Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

AI VỀ QUÊ CŨ



AI VỀ QUÊ CŨ CHO TÔI NHẮN

Người đầu tiên chế biến món bánh bèo bình dân thành món ăn độc đáo là bà Nguyễn Thị Kiên, ở An Thạnh, Búng. Bánh bèo bì Mỹ Liên ở chợ Búng đã truyền ba đời và nổi tiếng trên một trăm năm, trở thành món ăn đặc sản của tỉnh Bình Dương. Khách phương xa đến thăm viếng vườn trái cây Bình Nhâm, Cầu Ngang, Búng thường ghé quán bánh bèo bì Mỹ Liên để thưởng thức món ăn mang hương vị đậm đà của tỉnh Bình Dương.

Nói đến Chợ Búng- Lái Thiêu, chúng ta cần biết qua vùng đất nầy. Chợ Búng-Lái Thiêu là một trong những ngôi chợ xây dựng lâu đời, sầm uất nhất của tỉnh Bình Dương. Lái Thiêu gần Sài Gòn, Biên Hòa, lại là giao điểm của giao thông đường thủy và đường bộ nên người Hoa và người Việt đến đây lập nghiệp rất sớm. Ngành thương mại, quán bán thực phẩm, quán ăn đã phát triển nhộn nhịp. Những ngày cận Tết, các ghe cá từ U Minh, tỉnh Rạch Giá, và ghe thuyền miền Tây, An Giang, Hậu Giang, đến bán cá, bán mắm, bán gạo, nếp và phân phối cho các chợ xung quanh và chợ Bình Dương. Sau đó, các thương thuyền mua đồ gốm, chén bát, lu hủ, bàn ghế chở về Miền Tây bán. Chợ Lái Thiêu còn có trung tâm buôn bán trái cây, có nhiều quán ăn nổi tiếng được lưu truyền lâu đời và được nhiều người ưa chuộng. Những năm gần đây, khi Việt Nam mở cửa làm ăn buôn bán với nước ngoài, quán tiệm cũng phát triển theo cấp số nhân và nhiều người dân Bình Dương, Búng- Lái Thiêu cũng biết chế biến nhiều món ăn khác để phục vụ cho khách du lịch sành điệu ăn chơi, nhậu nhẹt.

Khi tôi còn ở Việt Nam, mỗi mùa trái cây ở cầu Ngang, Búng, Lái Thiêu, tôi và bạn bè rủ nhau đi chơi vườn, ăn trái cây hái từ trên cây xuống. Mùa trái cây bắt đầu từ Mùng 5 tháng 5 Âm Lịch. Thời gian đó cũng là mùa học sinh nghĩ hè. Cầu Ngang bắt đầu đông khách và nhà vườn cũng kiếm được bộn tiền từ việc bán thức ăn, nước giải khát, trái cây. Lũ học trò như chúng tôi cũng mê đi chơi trong vườn trái cây ở Cầu Ngang, vừa ăn trái cây đủ loại, vừa dạo chơi thơ thẩn và nghe tiếng ve kêu rộn rã trong vòm lá trên đầu. Thú vị nhất là buổi trưa la cà tạt vào quán Mỹ Liên làm một dĩa bánh bèo bì, nhâm nhi mấy cái men chay chua và nem thịt nướng. Khi bạn đã đến đây và ăn một diã bánh bèo bì, bạn sẽ có cảm giác thèm và nhớ hương vị béo ngậy đọng lại trên đầu lưỡi của dĩa bánh bèo. Có người nói rằng bánh bèo chỗ nào cũng như nhau, có gì mà phải so sánh, chạy lung tung tới Búng để mua ăn. Như nhiều người bàn tán, bánh bèo Mỹ Liên có nét đặc biệt làm khách phương xa ăn xong nhớ mãi. Cái bánh làm bằng bột gạo trắng tinh, tròn trỉnh, dai dai, có hành lá xào với mở, đậu xanh vàng ngậy, những cọng bì trộn thính thơm thơm, đậu phụng giã nhỏ, có các loại rau thơm cắt nhuyễn phủ lên trên và chén nước mắm ngọt ngọt, chua chua nổi lên trên mặt những miếng ớt, tỏi bầm nhỏ, những cọng cà rốt và cũ cải trắng cắt thật khéo. Mỗi lần ăn bánh bèo Mỹ Liên, tôi chan nước mắm nhiều đến muốn ngập lụt cái diã bánh bèo. Và mỗi khi tôi nhìn người chủ quán sắp bánh bèo ra diã là nước miếng tôi muốn ứa ra.

Lúc còn học tiểu học, tôi mơ mình mau lớn một chút để tự đạp xe đạp đến Búng ăn bánh bèo cho đã cái bụng. Mùa hè cuối năm lớp Năm, tôi đã thực hiện ước mơ đó. Tôi không còn ăn quà vặt và mua đồ chơi ở cái chợ Lồng ở Thủ Dầu Một. Dù tôi mê đọc sách hơn cả ăn quà sáng, nhưng trong một tuần lễ, tôi cũng không đi mua sách của bà Mười Ú bên vệ đường gần tiệm vàng Nhựt Hưng mà để dành tiền trong con heo đất để chu du một chuyến Cầu Ngang. Tôi rủ rê một đám “âm binh” gồm mấy đứa bạn học chung lớp, phá phách, trèo cây giỏi số một để có cơ hội ăn trái cây nhiều nhất và có những cuộc chơi ngoài trời ngoạn mục. Mùa hè, là mùa của lủ học trò tha hồ rong chơi, nghịch ngợm. Chúng tôi thảnh thơi bơi lội, thả diều, chơi u mọi, bắt dế, đá banh, bán quán…Chúng tôi lặn lội đạp xe kót két, cọc cạch, đèo nhau gần một tiếng đồng hồ, mồ hôi chảy ròng ròng. Cả đám âm binh, ồn ào như cái chợ trời, tha hồ ngồi xổm trên mấy cái ghế đòn thấp sát đất được kê dọc trong cái quán Mỹ Liên nhai ngấu nghiến miếng bánh bèo thơm phức. Vì quán quá đông khách không có chỗ ngồi, nên nhiều đứa phải phải bưng diã bánh ra ngồi chồm hổm ngoài hiên. Có đứa húp nước mắm rồn rột và có đứa liếm hết sạch cái diã không còn chừa một tí gì nhưng vẫn còn liếm mép. Ăn xong một diã bánh, ních thêm mấy cái nem chua và uống một ly nước dừa là no cành hông. Chúng tôi thoả mãn kéo nhau đạp xe vòng vòng trong vườn trái cây và xế chiều trở về thị xã. Cả đám con nít háo ăn, nghịch ngợm nghĩ đó là những ngày thú vị nhất của tuổi hoa niên. Chúng tôi tha hồ tán hưu, tán vượn về chuyện đi ăn bánh bèo và còn được tặng trái cây không lấy tiền làm mấy đứa khác nghe xong phát thèm, ganh tị và ao ước được một lần lén cha, lén mẹ đi chu du như chuyện “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của nhà văn Tô Hoài. Thật ra, lủ âm binh vừa mua trái cây, vừa canh chừng chủ cho mấy tên ma lanh leo trèo, chôm chỉa thêm cho đỡ tốn tiền. Thế nhưng, các bác, các cô chú miệt vườn hiền lành không la lối, không chửi bới như những người kẻ chợ. Họ thấy đám lâu la mặt mày sáng sủa nhưng túi không tiền nên cũng muốn vừa bán vừa cho. Đó là thời kỳ cuối thập niên 60 đầu 70, khi chiến tranh còn ác liệt, con người còn mơ ước tìm sự bình an và xem mạng sống của con người cao qúy hơn tiền bạc, của cải, vật chất. Họ nghĩ bom đạn có thể sẽ tàn phá tất cả trong một tích tắc thì những chùm chôm chôm, măng cụt, dâu da…còn có nghĩa gì đâu. Cái nhân hậu, hiền hoà, chân chất đó cũng giống như những giọt mưa hạ rơi trong những mảnh vườn cây sum xuê quả ngọt quê tôi. Cái tình người mang mang trong dạ như chất chứa tất cả sự quê mùa, mộc mạc, đơn giản, rộng lượng của trái tim người Bình Dương sống bao đời trong nương rẫy, ruộng vườn.

Thế nhưng ngày nay, cái nhân hậu, ấm áp tình người nơi đó có còn không tôi không biết được. Một lần về Việt Nam, xe chạy qua Cầu Ngang, nhà thơ họ Lê, bạn thân của tôi nói với tôi rằng “trái cây bây giờ không còn như ngày xưa đâu bạn. Những người chủ vườn thấy có khách phương xa đến, họ phải chạy ra chợ mua trái cây về bán lại với giá cắt cổ”. Xã hội nào, con người đó. Đã xa lắm rồi thời gian tuổi vàng, tuổi ngọc, tuổi hoa niên êm đềm, ấp áp tình người.

Khi tôi vào Trung Học, tôi đã về Sài Gòn sống trong khu nội trú trường QGNT. Tôi giả từ bạn bè với những ngày rong chơi thơ thẩn, đầy thú vị. Tôi không còn có dịp trở lại quán bà Kiên ăn bánh bèo bì vì đường sá bị đắp mô, gài mìn rất nguy hiểm. Sau năm 1975, một vài lần tôi ghé ngang ăn bánh bèo Mỹ Liên, nhưng không cảm thấy mê ăn như thời còn bé. Có thể vắng bạn hiền món ăn không còn thú vị háo hức như xưa chăng? Mỗi lần đến đây, tôi lại có cảm giác buồn khi nhớ từng khuôn mặt của từng đứa bạn tóc mây chưa chấm ngang vai đã bị cuốn đi trong cuộc chiến khốc liệt. Có đứa đã chết trong bom đạn, đứa lưu lạc, đứa thì cuộc đời nổi trôi như dề lục bình trên con sông Lái Thiêu, có đứa bị đạn pháo kích của cộng sản tàn tật suốt đời. Tôi rất ít ghé quán Mỹ Liên để ngồi hồi tưởng lại kỷ niệm học trò.

Rồi tôi đi xa thật xa, cuối chân mây của bên kia bờ Thái Bình Dương. Sau 12 năm rời xa quê hương, trong dịp Tết Nguyên Đáng năm 2001, tôi trở về thăm nhà. Người rủ rê tôi đi ăn bánh bèo Mỹ Liên là B.S Bạch Yến, một người chị, người bạn lâu đời của tôi. Con người nầy thu hút tôi kỳ lạ bởi sự dịu dàng, thân ái, nhân hậu, tốt bụng và ngay thẳng. Bạn thân chị đủ mọi lứa tuổi và thành phần lý lịch cũng khác nhau. Chị có một người bạn chí thân là phi công của QLVNCH, anh tên là Q. người Bình Long. Anh cao lớn, khí phách và rất ghét cộng sản. Khi nói chuyện với chị anh hay hỏi “Tại sao bà lại đi theo cộng sản? Cộng sản có gì tốt và hấp dẫn đâu mà bà chạy theo? Bây giờ bà nhìn cái xã hội nầy coi nó giống cái gì?” Chị chỉ cười trừ mà không gân cổ lên cãi văng nước miếng để bảo vệ chế độ như những người khác. Chị còn hay hỏi anh bao giờ anh muốn vượt biên? Chị mong anh thoát khỏi chế độ cộng sản để tìm một tương lai cho đời anh. Tôi nghe hai người nói chuyện với nhau thì chỉ biết ngồi im lặng và cười. Chị hay giúp đỡ mọi người và đối với tôi, chị thương mến, trân trọng và ân cần. Tôi trở thành bạn của vợ chồng chị và là cô giáo của hai cháu Tigon và Phượng Ly. Trong ngày Tết Nguyên Đáng, năm 2001, tôi về thăm gia đình và ghé thăm vợ chồng chị thì bàn thờ đã có hình của B.S Võ Tánh, chồng chị. Anh bị bịnh ung thư và ra đi. Anh là một người ít nói, hiền hậu, tốt bụng mà tôi rất kính trọng. Năm 2008, tôi có trở về Việt Nam lần thứ nhì và ghé thăm chị. Chị ra cửa tiển khách, thấy tôi từ cổng bước vào, chị mừng rỡ hỏi “Em từ trên trời rớt xuống đó hả? Về bao giờ mà không gọi chị?” Tôi đáp: “B.S Huỳnh Văn Nhị nói cho em biết chị ở đây nên đi tìm. Anh nói hôm nay là ngày giỗ của Bác gái.” Ngày giỗ mẹ chị, quan khách đến rất đông. B.S Nhị chờ tôi quá lâu nên đã đi về lo chuyện nhà. Tôi tiếc không thể gặp lại anh lần sau cùng trước khi tôi trở lại Hoa Kỳ. Tôi đến trễ nên chỉ còn chị và gia đình, tôi gặp lại cháu Tigon, chồng cháu là một Việt kiều Úc, Ly Phượng cũng đã định cư ở Canada với chồng. Chị hiện nay sống với đứa con nuôi và chị đã có chồng khác. Anh là một nhà kinh doanh địa ốc từ Bắc vào Nam làm ăn. Tôi nói với các cháu rằng: “Không ai có thể thay thế hình bóng của ba Tánh trong trái tim cô”. Tôi có hơi ích kỷ không khi nói điều đó. Nhưng trong tôi nỗi nhớ thương anh vẫn còn đó. Biết làm sao?

Ngày Mùng 4 Tết, thay vì đi ăn nhà hàng, ăn bánh tét, bánh ít, dưa hấu, bánh tráng, dưa chua với thịt kho Tàu, B.S Bạch Yến lại rủ tôi đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên. Tôi vui vẻ nhận lời ngay. Cháu Trung, con rễ chị lấy chiếc xe hơi chở chúng tôi đi. Chợ Búng giờ đây đã thay đổi hẳn. Hai bên là những dãy phố buôn bán sầm uất. Phố xá mọc lên san sát, có nhiều nhà cao tầng đã xoá dần những cảnh sắc thiên nhiên mà tôi yêu thích. Bên ngoài quán, xe hơi đậu đầy, nhưng người phục vụ trong quán đã hướng dẫn cho khách có chỗ đậu xe cẩn thận. Ngôi quán nhỏ bây giờ là một căn nhà lầu 3 tầng, khang trang. Tầng trên cùng dành cho khách quý, cán bộ. Nơi đây có ban công, và gió mát lùa vào mát rượi. B.S Bạch Yến gọi người chủ quán là Cô Năm. Tôi không biết cô Năm là con hay cháu bà Nguyễn Thị Kiên. Cô Năm mặc cái áo bà ba trắng, tóc uốn cao, người đẩy đà. Cô Năm thấy B.S Bạch Yến thì tay bắt mặt mừng. Họ quen nhau từ hồi nảo hồi nao nên câu chuyện trao đổi đã nổ như bắp rang. Chúng tôi được ngồi cái bàn gần ban công, bên cạnh là một cây hoa mai cao lớn được trồng trong một cái chậu sành. Bây giờ là vào dịp Tết nên hoa mai nở vàng rực. Những cánh mai mềm mại rung rinh trong gió. Cô Năm sai người bồi bàn dọn ra cho chúng tôi bốn diã bánh bèo bì còn nóng hổi. Trên mỗi diã có thêm 4 miếng nem thịt màu đỏ hồng. Tôi cắn nhẹ một miếng, vị giác của tôi bị kích thích bởi hương vị chua chua, ngọt ngọt và mùi thơm tỏi, ớt, lá dông khiến tôi thèm ăn hơn. Lâu lắm rồi tôi không ăn bánh bèo bì Mỹ Liên và lúc nầy tôi cảm thấy đói cồn cào nên ăn một lúc hết một diã. B.S Bạch Yến còn gọi thêm một diã nem nướng, chị gắp vào diã tôi và nói rằng ăn đi để về Mỹ không có loại nem nầy để ăn. Thật vậy, ở Mỹ có nhiều quán tiệm Việt Nam, nhưng chưa có nơi nào bán bánh bèo nóng hổi, và những miếng nem chua và nem nướng ngon như ở quán Mỹ Liên. Tôi ăn xong, còn mua thêm mấy chục cái nem chua đem về cho gia đình. Tôi muốn mua bánh bèo bỏ lên xe đem về nhưng B.S Bạch Yến và các cháu cười nói rằng đem về là hết ngon. Còn cô Năm thì nói “hể ai thèm thì tự động mò tới quán của cô”.

Khi chúng tôi ra về, cô Năm còn tặng cho mỗi người một bịch bánh hột điều. Tôi đem nem, đem bánh về khoe các cháu và chị tôi làm ai cũng bò ra cười. Ai đời Tết mà đòi đi ăn bánh bèo và còn khoe như được tặng vàng. Đó là món quà Tết Nguyên Đán mà tôi được B.S Bạch Yến lì xì vào Mùng 4 Tết năm 2001.

Rồi năm 2008, tôi có dịp trở về Việt Nam lần thứ 2. Cùng đi với tôi có anh Vinh, người bạn cùng học chung trường QGNT, anh Phát bạn của anh Vinh đang sống ở Sài Gòn, cháu Thạch, nhà thơ họ Lê. Tôi lại bô bô khoe khoang, quảng cáo với các bạn tôi về món bánh bèo bì Mỹ Liên tuyệt cú mèo. Tôi nghĩ đó là đặc sản đặc biệt của miệt Bình Dương, của người Bình Dương. Tôi không dám khoe trái cây Bình Dương nửa vì ai cũng biết thời kỳ vàng son của nó đã khép lại. Và mùa nầy gần Noel, nhà vườn làm gì có trái cây để khoe. Khi xe chúng tôi chạy ngang qua chợ Búng, cháu Thạch dừng xe lại quán bánh bèo Mỹ Liên. Tôi lại được dịp thưởng thức món bánh bèo với nem chua, nem nướng. Món ăn dân giả nhưng gợi lại cho tôi biết bao kỷ niệm về vùng đất, con người mà tôi đã từng đến và đi. Nhà thơ họ Lê chắc lưỡi khen ngon, còn anh Vinh và anh Phát thì nói danh bất hư truyền. Khi ra về, anh Vinh còn mua thêm mấy chục cái nem đem về tặng vợ.

Chiều xuống nhanh, gió mang hơi nóng làm rát da người. Con đường tráng nhựa hình như bốc khói. Hơi nóng phả vào không gian sự oi bức làm chúng tôi đổ mồ hôi. Trên những con rạch tôi đi qua, cây cối hình như đã chết dần mòn. Vườn cây Búng, Bình Nhâm, Lái Thiêu một thời vang bóng cây ngọt trái lành, vườn cây sai quả đã không còn như xưa. Nhiều người nói rằng vườn cây đã bị đốn bỏ vì chết dần mòn. Cây không ra hoa và không đậu trái. Người ta bán đất, bán vườn và những doanh nhân đã lập thành xí nghiệp, kinh doanh, khách sạn buôn bán nên vườn cây ngày càng thu hẹp. Con rạch chạy dọc theo quốc lộ ngày xưa nước lênh láng, xanh ngắt bây giờ lờ đờ, xanh sậm, bốc mùi tanh ngay ngáy. Cỏ cây hai bên bờ nhàu nát. Những mảnh vườn trái cây xanh ngát, trùng điệp, cây trái trĩu cành với những trái sầu riêng, măng cụt, dâu da, bòn bon và những trái chôm chôm tróc ngọt lịm còn đâu. Tôi tiếc ngẩn ngơ một quá khứ đã quá vảng không ai còn thèm nhớ đến. Người ta bây giờ muốn làm giàu bằng kinh doanh buôn bán. Ai cần chi cái đất đai vườn ruộng nhà quê, nghèo nàn, lạc hậu kia. Nhà thơ họ Lê nói nhỏ vào tai tôi về những xí nghiệp dọc theo hai bên đường, những Hotel tráng lệ, những trung tâm thương mại, xí nghiệp, lò gốm, Siêu Thị…v…v… Bình Dương đổi thay nhiều quá đến nổi tôi không dám đi đâu một mình vì sợ lạc đường. Thời gian không chờ đợi ai. Thời gian cứ im lặng, lửng thửng trôi đi đã mấy chục năm. Ngay cả tôi bây giờ cũng đã già rồi còn gì!

Biết bao giờ tôi trở lại Bình Dương để còn nhìn lại mảnh trăng xưa, dòng sông cũ, còn được nhìn lại từng khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói bạn bè. Trong trái tim tôi không có khoảng cách của tình người.

Và bạn ơi! Tôi vẫn còn muốn tìm lại hương vị quê hương qua món bánh bèo bì Mỹ Liên chợ Búng. Xin chờ tôi nhé Bình Dương yêu dấu!

Phong Thu

Viết cho những ngày cuối năm 2010

Xem thêm: MÙA XUÂN BÊN ẤY

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Mỗi Mùa Xuân Về



mùa Tết

mùa Tết mà thơm mùi gió biển
phải em vừa nhắc đến Nha Trang
lòng chợt rộn mừng theo cánh én
bay rợp trời xanh khoe dáng Xuân

mùa Tết mà rưng cay khoé mắt
phải anh vừa nhắc chuyện Mậu Thân
Huế chít khăn sô buồn thảm đất
mưa phùn phủ trắng mộ đời hoang

mỗi độ Xuân về thêm cuộc hẹn
gặp gỡ thân quen giữa Sài Gòn
đâu hay còn mãi hong mùi Tết
trong giòng hồi tưởng nhớ Quê Hương

chẳng lẽ Xuân về không nhắc Tết
mà nhắc lòng đau cả mất, còn
mỗi góc trời xa nhìn Đất Mẹ
nghĩa nặng Quê Cha thấm tận hồn!

Cao Nguyên



Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

XUÂN ẢNH




TRANH MÈO
Thanh-Trí's Cat Paintings
Mời xem tranh của Họa Sĩ Thanh Trí:
TRANH MÈO
***
trong vườn sớm mai

Khi người dạo xin bước từng bước khẽ
Cỏ võng đưa sương còn đọng giấc nồng
Trăm hoa nhỏ đang run lên nhè nhẹ
Chờ nắng ban mai phơn phớt cánh hồng

Khi người tưới xin chỉ như mưa bụi
Thoáng ướt mềm lơi lã chút cành thanh
Hoa sẽ ngã mình hé chờ mê mải
Từng giọt nước ngà ướp nắng long lanh

Khi người tỉa cành xin đừng làm đau đớn
Hoa dù tàn nhựa sống vẫn còn vương
Người có thấy trên tay người lệ nhỏ
Từ cành khô khóc đời chốn vô thường

Khi quét lá xin đừng tung bụi đỏ
Để đất về cùng bụi đất thân quen
Bụi đâu muốn đong đưa theo lá cỏ
Chỉ muốn nằm yên dưới gốc ngủ rất mềm

Xin người ngồi đây giữa hương hoa thơm ngát
Uống sắc màu rực rỡ của thiên nhiên
Hãy nhắm mắt hòa tan cùng trời đất
Cảm ơn đời cho ta phút bình yên

Đặng Lệ Khánh

Xem Nhạc Ảnh: NHẠC ẢNH

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

XUÂN THƠ






Nghe Nhạc: http://huongduongtxd.com/vhn9.html
*****
Tình Khúc Vào Xuân


gọi em môi hồng của nắng
hát lời tình khúc giữa Xuân
tim rung theo từng nốt lặng
thương yêu rộn giữa vô cùng

anh nghe cả lời tim nói
trên từng nhịp thở bâng khuâng
có gì dường như rất vội
giữa em nỗi nhớ vô cùng

trên dòng thời gian im lắng
không gian vỗ sóng muôn trùng
nhớ thương gởi vào xa vắng
mây bay theo gió ngập ngừng

xuyến xao lan xa vời vợi
lướt trên mặt sóng chập chùng
anh gom từng con chữ rối
gợi lời tình khúc vào Xuân !

Cao Nguyên

Nghe Nhạc: http://trinhnu.net/nhac/?36262
*****

Xuân Nhớ
Tôi người khách lạ đến nơi đây
Tết đến lòng tôi cứ nhớ hoài
Mỗi độ xuân về mai chớm nở
Màu vàng tôi nhớ đến hôm nay

Mẹ tôi tần tảo lo may vá
Áo Tết cho con để rộn ràng
Chiếc áo nồng nồng mùi vải mới
Nụ cười xưa đó rất thênh thang

Ngày Tết ông tôi ngồi viết liễn
Năm ba câu chúc chữ ... Rồng Tiên
Bàn thờ nghi ngút màu hương khói
Bánh tráng, bánh phồng phơi trước hiên

Tôi đứng xum xoe mừng áo mới
Áo hồng tôi đẹp đến rưng rưng
Tay cầm đôi guốc không cho lấm
Đôi guốc sơn son, đẹp quá chừng!

Tôi nhớ mùa Xuân, Xuân Việt Nam
Bây giờ cách trở, đã quan san
Quê hương, dù một con sông nhỏ
Nhưng có tình quê đượm xóm làng .

Sương Mai

*****

Cánh Mai Vàng

Trên đỉnh nhớ chiều mùa xuân quê hương
Đêm qua năm giao thừa sang âm thầm
Chị làm đẹp, áo dài xanh, khăn nhiễu
Mắt huyền đen, môi tô chút son hồng

Trời Huế Tết trong mưa phùn bay lạnh
Ngó dị òm áo mới bằng xa tanh
Chị cười, nói: con ni chi lạ rưá
Mau lên em, trể hái lộc giờ lành

Chùa Từ Đàm tối ni chen không lọt
Người với người khoe sắc đỏ, vàng, xanh
Tiếng chuông mõ, mùi trầm hương nghi ngút
Lộc trong tay, em hớn hở vui mừng

Nắm tay em, chị dìu vô chánh điện
Trước Phật đài chị kính cẩn dâng nhang
A em hiểu! chị ít nhiều thầm kín
Đếm xuân này chị mới có hăm lăm

Em xa quê, chị lấy chồng quá trẻ
Bốn người con nhỏ dại, nợ với nần
Anh ra Bắc bị tù đày biệt xứ
Vui chưa tròn, đêm trở lạnh phòng không

Huế ơi Huế, Tết còn dòn pháo nổ
Đêm Giao Thừa còn người chị vui xuân?
Em thèm lát bánh chưng, ôi là nhớ
Bầu Vá trời Tết lạnh đất ai xông!

Lương Quán ơi, ta hứa về mùa Tết
Ghé bên nhà Nội bẻ cánh hoa mai
Em đem tặng chị, cài hoa lên tóc
Nụ cười hiền pha dịu bớt tương lai

Đông Hương

Giao Thừa Đón Xuân


tiếng hát Miên Thụy
http://www.mienthuy.com/thodaduocphonhac_GiaoThuaDonXuanCND.htm


Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

QUỐC NGỮ XUÂN THÌ

Quốc Ngữ Xuân Thì

những con Chữ đừng nên ngủ muộn
dậy mà đi kẻo quá giấc Xuân
theo mạch đất trở về đồng ruộng
mở tim ra đón lúa lên đòng

mỗi Chữ vướng trên từng nỗi nhớ
lúc nào nhìn cũng thấy yêu thương
những mùa Xuân da vàng máu đỏ
theo Nghĩa đi rộn rã vô cùng

quê hương Mẹ ngàn năm còn đó
mãi trong lòng Con Cháu muôn phương
mong ước được một lần gặp gỡ
trong một ngày Sông Núi toả hương

Nghĩa trăm năm từng con Chữ nhớ
gọi vào Xuân rạng rỡ cùng đi
nối lời viết nồng nàn nhịp thở
Quốc Ngữ ơi! Mãi mãi Xuân Thì!

Cao Nguyên




Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

MÙA XUÂN BÊN ẤY




Mùa Xuân Bên Ấy - Quê Hương trong tầm nhớ thật gần, dù bạn đang ở đâu .Từ nơi bạn đang ở, nhìn về bên ấy có những thân thương, hỏi rằng: còn nhớ không những ngày Tết ở quê ta với hương vị, sắc màu của một mùa Xuân trổi dậy sau một mùa Đông sương tuyết lạnh đầy ? Bên ấy của một cõi miền viễn xứ ... Bên ấy của một quê hương bạn đang có mặt, hoặc đang trong tầm nhìn nhớ về đều cùng chung cảm nghĩ thiết thân đẹp vô cùng từ truyền thống lễ nghi đến sắc màu dân tộc .
Trong thời đại toàn cầu hóa, một click mở cửa, khung trời bên ấy tràn nắng ấm, sương long lanh giọt hồng trên những phiến lá xanh nơi những con đường một thời mình đi qua, sững lại, rồi tiếp tục mong cầu mãi mãi quê nhà vẫn một mùa Xuân đẹp, khởi đầu với những ngày Tết an bình và vui khỏe .
Đây đó, những ngày cuối tháng Chạp rộn rịp người đi từ những miệt vườn lên Phố, gánh gồng, thậm chí đội trên đầu, những hoa quả đến chợ hoa, chào mời người mua lấy sắc màu tươi rói từ những búp hoa chờ nở đón mùa Xuân mới .
Tết đấy, quê nhà đang dậy lên mùi vị của bánh mứt, rượu trà, và cả khói hương trầm tỏa lên từ những chiếc lư đồng ... Lòng lâng lâng niềm thương cảm những người thân đã khuất . Khuất nhưng không lấp, bởi hình bóng thân thương của người, đất nước và hoa lá lại tái hiện trong tầm mắt nhớ của những người dân Việt, dẫu vì nguyên cớ gì đẩy đưa mình xa xứ . . Vẫn mãi mãi muốn tìm lại mùa Xuân nơi quê nhà . Bao tâm tư dồn lại ngân tấu lên những tình khúc dịu êm trong từng con chữ, từng lời ca tiếng nhạc gởi gắm bởi lòng người hoài niệm cố hương!
Khởi đầu cho mùa Xuân bên ấy, Tết đang về . Dẫu gì lòng mình cũng rộn ràng náo nức từ hương pháo, từ hoa khai theo tiếng cười, điệu hát vui tươi .
Ngay trong lòng một con Phố Ảo, những người đi tìm lại mùa Xuàn đã cất tiếng hát trong chương trình nhạc Xuân vào mỗi đầu năm, mãi ngân âm thánh thoát sau bức màn thời gian 365 ngày phiêu đãng . Ôi nhớ, những nỗi nhớ bề bộn trong sâu lắng chợt bùng lên dồn dập giữa mùa Xuân, khó lòng thu xếp gọn gàng trong tâm tư hướng về quê nhà .
Bạn hãy cùng tôi góp lại những hân hoan, những bồi hồi từ đó đây, từ chính lòng mình trọn cả tâm tư trong tự tình dân tộc, quê hương ... Làm bừng lên sắc thái mùa Xuân nơi quê nhà cảm nhận bởi tấm lòng người viễn xứ!
Mùa Xuân bên ấy vẫn tuyệt vời trong tầm nhớ qua khung cửa tâm thức rộng mở . Hãy nhìn, hãy nghe, để hy vọng những con đường xưa lại khởi xanh sau thời sững lại do những biến động hỗn mang .
Rồi mình sẽ được đi trong niềm hạnh phúc tuyệt vời giữa mùa Xuân quê nhà, giữa ân tình thân ái của người, của đất, của hoa lá chào Xuân .

Cao Nguyên


Mời vào xem:
MÙA XUÂN BÊN ẤY




Về thôi

về thôi, Tết đã đến rồi
Mẹ chờ đun lửa canh nồi bánh chưng
Cha chờ rót chén rượu mừng
đêm chờ ngày mới núi rừng rộ hoa

về thôi, kẻo lỡ đời qua
lỡ em một dịp khoe tà áo xinh
lờ anh cuộc hẹn xuân tình
lỡ mùa hương khói cung đình tôn nghiêm

về thôi, ừ nhỉ, về đi
để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không
Cao Nguyên còn bạt ngàn thông
Miền Tây còn những tấm lòng rất Thơ?

bao nhiêu tình, ở đó chờ
tại thao thức mãi, trễ giờ vào Xuân
về thôi, hẹn giữa ngập ngừng
lửa còn đỏ ngọn, bánh chưng trái mùa!

Cao Nguyên

***
Chưa về

Tết rồi, tôi cũng muốn về
Quê hương ai chẳng não nề nhớ thương
Rưng rưng giọt lệ tủi hờn
Bao nhiêu xa cách nỗi buồn bấy nhiêu

Chưa về, nắng đã xiêu xiêu
Biết còn kịp chuyến đò chiều nữa chăng?
Nao nao nhớ hội đình làng
Nhớ đôi mắt ấy ngỡ ngàng nhìn nhau

Chưa về, biển đã xanh dâu
Đổi thay từng cả ngõ đầu, ngách tim
Cũng đành lỗi hẹn với tình
Thêm bao năm nữa trồng thêm nụ hồng?

Nhớ thương quanh quẩn trong lòng
Xuân xanh đã lỡ cũng đừng trách thơ
Chưa về, vẫn nhớ vẫn chờ
Quê hương trái ngọt, giấc mơ vẫn đầy!

Vương Sinh

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM.




Sài Gòn, Em và chiếc áo dài


Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
xua cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt



Sài Gòn, Anh của một thời xa lắc
bon bon vui thoan thoắt bánh xe quay
theo nón em che nghiêng bờ ngực dậy
mơ môi hồng, tuổi ngọc, rượu tình say



Sài Gòn Yêu, suốt những chiều biết đợi
đếm lá me bay về cuối giảng đường
mắt đau đáu nhìn cổng trường mở vội
dáng gầy em cợt vói gọi yêu thương



Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên đọt giấy hoa tiên



Sài Gòn Nhớ, của riêng mình hai đứa
khung trời thương hẹn hứa gởi mây chiều
nhiều biết mấy bao nhiêu điều chưa nói
thời gian đi, quyện rối những đường tơ



Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường,góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh



Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh .



Cao Nguyên

Xem Lịch Sử Chiếc Áo Dài:







Từ nghìn xưa, đất nước Việt Nam của chúng ta sống trong nền văn hóa khép kín kiểu Á đông, với chế độ quân chủ và đặc biệt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Mạnh. Khi người Pháp xâm chiếm nước ta vào hậu bán thế kỷ 19 thì ảnh hưởng của nền văn minh Âu Tây mới dần dần thâm nhập vào xã hội Việt Nam, ảnh hưởng của Nho giáo ngày một thu hẹp lại trong khi ảnh hưởng của văn hóa Pháp ngày một mạnh hơn. Trong quá trình chuyển động ấy, thập niên 1930 đã chứng kiến một biến chuyển lớn về văn hóa giúp xã hội tiến nhanh trong việc đổi mới. Đó là sự xuất hiện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với một nhà xuất bản và hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay. Văn đoàn này chủ trương dùng báo chí và văn chương để đả phá những cái thủ cựu lạc hậu, đồng thời tiếp thu những cái tiến bộ về nếp sống và tinh thần khoa học của Âu Tây. Với một nhóm người có tài năng và nặng lòng canh tân đất nước, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã thực sự gây được một ảnh hưởng mới mẻ trong xã hội Việt Nam về nhiều mặt. Một trong nhiều cải cách đã đạt được kết quả cụ thể của báo Phong Hóa và Ngày Nay là đổi mới chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam.

Xem tiếp: http://www.hoivanhoavn.org.uk/3-2012/aodai.html


ÁO DÀI VIỆT NAM




Áo dài Việt Nam dưới cái nhìn theo dòng lịch sử



Trang phục là một trong ba yêu cầu của đời sống vật chất, ăn-mặc-ở, đó là sản phẩm văn hóa sớm nhất của loài người. Trang phục cũng được thay đổi theo quá trình phát triển của lịch sử. Và đồng thời nó còn mang nét đẹp văn hóa riêng biệt độc đáo của mỗi dân tộc trên thế giới. Nhìn vào y phục dân tộc dường như có thể thấy được cả vóc dáng non sông và tâm hồn con người nơi đó. Trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt được bạn bè thế giới biết đến đó là nét nổi bật đặc trưng của tà áo dài và nón lá. Hơn nữa trang phục ấy lại để dành tôn vinh cho biểu tượng của cái đẹp hoàn thiện nhất mà tạo hóa ban tặng cho loài người, bởi áo dài và nón lá là trang phục của riêng người phụ nữ.

Tiền thân, không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao vì không có tài liệu ghi nhận. Y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm cho thấy, hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Sử gia Đào Duy Anh viết, “ Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa mặc áo dài về bên tả (hình thức tả nhiệm). Sử lại chép rằng, ở thế kỉ thứ nhất, Nhâm Diên (thái thú quận Cửu Chân thời Hán Quang Vũ Đế, giai đoạn Bắc thuộc lần 1 trong lịch sử dân tộc Việt Nam) đã dạy cho nhân dân quận Cửu Chân dùng kiểu áo quần theo người Tàu, như vậy thì có thể suy luận rằng trước thời Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải. Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ than nhưng khi mặc thì hai than trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng mầu buông thả. Xưa các bà các cô búi tóc trên đỉnh đầu hoặc quấn quanh đầu, đội mũ long chim dài, về sau bỏ mũ lông chim để đội khăn, vấn khăn, đội nón lá, nón thúng. Cổ nhân xưa đi chân đất, về sau mang guốc gỗ, dép, giày. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành kiểu áo tứ than (gồm bốn vạt nửa, vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái). Áo tứ thân được mặc ra ngoài váy, xắn quai cồng để tiện cho việc gồng gánh nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ. Áo tứ thân thích hợp cho người phụ nữ miền quê quanh năm cần cù bươn chải, gánh gồng tháo vát. Với những phụ nữ tỉnh thành nhàn nhã hơn, muốn có một kiểu áo dài được cách tân thế nào đó để giảm chế nét dân dã lao động và gia tăng dáng dấp trang trọng khuê các. Thế là ra đời áo ngũ than với biến cải ở chỗ vạt nửa trước phải nay được thu bé lại trở thành vạt con, thêm một vạt be bé nằm ở dưới vạt trước. Áo ngũ than che kín thân hình không để hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống (vị chi thành 4) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt con nằm dưới chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt con nối với vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ năm chiếc khuy tượng trưng cho quan điểm về ngũ thường theo Nho giáo và ngũ hành theo triết học phương Đông.

Xem những bài viết liên quan đến Áo Dài Việt Nam:
bấm vào link:
ÁO DÀI VIỆT NAM


Lịch Sử Về Chiếc Áo Dài Việt Nam

Áo tứ thân miền Bắc là chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam chỉ mặc vào dịp lễ Tết. Áo nâu với hai vạt trước buộc chéo thả xuống đi với quần lĩnh đen và thắt lưng lụa. Rồi áo tứ thân biến đổi thành áo mớ ba (hay áo mớ bảy). Cổ áo cao khoảng 2cm, tay may bó khít cổ tay, chiều rộng ngực eo bằng nhau, điểm đặc biệt là ngoài hai vạt chính còn có vạt phụ (vạt con) dài sát gấu áo. Khuy áo được tết bằng vải, cài cúc cạnh sườn. Cổ áo lật chéo để lộ ba màu áo (hoặc bảy màu áo). Lớp ngoài cùng thường là lụa màu nâu hoặc the màu thâm, kế tiếp là màu mỡ gà, cánh sen, vàng chanh, hồ thủy... nhiều màu, hấp dẫn mà vẫn nền nã, kín đáo, hài hòa. Theo làng sóng Âu hóa, năm 1935 áo dài tân thời của Lemur Nguyễn Cát Tường xuất hiện. Áo dài vai bồng, tay măng-sết, cổ tròn khoét sâu đến ngực, viền đăng ten. Gấu áo cắt sóng lượn nổi vải khác màu hay đính ren diêm dúa.

Đến giai đoạn 1939-1945 có đấu tranh quan điểm thẩm mỹ, áo dài truyền thống dân tộc lại phục hồi. Cổ áo các thiếu nữ cao từ 4-7 cm, góc tròn vải hồ cứng, vạt áo lượn, tà khép rộng bản, dài gần mắt cá chân. Cuối năm 1968-1969, áo dài khoét rộng cổ, hở vai (décolleté) của vợ Ngô Đình Nhu được "lăng xê".

Đầu năm 1971 áo dài tay Raglan do bà Tuyết Mai cách tân khắc phục nhược điểm nhăn, đùn vải ở vai và nách áo. Từ đầu thập niên 70 -75 là thời kỳ áo dài mini, hippy mặc với quần tây ống xéo, ống voi tràn lang.

Cho đến năm 1989, lần đầu tiên có cuộc thi hoa hậu áo dài do báo Phụ Nữ tổ chức, Kiều Khanh đăng quang và áo dài truyền thống trở lại với vẻ đẹp dịu dàng vốn có. Tiếp theo là cuộc trình diễn "Mười khúc biến tấu áo dài" của họa sĩ Minh Hạnh và "Mười hai áo dài vẽ" của họa sĩ Sỹ Hoàng đã tạo nên luồng sinh khí mới. Các hội thi Người Đẹp Thể Thao, Hoa Khôi Học Đường, Hoa Hậu báo Tiền Phong... đều có tà áo dài trên sân khấu. Năm 1995 là năm được mùa của chiếc áo dài dân tộc. Chiếc áo dài của Trương Quỳnh Mai được chọn là trang phục dân tộc đẹp nhất tại Tokyo. Áo dài Hoàng Hoa mặc (với thiết kế mới của Sỹ Hoàng) đã làm say lòng mọi người và được chọn là chiếc áo dài đẹp nhất tại cuộc thi hoa hậu áo dài Sài Gòn lần 2.

Áo dài 1995 cách tân phù hợp với thời đại và đẹp hơn. Tà áo dài, chịt ben ngực, eo lưng. Cổ cao lượn tròn góc từ 4 - 7 cm, tay áo dài ôm vừa sát tay. Áo dài nhung, thêu, vẽ, in bông... đã tạo nên những vẻ đẹp kiêu sa hơn nữa nâng cánh áo dài Việt Nam bay lên...

Xem thêm:
ÁO DÀI

Hoàng Thành Thăng Long




Bên Hoàng Thành nghìn năm nghe tiếng cha ông


Tác giả: Theo VOV

Nếu như ví Đoan Môn, Điện Kính Thiên như phần nổi của di tích Hoàng Thành thì dưới lòng đất sâu là cả một kho báu chứa đựng bao giá trị về lịch sử, văn hoá của dân tộc, là bài học về sự tài hoa, anh hùng suốt ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông.

Tại khu khai quật số 18, Hoàng Diệu, quận Ba Đình, dưới mỗi bước chân qua là những di tích về tiến trình lịch sử của Hoàng Thành Thăng Long suốt 13 thế kỷ. Ở độ sâu 1m là di tích thế kỷ 19 - 20, thời nhà Nguyễn và Pháp thuộc; từ 1-2m là hiện vật thời Lê - Mạc; từ 2-3m là tầng văn hóa Lý - Trần; từ 3-4m là dấu ấn thời Đại La... trước khi Lý Công Uẩn chọn đất này làm chốn định đô.

Nhìn từ tường bao Hoàng Thành thời Lý, thời Lê cho thấy: việc xây thành không coi trọng tính kỷ hà, đối xứng, vuông vắn mà uốn lượn theo hình thế tự nhiên. Tường xây chắc chắn bằng đá, đất, gạch vừa là thành luỹ vừa là đê ngăn lũ lụt; sông được vận dụng như những con hào tự nhiên bảo vệ kinh thành lại thuận tiện việc giao thông, đồng thời cũng là hệ thống thoát nước, điều tiết môi trường sinh thái. Khí phách, bản lĩnh ông cha thể hiện ở đây: Thuận tự nhiên, nhìn xa trông rộng, biết lựa thế cương nhu nhưng kiên trì mục tiêu bảo vệ sơn hà xã tắc.



Ông Nguyễn Tùng, một khách tham quan Hoàng thành Thăng Long cho rằng: "Hoàng Thành Thăng Long có ý nghĩa rất lớn đối với cả dân tộc từ trước đến nay. Đối với người Việt Nam, không bao giờ chịu khuất phục quân xâm lược. Cho nên Hoàng Thành Thăng Long ở các đời vua trước đã tính toán đến vị trí Thủ đô của một nước".

Sân rồng xưa với hàng ngàn lớp gạch son, chắc hẳn có những viên được đào lên nghiên cứu xem vì sao vẫn gan vàng da sắt, không nát dưới 3 lần vó ngựa Nguyên Mông? Phải chăng đó là chiến thắng của ý chí sắt đá không chịu khuất phục quân thù của Thái sư Trần Thủ Độ trước thế giặc hung hãn "Đầu thần chưa rơi xin bệ hạ đừng lo"; Đó là thái độ nghiêm khắc của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi ông vua con Trần Anh Tông vì lần say rượu mà bỏ buổi chầu; Hội nghị Diên Hồng, bô lão cũng thề chung tay đánh giặc.

Nghĩ về Hội thề Đông Quan mà sáng rõ tư tưởng "lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo" của Nguyễn Trãi, hiểu được khát vọng hoà bình của dân tộc.

Còn với Giáo sư Sử học Phan Huy Lê - một trong những nhà khoa học có công lớn nhất trong việc đưa Hoàng Thành Thăng Long đến với UNESCO để khu di tích này trở thành Di sản văn hóa thế giới. Ông xúc động nhất là tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha xưa: "Sau lần đại thắng thứ 3, vua nhà Trần về Thăng Long, cung điện không còn nữa. Chỉ còn hành lang nằm 2 bên đường vào cấm thành, nhà vua phải tạm nghỉ lại ở hành lang đó. Lúc này nhiều triều thần đề nghị phải huy động toàn dân để xây lại cung điện, dựng lại các thành ở xung quanh. Trần Hưng Đạo nói một câu hết sức là vĩ đại, rằng: Lúc này sau 3 lần chiến tranh, phải để cho dân được nghỉ. Và ông nói "chung chí thành Thánh", tức là ý chí của dân chúng mới là bức thành để giữ nước. Phải chăm lo xây dựng thành trong lòng dân chứ không phải cái thành bằng đất bằng đá. Tư tưởng quân sự Trần Quốc Tuấn là như vậy, đó cũng là truyền thống quân sự của chúng ta cho đến hôm nay".



Vì vậy, bao lần giặc đến xâm lăng, nhà Trần đã thực hiện kế thành không nhà trống, chấp mất kinh thành để không mất dân, mất nước. Ngoài những giá trị về lịch sử, kiến trúc, những di tích khảo cổ về hoàng thành cũng cho thấy Thăng Long từng là nơi tập trung tinh hoa của nhiều nền văn hoá, tư tưởng, tôn giáo khác nhau, nhiều tài năng lớn của dân tộc. Thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Tây Á cũng đến đây rất sớm. Thăng Long của ông cha ta là nơi đoàn kết, thân thiện, mở lòng dung nạp bốn phương.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nói: "Văn hoá Thăng Long hiện nay có thể nghiên cứu được là từ bốn phương hội lại. Người trong nước, người ngoài nước đến đây, đòi hỏi rất cao về nhiều mặt, chắt lọc, tài có cao, nghề có tinh mới trụ lại được. Hà Nội cũng là nơi đề cao tinh thần cộng đồng, tôn trọng cộng đồng, cốt lõi của tư duy người Việt Nam. Cùng với đó, Thăng Long là nơi có rất nhiều tôn giáo: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo".

Bên Hoàng Thành Thăng Long những ngày tháng 10 lịch sử này, gió từ ngõ Đoan Môn thổi qua 9 bậc đá lên điện Kính Thiên, những ngọn gió mang lời thề "sát Thát", còn vang sang sảng lời thơ của Trần Quang Khải "Thái Bình nên gắng sức. Non nước ấy nghìn thu".

Trong rêu phong gạch vỡ, nghe như còn vọng lại đâu đây ước nguyện của cha ông nghìn năm trước - ước nguyện về một dân tộc nhân nghĩa bao dung, đất nước thái bình thịnh trị. Nghĩ về cha ông xưa đánh giặc để hôm nay mỗi người dân đất Việt không ngừng hun đúc tinh thần yêu nước, phát huy ý chí sáng tạo, chung tay xây dựng đất nước ngày một mạnh giàu, xứng đáng với truyền thống Thăng Long nghìn năm văn hiến./.
Tại khu khai quật số 18, Hoàng Diệu, quận Ba Đình, dưới mỗi bước chân qua là những di tích về tiến trình lịch sử của Hoàng Thành Thăng Long suốt 13 thế kỷ. Ở độ sâu 1m là di tích thế kỷ 19 - 20, thời nhà Nguyễn và Pháp thuộc; từ 1-2m là hiện vật thời Lê - Mạc; từ 2-3m là tầng văn hóa Lý - Trần; từ 3-4m là dấu ấn thời Đại La... trước khi Lý Công Uẩn chọn đất này làm chốn định đô.
Nhìn từ tường bao Hoàng Thành thời Lý, thời Lê cho thấy: việc xây thành không coi trọng tính kỷ hà, đối xứng, vuông vắn mà uốn lượn theo hình thế tự nhiên. Tường xây chắc chắn bằng đá, đất, gạch vừa là thành luỹ vừa là đê ngăn lũ lụt; sông được vận dụng như những con hào tự nhiên bảo vệ kinh thành lại thuận tiện việc giao thông, đồng thời cũng là hệ thống thoát nước, điều tiết môi trường sinh thái. Khí phách, bản lĩnh ông cha thể hiện ở đây: Thuận tự nhiên, nhìn xa trông rộng, biết lựa thế cương nhu nhưng kiên trì mục tiêu bảo vệ sơn hà xã tắc.

Ông Nguyễn Tùng, một khách tham quan Hoàng thành Thăng Long cho rằng: "Hoàng Thành Thăng Long có ý nghĩa rất lớn đối với cả dân tộc từ trước đến nay. Đối với người Việt Nam, không bao giờ chịu khuất phục quân xâm lược. Cho nên Hoàng Thành Thăng Long ở các đời vua trước đã tính toán đến vị trí Thủ đô của một nước".
Sân rồng xưa với hàng ngàn lớp gạch son, chắc hẳn có những viên được đào lên nghiên cứu xem vì sao vẫn gan vàng da sắt, không nát dưới 3 lần vó ngựa Nguyên Mông? Phải chăng đó là chiến thắng của ý chí sắt đá không chịu khuất phục quân thù của Thái sư Trần Thủ Độ trước thế giặc hung hãn "Đầu thần chưa rơi xin bệ hạ đừng lo"; Đó là thái độ nghiêm khắc của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi ông vua con Trần Anh Tông vì lần say rượu mà bỏ buổi chầu; Hội nghị Diên Hồng, bô lão cũng thề chung tay đánh giặc.
Nghĩ về Hội thề Đông Quan mà sáng rõ tư tưởng "lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo" của Nguyễn Trãi, hiểu được khát vọng hoà bình của dân tộc.
Còn với Giáo sư Sử học Phan Huy Lê - một trong những nhà khoa học có công lớn nhất trong việc đưa Hoàng Thành Thăng Long đến với UNESCO để khu di tích này trở thành Di sản văn hóa thế giới. Ông xúc động nhất là tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha xưa: "Sau lần đại thắng thứ 3, vua nhà Trần về Thăng Long, cung điện không còn nữa. Chỉ còn hành lang nằm 2 bên đường vào cấm thành, nhà vua phải tạm nghỉ lại ở hành lang đó. Lúc này nhiều triều thần đề nghị phải huy động toàn dân để xây lại cung điện, dựng lại các thành ở xung quanh. Trần Hưng Đạo nói một câu hết sức là vĩ đại, rằng: Lúc này sau 3 lần chiến tranh, phải để cho dân được nghỉ. Và ông nói "chung chí thành Thánh", tức là ý chí của dân chúng mới là bức thành để giữ nước. Phải chăm lo xây dựng thành trong lòng dân chứ không phải cái thành bằng đất bằng đá. Tư tưởng quân sự Trần Quốc Tuấn là như vậy, đó cũng là truyền thống quân sự của chúng ta cho đến hôm nay".

Vì vậy, bao lần giặc đến xâm lăng, nhà Trần đã thực hiện kế thành không nhà trống, chấp mất kinh thành để không mất dân, mất nước. Ngoài những giá trị về lịch sử, kiến trúc, những di tích khảo cổ về hoàng thành cũng cho thấy Thăng Long từng là nơi tập trung tinh hoa của nhiều nền văn hoá, tư tưởng, tôn giáo khác nhau, nhiều tài năng lớn của dân tộc. Thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Tây Á cũng đến đây rất sớm. Thăng Long của ông cha ta là nơi đoàn kết, thân thiện, mở lòng dung nạp bốn phương.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nói: "Văn hoá Thăng Long hiện nay có thể nghiên cứu được là từ bốn phương hội lại. Người trong nước, người ngoài nước đến đây, đòi hỏi rất cao về nhiều mặt, chắt lọc, tài có cao, nghề có tinh mới trụ lại được. Hà Nội cũng là nơi đề cao tinh thần cộng đồng, tôn trọng cộng đồng, cốt lõi của tư duy người Việt Nam. Cùng với đó, Thăng Long là nơi có rất nhiều tôn giáo: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo".
Bên Hoàng Thành Thăng Long những ngày tháng 10 lịch sử này, gió từ ngõ Đoan Môn thổi qua 9 bậc đá lên điện Kính Thiên, những ngọn gió mang lời thề "sát Thát", còn vang sang sảng lời thơ của Trần Quang Khải "Thái Bình nên gắng sức. Non nước ấy nghìn thu".
Trong rêu phong gạch vỡ, nghe như còn vọng lại đâu đây ước nguyện của cha ông nghìn năm trước - ước nguyện về một dân tộc nhân nghĩa bao dung, đất nước thái bình thịnh trị. Nghĩ về cha ông xưa đánh giặc để hôm nay mỗi người dân đất Việt không ngừng hun đúc tinh thần yêu nước, phát huy ý chí sáng tạo, chung tay xây dựng đất nước ngày một mạnh giàu, xứng đáng với truyền thống Thăng Long nghìn năm văn hiến./.

Xem các bài viết liên quan:
THĂNG LONG XUA= - HÀ NỘI NAY

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Những nẻo đường Việt Nam



Những Nẻo Đường Việt Nam
Lịch Sử - Địa Lý - Nhân Văn

(Informative program about stories and historical facts of special locations
and landmarks throughout Viet Nam)

Bấm vào link để xem và nghe:

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VIỆT NAM




Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Cần Thơ Ngày Về

Cần Thơ Ngày Về


Mai về đến bến Cần Thơ
Làm chim Phụng Hiệp đậu bờ Cái Răng
Chiều Phan Thanh Giản mưa giăng
Sáng Đoàn thị Điểm băn khoăn nhớ người
Đàn chim dang cánh tung trời
Sao ta mỏi cánh về xuôi nỗi buồn
Mai về đến bến hoàng hôn
Hồn nhiên hái ấu bên cồn như xưa
Xóm Chài nắng sớm, mưa trưa
Bên cầu Cái Khế khóm dừa trổ hoa
Dịu dàng chiếc áo bà ba
Sân trường phựong đỏ, trắng tà áo bay
Vườn Thầy Cầu thuở mê say
Một lần bỡ ngỡ cùng ai hẹn hò
Mai về lại bến Cần Thơ
Làm chm Phụng Hiệp đứng bờ Cái Răng.


Sương Mai

Dỗ Giấc

Dỗ Giấc

Đêm đông. Lạnh! Co ro trùm chăn ngủ
Bên ngoài đang chuyển động: tuyết giăng trời
Mờ ảo không gian, thoảng buồn gió hú
Lòng mênh mông theo tiếng vọng trùng khơi.


Chùm ánh sáng như tinh cầu le lói
Xuyên rèm thưa , ôm chăn chiếu. Lạnh lùng !
Nằm trăn trở, nghe đêm lên tiếng gọi
Chập chùng buông từng âm vọng mông lung .


Đời là những biệt ly và tao ngộ
Và tình là hạnh phúc lúc chiêm bao
Vì trăng mật đã tiêu điều từ mấy độ
Nên lời yêu cũng lắng đọng cõi xa nào.


Tàn mấy cánh xuân thì trên đá tảng
Lắng cả nguồn hạnh phúc của thanh tân
Tim ngầy ngật chứa bụi hồng năm tháng
Máu cuồng du tản mạn giọt phong trần.


Chưa hiện sinh mà đã thành quá khứ
Còn hôm nay mà đã thấy ngày mai
Tuyết đang rơi , Đông vừa gọi đêm dài
Ngoài hiên vắng lạnh đầy sương tuyết phủ .


Moi ký ức, đưa hồn về chốn cũ
Biết đâu còn chút kỷ niệm rớt rơi
Thả hy vọng vào trong vùng vô vọng
Biết đâu tìm được chút nắng bên trời?!


Trắng đêm lạnh, bên ngoài mù gió tuyết
Nghe thời gian đưa từng nhịp đìu hiu
Dỗ giấc ngủ bằng nhớ nhung trầm lắng
Hôm nay buồn , mai vui được bao nhiêu !?

HUY VĂN


Chiều Tây Đô

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

mùa Xuân trong dấu ngoặc



mùa Xuân trong dấu ngoặc

ba mươi sáu mùa Xuân - trong dấu ngoặc
anh cùng em góp nhặt những lời vui
gieo hạt sống trong mạch đời có thật
mong vườn Xuân mặt đất lại đầy hoa!

mỗi dấu ngoặc Xuân - một trang huyết sử
cha bồng con, con dẫn mẹ xa nguồn
ngoảnh mặt nhớ Núi Sông và Tiên Tổ
lòng nguyện cầu Non Nước vẫn bình yên!

mỗi dấu ngoặc Xuân - dòng tình khai mở
một đoá hồng trên mỗi nét môi quen
nuôi chí khí Lạc Hồng cho rạng rỡ
nối vòng tay thân ái rộng vô biên!

mỗi dấu ngoặc Xuân - một lời muốn ngỏ
cùng bạn bè, con cháu, anh em
dẫu từng bước chân đời còn khốn khó
đừng bao giờ quên giòng giống Rồng Tiên!

ba mươi sáu mùa Xuân - trong dấu ngoặc
triệu bàn tay xây dựng đỉnh Thi Ca
mỗi lời viết gởi cho Người, cho Đất
luôn nồng nàn với tâm ý thiết tha!

hãy trồng tiếp nhé em! trên từng dấu ngoặc
mỗi lời vui là một đóa hoa
Xuân đang mở hừng đông trên mặt đất
đóa hoa nào cũng tỏa ngát hương xa!

Cao Nguyên
(Xuân 2011)



CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Xuân TÂN MÃO 2011




Ban Biên Tập Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt Miền Đông Hoa Kỳ
Trân Trọng Kính Chúc

Quý Ân nhân - Quý bạn đọc - Văn Thi Hữu


Dồi Dào Sức Khỏe

An Khang - Hạnh Phúc

Gặt Hái Nhiều Thành Quả Tốt Đẹp Cho Một

Cuộc Sống Đầy Ý Nghĩa

***
TM. Ban Biên Tập: Cao Nguyên

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Chào Xuân



chào xuân


bầy chim trốn tuyết về rừng
cây lao xao lá giữa hừng hực xuân
cành rưng rức nhựa trỗ mầm
hoa bung cánh nõn khoe tầng nhụy khai

thơ chào xuân đọt nắng mai
ngỏ hồng sương đọng liêu trai gót hài
vóc mai còn thắm trang đài
thơm trầm hương tóc tràn vai ngọc ngà

Cao Nguyên









băn khoăn

em hỏi: còn Đông sao chào Xuân?
thưa rằng: đời vẫn đợi tin mừng
từ trong sương tuyết hừng đông mới
nắng cứ xôn xao rộn cả lòng!

em hỏi: chim về rừng nếu muộn
cây có buồn u uẩn cành trơ?
thưa rằng: đất vẫn nồng hơi thở
hong cây ấm mạch dưới tầng khô!

em hỏi: thơ người như rất vội?
thưa rằng: đời thấp thoáng tà dương
không chào xuân sớm e rằng muộn
chẳng trọn nhìn hoa mùa trỗ hương!

em hỏi: chào xuân tình có biết?
thưa rằng: tình vốn ở trong xuân
nhờ nắng cành khoe mầm lá biếc
nhờ em tình nở nụ cười xinh!

Cao Nguyên