Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Thao Thức



Đôi lời giới thiệu:


Nhà thơ Cao Nguyên khá quen thuộc đối với giới văn nghệ sỹ Hải Ngoại.
Thơ anh nhẹ nhàng,thấm vào lòng người đọc một chất men say ngây ngất.
Mỗi bài thơ của anh là một suối nguồn tư tưởng. Mỗi câu thơ của anh là một ngụm trà thơm...

Anh sáng tác rất nhiều bài thơ trên các trang web,và một trong những đề tài quyến rũ người yêu thơ trên phố ảo là “Quán Mây”/Việt Báo.
“Trái tim Việt Nam” của anh là một đề tài yêu nước phát xuất tự đáy lòng.
Nhà Thơ Cao Nguyên hiện đang cùng bằng hữu thành lập một Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt tại
Virginia, để phổ biến những dòng thơ ái quốc, cũng như phổ biến tài liệu lịch sử
Việt Nam đến giới trẻ khắp năm châu...

Song Thuận




Dẫn Nhập




Có lẽ nên khởi đầu bằng bài "dòng thơ lưu vong". Bài thơ chỉ mới viết cuối năm 2007, vừa như để trả lời những thân hữu hỏi: Bao giờ thì Cao Nguyên in một tập thơ riêng của mình vậy?, vừa như để trả lời với chính tôi: đã đủ sự trân trọng mời người khác đọc thơ của mình chưa?
Sự trân trọng của tấm lòng đối với chữ nghĩa cũng ngang bằng với việc gởi chữ nghĩa của mình đến với người đọc.
Mượn tên tranh "nghìn đêm thao thức" của Họa Sĩ Vũ Hối để phóng lên sự "thao thức" của chính mình về riêng chủ đề "Tháng Tư": còn lắm bâng khuâng giữa những điều đã viết, như đang đi vẫn hỏi chuyện ngày mai, vẫn hỏi chuyện khởi đầu từ ấy... để lòng đau?
Nhưng vẫn viết như vẫn đi... dẫu đôi lúc tự hỏi: viết để làm gì? Để gió cuốn bay... lên những trang web!
In một tập thơ, nhiều lắm là 1000 cuốn gởi đến 1000 người đọc. Trong khi mình gởi thơ lên trời, thơ bay tám hướng bốn phương, người bắt gặp thơ mình chắc sẽ nhiều hơn. Điều đáng nói là cám ơn tấm lòng người với chữ nghĩa tôi.
Khi nào định hình được chữ nghĩa tôi giữa lòng người, thơ sẽ in như một di ngôn!


Dòng thơ lưu vong

Người ta in thơ ra rồi mới bán
tôi bán thơ trước khi in ra
vì muốn biết còn bao người thích đọc
dòng thơ lưu vong viết gởi quê nhà

vì muốn biết bạn bè ở quanh ta
có bao nhiêu người mang nỗi lòng Do Thái
dựng trong tim một dãi Sơn Hà
sống ở đâu cũng nhớ về đất Tổ

*

người ta in thơ ra rồi mới tặng
tôi tặng thơ trước khi in ra
vì muốn biết còn bao người say đắm
được ngắm mình trong ngôn ngữ Mẹ Cha

vì muốn biết giữa điệp trùng tiếng động
còn bao người nghe trầm sóng dòng sông
đang luân chuyển tấm lòng thơ mở rộng
vào mạch quê hương khát vọng tự do

*

sự chênh lệch giữa thơ mua và tặng
giá ước chừng hơn một tách cà phê
chữ để đọc hay chỉ là để ngắm
cũng bâng khuâng từ mỗi cuộc đi, về

người muốn mua thơ hay thích tặng
kẻ làm thơ cũng trân trọng cám ơn
vì đã biết còn tấm lòng cảm nhận
những yêu thương trên mỗi chặng căm hờn!

*

trân trọng viết hai chữ Việt Nam
nơi trang bìa của "dòng thơ lưu vong"
trên nền vàng của phi trường, cửa biển
nơi vẫy chào vĩnh viễn những tấm lòng

những tấm lòng đi viết thơ trên đá, cát
mỗi dòng thơ khao khát nghĩa hòa bình
viết mãi miết theo hành trình gió hát
những bài ca hùng tráng thuở bình minh!

Cao Nguyên






ba mươi năm - hơn mười nghìn đêm mất ngủ
không riêng tôi, riêng anh. Mà cả chúng ta
những người đã sống hơn bốn, năm thập kỷ
lúc chiến tranh yên nghỉ, đã mệt nhoài!
(Trường Ca Bi Tráng)

Quả là mệt nhoài và tôi hỏi em, hỏi bạn, hỏi những thân thương liệu mình còn mấy thời gian trên hành trình chữ nghĩa viết về tình người, tình núi sông?

Bao năm qua, tôi đã viết gì về Tháng Tư và những vòng xoáy đời quanh Tháng Tư với những Ấn Tượng nhói lòng? Không nhiều, nhưng đủ chứa cả môt góc nhìn se thắt từ chính mình, từ những thân quen!


Thưở mình đi ngược gió
Quê Hương ở đằng sau!
(tình khúc Sơn Hà)

...

Một Tây Nguyên mười năm vung kiếm
Một Việt Bắc mười năm lao tù
Một đất người mười lăm năm lưu vong
Một Quê Hương Việt Nam suốt đời không quên!

Tưởng cũng đủ nguyên nhân để gom về một nơi những trăn trở thương yêu với Người và Đất trong chủ đề Thao Thức.
Gởi đến người, gởi về nơi chốn đã cho tôi những ân tình khó quên.
Cám ơn đời, cám ơn người cho tôi chất liệu vực chữ nghĩa đứng lên và tiếp bước đi trên hành trình nhân ái.
Cám ơn những Ấn Tượng trong đời tạo sự rung cảm trong nguồn thơ tôi.


mai ba-mươi
bữa nay hai-chín
ta đếm thời gian
câm nín
ngược dòng!

Trân trọng mời bạn vào "Thao Thức":

Ở ĐÂY

Hoặc vào link: http://caonguyenviet.wordpress.com/

Cao Nguyên

Virginia 29/4/2008

TÂM-SỰ NGUYỄN TRÃI

TÂM-SỰ NGUYỄN TRÃI
QUA MẤY BÀI THƠ THỂ TÍNH RA NIÊN-ĐẠI


GS.Nguyễn Ngọc Bích

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cách chúng ta trên sáu thế-kỷ, nên suy nghĩ của ông chắc phải khác chúng ta rất nhiều. Đây là một điều chúng tôi muốn đem ra cân đo, thử nghiệm trong bài viết sau đây, nhất là trong hoàn-cảnh chúng ta ở Mỹ, nơi mà người ta hay nói về “hố ngăn cách thế-hệ” (“generation gap” trong tiếng Anh) dễ làm cho cha mẹ, con cái không hiểu nhau. Nếu hai thế-hệ ngay gần kề nhau mà đã có thể không hiểu nhau, thậm chí có thể đi đến cả chỗ xung đột thì 20 thế-hệ hơn (nếu ta tính 30 năm là một thế-hệ), nhất định không thể nào ta dễ hiểu được thơ Nguyễn Trãi. Đó là chưa kể đến ngôn ngữ rất xa lạ với ngôn ngữ đời thường của chúng ta ngày hôm nay.

Đây là một chuyện mà chúng tôi đã có kinh-nghiệm bản-thân khi giảng dạy về văn-học cận-hiện-đại Việt Nam tại George Mason University cách đây cũng đã hơn 20, gần 30 năm (từ 1979 đến 1989). Nhiều điều mà thế-hệ tôi coi là đương-nhiên, không cần phải mất công giải thích dông dài, thì lại không đương-nhiên tí nào đối với các em 18, đôi mươi đến lớp tôi những năm đó. Thí dụ, ta (thế-hệ tôi) đương-nhiên coi truyện của Tự Lực Văn Đoàn là những truyện đáng đọc nhưng khi đưa vào chương-trình bắt các em đọc thì đa-phần không hiểu:
- Sự tổ-chức của xã-hội hồi đó (các em không hiểu vì chưa từng sống dưới một chế-độ thuộc-địa hay quan-liêu, các em không rõ, chẳng hạn, sự khác biệt giữa một ông tổng-đốc và một người cai tổng, hay các em không phân-biệt được giữa một ông tổng-đốc và một ông tuần phủ, lại cũng không rõ là phủ trên huyện hay ngược lại, không tách biệt được tổng hay xã hoặc làng v.v.).
- Những quan-niệm như khao vọng hay “ăn trên ngồi trốc” của thời bấy giờ, tỷ dụ, cách sắp xếp chỗ ngồi ở làng khi có cỗ (“một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”) hoặc chuyện người ta có thể đi đến xô xát vì một cái đầu heo, thủ lợn v.v.).
- Cách ăn nói thời đó, đặc-biệt là những cách rào đón có ẩn-ý, ngụ-ý (tế-nhị và rất xa lạ với cách nói bộc trực, không vòng vo tam quốc của các em lớn lên tại Mỹ).

Xem tiếp:
Ở ĐÂY