Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

"Cái Giọng Sài Gòn"




Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he XXX xuống dưới ấy… Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi...

Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong

Chuyện con gái Sài Gòn "mỏ" có cong không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ "hônggg..." khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, lấy gương ra soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.

Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy...

Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế… Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” - Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…

Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!” Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.

Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào...



Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.

Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.

Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? - Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay...

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.

Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.

Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen. Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.

Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”

Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.

Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.

Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi. Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.

Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :

Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ
.....

Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á nghen.

Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm...Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng...

Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được...giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?"...Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai...em nói nghe nè!".

Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi...rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi...lâu.

Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.

Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

Hải Phan

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Miền Nam yêu dấu







(Địa lý Nam Việt: 6 tỉnh miền Đông với thành phố Sài Gòn & 12 tỉnh miền Tây và thành phố Cần Thơ)


Ngày xưa Lục Tỉnh miền Nam (1)
Bây giờ mười tám tỉnh thành … nhớ nhung! (2)
Ai về sáu tỉnh miền Đông
Cho ta nhắn gửi tình nồng chẳng phai…

Bình Dương, Bà Rịa, Đồng Nai
Tây Ninh, Bình Phước dạ này sắt son!
Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông
Thủ Đô một thuở, chờ trông ngày về…(3)

Miền Tây vẫn nặng lời thề
Đồng bằng - sông rạch bốn bề - Cửu Long (4)
Chín con rồng - chín cửa sông
Vượt biên ngày ấy nghe lòng xốn xang!

Bến Tre, Đồng Tháp, Long An
Mê Kông hai nhánh, (Hậu) Tiền Giang vơi đầy (5)
Sáu cửa biển ở nơi này:
Hàm Luông, Tiểu, Đại, Chiên, Lai, Cung Hầu.(6)

An Giang xuôi tới Cà Mau
Cần Thơ, Rạch Giá (7) qua cầu: Vĩnh Long
Trà Vinh dòng cuối Hậu Giang (8)
Cửa sông Ba Thắc, Định An, Tranh Đề.

Bạc Liêu đến - Sóc Trăng đi
Nơi đây bãi biển tóc thề trăng soi
Cho ta nhớ mãi một đời
Miền Tây - mùa nước nổi trôi… như người! (9)

Vương Sinh
(Tháng 5/2011)

Chú thích:

(1) Nam Kỳ Lục Tỉnh là 6 tỉnh miền Nam thời vua Minh Mạng (1820-1840), đặt ra vào
năm 1834, gồm ba tỉnh miền Đông là Gia Định (mới đầu tên là Phiên An, với tỉnh thành
Sài Gòn), Biên Hòa và Định Tường (tỉnh thành Mỹ Tho). Ba tỉnh miền Đông bị Pháp
chiếm năm 1862 (hòa ưóc Nhâm Tuất 1862) thời vua Tự Đức (1848-1883).
Ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang (tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên bị Pháp
chiếm năm 1867, cụ Phan Thanh Giản tử tiết.

(2) Ngày nay, miền Nam được chia thành 18 tỉnh, gồm có:
- 6 tỉnh miền Đông là: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng
Tàu và thành Phố Sài Gòn.
- 12 tỉnh miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long) là: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang,
Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc
Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

(3) Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Trước 1975, Sài Gòn phát triển phồn
thịnh, không thua gì những thành phố lớn ở Đông Nam Á và được mệnh danh là “hòn
ngọc Viẽn Đông”.

(4) Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều kinh rạch chằng chịt và được bồi đắp phù sa
bởi 2 nhánh sông Mê Kông, chảy ra biển bằng 9 cửa, trông như 9 con rồng vùng vẫy,
nên gọi là Cửu Long.

(5) Sông Mê Kông là một trong 12 con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng,
chảy qua Vân Nam (Lan Thương Giang), Miến Điện (còn gọi là Diến Điện, Myanma), Thái
Lan, Lào, Cao Miên (Nam Vang), rồi chia ra 2 nhánh, chảy vào miển Tây Nam Việt Nam
là sông Tiền (Tiền Giang – Mê Kông) và sông Hậu (Hậu Giang – Bassac), mỗi sông dài
220-250 km, lưu lượng từ 6000 m3/1sec (mùa khô) đến 120,000 m3/1sec (mùa mưa).

(6) Sông Tiền có lòng sông rộng, nhiều cù lao ở giũa dòng, chảy qua Tân Châu (An
Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Cai Lậy (Tiền Giang) chia làm 4 sông
chảy ra biển Đông bằng 6 cửa. Bốn sông và 6 cửa biển là:
- Sông Mỹ Tho qua tỉnh Tiền Giang (Định Tường, Mỹ Tho) chảy ra biển bằng 2 cửa Đại
và cửa Tiểu.
– Sông Hàm Luông chảy qua phía nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông.
- Sông Cổ Chiên ranh giới Bến Tre và Trà vinh (Vĩnh Bình), ra biển bằng 2 cửa Cổ Chiên
và Cung Hầu.
- Sông Ba Lai chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa), ra cửa Ba Lai

(7) Rạch Giá là thị trấn của tỉnh Kiên Giang.

(8) Hậu Giang (sông Hậu) chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), thành phố Cần
Thơ, Sóc Trăng và ra biển bằng 3 cửa Định An, Ba Thắc (đã bị đất bồi lấp năm 1970) và
Tranh Đề.

(9) Mùa nước nổi ờ vùng đồng bằng sông Cửu Long do nước sông Cửu Long dâng
cao và do mưa lũ từ tháng 5 đến tháng 11 (mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4). Nước lênh
đênh nổi trôi như số mệnh con người!

Tham Khảo:
http://namkyluctinh.org/a-thumuc/lvbe-thumucNKLT[1].pdf

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Memorial Day




Memorial Day

"Lễ Chiến Sĩ Trận Vong hay Ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) là một ngày Lễ Liên Bang (Federal Holiday) tại Hoa Kỳ - vào ngày Thứ Hai cuối cùng trong tháng 5 hằng năm. Trước kia với tên gọi là Decoration Day, ngày lễ này tưởng niệm những quân nhân Hoa Kỳ đã tử nạn trong lúc phục vụ.
Ngày lễ đầu tiên tưởng niệm những quân nhân cả hai miền Bắc (Union) và Nam (Confederate) đã tử nạn trong Nội Chiến Hoa Kỳ (American Civil War). Sau Thế Chiến Thứ Nhất (World War I), ngày lễ này bắt đầu được mở rộng để tưởng niệm các binh sĩ bị tử nạn trong các cuộc chiến khác.
Từ năm 1971, Lễ Chiến Sĩ Trận Vong chính thức trở thành ngày Lễ Liên Bang ở Hoa Kỳ. Vào ngày này, người Mỹ đi viếng thăm các nghĩa trang và các đài tưởng niệm; lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được để rũ cho đến trưa theo giờ địa phương.
Người Mỹ xem mùa Hè bắt đầu từ Ngày Chiến Sĩ Trận Vong cho đến hết Ngày Lễ Lao Động (Labor Day) vào đầu tháng 9" (Theo Wikipedia)

Xem chương trình: MEMORIAL DAY

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Memorial Day




cuối tháng năm, nghĩa trang buồn tiếng gió
vườn mộ Người hoa nở đỏ trong tim
những tiếng khóc lặng yên vừa trở giấc
nghe thân thương theo mạch đất rong tìm

tìm Người đến nơi cõi về vĩnh viễn
khoát tay chào trận tuyến phía sau lưng
giữa ánh nến chập chùng đêm đưa tiễn
hoa trao Người từng cánh lệ rưng rưng!

Memorial Day - nhớ Người, ta về phố
thành phố bình yên hoa nở bốn mùa
trời cuối tháng năm, đất buồn nhịp thở
vi vu thầm câu chuyện chiến trường xưa

nghe rõ cả những ước mơ rơi vỡ
trong những trái tim ngóng đợi giao mùa
mùa của lúa xanh mọc trên lửa đỏ
mùa của sen hồng ngát giữa hố bom

mỗi giao mùa, tim quặn nghìn tiếng nấc
chiến tranh đau và nhức nhối hòa bình
Người ở giữa thành phố này rất thật
một đời đi tất bật đến vô thường!

Cao Nguyên

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Con đường thiên lý Bắc Nam






Quốc Lộ 1A: Con đường thiên lý Bắc Nam
Quốc lộ 1A (QL1A) là đường bộ chạy dài theo chiều dọc nước Việt Nam từ miền Bắc ở
điểm xuất phát là cây số 0 (Ải Nam Quan) thuộc tỉnh Lạng Sơn tới miền Nam tại cây số
2,301.340 (Năm Căn) thuộc tỉnh Cà Mau.

QL1A xưa là con đường thiên lý Bắc Nam, hay con đường cái quan, đường xuyên Việt,
đường số 1…được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau. (19).

Quốc Lộ 1A dài 2,301.340 km, đi qua tổng cộng 32 tỉnh và thành phố, vượt 5 ngọn đèo
hiểm trở (Đèo Tam Điệp, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông và đèo Cả) và băng qua
khoảng 874 cây cầu lớn nhỏ. (nguồn Wikipedia).
Những tỉnh và thành phố trên QL1A là:

- Ải Nam Quan (Cửa khẩu Hữu Nghị Quan): Km 0.
1- Lạng Sơn (km 16)
2- Bắc Giang (km 119)
3- Bắc Ninh (km 139)
4- Hà Nội (km 170)
5- Phủ Lý (km 229, tỉnh Hà Nam)
6- Ninh Bình (km 263)
--------------------------------------------- đèo Tam Điệp
7- Thanh Hóa (km 323)
8- Vinh (km 461, tỉnh Nghệ An)
9- Hà Tĩnh (km 510)
-------------------------------------------- đèo Ngang
10- Đồng Hới (km 658, tỉnh Quảng Bình)
11- Đông Hà (km 750, tỉnh Quảng Trị)
12- Huế (km 824, tỉnh Thừa Thiên-Huế)
-------------------------------------------… đèo Hải Vân
13- Đà Nẵng (km 929)
14- Tam Kỳ (km 991, tỉnh Quảng Nam)
15- Quảng Ngãi (km 1,,054)
16- Quy Nhơn (km 1,232, tỉnh Bình Định)
--------------------------------------------- đèo Cù Mông
17- Tuy Hòa (km 1,329, tỉnh Phú Yên)
-------------------------------------------- đèo Cả
18- Nha Trang (km 1,450, tỉnh Khánh Hoà)
19- Phan Rang-Tháp Chàm (km 1,528, tỉnh Ninh Thuận)
20- Phan Thiết (km 1,701, tỉnh Bình Thuận)
- Xuân Lộc (km 1,867, tỉnh Đồng Nai)
21- Long Khánh (km 1,867, tỉnh Đồng Nai)
- Thống Nhất (km 1,867, tỉnh Đồng Nai)
- Trảng Bom (km 1,867, tỉnh Đồng Nai)
22- Biên Hòa (km 1,867, tỉnh Đồng Nai)
23- Bình Dương (km 1,879)
24- Sài Gòn (km 1,889)
25- Tân An (km 1,936, tỉnh Long An)
26- Mỹ Tho (km 1,959, tỉnh Tiền Giang)
27- Vĩnh Long (km 2,029)
28- Thành phố Cần Thơ (km 2068)
29- Hậu Giang
30- Sóc Trăng (km 2,119 tỉnh Sóc Trăng)
31- Bạc Liêu (km 2,176)
32- Cà Mau (km 2,236)
- Năm Căn thuộc Cà Mau (Km 2301- điểm cuối). (Nguồn: Wikipedia)

Ngoài QL1A còn :
- QL1B là đường rẽ từ QL1A tại thị trấn Đồng Đăng đến thành phố Thái Nguyên, dài 148.5
km.

- QL1C nối thành phố Nha Trang với QL1A (dài 17.3 km) từ đèo Rù Rì ở Diên Khánh –
Khánh Hòa đến ngã ba Thành – Nha Trang).

- QL1D mới làm (2001) là đường đi tránh đèo Cù Mông để vào thành phố Quy Nhơn, dài 35
km.

- QL1K nối liền quận Thủ Đức, Sài Gòn, qua huyện Dĩ An, Bình Dương, đến thành phố Biên
Hoà, tỉnh Đồng Nai. QL1K khởi đầu tại ngã tư Linh Xuân, giao với quốc lộ 1A, qua cầu Hóa
An (sông Đồng Nai) vào Biên Hòa và chấm dứt tại ngã ba Hố Nai (giao với quốc lộ 1A).

- Xa Lộ Biên Hòa nối liền Thành phố Sài Gòn và Biên Hoà (Đồng Nai), nay đổi tên là Xa Lộ
Hà Nội (1984), dài 31 km, rộng 21 m, xây năm 1959 , hoàn tât 1961, bắt đầu từ cầu Phan
Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), kết thúc tại ngã tư Tam Hiệp, Biên Hòa.
- Xa lộ Đại Hàn là đoạn QL1A từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc, quận Bình Tân, qua
địa phận Sài Gòn và tỉnh Bình Dương, dài 43.1 km.

Song Thuận

Xem Thêm:
Quốc Lộ 1>

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

. Mẹ Là Quê Hương


" Phúc cho ai còn Mẹ bên đời. Và cũng phúc cho ai còn tưởng nhớ đến Mẹ dẫu xa cách nghìn trùng, dẫu biệt ly đành đoạn.
Con muốn hóa thân thành một đóa hồng, cài lên ngực nơi trái tim của Mẹ. Để tạ ơn Mẹ! Mẹ ơi!
Lời ru ngày xưa của Mẹ quyện vào tiếng hát của con hôm nay mãi mãi là một tâm khúc tuyệt vời, đẹp như những cánh hồng tươi thắm lóng lánh những hạt lệ yêu thương! "

Mời nghe chuong trình nhạc "Mẹ Là Quê Hương" do anh chị em nghệ sĩ Miền Tao Ngộ thực hiện:
Bấm vào Link > Mẹ Là Quê Hương

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Đọc Lại Truyện Kiều

ĐỌC LẠI TRUYỆN KIỀU
ĐỂ YÊU THÊM TIẾNG VIỆT


Đàm Trung Pháp

Thi hào Nguyễn Du ra đời trong hậu bán thế kỷ 18. Tôi thường tự hỏi có phải trong thời điểm ấy Thượng Đế đã "nổi hứng" rộng lượng và công bình mà ban cho nhân loại những thiên tài văn chương xuất chúng chăng? Như Goethe sinh năm 1749 tại Đức Quốc, Nguyễn Du sinh năm 1765 tại đất nước chúng ta, Chateaubriand sinh năm 1768 tại Pháp Quốc, và Wordsworth sinh năm 1770 tại Anh Quốc. Goethe, đệ nhất văn hào dân tộc Đức, năm mới 25 tuổi đã viết cuốn truyện tình bi đát mang tên DIE LEIDEN DES JUNGEN WERTHERS (Những nỗi ưu sầu của chàng trai trẻ Werther) để nói về mối ưu sầu thực sự của chính ông: Goethe đã gặp và yêu say đắm trong tuyệt vọng một phụ nữ đã đính hôn với người khác. Câu chuyện lãng mạn và bi thảm ấy khiến ông lẫy lừng danh tiếng khắp Âu Châu và cũng làm cho một vài giai nhân đa sầu đa cảm đang thất tình giống người trong truyện nhảy xuống hồ tự tử mà trong tay còn nắm chặt cuốn tiểu thuyết kia! Chateaubriand có thể được coi là nhà văn tiên khởi của trào lưu văn chương lãng mạn nước Pháp qua cuốn tiểu thuyết ATALA, một câu chuyện vừa buồn vừa mãnh liệt đam mê trong khung cảnh thiên nhiên rực rỡ của rừng núi Bắc Mỹ, một nơi mà Chateaubriand chưa từng thăm viếng và chỉ được làm quen với các sắc dân da đỏ qua sách vở. Và Wordsworth, đệ nhất thi nhân bên trời Anh Quốc, năm chưa đến 30 tuổi đã cùng Coleridge xuất bản tập thơ LYRICAL BALLADS, mở đầu cho thời đại thi ca lãng mạn trong văn học quốc gia ấy. Wordsworth say mê thiên nhiên và có biệt tài dùng ngôn ngữ bình dị dễ hiểu để diễn tả những cảm xúc tràn bờ trước vẻ đẹp của rừng, của núi, của giai nhân. Tôi nhớ mãi những câu thơ sau đây của Wordsworth để tả một kiều nữ bí mật sống giữa thiên nhiên mang tên Lucy mà thi nhân ví như một bông hoa đổng thảo:
A violet by a mossy stone
Half-hidden from the eye
Fair as a star, when only one
Is shining in the sky

Thế còn Nguyễn Du của chúng ta thì sao? Hãy nghe lời người ngoại quốc ca ngợi thi hào họ Nguyễn trước đã. Thi sĩ lẫy lừng người Ấn Độ chuyên làm thơ bằng tiếng Anh mang tên Rabindranath Tagore (giải Nobel văn chương 1913) khi viếng thăm Việt Nam năm 1929 đã coi Nguyễn Du là vị thi sĩ đứng thứ 3 trong hàng ngũ những thi sĩ muôn thuở, chỉ sau Lý Bạch và Victor Hugo (theo học giả Thái Văn Kiểm). Văn sĩ Pháp René Crayssac đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp và cho rằng áng văn kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh mà không sợ kém các văn chương kiệt tác, vô luận ở thời nào và ở xứ nào (theo học giả Đào Duy Anh). Như vậy thì thiên tài thi ca họ Nguyễn của chúng ta khi đứng cạnh những đại danh văn chương của nhân loại cũng ngang ngửa với họ, cũng đều "mười phân vẹn mười" cả, nhưng riêng đối với tôi thì đọc thơ Nguyễn Du thích thú gấp bội phần đọc các tác phẩm của các vị "ngoại quốc" kia, vì tôi là người cùng một ngôn ngữ và văn hóa với Nguyễn Du.

Nguyễn Du (ND) sinh năm 1765 trong một danh gia vọng tộc. Cha là Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm, người Hà Tĩnh, làm Thủ Tướng triều Lê. Mẹ là Trần Thị Tần, người Bắc Ninh, kém chồng 32 tuổi. ND mồ côi cha năm 11 tuổi và mồ côi mẹ năm 13 tuổi. Anh cả là Tiến Sĩ Nguyễn Khản, Thượng Thư bộ Lại, anh thứ hai là Nguyễn Điều từng làm Trấn Thủ Sơn Tây. Năm 1783, lúc 18 tuổi, ND đậu Tam Trường (Tú Tài); cùng năm này, một người anh tên là Nguyễn Đề đậu thủ khoa kỳ thi Hương (Cử Nhân). Tình hình chính trị lúc ấy thực bất ổn. Năm 1788 Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh; Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Huế. Năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Năm 1802 Gia Long diệt Tây Sơn, bắt đầu triều Nguyễn; ND làm tri huyện Phù Dung (thuộc Hưng Yên ngày nay), mấy tháng sau thăng tri phủ Thường Tín (thuộc Hà Tây ngày nay). Năm 1809 ND làm cai bạ ở Quảng Bình. Năm 1813 ND thăng cần chánh điện học sĩ, chánh sứ sang nhà Thanh. Năm sau đi sứ về, thăng tham tri bộ Lễ. Năm 1820 Gia Long mất, Minh Mệnh nối ngôi. ND được cử chánh sứ sang Tàu báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp lên đường thì bị bệnh và qua đời, thọ 56 tuổi.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết rõ là khi nào ND viết Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) trước hay sau khi đi sứ sang Trung Quốc năm 1813. Theo Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim thì Truyện Kiều (TK) bắt nguồn từ một tiểu thuyết Tàu của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, văn chương tầm thường, về một người đàn bà tài sắc, có lòng trung, hiếu, tiết nghĩa, mà đời bị bèo giạt hoa trôi. ND bỏ bớt những chỗ rườm rà, thô lỗ, dơ bẩn. So với tiểu thuyết Tàu thì TK của ND thanh nhã và văn vẻ hơn nhiều. Hà Như Chi, khi so sánh TK với tiểu thuyết Tàu nguyên thủy, nhận định TK là một công trình nghệ thuật cân đối hoàn hảo, kết cấu chặt chẽ, tình ý đậm đà khéo léo, văn chương tươi đẹp, thắm đượm màu sắc Việt Nam và dẫy đầy thi vị.

Vẫn theo Hà Như Chi, một nàng Kiều tài hoa duyên dáng như thế lại là nạn nhân của một số mệnh vô cùng khắt khe đã đánh mạnh vào tâm hồn ND và thúc giục cụ viết nên TK để hả hê những mối cảm tình đối với một người đã được cụ xem như đồng hội đồng thuyền với mình: ND phải quên nhà Lê mà ra làm quan với nhà Nguyễn thì có khác chi, vì chữ "mệnh" oái oăm, nàng Kiều phải bỏ Kim Trọng mà chịu bước giang hồ? Đúng là:
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Nội dung TK gồm 3254 câu thơ lục-bát có thể chia làm 3 phần: (1) Thúy Kiều và Kim Trọng gặp gỡ và gắn bó với nhau; (2) Những nỗi khổ của Thúy Kiều trên bước đường luân lạc; và (3) Kim-Kiều tái ngộ. TK còn là một tác phẩm chứng minh cho định luật "tài mệnh tương đố": Kiều là kẻ tài hoa nên phải mệnh bạc. Trong phần kết, may thay, ND cũng cho chúng ta tin tưởng rằng thiện tâm có thể cải hóa được số mệnh:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Những phân đoạn chính trong TK như sau: Phần (1): (a) Xác định thuyết tài mệnh tương đố , (b) Kiều gặp Kim Trọng, (c) Kiều và Kim Trọng thề thốt gắn bó. Phần (2): (a) Gia biến nàng Kiều, (b) Mã Giám Sinh mua Kiều, (c) Kiều phó thác tâm sự cho em, (d) Mắc tay Tú Bà, (e) Đi trốn với Sở Khanh, (f) Kiều tiếp khách trong lầu xanh, (g) Kiều được Thúc Sinh chuộc ra, (h) Mắc tay Hoạn Thư, (i) Đi trốn, (j) Giác Duyên sợ liên lụy, gửi Kiều cho Bạc Bà, (k) Bạc Bà lừa dối, Kiều lại bị bán vào lầu xanh, (l) Được Từ Hải chuộc ra, (m) Kiều báo ân báo oán, (n) Mắc mưu Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị giết, (o) Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường, (p) Giác Duyên vớt Kiều. Phần (3): (a) Kim Trọng trở lại vườn Thúy, (b) Lấy Thúy Vân, (c) Làm quan ở Lâm Tri , (d) Tìm Kiều ở Hàng Châu, (e) Giác Duyên đưa đến gặp Kiều, (f) Kim-Kiều xem nhau như bạn, (g) Kiều đánh đàn kết liễu đời bạc mệnh, (h) Kết thúc: Thiện tâm sửa được số mệnh.

Chúng ta đã nghe người ngoại quốc ca tụng TK trên đây, và bây giờ chúng ta tìm hiểu xem các nhà phê bình văn chương người Việt nghĩ gì về tuyệt tác phẩm này của Nguyễn Du. Tôi xin đóng góp trong phần này này bằng cách tóm lược một số nhận định về giá trị TK của các nhà phê bình tên tuổi từ trước đến nay để chúng ta có một cái nhìn bao quát.

PHẠM QUỲNH: Sau khi cho rằng TK của ND hay hơn cả văn chương của Khuất Nguyên bên Tàu và văn chương của Racine và Bossuet bên Tây, Phạm Quỳnh trong ngày giỗ ND năm 1924 tại Hà Nội đã thề trước anh linh thi hào họ Nguyễn rằng "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây" (Tạp chí Nam Phong, tháng 8, 1924). Vì những lời này mà Phạm Quỳnh bị hai cụ nghè Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng xỉ vả thậm tệ (tôi sẽ nói tiếp về vụ này ở một đoạn sau).

NGUYỄN TƯỜNG TAM: Nhà văn thủ lãnh của Tự Lực Văn Đoàn viết trong Tạp chí Nam Phong năm 1924: "Cái làn sóng thơ Kiều hình như lai láng khắp cõi Nam. Trừ những câu ca dao ra, thật không có quyển truyện nào phổ thông trong đám dân gian bằng Truyện Kiều. Vì văn Kiều hay quá, nên những người nhà quê không có học thức cũng thích xem và thích ngâm nga. Nhưng nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được... Tôi xin nói quyết một lời rằng MONG ĐƯỢC MỘT QUYỂN TRUYỆN NÀO HAY HƠN TRUYỆN KIỀU LÀ MỘNG TƯỞNG. Cái trình độ thơ quốc ngữ đến như thế là tuyệt đích rồi." Nhận định về câu thơ thuộc loại "văn hữu dư ba" là câu "Lơ thơ tơ liễu buông mành," Nguyễn Tường Tam thấy ba chữ "lơ thơ tơ" nghe rất êm tai, hay về phần tưởng tượng ít mà hay về phần âm điệu êm ái nhiều hơn. Và câu "Nách tường bông liễu bay ngang trước mành" ông thấy rất hay về cảnh sắc. Ông cũng thấy trong TK nhiều chỗ cảnh và người có liên lạc, đúng như:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Như lúc Thúc Sinh trở về với Kiều, trông ra cảnh vật cũng hình như chia vui với mình:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

Và khi Kiều và Kim gặp nhau lần đầu, lúc từ giã, cô Kiều còn trông theo, nhưng nào thấy gì đâu, chỉ thấy:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Hai câu đệm ấy vào thật là tả rõ được cái buồn, cái nhớ của cô Kiều mà hình như cảnh vật cũng âu sầu!

VŨ ĐÌNH LONG: Lấy âm nhạc làm ẩn dụ để lượng giá TK, phê bình gia Vũ Đình Long viết trong Tạp chí Nam Phong năm 1924 rằng "TK thực là một cây đàn tuyệt quý không phím không dây. Tác giả lấy đầu lưỡi mà nẩy lên tiếng, mỗi đoạn văn là một cung, mỗi câu văn là một điệu, mỗi chữ là một tay nỉ non thánh thót, réo rắt tiêu tao, đêm khuya canh tĩnh mà nghe người tốt giọng ngâm Kiều thì còn đàn nào hay bằng nữa ... Cụ ND không phải là nhà thi sĩ, cụ chính là THẦN THƠ vậy!" Theo Vũ Đình Long, những câu Kiều nói với chàng Kim thật hay thật tình, như :
Thưa rằng đừng lấy làm chơi
Rẽ cho thưa hết một lời đã nao

Chữ "rẽ" dùng có thần tình không? Ta thấy hình như nàng Kiều lấy tay gạt chàng Kim ra vậy! Năm lần láy chữ "còn" trong hai câu thơ sau đây là một tuyệt chiêu, như thể một lời thề nguyền vĩnh cửu:
Còn non, còn nước, còn dài
Còn về còn nhớ đến người hôm nay

Tình nhân tương tư nhau là những cảnh não nùng mà ND tả rất khéo. Chàng Kim nỗi lòng canh cánh luôn nghĩ đến người đẹp đã gặp trong ngày hội Đạp Thanh:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!

Đêm không ngủ được, vẩn vơ ngọn đèn tàn:
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng

Cậu đồ đã mang nặng gánh tương tư thì còn thiết gì đến sách, đến bút, đến đàn:
Phòng văn hơi giá như đồng
Trúc xe ngọn thỏ, tơ chùng phím loan

Ngồi nghe tiếng gió đập vào mành cũng nhớ đến ai ; vì nhớ nhung mà trà mất ngon, mùi hương kém ngát:
Mành tương phân phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình

LƯU TRỌNG LƯ: Để "đáp lễ" lời cụ nghè Ngô Đức Kế cho rằng TK "chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải là một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu" (báo Hữu Thanh, tháng 9 năm 1924) và nhất là lời kết tội gay gắt của cụ nghè Huỳnh Thúc Kháng rằng "Truyện Kiều là một thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại ... Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong, bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít..." (báo Tiếng Dân, tháng 9 năm 1930), Lưu Trọng Lư viết trong tuần báo Phụ Nữ Thời Đàm vào cuối năm 1933: "Ai muốn làm thánh hiền thì đi đọc Ngũ Kinh, Tứ Thư. Hãy để Truyện Kiều lại cho bọn chúng tôi là hạng người trong những phút mệt nhọc, buồn rầu, chán nản, cần phải ngâm nga những câu như:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"

ĐÀO DUY ANH: Để kết luận tập "Khảo Luận về Kim Vân Kiều" xuất bản năm 1943, học giả Đào Duy Anh khẳng định: "Nguyễn Du đã gieo trong lòng ta một mối tin chắc chắn, một mối hy vọng dồi dào với tiếng nói của ta." Cũng theo ông, ở thời Lê mạt, ta đã thấy có những tác phẩm có giá trị như Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Phan Trần Truyện, Hoa Tiên Ký ... viết bằng quốc âm, nhưng lời văn điêu trác, hay dùng điển cố, cho nên chỉ được các hạng thượng lưu trí thức thưởng lãm, mà không phổ cập trong dân gian. Duy Truyện Kiều văn chương đủ tính nghiêm trang, đường hoàng, điêu luyện, đủ khiến cho kẻ học thức phải khâm phục và yêu mến, mà lại đủ cả tính giản dị, phổ thông để khiến cho bình dân hiểu được mà thưởng thức.

TRẦN TRỌNG KIM: Trong cuốn "Truyện Thúy Kiều" do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo xuất bản năm 1925, học giả Trần Trọng Kim viết: "ND khéo dùng lối hoạt họa, chọn cái hình dáng nào rõ thật nổi, rồi tìm một vài chữ thật đúng mà tả ra, hễ đọc qua là nhận ngay được chân tướng:

Kim Trọng:
Phong tư tài mạo tuyệt vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa

Mã Giám Sinh:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Tú Bà:
Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao

Sở Khanh:
Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng

Từ Hải:
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao"

HOÀI THANH: Theo bài viết "Quyền Sống Của Con Người Trong Truyện Kiều" của nhà phê bình Hoài Thanh năm 1949, nếu nói về mức độ "say" Truyện Kiều thì không ai bằng ông nghè Chu Mạnh Trinh (một con người hào hoa phong nhã kiểu Kim Trọng). Nhà thơ lãng mạn này không phải chỉ say văn chương Truyện Kiều mà lại còn say luôn cả nàng Kiều như say một giai nhân có thực, đến nỗi đã nói đến những chuyện si tình như thêu tên Kiều vào tay áo, mơ tưởng dựng một ngôi nhà vàng cho Kiều ở, mượn cỏ thơm gọi hồn Kiều về, và thấy như Kiều về thật! Chuyện lạ đời này cũng có thể hiểu được, vì theo Hoài Thanh, "ND có thể dạy cho ta biết ghét, biết yêu. Ghét những cái bất lương trong xã hội. Yêu những cảnh sống đáng yêu và nhân đó tránh cuộc sống tẻ nhạt, hiu hắt, cuộc sống của cỏ cây... Những cử chỉ uể oải, những câu nói thiếu lòng tin, những cái nhìn hời hợt, những tâm tư mệt nhọc hình như đương chờ đợi một cơn gió nào ... TK ngay giờ đây vẫn còn khả năng cải tử hoàn sinh, vẫn có thể gieo chất nồng say vào cuộc sống..."

NGUYỄN LỘC: Trong cuốn sách "Văn Học Việt Nam Nửa Cuối Thế Kỷ 18" xuất bản năm 1997 tại Hà Nội, nhà biên khảo Nguyễn Lộc có những nhận xét tinh tế về cách sử dụng ca dao, tục ngữ trong TK, mà tôi xin tóm lược trong những đoạn dưới đây:

Có thể nói trong TK có hàng mấy chục câu thơ ND trực tiếp rút ra từ ca dao. Rất có thể hai câu:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

là rút ra từ câu ca dao:
Tiễn đưa một chén rượu nồng
Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi

Ca dao trong TK được ND sử dụng như một thứ chất liệu nghệ thuật, chứ không như những trích dẫn. Không có câu nào ND dùng lại nguyên vẹn, mà tất cả đều nhào nặn lại cho phù hợp với phong cách chung của nhà thơ trong tác phẩm. TK có những câu thơ không thấy dấu vết cụ thể của ca dao, mà ai cũng nhận ra ảnh hưởng của ca dao, như :

Xót thay huyên cỗi xuân già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi
Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra khi đã da mồi tóc sương

ND cũng dùng rất nhiều tục ngữ, như :
Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào

hoặc:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao

Ngôn ngữ TK vừa súc tích chính xác, đồng thời lại vừa giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu. ND có thể bằng một vài câu thơ khắc họa lên sắc nét chân dung ngoại hình của một nhân vật, hay miêu tả một biến cố, một cảnh ngộ. Một học trò giỏi đi thi bị rớt có thể tự an ủi bằng cách "lẩy" hai câu thơ súc tích, hợp tình hợp cảnh của TK:

Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần

Tả một chàng đẹp trai hào hoa phong nhã thì ta có thể mượn ngay hai câu ND tả Kim Trọng:

Phong tư tài mạo tuyệt vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa

Hai câu:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

thực tuyệt đẹp và chí tình để một chàng trai thiết tha căn dặn người yêu khi giã từ. Và khi giấc mơ ấp ủ từ lâu nay mới thành sự thực, ta vội kêu lên:
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai

Qua những nhận định kể trên của các văn nhân lỗi lạc ngoại quốc và Việt Nam về tuyệt tác phẩm TRUYỆN KIỀU thì thiên tài Nguyễn Du đã chứng minh một cách hùng hồn rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ tuyệt vời cho thi ca. Chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà không đọc lại Truyện Kiều thật kỹ càng để yêu thêm tiếng Việt của chúng ta?

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Mẹ Việt Nam ơi

Tình Mẹ trong Thi Ca






Nghĩa Mẹ Tình Mẹ
Qua Những Tác Phẩm Văn Nghệ Việt Nam


Hình như nhà thơ Pháp có nói:
"L'amour d'une mère, l'amour que nul n'oublie".
"Tình mẹ là thứ tình không ai quên được"
Ôi, vào những trường hợp ngạc nhiên, đau đớn người ta kêu "Giời ơi". "Trời ơi," "Phật ơi" và cũng không thể "Mẹ ơi".
Trong thời gian cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp của ta, bộ đội phục kích của ta đã nhiều khi bắt gặp lời kêu "mẹ ơi" "oh maman" của lính Pháp khi bất chợt bị ngã đạn. Sự kiện này đã được cơ quan địch vận của ta ngày đó phổ biến trong truyền đơn, báo chí và truyền thanh để kêu gọi lính Pháp nghĩ đến tình mẹ mà hạ súng, tẩy chay cuộc chiến phi nhân phi nghĩa của thực dân tái chiếm thuộc địa đó.
Mẹ, Tình Mẹ, Quê Mẹ rồi như trong trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy gồm Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, Biển Mẹ, quả thật tất cả những gì dính líu đến Mẹ Việt Nam, tình Mẹ Việt Nam, đều gây một âm hưởng bao dung và hiền dịu, thắm thiết và ai hoài, mênh mông và bất tuyệt trong lòng chúng ta như vậy.
Và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhạc sĩ Phạm Duy đã đồng hóa Mẹ Việt Nam thành lịch sử Việt Nam, lịch sử một dân tộc bi hùng trên mảnh đất chịu đựng bao đau thương, thử thách này. Chúng ta hãy ôn lại nhạc và lời của khúc trường ca bất hủ này.
Nerhu trước khi chết để lại di chúc xin hỏa táng xác phàm của mình thành tro than, rồi rắc xuống cánh đồng bát ngát xứ Ấn, để được vĩnh viễn thể nhập vào mảnh đất quê hương, để được vĩnh viễn sống giữa những người dân quê Ấn cần cù và muôn vàn khổ cực. Những chính khách lỗi lạc, không vong ân bao giờ họ cũng có cái nhìn kính ái về phía những người dân quê chân lấm tay bùn, tăm tối kia, nhưng chính họ mới là phần nền móng của dân tộc, họ nuôi nước, họ mở nước, họ giữ nước. Cho nên mở đầu trường ca MẸ VIỆT NAM, Phạm Duy đã khẳng định ngay bằng câu ngâm của ca khúc 1 "Mẹ ta", ngay Phần Đầu Đất Mẹ:
Mẹ Việt Nam không son không phấn,
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn.
Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm,
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng.

Tiếng ca như thoát từ lòng đất mẹ, từ luống cày, từ nương khoai, nương sắn, hồn nhiên thanh nhẹ như gió lúa hương cau (cung đô thứ).
Lịch sử Việt Nam từ ngày lập quốc đến nay, dân tộc ta có mấy lúc được thanh nhàn? Lịch sử một dân tộc đoạn trường. Bởi vậy, trong trường ca Mẹ Việt Nam gồm bốn phần (ĐẤT MẸ - NÚI MẸ - SÔNG MẸ - BIỂN MẸ), 21 ca khúc thì ở ngay Phần Một ĐẤT MẸ, sau ca khúc 1 "Mẹ Ta" sang đến ca khúc 2 "Mẹ Xinh Đẹp" là ca khúc tươi tắn nhất. Đây là thuở Mẹ mới là cô gái đôi tám, xuân tình rờ rỡ, má hồng, môi đỏ, mắt long lanh. Đây là ca khúc duy nhất nhịp nhàng, tình tứ, lòng xuân phơi phới, hồn Mẹ như vòm trời xanh thăm thẳm không gợn một chút mây buồn. Vào ca khúc 3 "Mẹ Chờ Mong" đã phảng phất u hoài, mặc dầu sang ca khúc này nhạc sĩ đã chuyển từ cung đô sang cung mi giảm trưởng. Ca khúc 4 "Lúa Mẹ" cũng như ca khúc 5 "Mẹ Đón Cha Về" nét nhạc vào khúc thì tươi dòn nồng thắm, nhưng từ giữa khúc trở đi là mang mang chinh chiến, bàng bạc phân ly.
Sang Phần Hai NÚI MẸ, ca khúc 6 "Mẹ Hỏi", định mệnh truân chuyên những sầu hận biệt ly của mùa chinh chiến miên man, tàn khốc hầu như bất tận đã lộ rõ:
Lính vua, lính chúa, lính làng
Giết bao nhiêu giặc cho chàng phải đi.

Chinh chiến định mệnh bùng nổ "Mẹ Bỏ Cuộc Chơi" (ca khúc 7) là lẽ đương nhiên. Chinh chiến khốc liệt hứa hẹn chắc chắn và gần kề cảnh núi xương chất ngất, sông máu cuộn dâng.
Ca khúc 8 "Mẹ Trong Lòng Người Đi", người ra đi giữ nước vừa mở nước, nhịp mạnh rền Allegro Marcia, cung đô trưởng, hào hùng trong hướng mắt tương lai, nhưng vô cùng ai hoài trong hướng chiếu dĩ vãng, đúng hệt với ý câu thơ khuyết danh nào trước đây:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

Mẹ ở lại với con thơ, với vườn dâu, nuôi Mẹ thay chồng. Mẹ đã là chinh phụ. Nghẹn ngào. Héo hon. Sầu chất ngất. Nhưng quả cảm. Cho đến lúc, còn có cách nào khác hơn, "Mẹ Hóa Đá" (ca khúc 10):
Gió mùa đông
Mẹ không thấy mỏi
Đứng trông về
Bốn cõi trời xa
. . . . ..
Thương thi sĩ hay buồn
Cho nên mẹ hóa ra hòn núi cao.

Hạnh phúc sum họp lứa đôi với chồng trước đây chỉ lóe rạng mong manh như ánh bình minh một ngày thu gió giập mưa vùi, rồi là chia ly, nhọc nhằn về thể xác, ê chề về tinh thần, mẹ là chinh phụ, mẹ hóa đá, mẹ chỉ còn biết chắt gạn lấy chút niềm vui ở nơi đàn con thơ đang bừng lớn; nhưng than ôi, bi kịch Mẹ Việt Nam tới đây - (Phần Ba - Sông Mẹ) - mới thật sự bị cuốn hút vào đáy vực của Bão Tố Khổ Đau.
Thoạt Ca Khúc 11 "Muốn Về Quê Mẹ" thốt lời ảo não, vần vũ trong gió chiều, bềnh bồng cùng mây trời, mênh mang cùng trong nước:
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn vê quê mẹ mà không có đò.

Vì những dòng sông - lũ con - đã bị cuốn hút vào Dục Vọng, thực sự thành hiện thân của những tham sân si, chịu nặng nghiệp chướng. Từ lập công cứu nước (ca khúc 12 "Sông Còn Mải Mê" chúng đã chuyển sang tranh bá đồ vương với nhau (ca khúc 13 "Sông Vùi Chôn Mẹ"). Mẹ Việt Nam bị xoáy cuộn xuống tới đáy vực bi thảm ở đây, và còn bị tiếp tục giữ ở đáy vực bi thảm này qua hai ca khúc liên tiếp, ca khúc 14 "Sông Không Đường Về", và ca khúc 1 "Những Dòng Sông Chia Rẽ". Mãi cho tới cuối ca khúc này mới thấy một giọt sương mát long lanh, một búp gió hiền, đó là lời gọi bao dung và thiết tha của Mẹ:
Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ mẹ ta thì về."

để chuyển sang Phần Bốn - BIỂN MẸ.
"Trái Cây Đau Khổ" (1) của Phần SÔNG MẸ hung hãn, hẹp hòi, phân hóa, đã mở lối thoát thành Mẹ Trùng Dương (ca khúc 16):
Sóng vỗ miên man
Như câu ru em
Của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông
Như đôi tay ôm
Của Mẹ Trùng Dương
. . . . . .

Mẹ từ thuở ban đầu cô gái quê đôi tám "đôi má tươi hồng, đôi bàn tay trắng, lưng ong, vai lẳn, vú căng tròn" qua cuộc hành trình dài một đời khổ đau, nay đã tóc bạc da mồi.
Đâu đây âm hưởng, tiếng thuyền chài hô biến, âm hưởng sóng vỗ mênh mang, nhưng đó cũng lá tiếng Biển Mẹ gọi con về ca khúc 17 "Biển Động Sóng Gợn" mênh mông và hiền dịu lạ lùng:
Hà hơ... biển động sóng gợn tứ bề
Gọi thuyền viễn xứ quay về biển đông
Sông ra đi từ khi non dại
Từ miền ngoài sông lại Việt Nam
Có từ Hy Mã Lạp Sơn
Cũng về biển mẹ thành con một nhà.

Ý thức và vô thức kiêu mà hiền! Ca khúc viết ở cung mi giảm thứ sáu bémol. Sức chịu đựng và tính bao dung đã đạt tới gần mức sơn cùng thủy tận, để rồi từ đó thoát chyển sang ca khúc 18 "Thênh Thang Thuyền Về", ánh sáng rưng rưng huyền ảo như ánh bình minh đầu tiên miền địa cực sau sáu tháng đêm dài giá lạnh. Nét cò lả quen thuộc mở đầu phần kết thúc cho ca khúc này nghe mềm và ấm như khóc cho hết nước mắt để rửa sạch cõi lòng, truân chuyên còn đấy nhưng thanh thản đã về:
Mẹ già đang đón chờ ta
Có đàn chim én từ xa về rồi
Quê ta đẹp lắm mẹ ơi
Biển êm sóng lặng nước nôi hiền lành.

Và thực sự kết thúc ca khúc bằng ước nguyện nhắn nhủ:
Về đây xây đắp mối tình
Mối tình Việt Nam
Yêu Mẹ già
Thương Mẹ ta
Đàn con nhỏ
Nhớ yêu nhau
Đàn con nhỏ
Nhớ thương nhau.

Chuyển sang ca khúc 19 "Chớp Bể Mưa Nguồn" ta bắt gặp một hình ảnh hướng thượng và thăng hoa vô tiền tuyệt hậu trong thi giới và nhạc giới hoàn vũ:
Mẹ cười bốc thành hơi
Mây từ biển quý lên ngôi trời già.

Cứ như vậy trời mây mở rộng biển cả nối liền thơm ngát yêu thương, thơm ngát tình người, thơm ngát tình thiên nhiên cây cỏ, Mẹ đã thành Bà, từ những chua cay ngút ngàn Mẹ cắn răng chịu đựng, thời gian gội tóc trắng phau phau" (2). Mẹ đau thương lên ngôi Bà hiền hậu với ca khúc 20 "Phù Sa Lớp Mây Trời Cuốn Bay":

Triều dâng
Ngọn sóng theo trăng vào bờ
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô
Đồng chua rộng nới thành ta ruộng mềm
Đền bồi cho máu về tim
Có đàn cháu bé nhìn chim ngoài trời
Mây bay đẹp lắm bà ơi
Làn mây trắng, cuộn khắp nơi đợi chờ
Làn mây che nắng bốn mùa
Hay là cho nước Mẹ mưa ngọt bùi.

Dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, Mẹ Việt Nam, Mẹ tượng trưng cho lịch sử gian truân bi hùng. Như vậy.
Để khép bài này, tôi vẫn muốn nhắc lại câu thơ của người lính xấu số kia, câu thơ thổn thức não nề, hướng về quê nhà, Quê Mẹ, tập trung ở ngay hình ảnh người Mẹ:
Giày vẹt gót, áo sờn vai thấm thấm lạnh.
Những chiều Trường Sơn, núi đồi cô quạnh.
Mẹ hiền ơi con trót nhớ quê mình!!

Mẹ hiền như ánh đuốc soi sáng lương tâm những lúc đi lạc trong biển sương mù.

Saigon, Vu Lan 2517 (1973)
DOÃN QUỐC SỸ

(1) Tên vở kịch của Soạn giả, Sáng Tạo xuất bản 1963
(2) Thơ Đoàn Văn Cừ

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

ƠN MẸ

Mẹ Việt Nam ơi!

Sóng Lúa, Mẹ Tôi

Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Một đời bạc vôi
Trắng xóa mái đầu
Bốn mùa mưa nắng
Gánh ưu tư, trĩu nặng mảnh vai gầy
Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Màu da Mẹ
Sạm nắng rẫy khoai
Gương mặt Mẹ
Chằng chịt vết nhăn
Đường thăng trầm
In rõ bước chân con
Tình thương của Mẹ
Điệp trùng sông núi
Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Mẹ quên đời, tim lụn đèn khuya
Từ phía mưa giăng
"Bên ráo con ngủ
Bên ướt Mẹ nằm"
Mẹ ơi! Một đời lạnh lẽo
Nhớ về Mẹ!
Mắt sao hôm nhấp nháy
Một đời con hoài niệm
Mẹ! Mẹ Việt Nam ơi!

Vũ Hối








The Mother and Child






THE MOTHER AND CHILD

Món quà quý giá cho Con

The Mother and Child
hãy lắng nghe - lắng nghe và lặng nghe
bản giao kết tuyệt vời trong Let It Be
những hạt hồng bay trong thinh không mầu nhiệm
tình yêu mở cửa
cuốn hút từng lời
vang sâu trong tim

The Mother and Child
Bản Tình Ca cho Con
ngọt ngào
tuyệt vời
tha thiết

được viết từ những tấm lòng
gặp nhau trong cuộc vun đời
tha thiết với mọi người
chung chia niềm vui trên giòng khắc nghiệt
với ước mong lột bỏ được
chiếc áo của định phận khắc khe
mãi choàng trên những chiếc thân mảnh dẻ
hẩm hiu

Lắng nghe - lắng nghe và
lặng nghe
The Mother and Child

tôi hé mắt
qua khe hở của chiếc áo choàng
người mong vất bỏ
gởi những lời tha thiết
cám ơn
The Mother and Child !

Cao Nguyên

Mẹ Việt Nam








Những bà mẹ Việt Nam theo dòng lịch sử

Theo truyền thuyết, bà Mẹ Âu Cơ khi chia tay với Lạc Long Quân, đã đưa 50 con băng
rừng vượt núi, từ Động Đình hồ về miền Nam nắng ấm xây dựng nước Văn Lang. Mẹ Âu Cơ
muôn thuở là bà mẹ Việt Nam nhân từ, nuôi dạy các con nên sự nghiệp lớn lao. Người con
trưởng của Mẹ Âu Cơ là vua Hùng Thứ Nhất, truyền được mười tám đời làm rạng rỡ non
sông. Dân tộc Việt từ đó hào hùng bất khuất, giữ vững đất nước Việt cuối cùng trong hàng
trăm bộ lạc Việt giờ đây đã bị đồng hóa thành quận huyện Bắc phương!

Cũng theo Ngoại sử, Bà Trình Thị là một bà Mẹ Việt Nam ở vùng đất Chân Định thuộc trấn
Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình (1), là Hoàng Thái Hậu triều đại Triệu Vũ Đế nước Nam
Việt. Thái Hậu Trình Thị sinh ra Trọng Thủy, sau kết duyên với nàng Mỵ Châu sinh ra Triệu
Hồ tức Triệu Văn Đế của nước Nam Việt. Truyện tình Trọng Thuỷ Mỵ Châu có lẽ bị người
Tàu xuyên tạc, khiến ai cũng chê trách Triệu Đà và Trọng Thủy. Mặc dù vậy, trong câu
chuyện này kẻ ác giết con không phải là Triệu Đà và người chồng chung tình, chung thủy
vẫn là chàng Trọng Thủy, đời đời nêu gương sáng chẳng thể mờ phai.

Bà Thái Hậu Dương Vân Nga chấp chính khi chồng bị ám hại và con trai lên ngôi vua mới 6
tuổi. Lúc đó nhà Tống bên Tàu rất hùng mạnh, muốn sang nuốt chửng nước ta để tiếp nối
mộng “đô hộ nghìn năm”. Thái Hậu Dương Vân Nga vì việc nước trên việc nhà đã can đảm
nhường ngôi nhà Đinh cho nhà Tiền Lê. Việc làm cao cả cuả bà, đã gây nên biết bao sóng
gió! Búa rìu dư luận nghiêm khắc của những vị “Tống Nho” đã cùng đổ lên đầu bà. Có ai
sống ở cuối thế kỷ thứ 10 đâu mà thông cảm với Bà trong hoàn cảnh “thù trong giặc ngoài”
như vậy?

“Tôi không sợ mất tiếng”
“Mà chỉ sợ mất nước!”
”Mất danh tiếng chỉ riêng mình tôi chịu”
“Nước mất rồi, trăm họ sẽ ra sao?”

(Kịch thơ Hoàng Bào Chính Nghĩa)

Bà Ỷ Lan Thái Phi cũng được kể là một bà mẹ hiền lương, tài đức. Khi vua Lý Thánh Tông
thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Bà được giao trọng trách “giám quốc”, giữ việc triều chính
đối xử trăm quan và coi sóc muôn dân. Khi vua Thánh Tông rút quân trở về vì việc đánh
dẹp không thành công, nghe tiếng đồn trong dân gian bà Nguyên Phi giám quốc ở nhà,
trong nước được yên trị dù sẩy ra việc đói kém và giặc dã nổi lên vài nơi. Vua Lý Thánh
Tông vì tự ái đã mang quân trở lại đánh Chiêm và được thành công, mở mang đất đai Đại
Việt đến phía bắc Quảng Trị ngày nay (2).

Vua Lý Nhân Tông chính là Thái Tử Càn Đức, con bà Thái Phi Ỷ Lan. Lý Nhân Tông lên
ngôi lúc 7 tuổi, được mẹ là Ỷ Lan Thái Phi buông rèm thính chính và được Thái Sư Lý Đạo
Thành làm phụ chính. Theo sử gia Phạm Văn Sơn, chính nhờ mẹ dạy giỗ lúc còn thơ dại,
vua Lý Nhân Tông đã trở thành một minh quân lỗi lạc, một vị anh hùng dân tộc có công
đánh Tống bình Chiêm làm vẻ vang dân tộc Việt.

Ngoài những bà mẹ quyến quý hoàng gia, nơi dân dã những bà mẹ Việt Nam cũng tài giỏi
trung trinh tiết liệt không kém, một lòng một dạ lo cho chồng cho con. Thực vậy, “con cò“
trong ca dao và trong văn chương Việt Nam chính là hình ảnh của người phụ nữ Việt: Cần
cù, chịu thương chịu khó vất vả chắt chiu nuôi bầy con thơ, mẹ già. Đôi lúc nàng còn phải
nuôi cả chồng vì hoàn cảnh chồng đi lính giữ nước nơi biên ải xa xôi, hoặc bị đầy ải nơi
rừng xanh nước độc do chính sách trả thù của kẻ thắng trận:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chông tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh trảy hội nước non Cao Bằng

Khi sa cơ lỡ vận, người phụ nữ Việt có thể phải hy sinh, nhưng trước khi chết, nàng vẫn
thành khẩn xin được chết thanh cao, trong sạch để tiếng thơm cho con cháu sau này:

Cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con

Trong văn chương, Bà Tú Xương được chồng trân trọng biết ơn vì một mình bà lo quán
xuyến việc nhà, nuôi dạy con thơ và nuôi chồng ăn học. Cũng nên biết thêm rằng cuộc đời
ông Tú Xương rất long đong, lận đận về đường thi cử. Ông phải thi cử đến 8 lần mới đỗ Tú
Tài và thi cử nhân mãi không đậu, nên không học cao thành ông nghè ông Cống được:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Trong lịch sử dân tộc chống Tàu, chống Pháp đô hộ, người phụ nữ Việt Nam cũng luôn luôn
hiên ngang sát cánh cùng chồng ngoài chiến trường hay trên đường tranh đấu. Bà Trưng
Trắc đã cùng chồng là ông Thi Sách chống lại sự hà hiếp của thái thú Tô Định. Khi Tô Định
dùng pháp luật đô hộ giết hại ông Thi Sách, Bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị vì nợ
nước thù nhà nổi lên đánh đuổi Tô Định về Tàu và cùng lên làm vua:

Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

Ngoài ra, còn Bà Ba Đề Thám vợ hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám , Cô Giang vợ
chưa cưới của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học... vân …vân…và biết bao nhiêu nữ tướng
anh hùng, nữ sĩ…, những bà mẹ Việt Nam chung thủy cùng chồng nuôi dưỡng con thơ khôn
lớn nên người…

Kết luận: Ngày Lễ Mẹ là một ngày lễ chính thức có ý nghiã tôn vinh vai trò cao quý của
những bà Mẹ nuôi dưỡng con thơ. Không phải chỉ loài người mới có những bà mẹ nuôi
dưỡng con thơ , mà đối với loài vật cũng thế. Đây là một nghĩa cử có vẻ theo bản năng
thiên nhiên, nhưng cũng có vẻ theo tập tục lâu dài? Cổ nhân có câu nói: “nước mắt chảy
suôi”. Làm bậc cha mẹ là phải có nhiêm vụ nuôi dưỡng con cái để bảo tồn nòi giống. Tạo
hóa sinh ra thế và tất cả những loài sinh vật đều được “hiểu” như thế. Do đó chữ Hiếu hay
thờ kính cha mẹ luôn được đề cao đối với bất cứ tôn giáo nào. Loài vật không có tiếng nói,
củng không có một nền văn hóa như loài người. Phần lớn chúng hành động theo bản năng
và rất có thể cũng có những loài vật thông minh, hiểu biết phần vụ mà chúng phải hoàn
thành?

Mẹ là một đề tài phong phú trong văn chương và Ngày Lễ Mẹ cũng là một đề tài phong phú
trong thi ca nhạc vậy!

Song Thuận

(1) Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thời Sỹ), tr. 24. Theo Sổ Tay Địa Danh Việt Nam của Đinh Xuân
Vịnh, “Chân Định là huyện về đời Lê, thuộc phủ Kiến Xương, do phủ kiêm lý, trấn Sơn Nam.
Nguyên là huyện Chân Lợi, đời Lê vì kỵ huý vua Lê Thái Tổ, nên đổi là Chân Định, lấy tên là
quê hương Triệu Đà ở nước Triệu bên Trung Quốc. Đà có người vợ người Việt quê ở Đồng
Sâm, huyện Chân Định. Đời Thành Thái vì kỵ huý tên vua Dục Đức là Ưng Chân, đổi là Tr
ực Định và chuyển thuộc tỉnh Thái Bình mới thành lập (1894), từ năm 1945 l à huyện Kiến
Xương. Quê Nguyễn Quang Bích, Tr ơng Quỳnh Như.”

(2) Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh mang 10 vạn quân vào đánh Chiêm Thành,
bắt được vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Củ(Jaya Rudravarman). Chế Củ buộc phải dâng
đất của ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cầu hòa. Vua Lý Thánh Tông đặt tên cho
vùng đất mới này là trại Tân Bình, lãnh thổ Đại Việt thêm vùng đất này, nay là Quảng Bình
và bắc Quảng Trị. (nguồn Wikipedia)

Sách tham khảo:
Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim - Nhà XB Miền Nam
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Việt Khoa Học Xã Hội Việt Nam - Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
Việt Sử Tiêu Án - Ngô Thời Sỹ - Nhà Xuất Bản Văn Sử.
Sổ Tay Địa Danh Việt Nam – Đinh Xuân Vịnh - Nhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội 2002.
Tuyển Tập Thi Nhạc Vịnh Sử Việt Nam - Nhiều tác giả - Hùng Sử Việt Xuất Bản 2007
Tài liệu trên internet: Wikipedia, Đài VOA
Nghe Nhạc: Người con gái Việt Nam

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Áo Dài trong Thơ và Nhạc





"Tâm tư khép, mở đôi tà áo..."
("Tự tình dưới hoa", Đinh Hùng)

Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người.

Giọng hát dìu dặt và trầm ấm của Duy Trác cất lên đâu đó trong một chiều cuối thu gợi nhớ hình ảnh và nơi chốn thân quen trước "cổng trường áo tím" những chiều tan học. Áo tím túa ra như đàn bướm, áo tím thướt tha dọc theo những lối đi dưới lá trên lề đường Phan Thanh Giản, trên những đường phố Sài Gòn ngập nắng. Những tà áo nhẹ bay trong gió từ lâu lắm đã đi vào thi ca, đã làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận của những người làm thơ, viết nhạc. Tà áo nên thơ ấy, dưới đôi mắt ngắm nhìn của người nghệ sĩ, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, thể hiện qua từng lời thơ ý nhạc:
Dưới mắt Phạm Đình Chương là "áo bay mở, khép nghìn tâm sự..." (Mộng Dưới Hoa)
Dưới mắt Vũ Thành là "áo dài bay ngờm ngợp cả khung trời..." (Mùa Kỷ Niệm)
Dưới mắt Hoàng Dương là "áo mầu tung gió chơi vơi..." (Hướng Về Hà Nội)
Dưới mắt Trịnh Công Sơn là "áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều..." (Tình Nhớ)
Những vạt áo dài, từ lâu lắm, đã lất phất trong những trang thơ tiền chiến. Từ "đôi tà áo lụa bay trong nắng…" (Áo Lụa, Bàng Bá Lân) đến:
"Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài...." (Áo Trắng, Huy Cận).
Áo dài cũng len cả vào những câu lục bát trữ tình của Nguyễn Bính:
"Hồn anh như bông cỏ may
một chiều cả gió bám đầy áo em" (Bông Cỏ May)
Và len cả vào dòng thơ hào hùng mà lãng mạn của Quang Dũng:
"Em đi áo mỏng buông hờn tủi
dòng lệ thơ ngây có dạt dào" (Đôi Bờ)
Áo dài còn là giấc mơ thanh bình của những làng quê hiền hòa trong tình ca quê hương của Phạm Duy:
"Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười..." (Quê Nghèo)
Kỷ niệm êm đềm về một tà áo, một đôi mắt huyền được Tô Vũ ghi lại bằng nét nhạc lâng lâng:
"Em đến thăm anh, người em gái, tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh..." (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)
"Ta ước mơ một chiều thêu nắng..." Nỗi "ước mơ" của chàng nhạc sĩ họ Tô ấy được vẽ lại trong thơ Trần Dạ Từ. Trong phút giây chờ đợi bước chân người tình khe khẽ đến bên hiên nhà, chàng tưởng chừng nghe được cả tiếng gió lay động vạt áo dài và tiếng lá nhẹ rơi bên thềm:
"Môi cười vết máu chưa se
cành hoa gạo cũ nằm nghe nắng hiền
Anh nằm nghe bước em lên
ngoài song lá động, trên thềm áo bay" (Khi Nàng Đến)
Áo bay làm nhớ nhung, như nỗi nhớ da diết một mầu áo, một đôi môi thắm trong nhạc Từ Công Phụng:
"Chiều nay nhớ em rồi, và nhớ áo em đẹp trời thơ, môi tràn đầy ước mơ..." (Bây Giờ Tháng Mấy)
Áo bay làm ngơ ngẩn, như chàng Huy Cận thuở mới lớn, trước cổng trường nữ sinh:
"Một hôm trận gió tình yêu lại,
đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư" (Học Sinh)
Áo bay làm thẫn thờ, như chàng thi sĩ đa tình Nguyễn Tất Nhiên, dõi mắt nhìn theo mãi một tà áo vu quy:
"Đò qua sông chuyến đầu ngày,
người qua sông mặc áo dài buông eo" (Chuyến Đò Cửu Long)
"Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong" (1)
Áo trắng trinh nguyên tuổi học trò, áo trắng của "một thời áo trắng", từng làm ngất ngây trái tim bao chàng trai, để đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn còn trông thấy "áo ai bay trắng cả giấc mơ".
Áo trắng như dòng suối mát trong thơ Huy Cận:
"Dịu dàng áo trắng trong như suối,
tỏa phát đôi hồn cánh mộng bay" (Áo Trắng)
Áo trắng như lụa trắng trong thơ Hoàng Anh Tuấn:
"Áo em lụa trắng sông Hương
qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào" (Về Chân Trời Tím)
Hay trong thơ Kim Tuấn:
"Em về tà áo lụa
bay ngập ngừng trong anh" (Thu ở Xa Người)
Hay trong thơ Nguyên Sa:
"Mây cao, gót nhỏ, mây vào gót,
áo lụa trăng mềm bay xuống thơ" (Tám Phố Saigon)
"Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng
thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng" (Áo Lụa Hà Đông)
Áo trắng như gió, như mây, để "nhà thơ của tình yêu" phải bâng khuâng:
"Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi, một phần mây?
Hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay?" (Tương Tư)
Áo trắng của nhà thơ còn là dải sương mù lướt thướt trên bến sông Seine giữa kinh thành hoa lệ Paris, gợi nhớ một vạt áo dài ở chốn xa quê nhà:
"Anh về giữa một dòng sông trắng
là áo sương mù hay áo em" (Paris Có Gì Lạ Không Em?)
Áo trắng của Hoàng Thi Thơ là bướm trắng, là hoa trắng, là mây trắng…
"Ngày nào em đến áo em mầu trinh, áo xinh là xinh, áo em trong trời buồn, là gió, là bướm, là hoa, là mây chiều tà..." (Hình Ảnh Người Em Không Đợi)
Áo trắng một màu trắng thanh khiết trong nhạc Nguyễn Vũ:
"Áo trắng em bay như cánh thiên thần…" (Bài Thánh Ca Buồn)
Áo trắng nhẹ bay trong chiều giáo đường trong nhạc Lê Trọng Nguyễn:
"Tà áo trinh nguyên tung bay, nụ cười thân ái..." (Chiều Bên Giáo Đường)
Áo trắng một màu trắng xóa làm hoa cả mắt nhà thơ Hàn Mặc Tử:
"Áo em trắng quá nhìn không ra" (Đây Thôn Vĩ Dạ)
Áo trắng như đôi cánh trắng trên sân trường kỷ niệm trong thơ Luân Hoán:
"Tà áo trắng xoè như đôi cánh lượn
trải dịu dàng trên cỏ mượt mà xanh" (Trong Sân Trường Bữa Ấy)
Mỗi người đều cần có một mái trường để luyến tiếc, để nhớ về.... Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những người thầy người bạn, là nhớ về những lớp học những sân chơi và những năm tháng tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ.
"Áo mầu tung gió chơi vơi"
Áo bay như bướm lượn, áo bay như đàn bướm trong khu vườn mùa xuân. Áo bay nhiều quá, để chàng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm... thơ:
"Hôm nay sao áo bay nhiều thế! Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe mầu..." (Tà Áo Cưới)
Áo mầu của Phạm Duy lất phất trong gió chiều như lòng người... phất phơ:
"Xin cho em một chiếc áo mầu, cho em đi nhẹ trong nắng chiều. Một chiều nhiều người theo, ở ngoài đường trên phố, và lòng người như áo phất phơ..." (Tuổi Ngọc)
Nhớ về một mầu áo là nhớ về những đường phố quen tên, nhớ áo ai bay trong chiều trên những con đường ngập xác lá vàng, như nỗi nhớ ngút ngàn của Trịnh Công Sơn:
"Nhớ Sài Gòn những chiều lộng gió, lá hát như mưa suốt con đường đi, có mặt đường vàng hoa như gấm, có không gian mầu áo bay lên..." (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên)
Những tà áo muôn mầu muôn vẻ vẫn khoe sắc thắm trong những trang thơ và nhạc. Áo vàng trong thơ Nguyên Sa có khi là bông cúc vàng:
"Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc" (Tuổi Mười Ba)
Có khi là nắng thu vàng:
"Có phải mùa xuân sắp sửa về
hay là gió lạnh lúc đêm khuya?
hay là em chọn sai mầu áo
để nắng thu vàng giữa lối đi?" (Tương Tư)
Áo vàng như cánh mai vàng trong nhạc Trần Thiện Thanh. Người lính trẻ thấy sắc hoa rừng, mơ về một sắc áo:
"Những hôm vừa xong phiên gác chiều ven rừng kín hoa mai vàng, chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ..." (Đồn Vắng Chiều Xuân)
Người lính chiến trong nhạc Phạm Đình Chương cũng bâng khuâng vì một sắc hoa, một mầu áo, một đôi mắt người xưa:
"Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa
thấy sắc hoa tươi nên mơ mầu áo năm xưa
Kỷ niệm đầu len len trở về tâm tư
có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ..." (Màu Kỷ Niệm)
Tà áo màu xác pháo để lại nỗi buồn lắng đọng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên:
"Người qua sông mặc áo hường
Nắng dương gian, nắng buồn hơn trước nhiều" (Chuyến Đò Cửu Long)
Áo mầu tím, mầu của "định mệnh", của mộng mơ, nhớ nhung và chia cách. Chuyện tình "ngàn thu áo tím" của cô bé trót yêu màu tím, được Hoàng Trọng, "nhạc sĩ của mầu tím", kể lại:
"Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím... Chiều xuống áo tím thường thướt tha, bước trên đường thắm hoa, ngắm mây trời lướt xa..."
Rồi khi vừa biết yêu là khi chia tay với mầu tím, chia tay với tình đầu:
"Ngàn thu mưa rơi trên áo em mầu tím, ngàn thu đau thương vương áo em mầu tím..." (Ngàn Thu Áo Tím)
Cũng một mầu áo tím, một chân trời tím trong thơ Kim Tuấn:
"Áo nàng bay lên tím ngát trời chiều" (Phố Xưa)
Trong mắt Vũ Thành, "nhà thơ của mầu tím", khi mùa thu buông áo xuống một phương trời, mầu mây tím trông như mầu áo người mình yêu để lòng chàng gợn lên nỗi buồn trăn trở:
"Áo em tím cả phương này
anh nghe thành phố đêm nay trở buồn" (Áo Tím)
Vạt áo dài mầu tím hoa sim, trong thơ Phạm Thiên Thư, chỉ là thoáng lay động, vừa ngập ngừng e ấp vừa nao nức gọi mời:
"Áo em vạt tím ngàn sim
nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
gặp đây giả bộ hững hờ khói bay" (Động Hoa Vàng)
Rồi áo tím qua cầu, mang theo cả mùa thu, để lại nỗi trống vắng mênh mang trong lòng nhà thơ Trang Châu:
"Thế giới của anh không có chân trời
không có mùa xuân lấy đâu hoa bướm
không có bàn tay cho bàn tay hò hẹn
áo tím qua cầu nên cũng hết mùa thu" (Thế Giới Của Anh)
Có những gặp gỡ rất tình cờ, bất chợt, như gặp gỡ một tà áo tím, cũng đủ để lòng chàng nhạc sĩ Hoàng Nguyên mãi vấn vương theo mầu áo:
"Một chiều lang thang bên dòng sông Hương, tôi gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương... Rồi lòng bâng khuâng theo mầu áo ấy, mầu áo tím hôm nào..." (Tà Áo Tím)
"Nhạc sĩ của mầu xanh và mùa thu", danh hiệu ấy có lẽ thuộc về hai chàng Đoàn Chuẩn–Từ Linh chứ không ai khác hơn:
"Với bao tà áo xanh đây mùa thu..." (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
Câu hát nghe như bàn tay kéo nhẹ tấm màn cửa mở ra khung trời bát ngát mùa thu, bát ngát màu xanh. Trong những dòng kẻ nhạc của hai chàng nghệ sĩ đa tình ấy vẫn luôn luôn thấp thoáng một "tà áo xanh" và một "màu xanh ái ân":
"Tà áo xanh nào về với giấc mơ. Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu..." (Thu Quyến Rũ)
"Trót", như một định mệnh, buộc chặt người viết câu hát với mầu xanh kia.
"Hẹn một ngày nao khi mầu xanh lên tà áo..." (Cánh Hoa Duyên Kiếp)
Nghe như câu hẹn ước, như lời thề nguyền sắt son...
"Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh..." (Tà Áo Xanh)
Còn lời dặn dò nào ân cần, thiết tha hơn thế nữa...
Nhớ về một mầu áo là "nhớ những giây phút êm đềm, nắng loang trên sân trường một chiều nào..." (2). Màu áo xanh trong thơ Nguyên Sa là màu cây cỏ xanh tươi trên sân trường phượng vĩ:
"Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường" (Tuổi Mười Ba)
Màu áo xanh trong nhạc Y Vũ gợi nhớ một mái tóc, một tà áo thấm đẫm nước mưa:
"Chiều xưa mưa rơi âm thầm, để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em..." (Tôi Đưa Em Sang Sông)
Tà áo mầu xanh thắm của một "tiếng hát học trò" gieo vào lòng nhạc sĩ Nguyễn Hiền bao "niềm thương nhớ đầy vơi":
"Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ. Tà áo em xanh, mầu mắt ngây thơ..." (Tiếng Hát Học Trò)

Lê Hữu