Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM.




Sài Gòn, Em và chiếc áo dài


Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
xua cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt



Sài Gòn, Anh của một thời xa lắc
bon bon vui thoan thoắt bánh xe quay
theo nón em che nghiêng bờ ngực dậy
mơ môi hồng, tuổi ngọc, rượu tình say



Sài Gòn Yêu, suốt những chiều biết đợi
đếm lá me bay về cuối giảng đường
mắt đau đáu nhìn cổng trường mở vội
dáng gầy em cợt vói gọi yêu thương



Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên đọt giấy hoa tiên



Sài Gòn Nhớ, của riêng mình hai đứa
khung trời thương hẹn hứa gởi mây chiều
nhiều biết mấy bao nhiêu điều chưa nói
thời gian đi, quyện rối những đường tơ



Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường,góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh



Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh .



Cao Nguyên

Xem Lịch Sử Chiếc Áo Dài:







Từ nghìn xưa, đất nước Việt Nam của chúng ta sống trong nền văn hóa khép kín kiểu Á đông, với chế độ quân chủ và đặc biệt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Mạnh. Khi người Pháp xâm chiếm nước ta vào hậu bán thế kỷ 19 thì ảnh hưởng của nền văn minh Âu Tây mới dần dần thâm nhập vào xã hội Việt Nam, ảnh hưởng của Nho giáo ngày một thu hẹp lại trong khi ảnh hưởng của văn hóa Pháp ngày một mạnh hơn. Trong quá trình chuyển động ấy, thập niên 1930 đã chứng kiến một biến chuyển lớn về văn hóa giúp xã hội tiến nhanh trong việc đổi mới. Đó là sự xuất hiện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với một nhà xuất bản và hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay. Văn đoàn này chủ trương dùng báo chí và văn chương để đả phá những cái thủ cựu lạc hậu, đồng thời tiếp thu những cái tiến bộ về nếp sống và tinh thần khoa học của Âu Tây. Với một nhóm người có tài năng và nặng lòng canh tân đất nước, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã thực sự gây được một ảnh hưởng mới mẻ trong xã hội Việt Nam về nhiều mặt. Một trong nhiều cải cách đã đạt được kết quả cụ thể của báo Phong Hóa và Ngày Nay là đổi mới chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam.

Xem tiếp: http://www.hoivanhoavn.org.uk/3-2012/aodai.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét