Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

MƯỜI ĐIỀU BI AI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM



1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

PHAN CHU TRINH:

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

HÀNH PHƯƠNG NAM

Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với ngươi buồn vậy thay
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu chưa ai may
Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trói thân vào nợ nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây
Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hẵng hay
Ngày mai xán lạn màu non nước
Cốt nhất cười vui trọn tối nay
Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi biết tỉnh say
Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây
Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ gươm cùn ta đi đây
Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại,
Hát rằng phương Nam ta với ngươi.
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh,
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.
~ Nguyễn Bính ~
Đa Kao, Sài Gòn 1943
Gửi Văn Viễn (Trúc Khê Ngô Văn Triện)
********
Tìm hiểu và bình thơ Nguyễn Bính
Một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.
Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)
Cha Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, còn mẹ ông là bà Bùi Thị Miện, con gái một gia đình khá giả. Ông bà sinh được ba người con trai là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính.
Hành phương Nam là bài thơ duy nhất của Nguyễn Bính làm theo thể loại hành. Ta không rõ Nguyễn Bính làm bài thơ này trong trường hợp nào. Có lẽ ông sáng tác bài này trong thời gian ở Lan Chi Viên chăng? Đáng tiếc là người có thể trả lời được câu hỏi này là Hoàng Tấn thì đã mất từ lâu.
Thời kỳ ở Hà Nội, Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm và Trần Huyền Trân. Thâm Tâm, nhà thơ bậc thầy về thể loại hành, vào năm 1940 hoặc có thể sớm hơn nữa, có sáng tác một bài hành nổi tiếng là bài Tống biệt hành. Trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Bính, với các văn thi sĩ bạn bè, chỉ có mình Thâm Tâm là người có thể gây ảnh hưởng ít nhiều lên phong cách sáng tác của ông mà thôi. Theo tài liệu của Hoài Việt thì tiếp theo sau Tống biệt hành, Thâm Tâm có sáng tác thêm một số bài hành nữa cũng rất hay như Can trường hành, Vọng nhân hành vào năm 1944. Có lẽ điều này đã kích thích Nguyễn Bính thử sức với một thể thơ không quen thuộc lắm với ông chăng? Tuy vậy Hành phương Nam lại là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Bính. Ta hãy đọc lại khổ thơ đầu của bài thơ này:
Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua, én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay
Nỗi niềm cô đơn buồn tủi khi xuân về tết đến vốn là nỗi niềm cố hữu lâu nay của Nguyễn Bính. Ông đã từng thể hiện tình cảm này trong rất nhiều bài thơ khác mà điển hình nhất là bài Xuân tha hương. Ta còn nhớ những câu thế này trong Xuân tha hương:
Chén rượu tha hương! Trời! Đắng lắm!
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng
Lúc viết bài Hành phương Nam này cũng như nhiều bài thơ hoài cố hương khác, chắc hẳn là Nguyễn Bính đang say rượu. Qua nhiều tài liệu khác nhau ta có thể tin điều này. Bản chất con người Nguyễn Bính, do tính nghệ sĩ quá lớn của mình, nên rất yếu mềm và luôn cảm thấy cô đơn. Hoàng Tấn có kể một câu chuyện rất đặc biệt về việc sáng tác thơ của Nguyễn Bính. Một đêm nọ ở Lan Chi Viên, sau cuộc nhậu mọi người đều ngủ say sưa, chỉ còn lại một mình Nguyễn Bính. Quá nửa đêm, khi Hoàng Tấn giật mình thức giấc vẫn thấy Nguyễn Bính ngồi bên bàn. Ông vừa làm thơ và uống rượu một mình, vừa ôm mặt khóc rưng rức. Hóa ra là ông đang hồi tưởng lại quá khứ. Con người Nguyễn Bính là như vậy. Sống với quá khứ là một trong những đặc điểm của ông. Cho nên ta không lạ gì khi Nguyễn Bính viết mấy câu thơ nỗi lòng như thế này trong bài thơ:
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Hành là một thể thơ cổ, vào thời kỳ này không còn nhiều tác giả sử dụng để sáng tác nữa. Tuy nhiên thể thơ này có thể chuyển tải được những tình cảm bi tráng với giọng thơ đôi lúc rất hào sảng. Nhờ vậy mà Hành phương Nam mới lột tả hết được cái "chất Nguyễn Bính":
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may
Nguyễn Bính thuở nhỏ học chữ Nho. Ông đọc nhiều thơ Đường, thông thuộc nhiều điển tích Tàu. Bởi thế một số bài thơ ông sử dụng điển tích Tàu rất nhuần nhuyễn và hay. Chẳng hạn trong bài Hành phương Nam này:
Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây
Về mặt tình cảm, ta thấy tâm tưởng của Nguyễn Bính nhiều lúc như muốn thả trôi về một thời đại xa xưa nào đó. Một thời đại mà ở đó có vua có quan có những cung tần mỹ nữ. Một thời đại mà ở đó có những tráng sĩ dũng cảm lên ngựa tuốt gươm như Kinh Kha, Nhiếp Chính, có những người sẵn sàng giúp đỡ kẻ sĩ như Mạnh Thường Quân. Thế giới đó làm ông ngây ngất. Nếu như Hàn Mặc Tử thả hồn mình vào chốn trăng sao để quên thực tại thì Nguyễn Bính lại tìm về một thời xưa xa nào đó để ẩn dật. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của thơ Nguyễn Bính.
Lúc này có lẽ là vào quãng thời gian 1943 - 1944. Nguyễn Bính đã lăn lóc ở rất nhiều vùng đất khác nhau - "lăn lóc có dư mười mấy tỉnh" như ông nói trong bài thơ Giời mưa ở Huế. Cuộc đời ông đã trở nên dày dạn sương gió rồi. Ông đã là một con người của công chúng, tiếng tăm nổi như cồn nhưng éo le thay cuộc sống cơm áo gạo tiền hằng ngày vẫn làm ông mệt mỏi. Điều mâu thuẫn này thường đến với nhiều người tài như vậy. Cũng vì cơm áo nên nhiều người không thoát ra được vòng luẩn quẩn:
Người giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trí thân vào nợ nước mây
Ở chỗ này, ta nhớ lại Nguyễn Vỹ với bài thơ Gửi Trương Tửu. Nguyễn Vỹ đã viết mấy câu thơ nổi tiếng:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết
Nguyễn Bính không nói bỗ bã như Nguyễn Vỹ nhưng tâm tư của ông thì cũng như vậy. Và rồi cũng như Nguyễn Vỹ, ông lại dùng rượu để quên buồn phiền:
Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã đẩy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Lại uống rượu! Nếu có người nào chịu khó đi đếm những lần Nguyễn Bính nhắc đến rượu ở trong thơ chắc sẽ gặp được nhiều lắm. Có lẽ cả trăm lần ông dùng từ rượu:
Chị ơi! Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não lòng (Xuân tha hương)
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say
(Giời mưa ở Huế)
Nhưng mộng mà thôi mộng mất thôi
Hoa tàn rượu ế ấy tình tôi
(Hoa với rượu)
...
Nhưng ngồi giữa chợ để "uống say mà gọi thế nhân ơi" cũng thật là thú vị. Tiếc là Nguyễn Bính không chịu kết lại bài thơ ở đây để ông còn ngồi uống rượu mãi giữa chợ mà ông lại viết thêm một khổ nữa:
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà người cả tiếng cười
Ngươi ơi! Hề! Ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…
Có vẻ như ông đã quá say
-------------------------------------------------

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Từ Duy Thức đến Tỉnh Thức


Mỗi người trên con đường học vấn, để đạt được địa vị Trí Thức bởi số lượng bằng cấp mà người đó có được bằng cách tự trưng dẫn, hoặc do đồng môn, đồng khóa và đồng đẳng tuyên dương.
Đằng sau học vị Trí Thức là một góc khuất nhưng rất quan trọng được đánh giá bởi khả năng và kết quả mà người Trí Thức thực hiện với mục đích cống hiến cho lợi ích loài người trong nhu cầu tiến bộ khoa học trên nền tảng Nhân Bản khi Trí Thức được triển khai đúng tầm Tri Thức.

Người có Trí Thức mà thiếu Tri Thức chỉ có giá trị hướng ngoại mà thiếu nội lực sáng tạo và phát huy đúng yêu cầu của xã hội. Hình thức của sáng tạo chỉ có giá trị của giai đoạn, nội dung của công trình sáng tạo mới thực sự có giá trị qua tầm nhìn khách quan viễn kiến vượt khỏi sự định vị chủ quan phiến diện. Hiệu quả Tri Thức là đòn bẩy tích cực năng Duy Thức lên Tỉnh Thức.

Vận dụng Tri Thức đẩy Duy Thức lên Tỉnh Thức là một quá trình hội nhập sinh động phù hợp với xã hội tiến bộ vì lợi ích muôn loài trên nền tảng Nhân Bản.
Cấu trúc nào không xây dựng trên nền tảng Nhân Bản sẽ bị thoái hóa vì phản tự nhiên theo chu trình sinh học cộng hưởng và phát triển.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, Đất và Nước đang bị nhiễm độc trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn dân. Đạo Đức và Văn Hóa bị suy nhược dẫn đến tình trạng bạo hành trên hầu hết các sinh hoạt thường ngày. Lương tâm đồng chủng phát ra lời kêu gọi toàn dân Tỉnh Thức vượt khỏi vòng cương tỏa và kềm chế của tập đoàn thống trị, cùng kết hợp Tri Thức thực hiện cuộc cách mạng toàn diện, loại trừ sự độc ác để phục hưng tiềm năng dân tộc đã bị phân hóa bởi tập đoàn cộng sản. Lịch sử toàn cầu đương đại minh chứng: Nơi nào chủ nghĩa cộng sản thống trị đều triệt tiêu quyền làm người và nền văn hóa dân tộc.

Đất và Nước Việt Nam đang bị nhiễm độc, một sự nhiễm độc đúng nghĩa của hủy diệt môi trường và hủy diệt sinh mạng toàn dân. Chủ nghĩa cá nhân thụ hưởng liệu còn tồn tại được bao lâu khi mức độ nhiễm độc lây lan theo tốc độ sóng gió tràn lướt và thấm nhập trên khắp cùng nội địa và lãnh hải quốc gia? Chỉ có triệt tiêu nguyên nhân sự nhiễm độc, giòng giống Văn Lang mới sinh tồn và phát triển. Nguyên nhân chính tạo sự nhiễm độc toàn diện là ý đồ thôn tính Việt Nam của cộng sản Trung Quốc với sự thỏa hiệp của đảng cộng sản Việt Nam.

Mọi diễn biến đau thường về Người và Đất của Việt Nam trong từng ngày cần phải được thấu hiểu bởi toàn dân với ý thức sinh tồn của một dân tộc. Sự vô cảm đồng nghĩa với từ chối Cội Nguồn Dân Tộc, thờ ơ với Vận Mệnh Đất Nước mà chính mình cưu mang ơn nghĩa tiền nhân đổi máu xương diệt thù lập quốc.

Không người Mẹ nào an lòng khi thấy những đứa con của mình quên ơn nghĩa sinh thành. Mẹ Việt Nam đang âm thầm khóc bởi gia tài đang bị bọn tà quyền cắt xén bán cho kẻ thù truyền kiếp của Việt Tộc; Mẹ khóc bởi sự ly tán nhân tâm và khóc cho sự lưu lạc của hằng triệu đứa con phải xa rời quê Mẹ. Đau đớn hơn, Mẹ khóc khi nhìn con cháu của mình đang bị nhiễm độc và ngã chết bởi âm mưu của giặc ngoài và thù trong!

Mong rằng tiếng khóc của Mẹ sẽ làm thức tỉnh được lòng dân, vì tình mà nhập cuộc, vì nghĩa mà hy sinh cho vận hội chung của một quốc gia. Mong mỗi người dân đều ý thức được rằng: Tự Do Dân Chủ không là món quà Thượng Đế ban cho, mà là sự tự nguyện của toàn dân đồng tâm và đồng sức kiến tạo.

Lập Dân Chủ cho Quốc Gia Độc Lập
Xây Tự Do vì Việt Tộc Anh Hùng!

Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ - 18/7/2016

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Những tác phẩm từ nỗi niềm chia đôi đất nước 20-7-1954

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, hiệp định đình chiến được ký kết và và nước Việt Nam bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 với sông Bến Hải có cây cầu Hiền Lương thuộc tỉnh Quảng Trị làm điểm chia cắt.

Cây cầu Hiền Lương chia đôi đất nước năm 1954.
Từ vĩ tuyến 17 trở ra miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có thủ đô là Hà Nội dưới sự cai trị của cộng sản. Từ vĩ tuyến 17 trở vào miền Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa tự do dân chủ có thủ đô là Sài Gòn với lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng.
Hơn một triệu người từ Miền Bắc đã di cư vào Miền Nam, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ. Họ đã sáng tác nhiều bài hát, bài thơ, bài văn ca ngợi nét đẹp của miền Nam tự do thanh bình, kể nỗi luyến tiếc khi xa miền Bắc cùng Hà Nội thân yêu. Những tác phẩm  này có giá trị nghệ thuật và mặc dù thời thế thay đổi và thời gian mấy chục năm trôi qua nhưng hôm nay nghe và đọc lại, lòng vẫn thấy rung động.
Đầu tiên phải nhắc đến ca khúc Về Miền Nam của nhạc sĩ Trọng Khương, một bản nhạc đầy hi vọng, nét nhạc vui tươi hùng tráng. Lời ca như sau:
Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước. Hướng về đây Miền Nam thân yêu nắng ấm. Theo bước chân người xưa, ta tiến lên đường đi. Bao nắng mưa sương gió nào ngại chi. Sông nào cắt đứt đôi nơi, sông nào xé nát tim tôi, sông nào bóp chết thương yêu, Việt Nam ơi.
Đi về Miền Nam, miền thân yêu hương lúa tràn ngập đầy đồng. Đi về Miền Nam, miền thân yêu đất rộng cùng chung đời sống.
Vang lừng khúc hát hoan ca, say đời sống ngát hương ca, ta cười đón gió phương Nam, Miền Nam ơi. Đây miền đất nước xinh tươi, đây miền nắng ấm reo vui, đây miền sống khắp muôn phương, Việt Nam ơi.”
Nhạc sĩ Anh Hoa có hai bản nhạc Hận Ly Hương và Trăng Phương Nam. Bản Hận Ly Hương tả nỗi đau khi phải lìa bỏ miền Bắc để vào miền Nam:
“Thu năm qua đoàn người đi xót xa. Mang tâm tư hận sầu vương thiết tha. Hôm nay đi nghe tiếng sóng rạt rào.Nghe tiếng gió nghẹn ngào, nhìn làn mây buồn trôi.
Xa quê hương một chiều khi viễn khơi. Bao tâm tư hẹn ngày vui khắp nơi. Thăng Long ơi không biết tới bao người. Đang sống với mong chờ , ngày vui về cố hương.”
Bản Trăng Phương Nam tả cảnh đẹp của Miền Nam nơi cả triệu người Miền Bắc di cư chọn làm quê hương mới :
“ Đây phương Nam đây ruộng Cà Mau no lành. Với tiếng hát êm đềm trong suốt đêm thanh. Quê hương anh lúa rợp khắp bờ ruộng xanh. Lúa về báo nhiều tin lành từ khắp quê cùng kinh thành.
Ai vô Nam ngơ ngẩn vì muôn câu hò. Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no. Trăng Phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long, nước chảy con thuyền xuôi dòng, vọng tiếng khoan hò ấm lòng.”
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền và Nhật Bằng viết bản Về Đây Anh với nét nhạc dịu dàng, lời ca đầm thắm: 
“ Người ơi nước Nam của người Việt Nam. Vì đâu oán tranh để lòng nát tan. Đây Bến Hải là nơi ngăn cắt đôi tình. Đứng lên tìm chốn yên vui thanh bình.
Người về đây sống vui đời thắm tươi. Miền tự do đắp xây cho muôn đời. Nhịp cầu mến thương gieo vương ngàn nơi. Xuân thanh bình rộn ràng muôn lòng trai.”
Nhạc sĩ Lam Phương sinh trường tỉnh Kiên Giang thuộc Miền Nam, ông không nằm trong đoàn người di cư, nhưng với sự tưởng tượng phong phú của một nghệ sĩ, đã viết bản Chuyến Đó Vĩ Tuyến, một ca khúc đặc biệt trong dòng nhạc Lam Phương :
“Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu. Lênh đênh trên sóng nước mông mênh. Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng. Vượt rừng vượt núi đến đầu làng, đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến. Phương Nam ta sống trong thanh bình. Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.”
Lam Phương cũng có nhạc phẩm Nắng Đẹp Miền Nam điệu Bolero êm đềm, tả cảnh thanh bình no ấm của miền Nam tự do:
“ Đây trời bao la ánh nắng mai ghé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh. Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người vui hòa. Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi. Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi, mình ngắm nhau cười.
Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Đồng Tháp Cà Mau. Ta người nông thôn quên sương gió góp gian lao lo được mùa mong cầu. Nhờ tình dân quân gây bao niềm thương ấm cúng non sông đón bình minh. Gắng lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh, rồi sống no lành.”
Nhạc sĩ Vũ Thành với bản Giấc Mơ Hồi Hương đầy cảm xúc nhớ về Hà Nội và mơ một ngày trở về quê cũ : 
“ Lìa xa thành đô yêu dấu một sớm khi heo may về, lòng khách tha hương vương sầu thương. Nhìn em mờ trong sương khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời, lệ sầu tràn mi đượm men cay đắng biệt ly. Rồi đây dù lạc ngàn nơi, ta hướng về chốn xa vời, tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai, nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi. Rồi đây dù lạc ngàn phương, ta hướng về chốn sa trường, cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương, để cùng say giấc mơ hồi hương.”
Vào Sài Gòn, nhìn mưa nơi này mà nhớ cơn mưa đất Bắc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt nhạc và thi sĩ Hoàng Anh Tuấn viết lời tạo thành ca khúc Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội dễ thương :
“ Mưa hoàng hôn trên thành phố buồn gió heo may vào hồn. Thoảng hương tóc em ngày qua. Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà. Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa. Thương màu áo ngà, thương tóc kiêu sa. Hiền ngoan thiết tha. Thơ ngây đôi má nhung hường, Hà Thành trước kia thường, thường về cùng lối đường...
Mưa còn rơi, ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời. Vang trời tiếng cười ấm niềm tin hồn người. Mây trắng vui tươi, tình quê ngút khơi, Tự Do phơi phới.”
Nhạc sĩ Anh Bằng với ca khúc Nỗi Lòng Người Đi tả tâm tình chàng trai rời xa Hà Nội và lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi nhớ người yêu một thời say đắm:
“ Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều. Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ, ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa.
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau, biết tìm về nơi đâu, ân ái trao nàng mấy câu. Thăng Long ơi năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời, ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi, Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ.Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui. Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi...”
Nhạc sĩ Văn Phụng viết nhạc phẩm Ghé Bến Sài Gòn ca ngợi vẻ đẹp của thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa :
“Cùng nhau đi tới Sài Gòn, cùng nhau đi tới Sài Gòn, thủ đô yêu dấu nước Nam tự do. Dừng chân trên bến Cộng Hòa, người Trung Nam Bắc một nhà, về đây chung sống hát khúc hoan ca.”
Về mặt văn chương, nhà văn Mai Thảo đã có đoản văn Đêm Giã Từ Hà Nội rất nổi tiếng, tả tâm tình của ông trước khi từ giã Hà Nội để vào miền Nam:
 Phượng mỉm cười nhìn Thu. Giọt nước mắt của người lên đường nhập vào hàng ngũ của tập thể, của di chuyển, Phượng biết là một giọt nước mắt của tin tưởng. Sự đấu tranh cho tự do khởi thuỷ ngay cả ở chỗ ấy, nơi con người phải đấu tranh quyết liệt với chính mình, chịu đựng những mất mát, lìa bỏ ruộng đất, phố phường, để đến những miền tự do. Sau Thu, rồi còn hàng ngàn người như Thu, cũng chiến thắng được hoàn cảnh, cũng sẽ lên đường. Để bảo vệ một niềm tin. Để bảo vệ con người. Tất cả, họ sẽ trở về. 
Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu dời khỏi Hà Nội. 
Bóng Phượng, bóng Thu nhoà dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào Tương Lai.”
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ với bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau dài khoảng hai ngàn trang chia làm nhiều tập mà tập 2 có tên là Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến mở đầu có những dòng chữ như sau :
“Hình ảnh lá cờ vàng ba gạch đỏ phe phẩy thanh bình vẫy gió còn mãi mãi về sau này in hằn trong tâm tưởng Miên một ấn tượng của thịnh vượng và của tình người. (Ôi, còn được sống trong tình người, nàng thách thức mọi gian lao!). Rồi khi nhìn những ruộng lúa con gái lấp lánh nưóc, những cánh cào cào xanh đỏ xòe bay. Miên dám tưởng tượng đến một tương lai không xa xôi gì, nàng ngồi đan áo dưới ánh đèn, nhìn ra bên ngoài là con đường hun hút về miền xa tít nào, nhìn vào giường trong là có… Kha nằm đọc sách, Miên mường tưởng tượng đến mâm cơm đơn giản nhưng ngon lành do tay nàng sửa soạn, đến bộ chén tách sạch bóng nàng bày trên bàn trà…”
Sáu mươi mốt năm đã trôi qua kể từ ngày 20-7-1954, ngày chia đôi đất nước Việt Nam và cũng là ngày đánh dấu một cuộc di cư vĩ đại của hơn một triệu người từ miền Bắc vào Miền Nam, nơi quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ân cần đón tiếp họ và tạo mọi điều dễ dàng để họ hòa nhập vào xứ sở mới và nhiều người trong số này đã giữ những vai trò quan trọng trong nhiều lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, cộng sản chiếm Miền Nam và hàng triệu người Việt Nam tị nạn cộng sản, lang thang khắp thế giới.
Những tác phẩm ca nhạc, văn chương từ nỗi sầu chia cắt của hiệp định Geneva 20-7-1954 vẫn được người tị nạn mang theo và vẫn tiếp tục hát, tiếp tục phổ biến ở hải ngoại cho đến hôm nay, với một lý do duy nhất: những tác phẩm này là kỷ niệm một thời, ca ngợi tự do dân chủ, ước mơ thanh bình no ấm cho dân tộc Việt Nam và và có giá trị nghệ thuật để còn mãi qua dòng năm tháng.
Trần Chí Phúc / SBTN

Nửa Thế Kỷ Một Dòng Sông