Giỗ Tổ Hùng Vương
Cội nguồn Việt tộc khởi từ Kinh Dương Vương, Đức Lạc Long Quân hết hợp cùng Long Nữ Âu Cơ được dân gian gọi một cách thân thương là Bố Rồng Mẹ Tiên hay Bố Lạc Mẹ Âu. Lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ (Bắc Việt). Hằng năm tổ chức trọng thể ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba âm lịch. Ngày giỗ Tổ được dân gian xem như ngày của “Bố Rồng Mẹ Tiên” để đồng bào cả nước tưởng nhớ công ơn của người khai sáng nguồn cội giống dòng và mỗi người cũng nhớ đến Bố Mẹ, người đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người. Niềm tự hào về cội nguồn con Rồng cháu Tiên cùng một bào thai Mẹ nên đối với người Việt, thì lòng yêu nước luôn luôn đi đôi với tình thương nòi giống. Yêu nước thương nòi, đó chính là đặc trưng của Việt tộc.
Thời đại Hùng Vương khởi từ năm Nhâm Tuất 2879 trước DL là năm Lộc Tục lên ngôi, lấy hiệu là Kinh Dương Vương và đặt tên nước là Xích Quỷ. Sách sử chép Kinh Dương Vương là vua của vùng Châu Kinh và Châu Dương nhưng trên thực tế vào thời đó, Kinh Dương Vương chỉ là thủ lĩnh được các bộ tộc ở vùng Châu Kinh và Châu Dương suy cử lên. Nhà nước Xích Quỷ thời đó cũng chỉ là hình thức sơ khai của liên minh các chi tộc Việt.
Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 trước Dương Lịch, Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thuộc dòng Thần Nông phương Nam lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành một trăm người con trai, chính là biểu tượng của sự hợp nhất của 2 dòng Thần Nông phương Nam và phương Bắc.
Truyền thuyết cũng cho biết rằng, Mẹ Âu Cơ cùng 50 người con ở lại vùng cao nguyên Phong Châu rồi cùng suy cử người con trưởng lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Bố Lạc Long dẫn 50 con về miền sông nước Thành Đô Tứ Xuyên ở phương Nam để khai khẩn vùng đất mới bồi, mỗi người con đi một nơi lập ấp trở thành một chi tộc Việt. Cổ sử Trung Quốc ghi rõ các nước Bách Việt nằm rải rác khắp Nam Trung Hoa trải dài từ Triết Giang ở miền duyên hải phía Đông sang Ba Thục, Vân Nam ở phía Tây.
Sách sử Trung Quốc ghi Đông Việt là nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Triết Giang, Mân Việt ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Dương Việt ở Giang Tây, Âu Việt ở Quảng Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam. Lạc Việt ở xen kẽ với các chi tộc khác nhưng tập trung nhiều nhất ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam. Sách sử cổ Trung Quốc ghi Bách Việt để chỉ một trăm chi tộc Việt nên dân gian Việt mới gọi là "Trăm Họ" là "Bách Tính" hay "Bá Tánh". Thực tế trên đã chứng tỏ tính hiện thực của huyền thoại Rồng Tiên.
Theo những nguồn sử liệu thì thời đại Hùng Vương gồm 18 đời kể từ khi Kinh Dương Vương lên ngôi năm 2879 trước DL và chấm dứt vào đời Hùng Duệ Vương 258 trước DL. Như vậy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm, tính ra trung bình mỗi đời Vua trị vì khoảng 150 năm.
Công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về “Hùng Vương Sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyện” của Nguyễn Như Đỗ thời Lê Thánh Tôn cho thấy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua. Theo bản “Hùng Vương Ngọc Phả” thì đời vua Chữ Hán là "Thế", "Thế" không phải chỉ một đời vua mà là một dòng vua, một triều đại gồm nhiều đời vua. Riêng chi thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm. Hiện ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì tỉnh Vĩnh Phú còn thờ bài vị "Tam Vị Quốc Chúa". Chi này chấm dứt năm Quý Mão 258 TDL vào cuối đời Chu.
Hình tượng bố Rồng mẹ Tiên mang tính thần kỳ lịch sử, là Bố Lạc Mẹ Âu trong thực tế cuộc sống nên vừa là người anh hùng huyền thoại dựng nước, vừa là anh hùng khai sáng văn hóa dân tộc. Từ đó đã dẫn tới đạo thờ cúng ông bà Tiên Tổ, tôn thờ những “Nhân Thần” đã truyền lưu sự sống cho cả dân tộc cũng như cho bản thân mỗi người chúng ta.
Truyền thống cao đẹp tôn thờ sùng kính, biểu lộ lòng tri ân Đức Quốc Tổ Quốc Mẫu, các anh hùng dân tộc cũng như thờ cúng Ông Bà Tiên Tổ biểu thị lòng hiếu thảo đối với những người sinh thành dưỡng dục, truyền lưu sự sống cho mình đã là sợi dây tình cảm thiêng liêng phối kết con dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngày hôm nay, chúng ta cử hành Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của chúng ta đối với Quốc Tổ, Người khai mở ra nước Việt. Từ ý niệm “Quốc Tổ” tiền nhân chúng ta đã đảo ngược lại thành ý niệm “Tổ Quốc”, biểu trưng cho hồn thiêng sông núi, uy linh bàng bạc trong tâm khảm mỗi con dân đất Việt, mà không một dân tộc nào có được hai chữ Tổ Quốc và Đồng Bào như dân tộc chúng ta.
CN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét