Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Mùa Chinh Phụ

Mùa Chinh Phụ

Sương lạnh ngợp hồn vây phố cũ 
núi chập chùng mây phủ kín ngày 
ta về chốn một thời lưu ngụ 

người đã xa như cánh vạc bay!

Bỗng dưng nhớ đến mùa chinh phụ 
trắng rợp đồi thông hoa sắc tang 
hai hàng nến cháy soi không đủ 
những bóng người đi trên phế hoang!

Cao Nguyên 

@

Hòn Vọng Phu 


Triển lãm "40 năm tị nạn của người Mỹ gốc Việt"

Hội Chợ Tết Maryland 2016

Đưa Ông Táo Về Trời



Về Lại Chốn Xưa

Về Lại Chốn Xưa gồm những bài thơ của Cao Nguyên, Nhất Hùng, Cung Thị Lan, Đăng Nguyên
vừa được Hội Thơ Ảnh Hoa Thịnh Đốn thực hiện thành những bức tranh thơ (bấm vào từng tranh sẽ xem thơ rõ hơn)






Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Thành Phố Mẹ


Thành Phố Mẹ 

Ơi Sài Gòn! Tiếng gọi trầm lắng trong mạch triều âm vỗ hai bờ Đông – Tây biển Thái Bình xanh thẩm.

Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi - Hôm qua, mới đó, tức thời... Nghe gọi từ phone, từ Radio, từ TV... từ nơi những con phố có người Việt lưu vong!
Gọi như nỗi niềm thương nhớ, gọi như một sự khắc khoải trên dấu ấn của một phận người bị tách ra khỏi quê hương mình:

Bẵng thật lâu hơn phần tư thế kỷ
sống ở đâu cũng nghĩ đến Sài Gòn
thế mới biết tấm lòng người viễn xứ
còn thiết tha lời guốc mộc âm vang
...

Hơn thế, vào mỗi cuối mùa Đông quê người, sự nôn nao về quê mình mùa Xuân . Một chữ “TẾT” mở ra biết bao là kỷ niệm của từng khoảng thời gian mà mỗi người Việt đã sống trong thành phố đó .

Lịch sử Sài Gòn có sau Hà Nội, Huế ... Nhưng với tôi, Sài gòn là cái nôi không chỉ ru tôi lớn mà còn là cái nôi của một nền văn hóa nhân bản ru cái tâm của người Miền Nam luôn nồng ấm qua tấm lòng ngôn ngữ và giọng nói đặc trưng của người Sài Gòn .

Ôi tôi đi giữa bồi hồi
một khung trời nhớ đã đời giữa tâm
như người tình cũ bao năm
tưởng như biệt giữa thăng trầm, còn vương ...

Phải, tôi mãi vương lụy tình xưa với Sài Gòn. Nên tôi đã viết rất nhiều về Sài Gòn, gom lại những bài viết với chủ đề “Thành Phố Mẹ”.

Trong bối cảnh trước thềm năm mới 2016,  mời quí thân hữu và các bạn xa gần  xem  bài thơ “Thành Phố Mẹ”, kèm theo bản dịch Anh Ngữ "The Motherland City" mà người dịch gởi tặng tôi hôm nay như một món quà Xuân .

Cảm ơn những tấm lòng luôn hướng về Thành Phố Mẹ - Sài Gòn .

Trân trọng
Cao Nguyên
Washington.DC - 02/01/2016

@

Thành Phố Mẹ 

Cali có Little Sài Gòn
Paris có Sài Gòn Phố không em?
mà dẫu có một Sài Gòn ở đó
cũng chỉ là thành phố mượn tên

để mỗi lần gọi lên là nhớ
Sài Gòn - thành phố Mẹ phía bên kia
(bên tuổi trẻ đã buồn chia máu lệ
bên niềm vui chỉ để kể người nghe

vui như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ
có phượng hồng cài mái tóc yêu thương!)
ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực
khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn!

Chừ em bước trên một thành phố mới
có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
(những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)

Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork
có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?

thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
những con đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương
những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé...
giữa đời ta là cả một trời thương !

Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
không phải một thời, mà mãi ngàn đời
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

Cao Nguyên

@@

The Motherland City 

There is a Little Saigon in Cali
Is there a Saigon City in Paris?
Even if Little Saigon is the name to know
It’s only a name just borrowed.

Any times, we say the word “Saigon”
Our mind keeps dreaming back
To Saigon – The Motherland City across the sea
(where blood and tears once filled our young hearts
yet some little joys I can tell you

Joy was to watch tamarind leaves flying in the rainy summer afternoon
Joy was to see flamboyant flowers decorating the lovely stream hair)
Oh! How could I write our nostalgia
While my heart was sobbing the memory of Saigon!

You’re now walking in the new city
Where Vietnamese voices fill up the roads
(People faces are all you can see
but true love for Saigon is hidden in our souls)

Please do know, the city in which we are living
Is just a part of our past lives.
Your love for Paris, Cali, New York in day times
Can never measure up to your longing and crying for Saigon at nights.

The Motherland City across the sea
with Nguyen Hue Avenue, Hung Vuong Street
with places named Bach Dang, Ben Nghe …
is our heavenly love deep in our hearts.

That Saigon, the Saigon beyond the sea
lives not only one times but forever
in our hearts, the Pearl of the Far East
in Vietnam, the immortal Saigon !

Việt Nguyên

HỒI TRỐNG LỆNH RƯỚC CỜ THIÊNG

Mùa Xuân Xanh hay Mùa Xuân Chín


Mùa Xuân Xanh hay Mùa Xuân Chín 
Chương trình nhạc do Bích Huyền thực hiện trên đài VOA, qua 2 bài thơ :
 Mùa Xuân Xanh (Nguyễn Bính) - Mùa Xuân Chín (Hàn Mặc Tử) 
http://www.art2all.net/tho/tho_bh/bh_xuanxanhxuanchin_t.mp3 

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Không Phải Chỗ Của Em



đúng ra hôm nay 
em có mặt ở trường 
vui với bạn cùng các thầy và cô giáo 
bước vào lớp học 
với niềm hân hoan cùng chữ nghĩa 
với niềm tin mai này em sẽ trưởng thành 
trong ước mong tận tụy với chính mình 
đủ sức ghé vai gánh những việc đời 
đang chờ mở cửa vào tương lai tươi sáng 
với niềm khát vọng tự do 
của bản thân và của quê hương

nhưng anh đã gặp em tại nơi 
không phải chỗ của em 
để nhặt nhạnh những đồ phế thải 
có thể đổi được bát cơm lót dạ trong ngày

không phải chỗ của em 
nơi những góc đường chật hẹp 
để ngủ qua đêm 
khi thức dậy thêm những ngày mai 
đến nơi không phải chỗ của em

dĩ nhiên 
không phải chỗ của anh 
gặp em trên hành trình cuộc sống anh đi qua 
và gặp em trong những tình huống ấy 
khi em không có hy vọng đứng thẳng lên 
đúng chỗ của mình

không phải ngẫu nhiên 
hai hành trình sống song song 
hội tụ nơi một điểm nhìn 
nếu ánh mắt em và anh 
không cùng giao thoa vào điểm sống 
còn đọng lại giữa tình người

còn đọng lại trong ánh mắt 
khẩn thiết muốn được nhận 
dù chỉ bằng một nụ cười 
cũng đủ biết còn có người nhìn vào 
chỗ không phải của em

trong ánh mắt cảm thông 
sự có mặt của em ở nơi 
không phải chỗ của em hôm nay 
để biết hằng ngày 
còn có những bạn của em 
lầm lũi đi vào chỗ không phải của mình

trên hành trình cuộc sống 
anh mang theo tâm tư của em 
và những bạn của em 
với niềm hy vọng 
mỗi ngày được nhìn các em 
đứng đúng chỗ của em 
nơi sân trường 
nơi xí nghiệp 
nơi công sở 
gởi nhau nụ cười 
với ánh mắt giao thoa đồng cảm 
hạnh phúc mình đang có 
dẫu nhỏ nhoi

ráng lên em nhé 
rồi sẽ có chỗ của em 
đứng trong ngày mai 
với chính em 
và với quê hương mình

với chút quà hôm nay 
em nhận từ anh 
nhận từ nơi 
không phải chỗ của em 
để nhớ vào ngày mai 
em sẽ đứng đúng chỗ của mình

nhớ nhé em 
chúng ta cùng hy vọng 
mỗi người sẽ đứng dúng chỗ của mình 
vì mình và vì cả niềm tin 
mỗi thân phận đời 
được nhìn bởi ánh mắt 
khát khao tình thân ái 
vì con người và vì cả quê hương!

đúng ra hôm nay 
vào những ngày chớm xuân 
trước thềm năm mới 
các em của anh 
phải được đứng đúng chỗ của mình 
với niềm vui thêm một tuổi mới trong đời 
trên hành trình sống xứng đáng
của những người vì mọi người
vì tương lai của một thế hệ trẻ Việt Nam

nhớ nhé em 
chúng ta cùng hy vọng
mỗi con người sẽ đứng đúng chỗ của mình
với quyền làm người
trong suốt hành trình sống
vì thương yêu và vì quê hương !


Cao Nguyên 
Đông Bắc Mỹ - Jan 26, 2016

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Nhạc Xuân 1973

Nhập Cuộc


Nhập Cuộc

(mến gởi những người bạn trẻ 
trên đường nhập cuộc đấu tranh 
vì tự do dân chủ Việt Nam 
vì tình dân tộc cưu mang trong đời)

tuyết mặc tuyết, em phải đi 
chờ cho hết tuyết sợ khi trễ tàu 
đồng đội đang hẹn gặp nhau 
để cùng nhập cuộc khởi đầu mùa xanh

bước đi vào cuộc đấu tranh 
là không chọn sự an lành bản thân 
chỉ cần vững bước đôi chân 
để đi và đến thực hành ước mơ

mơ dân chủ, mơ tự do 
mơ đồng bào sống ấm no thanh bình 
mơ yêu thương trọn nghĩa tình 
mơ dân tộc thoát điêu linh thảm buồn

Việt Nam tổ quốc trong hồn 
ra đi vì nước cho lòng được vui 
từ trong sương tuyết ngậm ngùi 
nên nhìn phía trước chân trời bình mình

có nắng đẹp, có hoa xinh 
có tình dân tộc, có hình bóng anh 
nước mắt cũng đẹp long lanh 
như những giọt tuyết trên cành đang rơi!

Cao Nguyên 
Đông Bắc Mỹ - mùa tuyết 2016

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Dựng Nêu Ăn Tết

 TỤC DỰNG NÊU ĂN TẾT


Cây nêu là một nét văn hóa đc thù thuần Việt,  một trong các tục lệ cổ truyền của nhiều dân tộc trong cộng đồng Việt tộc, là một nét đẹp tính thần cao quí, mang tính triết lý sâu sắc trong nền văn hóa của dân tộc. Trong tập tục của người Việt, đến ngày Tết, con cháu phải biết tìm mọi cách để về nhà ăn Tết, mừng tuổi ông bà cha mẹ. Nếu người đã lập gia dình ra ở riêng cũng đem con cái về thăm  và chúc Tết cha mẹ mình.. đi đâu mặc kệ đi đâu...đến ngày giỗ chạp phải mau mà về. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu thảo biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, với những đấng sinh thành.Nói đến ngày Tết, nhất là thời xa xưa, thì không ai không nhớ đến câu tục ngữ:
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng NÊU ăn chè.
Ba tiếng cu kêu là sự nhắc nhở cho mọi người biết Tết sắp về, nên mau chuẩn bị mọi việc để đón xuân. Tết mang tính linh thiêng và là một lễ truyền thống rất quan trọng đượm mang tính gia đình đối với những người còn đang bận đi làm ăn xa quay về. Dựng nêu là biểu hiện quyền lực của mỗi gia đình trong làng xã ngày xưa. Mặc kệ người lớn lo âu chuyện cơm áo nợ nần. Bọn trẻ chỉ mong mau đến tết. Tiếng cu càng thúc, lòng con trẻ nôn nao đêm không ngủ được. Nhứt là đầu tháng mười âm lịch trở đi, nghe tếng cu gáy ngoài vườn, là tín hiệu của tết, đợi “dựng nêu ăn chè”
Thứ nhất nêu cao,
Thứ nhì pháo kêu.
Nếu ai có cây nêu cao là nhà đó giàu sang quyền quí. Tràng pháo nổ giòn và đều là báo hiệu điềm tốt cho gia chủ trong năm mới. . Tràng pháo nổ giòn và đều là báo hiệu điềm tốt cho gia chủ trong năm mới. Cho nên từ xa xưa, cứ mỗi độ xuân về, ngoài việc chuẩn bị cỗ bàn, làm bánh chưng, bánh tét, quét dọn nhà cửa, bàn thờ gia tiên sạch sẽ… ông bà chúng ta còn trồng cây nêu trước cổng nhà. Sự kiện này đã truyền đến ngày nay ...

Mời vào LINK này xem trọn bài viết và hình ảnh: 

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Tạ Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH


TẠ ƠN ANH - Người Thương Binh VNCH
Thơ: Hoàng Thị Cỏ May
Nhạc: Mai Đằng 
Tiếng hát : Đông Nghi 

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

TỔ QUỐC





Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi

Tổ quốc là gì, mà trước khi chết, Frederic Chopin, nhà soạn nhạc lừng danh của Ba Lan (1810 – 1849) cứ khắc khoải dặn dò trong lúc đau yếu, rằng hãy mang trái tim của ông về chôn cất ở quê nhà? Lưu lạc ở Pháp và Anh suốt trong 20 năm, nhưng Chopin luôn ngóng về đất mẹ, kể từ cuộc nổi dậy của người Ba Lan trước ách xâm lược của đế quốc Nga (1831).
Khi nghe tin cuộc cách mạng thất bại, dẫn đến việc hàng ngàn người Ba Lan phải ra đi lánh nạn, Chopin đã khóc và viết bản Etude cung Đô thứ (Op. 10, No. 12), còn gọi là bản etude Cách mạng, để ghi lại như một dữ liệu âm nhạc cho lịch sử đau thương của tổ quốc mình.

Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi
Với một nghệ sĩ cello tài danh, được cả thế giới chào đón như Mstislav Rostropovich (1927 – 2007), nơi nào cũng có thể là nhà, nhưng năm 1978 khi bị chính quyền Liên Xô cũ tước quyền công dân Nga, không cho trở về quê hương vì thái độ bất đồng chính kiến, ông đã đau khổ nói rằng “Nước Nga mãi trong trái tim tôi. Vậy mà tôi đã không thể quay lại để nhìn thấy tổ quốc và bạn bè của mình”.
Nhưng sau đó, năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Rostropovich vội vã tìm cách bay trở lại Nga, xin một khẩu súng để được chiến đấu cho quê hương mình không còn chịu ách độc tài nữa. Lúc đó ông 54 tuổi, và đang được nhiều quốc gia như Anh, Canada, Nhật, Mỹ… sẵn lòng mời ông làm công dân danh dự của nước mình.
Tổ quốc, trong mỗi con người, ắt hẳn đều có những lý lẽ riêng cho sự ràng buộc lạ kỳ đó. Có thể đó là những lý lẽ dài dòng, hoặc chỉ là những cảm giác mơ hồ nhưng khó thể chối bỏ. Tổ quốc có thể gợi nhớ bằng hạnh phúc hay đau thương nhưng ký ức đó thì sẽ mang theo đến tận cuối đời như một món nợ trong tâm thức về nơi chốn.
Năm 2008, trong một bài nói chuyện về lòng ái quốc tại bang Missouri, ông Barack Obama đã nói với những người rất trẻ về tổ quốc và một tình yêu cho nó “khi đối diện với mất mát và hy sinh, con người trong một đất nước không bỏ chạy, không né tránh mà lại càng gắn kết với nhau hơn để đứng dậy, đó là tình yêu cho Tổ quốc”.
Nước Mỹ là một quốc gia phải nói nhiều về tình yêu tổ quốc và giáo dục kiên trì ý tưởng đó, bởi đó là quốc gia của những người nhập cư, bao gồm nhập cư từ chính các nước có tư tưởng thù địch với họ. “Hãy bắt đầu bằng những ký ức đẹp đẽ nhất mà bạn đã sống trên đất nước này, gìn giữ nó bằng cảm giác đơn sơ nhất, thậm chí có thể bỏ ngoài tai các lời tuyên bố hay tranh cãi của các chính trị gia”, ông Obama nói.

Tổ quốc – đất mẹ
Thật bí ẩn khi đem vào tâm trạng của con người nỗi buồn ngập đến lúc ra đi, khi thấy mình bất lực. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888 – 1939) lúc say, đã giắt tấm bản đồ nước Việt rách ở lưng quần, lang thang ca hát nghêu ngao “Dù như sông cạn đá mòn. Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa” (Thề non nước).
Đất mẹ dưới ách thực dân, quan tham dẫy đầy, quân dữ lao nhao, người Việt không còn thương nhau, tổ quốc điêu linh, người trí thức nếu không viết xuống bằng thơ văn, thì biết phải làm sao?”
Tổ quốc là gì mà đời mình phải nhớ, đời sau phải giữ? Nguyễn Phi Khanh (1335 – 1428) khi kháng chiến chống quân Minh xâm lược nước Việt bị bắt, giải qua biên giới chịu tội đã quay lại dặn Nguyễn Trãi (1380 – 1442) rằng hãy quay về tìm cách diệt giặc cứu giang sơn. Trong Hận Nam Quan của nhà thơ Hoàng Cầm có hát lại lời xưa: Về ngay đi, ghi nhớ hận Nam Quan./ Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt,/ Cha nguyện cầu con lấy lại giang san…
Với những người ghi danh trong lịch sử thì đã vậy, còn với từng con người Việt bình thường, tổ quốc là gì trong trái tim họ? Cô bạn có hơn 20 năm sống ở nước ngoài nói mỗi khi gần Tết Việt, nghe một khúc nhạc quê, nghe mùi hương trầm lại dậy lên nỗi nhớ nhà kinh khủng. Tổ quốc như một vết cắt trong tim, tưởng đã lành với nhiều người đi xa, nhưng không ngờ cứ nhói lên khi nghĩ đến.
Trong các cộng đồng người Việt xa quê, ngày Tết là ngày không thể quên. Nhiều khi Tết chỉ nằm trong trí tưởng tượng, Tết là ngày phiền toái vì phải trữ trong nhà những món ăn dài ngày không đúng theo luật vệ sinh của phương Tây, phải giải thích thật dài dòng cho lũ trẻ về một đất nước với nhiều huyền thoại mà ngày thường chúng không quen.
“Làm sao Việt Nam lại có những câu chuyện kỳ quái như một đôi vợ chồng lại đẻ ra trứng?” – “Nó là huyền thoại để ghi nhớ, để tìm hiểu về một quê hương có thật – mà dù lạ lùng đến thế nào chúng ta sẽ chấp nhận, phải giữ gìn, vì đó là nơi ông cha chúng ta sinh ra”, tôi nghe người cha trong gia đình giải thích cho đứa con sắp vào đại học, nói tiếng Việt đã ngọng nghịu.
Những câu chuyện về Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Ánh… là gia sản lớn nhất mà các bậc phụ huynh có thể tự hào nói với con cái mình – ở những vùng đất mà trẻ con hội nhập cuộc sống mới luôn nhanh và giỏi hơn, thậm chí dạy lại cho cha mẹ.
Quả là từng người Việt vẫn giữ gìn cho mình những điều không giải thích được về đất mẹ, dù khó lý giải được tận cùng các ý nghĩa. Cũng như mỗi người dù đi đâu, nơi nào, vẫn mang trong tim một gánh nặng yêu thương bí ẩn về quê hương, không dễ từ bỏ.
Lễ, Tết trong đời sống Việt xa quê, chỉ là dịp để gặp lại, để nhớ, để kết nối trong trí nhớ những ràng buộc mơ hồ về quê hương – mà đôi khi phải cố quên, nhưng thật dễ bùng lên thương nhớ. Một người bạn đã sống hơn 30 năm ở Mỹ kể rằng những năm 1970, số người Việt cứ báo bệnh, đồng loạt nghỉ vào ngày Tết âm lịch khiến nhiều công ty, hãng xưởng hoang mang, báo cho các cơ quan y tế về một bệnh dịch bí ẩn.
Sau này khi hiểu ra, nhiều nơi cũng châm chước vì đó là ngày không thể thiếu với cộng đồng Việt Nam. “Đôi khi, nghỉ cũng chẳng làm gì. Về nhà pha một ấm trà, ăn một cái bánh chưng và mất một ngày lương nhưng lại thấy vui, vì đó là phong tục xứ mình, phải giữ”, anh bạn Việt kiều kể lại.
Trong lịch sử hơn 2.000 năm không tổ quốc của người Do Thái. Tổ quốc – đất mẹ, là sự khắc khoải, là giấc mơ tìm về không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ. Từ những năm 60 trước Công nguyên, bị đế quốc La Mã xâm lược và xoá tên khỏi bản đồ thế giới, người Do Thái đã lưu lạc khắp nơi, và dù thành đạt ở đâu, đã quần tụ nơi nào… họ vẫn khát khao dựng lại quê nhà.
Trong Bài học Israel của nhà văn hoá Nguyễn Hiến Lê, điều mà mỗi người Do Thái cầu nguyện trước bữa ăn hay chào nhau, đều là “năm sau về Jerusalem”. Con cháu của những kẻ mất quê hương đó luôn được nghe và dạy nói như vậy, để biết và nhớ rằng mình có một tổ quốc.
Thật tuyệt vọng và viển vông với những người Do Thái góp tiền mua lại đất đai ở Palestine, dọn về xây dựng từ khô cằn và hoang mạc. Từ thế kỷ 19 đến sau đệ nhị Thế chiến, đến năm 1948 người Do Thái mới có cơ hội reo mừng dựng cờ trên đất mẹ, dù chung quanh đầy những quốc gia với tình trạng thù địch. Hôm nay, câu chào “năm sau về Jerusalem” vẫn được nhắc lại như một ký ức kiêu hãnh độc tôn của một dân tộc không từ bỏ tổ quốc của mình, dù trải qua ngàn năm quay quắt mong đợi.

Năm sau đến Hoàng Sa
Tôi có một người bạn ở Hà Nội, mà cứ thỉnh thoảng lại thấy ông treo hàng chữ “Năm sau đến Hoàng Sa”. Đó là một người sống cả đời vẫn chưa bao giờ có dịp ra biển đến gần Trường Sa hay Hoàng Sa. Nhưng sự âm vang trong lời hẹn của ông lại là sự khắc khoải kỳ quái đến mức suy nghĩ luôn luẩn quẩn về hai chữ Tổ quốc.
“Năm sau đến Hoàng Sa”, khẩu hiệu ấy đủ sức làm những ai nhìn thấy phải bật nhớ đến biển, đến mộ gió, đến những cái chết oan khiên của ngư dân và thanh niên người Việt được trao trách nhiệm gìn giữ quê hương mình. Đúng là chúng ta đã mất mát quá nhiều, nên đã đến lúc chúng ta cần đứng lại, cùng nhau, trên quê hương này.
Năm nay, tôi lại thấy người bạn đó treo cao câu “Năm sau đến Hoàng Sa”. Thật thú vị, tôi cũng thấy thêm một vài người treo khẩu hiệu đó. Hoá ra những người khắc khoải về quê hương không cô độc, dù là số ít. “Đến Hoàng Sa” chỉ là một khái niệm. “Đến Hoàng Sa” là con đường rất dài – có thể dài hơn con đường đến Jerusalem, có thể dài hơn cả 2.000 năm của người Do Thái, nhưng đó là con đường của những người yêu tổ quốc mình.
Nhiều năm, tôi vẫn không thể nào giải thích được trọn vẹn về ý nghĩa “tổ quốc”. Nhưng trong trí tưởng tượng của mình, tôi nhìn thấy đó là một ngôi nhà chung của bà mẹ Việt đã sinh ra rất nhiều đứa con.
Như trong câu hát Mẹ năm 2000 của nhạc sĩ Phạm Duy, có đứa đã là bạo chúa, có đứa là kẻ hèn, có đứa tham lam muốn bán đứng chính ngôi nhà của mẹ mình… nhưng dẫu thế, những đứa con còn lại rồi sẽ chung tay dựng lại, làm lại từ đầu, dù là tro tàn. Ngôi nhà đó – đất mẹ – và anh chị em tôi, tôi gọi tên, là Tổ Quốc.

18/01/2016
Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Năm THÂN Nói Chuyện KHỈ




Năm 2016 là năm Bính Thân tức năm con Khỉ. Tên gọi Hán- Việt của Khỉ là Hầu. Nhân lúc thế giới sắp chào đón năm Bính Thân chúng tôi xin trình bày vài nét tổng quát về Hầu tộc.

THÂN THẾ VÀ THÂN THUỘC CỦA KHỈ
Khỉ là loài động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ và sinh con. Về hình dạng Khỉ là động vật có hình dáng giống người hơn cả. Khỉ đi hai chân, dùng tay để đu bay trên cây hay cầm sào để hái trái cây. Bàn tay Khỉ có 05 ngón; bàn chân cũng có 05 ngón như loài người. Khỉ cái cũng có kinh nguyệt! Khỉ có trí thông minh hơn các loại thú vật khác. Loài người thuần hoá chúng và huấn luyện chúng biểu diễn trong các gánh hát xiệc.
Khỉ chưa hoàn toàn giống người vì có nhiều lông, có đuôi, không biết nói cũng không có chữ viết. Cũng có loài Khỉ to lớn không có đuôi như đười ươi, dã nhân, tinh tinh v. v..
Có trên 200 loại khỉ khác nhau trên thế giới. Khỉ sống trên cây, trong rừng, trên đồng cỏ ở miền núi rừng Nam Á, Đông Nam Á, Phi Châu, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Khỉ cũng sống được ở vùng lạnh có tuyết như miền núi ở Nhật và trên dãy Hi Mã Lạp Sơn. Âu Châu, Bắc Mỹ và Úc Đại Lợi không có khỉ trong trạng thái hoang dã.
Có loại khỉ có đuôi (monkey) và loại khỉ không đuôi ( ape). Khỉ có đuôi rất nhiều. Chúng thuộc các gia đình Cebidae, Callitrichidae, Aotidae, Pitheclidae, Atelidae và đông đảo nhất là gia đình Cercopithecidae.
Các loại Khỉ có đuôi quan trọng là:
1. Khỉ guenon gốc ở vùng gần sa mạc Sahara. Loài khỉ guenon (tiếng Pháp có nghĩa là con khỉ cái) có lông cổ màu đỏ, xám, xanh, vàng. Khỉ guenon có lông xanh mang tên khoa học Cercopithecus mitis.
2. Khỉ mangabey như Cercocebus atys có bộ chân mày màu trắng được tìm thấy nhiều ở Senegal, Ghana. Khỉ mangabey có hai dòng lớn: dòng Cercocebus và dòng Lophocebus.
3. Khỉ macaque như Macaca sylvanus được tìm thấy từ quần đảo Nhật Bản sang tận các nước Trung Á.
4. Khỉ baboon dòng Papio như Papio cynocephalus có lông vàng; Papio anubis có lông màu ô-liu v. v.
5. Khỉ colobus có lông dài màu trắng và màu đen pha lẫn nhau. Khỉ Colobus guerera không có ngón tay cái. Khỉ con sinh ra màu trắng dần dần có lông đen mọc xen lẫn với lông trắng.
Các loại Khỉ không có đuôi gồm có:
- con tinh tinh (chimpanzee) Pan paniscus, gia đình Homnidae.
- con vượn ( gibbon) thuộc dòng Hylobates và Symphalangus và gia đình Hylobatidae
- dã nhân (gorilla) Gorilla gorilla, gia đình Homnidae
- đười ươi (Orang- utan) Pongo borneo, gia đình Homnidae
Các loài Hầu to lớn và không đuôi này được tìm thấy nhiều trong rừng Đông Nam Á, Nam Á, Phi Châu và Nam Mỹ nhiệt đới.
Loài Khỉ có đuôi nhỏ con hơn loài khỉ không có đuôi. Loài khỉ sóc Samiri ustus, gia đình Cebidae cân nặng lối 1 ki-lô. Trái lại dã nhân đực có thể cao gần 2 m và nặng từ 70 ki-lô đến 180 ki lô. Đuôi khỉ có thể dài đến 91 cm tức là lối 03 feet. Đuôi Khỉ giúp cho Khỉ giữ thăng bằng khi leo trèo. Khỉ đỉnh đuôi như là một sự bày tỏ uy quyền, sự hài lòng hay không hài lòng. Loài vượn có tay dài nên đu bay trên cây rất giỏi.
Khỉ ăn lá cây, khoai, củ, chuối, các loại trái cây trong rừng, hột, trứng chim, các loại côn trùng v. v.
Khỉ có đuôi từ 4 đến 6 tuổi bắt đầu bắt cặp và sinh con. Thời kỳ mang thai kéo dài lối 05 tháng. Thời gian mang thai dài hay ngắn tuỳ thuộc vào giống Khỉ.
Dã nhân cái bắt cặp khi được 06 hay 07 tuổi. Dã nhân đực làm công tác truyền giống khi được 09 hay 10 tuổi. Thời gian mang thai của dã nhân xê dịch từ 250 đến 290 ngày tức 08 tháng 10 ngày hay 09 tháng 20 ngày (hơn cả thời gian mang thai của loài người: 09 tháng 10 ngày). Cứ mỗi 04 năm dã nhân mới bắt cặp một lần.
Như loài người thông thường Khỉ hay dã nhân chỉ sinh một con mà thôi. Ít khi xảy ra tình trạng sinh đôi hay sinh ba. Loài vượn ngày càng hiếm dần vì suốt quá trình sống vượn chỉ bắt cặp một lần và mỗi lần sinh cũng chỉ có một con mà thôi!
Tuổi thọ của Khỉ có đuôi ngắn hơn tuổi thọ của loài Khỉ không có đuôi. Tuổi thọ thường thấy của Khỉ có đuôi xê dịch từ 10 - 20 tuổi tuỳ theo tình trạng sống hoang dã hay bị giam cầm trong nhà hay trong sở thú. Khỉ sống hoang dã có tuổi thọ ngắn hơn Khỉ bị giam cầm vì không được ăn uống đầy đủ, không có người chăm lo thuốc men và bị các loài dã thú đe doạ.
Tuổi thọ của loại dã nhân hay tinh tinh có thể đến 40, 50 tuổi trong các sở thú. Kẻ thù của Hầu tộc là cọp, beo, sư tử, chó sói, điểu tộc v. v. Kẻ thù đáng sợ nhất đối với chúng vẫn là loài người. Loài người đốt rừng làm rẫy, thu hẹp không gian sinh tồn của Hầu tộc. Loài người săn bắn Khỉ để ăn thịt, ăn óc Khỉ, bán mật, xương cốt Khỉ. Tín đồ Hồi Giáo bị ngăn cấm không ăn thịt khỉ.
Xã hội Hầu tộc là xã hội đa thê, trọng nam và trọng lão niên. Hầu tộc sống từng đàn dưới sự chỉ huy của một con Khỉ đực lớn tuổi và đầy uy quyền. Con khỉ đực này là chồng của nhiều con Khỉ cái trong đàn. Con khỉ đực uy quyền này ngăn chặn không cho Khỉ cái trong đàn giao tình với Khỉ đực khác đàn. Nó cũng ngăn chặn bằng sức mạnh của hàm răng và móng vuốt của nó ngăn cản không cho Khỉ đực trong đàn giao tình với Khỉ cái. Khỉ mẹ rất thương con và chăm sóc Khỉ con rất chu đáo. Khỉ đực con lớn lên bỏ đàn đi sống cô đơn và phiêu bạt như là một sự phản kháng ngầm chống con Khỉ đực già đầy uy quyền trong đàn và độc quyền trong công tác truyền giống.

HẦU TỘC TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Ở Việt Nam những người đánh xe ngựa đều nuôi Khỉ ở chuồng ngựa để rút phong(?). Khỉ được dùng trong các gánh xiệc. Khỉ cởi xe đạp. Khỉ đánh trống. Khỉ nhảy múa. Khỉ nhảy vòng lửa. Khỉ vặn nhạc v. v.
Dã nhân có hình dáng và cơ thể giống người. Vào thế kỷ XIX Darwin (1809 - 1882) đưa ra thuyết tiến hoá được các môn đồ chủ nghĩa Marxism dựa vào đó để giải thích nguồn gốc của con người từ con vượn người thành người qua quá trình lao động. Các nhà khoa học ngày nay cho rằng loài khỉ macaque có vi khuẩn Herpes B Virus và loài dã nhân có vi khuẩn SIV (Simian Immunodeficiency Virus). Ngày nay người ta dùng Khỉ và dã nhân trong các phòng thí nghiệm để thí nghiệm thuốc và nghiên cứu tâm lý. Người ta dạy cho dã nhân biết xin thức ăn, bấm các dấu hiệu trên computer và thi hành nhiều điều chỉ dẫn khác.
Từ năm 1948 Hoa Kỳ đã đưa Khỉ Albert I lên không gian bằng hoả tiễn V 2. Albert I bị chết ngộp. Albert II là con Khỉ đầu tiên lên không gian và trở về trái đất an toàn năm 1949. Năm 1959 một Khỉ sóc cái tên Baker được du hành 16, 000 km trên không gian và trở về trái đất an toàn. Hầu thị Baker chết năm 1984 và được chôn ở Trung Tâm Không Gian và Hoả Tiễn Huntsville, Alabama. Đó là sự đối xử vô cùng nhân hậu đối với loài vật từng phục vụ cho ngành Không Gian Hoa Kỳ trong khi đa số ngôn từ của nhân loại dành cho Hầu tộc đều mang màu sắc khinh miệt, biếm nhẽ, thậm chí còn ăn óc tươi của loài động vật có hình dáng và cấu trúc cơ thể giống loài người để con vật chết trong đau đớn kinh hoàng. Năm 1967 Pháp thành công trong việc đưa Khỉ cái Martine lên không gian. Không biết vì sao những con Khỉ được đưa lên không gian đều là Khỉ cái. Sự chịu đựng của Khỉ cái cao hơn Khỉ đực chăng?
Trong Đông Y người ta dùng xương Khỉ để nấu cao. Không nghe ai khen thịt Khỉ. Trái lại người ta rùng mình khi thấy làm thịt Khỉ vì sau khi cạo sạch lông, con khỉ giống như một đứa bé 6, 7 ki- lô. Nhưng môi đười ươi được xem là món ăn cầu kỳ và quí hiếm trong Bát Trân tức tám món ăn quí. Đó là: 1. gan rồng(?) 2. tuỷ phượng 3. chả cú 4. bào thai beo 5. đuôi cá gáy (cá chép) 6. tay gấu 7. môi đười ươi 8. nhượng heo con. Ở Trung Hoa người ta truyền tụng việc ăn óc Khỉ uống trảm mã trà để được bổ dưỡng. Cách ăn ghê rợn và đầy ác tính này từng có trong một nhà hàng nổi tiếng ở Chợ Lớn.
Khỉ sống tự do trong các đền ở Ấn Độ. Khỉ xám với mặt và tai đen Hanuman langur mang tên khoa học Semnopithecus hector được xem là loại Khỉ thiêng. Dù vậy, khi bị đói người ta cũng ăn thịt chúng và dùng xương cốt chúng làm bùa!
Trong truyện Tây Du Ký có Sun Xing Zhe ( Tôn Hành Giả) là người Khỉ nóng nảy, hiếu động gây náo động cả Thiên Đình. Năng nổ và hiếu động, Tôn Hành Giả luôn luôn bị Chen Hsuan Tsang (Trần Huyền Trang) trừng phạt vì thiếu kỷ luật. Đó là ý tưởng nghịch Thiên của tác giả Tây Du Ký với nhân vật mang hình hài Hầu tộc này.
Tượng Ba Con Khỉ Khôn Ngoan được đặt ở đền Tosho- gu ở Nikko, Nhật Bản. Ba con Khỉ Khôn Ngoan đó tượng trưng cho triết lý Tam Không của ba con Khỉ:
- Khỉ Mizaru bịt mắt để không thấy điều xấu
- Khỉ Kizaru bịt tai để không nghe điều xấu
- Khỉ Iwazaru bịt miệng để không nói điều xấu
Trước kia nhà in Phạm Văn Thìn ở Sài Gòn có in chuyện Bạch Viên Tôn Các.
Hầu tộc không có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ Việt Nam.
Người ta ví những đứa trẻ cười giòn liên miên với khỉ và đười ươi.
Người gầy đét, xương xẩu, mặt teo má hóp được ví với con Khỉ già hay Khỉ chết khô.
Người nhăn mặt nhíu mày vì đau đớn bị ví với cảnh khỉ ăn ớt.
Trẻ nít chạy nhảy lăng xăng được ví với khỉ mắc phong.
Nuôi người phản phúc trong nhà người ta nói:
Nuôi ong tay áo,
Nuôi khỉ dòm nhà.
với ý nghĩa tương đương với câu:
To set a fox to keep one' s geese.
Những chữ “khỉ khô”, “khỉ mốc”, “khỉ cùi”, “đồ khỉ đột” đều không có nghĩa tốt và nghiêm chỉnh mong mỏi. Vùng xa xôi, hẻo lánh ít người lai vãng thì gọi là vùng khỉ ho cò gáy.
Trong tiếng Anh những từ Monkey hay Gorilla cũng không có nghĩa tốt đẹp gì.
Bị bịnh AIDS loài người cũng qui tội cho Hầu tộc là kho chứa chấp vi khuẩn gây ra bịnh hiểm nghèo này. Người ta cũng sợ bị Khỉ cắn như bị chó điên cắn vậy.
Vào thế kỷ XIV thái thượng hoàng Trần Nghệ Tôn thiếu sáng suốt để cho Lê Quí Ly ( Hồ Quí Ly sau này) chi phối chánh trường khiến cho nhà Trần bị suy yếu. Tương truyền rằng một hôm Trần Nghệ Tôn nằm chiêm bao thấy dòng chữ Bạch Kê Xích Chủy (Con Gà Trắng và Con Khỉ Mõm Đỏ). Trần Nghệ Tôn hiểu rằng Lê Quí Ly là con Khỉ mõm đỏ dòm ngó ngai vàng của nhà Trần. Thái Thượng Hoàng Trần Nghệ Tôn tuổi Dậu biểu tượng bởi lầu Bạch Kê. Năm 1400 Lê Quí Ly đoạt ngôi nhà Trần và lập ra nhà Hồ (1400 - 1407).
Trong Thiền người ta thường nhắc đến Tâm Viên Ý Mã tức là tâm xao động như Khỉ nhảy nhót lung tung và ý di chuyển như ngựa phi.
Trong thiên văn học có cụm mây Đầu Khỉ (Monkey’s Head Nebula- Thủ Hầu Vân) được tìm thấy trong chòm sao Orion.
Trong thực vật học có vài loại thảo mộc mang tên gọi có chữ monkey ( Hầu; Khỉ) như:
- Monkey jack: Mít Hầu Artocarpus lakoocha
- Monkey nut: Đậu Phộng Arachis hypogaea
- Monkey orchid hay Monkey- like dracula: Phong Lan Hầu Massaevallia simia
- Monkey pot tree: Cây Nồi Khỉ Lecythis pisonis
- Monkey tail tree: Cây Thông Chile Araucaria araucana
- Monkey s pawn: Thạch Tùng Chân Khỉ Lycopodium cernum
- Monkey s tail: Hoa Huệ Hầu Vĩ Xerophyta tetinervis
- - Monkey s bread: Cây Baobab Adansonia digitata
- Monkey pod: Cây Me Tây Pithecellobium saman
Hầu là tên Hán- Việt của Khỉ. Hầu là một họ ở Trung Hoa. Hầu là một trong ngũ tước quí tộc dưới chế độ quân chủ: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Thoại Ngọc Hầu là hầu tước Nguyễn Văn Thoại.
Trong đề 40 con Khỉ mang số 23 sau chim bồ câu số 22 và trước con ếch số 24.
Người có mặt giống Khỉ thì không đẹp nhưng người có tướng Hầu tất được phú quí, tiếng tăm. Người có tay dài như tay vượn là người giàu có, quyền cao chức trọng. Mạc Đĩnh Chi đậu trạng nguyên tức thủ khoa trong khoa thi đình năm 1304 là người có tướng Hầu. Tướng Trương Chi Động thời nhà Mãn Thanh là người có tướng Hầu. Ông có nhiều tài năng, thích ăn trái cây uống rượu và đặc biệt không thể thiếu phụ nữ một đêm!
Trong 12 con giáp Khỉ đứng sau Mùi ( Dê) và Dậu (Gà). Năm Con Khỉ được gọi là năm Thân. Người sinh năm Thân thường cô đơn trong gia đình, ly biệt trong dòng họ và thường có trên một người phối ngẫu (vì ly dị, ly thân hay sinh ly tử biệt v. v.). Nặng nhất về mặt này là Canh Thân.
Năm Thân là năm Dương (+). Trong chu kỳ 60 năm có 05 năm Thân:
NĂM HÀNH MÀU SẮC
Giáp Thân : 1884, 1944, 2004, 2064 Thuỷ Đen
Bính Thân: 1896, 1956, 2016 Hoả Đỏ
Mậu Thân: 1908, 1968, 2028 Thổ Vàng
Canh Thân: 1920, 1980, 2040 Mộc Xanh
Nhâm Thân: 1872, 1932, 1992, 2052 Kim Trắng
Tuổi Thân hợp với tuổi Tí (Chuột), Thìn và không hợp với tuổi Dần, Hợi, Tỵ.

BIẾN CỐ LỊCH SỬ TRÊN THẾ GIỚI VÀO NĂM THÂN
1908: Biểu tình chống sưu thuế ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên; Phan Châu Trinh bị án tử hình (không hành quyết vì có sự can thiệp của Hội Quốc Tế Nhân Quyền); Trần Quí Cáp bị xử chém mặc dù ông không tham gia cuộc biểu tình ở Quảng Nam năm 1908 (dạy học ở Nha Trang); Kiểu xe hơi Model T của Henry Ford; Các tướng lãnh trẻ Thổ Nhĩ Kỳ buộc quốc vương nước này tu chính hiến pháp và tiến tới việc kỹ nghệ hoá xứ sở và thế tục hoá chánh quyền.
1920: Liên Đoàn Cử Tri Phụ Nữ Hoa Kỳ được thành lập; Tác phẩm Main Street của Sinclair Lewis và This Side of Paradise của Scott Fitzgerald; Red Scare: các đảng viên Cộng Sản, vô chánh phủ (anarchists) và cấp tiến bị bắt ở Hoa Kỳ; Hiệp ước Sevres ( Đồng Minh- Thổ Nhĩ Kỳ); Hiệp ước Trianon ( Đồng Minh- Hung Gia Lợi).
1932: Bảo Đại về nước sau 10 năm du học ở Pháp; Tổng thống Pháp Paul Doumer (1857 - 1932), cựu toàn quyền Đông Dương, bị ám sát chết; Nhật thành lập Mãn Châu Quốc ( Manchukuo) và đưa Pu Yi ( Phổ Nghi), vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh (Qing) về làm vua.
1944: Nạn đói ở Bắc Bộ Việt Nam; Cuộc đổ bộ Normandy của quân Đồng Minh; Paris được giải phóng; Hội nghị Dumbarton Oak (21 - 08 đến 07 - 10 - 1944) ở Washington DC để bàn về một tổ chức quốc tế đảm bảo an ninh và hoà bình thế giới thay thế Hội Quốc Liên. Đó là Tổ Chức Liên Hiệp Quốc thời hậu đệ nhị thế chiến thứ hai.
1956: Cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc; Cuộc đàn áp nông dân Quỳnh Lưu nổi dậy; Xe tăng Nga đàn áp cuộc đấu tranh đòi tự do của người Ba Lan và Hung Gia Lợi; Do Thái chiếm bán đảo Sinai; Anh và Pháp kiểm soát kinh đào Suez; Hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà; Chánh phủ Sài Gòn từ chối tổ chức tổng tuyển cử; Phong Trào Trăm Hoa Đua Nở ở Trung Quốc; Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc Việt Nam.
1968: Biến cố năm Mậu Thân ở Nam Việt Nam; Tàu USS Pueblo của Hoa Kỳ bị Bắc Hàn bắt giữ; Tiến sĩ Martin Luther King và Robert Kennedy, em của tổng thống John F. Kennedy, bị ám sát chết; Tổng thống Johnson không ra tái tranh cử.
1980: Hoa Kỳ đoạn giao với Iran; 06 nhân viên sứ quán Hoa Kỳ vượt khỏi Iran nhờ sự giúp đỡ của Canada; Hoa Kỳ tẩy chay Thế Vận Hội Moscow; Chủ tịch CHXHCNVN Tôn Đức Thắng chết; Ronald Reagan đắc cử tổng thống Hoa Kỳ; Chiến tranh Iraq- Iran; Nhà độc tài Somoza bị lật đổ ở Nicaragua.
1992: Bạo động của người Da Đen ở Los Angeles sau khi những cảnh sát đánh Rodney King được trắng án; Bill Clinton đắc cử tổng thống Hoa Kỳ; Nhật xin lỗi Đại Hàn về việc cưỡng bách phụ nữ Hàn làm nô lệ tình dục trong đệ nhị thế chiến; Tổng thống Nga Yeltsin tập tễnh học hỏi kinh tế thị trường; Hiệp ước Maastricht chuyển Cộng Đồng Âu Châu sang Liên Hiệp Âu Châu, liên hiệp hợp tác ngoại giao, quốc phòng, tư pháp, nội vụ, kinh tế, tiền tệ tiến đến sự ra đời của đồng Âu kim (Euro); Toà đại sứ Do Thái ở Buenos Aires bị chiến binh Hồi Giáo đánh bom; Đền thờ Hồi Giáo Babri Masjd ở Ấn Độ bị người Ấn Giáo đốt: Xung đột đẫm máu giữa người Ấn Giáo và Hồi Giáo về chuyện này ở Ấn Độ nơi dân chúng theo Ấn Giáo.
2004: Bom nổ ở Madrid; Toà Án Quốc Tế chống lại sự thành lập bức tường Do Thái; Lãnh tụ Palestine, Arafat, chết sau khi điều trị ở Pháp; Tổng thống Bush II tái đắc cử nhiệm kỳ hai; Sóng thần ở Đông Nam Á gây thiệt mạng cho hàng chục ngàn người Indonesia, Thái Lan, người Ấn Độ trên các đảo Nicobar và Andaman.
DANH NHÂN THẾ GIỚI SINH VÀO NĂM THÂN
Danh nhân thế giới sinh vào năm Thân đại cương gồm có: Harry Truman (1884 - 1972), Lyndon Baine Johnson (1908 - 1973), Salvador Allende (1908 - 1973), Lin Biao ( Lâm Bưu (1908 - 1971, Tojo Hideki (1884 - 1948) v. v.
Harry Truman (1884 - 1972)
Từ năm 1935 đến 1944 Harry Truman là thượng nghị sĩ. Năm 1944 ông là ứng cử viên phó tổng thống của tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Tổng thống Roosevelt (DC) tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư. Tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ tư được 03 tháng thì tổng thống Roosevelt chết. Ông chưa chứng kiến thành quả do ông lập ra trong đệ nhị thế chiến. Phó tổng thống Truman lên thay. Tổng thống Truman là người quyết định dùng bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki để chấm dứt đệ nhị thế chiến trong chiến thắng cho phe Đồng Minh. Năm 1948 ông ra tranh cử tổng thống và gặp phải những kết quả thăm dò dư luận hoàn toàn bất lợi cho ông nhưng ông đã đắc cử. Tổng thống Truman chủ trương giúp đỡ các quốc gia bị Cộng Sản đe doạ về quân sự lẫn kinh tế. Ngay cả Nhật, Ý, Tây Đức đều được viện trợ của Hoa Kỳ để phục hồi kinh tế thời hậu chiến. Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô bắt đầu vào năm 1949. Nhưng chủ thuyết Truman là cầm cự chớ không chiến thắng. Chính vì vậy mà ông cách chức vị tướng tài ba Mc Arthur và thay thế bằng tướng Ridway ngay khi chiến tranh Triều Tiên đang tiếp diễn. Năm 1952 tổng thống Truman không tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Nhưng ông vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong đảng Dân Chủ.

Lyndon Baine Johnson (1908- 1973)
Từ năm 1937 đến 1961 ông Johnson là thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Texas tại Quốc Hội. Năm 1960 ông là đối thủ lợi hại đối với thượng nghị sĩ Kennedy trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ. Thượng nghị sĩ Kennedy được đảng Dân Chủ chọn ra ứng cử tổng thống đối lại với ứng cử viên đảng Cộng Hoà là phó tổng thống Richard Nixon. Ông Johnson là ứng cử viên phó tổng thống cho Kennedy. Năm 1963 tổng thống Kennedy bị ám sát chết. Phó tổng thống Johnson hành sử chức vụ tổng thống. Năm 1964 ông ra tranh cử đương đầu với ứng cử viên Cộng Hoà là Barry Goldwater, một thượng nghị sĩ mang dòng máu Do Thái có chủ trương cứng rắn về vấn đề Việt Nam. Ông Goldwater thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử năm 1964 trước tổng thống Johnson. Ông chỉ được 56 phiếu cử tri đoàn (38.5%) so với 486 phiếu (61.1%) của tổng thống Johnson. Tổng thống Johnson thất bại nặng nề trước dư luận phản chiến ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc, xử dụng cả B- 52 trên chiến trường, đưa hàng trăm ngàn binh sĩ sang Nam Việt Nam, thanh niên Hoa Kỳ đều phải trưng binh để đưa sang miền Nam Việt Nam chiến đấu nhưng kết quả thu hoạch được không được như ý. Năm 1968 ông Johnson không tái tranh cử. Phó tổng thống Humphrey thất cử trước Richard Nixon, người bị Kennedy đánh bại năm 1960. Tổng thống Johnson chứng kiến sự tái đắc cử vẻ vang của ông Nixon năm 1972 vì câu “Hoà bình trong tầm tay” của Henry Kissinger (Nixon CH: được 49 tiểu bang bầu với 520 phiếu cử tri đoàn. Mc Govern DC chỉ được 01 tiểu bang DC bầu vỏn vẹn có 17 phiếu cử tri đoàn). Ông Johnson mất 05 ngày trước khi hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết.
Salvador Allende (1908- 1973)
Salvador Alende là một bác sĩ y khoa và chánh trị gia ở Chile thuộc khuynh hướng xã hội cấp tiến thân Cộng Sản. Xuất thân từ một gia đình thuộc giới trung lưu cao cấp, Allende chịu ảnh hưởng xã hội, tự do phóng khoáng của gia đình. Thuở nhỏ ông chịu ảnh hưởng của một người thợ đóng giày thuộc khuynh hướng vô chánh phủ (anarchist) tên là Juan de Marchi. Ông bị bắt nhiều lần vì có hoạt động chống chánh phủ khi còn là một sinh viên đại học.
Allende tốt nghiệp y khoa bác sĩ năm 1933. Ông là một trong những thành viên sáng lập của đảng Xã Hội ở Chile. Năm 1937 ông được bầu vào Hạ Viện. Ông được cử làm tổng trưởng bộ y tế. Đó là cơ hội cho ông thực thi vài cải cách nhỏ về y tế xã hội như cơm trưa miễn phí cho học sinh, luật bảo đảm lương tối thiểu cho công nhân. Khi đắc cử vào Thượng Nghị Viện Allende kịch liệt đả kích tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa và bày tỏ lập trường thân Marxist của ông bằng cách dựa vào công nhân và nông dân tức vô sản nông thôn và vô sản thành thị. Ông ra tranh chức vụ tổng thống vào những năm 1952, 1958, 1964 nhưng đều thất bại. Đến năm 1970 ông đắc cử tổng thống và thực thi chương trình xã hội theo các nước Cộng Sản như quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp, tập thể hoá nông nghiệp. Ngành kỹ nghệ đồng của Hoa Kỳ bị quốc hữu hoá mà không có bồi thường. Allende đụng chạm với Hoa Kỳ về mọi mặt: kinh tế, chánh trị, xã hội. Ông đụng chạm với cánh hữu trong nước. Ngày 11 - 09 - 1973 quân đội dưới quyền chỉ huy của tướng Pinochet và với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, đảo chánh lật đổ tổng thống Marxist đầu tiên ở Nam Mỹ: Salvador Allende. Ông bị phe đảo chánh bao vây nhưng cương quyết không đầu hàng. Người ta tìm thấy ông chết nhưng không biết vì sao ông chết. Năm 2011, khi quật mộ để cải táng, người ta khán nghiệm và cho biết ông tự gây cái chết cho ông chớ không phải do quân đảo chánh gây ra.
Lin Biao (1908- 1971)
Lin Biao ( Lâm Bưu) là thống chế, đệ nhất phó thủ tướng, tổng trưởng bộ Quốc Phòng, phó chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Quốc. Có tài liệu ghi ông sinh cuối năm 1907 (Mùi). Một tài liệu của Anh ghi năm sinh của ông là 1908 (Thân).
Lin Biao là đoàn viên bí mật của Thanh Niên Cộng Sản Đoàn khi còn học trung học ở Shanghai. Ông tốt nghiệp trường Võ Bị Whampoa (Hoàng Phố) năm 1926. Ông trở thành sĩ quan của Quốc Dân Đảng. Năm 1927 ông là đại tá trong quân đội Quốc Dân Đảng. Năm 1928 ông tham dự trong đạo quân Bắc Phạt của Quốc Dân Đảng. Cùng năm nầy ông theo Mao Zedong trong vùng Jiangxi Sô- Viết ( Sô Viết Giang Tây) và mạnh dạn ủng hộ Mao chống lại những đảng viên Cộng Sản do Liên Sô huấn luyện và đưa về nước điều khiển đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông là một nhà quân sự có tài được Mao tín nhiệm. Nhưng ông thường bất đồng ý kiến với Zhou Enlai ( Châu Ân Lai). Khi Lin Biao học trường Võ Bị Whampoa thì Zhou Enlai là phó giám đốc của trường bên cạnh giám đốc Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch). Lúc ấy Liên Minh Quốc- Cộng lần thứ nhất còn tồn tại một cách vá víu. Lin Biao tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh năm 1934 - 1935 cùng với Mao Zedong.
Năm 1948 ông chỉ huy hồng quân chiếm Mãn Châu.
Năm 1955 ông là thống chế Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng.
1958 đến 1971: phó chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Quốc
1969: được chánh thức xem như người kế vị Mao Zedong
1959 - 1971: tổng trưởng bộ Quốc Phòng.
Trên nguyên tắc Mao Zedong cử Lin Biao làm người kế vị sau khi ông mất. Thực tế đó là cách thử lòng Lin Biao mà thôi. Người ông muốn kế vị ông là vợ ông: Jiang Qing (Giang Thanh). Lin Biao chắc chắn thừa hiểu thâm ý của Mao. Ông là người có tài quân sự và có tham vọng quyền hành nên tỏ ra năng nổ trong Cách Mạng Văn Hoá do Mao và Jiang Qing phát động nhằm triệt hạ tất cả những người có thế lực và uy tín khả dĩ thay thế Mao dù đó là những người từng trải qua gian khổ với Mao trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh và tại chiến khu Yenan (Diên An) trong thời kỳ bị Quốc Dân Đảng áp đảo và trong chiến tranh Hoa- Nhật (1937 - 1945). Lin Biao thất bại trong âm mưu lật đổ Mao Zedong. Phi cơ chở ông và gia đình bị bắn rớt ở Mông Cổ năm 1971.
Tojo Hideki (1884- 1948)
Tojo Hideki ( Đông Điều) là tướng lãnh và thủ tướng Nhật trong đệ nhị thế chiến. Ông là người trung thành với Nhật hoàng và là biểu tượng của phái quân phiệt cực đoan ở Nhật.
Tojo xuất thân từ một gia đình tướng lãnh trong quân đội Nhật hoàng. Bản thân ông tốt nghiệp trường Võ Bị Lục Quân Hoàng Gia Nhật năm 1905. Năm 1915 ông tốt nghiệp thủ khoa Đại Học Tham Mưu. Trong thời gian 1919 - 1922 ông phục vụ ở Thuỵ Sĩ và Đức và học ở đó. Năm 1929 Tojo là trung tá. Ông bắt đầu tham gia chánh trị bằng cách gia nhập vào nhóm Tosei- ha (Kiểm Soát) do tướng Uzaki thành lập. Nhóm này cạnh tranh ảnh hưởng với nhóm Kodoha (Nhật Hoàng Đạo). Cả hai nhóm đều chủ trương tôn thờ Nhật hoàng, phát huy chủ nghĩa quân phiệt, chống chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa vô chánh phủ (anarchism). Năm 1933 Tojo là thiếu tướng. Năm sau ông thăng lên trung tướng. Năm 1935 ông chỉ huy Kempetai trong lực lượng Kwantung ( Quan Đông) ở Mãn Châu Quốc (Manchukuo). Năm 1937 ông là tham mưu trưởng lực lượng Kwantung. Ông cho người xâm nhập vào Hoa Bắc, Nội Mông. Đó là năm xảy ra biến cố Marco Polo Bridge ( Lư Cầu Kiều) mở màn cho chiến tranh Hoa- Nhật lần thứ hai. Năm 1938 tướng Tojo là thứ trưởng bộ Chiến Tranh. Trong thời gian 1940 - 1943 ông là thủ tướng từng nắm các bộ Quốc Phòng, Nội Vụ, Ngoại Giao, Giáo Dục, Thương Mại và Kỹ Nghệ. Ngôi sao của ông đắc thời từ năm 1940 đến 1944 với chủ trương bành trướng lãnh thổ Nhật Bản trên lục địa Đông Á, Đông Nam Á đến các quần đảo ở phía Tây và Nam Thái Bình Dương bằng chủ thuyết Đại Đông Á Thịnh Vượng Chung hầu thay thế các đế quốc bạch chủng trong vùng như Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân, Pháp trên bán đảo Đông Dương, Anh ở Mã Lai và Miến Điện, Hoà Lan ở Indonesia. Trận đánh Pearl Harbor diễn ra khi Tojo làm thủ tướng Nhật. Đó là năm đế quốc Nhật lan rộng xuống Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Năm 1942 Hoa Kỳ bắt đầu phản công. Nhật lần lượt bị đánh bại trong các trận đánh trên Biển San Hô, Midway, Guadalcanal. Việc thất trận Saipan năm 1944 cho thấy Nhật ở vào thế tuyệt vọng. Tojo từ chức thủ tướng. Lãnh thổ Nhật không còn là nỗi bất khả xâm phạm đối với các oanh tạc cơ Hoa Kỳ. Trận đánh Okinawa rất đẫm máu. Quân Nhật chết rất nhiều nhưng Nhật vẫn không chịu đầu hàng. Cuối cùng tổng thống Truman phải dùng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh.
Ngày 02 - 09 - 1945 Nhật ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện trên tàu USS Missouri. Đại tướng Mc Arthur ra lịnh bắt thủ tướng Tojo, người được liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh loại A. Tojo tự tử bằng súng nhưng viên đạn không trúng tim mà trúng ruột. Ông được các bác sĩ Hoa Kỳ giải phẫu và chữa lành bịnh trước khi đưa ra toà xét xử về tội ác chiến tranh đối với nhân loại vào tháng 11 năm 1948. Tojo thẳng thắn nhận trách nhiệm đã ra lịnh cho quân Nhật gây chiến ở Trung Hoa, tấn công Pearl Harbor, xâm chiếm các quốc gia Đông Nam Á và chấp nhận bản án tử hình dành cho ông ta. Ông chỉ xin Đồng Minh thắng trận đừng làm khổ dân tộc ông. Họ vô tội. Họ cũng là nạn nhân của chiến tranh. Đất nước bị chiến tranh tàn phá. Chính ông là người chịu trách nhiệm về cuộc chiến gây ra hậu quả thảm khốc đó. Tojo bị treo cổ vào ngày 23 - 12 - 1948. Một phần tro hài cốt của ông được đặt trong đền Yasakuni.
Tướng Tojo được người Nhật thời đệ nhị thế chiến gọi là Kamisori tức Dao Cạo vì những quyết định nhạy bén, nhanh chóng, chính xác và đầy tính nguyên tắc của ông. Những quyết định đó sắc bén tựa như dao cạo vậy.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.