Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Ngôn Ngữ Quê Hương


 

ngôn ngữ quê hương 

(viết cho con chúng ta) 

em xa Việt Nam lúc còn nhỏ xíu 
chữ Mẹ, Cha - mới biết đánh vần 
nên cố học để nghe và hiểu 
cả âm thanh và ngôn ngữ quê hương 


nhưng nhiều lúc em không thể hiếu 
khi niềm đau viết bởi trái tim 
khi con người phải thức suốt đêm đen 
và chỉ với chính mình - độc thoại 


lịch sứ - còn quá nhiều câu hỏi 
thế hệ Chú, Cha chưa thể trả lời 
và bây giờ thế hệ của Anh, Em 
cũng chỉ biết ngồi chờ trong bóng tối! 


ai đã sống mà chưa hề lầm lỗi 
vậy tại sao còn cứ dối lừa nhau 
trước bảy-mươi-lăm và mãi về sau 
ai dám bảo là mình trung thực? 


em muốn hiểu Việt Nam bằng nhận thức 
của một người không tham dự chiến tranh 
có thể nào bằng ngôn ngữ chân thành 
diễn tả hết những điều cần thấu triệt? 


đời Cha khó, đời Cháu Con cũng khó 
hiểu về mình không dễ phải không anh? 
khi thế gian còn ngược đãi, bạo hành 
thì lịch sử vẫn mãi là ... thế đấy ...!? 


đứng giữa cuộc hay bên lề cũng vậy 
càng vô tư - càng huyễn hoặc mơ hồ 
Nói hay Không - hình như cũng hồ đồ 
chẳng lẽ tại em quá nghèo chữ nghĩa? 


Em và Anh - sẽ hỏi nhiều hơn nữa 
nhưng khi nào và ai - trả lời ta? 
càng hăm hở, em càng thấy xót xa 
nhưng có lẽ nào chúng ta bỏ cuộc? 



Cao Nguyên

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tiếng Việt



TIẾNG VIỆT DÙNG TRONG GIỚI TRẺ HẢI NGOẠI

                                                          
 GS Trần Chấn TríUniversity of California, Irvine
   
  Chúng ta, những bậc phụ huynh hay nhà giáo dục trong cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ, 
chắc có cùng một tâm tư. Chúng ta đã xa quê hương trên 35 năm, đã ít nhiều hội nhập cuộc 
sống ở nước sở tại. Cùng với những thành quả tốt đẹp do sự hội nhập đem lại, chúng ta 
cũng phải đối diện với những mất mát không thể tránh. Chúng ta e ngại ngôn ngữ và văn 
hoá Việt đang dần dần phai nhạt trong thế hệ thứ hai và thứ ba. Chẳng vậy mà không biết 
bao nhiêu nổ lực trong cộng đồng đã tiếp nối nhau trong sứ mạng bảo tồn tiếng nói và văn 
hoá: những trung tâm Việt ngữ, những nhật báo, tuần báo, nguyệt san bằng tiếng Việt, 
những đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, những sinh hoạt giáo dục và văn hoá..., 
tưởng chừng như khó có thể mà quên được tiếng mẹ đẻ và những truyền thống tốt đẹp của 
ông cha với ngần ấy nổ lực của những tấm lòng nặng tình với tương lai cộng đồng người 
Việt hải ngoại.

       Tuy nhiên, nếu chúng ta thử quan sát con em của mình về mặt sử dụng tiếng Việt, 
chúng ta sẽ thấy một hình ảnh khác. Càng sinh sau đẻ muộn tại xứ người, kiến thức và khả 
năng nói tiếng Việt của các em càng yếu kém. Tình trạng này do nhiều yếu tố khác nhau 
gây nên. Vài nguyên nhân nổi bật hơn cả là khi các em và gia đình cư ngụ tại những địa 
phương không có một cộng đồng người Việt đáng kể, hay các em lớn lên trong những gia 
đình mà cha mẹ không khắt khe về việc gìn giữ tiếng Việt. Trong bài này, chúng tôi muốn 
nêu lên một hiện tượng đáng lo ngại hơn nhiều, đó không phải là tình trạng các em thuộc 
những trường hợp kể trên, mà là tình trạng của những em nói được tiếng Việt nhưng lại 
không muốn sử dụng nó như một phương tiện giao tiếp chính trong đời sống hằng ngày, kể 
cả với những em khác cũng nói được tiếng Việt.


Xem Tiếp: http://www.hungsuviet.us/Links/TiengVietGSTri.html

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Mẹ Là Quê Hương

Phúc cho ai còn Mẹ bên đời. Và cũng phúc cho ai còn tưởng nhớ đến Mẹ dẫu xa cách nghìn trùng, dẫu biệt ly đành đoạn.
Con muốn hóa thân thành một đóa hồng, cài lên ngực nơi trái tim của Mẹ. Để tạ ơn Mẹ! Mẹ ơi!
Lời ru ngày xưa của Mẹ quyện vào tiếng hát của con hôm nay mãi mãi là một tâm khúc tuyệt vời, đẹp như những cánh hồng tươi thắm lóng lánh những hạt lệ yêu thương!
 "

Chương trình Nhạc do anh chị em nghệ sĩ Miền Tao Ngộ thực hiện:
Bấm vào link "THƯỞNG THỨC CHƯƠNG TRÌNH" để nghe nhạc:



Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Áo Dài Trong Thơ Ca


Áo Dài Trong Thơ Và Nhạc



Chiều nào áo tím nhiều quá / lòng thấy rộn ràng nhớ người...Giọng hát trầm ấm, dìu dặt của Duy Trác cất lên đâu đó trong một ngày đầu thu gợi nhớ hình ảnh và nơi chốn thân quen trước “cổng trường áo tím” những chiều tan học. Áo tím túa ra như đàn bướm, áo tím thướt tha dọc theo những “lối đi dưới lá” trên lề đường Phan Thanh Giản, trên những đường phố Saigon ngập nắng. Những tà áo nhẹ bay trong gió từ lâu lắm đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận của những người làm thơ, viết nhạc. Tà áo nên thơ ấy, dưới đôi mắt ngắm nhìn của người nghệ sĩ, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, thể hiện qua từng lời thơ ý nhạc:
Dưới mắt Phạm Đình Chương là “Áo bay mở, khép nghìn tâm sự...” (Mộng dưới hoa)
Dưới mắt Vũ Thành là “Áo dài bay ngờm ngợp cả khung trời...”(Mùa kỷ niệm)
Dưới mắt Hoàng Dương là “Áo mầu tung gió chơi vơi...” (Hướng về Hà Nội)
Dưới mắt Trịnh Công Sơn là “Áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều...” (Tình nhớ)
Những vạt áo dài, từ lâu lắm, đã lất phất trong những trang thơ tiền chiến. Từ…
“Đôi tà áo lụa bay trong nắng” (Áo lụa, Bàng Bá Lân) đến…
“Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài” (Áo trắng, Huy Cận)
Áo dài cũng len cả vào những câu lục bát trữ tình của Nguyễn Bính:
“Hồn anh như bông cỏ may
một chiều cả gió bám đầy áo em” (Bông cỏ may)
Và len cả vào dòng thơ hào hùng và lãng mạn của Quang Dũng:
“Em đi áo mỏng buông hờn tủi
dòng lệ thơ ngây có dạt dào” (Đôi bờ)
Áo dài còn là giấc mơ thanh bình của những làng quê hiền hòa trong tình ca quê hương của Phạm Duy:
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi / mơ thấy bên lề cuộc đời / áo dài đùa trong tiếng cười… (Quê nghèo) 
Áo dài lướt thướt như vạt áo của nàng Xuân trong thơ Trần Mộng Tú:
“Tôi gói xuân vào hai vạt áo
ngước nhìn mây trắng dạ mang mang” (Mẫu Đơn)
Áo dài bồng bềnh như dải trăng thu huyền ảo trong thơ Nghiêu Minh:
“Dấu thu kinh tự còn mê
Em mang tà áo bốn bề là trăng” (Thu vô lượng)
Kỷ niệm êm đềm về một tà áo, một đôi mắt huyền được Tô Vũ ghi lại bằng nét nhạc lâng lâng:
Em đến thăm anh / người em gái
Tà áo hương nồng / mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh…(Em đến thăm anh một chiều mưa)
“Ta ước mơ một chiều thêu nắng...”, nỗi “ước mơ” của chàng nhạc sĩ họ Tô ấy được vẽ lại trong những câu lục bát Trần Dạ Từ. Trong phút giây chờ đợi bước chân người tình khe khẽ đến bên hiên nhà, chàng tưởng chừng nghe được cả tiếng gió lay động vạt áo dài và tiếng lá nhẹ rơi bên thềm:
“Môi cười vết máu chưa se
cành hoa gạo cũ nằm nghe nắng hiền
Anh nằm nghe bước em lên
ngoài song lá động, trên thềm áo bay” (Khi nàng đến)
Áo bay làm gió lộng cả đường đi, làm… lay động cả trái tim chàng nhạc sĩ Tuấn Khanh:
Mỗi lần em về là gió lộng đường đi / Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo… (Từ đó khôn nguôi)
Áo bay làm nhớ nhung, như nỗi nhớ da diết một mầu áo, một đôi môi thắm trong nhạc Từ Công Phụng:
Chiều nay nhớ em rồi / và nhớ áo em đẹp trời thơ / môi tràn đầy ước mơ… (Bây giờ tháng mấy)
Áo bay làm ngơ ngẩn, như chàng Huy Cận thuở mới lớn, trước cổng trường nữ sinh:
“Một hôm trận gió tình yêu lại
đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” (Học sinh)
Áo bay mất làm “cậu học trò” rụt rè Nguyên Sa phải hối tiếc vì một lời yêu chưa kịp nói: 
“Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi
Tà áo khuất, thì thầm: ‘Chưa phải lúc’” (Tuổi mười ba) 

Áo bay trong nắng sân trường làm anh chàng làm thơ Kim Tuấn phải bâng khuâng:
“Áo chiều bay trong nắng
sân trường ai bâng khuâng” (Thu ở xa người)

Áo bay làm chàng thi sĩ đa tình Nguyễn Tất Nhiên phải thẫn thờ, dõi mắt nhìn theo mãi một tà áo vu quy:
“Đò qua sông chuyến đầu ngày
người qua sông mặc áo dài buông eo” (Chuyến đò Cửu Long)
Áo bay mịt mù theo gió theo mây, như cánh chim đã bay mất, như tình đã vụt bay trong thơ Như Thương:
“Thôi thì anh, cánh chim bay
Em tà áo mỏng theo mây nghìn trùng” (Vàng thu)

Áo trắng trinh nguyên tuổi học trò, áo trắng của “một thời áo trắng”, từng làm ngất ngây trái tim bao chàng trai, để đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn còn trông thấy “áo ai bay trắng cả giấc mơ”.2

Áo trắng như dòng suối mát trong thơ Huy Cận:
“Dịu dàng áo trắng trong như suối
tỏa phát đôi hồn cánh mộng bay” (Áo trắng)
Áo trắng như lụa trắng trong thơ Hoàng Anh Tuấn:
“Áo em lụa trắng sông Hương
qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào” (Về chân trời tím)
Và trong thơ Nguyễn Tất Nhiên:
“Đài các chân ngà ai bước khẽ
quyện theo tà lụa cả phương đông” (Tháng Giêng, chim)

Và trong thơ Kim Tuấn:
“Em về tà áo lụa
bay ngập ngừng trong anh” (Thu ở xa người)

Và cả trong thơ Nguyên Sa:
“Guốc cao, gót nhỏ, mây vào gót
áo lụa trăng mềm bay xuống thơ” (Tám phố Saigon)
Áo trắng như gió, như mây, để “nhà thơ của tình yêu” phải bâng khuâng:
“Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi, một phần mây?
Hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay?” (Tương tư)
Áo trắng của nhà thơ còn là dải sương mù lướt thướt trên bến sông Seine giữa kinh thành hoa lệ Paris, gợi nhớ một vạt áo dài mềm mại nơi chốn xa quê nhà:
“Anh về giữa một dòng sông trắng
là áo sương mù hay áo em” (Paris có gì lạ không em?) 
Áo trắng của Hoàng Thi Thơ là bướm trắng, là hoa trắng, là mây trắng…
Ngày nào em đến áo em mầu trinh / áo xinh là xinh
Áo em trong trời buồn / là gió / là bướm / là hoa / là mây chiều tà… (Hình ảnh người em không đợi)
Áo trắng một màu trắng thanh khiết trong nhạc Nguyễn Vũ:
Áo trắng em bay như cánh thiên thần… (Bài thánh ca buồn)
Áo trắng nhẹ bay trong chiều giáo đường trong nhạc Lê Trọng Nguyễn:
Tà áo trinh nguyên tung bay / nụ cười thân ái… (Chiều bên giáo đường)
Áo trắng một màu trắng xóa làm hoa cả mắt nhà thơ Hàn Mặc Tử:
“Áo em trắng quá nhìn không ra” (Đây thôn Vĩ Dạ)
Áo trắng như bài thơ trên những nhịp cầu chênh vênh đón bước ai qua trong thơ Y Dịch:
“Áo em trắng cả bài thơ
Cầu cong giữa nhịp chân chờ bước ai” (Tiễn đưa)
Áo trắng níu chân người trên đường phố dập dìu trong nhạc Phan Ni Tấn:
Nghe xôn xao thị thành / áo ai trắng bay mù lòng đường / làm rối bước anh về cõi thơ... (Sinh nhật của cây đàn) 
Áo trắng không còn bay trên những đường phố cũ trong nhạc Phạm Anh Dũng:
Xa xôi ngàn khơi đâu tà áo trắng / Duy Tân im lìm phố vắng / thương cây lá hoang tàn… (Nhớ Saigon)
Áo trắng xôn xao mùa tựu trường trong thơ Đoàn Vị Thượng:
“Sáng nay áo trắng tựu trường
gót chân cuống quýt cả hương cúc vàng” (Ánh mắt tựu trường)
Áo trắng lượn lờ như đôi cánh trắng trong thơ Luân Hoán:
“Tà áo trắng xoè như đôi cánh lượn
trải dịu dàng trên cỏ mượt mà xanh” (Trong sân trường bữa ấy)

Áo trắng trên đường lá me bay và ánh mắt trông theo trong thơ Trần Huy Sao:
“Đường em về vàng rụng lá me trưa
anh ngơ ngẩn vời theo màu áo trắng” (Áo trắng học trò)
Áo trắng ngày xưa nay trôi dạt về đâu, để lại nỗi tiếc nhớ trong thơ Ngàn Sau:
“Tôi về Ban-mê-thuột chiều mưa
em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?” (Nhớ Ban Mê) 
Bao nhiêu là áo trắng trên sân trường kỷ niệm!…
Mỗi người đều cần có một mái trường để luyến tiếc, để nhớ về... Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những người thầy, người bạn, nhớ về những lớp học, những giờ ra chơi, những tà áo mầu, áo trắng mềm mại và những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.
Áo bay như bướm lượn, áo bay như đàn bướm muôn mầu muôn sắc trong khu vườn mùa xuân. Áo bay nhiều quá, để chàng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm... thơ:

Hôm nay sao áo bay nhiều thế! / Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe mầu… (Tà áo cưới)
Áo mầu của Phạm Duy lất phất trong gió chiều như lòng người... phất phơ:
Xin cho em một chiếc áo mầu / cho em đi nhẹ trong nắng chiều
Một chiều nhiều người theo / ở ngoài đường trên phố / và lòng người như áo phất phơ… (Tuổi ngọc)
Nhớ về một mầu áo là nhớ về những đường phố quen tên, nhớ áo ai bay trong chiều trên những con đường ngập xác lá vàng, như nỗi nhớ ngút ngàn của Trịnh Công Sơn:
Nhớ Saigon những chiều lộng gió / lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm / Có không gian mầu áo bay lên… (Em còn nhớ hay em đã quên)
Những tà áo muôn mầu muôn vẻ vẫn khoe sắc thắm trong những trang thơ và nhạc. Áo vàng trong thơ Nguyên Sa có khi là bông cúc vàng:
“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc” (Tuổi mười ba)
Có khi là nắng thu vàng:
“Có phải mùa xuân sắp sửa về
hay là gió lạnh lúc đêm khuya?
hay là em chọn sai mầu áo
để nắng thu vàng giữa lối đi?” (Tương tư)
Áo vàng như cánh mai vàng trong nhạc Trần Thiện Thanh. Người lính trẻ thấy sắc hoa rừng, mơ về mầu áo năm xưa:
Những hôm vừa xong phiên gác chiều ven rừng kín hoa mai vàng
chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ… (Đồn vắng chiều xuân)
Người lính chiến trong nhạc Phạm Đình Chương cũng bâng khuâng vì một sắc hoa, một mầu áo, một đôi mắt người xưa:
Ngày hành quân anh đi về cánh rừng thưa / thấy sắc hoa tươi nên mơ mầu áo năm xưa
Kỷ niệm đầu len len trở về tâm tư / Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ… (Màu kỷ niệm)
Tà áo màu xác pháo để lại nỗi buồn lắng đọng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên:
“Người qua sông mặc áo hường
Nắng dương gian, nắng buồn hơn trước nhiều” (Chuyến đò Cửu Long)

“Áo em vạt tím ngàn sim
nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ
Áo mầu tím, mầu của “định mệnh”, của mộng mơ, của nhớ nhung và chia cách. Chuyện tình “ngàn thu áo tím” của cô bé trót yêu màu tím, được Hoàng Trọng, “nhạc sĩ của mầu tím”, kể lại:
Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím...
Chiều xuống áo tím thường thướt tha / bước trên đường thắm hoa / ngắm mây trời lướt xa…
Rồi khi vừa biết yêu là khi chia tay với mầu tím, chia tay với tình đầu:
Ngàn thu mưa rơi trên áo em mầu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em mầu tím… (Ngàn thu áo tím)
Trong mắt Vũ Thành, “nhà thơ của mầu tím”, khi mùa thu buông áo xuống một phương trời, mầu mây tím trông như mầu áo người mình yêu để lòng chàng gợn lên nỗi buồn trăn trở:
“Áo em tím cả phương này
anh nghe thành phố đêm nay trở buồn” (Áo tím)
Vạt áo dài mầu tím hoa sim, trong thơ Phạm Thiên Thư, chỉ là thoáng lay động, vừa ngập ngừng e ấp vừa nao nức gọi mời:
“Áo em vạt tím ngàn sim
nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
gặp đây giả bộ hững hờ khói bay” (Động hoa vàng)
Rồi áo tím qua cầu, mang theo cả mùa thu, để lại nỗi trống vắng mênh mang trong lòng nhà thơ Trang Châu:
“Thế giới của anh không có chân trời
không có mùa xuân lấy đâu hoa bướm
không có bàn tay cho bàn tay hò hẹn
áo tím qua cầu nên cũng hết mùa thu” (Thế giới của anh)
Có những gặp gỡ rất tình cờ, bất chợt, như gặp gỡ một tà áo tím, cũng đủ để lòng chàng nhạc sĩ Hoàng Nguyên mãi vấn vương theo mầu áo:
Một chiều lang thang bên dòng Hương giang / tôi gặp một tà áo tím / nhẹ thấp thoáng trong nắng vương…
Rồi lòng bâng khuâng theo mầu áo ấy… (Tà áo tím)
 “Nhạc sĩ của mầu xanh”, danh hiệu ấy có lẽ thuộc về hai chàng nghệ sĩ Đoàn Chuẩn–Từ Linh chứ chẳng ai khác hơn:

Với bao tà áo xanh đây mùa thu… (Gửi gió cho mây ngàn bay)
Câu hát nghe như bàn tay kéo nhẹ tấm màn cửa mở ra khung trời bát ngát mùa thu, bát ngát màu xanh.
Trong những dòng kẻ nhạc của hai chàng nghệ sĩ đa tình ấy vẫn luôn luôn thấp thoáng một “tà áo xanh” và một “màu xanh ái ân”:
Tà áo xanh nào về với giấc mơ / Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu… (Thu quyến rũ)
“Trót”, như một định mệnh, buộc chặt người viết câu hát ấy với mầu xanh kia.
Hẹn một ngày nao khi mầu xanh lên tà áo… (Cánh hoa duyên kiếp)
Câu hát nghe như câu hẹn ước, như lời thề nguyền sắt son.
Khi nào em đến với anh / xin đừng quên chiếc áo xanh… (Tà áo xanh)
Còn lời dặn dò nào ân cần, thiết tha hơn thế nữa!
Nhớ về một mầu áo là “nhớ những giây phút êm đềm / nắng loang trên sân trường một chiều nào...” 4 Màu áo xanh trong thơ Nguyên Sa là màu cây cỏ xanh tươi trên sân trường phượng vỹ:
“Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường” (Tuổi mười ba)
Màu áo xanh trong nhạc Y Vũ & Nhật Ngân gợi nhớ một mái tóc, một tà áo thấm đẫm nước mưa:
Chiều xưa mưa rơi âm thầm / để thấm ướt chiếc áo xanh / và đẫm ướt mái tóc em… (Tôi đưa em sang sông)
Tà áo mầu xanh thắm của một “tiếng hát học trò” gieo vào lòng hai chàng nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Minh Kỳ bao “niềm thương nhớ đầy vơi”:
Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ / Tà áo em xanh / mầu mắt ngây thơ… (Tiếng hát học trò)
Thiếu nữ vừa biết yêu trong nhạc Trần Thiện Thanh cũng bồi hồi khoác vào người chiếc áo mầu xanh da trời trong lần hò hẹn đầu tiên:
Biết anh thích mầu trời / em đã bồi hồi chọn mầu áo xanh…(Bảy ngày đợi mong)
Tà áo dài trong nhạc Nguyễn Văn Đông có màu xanh của rừng thông Đà Lạt một mùa nào Giáng Sinh:
Tà áo năm xưa xanh màu thông Đà Lạt… (Màu xanh Noel)
Áo xanh mộng mị còn bay cả vào trong thơ “trung niên thy sỹ” Bùi Giáng:
“Biển dâu sực tỉnh giang hà
còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh” (Áo xanh)
Áo xanh mộng mị của một thời quên lãng trong thơ Đinh Hùng:
“Trong vườn quên lãng áo ai xanh” (Dạ hội)

* * *
Làm sao kể hết được câu chuyện về những vạt áo dài dịu dàng và thướt tha, những vạt áo dài lộng gió trong thơ và nhạc. Tà áo dài mềm mại đã nhẹ nhàng êm ái đến với cuộc đời, nhẹ nhàng êm ái đi vào lòng người...
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, dù ở chốn quê nhà gần gũi, hay ở phương trời nào xa thẳm, chiếc áo dài cũng mang theo bầu trời quê hương, cũng mang về mùa xuân ấm áp trong lòng người Việt.
Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, chiếc áo dài truyền thống, chiếc áo dài duyên dáng và trữ tình của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn là hình ảnh khó phai mờ và còn đọng lại mãi trong lòng người. 

Lê Hữu


Xem album Áo Dài dễ thương: http://caonguyen.net/cn/viewtopic.php?t=604

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Chữ Quốc Ngữ


Sự ra đời của chữ quốc ngữ  
Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh
Alexandre de Rhodes 
(1591 – 1660)
Chữ Hán từng được dùng ở Việt Nam trong vòng một ngàn năm mãi đến tận đầu thế kỷ
thứ 20. Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon, Pháp; mất năm 1660 tại
Ispahan, Ba Tư) đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630). Ông là
người có công rất lớn trong việc La-mã hoá tiếng Việt (nhiều tác giả gọi là La-tinh hóa.
Thực ra mẫu tựchữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu tự chữ Roman chứ không phải là chữ
La-tinh). Kế tục công trình của những người đi trước là các tu sĩ Jesuit (dòng Tên) người
Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, v.v. trong việc La-mã hóa tiếng Việt,
Alexandre de Rhodes đã xuất bản “Bài giảng giáo lý Tám ngày” đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn từ điển Việt -
La - Bồ đầu tiên vào năm 1651 tại Rome.
 Hệ thống chữ viết tiếng Việt dùng chữ cái La-mã này được chúng ta
ngày nay gọi là “chữ quốc ngữ” (chữ viết của quốc gia).

Nguyễn Văn Vĩnh 
(1882 - 1936)
Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 tại Hà Nội – cái năm thành Hà Nội thất thủ vào tay quân
Pháp do đại tá Henri Rivière chỉ huy. Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn. Gia
đình Nguyễn Văn Vĩnh nghèo nên không có tiền cho con cái đi học. Lên tám tuổi, cậu
Vĩnh đã phải đi làm để kiếm sống. Công việc của cậu lúc đó là làm thằng nhỏ kéo quạt để
làm mát cho một lớp đào tạo thông ngôn do người Pháp mở ở đình Yên phụ - Hà Nội.
Vừa kéo quạt, cậu vừa nghe lỏm bài giảng. Cậu ghi nhớ mọi thứ rất nhanh và còn trả lời
được các câu hỏi của thày giáo trong khi các cậu con nhà giàu trong lớp còn đương lúng
túng. Thầy giáo người Pháp thấy vậy bèn nói với ông hiệu trưởng giúp tiền cho cậu vào học chính thức. Năm
14 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu khóa học và trở thành một thông dịch viên xuất sắc. Sau đó ông được bổ làm
trợ lý cho công sứ Pháp tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1906, lúc ông 24 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được Pháp gửi sang dự triển lãm tại Marseille. Tại đây, ông
được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn và báo chí. Ông còn là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền
Pháp. Trở về Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh từ bỏ nghiệp quan chức và bắt đầu làm báo tự do. Năm 1907 ông
mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở Bắc
Kỳ. Năm 1913 ông xuất bản tờ Đông dương Tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ. Ông là người
đầu tiên dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩmcủa các đại văn hào Pháp như Balzac, Victor Hugo, Alexandre
Dumas, La Fontaine, Molière, v.v. và cũng là ngườiđầu tiên dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Pháp.
Bản dịch “Kiều” của ông Vĩnh rất đặc sắc vì ông không chỉ dịch cả câu mà còn dịch nghĩa từng chữ và kể rõ
các tích cổ gắn với nghĩa đó - một điều chỉ có những ai am hiểu sâu sắc văn chương Việt Nam (bằng chữ
Nôm), Trung Hoa (bằng chữ Nho), và Pháp mới có thể làm được. Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của
ông Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hoá phương Tây trong dân Việt, và
đẩy xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp nhận chữ quốc ngữ.
•  Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương - Hội - Đình) ở Bắc Kỳ.
•  Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn
toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt.
• Ngày 18 tháng 9 năm 1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ quốc ngữ vào dạy
ở ba năm đầu cấp tiểu học.
 Như vậy là, sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển Việt - La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người
Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ quốc ngữ.
Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng
vai trò một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, tuy nhiên, đã không thể kiếm sống bằng nghề báo của mình. Ông là người luôn lên
tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai
lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn
người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh. Vì thế chính
quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương chẳng ưa gì ông.Tòa báo của ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch
biên. Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó năm 1936 vì sốt rét. Người ta tìm thấy xác ông nằm trong một
chiếc thuyền độc mộc trên một dòng sông ở Sepole. Trong tay ông lúc đó vẫn còn nắm chặt một cây bút và
một quyển sổ ghi chép: Ông đang viết dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp “Một tháng với những người tìm vàng”.
Khi đoàn tàu chở chiếc quan tài mang thi hài ông Vĩnh về đến ga Hàng Cỏ, hàng ngàn người dân Hà Nội đứng
chờ trong một sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông - con người
bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của mình đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ
viết của toàn dân Việt. Tháng 9 năm 1945, trong lời kêu gọi toàn dân chống thất học chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
"Là một người Việt Nam, phải đọc thông, viết thạo chữ Quốc ngữ".
Tôi đã vẽ bức tranh “Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với lòng
ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn
Vĩnh.
Lời cảm ơn:
Tác giả bài viết này biết ơn thân sinh của mình - nhà giáo Nguyễn Đình Nam, người đầu tiên kể cho tác giả về
cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ khi tác giả còn là học sinh tiểu học, khi sách giáo khoa
chính thống còn gọi Alexandre Rhodes là “gián điệp” còn Nguyễn Văn Vĩnh là “bồi bút” của Pháp. Tác giả xin
chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kỳ - con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, và ông Nguyên Lân Bình - cháu nội cụ
Nguyễn Văn Vĩnh vì những câu chuyện xúc động về cuộc sống và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng
như của gia tộc cụ. Tác giả xin cảm ơn thày Trí - cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh đồng thời từng là thày dạy
toán của tác giả khi tác giả là học sinh trung học.
Nguyễn Đình Đăng
Tokyo, 10/11/2004
http://huongduongtxd.com/chuquocngu2.pdf