Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Charlie hát cho người nằm lại




Mộ Sầu
trừ khi ngươi là thiên sứ 
đừng bao giờ hỏi tại sao 
ta ngồi chong đèn lữ thứ 
chiêu hồn viết khúc mộ sầu

trừ khi ngươi là vó câu 
đừng bao giờ buông cương vội 
lòng ta chẳng biết về đâu 
giữa đời mù sương vạn lối

trừ khi ngươi là vết thương 
đừng bao giờ nghe nhức nhối 
hận thù vết cắt còn bương 
yêu thương rịt hoài đã mỏi

trừ khi ngươi là thơ ta 
đừng đi ngang vùng hủy diệt 
trước sau một đời cũng qua 
tội chi ngắm nhìn bi thiết

ơi này thiên sứ vó câu 
mang theo vết thương về đâu 
mà còn dư âm hủy diệt 
thẩm sâu dưới đáy mộ sầu!

Cao Nguyên

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG



Giỗ Tổ Hùng Vương 


Cội nguồn Việt tộc khởi từ Kinh Dương Vương, Đức Lạc Long Quân hết hợp cùng Long Nữ Âu Cơ được dân gian gọi một cách thân thương là Bố Rồng Mẹ Tiên hay Bố Lạc Mẹ Âu. Lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ (Bắc Việt). Hằng năm tổ chức trọng thể ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba âm lịch. Ngày giỗ Tổ được dân gian xem như ngày của “Bố Rồng Mẹ Tiên” để đồng bào cả nước tưởng nhớ công ơn của người khai sáng nguồn cội giống dòng và mỗi người cũng nhớ đến Bố Mẹ, người đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người. Niềm tự hào về cội nguồn con Rồng cháu Tiên cùng một bào thai Mẹ nên đối với người Việt, thì lòng yêu nước luôn luôn đi đôi với tình thương nòi giống. Yêu nước thương nòi, đó chính là đặc trưng của Việt tộc.


Thời đại Hùng Vương khởi từ năm Nhâm Tuất 2879 trước DL là năm Lộc Tục lên ngôi, lấy hiệu là Kinh Dương Vương và đặt tên nước là Xích Quỷ. Sách sử chép Kinh Dương Vương là vua của vùng Châu Kinh và Châu Dương nhưng trên thực tế vào thời đó, Kinh Dương Vương chỉ là thủ lĩnh được các bộ tộc ở vùng Châu Kinh và Châu Dương suy cử lên. Nhà nước Xích Quỷ thời đó cũng chỉ là hình thức sơ khai của liên minh các chi tộc Việt.


Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 trước Dương Lịch, Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thuộc dòng Thần Nông phương Nam lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành một trăm người con trai, chính là biểu tượng của sự hợp nhất của 2 dòng Thần Nông phương Nam và phương Bắc.


Truyền thuyết cũng cho biết rằng, Mẹ Âu Cơ cùng 50 người con ở lại vùng cao nguyên Phong Châu rồi cùng suy cử người con trưởng lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Bố Lạc Long dẫn 50 con về miền sông nước Thành Đô Tứ Xuyên ở phương Nam để khai khẩn vùng đất mới bồi, mỗi người con đi một nơi lập ấp trở thành một chi tộc Việt. Cổ sử Trung Quốc ghi rõ các nước Bách Việt nằm rải rác khắp Nam Trung Hoa trải dài từ Triết Giang ở miền duyên hải phía Đông sang Ba Thục, Vân Nam ở phía Tây.


Sách sử Trung Quốc ghi Đông Việt là nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Triết Giang, Mân Việt ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Dương Việt ở Giang Tây, Âu Việt ở Quảng Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam. Lạc Việt ở xen kẽ với các chi tộc khác nhưng tập trung nhiều nhất ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam. Sách sử cổ Trung Quốc ghi Bách Việt để chỉ một trăm chi tộc Việt nên dân gian Việt mới gọi là "Trăm Họ" là "Bách Tính" hay "Bá Tánh". Thực tế trên đã chứng tỏ tính hiện thực của huyền thoại Rồng Tiên.


Theo những nguồn sử liệu thì thời đại Hùng Vương gồm 18 đời kể từ khi Kinh Dương Vương lên ngôi năm 2879 trước DL và chấm dứt vào đời Hùng Duệ Vương 258 trước DL. Như vậy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm, tính ra trung bình mỗi đời Vua trị vì khoảng 150 năm.


Công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về “Hùng Vương Sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyện” của Nguyễn Như Đỗ thời Lê Thánh Tôn cho thấy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua. Theo bản “Hùng Vương Ngọc Phả” thì đời vua Chữ Hán là "Thế", "Thế" không phải chỉ một đời vua mà là một dòng vua, một triều đại gồm nhiều đời vua. Riêng chi thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm. Hiện ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì tỉnh Vĩnh Phú còn thờ bài vị "Tam Vị Quốc Chúa". Chi này chấm dứt năm Quý Mão 258 TDL vào cuối đời Chu.


Hình tượng bố Rồng mẹ Tiên mang tính thần kỳ lịch sử, là Bố Lạc Mẹ Âu trong thực tế cuộc sống nên vừa là người anh hùng huyền thoại dựng nước, vừa là anh hùng khai sáng văn hóa dân tộc. Từ đó đã dẫn tới đạo thờ cúng ông bà Tiên Tổ, tôn thờ những “Nhân Thần” đã truyền lưu sự sống cho cả dân tộc cũng như cho bản thân mỗi người chúng ta.


Truyền thống cao đẹp tôn thờ sùng kính, biểu lộ lòng tri ân Đức Quốc Tổ Quốc Mẫu, các anh hùng dân tộc cũng như thờ cúng Ông Bà Tiên Tổ biểu thị lòng hiếu thảo đối với những người sinh thành dưỡng dục, truyền lưu sự sống cho mình đã là sợi dây tình cảm thiêng liêng phối kết con dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Ngày hôm nay, chúng ta cử hành Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của chúng ta đối với Quốc Tổ, Người khai mở ra nước Việt. Từ ý niệm “Quốc Tổ” tiền nhân chúng ta đã đảo ngược lại thành ý niệm “Tổ Quốc”, biểu trưng cho hồn thiêng sông núi, uy linh bàng bạc trong tâm khảm mỗi con dân đất Việt, mà không một dân tộc nào có được hai chữ Tổ Quốc và Đồng Bào như dân tộc chúng ta.

CN




Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975


Có những cuốn sách ngoại khổ người đọc không biết nên đặt ở chỗ nào trên giá sách, như cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 của Phạm Huấn, do tác giả xuất bản từ năm 1987.
Sách khổ lớn 7×10 phân Anh, dày 280 trang, trình bày mỹ thuật bởi một bàn tay nhà nghề (điêu khắc gia Mai Chửng), song kỹ thuật rõ ràng của một nhà in tị nạn ở San Jose, gáy sách khô cứng chất keo nấu dở, giấy bung ra từng tờ. Như nhan đề, đây là một cuốn sách thuật sự, về một cuộc rút quân trong quá khứ, mở đầu sự sụp đổ của một thể chế, như thế đây là một ký sự lịch sử chiến sự, kể lại giai đoạn cuối cùng của một quốc gia trong đó tác giả là một nhân chứng, hơn thế nữa, cũng là một nhân vật tham dự ít nhiều vào thế sự và chính sự, hơn thế nữa ông còn là sĩ quan báo chí của một trong bốn vùng chiến thuật của một trong bốn quân đoàn, một trong bốn ông tướng tư lệnh Quân Ðội Quốc Gia.
Tác giả Phạm Huấn thật sự đã viết sử, cuốn sách là một sử liệu, và với sử liệu này, được viết với tấm lòng như lửa, với các sự kiện có thật, có ngày giờ khi sự việc xảy ra, cuốn sách là một “bạch thư” về “quân sử và chính sử Việt Nam thời thập niên ’70.”
Tại sao gọi là bạch thư? Tôi không tìm được chữ nào hơn. Tra bốn cuốn từ điển, cả từ điển văn học, cuốn quí nhất của Ðào Duy Anh cũng không có chữ bạch thư. Cuốn khác ghi: white paper. Cuốn Nguyễn Văn Khôn không giải thích, nhưng đưa ra thí dụ: “Văn kiện công bố chính thức của Mỹ, Ðức, Nhựt, Bồ-đào-Nha và văn thư của ngoại giao Anh đều đóng bìa trắng.” Tôi đành dùng chữ này, vì “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975” của Phạm Huấn đóng bìa trắng. Nếu cần định nghĩa khác về cuốn sách, thì đây là lời Phạm Huấn: “Tôi đã viết ra tất cả những bí mật, những cái lệnh của các tướng lãnh, lãnh đạo đất nước và quân đội, và mọi diễn biến xảy ra trong ‘Cuộc Rút Bỏ Cao Nguyên tháng 3.1975’, đưa đến sự sụp đổ tinh thần, làm tan rã QLVNCH, và mất nước sau đó. Những tiết lộ trong cuốn sách này – ngoài đoạn viết về ‘Quyết định Cam Ranh 14.3’ của 5 Tướng Thiệu, Khiêm, Viên, Quang, Phú; tất cả đều là sự thật và có chứng tích.” (Phạm Huấn, Những Giòng Chữ Cuối, trang 255, CTTCN 1975).
Tiếp theo tác giả có giải thích ông có mặt tại bạch dinh ở Cam Ranh, nhưng không được tham dự, vì đó là cuộc họp của “Hội Ðồng Tướng Lãnh.” Những gì ông biết về nội dung phiên họp, dài có hơn một tiếng đồng hồ, là do Tướng Phú kể lại với ông.
Ngoài câu trên, còn đoạn này ở cuối sách:
“Phụ Chú Ðặc Biệt: Tôi rời Phú Quốc Việt Nam buổi trưa ngày 30.4.1975. Như tất cả các nghệ sĩ đài ‘Mẹ Việt Nam’, một số nhà văn, nhà báo khác được ‘bốc’ đi vào giờ phút chót; chúng tôi lên chiếc American Challenger với một bộ quần áo đang mặc trên người và chiếc xách tay nhỏ. Hai cuốn sổ tay nhật ký hành quân gần 500 trang, ghi lại mọi diễn biến những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, là ‘di sản’ duy nhất tôi mang theo được.
“Ðã 12 năm trong cuộc sống vô nghĩa ở đây, dù lang thang hết nơi này qua nơi khác, nhưng không bao giờ hai cuốn sổ tay nhật ký hành quân này rời xa tôi. Quyển ‘Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975’ được viết bằng những chứng tích sống thực mà tôi ghi nhận từng giờ, từng phút của 25 ngày sau cùng trên chiến trường Cao Nguyên và Quân Ðoàn II.”
Tiếp sau phụ chú là mấy trang bản sao chụp lại những ghi chép vội vàng lung tung trong hai cuốn sổ tay chỉ tác giả đọc được.
Vậy, tất cả là sự thật.
Những sự thật mà mấy hôm nay đọc cuốn sách, tôi ngạc nhiên sao anh lại qua đời vì bệnh, mà không vì một cuộc thủ tiêu, ám sát, cắt cổ, bởi một hay nhiều người, những người anh nói đến trong sách. Một điều khác cũng khiến tôi ngạc nhiên: sao một cuốn sách về Việt Nam như cuốn “Cuộc Triệt Thoái…” của Phạm Huấn, lại không được tái bản. Cuốn sách được xuất bản tháng 2, 1987, lúc ấy chương trình H.O. rất mới mẻ, các cựu quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa nếu đã tới được Mỹ, cũng chưa nhiều, hay người ta chưa thể bình tâm để đọc sách, khi cuộc tạm cư đã ổn định phần nào, thì cuốn sách, chắc chỉ in 500 hay 1000 cuốn, cũng đã hết. Nếu cuốn sách in ra cỡ thập niên ’90, chắc chắn phải là một cuốn sách bán chạy nhất, vì nội dung kinh hoàng của nó.
May mắn có một Bản Ðặc Biệt có chữ ký của Phạm Huấn và mấy con số ghi ngày tháng: 4/87, và có một tấm hình chụp cùng anh ở San Jose, tấm hình 4 người mà hai người kia là Hà Thượng Nhân, Bùi Ðức Lạc, từ lâu ý định viết về Phạm Huấn cứ còn là ý định. Quen anh từ đâu 1960 khi anh còn là trung úy, mới về nước sau khóa học ở Fort Benning Georgia, chúng tôi gặp nhau tại lầu 3 cao ốc Cửu Long đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn; nơi một số ký giả văn nghệ sĩ cư ngụ, có Trần Nhã, chủ bút báo Anh ngữ Saigon Post, Lý Muối, Thái Thủy, Mai Liên, Thanh Nam và tôi. Phạm Huấn to cao, trắng trẻo, từng được gọi là Rock Hudson Việt Nam, tài tử cao lớn đóng đôi với John Wayne trong phim The Undefeateds, luôn luôn tươi sáng, hơi dềnh dàng, rất nổi tiếng trong cương vị đồng chủ trương tuần báo Diều Hâu với vị sếp của anh là Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh, trưởng phòng Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến, tờ báo đã can trường in hình 4 ông tướng ngoài bìa sau, hình rất to, dưới có hàng chữ rất lớn: 4 Tướng Bẩn. Số trước cũng in hình 4 ông tướng ra bìa trước, dưới có hàng chữ: 4 Tướng Sạch.
Phòng báo chí và tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến nơi tôi làm việc trong 6 năm nhìn thấy nhau, hai phòng tọa lạc hình thước thợ cửa ra vào chung chu vi một mảnh sân trên khu đất ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần sông Thị Nghè. Những ngày tháng 4, 1975, chúng tôi gặp nhau ở Phú Quốc, trên khu đất cạnh trại giam tội phạm cộng sản. Ra đây hơn một tuần lễ trước biến cố ngày 30, hình như anh đã quay về Sài Gòn mang thêm được vài người thân trở ra, còn kịp lên tầu. Trên bố cáo anh viết ngày 30 tháng 4 ở Phú Quốc, thực tế chúng tôi đã lần lượt leo lên tàu American Challenger vào đêm 29. Sáng 30 tầu đậu ngoài hải phận quốc tế đón thêm các thuyền nhân, khoảng trưa 30 tầu đậu ngoài khơi Vũng Tầu. Gia đình tôi 10 người, lại lên tàu sớm từ Phú Quốc, nên được hai chàng thủy thủ Mỹ đẩy vào một phòng. Thấy cô con gái út hơn mười tháng tôi đeo trước ngực, tình cờ mỗi chàng đem vào một thùng đồ hộp, hóa ra có hai hộp, cũng chỉ đủ ăn trong bốn ngày trên biển. Tới Hoa Kỳ, anh em Diều Hâu làm báo chống tham nhũng rủ nhau định cư ở Hawaii, làm nghề tài xế taxi.
Trích dẫn vài đoạn, vài câu trong cuốn sách:
“17 giờ ngày 30 tháng 3, 1975, Tư Lệnh Quân Ðoàn II bay ra Cam Ranh đón Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Ðoàn I, và cũng là cấp chỉ huy cũ của ông.
“Khoảng 10 phút, trên chiếc soái hạm chỉ huy của tư lệnh Hải Quân Vùng II, ra một vùng biển ngoài Cam Ranh, Tướng Phú lầm lì không nói một câu nào. Riêng Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh, tư lệnh Hải Quân Vùng II, vẫn giữ được phong cách của một tướng lãnh chỉ huy trong vùng trách nhiệm của mình, vẫn bộ đồ xanh hải quân bạc màu, đôi cánh dù ngạo nghễ trên ngực áo. Ði sau Tướng Phú, bước lên Dương Vận Hạm 404, Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh không đeo súng, không có cận vệ theo.
“Quang cảnh trên tàu lúc này thật náo nhiệt, …’xô bồ’. Hầu hết là anh em thuộc Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Quần áo trận màu xanh rần ri… Cọp Biển. Họ đứng, nằm, ngồi, chen chúc mọi nơi, mọi chỗ. Tất cả đều mệt mỏi. Không vũ khí. Không còn phong độ. Tướng Phú và Tướng Minh đi qua không ai chào hỏi, không ai nhường lối.”
“Tự nhiên tôi thấy đau buốt trong tim. Ðoàn quân Mũ Xanh Cọp Biển Thủy Quân Lục Chiến, một trong những đại đơn vị vũ bão hàng đầu của Quân Ðội, Lực Lượng Tổng Trừ Bị giống như Sư Ðoàn Nhẩy Dù. Nhưng, từ nhiều năm, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến đã không được sử dụng như Sư Ðoàn Nhẩy Dù. Các chiến sĩ trong đoàn quân này bị đày ra Vùng Giới Tuyến, hành quân liên miên…
“Ðó là kết quả cuộc ‘hôn nhân gượng ép’ của hai tướng Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ, trong chức vụ tổng thống và phó tổng thống VNCH. Ðó là những nạn nhân của sự tranh giành, nghi kỵ giữa hai ‘thế lực quyền hành’, của ‘cánh phải, cánh trái’… Dinh Ðộc Lập!
“Tướng Phú và Tướng Minh, phải khó khăn lắm mới lách xuống được chỗ Tướng Ngô Quang Trưởng nằm dưỡng bệnh. Vị tư lệnh chiến trường Vùng Hỏa Tuyến, một tướng lãnh tài ba trong 7 năm liên tiếp, của những chiến trường Quân Ðoàn IV, Quân Ðoàn I; bây giờ nằm yên bất động. Ông thở thoi thóp nhờ bình nước biển, và sự tận tâm săn sóc của người quân y sĩ. Quanh ông có Tướng Khánh, tư lệnh Sư Ðoàn I Không Quân; Ðại Tá Nguyễn Hữu Duệ, thị trưởng Huế; Bác Sĩ Nghiêm, v.v…
“Tướng Phú ghé sát tai Tướng Trưởng hỏi 2 lần, nhưng sắc diện trên mặt ông không thay đổi. Nhưng rồi có một giây, Tướng Trưởng ngước nhìn lên. Cặp môi nhợt nhạt hơi nhếch đi một chút. Ðôi mắt đỏ ngầu… như muốn bật máu! Trong tia nhìn ấy, chắc những người chung quanh, cũng như tôi, biết Tướng Trưởng muốn nói gì?
“Cuộc thăm viếng… không đối thoại đúng 10 phút. (Tàn Theo Cuộc Chiến,Cuộc Triệt Thoái, tr.219-220)”

Viên Linh