiều tổ chức chính trị, cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội và truyền thông.
Dù hoạt động đa dạng và đa diện, mục đích chính của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng chỉ nhằm đưa đất nước thoát khỏi ách độc tài Cộng Sản, xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân bản, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và đời đời con cháu mai sau.
Bên cạnh tài năng, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích còn là một nhà đạo đức gương mẫu. Đức tính hài hòa, nhân hậu của ông rất dễ dàng nhận thấy. Con đường tranh đấu đầy khó khăn, nhưng cuối ngày, trên môi ông vẫn một nụ cười bao dung và thông cảm. Đức tính đó đã làm Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trở thành điểm hẹn của những người yêu nước Việt đang mưu tìm một hướng đi chung.
Ra đi là để trở về. Tối ngày 2 tháng Ba, 2016, hạt giống lành mà Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích gieo xuống đã nở thành hoa trên cõi đời này. Giáo sư đã trở về ngay trên chính vòm trời gần 41 năm trước ông đã ra đi.
Một cụ già gần 80 tuổi qua đời mà ai cũng ngạc nhiên là một sự kiện hiếm hoi. Ngạc nhiên là phải. Bên cạnh tài năng đa diện và đa đạng, ông có một tâm hồn rất trẻ trung, phong phú. Ông ra đi khi đất nước còn quá cần những người như ông, khi Trung Cộng còn đang xâm chiếm Biển Đông và bao nhiêu lớp trẻ trong cũng như ngoài nước đang cần ông chăm sóc về văn hóa, giáo dục.
Để cám ơn những cống hiến lớn lao của giáo sư đối với quê hương đất nước và tưởng nhớ một nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, Kỷ Yếu Nguyễn Ngọc Bích: Một Tấm Lòng Cho Quê Hương được thưc hiện và phát hành vào dịp tuần 49 ngày của giáo sư. Kỷ yếu cũng là nơi để gia đình giáo sư ghi nhận và cám ơn những cảm tình của bà con xa gần, tôn giáo, cộng đồng, tổ chức, đoàn thể qua nhiều hình thức đã bày tỏ lòng kính trọng đối với giáo sư và chia sớt nỗi buồn cùng tang quyến.
Giống như con người đa năng, đa diện và có đời sống tinh thần phong phú của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nội dung của kỷ yếu cũng do sự đóng góp từ các tác giả thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, khả năng viết khác nhau và được trình bày dưới nhiều thể loại khác nhau. Đây không phải là tác phẩm văn chương, lý luận hay đề cao một quan điểm nhưng là kỷ niệm giữa những người còn sống về một người thân yêu vừa ra đi. Do đó, ngoại trừ lỗi chính tả và văn phạm căn bản, Ban Biên Tập không cắt bỏ, sửa đổi, thêm bớt bài viết. Nội dung của bài viết hoàn toàn do chính tác giả chịu trách nhiệm.
Chúng tôi cố gắng chạy đua với thời gian để kịp hoàn tất kỷ yếu trong tuần 49 ngày của giáo sư, do đó không thể tránh khỏi một vài sơ sót ngoài ý muốn. Chúng tôi cũng không thể in những bài nhận được sau thời hạn được ấn định khi kỷ yếu đã chuyển sang cho ban kỹ thuật. Kính mong quý vị cảm thông và tha thứ.
Trân trọng kính chào
Ban Biên Tập Tuyển Tập
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích: Tấm Lòng Cho Quê Hương 

Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Những Ngày Tháng Không Quên

 

41 năm về trước: Ngày 23 tháng 4 năm 1975 khoảng 7 giờ chiều, chiếc chinook cấp cứu của Không Đoàn 72 Chiến Thuật bốc gia đình tôi từ một đỉnh đồi tranh bên tả ngạn sông Ba đưa về Tuy Hòa / Phú Yên. Nơi tập trung sơ khởi để các đơn vị quân nhân và gia đình kiểm điểm quân số và người thân trong cuộc triệt thoái từ Tây Nguyên về Duyên Hải, xuyên qua tỉnh lộ số 7 thuộc tỉnh Phú Bổn.

Đoạn đường từ Pleiku đến tả ngạn sông Ba không dài lắm, thế mà chúng tôi đã đi suốt một tuần lễ, bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng 4 theo lệnh triệt thoái của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Một cuộc triệt thoái không có báo trước, dù quân dân trên khắp miền Tây Nguyên đang hoang mang bởi áp lực của Cộng quân dọc biên giới, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ.

Sáng hôm nay, ngày 23 tháng 4 năm 2016, tôi đã đến Eden Center / Virgnia để cùng các thân hữu thuộc cộng đồng người Việt và các chiến hữu thuộc Liên Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, làm lễ kéo cờ rũ để tưởng niệm 41 năm ngày Quốc Hận: 30/4/1975 - 30/4/2016.

Bốn mươi năm - hơn mười nghìn đêm mất ngủ
không riêng tôi, riêng anh. Mà cả chúng ta
những người đã sống hơn bốn, năm thập kỷ
lúc chiến tranh yên nghỉ, đã mệt nhoài!
(Trường Ca Bi Tráng) 


Đúng là đã mệt nhoài với cuộc sống lưu cư trên vùng đất bạn. Thế nhưng trong hơn mười ngàn ngày tỉnh thức, mỗi người Việt lưu vong luôn biết mình còn nhớ lắm quê hương, còn thương lắm những người thân đã ra đi trong nghẹn ngào uất hận vì hậu quả của cuộc chiến tang thương, còn tiếc lắm một cuộc sống thanh bình giữa núi sông và ruộng đồng yêu dấu Miền Nam.

Riêng tôi, trong từng lúc mệt nhoài tôi hỏi em, hỏi bạn, hỏi những thân thương liệu mình còn mấy thời gian trên hành trình chữ nghĩa viết về tình người, tình núi sông?

Bao năm qua, tôi đã viết gì về Tháng Tư và những vòng xoáy đời quanh Tháng Tư với những Ấn Tượng nhói lòng? Không nhiều, nhưng đủ chứa cả môt góc nhìn se thắt từ chính mình, từ những thân quen!

Thưở mình đi ngược gió
Quê Hương ở đằng sau!
(tình khúc Sơn Hà) 


Tưởng là ta bỏ quên ta từ độ ấy. Nhưng không, không thể nào quên những ngày tháng có thể làm mình gục ngã. Khi còn biết cảm ơn đất cảm ơn trời, cho tôi còn đứng giữa đời hôm nay, thì còn phải biết làm gì không thẹn với lương tâm, với thân nhân trước nỗi đau dân tôc. Còn nhớ đến tình chiến hữu, còn thương sắc áo màu cờ của một quân lực mà mình đã phục vụ vì lý tưởng bảo vệ quốc gia. Còn biết hát bài quốc ca và vui mừng ngẩng mặt nhìn lá cờ tung bay trong gió là còn biết lương tri mình gởi về đâu. Còn biết gọi hồn thiêng Tổ Quốc theo lời nguyện cầu khôi phục quê hương sau sự cưỡng chiếm và tàn phá của tập đoàn cộng sản Việt Nam và ngoại thù phương Bắc.

Dường như có giọt lệ rưng rưng trong lòng mỗi người khi nhìn lá quốc kỳ đang được kéo xuống của một lễ tang quốc gia.
Khi lá quốc kỳ dừng lại giữa trụ cờ, trời lất phất mưa. Phải chăng, Trời cũng động lòng thương cảm tâm trạng những con dân Việt đang sống lưu vong:
Những giọt mưa hợp triệu nguồn nước mắt
triệu đứa con nhớ Mẹ, khóc Việt Nam!

Cao Nguyên
Washington.DC - 23/4/2016


Đêm Nhớ Về Sài Gòn

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Học Việt Ngữ


Tại Sao Phải học Việt Ngữ ?
Ai là những người đang học Việt Ngữ trên đất Mỹ?

Ngoài các em học sinh Mỹ gốc Việt đang theo học tại các trường/trung tâm Việt Ngữ, con có một số học sinh tại các trường Trung Học trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, các trường cao đẳng cộng đồng (community colleges) và một số đại học. Đặc biệt là một số các đại học danh tiếng như Berkeley, Harvard, Cornell, Yale đều có chương trình Việt Ngữ không những là đầy đủ cấp lớp mà họ dạy lên tới trình độ chuyên môn để sinh viên có thể đọc sách tiếng Việt và làm các nghiên cứu về các đề tài liên quan tới Việt Nam. Tôi biết điều này vì chính văn phòng tôi làm việc trong Bộ Giáo Dục HK là nơi cung cấp ngân khoản cho những đại học này. (Grants) các tài trợ cho những đại học hàng năm từ vài trăm ngàn lên tới vài triệu để phát triển các chương trình ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt. Ngoài ra có những chương trình trang trải chi phí cho sinh viên làm (research studies) các công trình nghiên cứu tại Việt Nam từ những người nghiên cứu về môi sinh, mực nước ở sông Cửu Long, mức độ phù sa tại đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, …đến các học giả, nghiên cứu về đền đài lăng tẩm ở VN để so sánh với các nền văn minh khác, có người thì tìm hiểu về văn thơ Việt Nam, không những chỉ thông dịch chuyển ngữ mà còn giảng giải bình luận các bài thơ của Hồ xuân Hương, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn được thông dịch chuyển ngữ và giảng giải bình luận.

Trở lại các trường và trung tâm dạy Việt Ngữ – đa số do hoàn cảnh khó khăn thời gian eo hẹp, nên không thể nào tạo cho các em một nền tảng Việt Ngữ đủ để đọc báo đọc sách tiếng Việt. Chính vì vậy các em, nhất là khi biết tự suy nghĩ, thường cưỡng lại việc đến trường Việt Ngữ – các em có khi hỏi ngược lại cha mẹ –

tại sao phải học Việt Ngữ? Để làm gì? Lợi ích gì trong khi các em có quá nhiều bài vở.

Lý do để duy trì văn hóa thì quá mơ hồ.

Lý do để giữ liên lạc với gia đình thì không còn chính xác –

Đa số cha mẹ các em lứa tuổi đến trường như con cái quý vị hiện diện ở đây, đa số là những người đã sống trên đất Mỹ nhiều năm, thuộc giới chuyên gia, đi làm, hòa đồng vào đời sống và xã hội HK, hoàn toàn không còn trở ngại nên Cha Mẹ nhiều khi cũng xuôi tay.

2. Học Việt Văn để làm gì?

Học tiếng Việt có lợi điểm gì? – Vậy thì hôm nay, chúng tôi xin được hỏi quý ông bà anh chị cũng hai câu này – Học Việt Văn để làm gì? Học Việt ngữ thì lợi ích gì?

Tôi xin chia sẽ vài mẩu chuyện về các em Mỹ gốc Việt mà tôi đã gặp trong các trường lớp ở HK.

- Có một thời kỳ, tôi làm công việc đi giám sát các sinh viên đang thực tập dạy học (student teachers supervisor) tại các trường trong các học khu ở California.

Một hôm nọ, tôi vào lớp một cô giáo thực tập tạo khả năng song ngữ –Anh Việt – cô giáo Theresa Thảo Ly.

Trong thời gian đầu thực tập thì khô khan lắm vì bà giáo chính giao việc gì thì làm việc đó và đa số là công việc như chấm bài, kèm học sinh kém, canh học sinh giờ ra chơi – ít khi nào được làm việc trực tiếp với các học sinh – vậy mà hồi ấy, tôi thấy cô giáo này đang ngồi tại một bàn tròn và một số học sinh bao quanh, nói cười tíu tít rất vui nhộn. Trường học này trong quận Cam (Orange County) nên có một vài học sinh gốc Việt. Hôm ấy là gần ngày Lễ Mothers Day – ngày Từ Mẫu – các em làm các tấm thiếp thật đẹp và viết những lời chúc văn vẻ – có em thì làm các bài thơ ngắn, lời lẽ dễ thương. Khi biết cô Theresa Thao biết tiếng Việt, các em học sinh gốc Việt đem thiệp tới nhờ cô giáo giúp các em viết những lời thơ này qua tiếng Việt và tập cho các em đọc để các em có thể tặng cho mẹ các em

*** Thế thì đối với các em lớp 3 này – mới khoảng chừng 10 tuổi, các em ý thức được rằng có những khi sự biểu lộ tình cảm đậm đà sâu sắc ân tình nhất là qua các ngôn từ mẹ đẻ của mình – Các em phân biệt được khi các em nói,

“I LOVE YOU MOM WITH ALL MY HEART AND ALL MY SOUL” – có thề là mẹ các em sẽ không cảm động bằng khi em nói lên được bằng tiếng Việt

"MẸ ƠI CON YÊU MẸ BẰNG CẢ TRÁI TIM CON, MẸ ƠI CON YÊU MẸ BẰNG CẢ TẤM LÒNG SON”……

- Ngoài việc diễn tả tình cảm trọn vẹn, tiếng Việt còn phản ảnh văn hóa Á Đông – kính trên, nhường dưới – lớp lang –

Khi đứa bé nói với ông mà gọi ông là “you” và xưng là “me” ( ví dụ như là “Ong Noi, can you read me a story?” thì ông cháu đều ngang nhau hết – Ngược lại khi đứa bé nói, “Ông Nội ơi, ông đọc truyện này cho cháu nghe đi ông? “ thì không những văn hóa VN được duy trì, mà tình cảm liên hệ giữa ông và cháu được liên kết mạnh hơn.. Khi đứa bé biết xưng cháu hoặc con và biết dạ biết thưa "gọi dạ bảo vâng" khi nói chuyện với người trên, hoặc khi biết phân biệt lúc nào thì gọi bác, chú, cậu, dượng, dì, cô, thím vv thì đứa bé hiểu vị trí trong đại gia đình của nó và ngôn ngữ giúp cho nó thể hiện đuoc lễ, nghĩa. Mà trong xã hội bây giờ, khi mình biết xác định vị trí của mình trong việc giao tiếp với xã hội và hành xử đúng với sự lễ phép là chìa khóa mở cửa cho sự thành công.

- Một lần khác tôi đến thăm một trường trung học ở San Jose Eastside Union HS District trường nầy vừa xin được ngân khoản của Bộ Giáo Dục HK để mở chương trình Việt Ngữ cho các học sinh trung học vào khoảng 15 năm trước - chương trình rất khả quan vì có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, có đại học San Jose State University tạo điều kiện giúp một số các cựu giáo chức VN lấy bằng chính thức dạy học tại HK mà không phải học lại từ đầu. Các thầy cô giáo này vững vàng tiếng Việt lại hấp thụ phương pháp dạy ngôn ngữ mới nên lớp học rất sống động và hứng thú. Khi đi thăm lớp, tôi tới từng bàn học và lắng nghe các em đọc tiếng Việt hoặc xem những gì các em đang viết trong tập. Tôi thấy một em đang lẩm nhấm đọc vài câu thơ mà mắt có về đăm chiêu, tôi hỏi em đang làm gì thì em nói em đang học thuộc lòng hai câu thơ mà thầy mới dạy để chiều nầy em gặp cô bạn gái em sẽ đọc cho cô ta nghe. Em cho tôi xem tấm thiệp em làm, có hình trái tim bị nứt ( a broken heart) - và hai câu thơ em chép nắn nót bằng tiếng Việt. Tôi nói, “bây giờ em thực tập đi, đọc cho cô nghe thử xem cô có hiểu không để chiều nay gặp bạn gái đọc cho hay. Em nói " cô bạn gái này gia đình sắp dọn đi tiểu bang khác nên em rất buồn". Lúc đó chưa có email, tex, facebook như bây giờ. Gia đình dọn đi thì khó giữ liên lạc với nhau – chắc vì vậy em này sợ cô bạn gái sẽ “Xa Mặt, Cách Lòng" cho nên em mới chuẩn bị nói những lời từ giã ướt át như thế. Em cầm tấm thiệp đứng lên trao cho tôi mở ra và em đọc với một giọng chậm và buổi,

Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Xong em chớp chớp mắt muốn khóc làm tôi cũng cảm động hết sức. Quý vị có thấy không? Đối với em trung học mới 16-17 tuổi này, em đã hiểu được cái phong phú của tiếng Việt – em biết câu tiếng Anh em đã viết

– My heart is broken when you leave -

làm sao diễn tả hết cái tình cảm sâu đậm của em, trích ra trong bài thơ Những Giọt Lệ - thi sĩ Hàn Mặc Tử –

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

(có từ 15-20 trường trung học HK có môn Việt Ngữ trong chương trình Foreign Languages của trường.)

- Một câu truyện khác - Mới gần đây nhất, khoảng năm ngoái, tôi tham dự một buổi Federal International Job Fair, đại diện cho văn phòng tôi để tìm hiểu về tình hình và nhu cầu ngoại ngữ của các cơ quan khác trong chính phủ liên bang (federal agencies & departments). Tôi thấy một em mang bảng tên Jonathan Tran – tôi hỏi em có tìm được công việc nào thích hợp không. Em buồn bã nhìn tôi nói – Có một cái job đúng như em mơ tưởng – được ra nước ngoài làm việc nghiên cứu về môi trường – đó là ngành học của em – Environmental Studies – khi em đưa resume ra thì họ rất thích vì em đủ khả năng chuyên môn. Rồi họ hỏi em có khả năng ngoại ngữ không – em trả lời là có – em thông thạo tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Họ nói họ cần một người biết ngôn ngữ của một xứ Đông Nam Á – Họ nhìn bảng tên em và hỏi em có biết tiếng Việt không? Em nói em hiểu nhưng không nói, đọc và viết được. Họ giải thích là họ đang tuyển người nghiên cứu về môi trường Sông Cửu Long và họ cần nhân viên có thể làm survey với dân địa phương dọc sông Mekong. Em nói với tôi là phải chi em nghe lời cha mẹ tiếp tục học tiếng Việt lúc nhỏ.

- Điều này làm tôi cho nhớ cô con gái của cô bạn tôi ở Cali - cháu học rất giỏi, ra trường Berkeley magna cum laude về ngành báo chí và truyền thống – journalism and broadcasting – cháu được công việc tại một đài TV local. Sau hai năm có thành tích khá, cháu có cơ hội đi interview cho một chức vụ cao hơn tại một đài truyền hinh lớn – CBS – Mẹ cháu nói cháu rất háo hức vì xét thấy đủ kinh nghiệm và khả năng như trong cái job description miêu tả. Trước khi ra khỏi nhà đi đến chỗ phỏng vấn, cháu còn hôn mẹ và nói tối này sẽ đãi mẹ đi ăn mừng job mới. Hai tiếng đồng hồ sau, Mẹ cháu nhận được cái phone của cháu, cháu nghẹn ngào hỏi Mẹ

–" Mẹ, Tại sao hồi đó Mẹ không bắt con học tiếng Việt!?” -

Mẹ cháu ngơ ngác không hiểu chuyện gì cho tới khi cháu về nhà, ngồi bịch xuống và nói với Mẹ là đài truyền hình chọn một cô Á Châu, bằng cấp và kinh nghiệm cũng ngang ngửa nhưng có đặc điểm hơn là cô ta nói được tiếng Hàn rất trôi chảy, còn khi họ hỏi cháu có biết tiếng Việt không thì cháu nói là thông thạo ở mực độ trung bình Tuy là đài truyền hình HK nhưng họ nói mỗi khi có tai biến lớn thì họ muốn có những người có khả năng interview để lấy ý kiến và quan điểm của những người từ nhiều nhóm dân và sắc tộc khác nhau. Họ nói bình thường ai cũng nói được tiếng Anh, nhưng khi có tai biến thì đa số các người lớn vì xúc động nên chỉ trả lời được bằng tiếng mẹ đẻ của họ mà thôi. Và có những người không trả lời khi một người lạ mặt hỏi nhưng sẵn sàng phát biểu khi thấy người phỏng vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình. Thế là vì không biết tiếng Việt mà tương lai sự nghiệp của cô bé phóng viên truyền hình Chritina Lê đang trên đà đi lên bị chận đứng.

- Ai trong chúng ta mà không muốn con cháu và các thế hệ sau duy trì được tiếng Việt. Nhưng khi con cháu đặt vấn đề, “tại sao phải học tiếng Việt?” “tai sao không bỏ thời gian học một ngôn ngữ nào hoặc một bộ môn nào mà có giá trị thực tế ngay?” tôi mong quý vị có đủ dữ kiện và lập trường phân tích cho các em thấy rõ 3 điều:

o Điểm Thứ Nhất: Tiếng Việt phong phú, súc tích và chứa đựng một kho tàng văn hóa; văn chương chữ nghĩa mà khi các em khám phá, đời sống các em sẽ có ý nghĩa thêm rất nhiều. Tiếng Việt là chiếc cầu nối giúp các em nối kết với nguồn gốc gia đình và tạo cho các em một sự tự hào và lòng biết ơn sâu xa. Cá em sẽ có cơ hội trao đổi và chia sẻ với bộ mẹ, ông bà, quyến thuộc những gì em học và em sẽ đủ khả năng hấp thụ những gì mà ông bà cha mẹ cô dì chú bác trao truyền cho các em trong các câu truyện mà lời nói yêu thương chỉ diễn tả đầy đủ súc tích nhất bằng tiếng Việt.

o Điểm Thứ Hai: Thông thạo thêm một ngôn ngữ là một yếu tố để cạnh tranh thi đua và tiến thân trong nền kinh tế toàn cầu. Tiếng Việt là một sinh ngữ gần 100 triệu dân sinh sống không những tai VN mà còn trong nhiều quốc gia khác. Khả năng Việt Ngữ là một chìa khóa mở nhiều cánh cửa nghề nghiệp cho con em chúng ta khi ra đời. Khi biết hai ngôn ngữ, việc học và hấp thụ thêm các ngoại ngữ kế tiếp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và điều nay đã được nghiên cứu và chứng minh rõ ràng.

o Điểm Thứ Ba, học ngoại ngữ làm cho bộ óc con người mở mang hơn và thông minh hơn. Thật vậy, hiện tại có rất nhiều các nghiên cứu về sự phát triển của óc não – họ đã chụp hình theo dõi và chứng mình được là khi một đứa bé bắt đầu hấp thụ hai ngôn ngữ từ nhỏ thì óc nó có sự phát triển nhạy bén hơn các em lớn lên trong gia đình chỉ sinh hoạt qua một ngôn ngữ. Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy các em học sinh trung học có điểm SAT cao hơn khi thông thạo một ngoại ngữ mặc dầu trên phương diện khác, các em có sức học tương tự với nhau. Và hiện tại, các nhà khoa học vẫn khuyến khích các bậc cao niên hoc âm nhạc hoặc một ngoại ngữ mới vì điều nầy chống bộ óc bị lão hóa. Các điều nầy nói lên lợi điểm của việc học ngoại ngữ nói chung và Việt Ngữ nói riêng.

- Nói tóm lại, nếu học ngoại ngữ giúp các em thông minh hơn, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thì tại sao không học Việt Ngữ như một ngoại ngữ? Các em học sinh gốc Việt học Việt Ngữ trong các trường trung học HK sẽ có điểm khá hơn vì các em sẽ được dịp thực tập nghe, nói, đọc, viết, trong gia đình hàng ngày!

Vấn đề cuối cùng mà tôi muốn đặt ra là một khi chúng ta xác định lợi ích của việc các em học sinh Mỹ gốc Việt, con cháu chúng ta khi học tiếng Việt, làm sao để thực hiện việc nầy?

Như đã nói trên, môi trường học Việt Ngữ tại các trường và trung tâm Việt Ngữ là một động lực giúp các gia đình VN khuyến khích con em duy trì tiếng Việt.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn xa hơn và làm việc khôn khéo hơn. Việc học có kết quả nhất vẫn là phải đưa môn Việt Ngữ vào dòng chính. Một số các học khu tại các tiểu bang khác đã làm và đã thành công. Tại vùng này, mùa khai trường năm ngoái, tiếng Việt đã được đưa vào Fairfax County Public School District tại Falls Church HS. Thành quả này do nhiều quý vị trong cộng đồng người Việt vùng HTD, VA, MD vận động mà người năng nổ nhất là cô Ngoc Giao.

Là một người luôn luôn hỗ trợ các trường và trung tâm Việt Ngữ – đã lập ra chương trình tu nghiệp sư phạm hàng năm ở CA hội tụ trên 300 giáo viên Việt ngữ về từ nhiều vùng và tiểu bang, là người đem phương pháp dạy Việt Ngữ theo lối sư phạm HK vào các trường Việt Ngữ và là người soạn thảo các bộ sách dạy Việt Ngữ cho các trung tâm và trường, tôi vẫn chủ trương việc đưa Việt Ngữ vào dòng chánh là cách tốt nhất để đem đến kết quả thật sự trong việc học Việt Ngữ.

Quý vị hãy tiếp tục đẩy mạnh Việt Ngữ vào các trường trung học trong vùng mình ở. Tiếng Việt không chỉ cho các học sinh gốc Việt mà cho tất cả học sinh muốn được chuẩn bị vào " the global market or diverse America" – thị trường kinh tế toàn cầu hoặc một quốc gia Hoa Kỳ đa sắc và đa văn hoá - Có một phong trào đã thực hiện ở nhiều tiểu bang là khi học sinh ra trường trung học, nếu chứng minh được là các em thông thạo Anh Ngữ và bất kỳ một ngoại ngữ nào khác, bằng trung học các em sẽ có thêm một dấu ấn Song Ngữ – Seal of Biliteracy – và em được đeo vào một cái mề đay chứng nhận em có khả năng song ngữ. Khi lên đại học, các em được credit cho các trình độ học sơ khởi (beginning level) của ngôn ngữ này và có thể vào các cấp intermediate hoặc advanced level nếu đủ sức.

Quý vị cần vận động để tiếng Việt không những được dạy ở cấp Trung Học mà còn được dạy ở cấp tiểu học. Hiện tại, một số các trường trong các vùng có mức lợi tức cao có các chương trình song ngữ hai chiều – Dual Immersion Language- Học sinh học các môn toán, khoa học, và thể thao bằng một ngoại ngữ và các môn như Văn Chương, Sử, và tập đọc tập viết bằng Tiếng Anh. Các gia đình này ý thức tầm quan trọng của ngoại ngữ. Họ sẵn sàng có mặt tại các buổi họp của Ban Quản Trị Học Khu – (School Board meetings) để phát biểu ý kiến, yêu cầu, chia sẻ, liên kết với các phụ huynh khác cùng đồng quan điểm để vận động cho các chương trình này thành hình. Hiện tại một số các học khu tiểu học vùng HTD/VA/MD có các chương trình song ngữ hai chiều tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Hoa.

Tôi mong trong tương lai gần đây sẽ có chương trình song ngữ -Dual Immersion bằng Tiếng Việt-. Tất cả tuỳ thuộc vào sự quan tâm và nỗ lực của quý vị. Tôi sẵn sàng tư vấn và hổ trợ trong tất cả các phuơng diện chuyên môn như tôi đã từng làm với các học khu ở California, Oregon và Washington State là nơi đã có các chương trình này rồi.
Nguyễn Lâm Kim Oanh

@

Tiến sĩ Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, bà là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ cao cấp trong Bộ Giáo Dục của chính phủ Obama. Từ 2014 đến nay tiến sĩ Kim Oanh là “cố vấn cao cấp về chương trình và chính sách cho vị phụ tá Bộ trưởng Bộ Giáo Dục (undersecretary of education) ” Thêm vào đó bà là giám đốc chương trình ngoại ngữ cho Bộ Giáo Dục Liên Bang Hoa Kỳ. Trước đây 2011-2014, bà tòng sự tại Tổng Nha Đại Học -Office of Post-Secondary Education - IFLE (International and Foreign Language Education) - Nha Ngoại Ngữ và Giáo Dục Quốc Tế 
---------------------------------
Hình: họa sĩ Vũ Hối, tiến sĩ Kim Oanh, bà Mộng Hoa)

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Giỗ Tổ Hùng Vương

Sen và Bão


Sen và Bão
Trưa ngày 25/10/2015. Khi đến dự buổi giới thiệu tác phẩm "The Lotus And The Storm" của nhà văn Lan Cao tại Jewish Community / Virginia. Tôi có cảm tưởng mình đi vào một không gian văn học sử mới với những tà áo dài màu hồng của các chị em hội cựu nữ sinh trường Trưng Vương chào mừng quan khách ngay tại sảnh đường.
Những người đến dự buổi giới thiệu sách gồm cả ba thế hệ người Mỹ và người Mỹ gốc Việt. Sự hân hoan náo nức trên từng nét mặt quan khách đối với một tác phẩm văn chương là một dấu ấn mới, mà mọi người hiểu ra nét đẹp kiêu hùng của một thời kỳ hưng thịnh đang được phục hồi.
Sự phục hồi vượt trên những đau thương trầm uất của một đất nước bị chiếm đoạt bằng bạo lực.
Bốn mươi năm sau cuộc chiến là một chuỗi dài thời gian lướt trên những đổ vỡ bi đát của phận Người và Đất tren quê hương Việt Nam. Một đất nước vốn được xem là phòng tuyến trên vòng đai Đông Nam Á trong vai trò chống ngoại xâm phương Bắc.
"The Lotus And The Storm" là một tác phẩm văn học sử. Sen và Bão là hòa bình và chiến tranh. Khởi đầu từ hòa bình yên ả của vùng đất phương Nam với sự bảo vệ của một chế độ Cộng Hòa Nhân Bản, đến chiến tranh chống chủ nghĩa Cộng Sản phương Bắc xâm lăng. Rồi ngược lại, từ chiến tranh vệ quốc phương Nam bị thế lực ngoại bang bức tử một quân đội kiêu hùng, đến một hòa bình giả tạo trên quê hương. Một sự hòa bình trên danh nghĩa của phe tự cho mình thắng cuộc.
Bốn mươi năm đã qua, với sự hòa bình giả tạo trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Sự đổ vỡ của xã hội gần như toàn diện từ nền văn hóa dân tộc, từ nhăn bản Văn Lang, từ huyết thống Lạc Hồng, đến mọi sinh hoạt đời thường của đồng bào cả nước. Hai chữ "Đồng Bào" dường như ngày càng bị lãng quên.
Đúng là chiến tranh đau và nhức nhối hòa bình!
Trở lại với buổi giới thiệu tác phẩm, điều thích thú nhất với tôi khi nghe khoa học gia Dương Nguyệt Ánh nói về tác giả và tác phẩm. Tôi không nghĩ do cái duyên thiên định bà Dương Nguyệt Ánh gặp Cao Phương Lan từ năm 2008 mà bà quyết định nhận lời làm diễn giả cho tác phẩm. Mà chính tác phẩm mới là nguyên nhân. Bởi từ nguồn cội gia đình, thân tộc, tác giả Cao Lan đã đưa người đọc tác phẩm đi vào những hệ lụy cùng cưu mang: Quê Hương và Vận Nước. Từ khổ nhục của cuộc sống sau khi cộng sản Miền Bắc cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, đến những khắc khoải suốt thời gian bỏ nước sống lưu vong.
Điểm nhức nhối trong những cưu mang ấy là vết thương do chính đồng bạn và đồng minh gây ra.
" Hội chứng Việt Nam chưa ngừng rỉ máu
Viết trường ca, con cháu tiếp cha ông
...
Triệu người chết vì những lời phản bội
Bao nhiêu triệu lòng đau bởi những hoài nghi! "
(hội chứng Việt Nam / Cao Nguyên)
Từ sự hoài nghi của người Mỹ trong phong trào phản chiến do quyền lợi của tập đoàn tư bản phát động. Đến sự hoài nghi những chiến hữu ngày xưa đã quay lưng chối từ trách nhiệm, thậm chí còn trở cờ phản bội sự hy sinh xương máu của đồng đội, phản bội lòng tin yêu của nhân dân Miền Nam suốt 20 năm bảo vệ và xây dựng quốc gia.
Điều may mắn cho dân tộc là còn một tập thể hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa biết thắp sáng lên niềm tin về một tương lai cho quê hương. Khởi đầu bằng những minh chứng công bằng lịch sử qua cuộc chiến tranh ý thức hệ Quốc - Cộng. Tính nhân bản đã làm nên những tác phẩm như tấm gương soi lại quá khứ đau thương mà nhận ra những nét đẹp hào hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhận thấy sự phi nghĩa của tập đoàn cộng sản gây ra chiến tranh tàn khốc và hủy diệt. Một trong những tác phẩm đó là "The Lotus And The Storm" (Sen và Bão).
Cùng thời gian đồng hành của những tác phẩm văn học sử được viết bởi những tác giả Việt Nam, còn có những tác phẩm của những tác giả ngoại quốc đã từng tham chiến bên cạnh quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả là những chứng nhân trung thực của một thời bão lửa, và cả thời hòa bình giả tạo gây nên bởi cộng sản Việt Nam.
Qua những tác phẩm văn học sử đó, thế hệ trẻ Việt Nam sống ở quốc nội hay hải ngoại đang từng bước hiểu thấu chính nghĩa và phi nghĩa của cuộc chiến. Xây dựng niềm tin và hướng tới tương lai bằng những hành động thiết thực trong cuộc tranh đấu vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương Việt Nam.
Trước thềm năm mới 2016, hy vọng và niềm tin về một Việt Nam hưng thịnh và hạnh phúc nhân dân sẽ phục hồi. Sự góp sức của những cây bút chính danh văn học sử là một lực lượng đáng kể trong cuộc tranh đấu vì quê hương và dân tộc.
Xin chân thành cảm ơn những tấm lòng ưu ái từ tác giả đến người đọc "The Lotus And The Storm". Sau mùa bão, sen lại nở hồng và ngát hương trên đất nước Việt Nam.
Cao Nguyên
Washington.DC - Jan 21, 2016

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Khuya Sài Gòn



Khuya Sài Gòn 

Rời phòng trà, rủ nhau ăn cháo trắng 
quán bên đường, khuya vắng bước chân người 
bỗng dưng nhớ Sài Gòn thời xa vắng 
đêm có em, tô cháo trắng và tôi ...! 


Giản dị thế mà sao còn nhớ mãi 
chút vị nồng củ cải thấm đầu môi 
chút nhắc nhẹ: anh! coi chừng cháo nóng 
chút, chút thôi... tình đọng lại trong tim 


Tôi xa em, xa Sài Gòn lâu lắm 
giờ phố chật người, đường đã thay tên 
may còn giữa đời tôi lòng say đắm 
những chút tình thấm đậm chất quê xưa! 


Cao Nguyên 

Sài Gòn Ngày Xưa

Tháng Tư Thương Đau

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Chẳng Lẽ



Vào mỗi Tháng Tư, tôi lại dựng lên cột mốc thời gian 1975 và cộng thêm vào từng khoảng đời lưu vong đáng nhớ. Đánh dấu chuỗi dài bi thảm của Việt Nam, quê hương tôi.
Cả bi và thảm đều chứa nhiều nước mắt của hằng triệu người Việt sống lưu vong, hay đang sống tại quê nhà!
Tháng Tư 2016, cột mốc thời gian khắc dấu ấn 41 năm. Nhìn về trước và sau dấu ấn này, trên tầng tầng lớp lớp máu xương của sự hy sinh vì tự do dân chủ của một quốc gia, vẫn chổi lên mầm đau thương do nước mắt tưới vào. Nghiệt ngã thân phận của đời người, của đất nước chạy buốt theo tiếng thở dài gần như chỉ để mặc niệm từ hồi tưởng.
Mặc niệm với những anh hùng đã vì nước hy sinh! Hồi tưởng những đắng cay và tức tưởi của một đoàn quân quyết chiến mà thất bại. Một thất bại nhục nhã bởi sự phản bội của đồng minh và nội thù dân tộc.
Chẳng lẽ đây là thời kỳ nhiễu nhương nhất của dòng lịch sử cận đại do nội thù khuynh đảo trong hàng ngủ nhân thân? Chủ nghĩa cá nhân nẩy lòng phản trắc, mài sắt ngôn từ để triệt hạ nhau, bất chấp chân lý và công đạo! Lừa bịp cả thế nhân bằng những chiếc áo ngụy tạo hữu thần. Lợi dụng đức tin để lập đền tôn sùng lãnh tụ! Tệ hại hơn là vinh danh chính mình trên bản ngã tự tôn, tự mãn!!
Chẳng lẽ những ngọn bút tiên phong đã chùn tâm ráo mực? Chỉ phóng lên trời những dấu chấm than! Mặc thế gian hứng những dòng lệ đỏ bi thương trên màu da vàng chủng tộc? Cái cơ hội dùng bút thay súng để chiến đấu vì độc lập tự do và dân chủ cho quê hương, cũng vuột mất khỏi tầm tay của những người lính già đã từng thề vì nước hy sinh? Chẳng lẽ lời thề vệ quốc đã bị màu danh lợi phủ chụp lên cái thân phận vốn quen trò đón gió, trở cờ?
Chẳng lẽ chữ nghĩa và trí tuệ chỉ để dùng cho những dằng vặt lòng nhau, khơi niềm đau từ những đố kỵ để thỏa mãn sự riêng tư danh phận một đời người? Bất chấp lương tri của người cầm bút vì nghĩa diệt thân, chỉ vì lẽ phải khuất lấp dưới tầm nhìn, chỉ thấy cái “tôi” sáng lên trong niềm thù hận. Hả hê đập phá lẽ phải bằng ngôn từ bất xứng với đại từ Văn Hóa. Làm dấy lên lớp bụi mù che lấp con đường chân thiện mỹ được tiền nhân xây đắp suốt mấy nghìn năm!
Còn bao điều chẳng lẽ đóng vào tâm trí và tự mình rịt lại những thương đau bằng niềm tin vào lương tri của những cây bút vẫn miệt mài viết tiếp những trang sử dẫu bi hay tráng cũng mang hồn dân tộc và tổ quốc mình đã cưu mang. Lịch sử vẫn còn đó, lương tâm đồng chủng sẽ minh bạch mọi điều.
Thế hệ tiếp sau sẽ đi vào chính sử với ánh sáng chân lý được dẫn soi bởi hồn thiêng dân tộc. Lướt qua sự hỗn tạp của hiện cảnh quê hương ảm đạm, để vạch lên con đường hướng tới tương lai tươi sáng thật không dễ. Nhưng chẳng lẽ mãi lặng lẽ ngồi nghe những niệm khúc u buồn cho tới lúc tàn hơi?
Chẳng lẽ chữ nghĩa cứ bị dồn nén trong khung cửa ký ức, mỗi khi thời gian chạm vào, những giọt nghĩ mới vỡ ra chảy theo dòng trầm mặc?
Không! Phải dựng chữ nghĩa đứng lên, vượt bóng đêm, xuyên qua đố kỵ và nghi hoặc, phóng vào vách thời gian những dấu ấn đẹp của văn hóa dấn thân vì sự sinh tồn của chính mình với lương tri của một người cầm bút. Để còn thấy tự hào khi nắm tay những người bạn trẻ trên hành trình hướng tới ngày mai. Để khỏi thẹn với chính mình từ lời tim ghi khắc và nhắc nhớ: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.
Cao Nguyên 
Washington D.C. – 1/4/ 2016