Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Niềm Đau Vô Tận



niềm đau vô tận

mai ba-mươi
bữa nay hai-chín
ta đếm thời gian
câm nín
ngược dòng!

nay hai-chín
bữa qua hai-tám
ta nghe không gian
vỡ rạn
vết thù găm!

ta nhớ tháng-tư
còn rõ hơn ngày
mẹ sinh ta ra
làm người mặt đất
vừa lọt lòng
đã khóc
lầm than!

ta nhớ tháng-tư
còn dài hơn
cuộc đời đang có
nghe vết máu rơi
gõ xuống mặt đời
khốn khó
trăm năm!

ta ư?
một kẻ Việt Nam
ngồi đếm thời gian
chạy ngược
trên không gian
thiếu trước
hụt sau
mà niềm đau
đã sâu vô tận!

Cao Nguyên

The Lucky Few






Đã 36 năm qua, cuộc di tản 30 tháng 4 năm 1975 của chúng ta vẫn còn in sâu trong ký ức của mỗi người với từng góc cạnh khác nhau.
Ngày 29 tháng 4 năm 1975, không khí chiến tranh đang bùng nổ khắp nơi với khói lửa và tiếng súng vang rền.
Ở ngã ba Tổng Tham Mưu, trước khi vào Sân bay TSN, buổi trưa rực nóng, một đoàn trẻ em VN đang chầm chậm bước qua trạm kiểm soát của VN.
Không có cha mẹ, anh chị em, họ hàng bên cạnh, các em bé ngơ ngác nắm chặt tay nép vào nhau đi theo những người dẫn đường, không vội vã, không hoảng hốt, không rối loạn nhưng im lặng bước đi.
Trên vai một người dẫn đường, họ còn để một em bé ngồi trên cổ. Một tay giữ em bé, một tay dắt một em bé khác.
Quần áo lếch thếch và tóc tai rối bù. Cả đoàn bước như những người lạc hướng mệt mỏi.
Tôi không đếm được bao nhiêu em bé, khá nhiều, một đoàn dài, có thể chừng 50 em nhưng tôi nhớ chỉ có vài người dẫn đường.
Đoạn người âm thầm tiến vào hướng phi trường TSN.
Trạm kiểm soát có nhiều người cảnh sát và quân đội VNCH đang bực tức canh gác với súng ống và tiếng quát tháo chửi thề ầm ĩ vì cố ngăn chận cả một đoàn xe dài muốn vào phi trường nhưng lại tự động mở ra cho đoàn em bé đi vào không một chút hạch hỏi.
Không phải các em bé nhưng những người dẫn đường. Họ là ai vậy ?
Họ là những người khác chúng ta về mầu da, mầu tóc, mầu mắt. Họ là những người không nói cùng ngôn ngữ với mình, họ là những người không sinh ra ơ mảnh đất này và họ cũng chẳng có một huyết thống liên hệ gì với các em bé đang đi cả.
Tôi đã thấy họ trước mắt hôm đó và nay tôi lại thấy họ trên màn ảnh hôm nay.
Tôi không thể ngăn được đôi mắt ướt khi được nhìn thấy họ ngoài biển khơi, trên bong tầu của 36 năm về trước, nay ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe câu chuyện của những ngày không bao giờ quên được trong cuộc đời binh nghiệp của họ.
Tiếng kể chuyện không day dứt và ân hận. Ngược lại, đầy hãnh hiện và hân hoan.
Từ người sỹ quan hạm trưởng đến binh nhì, tất cả đều trộn vào câu chuyện các ngọn lửa nồng ấm của yêu thương tình người, nỗi sung sướng hạnh phúc của hành động không phải của một người lính mà của những người không còn súng ống bên cạnh, không có ngăn cách chức tước và quân kỷ giữa sỹ quan và binh lính, mà là hành động của những người bình thường.
Họ là nhiều người như một. Họ đã hành động như nhau mặc dù họ làm những công việc khác nhau.
Vì vậy, họ chỉ kể câu chuyện của tình người bằng một ngôn ngữ giống nhau, ai cũng hiểu. Cái ngôn ngữ không biên giới và không định luật. Nó đơn giản đến độ nhiều khi chẳng phải nói nhiều, mọi người đều hiểu.
Hiểu có lúc rơi nước mắt. Hiểu có khi nước mắt pha tiếng cười. Đôi khi không còn cười và khóc được nữa.
Tôi cười trong mắt ướt khi nghe họ kể ước ao có một em bé được sinh ra trên con tầu Kirk của họ từ 4 bà mẹ mang bầu để có một dấu mốc không bao giờ quên của cuộc đời binh nghiệp của mình.
Tôi lặng người với con tim chùng xuống khi nghe tiếng hát "Này công dân ơi..." theo lá cờ vàng đang trầm mình hạ xuống trên con tầu sắt xa lạ và là một chỗ đứng tự do cuối cùng của mình.
Tiếng hát không có một mảnh đất để đứng nhưng có cả một đại dương để nghe và cả một trời xanh để làm chứng.
Nơi cuối cùng này chắc chắn sẽ là bắt đầu cho tiếng hát mới của cuộc đời bầy chim xa xứ.
Phim đã chấm dứt với nhiều người đứng dậy và vỗ tay ca ngợi cuộc hành trình đầy tình người này.
Riêng tôi, tôi muốn nói đến hai chữ : Cám Ơn đến những người kể chuyện và những người :
Họ là ai vậy ?
Họ là những người đang ở quanh tôi, quanh bạn và quanh gia đình bạn đấy bạn ạ.
Xin được chia xẻ với các bạn câu chuyện của họ khi nhớ đến đất nước và cuộc đời mỗi năm trở lại vào tháng 4.

tuan

Vĩnh Biệt Sài Gòn



SAIGON XƯA

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Thung Lũng Hồng



Đây không phải là "thung lũng hồng " của Đà Lạt - cái thung lũng đẹp và thơ mộng, đã có biết bao lời thơ, tiếng hát nói về nơi đó.
Thung lũng hồng mà tôi nói ở đây, đối với tôi là một địa danh buồn, mãi mãi buồn.
Ba chữ "THUNG LŨNG HỒNG" được viết bằng sơn xanh màu lá trên một mảnh kim loại xám, được dựng ở ven đường Liên Tỉnh Lộ 7 (vùng Cheo Reo /Phú Bổn). Khi thấy tên địa danh này, trong thoáng chốc tôi đã quên đi cái vùng lửa từ phía sau đang cuộn tới bén gót chân đoàn người di tản từ cao nguyên xuống đồng bằng - họ đi tìm Sống - vào những ngày cuối tháng 3/1975.
Thung-lũng-hồng, một ngữ âm buồn mà đẹp, một chất giọng thơ nẩy lên từ vùng đất chết, đã đẩy tôi đến một nghịch thường: thi vị hóa một hiện trường đầy máu và nước mắt của thân quyến tôi, của bạn bè tôi. Phải chăng đó là nét bi tráng? Một tấu khúc toàn những vọng âm buồn nổi lên trên cái nền nhạc Jazz cuồn cuộn...
Những giòng thơ tôi viết từ hiện trạng đó, bây giờ đọc lại, lòng vẫn còn nao nao xúc động - một xúc động nghẹn ngào - khi nét mặt bạn tôi hiện lên rõ nét, mà nó thì mãi mãi nằm xuống trên thung lũng buồn. Để còn mãi thấp thoáng trong ký ức tôi những giòng nước mắt.

thung lũng hồng

Trưa đong đầy nắng Hạ
đi qua thung lũng hồng
nơi đây vùng đất lạ
sao nghe buồn mênh mông

bên trái - những cánh đồng
đạn cày, bom gieo hạt
bên phải - giòng sông Ba
với đôi bờ xơ xác

vách núi cao dựng đứng
bờ vực thăm thẳm sâu
xác người vắt lơ lửng
dọc hai bên thành cầu

bầy chiến xa quay đầu
đạn cày tung vách đá
rừng núi bỗng đổi màu
hồng hoang ngày tháng Hạ

lửa trào lên cuồn cuộn
đốt cháy thung lũng hồng
bạn bè vừa ngã xuống
ta rơi vào hư không !


Cao Nguyên
Tháng Tư 1975

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

THÁNG TƯ XƯA


Thời gian vẫn lặng lờ trôi qua , lịch sử lại được viết thêm cho một ngày của một tháng tư xưa . Trong những giây phút hấp hối khi cuộc chiến đã định rồi sự tàn cuộc .Những người con của Miền Nam Việt Nam , bàng hoàng chít lên đầu một vành tang trắng cho đất nước .Bàng hoàng cuốn trôi theo dòng định mệnh , những bước chân lưu lạc ra đi muôn phương khắp nơi trên trái đất . Đã biết bao tháng tư đã đi qua . Không biết còn có mấy ai ngoái nhìn lại ,để nhớ về một thời binh lửa đau thương của đất nước , để biết sự sống còn , để biết những gì mình có được hôm nay là đã đánh đổi lấy biết bao sinh mạng của những chiến sĩ đã hy sinh máu xương nằm xuống vì lý tưởng để mong mang lại hòa bình cho quê hương , cho sự no ấm của muôn người. Lịch sử vẫn còn đó, những trang sách khi lật ra vẫn còn làm uất nghẹn trái tim . Một nén hương lòng xin được đốt lên để tưởng tới những vị anh hùng đã " Vị Quốc Vong Thân " . Những bài hát của một thời , sẽ gợi lại một quá khứ không thể phôi pha giữa lòng người còn hoài niệm tiếc thương . Với những giọng hát không chuyên , xin gửi đến những tấm lòng cùng chung một nhịp đập trái tim , nỗi cảm xúc sẽ tan loãng vào nhau khi cùng tưởng nhớ về một ngày của một tháng tư xưa . Mời Nghe chương trình nhạc > THÁNG TƯ XƯA

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

NGÀY GIỖ ANH



NGÀY GIỖ ANH

ba mươi năm qua rồi
em vẫn còn tiếng nấc
thắp nén hương cúng anh
lòng nghẹn trào nước mắt

mỗi Tháng Tư nhớ về
tình yêu và hạnh phúc
anh vội vã mang theo
em ôm chầm tiếng khóc

trong tiếng thét hãi hùng
anh cùng em vỡ vụn
anh nát một xác thân
em tan đời ước vọng

*
hôm nay ngày giỗ anh
em hướng về quê Nội
vẫn tiếng nói nhiệt thành
em yêu anh quá đỗi

mỗi năm ngày giỗ anh
hai con đều có mặt
hương ngát tỏ lòng thành
lòng quặn đau như cắt

ba mẹ con ôm nhau
nhìn ảnh anh mà khóc
ba mươi năm đời đau
trong hành trình khó nhọc

xin anh cứ yên lòng
em vẫn vui mà sống
vì hạnh phúc các con
lại nuôi mầm hy vọng

mong con cháu sau này
mãi còn luôn nhắc nhớ
trên cao chín tầng mây
linh hồn anh rạng rỡ!


Cao Nguyên
03.23.2004

Nghe Diễn Ngâm > NGÀY GIỖ ANH


Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

GIỌT LỆ HỒNG

giọt lệ hồng


" chợt nghe từ đá hồn thương tích
vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa "
(Thanh Nam)


đã có bao lần
em thấy
giọt lệ hồng
rơi!

đã có bao lần
em hiểu
vì sao
giọt lệ - hồng?

những giọt lệ pha máu
từ tim
chảy xuyên qua mắt
buốt đau theo giòng chảy
cay đắng suốt trăm năm

đã có bao lần
em biết
tại sao có giọt lệ hồng?

nó kết tụ bởi máu và nước mắt
từ những cái chết
vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận


em hiểu
tại sao hôm nay
anh bị chấn động
viết những dòng
không thường hằng có trong anh
bởi chỉ vì
hôm nay
anh muốn viết
về một thời đã qua
đầy nước mắt và máu
của bạn mình
chết bởi
một viên đạn
một liều thuốc độc
một dây treo cổ
....
giọt lệ hồng
đang chảy trong anh
và chung quanh anh

*

có thể anh sẽ viết cho em
hiểu thêm những điều gì đó
về những giọt lệ hồng
trong tháng Tư đen và trước nữa
mà cũng có thể là không
vì anh sợ mình không vượt khỏi
những lần tim chảy máu
những giọt lệ hồng
mãi chảy
trong anh
trong đời bạn bè anh
trong giòng sống
trong giòng chết

giọt lệ hồng không ngưng tụ
trong đá sỏi
trong giá băng
trong câm lặng
mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
của vô tri

bất giác
anh đang cảm thấy
lòng mình thổn thức
bên cạnh những ngôi mộ
chôn trong ký ức
từng dãy
từng hàng
xác của bạn anh
những người ruột thịt của anh
họ đã đứt ruột ra đi
họ đã chia thịt cho xứ sở
và máu họ trộn vào
không gian mưa lũ
đỏ au!

Em ơi
có thể đây là bài thơ tự do hay nhất
mà anh viết
có thể đây là một đoạn
trong bài điếu văn anh gởi cho bạn bè
cho những Cha, Chú, Anh, Em
đã nằm xuống
vì những chữ Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền

Bài viết hôm nay
em nhớ
không có lòng thù hận
chỉ có nỗi tiếc thương
cho những con tim
đã chảy
giọt lệ hồng

em cũng nhớ
không có sự bi thảm
vì người anh hùng không chết
cho những cưu mang lừa dối
và lòng thương hại

và em nên nhớ
sự ra đi
chững chạc và dứt khóat
của những con người
có trái tim chân chính
xuyên qua
những giọt lệ hồng.


Cao Nguyên



Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Giỗ Tổ Hùng Vương



Giỗ Tổ Hùng Vương

Tiểu sử Vua Hùng Tiểu sử: Vua Hùng là tên gọi chung 18 đời Vua Hùng trong họ Hồng Bàng (2879-258 tr. Tây lịch). Nếu kể cả Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, có tất cả 20 đời Vua trong họ Hồng Bàng. Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, lấy bà Tiên sinh ra Lộc Tục. Vua phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam tức Kinh Dương. Vương.Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới bà Âu Cơ sinh được 100 con trai. Về sau, 50 con theo cha xuống biển và 50 con theo mẹ lên núi, đi về phương Nam lập ra nước Văn Lang. Người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương thứ nhất, đóng đô ở Phong Châu (1), chia nước ra làm 15 Bộ, cha truyền con nối theo chế độ Phụ Đạo, có quan Lạc Tưóng, Lạc Hầu phụ tá và quan Bồ Chính là chức quan nhỏ trông coi Lạc dân, và gọi con trai là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương. Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời. Công đức: Các vị vua Hùng có công lập nên nước Văn Lang, tức là nước Việt Nam ngày nay, nên gọi là Quốc Tổ Hùng Vương. Đền thờ: Trên núi Ngũ Lĩnh, Huyện Phong Châu, Tỉnh Phú Thọ (Vĩnh Phú) Bắc Việt. Tại Hoa Kỳ, Đền Hùng ở Lillte Sàigòn do Hội CNAM & Hoi Den Hung Hai Ngoai thờ phụng.

Ngày Kỷ Niệm: Ngày mồng 10 tháng 3 Âm Lịch mỗi năm.
Đền Hùng là tên gọi nơi thờ phụng các vị Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Giỗ Tổ hùng Vương được tổ chức tại đây hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đền Hùng được xây từ năm 980 (thời vua Đinh Tiên Hoàng). Đến thế kỷ 15 (thời Hậu Lê) được trùng tu quy mô như hiện nay.Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên trên khu vực núi Nghĩa Lĩnh này. Núi Nghĩa Lĩnh: Cao 175 mét (có nhiều tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong một khu rừng cấm. cách Việt Trì khoảng 10km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa. Cổng đền: Được xây vào năm Khải Định thứ 2 (1817) ở chân núi. 1- Đền Hạ: Tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai. - Nhà bia: Nhà bia nằm cạnh đền Hạ, hình lục giác với 6 mái - Chùa Thiên Quang (Thiên quang thiền tự): tọa lạc gần đền Hạ. 2- Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước. 3- Đền Thượng: Trên đỉnh núi nơi có lăng mộ vua Hùng thứ 6. Theo truyền thuyết, xưa các Vua Hùng thường đến đâylàm lễ tế trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triều tổ" (tổ tiên của Việt Nam). - Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng. - Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại. - Đền Giếng: Dưới chân núi. Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18. - Đền Tổ mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12 năm 2004. Đền được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn). - Bảo tàng Hùng Vương: được khởi công xây dựng vào năm 1996 và khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi 2003. - Hồ nước: dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, xưa trồng nhiều sen. Lễ hội đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba Lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn, diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Trươc đó hàng năm có tục đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng. Có 2 lễ chính: 1- Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. 2- Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương. Có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Vĩnh Phú, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc (Phường Bạch Hạc, phường Bến Gót nằm ở phía Nam thành phố Việt Trì, cửa ngõ nối liền giữa Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngã ba Hạc từ lâu đã nổi tiếng), nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến. (Nguồn: Wikipedia). Chú thích (1) Phong Châu: Kinh đô nước Văn Lang, có lẽ nay ở khu vực Làng Cả thuộc thành phố Việt Trì (xưa là thị xã, nay là thành phố được thành lập năm 1962, cách Hà Nội 70 km về phía Tây Bắc, trên “ngã ba Hạc” (Bạch Hạc - ngã ba sông Hồng, Thao và Lô), trực thuộc tỉnh Phú Thọ nơi có Đền Hùng (Huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) trên núi Ngũ Lĩnh – Dt khoảng 166 km2, 181 n

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

RỪNG ƠI


RỪNG ƠI


cư dân cũ, từ vùng trời xa vắng
gọi rừng xưa,ta nhớ lắm - rừng ơi!
thương mùa cây cúi đầu buồn tháng Hạ
lá chịu tang qua mấy chục năm rồi!

lúc ta đi, rừng sâu còn ngún lửa
lửa hận thù, cháy quá nửa đời ta
cháy bỏng màu da, làm sao lành vết sẹo
chung niềm đau, ta chẻ máu nuôi rừng

nửa máu ta có giúp rừng sống lại
đất có mừng lá biếc nẩy chồi xanh
cây có vui khi chim về hái trái
hoa có cười cho hương toả vây quanh?

ôi nhớ quá, rừng ơi! ta nhớ quá
cao nguyên xanh, hoa lá ấy - hồn ta
và cả máu chia cho rừng thuở ấy
nhắc ta về, dù bữa hẹn còn xa

về xem nắng ghẹo hoa tươi rói mặt
về thăm cây lành hẳn vết thương chưa
về ngồi giữa nắng mưa nghe đất hát
khúc đồng dao từ những khát khao xưa!

thơ ta đó, rừng ơi! ru chút nhé
ta chưa về thăm đất mẹ chiều nay
sợ hàng cây còn long lanh ngấn lệ
ta với rừng sẽ khóc giữa vòng tay!

Cao Nguyên



Cao Nguyên


phổ nhạc & trình bày : Dzuylynh

Mời bấm vào link để nghe : RỪNG ƠI

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

những đóm mắt hỏa châu

@

BỜ MÔI EM HỒNG ÁNH HỎA CHÂU

khi chữ Tình viết trên báng súng
bờ môi em hồng ánh hoả châu
trước cái chết không cần lý luận
anh hôn em - sẽ thật bất ngờ

khi nụ hôn còn trong nghi vấn
cuộc tình mình chấp nhận rủi may
bởi ai biết con đường số phận
chọn chiều nào tránh hướng đạn bay

khi cuộc chiến còn chưa ngã ngũ
em dễ dàng nhận thiệp báo tang
trong khoảnh khắc nụ hôn bị vỡ
giữa đêm đen còn gì cho nhau

khi cuôc sống bị đời bức tử
mong gì anh nhận được đoá hồng
em nghĩ đi - còn chi quyến rủ
trong tình thơ viết giữa chiến trường

@

bữa nay nhớ đêm tàn quá khứ
kể em nghe chuyện thuở hồng hoang
nhìn rõ mặt nguyên nhân viễn xứ
anh tưởng mình đang dạo nghĩa trang

chút hồn phách bạn bè còn lại
treo trên đầu huyền sử vinh quang
nên em nhớ những gì tồn tại
cũng chỉ là bèo bọt thời gian.

Cao Nguyên

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

vỗ cánh chim bay

vỗ cánh chim bay (*)

(Tưởng nhớ nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang)

Hãy ngồi quanh đây
ngồi quanh đây cùng hát
hát xóa niềm đau
trong hoàng hôn của một lớp người
đi trong mưa gió
nhìn ánh lửa tàn
buồn nỗi buồn nhược tiểu!
Hãy ngồi quanh đây
ngồi quanh đây cùng hát
hát chuyện quê ta bên kia sông
một chiều qua Tuy Hòa
gặp cháu bé lang thang
cần những bàn tay
không lìa nhau r
rất cần nhau !
Hãy ngồi quanh đây
ngồi quanh đây cùng hát
hát cho đồng bào tôi
dưới bầu trời quê hương
lời nguyện cầu hạnh phúc
như hy vọng đã vươn lên
như đoàn quân đang thức tỉnh
nhìn gươm thiêng hào kiệt vung lên
ôi đời đẹp vô cùng !
Hãy cùng chúng tôi
hát nữa đi anh
hát trên đường Việt Nam
dưới ánh mặt trời
theo tiếng hát tự do
nhìn đoàn ta ra đi
chuyền tay nhau
ngọn đuốc hồng tuổi trẻ
tôi chờ điều ấy
như tôi đã thấy ngày mai
"còn triệu khối kiêu hùng"
trên mọi nẻo đường
Việt Nam quê hương ngạo nghễ !
tôi chờ điều ấy
Anh biết không
Người Du Ca Việt Nam
Nguyễn Đức Quang !

*
Trời California hôm nay
như mây trên cao
Anh vỗ cánh chim bay
vào thiên thu
tôi không chờ điều ấy
Anh biết không
Người Du Ca Việt Nam
Nguyễn Đức Quang !
***
Cao Nguyên
MD – April 01,2011
-----------------------------------------------
(*) Những dòng chữ in đậm là tên tác phẩm tiêu biểu của Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang
Mời vào link chọn bài hát để nghe: