Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang





Tiểu Sử và Tác Phẩm

Những Ca Khúc Tiêu Biểu
Măi đến sau 1965, một số những bài hát của Nguyễn Đức Quang mới xuất hiện rải rác trên một số ấn phẩm sách, báo và vài tuyển tập sơ sài do tình hình thiếu thốn phương tiện và điều kiện lúc bấy giờ, người ta đã thấy có các tập nhạc in bằng ronéo như: Trầm ca, Những Bài Ca Khai Phá, Ruồi và Kên Kên, Thỏ Thẻ Loan Phòng v..v.

Năm 1995, Ngô Mạnh Thu và Nguyễn Thiện Cơ trong nhóm Đồng Vọng thu gom lại hầu hết bản nhạc trong các tập nhạc chính và ấn hành tuyển tập Dưới Ánh Mặt trời gồm 69 bài. Duới đây là những nét chính và 9 tập nhạc đã được tác giả hình thành trên suốt quãng đường sinh hoạt và sáng tác của anh. ( Trích trong ” Về những ca khúc Nguyễn Đức Quang đă viết” trong tuyển tập “Dưới Ánh Mặt Trời” )

Ấn Phẩm Đã Phát Hành:
1. Chuyện Chúng Mình:
52 ca khúc, viết từ 1960 đến 1964,thời kỳ đầu sáng tác, hầu hết là các khúc tình ca tuổi học trò và thời gian sinh sống tại Đà Lạt . Một số bài như: Chuyện Người Con Gái , Khôn Hồn Có Cánh Thì Bay, Trẫm Nhớ Ái Khanh Không? (phổ thơ Nhất Tuấn), Lửa Từ Bi ( Thơ Vũ Hoàng Chương).

2. Trầm Ca:
10 ca khúc cho thanh niên và thời cuộc, những thao thức lớn nhất về con người, đất nước.
Những ca khúc này tạo nên cả một cao trào tuổi trẻ nhập cuộc vào các sinh hoạt.
Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Người Anh Vĩnh Bình, Tiếng Hát Tự Do, Chiều Qua Tuy Hòa, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ là dấu ấn chưa phai mờ trong nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam từ đó đến nay.

3. Những Bài Ca Khai Phá:
trên 40 ca khúc sinh hoạt đặc biệt cho tuổi trẻ , sinh viên, học sinh dùng trong các buổi họp mặt công tác xã hội, các hoạt động đám đông, là tiếng kêu gọi tuổi trẻ đến với nhau cùng xây dựng một đất nước và niềm tin: Không Phải Là Lúc , Về Với Mẹ Cha, Đưới Ánh Mặt Trời, Chuyện Quê Ta, Hy Vọng Đã Vươn Lên, Một Giấc Chiêm Bao, Về Miền Gian Nan v..v..
Khởi động phong trào hát cộng đồng, hát chung khắp mọi nơi,sau này được lan truyền sang nhiều địa hạt và nhiều giới khác, kể cả tôn giáo.
Du Ca trở thành hình ảnh mẫu mực con người xã hội mới, đi vào phim ảnh Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương.

4. Cần Nhau:
12 tình khúc được biết đến nhiều với:
Bên Kia Sông, Vì ́ Tôi Là Linh Mục, Cần Nhau, Như Mây Trên Cao, Vỗ Cánh Chim Bay ..

5. Thỏ Thẻ Loan Phòng (hay Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc):
18 bài sinh hoạt trong ngày hạnh phúc lứa đôi, hình thành 1969, nhiều bài hì́nh như đă thành nếp trong các đám cưới như:
Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc, Đám Cưới Chúng Mình, Lũ Chén Diã Có Tội Tì́nh Gì, Đường Đến Hạnh Phúc .

6. Khúc Nhạc Thanh Xuân:
Khoảng 40 bài nhạc sinh hoạt thanh niên quốc tế.
Nhiều nhất là các ca khúc trong thời lập quốc Do Thái, phong trào Kibbuz, những bài hát nhân quyền, tự do từ Âu sang Á và Mỹ như:
Về Miền Gian Nan, Bài Ca Hải Tặc , Quân Đoàn Thức Tỉnh, Không Ai Là Hoang Đảo …
được chuyển qua lời Việt để sử dụng trong nhiều sinh hoạt tuổi trẻ.

7. Hương Đồng Quê:
Các khúc Dân Ca và nhạc đồng quê nổi tiếng trên thế giới chuyển dịch sang lời Việt, gần 200 bài như Bài Ca Sông Hồng, Những Bụi Hoa Dại, Em Yêu Dấu Hỡi, Bên Bờ Sông Ohio, Tâm Sự Chú Lừa …
hầu hết bị thất lạc năm 1975.

8. Phúc Ca Mùa Lễ:
25 bài đồng dao quốc tế hát trong mùa Gíáng sinh như : Jingle Bells, The Christmas Tree, Silent Night…
được coi là những khúc hát vui trong mùa an bình của nhân loại.

9. Ruồi Và Kên Kên:
Hoàn tất năm 1970, gồm 11 bài, là những ca khúc bi phẫn về những vấn đề lớn nhất trong một khung cảnh chính trị và xă hội đen tối nhất của cả 2 miền đất nước:
Im Lặng Là Ðồng Lõa, Ruồi Và Kên Kên, Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Phòng Thí Nghiệm Công Cộng, Vụ Án Cuối Cùng…
Những ca khúc này vẫn được yêu chuộng cho đến nay.

10. Dưới Ánh Mặt Trời:
gồm những sáng tác trong tập Trầm Ca, Những Bài Ca Khai Phá, Ruồi và Kên Kên, Chuyện Chúng Mình, Cần Nhau, Khúc Nhạc Thanh Xuân, Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc….
Xuất bản Ðồng Vọng 1997 tại Cali- USA

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

ĐỐI DIỆN

“Mỗi con người bắt buộc phải một lần đối diện” Đó là câu kết của của Ấu Tím viết về “Cao Xuân Huy – vài mẫu chuyện” .
Những mẫu chuyện đời, không riêng của Cao Xuân Huy mà có cả những người trong truyện nghe kể chuyện về mình . Bởi họ cùng một thời trước và sau “Tháng Ba Gãy Súng” . Nên mỗi trang giấy lật qua, nghe có tiếng gào của thép vỡ , nghe cả hơi thở cuối của bạn mình . Mới thấp thoáng đó mà đã xa hút hơn ba mươi năm . Niềm đau không chịu biệt tàn, vẫn lởn vởn xoay tròn trước mặt .

như vừa mới ngã mũ chào
mà phơ phất bóng chiến bào tầm xa
ngựa dòn gõ vó bôn qua
bụi hồng sương quyện khói nhòa mắt cay

Người đi buồn rạn chân mây
nhạc tình giao phối Chương Đài phù vân
nghiệp duyên quá cuộc hồng trần
kiếm cung biệt diện tần ngần sử thi

rượu còn sóng sánh ngang ly
mà Người đã khuất hương nghi ngút mờ
đành ta rót rượu vào thơ
mở đêm giao thức ngồi chờ đối âm!
(giao thức / cn)


Mỗi câu chuyện của Cao Xuân Huy làm sống lại từng đoạn đời của một thời bão lửa, kể cả lúc mình đứng giữa ngục tù hoặc sống kiếp lưu vong . Ai đó bảo hoài niệm chi những tang thương! Không, với chúng tôi, đó là những hoài niệm đẹp, sau tang thương còn sinh động và sáng chói tình người, tình đồng đội trong cuộc dấn thân vì Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm . Chúng tôi đã gãy súng, nhưng Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm vẫn còn. Không còn súng, chúng tôi chiến đấu bằng cây bút với chút tâm huyết còn sót lại. Để còn xứng đáng được con cháu gọi tên mỗi khi nhắc chuyện sơn hà . Bởi chữ nghĩa cũng có sức mạnh xuyên phá những tư duy bẩn chật, những thù hận cực đoan chủ nghĩa, những khối óc vong bản, những hoang tưởng lợi danh … đã ăn gian, trục lợi cả mồ hôi, nước mắt và xương máu của chiến hữu và đồng đội của mình .
Tất cả người kể và người nghe chuyện đang ngắm lại mình đã đi qua hành trình giữ nước, có thương yêu cười rạng rỡ, có vụn vỡ khóc lệ nhòa ! Hiện cảnh ngỡ đã xa mà chuyện kể bày ra trước mặt đến nao lòng .
Có buồn mà sảng khoái, thế mới lạ . Cái sảng khoái là còn được ngồi bên nhau với bạn cùng thời, cùng tâm chí mà kể chuyện bất kể ngoại nhân nhìn những tửu sĩ vỗ bàn Đ.M .. đời, sau khi ực trọn một cốc rượu cay. Trong cơn chếnh choáng thế thời, tửu sĩ vỗ bàn như vỗ đỉnh càn khôn để nghe tiếng khua hổ lốn của trần ai về nỗi nhục vinh rớt vào hố thẳm . Giữa mỗi quãng lặng yên, tửu sĩ thèm uống rượu Hồ Trường, xem chinh nhân mài kiếm dưới trăng .
Ôi! Ta muốn nhập cuộc quá chừng, để uống cạn cùng bạn những giọt tri âm, rồi chen lời cuồng ca:

ca ư!
hề! khúc cổ sầu
lợi danh hư ảnh, công hầu huyễn mơ

cuồng ư!
hề! vọng nguyệt lầu
thuyền quyên chạm bóng, lòng đau tử thành

tình ư!
quan họ giang đầu
trù ca vỡ phím, bạc câu giao hoàn

đời ư!
hông thủy càn khôn
mồ hôi thắm máu quyện chung lệ hồng
(cuồng ca / cn)

Bạn ngó ta, chạm mắt xuyên đêm . Ta khều mặt trời hóa rượu để đáp lễ tri giao .

rót tràn đêm, rượu mặt trời
uống đi người hỡi một đời mấy khi
say quên mặt đã lầm lì
biết ta chưng hửng đã đi vào đời

uống đi, say nhé người ơi
giữa ta có ánh mặt trời xuyên tâm
nóng ran như vết đạn găm
tim đau nhói ngược, bạn trăm năm rồi!
(rượu mặt trời / cn)


Ơi những người bao năm cũ, hồn ở đâu cả rồi! Phải chăng như lời sử thi “hồn tử sĩ gió ào ào thổi” khi hình tượng người chiến sĩ bị thù hận và đố kỵ đánh gục trên chiếc bệ tôn vinh nơi nghĩa trang quân đội ?
Súng gãy, hinh tượng gãy chỉ là bề mặt của sử thi . Còn sự gãy vỡ của tâm thân đồng đội đang sống lưu đày giữa quê nhà, hay nơi cõi lưu vong đã vực ta đứng dậy vung bút đâm vào mọi ngụy trá của thế gian, bởi:

ta muốn ngắm nét chữ ngời bia đá
những di thư viết bởi mực sơn hà!

ta muốn nghe trong điệu kèn ly biệt
có niềm tin mãnh lệt cuộc hồi sinh!
(lộng bút / cn)


Dẫu chiến bào đã cháy, súng đã gãy, khi còn cây bút trong tay, ta vẫn vỗ ngực tự hào nói với bọn ngụy trá rằng: đời nhờ có bọn ta không gian mới hừng hực sáng ánh thép khua trăng, rượu mặt trời pha lệ đỏ . Nhờ có bọn ta khinh miệt lũ vong ân mà chúng tìm trong thù hận học được lời sỉ vả những kẻ tự bứt tim mình hiến dâng cho Tổ Quốc ! Chẳng tin ư ? Kẻ vong ân cứ nhập vào đoàn lữ hành du ca hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để thấy nỗi thẹn mình lớn biết chừng nào .
Này hát đi:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua , cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam , triệu con tim này còn triệu khôi kiêu hùng
(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ / Nguyễn Đức Quang)


Từ thuở nọ đến nay ta vẫn là người hàn sĩ, nhưng rượu vẫn lưng bầu chờ đãi bạn, vắt cạn giọt sầu, kháo chuyện trầm thăng . Ta cũng kẻ mặc ngôn, nhưng chữ nghĩa vẫn còn hưng phấn, chạm nhẹ vào tâm ý tri âm là thoát bay vào cõi bềnh bồng non nước. Thời nay, vãi chữ lên trời cũng là một lạc thú, được dàn trải tâm tư vào vũ trụ đời . Mặc kẻ ngắm thuận lòng bảo lời chí phải, hay người xem phật ý phán nghĩa ngạo cuồng . Chỉ vì ta cũng muốn chữ ta “như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn”!

Mỗi con người bắt buộc một lần đối diện . Một định đề thật hay . Đối diện với chính mình hay đối diện với sự chết mà dửng dưng, cũng khó như kẻ sĩ đối diện với bạo quyền mặt không biến sắc . Phải không trân trọng quá về mình, mới thấy đời nhẹ như lông hồng phất phới bay theo cơn gió vào vô định . Bởi nó là vật thể của ảo ảnh, như cuộc đời của phù du, như chinh nhân đã quên cái ta giữa hiện hữu thiêng liêng của núi sông cưu mang hồn dân tộc .
Ta đang đứng trong lũng chiều vàng quan ngoại, thỉnh thoảng thấy một chiếc lông hồng quen thuộc bay qua - mà lẽ ra nó đã bay trên miền quan nội từ mùa hè đỏ lửa hay từ mùa xuân hồng thủy – Nhờ có kiếp lưu vong mà đèo bồng thêm mấy độ xuân thì. Nên bay muộn hơn giữa trời mặc tích!
Chiếc lông hồng Cao Xuân Huy vừa bay qua, chiếc lông hồng Nguyễn Đức Quang vừa qua cũng chớm bay. Nhẹ hều thân đời, nhẹ hều danh lợi. Cái chớp mắt nhìn chính mình bay thoát qua khung cửa hẹp cuộc đời vào cõi vô hằng đẹp vô cùng. Giữa chập chùng sương khói, thấy lòng ưu ái của bạn bè còn nấn ná trong quán gió, uống rượu thấm lời chuyện kể . Ngẫu hứng nâng đàn hát khúc tâm ca, là hạnh phúc vô tận của tình người.
Hôm nay ta thèm hát vang vang dưới ánh mặt trời như hồi đó ta thèm thét lên trong bóng tối ngục tù gọi đời tự do, gọi tình thân ái . Ta cũng thèm kể cho con ta nghe mẫu chuyện về mẹ nó vượt ngàn dặm xa chập chùng sông núi vỡ giữa mùa đông rét buốt để thăm chồng bị giam cầm giữa núi rừng Việt Bắc .

gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau
giọt nước mắt đang rơi mà chảy ngược
uống cạn lời thổn thức giữa tim nhau!

nhớ Đông xưa, lòng anh buồn ray rức
nhìn chân em xuyên suốt nỗi cơ hàn
bàn chân bám đời đau cùng với đất
da tím bầm chưa hở một lời than!

em mải miết đi, chẳng cần nhìn lại
vì Chồng, Con - Thế gới bỗng nhiệm mầu
thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!

(nhớ đông xưa / cn)


Góp chuyện ta, chuyện người hỏa táng, tàn tro bay lãng đãng chuyện tử sinh.
Mốt mai ta cũng nhìn ta bay khi phải đối diện một lần cuối phận người, mỉm cười nhìn chiếc lông hồng biệt thế.
Ta tự rót cho mình cốc rượu từ bầu rượu còn lưng ngồi độc ẩm. Tiếc là không có bạn ngồi bên để vỗ bàn Đ.M…đời nghe sảng khoái . Đành nhịp trên phím chữ gõ thêm một trầm khúc vãi lên trời .
Cám ơn Ấu Tím, đã mớm nghĩa cho chữ ta bật dậy như cây cỏ cám ơn vạt nắng xuân khơi mầm cây trỗ mùa xanh.

Cao Nguyên
MD - Mar 01, 2011

Vỗ Cánh Chim Bay

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Tưởng Niệm Tháng Tư



chợt Tháng Tư

(Gởi Kim Tuấn và những người
mời nhau thơ rượu cùng thời hỏa châu)

Người ra đi bỏ tình trên núi
hồi âm thơ vọng cuối chân đèo
ơi Mang Giang, Phượng Hoàng, Ngoạn Mục (*)
vách đá buồn thao thức ru đời!

Chợt Tháng Tư nhớ Người từ ấy
viết thơ trên chiến lũy Trường Sơn
mũi kiếm rạch chữ rờn rợn đất
đầu súng chao thơ vất lên nguồn!

đêm Pleime nghe hồn núi hát
nhớ quá chừng khúc nhạc Người buông
thác Yaly vẫn cuồng sóng bạc
mà Chư Pao lạnh ngắt lòng thơ!

Đồi Đức Mẹ ta chờ Người đấy
về mà nghe hành khúc sương mờ (**)
ngồi uống rượu bên mồ cỏ dại
rót thơ qua từng dãy chiến hào!

Cao Nguyên
-----------------------
(*) Những tên Đèo nối Nha Trang-Darlac-Pleiku
(**) Thơ Cao Nguyên
(***)Pleime,Chư Pao, Yaly, Đồi Đức Mẹ...
những địa danh ở Pleiku

Mời xem và nghe chương trình: TƯỞNG NIỆM THÁNG TƯ

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Hòn Vọng Phu & Chinh Phụ Ngâm 1

mùa chinh phụ


mùa chinh phụ

sương lạnh ngợp hồn vây phố cũ
núi chập chùng mây phủ kín ngày
ta về chốn một thời lưu ngụ
người đã xa như cánh vạc bay!

bỗng dưng nhớ đến mùa chinh phụ
trắng rợp đồi thông hoa sắc tang
hai hàng nến cháy soi không đủ
những bóng người đi trên phế hoang!

Cao Nguyên

Hòn Vọng Phu



Hòn Vọng Phu

“Hòn Vọng Phu” là tên gọi những tảng đá có hình dáng một thiếu phụ bồng con chờ chồng
trên đỉnh núi hoặc nơi ghềnh đá ven biển. Người ta cũng gọi “núi vọng phu” là núi có “Hòn
Vọng Phu”. Sự tích nguyên thủy “Hòn Vọng Phu” mang một nội dung thê thảm, trái oan về
một mối tình “loạn luân”:

Tuy nhiên, bản trường ca nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Thương cũng có tên là “Hòn Vọng Phu”
nhưng lại chứa đựng một nội dung khác, tích cực hơn, diễn tả cảnh một thiếu phụ có chồng
đi lính đánh giặc phương xa…Nàng chinh phụ vẫn một lòng chung thủy, ôm con chờ chồng,
mòn mỏi tháng năm cho tới khi hóa đá…

Nhiều nơi trên đất nước Việt Nam có hòn “Vọng Phu”, như: “Nàng Tô Thị” trên núi Vọng
Phu ở Lạng Sơn, Núi Vọng Phu thuộc dãy núi Bà ở Bình Ðịnh, Núi Vọng Phu ở Thanh Hóa,
Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Tuy Hòa, Khánh Hòa, Daclac … Tại các nước Á Châu
như Trung Hoa, Nam Dương cũng có “Núi Vọng Phu”.
Nàng Tô Thị tại Lạng Sơn, trên núi Vọng Phu, gần động Tam Thanh đã được Ca Dao nhắc
tới:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”
Truyền thuyết cho rằng chồng của nàng Tô Thị ở Lạng Sơn đã đi lính đánh giặc phương
Bắc xâm lược mãi không về, khiến nàng ôm con lên núi ngóng trông năm này sang năm
khác, giữ tiết trung trinh rồi hóa đá.

Nàng Tô Thị
Bồng con mòn mỏi dõi chân mây
Đăm đắm chờ chồng, trận gió lay
Thương nhớ ngóng trông, vầng tóc bạc
Khát khao mong đợi, tấm thân gầy
Đầu sông đối bóng, ôi sầu thế
Góc núi soi mình, đau đớn thay!
Hóa đá nghìn năm nàng vẫn đợi
Chàng đi thăm thẳm có về đây?
(Vương Sinh)

Sự tích thương tâm về “Hòn Vọng Phu” ở Bình Định , được kể như sau:” Xưa có hai anh em
ruột, lúc còn nhỏ chơi đùa, người anh lỡ tay ném đá trúng đầu em gái máu ra lênh láng và
ngã xuống, ngất đi. Người anh sợ quá bỏ trốn. Sau lớn lên, hai người gặp nhau mà không
biết là anh em. Họ lấy nhau và sinh được một bé gái. Một hôm người chồng phát hiện trên
đầu vợ có vết sẹo lớn, bèn gạn hỏi và biết đó là em gái mình. Chàng đau khổ vì lỡ phạm tội
loạn luân. Sau đó, chàng âm thầm bỏ đi mà không nói gì. Người vợ không biết chồng đi đâu,
ngày ngày lên núi ngóng trông, lâu rồi hóa thành đá…”

Sự tích Hòn Vọng Phu
(núi Bà Bình Định)

Ôm con , hóa đá chờ chồng
Đâu hay tan nát cõi lòng người đi…

Xưa hai anh em nhà kia
Chẳng may tai nạn, chia ly đôi bờ
Lớn lên, gặp lại nào ngờ
Tình duyên oan nghiệt, tóc tơ vợ chồng

Ngắm nàng chải tóc soi gương
Bỗng chàng nhìn thấy vết thương trên đầu
Hỏi ra…ruột sót như bào
Vợ yêu: em gái - lẽ nào thế gian…?!

Bỏ đi, chàng khổ vô vàn
Nàng ôm con đợi, đoạn tràng có hay?
Hòn Vọng Phu – Núi Bà đây
Tích xưa Bình Định, kể hoài vẫn thương…!
(Vương Sinh)

Câu chuyện thương tâm kể trên, có thể không phải là nguồn cảm hứng của nhạc sĩ Lê
Thương khi ông sáng tác bản trường ca “Hòn vọng Phu”.
Thực vậy, trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương gồm 3 phần:

- Phần 1:
Nói về đoàn quân hùng dũng ra sa trường đánh giặc theo lệnh vua và theo nhịp
trống dồn. Chồng nàng “Chinh phụ vọng phu” cũng ở trong đoàn quân, muốn nhắn nhủ:.

“Nàng về nuôi cái cùng con”
“Để anh trảy hội nước non Cao Bằng.” (Ca Dao)

Đúng vậy, khi giặc Nguyên Mông xâm phạm bờ cõi nước Nam thì hàng hàng lớp lơp trai
tráng nô nức lên đường đánh giặc. Ca dao gọi đó là ngày “trảy hội”, Quang Dũng coi đó là
ngày vui: “Buông tay gầu vui lại thuở bình Mông”…Phụ nữ nước Nam, nếu không bận bịu
con thơ mẹ già, chắc cũng sẽ lên đường cùng chồng đánh giặc: ” Giặc đến nhà , đàn bà
phải đánh”, theo gương Trưng, Triệu thuở xưa. Rất tiếc, nàng chinh phụ có thể bận bịu con
thơ, nên năm tháng chờ chồng lâu quá hóa thành đá. Hình ảnh “ hóa đá” không mang nghĩa
đen như một huyền thoại truyền thuyết, mà theo nghĩa bóng diễn tả tấm lòng chung thủy
của người chinh phụ không có gì lay chuyển nổi, mãi mãi “trơ trơ như đá, vững như đồng”.
Chao ôi, tấm lòng trung trinh tiết liệt của người phụ nữ Việt Nam mới cao cả làm sao!:

“Phụ nữ Việt Nam trung trinh, tiết hạnh”
“Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thom”
“Ra ngoài giúp nước, giúp non”
“Về nhà tận tụy chồng con một lòng.” (VS)

Nghe nhạc: Phần I

- Phần 2:
Nội dung bản nhạc nói về tình cảnh chinh phụ ngày ngày ôm con lên núi ngóng
tin chồng. Tấm lòng chung thủy của nàng “Vọng Phu” nào có khác gì tâm sự của nàng
“chinh phụ” trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm? Nghe
cũng ai oán, nỉ non khiến đất trời, cỏ cây hoa lá, núi sông và chim chóc đều thông cảm,
kéo nhau đến chia sẻ với nàng, xem chàng về hay chưa?
“Có ai suôi vạn lý… nhắn đôi câu giúp nàng …nhắn rằng nàng vẫn đợi… cỏ cây, sông núi
muốn khuyên nàng đừng ngóng trông nữa, nhưng nàng vẫn kiên nhẫn đợi chờ… cho dù
hóa thành đá…vẫn trông chờ từ ngàn năm này tới ngàn năm sau…
“Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn”
“Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”

Nghe nhạc: Phần II

- Phần 3:
Chinh phu thắng trận trở về, qua đồi núi chập trùng, đền đài, lăng miếu nhưng
nàng “chinh phụ” không còn nữa. Nàng đã hóa đá, ôm con trên đỉnh núi, thành hòn “Vọng
Phu” …

Nghe nhạc: Phần III

Được biết, nhạc sĩ Lê Thương sáng tác “Hòn Vọng Phu” tại Bến Tre, một tỉnh tại miền Nam
Việt Nam trong khoảng 1945- 1947, là thời kỳ chiến tranh chống Pháp dành độc lập bùng
nổ, sau hơn 60 năm Việt Nam bị Pháp đô hộ. Thời buổi chiến chinh nào cũng vậy, những
chàng trai ra đi “mấy khi mà trở lại”, để người vợ trông đợi mòn mỏi, “hóa đá” chờ mong.
Hiện tượng “hóa đá” tức là hiện tượng “hóa thạch” trong thiên nhiên, nghĩa là cần một thời
rất lâu dài. Lê Thương đã tạo cho bài hát một lý tưởng, đáp ứng nhu cầu của những chiến
sĩ ra tiền tuyến chiến đấu bảo vệ giang sơn, cũng như vinh danh những người vợ lính tại
hậu phương. Nhạc sĩ Lê Thương đã bỏ qua tình tiết của truyền thuyết rất thương tâm về hai
anh em lấy lầm phải nhau, mà khai thác triệt để ý nghĩa về sự tích nàng Tô Thị trên núi Hòn
Vọng Phu gần sông Kỳ Cùng, động Tam Thanh ở Lạng Sơn. Nàng Tô Thị đầu hướng vê
phía bắc, lưng quay lại phía nam. Cũng vì thế, trong 3 phần lời nhạc của bản trường ca
“Hòn Vọng Phu”, ta chỉ thấy hình ảnh “chinh phụ” và “chinh phu” mà không hề thấy chuyện
buồn đứt ruột về hai anh em trong truyền thuyết “Hòn Vọng Phu” tại núi Bà Bình Định.
Theo tài liệu trên Wikipedia, nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8 tháng
1 năm 1914 tại phố Hàm Long Hà Nội. Năm 1935, ông dạy học tại Hà Nội và Hải Phòng,
cùng các nhạc sĩ Canh Thân, Tô Vũ, Hoàng Quý… lập nhóm sáng tác và phụ diễn cho ban
kịch của Thế Lữ. Năm 1941, ông vào Nam, ở tại Bến Tre và Sài Gòn, làm nghề dạy học
(môn sử địa) tại Trung học Petrus Ký và nhiều trường khác. Ông cũng làm việc tại Bộ Quốc
Gia Giáo Dục thời Việt Nam cộng Hòa. Năm 1951, ông bị Pháp bắt cùng với nhạc sĩ Phạm
Duy và Trần Văn Trạch vì có tinh thần yêu nước. Những bản nhạc của ông được coi là
những tác phẩm tiền phong phối hợp âm tiết Tây phương với nhạc ngũ cung của Việt Nam.
Ông sáng tác rất nhiều , nổi tiếng nhất là trường ca Hòn Vọng Phu (3 bài ), Thằng Cuội,
Học Sinh Hanh Khúc, Truyền Kỳ Việt Sử…

Nhạc sĩ Lê Thương lập gia đình và có 9 người con. Sau 1975, ông ngưng sáng tác và mất
tại Sài Gòn năm 1996.

“Hòn Vọng Phu” là hình ảnh một người vợ bồng con chờ chồng trở về, với tấm lòng trung
trinh tiết liệt, dù cho có hóa thành đá, nàng vẫn đợi vẫn chờ. Trong dân gian câu truyện về
“Vọng Phu” có nhiều tình tiết éo le, đôi khi pha trộn cả tích Tàu (như tích Nguyệt Lão Se
Tơ). Tuy nhiên , đối với nhạc sĩ Lê Thương, một nghệ sĩ có tinh thần yêu nước và tâm hồn
trong sáng luôn hướng về tương lai “mầm non dân tộc”, ông đã lấy cảm hứng từ tâm trạng
nhớ mong của người chinh phụ, chờ chồng đi lính đánh giặc ở phương xa. Đó là nỗi niềm
đau xót của người nghệ sĩ đứng trước cuộc chiến kéo dài trên quê hương Việt Nam đau
khổ. Ta có thể tạm kết luận “Hòn Vọng Phu” trong bản Trường Ca của nhạc sĩ Lê Thương
mang hình ảnh của nàng Tô Thị ở Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, hướng về ải Nam Quan đăm
đắm chờ chồng đi lính đánh giặc giũ gìn biên ải. Hình ảnh này chắc chắn sẽ làm nức lòng
những chiến sĩ ra đi chiến đấu giữ nước giữ bờ, hứa hẹn ngày về vinh quang, lưu danh
muôn thuở, vì “nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống”, sống mãi trong lòng dân tộc.

Song Thuận

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

KỲ VỌNG VÀO TUỔI TRẺ




CLB Hùng Sử Việt mừng Tân Xuân

WESTMINSTER (NV) - “Chúng tôi chú trọng đào tạo một lớp tuổi trẻ nối tiếp con đường văn hóa của dân tộc.” Ðó là lời tâm huyết của Giáo Sư Song Thuận, người đã xướng xuất ra Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt và hoạt động tích cực từ hơn 10 năm nay.

Và đó cũng là lời tuyên bố của Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê, khoa trưởng khoa Cố Vấn tại trường đại học OCC, hiện đang phụ trách “Chương trình Giải Thưởng Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu” của CLB Hùng Sử Việt, trong buổi mừng Tân Xuân Tân Mão chiều Thứ Bẩy, 26 tháng 2, tại hội trường nhật báo Việt Herald.

Với trên 300 đồng hương đến vui xuân cùng anh chị em trong CLB Hùng Sử Việt, một chương trình sinh hoạt văn hóa thật lành mạnh đã diễn ra suốt 3 tiếng đồng hồ.
Các thành viên trong Ban “Giải Thưởng Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu.” Từ trái qua là Giáo Sư Phạm thị Huê, Giáo Sư Song Thuận, cô Phương Lê và Thầy Nguyễn Văn Khoa. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Vào lúc 2 giờ, buổi sinh hoạt đã khai mạc với lễ chào cờ, mặc niệm do các thành viên trẻ tuổi trong Câu Lạc Bộ phụ trách. Phút mặc niệm, xướng ngôn viên không chỉ nhắc đến những hy sinh của biết bao thế hệ con dân VN mà còn nhắc chi tiết đến công lao lập quốc giữ nước của Tiên Tổ qua các thời đại Trưng Triệu, Ðinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn.

Bản hợp ca “Lời Mẹ Âu Cơ” do ban hợp ca của CLB Hùng Sử Việt trình diễn mở đầu như nhắc nhở mọi người về tình đồng bào máu mủ ruột thịt từ một Mẹ sanh ra.

Tiếp đó những lời chúc Tết của Giáo Sư Song Thuận, đại diện cho Ban Tổ Chức, đã nhắc đến một mong ước thiết tha của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt là đào tạo được một lớp người trẻ gương mẫu trong cộng đồng người Việt hải ngoại để cho lớp trẻ này tiếp tục con đường văn hóa mà CLB từ hơn 10 năm nay đã đeo đuổi và cũng đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Mong ước này của CLB đã được CLB thực hiện qua một chương trình giải thưởng cho những học sinh, sinh viên VN gương mẫu do Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê với sự phụ tá của phó ban là cô Xuân Lê phụ trách khai triển. Giải thích về chương trình này, trưởng ban Giáo Sư Phạm thị Huê cho biết: “Tiêu chuẩn căn bản cho các em được chọn vào giải thưởng này là phải nói và viết được chữ Việt thông thạo bên cạnh học vấn xuất sắc của các em. Chúng tôi sẽ làm việc mật thiết với các Trung Tâm Việt ngữ, phối hợp với Ban Ðại Diện các Trung Tâm Việt ngữ để tạo ra được lớp người lý tưởng trong cộng đồng người Việt hải ngoại ngỏ hầu có thể trao truyền lại công việc văn hóa mà CLB chúng tôi đang theo đuổi.”

Cũng trong buổi mừng Xuân mới này, Giáo Sư Song Thuận còn cho biết bên cạnh công việc vừa kể, CLB còn tiếp tục soạn thảo cuốn “Việt Sử Ðịa Giản Lược” để đáp ứng được nhu cầu học hỏi của tuổi trẻ VN ở hải ngoại. Theo Giáo Sư Song Thuận thì “Việt Sử Ðịa Giản Lược được trình bày theo từng thời kỳ trong đó phần địa lý được chú trọng nhiều hơn mà chúng tôi thường gọi đùa với nhau là loại 'Lịch Sử ba chiều' tương tự như cuốn Lam Sơn Khởi Nghĩa mà chúng tôi vừa xuất bản.”

Vẫn theo Giáo Sư Song Thuận thì “chúng tôi cũng đang tiến hành việc soạn thảo cuốn sổ tay về Quan Hôn Tang Tế qua những Ca Dao và phong tục tập quán của người Việt chúng ta” để giúp cho đồng hương không quên những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Cũng trong buổi mừng Xuân mới này, CLB Hùng Sử Việt đã giới thiệu một CD mới do CLB phát hành, đó là CD Hùng Sử Việt 3 có tựa đề “Vòng Tay Tiên Rồng” do GS Song Thuận và ban Tù Ca Xuân Ðiềm thực hiện qua 11 ca cảnh trong đó có những bài Lịch Sử Ca rất hùng tráng như Vòng Tay Tiên Rồng, Ðại Phá Quân Thanh và kịch thơ “Bất Khuất Trần Bình Trọng.”

Thường những tác phẩm do CLB Hùng Sử Việt thực hiện gồm sách, lịch và CD không bán mà chỉ biếu không cho những nơi nào cần đến. Ðể thực hiện được công việc gian nan không có bột mà vẫn gột nên hồ này, CLB đã chỉ trông cậy vào sự bảo trợ của các Mạnh Thường Quân và từ chính sự đóng góp của các thành viên trong CLB.

Do đó khi Giáo Sư Song Thuận giới thiệu thành phần trong các Ban Ðiều Hành, Phụ tá, Tham Vấn như cô Bửu Trân, Tổng Thư Ký, cô Phương Lê, Thủ Quỹ, các vị Võ Hoàng, Dạ Lan, Quỳnh Hoa, Ánh Tuyết, Quỳnh Khanh là các trưởng ban thì mọi người đến tham dự đã không tiếc những tràng vỗ tay trao gửi những ưu ái, thịnh tình của mình.

Nhà thơ Hà Phương nói với Người Việt: “CLB đây không chỉ nỗ lực làm sống lại những trang sử oai hùng của dân tộc cho tuổi trẻ VN hải ngoại được biết, mà theo tôi CLB Hùng Sử Việt còn là nơi gặp gỡ của những tấm lòng với đất nước quê hương và dân tộc.”

Ban Hợp ca Áo Xanh thay mặt CLB Hùng Sử Việt chúc Tết mọi người bằng ca khúc Ly Rượu Mừng. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Thảo nào mà cứ mỗi lần CLB Hùng Sử Việt tổ chức sinh hoạt là có cả hàng chục các tổ chức hội đoàn văn học nghệ thuật đến tiếp tay. Như buổi Mừng Xuân mới Tân Mão, chương trình văn nghệ giúp vui cũng có đến 16 tiết mục do Ban Hợp Ca Áo Xanh (đa số là các dược sĩ), Gia Ðình Việt Ngữ Tự Lực, ban Tù Ca Xuân Ðiềm và 12 ca sĩ tài tử đến đóng góp.

Quí độc giả muốn có những tác phẩm do CLB Hùng Sử Việt xuất bản, phát hành có thể liên lạc với GS Song Thuận (949) 786-6840, cô Bửu Trân (714) 262-0251 hay cô Phương Lê (714) 775-5583.

Nguyên Huy/Người Việt