Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Bòn Bon




Hơn hai tháng nay, đi ngang chợ nào cũng có mít, gía không còn đắt như vài năm trước, mua một trái mít hơn mười ký mất tiêu 60 đồng đô Mỹ, người còn ở Việt Nam nghe thế hẳn trợn tròn mắt. Năm nay gía cả đã nhẹ nhàng hơn, dưới một đồng một cân anh (pound = 425 gr) trái mít hơn mười kg chỉ còn khoảng trên dưới hai mươi đồng. Giống như cách đây gần hai mươi năm, một trái xoài tươi gần ba đồng, đến nay một thùng sáu đến tám trái có khi cũng chỉ ba đồng, khi chợ tung ra bán hạ giá vì hàng chất trong kho bắt đầu chín rộ. Có lẽ mỗi chợ mua mão hẳn một vườn cây chăng? Mà xoài của mỗi chợ khác vị khác hiệu chẳng giống nhau, Ocean khác Đại Thành khác, Senter chẳng giống 99, Thanh Trúc - Hải Thành thùng màu vàng thùng màu tím, ngay cả các chàng Mễ bán dạo bên đường cũng bán xoài khác hiệu. Nói chung vào đúng mùa trái cây nhiệt đới, dân chúng California sung sướng thưởng thức không biết bao nhiêu thứ trái cây để kể. Nhớ ngày nào phải hồi hương lập nghiệp, xa lánh ánh đèn đô thị tập làm việc đồng áng cho biết lao động với người ta, thòm thèm ngắm bức tranh, chụp hình đĩa trái cây treo trên vách nhà dựng bằng lá dừa, có trái dưa vàng cantaloupe loại trái này Việt Nam chưa thấy bao giờ, trái kiwi, trái sơ ri một hột (cherry) mà mơ mộng có ngày được nếm xem nó chua ngọt thế nào, bây giờ chợ chất đầy mua một tặng một không thèm ăn nữa. Kiwi trái xanh chê chua không thèm ăn, phải lựa loại kiwi vàng nhập cảng từ New Zealand hơn hai đồng một trái mới chịu, đúng cái lưỡi là nguồn cơn của bao tội lỗi.
Nhìn hàng hóa nhập từ Việt Nam sang chất đầy trong tủ đá của các chợ, từ xả bằm nhuyễn đến gấc nấu xôi, khoai mì khoai mỡ, bắp luộc, chuối nấu, chuối nướng chuối xào, nói chung là người tha hương thèm thuồng vị gì, quê nhà chuyển sang đầy đủ, đùi ếch hến cồn – cua đồng ba khía không thiếu. Chỉ thiếu vị tươi, nói sao thì nói, ăn sao thì ăn điều quan trọng là phải chín cây, phải mới lưới. Nghe tin cả ký hóa chất dùng để “bảo quản không bị héo úng”, cả thùng phân hóa học tưới đến đâu nở hoa đến đấy mà ngài ngại Made in Việt Nam. Dù ngại mà thấy trái măng cụt - trái vú sữa - trái sa pô chê lần đầu trong tủ đá, cũng phải mua mang về, ăn thử xem sao là một, hai nữa khoe cho con xem cây trái của quê mình.
Hỡi ơi!

Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở - trái hết ngon khi bị bỏ phi – zờ (freezer) (sửa thơ của Hồ Dzếnh)

Trái vú sữa chẳng ra làm sao, trái sa cô chê cũng không ra sao cả và trái măng cụt thì thâm xỉ thâm xì, dạo trước trái thanh long cũng bị cho vào đông đá, để gởi sang bán cho người Việt tha hương, hẳn các trái ấy đã vật vã đã vùng vằng như các cô gái, bị cha mẹ ép gả để lấy của hồi môn thời xưa.

Và chùm trái bòn bon đã xuất hiện bên cạnh quầy tính tiền của cô hàng trong khu chợ Lee Sandwich, trái tươi hẳn hoi không bị rụng rớt chi hết, dĩ nhiên trái bòn bon bây giờ đúng nghĩa là trái Nam Trân, cái tên vương giả của Chúa Nguyễn đặt cho, khi ông dẫn quân chạy vào rừng gặp được cây bòn bon trái chín lúc lỉu, nhờ cây này mà Chúa và đoàn quân không bị chết đói. Phẩm vật tiến vua ngày xưa luôn phải có một một mâm.

Trái bòn bon trong dòn, ngoài héo
Trái thầu dầu trong héo, ngoài tươi
Em thương anh ít nói, ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng.

Theo câu ca dao trên, trái bòn bon phải heo héo bên ngoài vỏ thì bên trong mới tươi ngọt đậm đà, ai tham lam mua chùm trái to sẽ bị gạt, vì trái càng to hạt bên trong càng lớn, đang ăn ngon ngọt gặp cái hạt đắng mất cả thú, nhiều người nuốt luôn cả hột các bà nhà vườn bảo: “Ăn hột đâu có sao, thành thuốc!” nhắc đến câu thành thuốc mà thương, cây trái gì cũng có vị thuốc: lá thuốc - hoa thuốc - cây thuốc - vỏ thuốc dĩ nhiên trái cũng là thuốc, hạt cũng là thuốc. Vừa gặp anh Google mách lẻo, anh chàng Google này thuộc hàng nhiều chuyện thầy chạy hỏi một câu anh trả lời trăm câu, viết một chữ anh phóng trả ngàn chữ, người hỏi tối tăm mặt mũi như gặp khói trận đồ, ngồi dán mắt vào anh say mê nghe anh nói có đầy đủ hình ảnh phụ họa.

Công dụng thuốc và dinh dưỡng của dược sĩ Trần Việt Hưng sống tại Portland, trên trang Y Dược Ngày Nay:

http://www.yduocngaynay.com/
bài của ông viết đã được phát tán đều khắp thế giới internet, từ Việt Nam đến trăm ngàn nơi, qua bài ông viết mới hay đâu chỉ các cô các cậu thanh niên Việt Nam mới mê trái bòn bon mà rủ nhau đạp xe tìm đến các vườn cây để hái bòn bon, các cô các cậu người Phi người Thái, nhất là người Mã Lai, quê hương chính của cây bòn bon này. Cái tên gọi Bòn-bon giống tên gọi viên kẹo đường tròn xoay của Pháp nên anh Google có bảo: “Cái tên bòn bon này do một người Pháp đặt cho cây!”

Con chim vàng ảnh vàng anh
Ăn no tắm mát đậu cành dâu da
Ta thương mình, mình chẳng thương ta
Cành kiêu bổng phất, cành la đa chìm.

Nhắc đến bòn bon mà không nhắc đến trái dâu da cũng tội, những trái dâu duyên dáng nhẹ nhàng thòng từ thân cây mập mạnh, lần nào đi Lái Thiêu về cũng treo lủng lẳng trên giỏ xe, thuở mê chua hơn ngọt, mua dâu da rẻ hơn mua bòn bon, lý do trước cổng trường trung tiểu học ngày xưa bán dâu da cho học sinh mua ăn vặt, chẳng thấy bóng dáng trái bòn bon.
Trái dâu có duyên hơn trái bòn, các anh chàng “khéo ăn khéo nói” dùng trái dâu khen đôi môi em khen khuôn mặt em vì trái dâu không tròn nó hơi dài chút đỉnh, nhất là có điểm nhọn như dáng trái tim. Hai cây dâu da và cây bòn bon cũng cao to, cũng trái mọc trên thân từ trên cao xuống tận gốc, cũng là giống cây mộc trong rừng, tuổi phải hơn hai mươi mới chịu khôn lớn, “cành kiêu bổng phất, cành la đa chìm” .

Sống nhiều đi nhiều, gặp gỡ nhiều cây trái, mùa này dân chúng sống ở California, nhà nhà có trái rụng trái rơi, trái mời chim ăn, trái mang chia hàng xóm vẫn còn trĩu nặng đầy cây mà có không ít người vẫn đi tìm trái gì đó không có chung quanh. Tiềm thức bảo tìm trái dâu da chua lè chua lét, hái từ vườn mang ra bờ sông nâu đỏ mầu phù sa bóc ăn hết ruột đã lâu mà người bên cạnh kể chuyện mây nước trời trăng chưa hết, đầu lưỡi còn nhớ cả vị chua của vỏ lúc e lệ nghe người ta kể chuyện tình Roméo Juliette rồi hỏi: “Nếu tui là Roméo, bà có chịu đóng vai Juliette không?” Hình ảnh thuở 1970 một nam một nữ ngồi cách nhau cả sải tay, ở giữa là đống vỏ dâu da, không xa lắm cả đám bạn chơi đùa tiếng cười nói giòn tan đã là bao “lãng mạn – tình tứ” bốn mươi năm sau còn nhớ câu hỏi “lãng òm”

Năm xưa thầy mẹ bảo em
Chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi
Để nhà anh tới chịu lời
Ăn dâu quả ngọt ngẫm người biết ta!

Hồi ấy chỉ biết có vườn trái cây Bình Dương – Lái Thiêu, bây giờ biết thêm sông Hưng Bình Núi Ấn Lĩnh của Làng Truồi cũng là nơi trồng dâu, loại dâu tiên ngọt ngào có điểm son trên trái, điểm son là nơi ánh nắng sáng rọi thẳng vào chùm trái, tô màu thành vệt đỏ cam. Trong cả chùm hơn ba mươi quả, tìm trái dâu tiên mà ăn thì nhung nhớ cả đời.
Biết thêm bên đàng trai làng Truồi có thêm mâm dâu tiên dẫn cưới, đàng gái Làng Truồi trả quả cũng mâm dâu tiên.
Bóc vỏ quả bòn bon, mủ trắng dính tay, tìm trái heo héo không bị như thế, múi bên trong người bảo có năm múi, sao có trái chỉ mang ba múi vẫn đầy, múi xinh xắn mọng nước, ngậm tan trên lưỡi ngọt ngào.
Biết hạt là vị thuốc nên dành lại cho người yêu ăn tẩm bổ, mình thì dại chẳng thèm!
Cây bòn bon có hoa lưỡng tính cho vị ngọt thơm – dự luật số 8 đã thông qua rồi dâu da trảy vỏ thành bòn bon môi cười.

Một bài viết thật dễ thương về cây dâu Hạ Châu

Ở ĐÂY


ẤU TÍM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét