Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Phố Núi Pleiku


Nơi Cõi Đi - Về
(Tưởng nhớ nhạc sĩ Hiếu Anh)

Hiếu Anh ơi! Cứ xem như hôm nay, ngày cuối tuần, mình trò chuyện với nhau nhé.
Lại nói về một chút gì để nhớ, từ một nơi mình đã Đến, Ở và Đi - Phố Núi Pleiku.

Khi anh đặt chân đến đó, không hiểu có cùng bối cảnh và tâm trạng như thế này không :

"....Ra khỏi lòng phi cơ C.130, bước xuống Phi Trường Cù Hanh, tôi cảm thấy lạnh, dẫu lúc đó mới chỉ 6 giờ chiều . Da thịt của Sài Gòn nhiệt đới đang tiếp xúc với cái lạnh miền cao vào những ngày đầu mùa Đông , tuy hơi khó chịu nhưng khoan khoái. Chính cái lạnh và một chút hơi sương đã làm cái đầu tôi “ hạ hỏa “, khi phải tiếp nhận cùng lúc những tiếng ồn ào của động cơ các loại máy bay và xe quân sự, cùng với sự nhộn nhịp của ba lô, mũ sắt và súng đan ra vào phi cơ và các pháo đài bao cát. Có nghĩa là tôi đang đứng chân trên vùng đất chạm nhẹ là nghe tiếng nổ! Nghĩa là tôi thật sự mất đi sự yên tĩnh của những giảng đường, của những thôn xóm quê tôi vào thuở chưa mất đi sự yên tịnh ..."
(trích hồi ký của Cao Nguyên) 


Bốn mươi mốt năm rồi đó anh, mình đã xa thành phố ấy, dẫu cho sương mù của thực cảnh, hay sương mù trong cả lòng ta, nhưng những gì ở đó vẫn hiển hiện trong cõi nhớ của mình.
Thương lắm, nhớ lắm cái khung cảnh chập chùng sông núi ấy, bao nẻo đường còn in dấu chân ta và bè bạn của một thời xa vắng dễ thương. Dẫu ở đó, có những tháng ngày tim ta rỉ máu, những giọt lệ hồng chảy trong đêm trăn trở khi hay tin bạn ta, ngày mai không về. Họ ở lại vĩnh viễn trên Đồi 31, trên đỉnh cao Dak Pek, Chư Prong, Chư Pao, núi Phượng Hoàng...!

Thời đau xót đã qua, lẽ ra không nên nhắc lại. Sao tâm ta cứ mãi nhớ về? Có phải là sự không đành của nỗi tức tưởi trên hành trình đi tìm hòa bình, tự do, chân lý và bác ái cho quê hương!

Rồi sao nữa hở anh? Trong thời gian thoáng qua, giữa chập chùng sông núi quê nhà, giọt lệ hồng của tôi, của anh vẫn chảy theo dòng thơ, ý nhạc. Chen lẫn trong tình khúc anh viết là những khúc quân hành có âm vang nhịp trống Tây Sơn như nhắc nhớ mình còn chưa trọn bước trong sứ mạng của 4 chữ "Cư An Tư Nguy" đã nặng trong hành trang ta đi lúc rời khỏi Vũ Đình Trường Thủ Đức?

Sự rạo rực trớ trêu lại đồng âm với niềm thổn thức, nên những lời thánh ca bay vút lên cao. Những lời chúc phúc chạm hồn các vì sao, những thiên thể hiện thân các bạn ta ở đó, tạo nên nguồn âm thanh thánh thiện ngân tấu trong một bầu trời trên mặt địa cầu không còn hai cực Bắc, Nam. Tất cả đã nhất quán: trong hư vô ta là hạt bụi!

Hiếu Anh ơi! Bây giờ thì anh thong dong rồi. Muốn đi đâu thì đi, không cần giấy thông hành, không cần phép tắc và những câu nệ thế gian; muốn gặp ai thì gặp, kể cả những người muôn năm cũ!

Phúc cho anh đã đổi những giọt lệ hồng lấy ly rượu ân phước của nước Chúa, nồng nàn anh trong cõi đã về!
Anh có muốn về thăm Phố Núi với tôi hôm nay không? Nhớ lắm.

Cao Nguyên
 Charlottesville.VA - 28/3/2016


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Sự Thật Lịch Sử Về "Trưng Nữ Vương"

Hàng năm nhân dân Việt Nam vẫn tổ chức ngày giỗ Hai Bà Trưng vào ngày 6 tháng 2 âm lịch mà tất cả chúng ta đều nhớ ơn. Thế nhưng, lịch sử viết về Hai Bà Trưng vẫn có nhiều điều cần phải phục hồi sự thật của lịch sử. Nhân ngày giỗ của Hai Bà, chúng ta cùng nhau tưởng nhớ Hai Bà, những anh thư của nước Việt. Đồng thời, chúng ta cùng nhau phục hồi sự thật lịch sử về Hai Bà Trưng để trả lại lịch sử những gì của lịch sử…
1. CÓ PHẢI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA VÌ THÁI THÚ TÔ ĐỊNH THAM LAM BẠO NGƯỢC?
Từ trước tới nay, sách sử cũ cứ dựa vào Hán sử với luận điệu "Thiên triều" biện minh cho sự đô hộ viết rằng Tô Định là tên thái thú tham lam tàn bạo nên Hai Bà Trưng mới đứng lên chống lại. Sách "Hâu Hán Thư" của Trung Quốc chép: "Trắc rất dũng mãnh, Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trắc căm phẫn nên chống lại”. Đây chính là luận điểm của Hán tộc cho rằng dân Việt vẫn chịu thuộc Hán nhưng chỉ vì thái thú tham lam tàn bạo nên người Việt mới đứng lên chống lại sự đô hộ mà thôi. Vì vậy, sử sách Hán hết lời ca tụng các viên Thái thú như Tích Quang, Nhâm Diên và Giả Tôn.
Sự thật lịch sử được chính Hán sử chép là sau khi Hán Vũ Đế xâm chiến Nam Việt năm 111 TDL, Hán triều đã chia thành 9 quận. Thế nhưng việc đặt quận huyện ở các quận lỵ, Huyện lỵ chỉ là trên hình thức vì trên thực tế toàn thể lãnh thổ vùng Lĩnh Nam vẫn do các Lạc Hầu lạc Tướng cai trị. Thật vậy, chính sách sử Trung Quốc là Hậu Hán thư chép rằng: “Lúc trước các quan châu mục tự cai quản mãi đến năm 29 mới sai sứ sang cống triều Hán”.
Tình hình Hoa Nam là lưu vực phía Nam sông Dương Tử hết sức rối ren nên lúc Hán triều suy yếu, thủ lĩnh các địa phương lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lại độc lập tự chủ, mỗi người hùng cứ một nơi. Anh hùng Khôi Hiệu rồi Công Tôn Thuật chiếm cứ Ba Thục, Lý Quảng chiếm giữ Hoãn Thành tỉnh An Huy, Duy Dĩ chiếm Hồ Nam rồi xưng là Sở Lê Vương đã tạo thành một cao trào giải phóng dân tộc.
Hán sử chép năm 29, Hán triều cử Nhâm Diên sang làm Thái Thú Cửu Chân đến năm 32, Hán triều đã phải bãi chức Thái Thú Cửu Chân của Nhâm Diên. Hai năm sau, năm 34 Hán triều lại triệu hồi Thái Thú Giao Chỉ là Tích Quang về rồi mới cử Tô Định là viên võ quan làm Thái Thú để đem quân đi đánh chiếm lại những vùng đã thuộc quyền tự chủ của dân ta. Giao Chỉ, Cửu Chân của nước ta thời kỳ này còn ở Nam Trung Quốc (Hoa Nam).
2. SÁCH SỬ CŨ CHÉP RẰNG THI SÁCH LÀ CHỒNG CỦA BÀ TRƯNG TRẮC, ĐIỀU NÀY CÓ ĐÚNG KHÔNG?
Sách sử cũ vẫn chép rằng "Trưng Trắc vốn là con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh, là vợ của Thi Sách..." vì hầu hết dẫn sách Thủy Kinh Chú của Lệ (Lịch) Đạo Nguyên viết rằng: “Châu Diên lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê" nghĩa là: Con trai của lạc tướng Châu Diên tên là Thi hỏi (sách) con gái lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Chữ "sách" trong câu trên vốn có nghĩa là "hỏi". Do nhầm lẫn, người đời sau đã ghép chữ "sách" đó với từ Thi thành tên Thi Sách) người Chu Diên. Thật vậy, trong Hậu Hán Thư, mục Nam Man truyện ghi về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng như sau: “Người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc, cùng với em gái là Trưng Nhị nổi dậy đánh phá quận huyện. Trưng Trắc vốn là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi...".


Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Miền Nam Thời Đệ nhất Cộng hòa

Một Số Hình Ảnh Miền Nam Thời Đệ nhất Cộng hòa
Sau khi Chiến tranh Việt Pháp (1946-1954) kết thúc, theo Hiệp định Genève, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới với hai thể chế chính trị khác nhau.


Miền Nam thuộc Chính quyền Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu do người Pháp trao trả độc lập từ năm 1947 tiếp quản và Thủ tướng lúc đó là ông Ngô Đình Diệm đảm nhận và bằng một cuộc “Trưng cầu dân ý” vào ngày 23/10/1955, Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế và thay bằng ông Ngô Đình Diệm lên thay thế, thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến, thành lập Quốc hội, bầu ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống và lấy ngày ban hành Hiến pháp VNCH 26/10/1956 làm ngày Quốc khánh.
Được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây, nền “Đệ Nhất Cộng Hòa” đã thành công trong việc thống nhất quyền lực, buộc các lực lượng vũ trang giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo giải tán hoặc gia nhập vào quân đội chính phủ và tiêu diệt nhóm Bình Xuyên.
Trong thời đầu từ 1954-1960, miền Nam sống trong thanh bình mặc dù ở các vùng nông thôn bắt đầu nổi lên phong trào du kích cộng sản do chính quyền miền Bắc hậu thuẫn nhằm “thống nhất Bắc Nam” bằng con đường “bạo lực cách mạng”.
Sau chiến tranh Đông Dương, chính phủ miền Nam tập trung tái thiết, kiến quốc và đạt được nhiều thành công và nếu so với một số nước sau Thế chiến II kết thúc như Đại Hàn, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương … thì Việt Nam Cộng Hòa thời ấy là niềm mơ ước và hình mẫu cho họ xây dựng …
Do ý thức dân tộc quốc gia làm trọng và không muốn quá phụ thuộc vào người Mỹ trong việc đối nội cũng như đối ngoại nên Mỹ đã xúi giục một số quân nhân cấp cao làm chính biến hai lần vào năm 1960 và cuối cùng tổ chức đảo chính vào ngày 01/11/1963 , kết cuộc hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị sát hại, kéo theo sự cáo chung của chính quyền “Đệ Nhất Cộng Hòa”.Danh xưng "Đệ Nhất Cộng Hòa" chỉ xuất hiện sau năm 1967 khi nền cộng hòa thứ nhì được thành lập, tức Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam (1967-1975).
Những hình ảnh trong clip sau đây được sưu tầm từ các nguồn báo ảnh trong cũng như ngoài nước trong cả giai đoạn của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, kết thúc bằng hình ảnh cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm…
Đây là một nguồn tư liệu ảnh về lịch sử quý giá để các nhà nghiên cứu sử học tham khảo và hậu thế biết được những diễn biến đã xảy ra trên đất nước Việt trong thời gian qua …!


Hoài Nguyễn 


Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Phan Bội Châu (1867 - 1940)

 Phan Bội Châu là một nhà yêu nước lớn, một chí sĩ cách mạng Việt Nam có ý chí tranh đấu, nghĩa khí và hết lòng tận tụy đóng góp cực kỳ lớn lao cho sự nghiệp cách mạng dành độc lập của Việt Nam từ tay thực dân Pháp. Ông đã thành lập phong trào Duy Tân Hội (1904) - chủ trương tôn quân và bạo động đánh đổ đô hộ Pháp để khôi phục nền độc lập, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ và khởi xướng phong trào Đông Du (1905) - vận động người trong nước xuất dương qua Trung Hoa, Nhật Bản du học để thâu nhận kiến thức mới của nước ngoài về giúp nước nhà. 

Ông là một tác giả lớn về thơ và tiểu thuyết, với những bút danh Hải Thu, Sào Nam, Thị Hán, Độc Tỉnh Tử,


Tổ Quốc Ơi ! Cho Ta Mộng Xây Thành


Thơ Lan Phi làm tôi nghèn nghẹn bởi những con chữ có gai, sắc cạnh. Thơ Lan Phi có mùi tanh của máu đồng đội, có vị mặn của mồ hôi chiến mã trộn lẫn hương tố nữ lầu xanh. Thơ LanPhi trần truồng, trùi trụi không tô son trét phấn, chẳng đệm silicon mà vẫn căng phồng bỏng rát khi leo lên giường nhạc tôi. Tôi gọi gã quan một này là Cao bồi chết ngựa - như tôi!
Súng không còn mà đạn có cũng bằng không? Không phải vậy!
Vũ khí năm xưa bây giờ hóa hiện là con chữ, là âm tiết, là giai điệu thang âm chùng bỗng thăng trầm, như vận Nước, như Kiếp người.
Tôi hiểu và thương ' thằng' đàn em đồng môn Trường Mẹ Thủ Đức ngày xưa, hôm nay và mãi mãi. Trong quân đội, những người LÍNH chúng tôi xưng hô và hành xử với nhau bằng sự tương kính bởi thâm niên, chức vụ, cấp bậc, gần gũi với nhau như ranh giới giữa Sống-Chết.
Và cho đến tận bây giờ và mãi mãi, tình Huynh Đệ Chi Binh luôn luân lưu ấm áp trong từng sớ thịt, từng mạch máu, từng sợi tóc của những người LÍNH tổng trừ bị chưa bao giờ giải ngũ!
" Ngồi xuống đây! Tao đút cho mày, lần nữa " Hỡi con mèo xì dầu Lan Phi!
( con mèo xì dầu là nickname dễ thương của TQLC dành riêng cho BĐQ )
dzuylynh thân kính, mời cả nhà FB cùng chìm vào cơn mộng, nỗi hờn phù trầm với thi sỹ Mũ Nâu Pơ Lan :
...mơ tiếng khèn vọng lại gọi đêm thâu
hồn bay mãi trở về cô phong đảnh
xương trắng hồn thiêng khóc bạc đầu...
TỔ QUỐC ƠI !
GIẤC MỘNG XÂY THÀNH

thơ Lan Phi | nhạc & trình bày Dzuy Lynh
album Nỗi Hờn Chiến Mã.
phân ly phân ly... chìm khe đáy dựng
cắt mảnh huyết bào mộng chửa tàn canh
hồn tráng sĩ hề! nghìn năm luân lạc
Tổ Quốc ơi! chưa tan mộng xây thành...
về đâu? về đâu? thuyền xuôi theo gió
huyết lệ chia tay từ tạ thâm tình
một chiến trường xa dặm nghìn da ngựa
phong kiếm bên trời giấc mộng trường chinh
đêm nay đêm nay...và nghìn đêm nữa
lòng tráng sĩ hề... dao cứa từng phân
vọng cố quốc xưa tuốt gươm ân hận
mấy bận gươm mài lệ ứa dưới trăng!
hồ trường hồ trường! nâng chung rượu nhạt
mơ tiếng khèn vọng lại gọi đêm thâu
hồn bay mãi trở về cô phong đảnh
xương trắng hồn thiêng khóc bạc đầu...!

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Tưởng Nhớ GS Nguyễn Ngọc Bích

Tưởng Nhớ GS Nguyễn Ngọc Bích
 - Viết Tặng 8 Chữ Nôm Cho Đền Đức Thánh Trần, nhân Tết Bính Thân 2016




Mời xem các bài viết và video clip liên quan đến hoạt động văn học và nhân quyền
 của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích: http://tusachtiengquehuong.blogspot.com/

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Tháng Tư Đen

Lại sắp đến một ngày 30/4 nữa, bốn mươi năm sau ngày 30/4 định mệnh vào năm 1975, chúng ta không khỏi ngậm ngùi nghĩ về một miền Nam của Tự Do và Nhân Bản.  "Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan / Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn" (Nguyễn Chí Thiện).
       Tiếng Việt ta có câu "Được làm vua, thua làm giặc," ngụ ý là lịch-sử thường được viết bởi "bên thắng cuộc."  Nhưng ngay tác-giả của một cuốn sách với tên đó cũng phải công-nhận là trong hầu hết mọi nghĩa, trừ về mặt quân-sự, chính miềnNam mới là bên đã thực-sự thắng cuộc.  Đến ngay một trận chiến-bại của Miền Nam, như trận hải-chiến Hoàng-sa, cũng vẫn chứng tỏ được chính-nghĩa sáng ngời của VNCH.
       Chính vì thế mà nhiều sách, do ngay cả các tác-giả ngoại-quốc, trong những năm gần đây đã tỏ ra công-bằng hơn đối với quân và dân VNCH như:
       - Cuốn NO PEACE, NO HONOR của Larry Berman (mà G.S. Nguyễn Mạnh Hùng đã dịch sang tiếng Việt thành "Không Hòa bình, Chẳng Danh dự")
       - VIETNAM'S FORGOTTEN ARMY của Andrew Wiest (nói về anh-hùng Trần Ngọc Huê và nhóm Hắc Báo của ông trong Trận Mậu Thân ở Huế)  
       - ĐỨC: A reporter's love for a wounded people của ký-giả người Đức Uwe Siemon-Netto (bản dịch tiếng Việt của Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền)
       - Cuốn BLACK APRIL của George J. Veith (mà Nguyễn Ngọc Anh đã dịch thành "Tháng Tư Đen" do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông in ra)  
       - RIDING THE THUNDER của Richard Botkin (bản dịch tiếng Việt rất hay của Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bình An)  
       - NATIONALIST IN THE VIETNAM WARS của Nguyễn Công Luận
       - MOURNING HEADBAND FOR HUE dịch "Giải Khăn Sô cho Huế" của Nhã Ca (bản dịch tuyệt vời bởi Olga Dror, một giáo-sư người Nga dạy ở Texas A&M University) v.v. và v.v.


"THÁNG TƯ ĐEN"
HAY LÀ HAI NĂM CUỐI MỘT CUỘC CHIẾN TÀN KHỐC
Tâm Việt
Đa phần người Việt hải-ngoại là những người đã rời Việt-nam, đã ra đi sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Với sự cưỡng-chiếm miền Nam bởi người Cộng-sản, lịch-sử đã sang trang để đem lại những ngày đen tối không có tương-lai, những ngày mà sau này đến báo lề phải ở trong nước khi hồi-tưởng cũng phải gọi là "những đêm dài bao cấp." Vậy mà thử hỏi, bao nhiêu người trong chúng ta đã nhớ, đã biết rõ chuyện gì đã xảy ra để rồi chúng ta phải gặp chuyện "sẩy đàn tan nghé" như ngày hôm nay?
Có lẽ vì cái thảm-kịch nó lớn quá, tới mức không ai trong chúng ta có thể mường tượng nổi. Cũng tựa như một trận sóng thần nó ập đến, nhà cửa bỗng đổ nát tan hoang, cây tróc rễ, tàu bè dưới biển bị bốc lên cao rồi nằm trên lưng đồi hay ngọn núi, như một trận cuồng-phong đem thủy-quái lên cao nghênh chiến với quân nhà trời.
Thành thử bốn mươi năm qua, nhiều người trong chúng ta vẫn còn đi tìm câu giải thích cho cái hiện-tượng đó, hiện-tượng mà có người mô-tả, theo lời kể của nghệ-sĩ Trần Văn Trạch, "đến cái cột đèn mà nó biết đi thì nó cũng đi nốt."


Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ đã cho tung ra bản dịch cuốn Black April của soạn-giả người Mỹ, một nhà quân-sử tên George Veith mà giữa bạn bè thường được gọi thân mật là "Jay." Có điều lạ là "Jay" không hề là một cựu-chiến-binh ở Việt-nam. Anh còn trẻ quá để có thể tham-gia vào trong cuộc chiến tàn khốc đó cách đây gần 50 năm. Nhưng ám-ảnh của anh về cuộc chiến xa xôi, cách nước Mỹ nửa vòng trái đất vẫn không để cho anh yên. Anh thắc mắc, anh tìm tòi, anh đào sâu, anh đi vào thư-viện, đi vào văn-khố, đi tìm những chứng-nhân để đào cho đến đáy của vấn-đề thì may ra, anh mới có thể tìm ra được sự thật!
Và cuối cùng anh đã sản xuất được ra một cuốn sách mà Đại-tá hồi hưu Lewis Sorley, một tác-giả nổi tiếng với 5 cuốn sách về chiến-tranh VN, đã phải mô-tả là "một cuốn sách được nghiên cứu tuyệt vời về sự phòng thủ anh dũng và hữu hiệu của miền Nam Việt Nam sau khi quân-lực Mỹ đã rút lui cho đến khi, bị hủy hoại bởi sự thất hứa của Hoa Kỳ không tiếp-tục hỗ-trợ mạnh mẽ về tài vật cũng như về tài chính, miền Nam đã bị tràn ngập bởi những người Cộng-sản được các quốc gia đàn anh đỡ đầu cho tăng vọt phần viện trợ. Một cuốn sách trả đáp hữu hiệu đối với những ai đã gian dối mô tả quân lực VNCH như là những người không muốn hay không có khả năng tranh đấu cho tự do của họ, và đây cũng là một chiếc nón ngả chào sự can trường của họ trong lúc phải tranh đấu chống lại những rủi ro không thể vượt qua nổi."
Đọc được cuốn sách này, một cựu-phiên-dịch-viên của MACV đã cảm-động tới mức ông đi tìm tác-giả và ngỏ ý muốn được dịch sang tiếng Việt ngõ hầu nhiều đồng-bào của ông có thể đến với cuốn sách. Ông Nguyễn Ngọc Anh ở Arizona sau đó đã bỏ toàn-thời ra dịch cuốn sách trong một thời-gian kỷ-lục. Và Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ lại được cái duyên là cả tác-giả lẫn dịch-giả đều đồng-ý trao lại cho trách-nhiệm duyệt bản và in cuốn sách nhằm đưa vào thị-trường sách tiếng Việt trên quy-mô rộng lớn.
.
Mấy đặc-điểm của cuốn THÁNG TƯ ĐEN
Được viết ra gần 40 năm sau cuộc chiến, cuốn Tháng Tư Đen của "Jay" Veith đã có cái lợi là nhiều văn-khố đã được mở ra cho các học-giả đến nghiên cứu. Nhiều tài-liệu mật sau 30 năm đã được giải mật, như luật của Hoa-kỳ đòi hỏi. Thành thử nhiều tin tức mà trước kia, trong thời-kỳ chiến-tranh chỉ đồn đoán thì giờ đây ta đã có thể tìm ra nguồn gốc của những quyết-định đó. "Jay" đã chăm chỉ tận-dụng những nguồn thông tin này.
Song nếu nhiều, đa-phần các học-giả hay sử-gia Mỹ chỉ biết tìm đến các tài-liệu viết bằng tiếng Anh thì "Jay" đã làm một chuyện phi-thường. Anh tìm về rất nhiều nguồn tư-liệu tiếng Việt mặc dù chính anh không biết nhiều tiếng Việt. Anh đã có nơi một người bạn, Merle Pribbenow, một cột dựa chính-xác và đáng tin cậy để nhờ đọc hàng trăm, hàng nghìn tài-liệu của đối-phương, tức đến từ các tác-giả hay nguồn tin Bắc-Việt hay Việt-Cộng miền Nam. Merle, chẳng hạn, là người đã dịch bộ sử chính của miền Bắc về chiến-tranh mà họ gọi là "chống Mỹ cứu nước." Merle còn khai thác hầu hết những gì các tướng lãnh Bắc-Việt đã viết về cuộc chiến đến mức "Jay" có thể xem anh như đồng-tác-giả.
Không ngưng ở đó, "Jay" lại đi tìm các bạn Việt-nam để có thể tiếp cận các tướng tá ở miền Nam, thuộc quân-lực VNCH để phỏng vấn vào chi-tiết. Anh cũng lại nhờ Merle đọc hết những hồi-ký của các tướng lãnh hay các bài báo rải rác trong hàng trăm đặc-san hay báo của quân-đội ở hải-ngoại kể lại các trận chiến.
Nhờ vậy nên cuốn sách rất công bằng, để cho cả ba bên trình bầy cuộc chiến "từ Hiệp-định Paris đến ngày mất miền Nam," tức hai năm cuối tính từ tháng 1/1973 đến tháng 4/1975. Nghĩa là cuốn sách khác một trời một vực với đa-số sách viết về chiến-tranh Việt-nam, nhiều khi chỉ đưa ra được cái nhìn từ một phía--hoặc của Mỹ, hoặc của Bắc-Việt hoặc của miền Nam, ít khi đan kết được câu chuyện nhìn từ cả ba phía.
Mà lạ thay, khi viết đầy đủ nhìn từ ba phía, tức là đúng với thực-tế của cuộc chiến dưới đất thì người ta lại thấy một sự thật thần-kỳ. Đó là chiến đấu trong những điều kiện vô cùng eo hẹp nếu không muốn nói là dã-man của hai năm cuối cuộc chiến, sau khi bị đồng-minh chính là Mỹ bỏ rơi cũng như mặc dù lãnh-đạo miền Nam đã có những quyết-định không mấy khôn ngoan, quân-lực VNCH vẫn đã có những nỗ lực ngoạn mục để chứng tỏ sự "can trường trong chiến bại" như cách nói của Phó-đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại viết về trận chiến Hoàng-sa chống lại hải-quân Trung-Cộng. Chúng ta đã không chỉ có một trận Hoàng-sa chống ngoại-xâm với 72 anh-hùng của trận chiến đó.
Chiến-đấu trong những điều-kiện bất-cân-xứng do đối-phương được tiếp-tế tận-lực, dồi dào bởi Liên-Xô và Trung-quốc, Quân-lực VNCH đã có những trận chiến để đời mà đến ngay các tướng lãnh Việt-Cộng sau đó cũng phải công-nhận sự chống trả anh-dũng. Đó là những trận như trận Phan-rang, nơi VC đã bị cản trở bước tiến vỡ bờ của họ trong nhiều ngày. Đó là một trận như trận Xuân Lộc mà một sư-đoàn VNCH, sư-đoàn 18 dưới quyền của tướng Lê Minh Đảo, đã kiên cường ngăn chặn được ba sư-đoàn địch. Đó là một trận như trận Tây-ninh nơi thiết-giáp của tướng Trần Quang Khôi đã làm cho địch-quân khốn đốn nhiều ngày. Chưa kể những trận đụng độ nhỏ hơn, có khi chỉ ở một quận như Thủ-thừa, mà về sau đến Lê Đức Thọ cũng phải nói lên lời thán phục.
Tóm lại, người lính VNCH, dù là quân hay là tướng, ngay trong những giờ tuyệt vọng nhất, nhiều khi cũng đã chứng tỏ hết sự hy sinh của mình cho chính-nghĩa để sau này, như năm vị tướng tuẫn tiết và hàng trăm, hàng ngàn sĩ-quan binh lính khác đã chọn cái chết vào giờ chót để nói lên hết lòng thương yêu của mình với quê hương, dân-tộc và gia-đình. Để giờ đây vẫn còn được ngưỡng mộ như một Ngụy Văn Thà hay một Nguyễn Khoa Nam, lưu danh thiên cổ. 

TỔ HỢP XUẤT BÀN MIỀN ĐÔNG HOA KỲ HÂN HẠNH GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH MỚI:
THÁNG TƯ ĐEN
Nguyên-tác: Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-1975
Tác giả: George J. Veith
Dịch giả: Nguyễn Ngọc Anh
.
Đầu thập niên 1970, để phá vỡ thế bao vây của Cộng-sản, Mỹ đã đi đêm với Trung-Cộng, kết-quả là miền Nam bị bỏ rơi và CS Bắc-Việt chiến-thắng (với sự yểm-trợ dồi dào áp-đảo của Nga-Hoa). Người dân Mỹ đã đền bù phần nào sự phản-bội này của các chính-khách Mỹ bằng cách mở lòng đón nhận chúng ta, giúp chúng ta xây dựng nên một cộng-đồng hải-ngoại vững mạnh như ngày hôm nay. Các sử-gia Mỹ dần dần cũng đã trông ra sự thật về cuộc chiến và đã có những đóng góp ngày càng giá-trị để đem lại công-bằng cho người dân, quân-đội và xã-hội miền Nam--một sự đánh giá mà giờ đây ngay ở trong nước người ta cũng nhìn ra.
.
Tác-giả George J. Veith đã nghiên cứu cặn kẽ và trong chi-tiết mọi tài-liệu xuất phát từ các văn-khố Mỹ, từ các báo-cáo quân-sự, chính-trị đương-thời của phía Mỹ cũng như các sách vở, tài-liệu ngày càng phong phú do cả hai phe Việt-nam, CS Bắc-Việt và Việt-nam Cộng-hòa về giai-đoạn từ Hiệp-định Paris tới ngày 30/4/1975.
.
Dựa vào các nguồn tin đó, cộng thêm các cuộc phỏng vấn nhiều sĩ-quan Quân-lực VNCH đã dự trận, ông đã vẽ lại được thật rõ ràng và đầy đủ các trận chiến từ trận Ban-mê-thuột đến trận đánh cuối cùng ở Sài-gòn, để khám phá ra rằng trong nhiều trường-hợp người lính VNCH đã chiến-đấu rất anh-dũng trong những điều-kiện vừa thiếu thốn vừa khó khăn tột độ.
.
Vậy mà không ít nơi, quân-đội đó đã có những chiến-thắng đáng ghi lại trong quân-sử (như trận Xuân Lộc), làm vinh-dự cho một quân-lực mà nhiều lúc đã bị chê bai, khinh miệt một cách vô lối, bất công--chỉ vì người ta tin theo các nguồn tin CS hay các báo chí thiên tả, phản chiến hoàn-toàn không có cơ-sở. Đây là một việc làm trả lại sự thực cho lịch-sử, trong một bản dịch lưu loát và chính-xác của dịch-giả Nguyễn Ngọc Anh.

Nguyễn Ngọc Bích
.


Một Giải Pháp Cho Biển Đông

GS Nguyễn Ngọc Bích - Đài Á Châu Tự Do

Ngọn Gió Đông Phương

Ngọn gió Đông Phương vừa thổi lại Phương Đông 
(Tiếc thương và kính tiễn Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích)
 Ba giờ sáng ngày 3 tháng 3, 2016 tôi nhận được tin nhắn của một người thân “Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích mất trên máy bay”. Dù chưa kiểm chứng và còn quá sớm để gọi những người quen nhưng tôi nghĩ đó là tin đúng. Tôi biết giáo sư cùng nhiều vị khác đang trên đường tham dự Họp Mặt Dân Chủ 2016 tổ chức ở Manila. Năm ngoái cũng tổ chức ở Manila, lý do để có một không gian và các thành phần tham dự thích hợp, nhất là từ phía Philippines, khi thảo luận về tranh chấp Biển Đông.  
Sáng nay đọc tin chi tiết trên báo Người Việt trích dẫn lời của Tiến sĩ Đào Thị Hợi, phu nhân của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết lúc 9 giờ tối 2 tháng 3, 2016 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) ông “vào phòng vệ sinh trên máy bay, khi về lại chỗ ngồi thì lên cơn mệt và mất ngay tại ghế ngồi.”
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1937 tại Hà Nội. Ông học tiểu học ở Vĩnh Yên, trung học ở Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Năm 1955, ông được học bổng Fulbright tại đại học Princeton và tốt nghiệp Cử Nhân Chính Trị Học năm 1958. Sau đó ông đã theo học các chương trình cao hơn tại nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ như Columbia University và Georgetown University. Ông sang Đại Học Kyoto, một trong bảy trường đại học quốc gia của Nhật Bản, từ 1962 đến 1963 để sưu tập tài liệu làm luận án Tiến sĩ về Giáo Dục.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đóng góp rất nhiều vào các chương trình giáo dục song ngữ tại Mỹ và là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học giá trị. Trong sinh hoạt cộng đồng và truyền thông, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là chủ tịch của tổ chức Nghị Hội Toàn Quốc Của Người Việt tại Hoa Kỳ và là Giám Đốc Ban Việt Ngữ của đài Á Châu Tư Do trong bảy năm. Một tiểu sử chi tiết của giáo sư đang được lưu trữ trên trang nhà của Viện Việt Học, trong mục Ban Giảng Huấn.  
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh hoạt rất đa dạng và đóng góp tích cực trong nhiều lãnh vực nhưng như ông đã có lần chia sẻ, con người thật sự của ông vẫn là con người của văn hóa giáo dục.  Khi thành tài trở về nước, ước nguyện của nhà trí thức Nguyễn Ngọc Bích là nâng cao dân trí. Ông từng là Quyền Viện Trưởng Viện Đại Học Cửu Long. 
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích rất quan tâm đến tuổi trẻ.  Tuổi cao và thể lực yếu dần nhưng nhiệt tình của ông dành cho tuổi trẻ Việt Nam không vì thế mà giảm sút.  Đóng góp của ông không chỉ giới hạn qua các vận động yểm trợ vật chất mà quan trọng hơn là chăm sóc về tinh thần, nhất là các em vừa ra khỏi tù CS.
Ai cũng có thể tự nhận mình quan tâm tới tuổi trẻ trong nước nhưng chắc là không bao nhiêu người gần 80 tuổi mà vẫn thức rất khuya để dạy các lớp tiếng Anh qua internet và ngay cả kèm riêng cho từng cháu cách phát âm những chữ khó. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích làm rất nhiều việc mà chỉ những người trong cùng đề án của ông mới biết. Lý do không phải vì bảo mật mà chỉ vì ông ít nói về thành tựu của riêng mình. Dù ông không nói ra, các cộng đồng, đoàn thể, tổ chức hay cá nhân tranh đấu cho tự do đất nước tại hải ngoại hẳn để ý một điều, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích  không từ chối việc gì miễn là việc đó góp phần vào nỗ lực vận động tư do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. 
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là nhà biên khảo, dịch thuật, giáo dục nhưng trên hết ông người yêu nước lớn. Như giáo sư kể lại, ngày 19 tháng Tư 1975 ông lên đường sang Mỹ cùng phái đoàn VNCH để tìm viện trợ nhưng thất bại. Dù biết sớm muộn miền Nam cũng mất, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích vẫn trở về. Chuyến bay trở về Việt Nam gần 30 tháng Tư chỉ có hai người Việt, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Trở về nhưng rồi phải ra đi trong đêm 30 tháng Tư khi ngọn đèn tự do của Sài Gòn vừa tắt.
Mỗi buổi sáng trên bàn của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ngoài những món điểm tâm còn có một hộp gồm nhiều loại thuốc phải uống trong ngày nhưng ông uống xong không phải để rồi nghỉ ngơi mà tiếp tục lên đường. Ít có người nào trong tuổi gần 80 mà đi đây đi đó nhiều hơn Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông đến mọi nơi và ngồi xuống với mọi người. Ông không quá quan tâm người đối diện mình là ai miễn là còn biết lắng nghe nhau nói. Mặc dù rất dứt khoát trong lập trường chính trị quốc gia, ông có một tinh thần ôn hòa, cởi mở và tinh thần đó đã làm giáo sư trở thành điểm gặp gỡ của nhiều khuynh hướng khác nhau.  
Sau mỗi lần gặp gỡ  Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, khách mang về không chỉ là những câu trả lời sâu sắc hay những nhận xét tinh tường về những vấn đề họ cần biết nhưng nhớ nhất vẫn là một nụ cười của ông. Ông sống rất lạc quan. Những người gần gũi giáo sư đều có một nhận xét chung, dường như đối với ông, không có điều gì quan trọng, kể cả sức khỏe, hơn là việc được đóng góp cho tự do dân chủ của đất nước và an lạc của con người. Tinh thần bao dung, hỷ xả Phật Giáo thể hiện rất rõ nét trong thái độ và cách sống của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Làm người ai cũng mang theo suốt đời mình những nhân tính hỉ nộ ái ố, tham sân si, nhưng riêng với Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ông quên chuyện buồn phiền rất dễ dàng và tha thứ rất nhanh.
Ngọn gió thổi đi từ phương Đông tối ngày 30 tháng 4, 1975 và tối ngày 2 tháng 3, 2016 đã thổi về lại phương Đông.  Bên kia bờ biển là Hà Nội, nơi Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cất tiếng khóc chào đời, là Sài Gòn nơi ông khôn lớn, nhưng bầu trời Thái Bình Dương lại là nơi ông trút hơi thở cuối cùng. Ôi kỳ diệu thay, phải chăng không gian bao la mới đủ rộng cho  tâm hồn yêu quê hương bát ngát của ông.  
Tiếc thương và kính tiễn biệt Anh.
 Trần Trung Đạo
Boston 3/3/2016

Lúc Nào Nên Tự Hỏi


    
        (tiễn bạn nguyễn ngọc bích
       ra đi tối mùng 2 tháng 3 năm 2016)

trong cuộc sống
lúc nào nên tự hỏi
ta ra đi
hay ở lại đôi mùa

đợi hoa nở
sau những cơn bão vội
nối bình minh
vào mạch tối năm xưa

ngay lúc đó
hay trên đường đắm đuối
phục vụ đời
chữ nghĩa cũng buông trôi

tâm đột quỵ
nhưng hồn còn trong sáng
hẹn ta về
ngọn núi đón mây sang

nỗi buồn lạ
hay niềm vui cởi mở
cánh cửa bên
bờ cõi nắng còn thơ
 
Lưu Nguyễn Đạt

March 3, 2016

Một Trăm Triệu Năm Thức Ăn


GS Nguyễn Ngọc Bích giới thiệu sách:

 “Một Trăm Triệu Năm Thức Ăn” Của Stephen Lê  

Trông thấy hình của anh ở cái “flap” bìa sau, tôi thấy có cảm tình liền. Một người trẻ đội nón “tai bèo” ngồi trước một bát trông như bát “bún bò Huế,” anh không có vẻ gì là giáo sư đại học cả. Ấy vậy mà đích thật, anh là giáo sư thỉnh giảng của Đại Học Ottawa sau khi đã lấy bằng tiến sĩ về Sinh Nhân Chủng Học (Biological Anthropology) ở UCLA tại Mỹ.
Cuốn sách của anh quan trọng đến nỗi báo McLean’s, tuần san nổi tiếng nhất của Gia Nã Đại, tuần này đã phải có bài dài 4 trang phỏng vấn và viết về anh. Đó là vì anh thuộc về một lứa sử gia rất mới, đệ tử của Jared Diamond, không viết sử về vua chúa và chiến tranh giữa các nước nữa (kiểu viết sử cổ truyền của nhiều nước) mà viết lịch sử của nhân loại qua những khám phá của con người. Cũng như ai tìm ra lửa cách đây 500.000 năm là đã đảo lộn hết cả cách sống, cách ăn của loài người từ “ăn sống nuốt tươi” sang một lối sống văn minh có biết nấu nướng.
Chính thầy anh, ông Jared Diamond đã đảo lộn cách viết sử khi ông ra cuốn sách Guns, Germs, and Steel (“Súng Ống, Vi Trùng, Và Thép”) cho thấy là mỗi khám phá như vậy là đem lại một cách mạng về nghệ thuật chiến tranh, về y khoa, và về công nghiệp. Giờ đây anh viết về thức ăn của nhân loại (chứ không phải chỉ một dân tộc nào mặc dầu Việt Nam cũng được nhắc đến không ít trong sách của anh) và cũng làm đảo lộn tất cả những cách suy nghĩ của chúng ta về cách ăn uống của loài người. Thế không phải là một loại sử đáng đọc hay sao?
Nhưng để viết được một cuốn sách như vậy, anh không thể chỉ là một loại “a ma tưa,” tài tử được. Vốn liếng về khoa học của anh rõ ràng là rất vững chãi. Là một tiến sĩ về sinh nhân chủng học, những phân tích hóa học, sinh học, chủng tử học của anh không những thuyết phục mà còn làm cho ta sửng sốt về sự chính xác, ngay cả về những niên đại hay niên kỷ xa xưa như cách đây vài chục triệu năm, một trăm triệu năm. Đã đành một mình anh không thể biết hết được nhưng anh biết dựa vào những nguồn tin đáng tin cậy, có thể nói là không có tài liệu nào về vấn đề đồ ăn nước uống của nhân loại mà anh chưa đọc. Riêng thư mục sách của anh, từ trang 249 đến 294, cũng đã liệt kê đến trên 600 tên sách và bài báo trong các tạp chí khoa học hàng đầu của thế giới.
Anh không chỉ dựa vào trí tuệ và kiến thức của các khoa học gia chuyên ngành sinh học trên toàn cầu, anh còn đích thân đi khắp thế giới để thử ăn những món ăn của nhân loại không trừ rắn rết, nhộng, đuông, kiến, châu chấu, cào cào, cà cuống, rươi v.v. Cứ riêng xem bảng các quốc gia anh đã đi qua (trang 295 297) mà tôi, một người không phải là ít đi, cũng đủ thấy thèm.
100_Million_Years_of_FoodDựa trên những kinh nghiệm phong phú về học thuật và du lịch như trên, anh đã viết nên cuốn 100 Million Years of Food (“Một Trăm Triệu Năm Thức Ăn”), nửa du ký nửa biên khảo khoa học rất nghiêm túc viết trong một văn phong tiếng Anh vừa lưu loát vừa bay bướm. Không trách cuốn sách đã được đón nhận một cách khá nồng nhiệt. Thầy anh viết: “Cuốn sách vui ngon này sẽ giúp bạn đọc thưởng thức những gì mình ăn, thưởng thức chuyện suy nghĩ về thức ăn, và giữ cho mình khỏe khoắn.” (Jared Diamond)
Mark Kurlansky, tác giả cuốn sách nổi tiếng Cod (“Cá Cót”) mà trong đó tôi học được là Đế Quốc La Mã ngày xưa cũng có nước mắm mà họ gọi là “garum,” còn ca ngợi hơn nữa: “Tính rộng lớn, trải xa, và tham vọng của [cuốn sách] làm cho ta phải đọc và mê tơi”.
Nhưng tạp chí Kirkus Reviews (“Điểm Sách Kirkus”) thì phân tích cặn kẽ hơn: “Trong cuốn sách đầu tay dễ đọc này, Stephen Lê cho ta một tạp luận sống động nửa kỷ niệm du ký nửa giả thuyết với đầy đủ kiến thức về sinh học ngành dưỡng sinh của con người ta. Tác giả, có nguồn gốc ở Việt Nam và Gia Nã Đại, cũng đào sâu cách ăn uống của các nền văn hóa khác nhau để ủng hộ cho luận thuyết của ông cho rằng đi xa những cách ăn uống của tổ tiên là một nguyên nhân chính dẫn ta tới các bệnh tật của ngày hôm nay—một cách tiếp cận vấn đề vừa tỉnh táo vừa khác lạ”.
Kinh nghiệm bản thân
Ngay vào đầu sách, tác giả kể lại anh đang học lấy bằng tiến sĩ về sinh học ở UCLA thì được tin mẹ anh đau nặng. Bay về Gia Nã Dại được ít lâu thì mẹ anh mất vì bệnh ung thư ở tuổi 66 trong khi bà ngoại anh sống đến tuổi 92 mới mất. Nghiên cứu kỹ vấn đề, anh thấy là người Á Đông sang sống ở các nước Tây Phương đễ bị ung thư vú (trong trường hợp các phụ nữ) và bệnh tiền liệt tuyến (trong trường hợp các nam nhân). Đào sâu vấn đề thì hình như đó là vì những thức ăn chúng ta tiêu thụ khi sang Mỹ hay Gia Nã Đại. Ngược lại, những người như bà anh vì sang Tây Phương rồi mà vẫn ăn theo các lối cổ truyền nên lại ít nhuốm các “bệnh thời đại” hơn như “béo quá, tiểu đường loại 2, bệnh ‘gút’ (‘gout’), cao áp huyết, ung thư vú, dị ứng về thức ăn, mụn trứng cá, và cận thị.” (trang 1)
Chính vì thế mà cuốn sách của anh có tiểu tựa là “Tổ tiên ta đã ăn những gì và tại sao chuyện đó lại quan trọng đối với chúng ta ngày hôm nay” với những chương như sau:
Cái khôi hài của côn trùng [như đồ ăn của người xưa], trong đó anh chứng minh là ăn những thứ như vậy, cào cào, châu chấu, cà cuống, đuông, v.v.— một kinh nghiệm mà các người đi “học tập cải tạo” của Cộng Sản có thừa — đôi khi cho ta những “protein” ta cần thiết, nhất là khi cha ông ta xưa xửa xừa xưa chưa có nhiều nguồn thịt để ăn.
Trái cây và trò chơi của chúng. Về mặt này, ai cũng tưởng trái cây là lành mạnh nhưng không hẳn. Tuy chúng không phải là sinh vật và có linh hồn nhưng chúng vẫn có những cách tự bảo vệ như Sầu Riêng, chẳng hạn, thì có gai nhọn có thể rớt xuống bể đầu ta. Dừa cũng thế, nếu cùi Dừa (nhất là cùi dừa non) thì dễ ăn và nước Dừa mát lịm, nhưng vỏ Dừa cũng rất cứng che chở cho những thứ ngon ở bên trong quả Dừa. Điều lộn hột cũng thế, trái thì chát và chính hột Điều cũng có nhựa có thể làm cho ta bỏng tay. Mặc dầu vậy, con người ta cũng đã tìm ra cách ăn được chúng, kể cả và nhất là quả của cây Sồi mà sóc rất thích ăn cạnh tranh với con người. Tuy nhiên, sóc cũng biết là ăn quả Sồi, acorn, thì phải ăn từ cái núm ở trên xuống chứ không nên ăn từ dưới lên vì khá độc. Còn người Da Đỏ ở Mỹ trước kia biết là một cây Sồi lớn có thể sản xuất từ 500 đến 1.000 pounds (tương đương với 225 tới 450 kí lô, tức hơn 2 tạ tới 4 tạ rưỡi) một cây. Và một gia đình người Da Đỏ ở Cali cách đây vài thế kỷ có thể, trong một thời gian từ 2 tới 3 tuần, đi lượm quả Sồi đủ nhiều để có thể biến thành bột nuôi sống họ được từ 2 đến 3 năm.
Sự hấp dẫn của thịt. Thịt súc vật như thức ăn có lẽ là một khám phá muộn, nhất là nếu chúng ta hiểu ăn thịt tức là ăn thịt luộc, nấu, nướng v.v. bởi muốn thế thì nó phải xảy ra sau khi loài người đã phát hiện ra lửa. Tuy nhiên, người Nhật ngày nay biết ăn thịt sống, người Đức cũng biết ăn một thứ sandwich kẹp thịt sống với hành, và người Việt chúng ta cũng biết ăn thịt bò tái (tức thịt sống mà chỉ vắt chanh lên thôi), như vậy loài người, theo tác giả Stephen Lê, đã biết ăn thịt sống ít ra cũng cách đây hai triệu năm rồi. Thịt, theo quan niệm của một số người, lại còn có hiệu quả là làm tăng cường dương như trong bài sau đây (trang 75 và 231):
Tương Bần chấm với tái dê,
Ăn vào một miếng bừng bừng như dê.
Em ơi, ở lại đừng về,
Ngày mai ta lại tương Bần, tái dê.
Thịt hấp dẫn đến nỗi nhiều người không bỏ được thịt, nghĩa là không thể sống bằng cách chỉ ăn chay, thậm chí trong quá khứ của nhân loại đã có một thời người còn biết ăn cả thịt người — khác hẳn súc vật, chúng không biết ăn thịt đồng loại.
Nghịch lý của cá. Sở dĩ gọi là nghịch lý vì giờ đây tuy nhiều người ca tụng những đức tính của đồ biển, tôm cá v.v. nhưng cũng đã có những nền văn hóa, như một vài dân tộc ở Nam Phi, kỵ hoàn toàn chuyện ăn cá. Tuy nhiên, với một bờ biển dài trên hai nghìn cây số, đó không phải là vấn đề của người Việt. Chính vì thế mà đối với người Việt và một số quốc gia Đông Nam Á như Thái và Phi Luật Tân, nước mắm (“patis malabong” trong tiếng Tagalog) là một thứ nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn—một chuyện mà ta chia xẻ với người La Mã ở trời Tây xa xưa, và cũng là một chuyện làm ta xa cách hẳn người Tàu với xì dầu của họ.
Đế quốc tinh bột. Trong phần này, tác giả gộp cả thế giới của rau bên cạnh các thứ củ như khoai, sắn, v.v. Theo ông, ta không nên khinh khi thế giới rau cỏ bởi những loài vật lớn nhất trên mặt đất phần lớn là ăn cỏ (ma mút, voi, trâu bò, ngựa, v.v.). Khủng long cách đây cả trăm triệu năm (do đó mà có tên cuốn sách) cũng vậy. Nhưng để ăn được, ta cần phải thuần hóa những loại thức ăn này (như bắp, tức ngô trong tiếng Bắc, phải qua hàng chục vạn năm con người mới biết biến thành một thứ ăn được, như trong sách Bút Khảo Về Ăn của Bác Sĩ Lê Văn Lân đã chứng minh cách đây cả mấy chục năm, trước khi ông mất). Gạo, kê, mì, lúa mạch, tuy là những thứ căn bản trong bữa ăn của nhiều dân tộc song cũng có vấn đề của chúng. Như gạo nâu (brown rice) nếu không tiêu hóa sẽ đẻ ra vấn đề đái rắt ban đêm.
Các loại sữa, nước, rượu. Ai cũng tưởng những thứ này là lành nhưng chính trẻ con uống nhiều sữa quá sẽ gặp vấn đề khi lớn lên (nhiều calcium trong người quá sẽ làm cho xương dễ bị gãy), và không ít người Việt chúng ta bị chứng bệnh lactose deficiency tức thiếu một loại enzyme trong người để có thể làm tan hiệu ứng không tốt của sữa. Về rượu thì uống ít có thể giúp tránh được một vài bệnh tật (như bệnh tim) nhưng uống nhiều thì hại gan và dẫn đến chết sớm. Song nước là lạ nhất: Có người tin rằng “uống 8 ly nước một ngày” (trang 102) là giúp ta giữ sức khỏe nhưng không nhất thiết nếu như đó là nước máy. Nước chỉ tốt khi là nước trong thiên nhiên như nước mưa, nước suối, nước hồ, nước sông… bởi những loại nước đó mới có các thứ vi khuẩn giúp ta chống lại một số bệnh. Mà chính cha ông chúng ta thường lại uống loại nước đó.
Đình chiến giữa các bọn kẻ cắp [giữa các loại ký sinh trùng trong người chúng ta]. Chương này, dài nhất trong sách, cho ta thấy thực phẩm loại nào cũng có vấn đề của nó. Tỷ như gạo trắng quá thì lại thiếu chất cám, đường trắng quá độc hơn đường nâu, bột ngọt ngon là thế cũng có những hiệu ứng bất lợi của nó. Thành thử tốt hơn cả, theo tác giả, chính là thức ăn của ta phải làm sao cho cân đối, không được lạm dụng loại nào, để cho yếu tố hóa học này đối chọi với yếu tố hóa học khác hay ít nhất cũng hòa đồng được với nhau, và rồi phải đi kèm với đủ loại vận động như đi bộ, cử động tay chân, suy nghĩ nhiều v.v. Đi cùng với thức ăn của ta, để cho đủ các loại vitamin trong người, ta cũng có thể cần uống thêm loại này hay loại khác.
Vấn nạn calo. Trong khi rất nhiều quốc gia có vấn đề thiếu ăn, nghĩa là ăn không đủ calo, thì ở các nước như Mỹ, Úc hay Gia Nã Đai, vấn đề của chúng ta là ngược lại. Chúng ta thường ăn nhiều calo hơn mức ta cần nên dễ dẫn đến tình trạng béo hơn cần thiết. Song sống một cuộc đời không lành mạnh thường lại không phải là vấn đề calo mà là thiếu vận động (ngồi ỳ một chỗ để xem ti vi, làm việc ở máy tính, đi đâu thì cũng lái xe, v.v.) và nhất là vấn đề căng thẳng trong cuộc sống (stress) trong sở làm, trong gia đình như vợ chồng hay cãi cọ, bất mãn về nhau, về con cái. Tác giả có lần đi đến đảo Ikaria ở Hy Lạp, nơi nổi tiếng có nhiều người sống lâu. Hỏi một người bạn Ikarian, anh ta trả lời: “Thức ăn ngon. Rượu hảo hạng. Làm tình giỏi”. Đọc đến đây, một người như tôi được chút an ủi: Tác giả cho biết là nhiều nghiên cứu cho thấy là người nào có bụng, hơi mập hơn bình thường một chút thì thường lại sống lâu!
Tương lai của thực phẩm (kể cả thực phẩm được biến đổi qua chủng tử học, GM tắt cho “genetically modified” food). Tác giả than phiền là ở những quốc gia như Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, các món ăn truyền thống mất dần để được thay thế bằng những món ăn phổ thông nhưng thiếu đa dạng tính (như McDonald, KFC, Popeye, v.v.). Phải đi đến những thành phố lớn ta mới có các món ăn đa dạng thuộc nhiều truyền thống nấu nướng khác nhau, như Tàu, Việt, Ấn độ, Đại Hàn, Nhật Bản, Ý, Y Pha Nho, Pháp v.v. Còn không, các truyền thống gốc như của người Da Đỏ ở Mỹ và Gia Nã Đại hay người Thổ Dân (Aborigines) ở Úc dần dần biến mất mặc dầu đó là những truyền thống ăn uống được tạo nên qua hàng nghìn, hàng vạn, hàng chục vạn năm kinh nghiệm tiến hóa. Đây là một mất mát rất lớn nếu không muốn nói là một sự đánh đổi không khôn ngoan.
Luật về ăn uống và sống. Đến đây, ở cuối sách, tác giả cho rằng ta nên tránh những “fad” tức là những phong trào ăn theo kiểu này hay kiểu khác. Kiểu nào thì cũng có cái hay cái dở trong đó mà nhiều khi cái dở lại còn nguy hại hơn cái hay. Vì thế nên ông khuyến cáo những điều mà nhiều người trong chúng ta cũng đã biết như phải vận động nhiều, đi bộ nhiều, cử động nhiều, uống rượu vừa phải, khi trẻ thì ăn bớt thịt và sản phẩm từ sữa, và cuối cùng nên ăn theo tổ tiên mình, bởi đó là kết tinh của hàng triệu năm kinh nghiệm, dựa ngay vào môi trường thiên nhiên của nơi mình ở và không tàn phá môi trường bằng những cách khai thác tận lực các tài nguyên trong môi trường đó. 

Nguyễn Ngọc Bích

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích


Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) vừa đột ngột qua đời ngay trên chuyến bay từ thủ đô Washington DC đi Manila, Philippines tối 2 Tháng Ba, 2016.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, bào huynh của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, cho báo Người Việt biết tin này.
Giáo sư Linh nói với Người Việt rằng, hiền thê của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là Tiến sĩ Đào Thị Hợi dùng điện thoại trên máy bay gọi về báo tin buồn vào lúc 9 giờ tối 2 Tháng Ba (giờ miền đông Hoa Kỳ). Bà cho biết, Giáo sư Bích vào phòng vệ sinh trên máy bay, khi về lại chỗ ngồi thì lên cơn mệt và mất ngay tại ghế ngồi.
Luật sư Trịnh Hội, Giám đốc Tổ chức VOICE trụ sở tại Manila cũng đã biết tin này và đang có mặt tại phi trường Manila để đón thi hài Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh 1937 tại Hà Nội. Lúc còn nhỏ, ông học tiểu học ở Vĩnh Yên, sau đó vào trung học ở Chasseloup Laubat, Saigon.
Theo lời Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, Giáo sư Bích du học Hoa Kỳ năm 1954 theo chương trình học-bổng Fulbright, học Đại học Princeton và và tốt nghiệp ngành Chính trị học năm 1958. Sau đó, ông tiếp tục theo học môn Á Đông học, Văn học cổ điển Nhật tại Columbia University, New York và có thời gian sang Nhật bằng học bổng President's Fellowship để thu thập tài liệu cho luận án cao học. Ngoài ra, ông theo đuổi một số khóa học ngắn ở Đại học Vienna và Munich (tiếng Đức), Madrid (tiếng Y-pha-nho), USDA Graduate School (tiếng Trung và tiếng Nga).
Sau nhiều năm sống, học và làm việc ở ngoại quốc, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích về nước năm 1972, cùng với hiền thê là Tiến sĩ Đào Thị Hợi thành lập Viện Đại Học Cửu Long ở Sài Gòn, đồng thời giữ chức Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ dân Vận Chiêu Hồi do ông Hoàng Đức Nhã làm Tổng trưởng.
Khi cộng sản chiếm miền Nam Tháng Tư năm 1975, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích rời quê nhà sang Hoa Kỳ sống tại Virginia cho tới khi ông vĩnh viễn ra đi.
Trong suốt thời gian hơn 40 năm qua, ông kiên trì đóng góp trong nhiều lãnh vực văn hóa, giáo dục, đấu tranh của người Việt Quốc Gia hải ngoại.
Thời Tổng thống George W.H Bush lãnh đạo Tòa Bạch Ốc, Giáo sư Bích được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Song Ngữ của Bộ Giáo Dục Liên Bang. Ông cũng từng là giám đốc của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ ngày đài phát thanh chương trình đầu tiên về Việt Nam vào tháng hai năm 1997. Kể từ ngày về hưu rời khỏi RFA, ông vẫn giữ chức Chủ tịch ‘Nghị Hội Toàn Quốc Của Người Việt tại Hoa Kỳ’ và tiếp tục các trước tác văn học, dịch thuật.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần, để lại một di sản đồ sộ những đóng góp của ông trong rất nhiều lãnh vực. Và ông cũng để lại tình cảm yêu mến trong lòng nhiều người Việt trong và ngoài nước.
Nói về sự ra đi đột ngột của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Nhà văn nữ Trương Anh Thụy, người cùng với Giáo sư Bích khởi xướng Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ và đã phát hành rất nhiều tác phẩm văn học, nghiên cứu trong hơn 20 năm qua, lặng đi, đứt quãng: "Sửng sốt! Đau buồn! Cùng học với Bích thời thập niên 50 bên Mỹ và làm việc chung với nhau không biết bao nhiêu công tác, không ngờ ông lại mất đột ngột không một lời giã biệt."
Một bạn học khác của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thời du học Mỹ là ông Nguyễn Thái Sơn nói: "Buồn đau quá các bạn ơi! Bích hiền và thủy chung với tất cả mọi người. Tấm lòng như thế mà sao lại đột tử! Buồn quá các bạn ơi." (Đ.Q.A.T)
Sự nghiệp
Dịch-thuật: A Thousand Years of Vietnamese Poetry (Một nghìn năm thi ca VN, Alfred A. Knopf, 1975), War & Exile: A Vietnamese Anthology (chủ biên, Chiến tranh và Lưu đày: Tuyển tập văn thơ VN hiện đại, Trung tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, 1989, để đi dự Đại hội Văn-bút Thế-giới ở Montreal, Canada, tháng 9-1989), Trường Ca Lời Mẹ Ru / A Mother's Lullaby của Trương Anh Thụy (dịch sang tiếng Anh, Cành Nam, 1989), Hoa Địa Ngục / Flowers of Hell và Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry (dịch thơ Nguyễn Chí Thiện, Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 1996), From Enemy to Friend (dịch "Mây Mù Thế Kỷ" của Bùi Tín, Naval Institute Press, Annapolis, MD, 2004), Cung Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque (dịch và giới-thiệu thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, East Coast Vietnamese Publishers Consortium, 2006), Hỏa Lò / Hanoi Hilton Stories (dịch với người khác 3/7 truyện của Nguyễn Chí Thiện, Yale Southeast Asian Studies, 2007), Zenith (dịch chung với Hòa và Stephen B. Young "Đỉnh Cao Chói Lọi" của Dương Thu Hương, Viking, 2012).
Biên khảo
North Vietnam: Backtracking on Socialism (Vietnam Council on Foreign Relations, Saigon, 1971), giới-thiệu về thơ VN trong Nguyễn Đình Hòa, chủ-biên, Some Aspects of Vietnamese Culture (Southern Illinois University, Carbondale, IL, 1972), An Annotated Atlas of the Republic of Vietnam (Embassy of Vietnam, Washington DC, 1973), Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2000), Omar Khayyam - Rubaiyat: Thơ và Đời (dịch và giới-thiệu thơ Ba-tư, Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2002), Tet, the Vietnamese New Year (East Coast Vietnamese Publishers Consortium, 2004), Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn (1 trong 7 soạn-giả, Viện Việt Học, 2009), Lưu Hương Ký (thơ chữ Nôm và chữ Hán của Hồ Xuân Hương, Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2011).
Mỹ thuật – Âm nhạc
Vietnamese Architecture (dịch từ tiếng Pháp của Nguyễn Năng Đắc và Nguyễn Quang Nhạc, Embassy of Vietnam, Washington DC, 1970), 15 Ca-khúc mừng Giáng Sinh (National Center for Vietnamese Resettlement, 1975), Ngục Ca / Prison Songs (thơ Nguyễn Chí Thiện do Phạm Duy phổ nhạc, NNB làm lời tiếng Anh hát được, VICANA, 1982), dịch một số bài trong Trần Cao Lĩnh, Vietnam, My Country Forever (nhiếp ảnh nghệ-thuật, Aide à l'Enfance du Viet Nam, Paris, 1984), tác-giả hai bài về huyền-thoại VN và thơ VN trong Vietnam: Essays on History, Culture and Society (New York: The Asia Society, 1985), dịch danh-mục hội-họa VN trong An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam (“Nghìn Trùng Xa Cách,” Washington, DC: Smithsonian Institution Traveling Exhibit Service, 1995), dịch các tiểu-luận về mỹ-thuật trong Thái Tuấn: Selected Paintings and Essays (Garden Grove, CA: VAALA, 1996).
Góp mục từ điển
"Southeast Asian Literature," trong Funk and Wagnalls New International Yearbook 1965, "Southeast Asia," trong The Oxford Companion to Women's Writings in the United States, "Nguyen Chi Thien" trong Mark Wilhardt, Who's Who in Twentieth-century World Poetry (Routledge, London, 2002).
Góp mặt trong các tuyển tập
Dịch thơ VN trong Dorothy B. Shimers (chủ-biên, Voices of Modern Asia, New York: New American Library, 1973), có gần 40 bài thơ Việt trong Katharine Washburn và John S. Major, World Poetry, An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time (Thơ Thế-giới, một tuyển-tập từ thượng-cổ đến ngày nay, New York: Norton, 1998), và có thơ VN dịch trong khoảng 40 sách giáo-khoa Mỹ.
• Phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích về tác phẩm "Ngày Long Trời, Ðêm Lở Ðất"
http://www.nguoi-viet.com/absoluten…/…/viewarticlesNVO.aspx…
• GS Nguyễn Ngọc Bích giới thiệu 'Lưu Hương Ký' và 'Ảnh Trường Kịch Giới'
http://www.nguoi-viet.com/absoluten…/…/viewarticlesNVO.aspx…
• Kỷ niệm 40 năm Hiệp Ðịnh Paris
http://www.nguoi-viet.com/absoluten…/…/viewarticlesNVO.aspx…