TIẾNG VIỆT, HỒN DÂN TỘC VIỆT NAM
Thấm thoát đã 30 năm người Việt chúng ta phải xa lìa quê hương để sống tha phương khắp mọi nơi. Chúng ta như đàn chim vì tìm tự do phải rời tổ ấm bay phân tán đi khắp thế giới. Chúng ta chọn xứ lạ làm quê hương thứ nhì. Chúng ta sinh sống trên đất người nhưng lúc nào lòng cũng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Chúng ta học được nhiều ngôn ngữ mới, biết được nhiều tập quán lạ để gia nhập vào cuộc sống mới. Nhưng rồi những buổi chiều sau giờ làm việc mệt nhọc, ta cảm thấy cần nghe và nói tiếng Việt. Chỉ có tiếng Việt mới có thể đưa ta trở về con người sâu sắc của chính mình. Tiếng Việt đưa ta về cội nguồn của tâm hồn ta và nó có thể làm vơi đi những căng thẳng trong ngày. Tiếng Việt đem ta trở về một thế giới quen thuộc êm đềm và ru ta vào giấc ngủ say sưa.
Trong giấc ngủ ta trở thành bé thơ nằm gọn trong lòng mẹ và nghe mẹ ru ta ngủ bằng giai điệu ngọt ngào của tiếng Việt. Chính vì thế mà tiếng mẹ đẻ đã thấm nhuần vào từng thớ tâm hồn ta như dòng sữa ngọt đưa ta vào đời. Thân thể ta cần sữa thì tâm hồn ta cần nghe mẹ ru ta. Ta nhắm mắt lại và chìm đắm trong một thế giới êm đềm. Tiếng mẹ ru như những câu thần chú đánh đuổi những sợ hãi của đêm tối. Ta nở một nụ cười hạnh phúc trên môi và trôi dần vào giấc ngủ say sưa.
Ta thức dậy. Thời gian trôi qua nhanh quá. Mới đây tóc xanh giờ đã hoa tiêu. Những con sóng của cuộc đời nhồi lên nhồi xuống con thuyền không bến. Tuy ta mất quê hương nhưng khi ta duy trì được tiếng mẹ đẻ thì ngôn ngữ đó trở thành một mảnh đất quê hương mà ta mãi mang theo trong tâm hồn của người tha hương. Khi những người đồng hương ở xứ người gặp nhau trò chuyện bằng tiếng Việt, giai điệu âm thanh đó ngọt ngào làm sao. Khi di tản, ta không mang theo mảnh đất quê hương yêu dấu được, nhưng khi hỏi thăm trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt thì quê hương ta hiện ra đâu đó.
Khi nói đến ngôn ngữ thì phải nói đến văn hóa. Ngôn ngữ và văn hóa như sữa và nước thật khó tách rời. Vị sữa làm cho nước ngọt và chất nước làm cho sữa dễ tiêu hóa. Văn hóa ta tôn trọng quan hệ gia đình và xã hội chớ không đề cao chủ nghĩa cá nhân đè đầu người khác để làm mình trội hơn. Cá nhân được thương mến khi cá nhân đó tôn trọng quan hệ giữa người và người. Vì thế người Việt chúng ta rất tình cảm. Quan hệ tình người được bảo vệ và tăng trưởng nhờ ngôn ngữ. Thí dụ ta dùng từ "anh chị" để gọi nhau, để tự nhắc nhở cho nhau chúng ta cùng một đại gia đình Việt Nam. Chúng ta dùng từ "chú, bác, dì, thím" để gọi những người lớn tuổi hơn ta. Qua ngôn ngữ ta cho họ biết là ta tôn trọng họ như những người lớn tuổi trong gia đình ta.
Ngôn ngữ Việt Nam, ngoài vai trò thông tin còn có vai trò củng cố quan hệ tình cảm nửa. Đó là cái tính chất văn hóa lồng trong ngôn ngữ. Thí dụ như vợ chồng Mỹ gọi nhau bằng "I" và "you". Khi phân tích ngôn ngữ học thì "I" hoàn toàn cách biệt với "you", "I" và "you" là hai cá thể hoàn toàn độc lập và khác biệt. Tiếng Việt ta dùng từ "anh, em" hay "mình", cho ta thấy rõ cái quan hệ tình cảm của cặp vợ chồng. Tuy vợ chồng không có máu mủ với nhau, nhưng khi gọi nhau bằng "anh, em" thì diễn tả được mối tình thân thiết. Còn từ "mình" có vẻ thân thiết hơn, ta coi người phối ngẫu như một phần của chính ta, ta không thể sống thiếu người đó được.
Ngôn ngữ nào cũng có giai điệu của nó. Khi đứa bé mới học nói, nó không hiểu hết ý nghĩa của danh từ. Đầu óc nó học qua giai điệu (melody) của âm thanh qua tiếng nói người mẹ. Nó vui buồn theo cái giai điệu biểu hiện tình cảm do người mẹ phát ra. Vì thế giai điệu ngôn ngữ gắn liền với rất nhiều tình cảm đồi dào trong lòng người. Giai điệu đó phản ảnh tình mẫu tử bao la và đồng thời phản ảnh non nước quê hương bao quanh ta. Cái giai điệu và cách cấu trúc câu văn (cú pháp) đặc trưng ở từng ngôn ngữ. Có thể nói giai điệu và cú pháp rung động cùng nhịp với môi trường sống tại một thời điểm nào đó. Thí dụ ta khó dịch câu thơ Việt Nam tả cảnh sống êm đềm ở nông thôn ra ngôn ngữ ngoại quốc mà vẫn giữ được hồn thơ. Có lẽ ngôn ngữ của thành thị không có khả năng diễn tả những rung động đặc trưng của nông thôn. Những câu ca dao tục ngữ, những bài ca, điệu hò mang đặc trưng cái hồn dân tộc Việt Nam và chỉ có tiếng Việt mới diễn tả được. Vì thế khi tuổi trẻ sanh trưởng tại hải ngoại không học nói tiếng Việt từ nhỏ, sẽ mất đi cái chìa khóa quý giá giúp họ đi vào hồn dân tộc khám phá nhiều kho tàng văn chương và tình cảm vô giá.
Duy trì ngôn ngữ Việt Nam ở tuổi trẻ hải ngoại là một điều rất cần thiết. Trao đổi bằng tiếng Việt làm cuộc sống tình cảm dồi dào hơn, nhứt là khi ta so sánh với tiếng ngoại quốc và ý thức được nét đặc trưng của ngôn ngữ và văn hóa ta đề cao quan hệ tình người. Cũng thời hai thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài, cô thiếu nữ nói được tiếng Việt và hiểu được văn hóa Việt Nam lúc nào cũng có vẻ dịu dàng và dễ mến hơn. Cô ta diễn tả được hồn Việt trong chiếc áo dài đó! Khi hiểu được tiếng Việt thì tuổi trẻ sanh ra tại hải ngoại sẽ yêu và thông cảm cha mẹ mình hơn. Khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ rút ngắn lại và những mâu thuẫn sẽ ít đi. Rồi trong tình yêu tiếng Việt đó họ sẽ gặp gỡ được hồn dân tộc và cảm thấy gần gũi với quê hương Việt Nam hơn. Duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam sẽ làm tuổi trẻ Việt Nam nổi bật vì họ có thêm cái đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam mà các nước khác không có.
Ta sẽ mất quê hương lần thứ nhì khi ta để con cái ta dần dần quên tiếng Việt. Chính vì thế,chúng tôi tha thiết kêu gọi các vị lãnh tụ chính trị và tôn giáo ở hải ngoại nên thành lập một ngày tưởng nhớ đặc biệt sau ngày 30 tháng 4 gọi là ngày "Tiếng Việt, hồn dân tộc". Đó sẽ là ngày mà tất cả dân Việt Nam rải rác trên thế giới tổ chức nhiều cuộc họp mặt thảo luận qua truyền thông báo chí về những nét hay và đặc trưng của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Nơi nào có đông dân Việt Nam, chúng ta nên vận động chính quyền bản xứ đem tiếng Việt vào trường học, với những lớp căn bản học nói và viết tiếng Việt đến những lớp cao hơn nghiên cứu về ngôn ngữ học (linguistic) Việt Nam, văn hóa, văn chương Việt Nam trong nước và hải ngoại. Có nghiên cứu, có hiểu được về tiếng Việt, con cháu ta mới tự hào về nguồn gốc mình và cảm thấy gắn bó yêu thương dân tộc mình hơn. Bằng không thế hệ trẻ sau này chỉ là những người mang dòng máu Việt Nam nhưng với tâm hồn của người ngoại quốc.
Qua tiếng Việt, chúng tôi muốn thế hệ sau này hiểu dòng máu mà mình mang trong người là dòng máu của một thế hệ trước đấu tranh với những thảm cảnh của ngục tù cải tạo và những chuyến vượt biên tràn đầy hiểm nguy. Thế hệ đó đã cắn răng sống trong bao nỗi nhục nhằn để thế hệ sau này được vẻ vang trên đất người. Chúng ta không nên nhắc lại những chuyện đau lòng đó để gợi lên lòng hận thù, đó là cái nhìn về quá khứ. Chúng ta nên nhìn về tương lai và nhắc lại những chuyện đó như một tình thương hy sinh cao cả của thế hệ trước. Cái chất keo hàn gắn sự khác biệt giữa hai thế hệ tạo sự thông cảm chính là ngôn ngữ Việt Nam! Ta có thể hình dung rằng khi mất tiếng Việt Nam, ta sẽ có nhiều cô gái Việt trên thế giới mặc áo dài, mới nhìn trông thật đẹp, nhưng khi lại gần trò chuyện thì mới biết họ là những người ngoại quốc trong chiếc quốc phục dịu dàng. Lúc đó ta chợt hiểu rằng khi ta mất tiếng Việt thì hồn dân tộc bị chết theo!
BÁC SĨ THÁI MINH TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét