Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Đất Lành

Ban Nhạc Favic




FAVIC - ban hợp ca không có một người Việt Nam - nhưng chuyên hát nhạc Việt.
Sống ở xứ người, phải học tập ngôn ngữ và văn hóa xứ người là chuyện bình thường.  Nhưng sống ở xứ người mà tập cho người bản xứ học tập ngôn ngữ và văn hóa xứ mình là một chuyện lạ và ngược đời.

Nhóm tốp ca nữ của ban nhạc FAVIC.  Photo by Tuong An, RFA


Chuyện lạ và ngược đời ấy đã xảy ra tại Pháp.  Với tốp ca FAVICngười ta đã nhìn thấy những người ngoại quốc mặc y phục VN và ca những bài ca bằng tiếng Việt.  Rất hài hước và rất cảm động.Xin mời quý thính giả cùng Tường An tìm hiểu về tốp ca đặc biệt này.
Hướng đi và mục đích của tốp ca FAVIC
Hẳn quý vị cũng nhận được rõ những câu ca dao quen thuộc của bài dân ca "Qua cầu gió bay" được diễn ngâm bằng giọng ngâm không phải là người Việt Nam. Sẽ rất bình thường, nếu chúng ta nghe những người Việt Nam hát những bản dân ca này, nó sẽ không để lại một cảm xúc lâng lâng trong chúng ta như khi nghe những bài dân ca quen thuộc được hát bởi những người ngoại quốc.  Cái cảm giác ấy, không chỉ là một cảm giác vui vui khi thấy người ngoại quốc biết được tiếng Việt mà đâu đó trong lòng chúng ta còn dâng lên một niềm tự hào khi nghe tiếng của dân tộc ta - một dân tộc nhỏ bé - được nói lên, được hát lên bởi những người không cùng chủng tộc.Chúng tôi muốn nói đến nhóm FAVICmột tốp ca gồm toàn người ngoại quốc, nhưng chỉ hát thuần nhạc Việt Nam Với người sáng lập là anh Thiều Đoàn, tốp ca ra đời từ 10 năm nay với những bước chậm chạp,
Ba cô n ï ca s ) c ça ban nh ¡c Favic chuyên hát nh ¡c Vi Çt Nam
Ba cô nữ ca sĩ của ban nhạc Favic chuyên hát nhạc Việt Nam


nhưng vững vàng, nhóm đã đi vào hầu hết các sinh hoạt Tết, văn nghệ của người Việt tại Pháp.Anh Thiều Đoàn là thông dịch viên Việt ngữ cho tòa Thượng Thẩm Paris.  Nhận thấy rằng tìm hiểu văn hóa của nước người để hội nhập là một điều cần thiết, nhưng để cho người dân nước sở tại hiểu chúng ta hơn, thông cảm với chúng ta hơn, tại sao không tìm cách cho họ biết thêm về chúng ta qua sự làm quen của họ với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt ? Bên cạnh đó, để đánh tan mặc cảm của thế hệ trẻ không còn biết tiếng Việt bằng cách tạo cho họ niềm tự hào, rằng, ngôn ngữ của chúng ta cũng được yêu thích bởi những người dân bản xứ.  Ngoài ra, anh Thiều Đoàn quan niệm: cái “tự hào dân tộc” về truyền thống của văn hóa VN, không thể nói lên bởi chính những “người tự cho mình” cái niềm tự hào đó.  Tốt hơn hết, nên để những người “ngoại cuộc” đánh giá cái “đáng tự hào” hay “không đáng tự hào” đóAnh Thiều Đoàn giải thích thêm về sự ra đời của nhóm FAVIC:...khi nghe những bài dân ca quen thuộc được hát bởi những người ngoại quốc.  Cái cảm giác ấy, không chỉ là một cảm giác vui vui khi thấy người ngoại quốc biết được tiếng Việt mà đâu đó trong lòng chúng ta còn dâng lên một niềm tự hào khi nghe tiếng của dân tộc ta - một dân tộc nhỏ bé - được nói lên, được hát lên bởi những người không cùng chủng tộc..."Sau 75, tất cả chúng ta đều phải làm mọi cách để hội nhập với xã hội mới, vì hội nhập như vậy thìcon cháu chúng ta ít có cơ hội nói tiếng Việt, ra đường, ở trường, ở sở không ai nói tiếng Việt cả thì các cháu quên dần tiếng Việt và phần nào có mặc cảm tự ti dân tộc.  Vì thế bây giờ phải có cách gì để đánh động lương tâm của các cháu, gợi trí tò mò của các cháu và đó là một trong những lý do để chúng tôi tại ra nhóm này.Trong lúc đó, nhưng người địa phương tiếp nhận những thuyền nhân thì lại rất thích thú tìm hiểu văn hóa của một dân tộc đã kiên cường đi vượt biển tìm tự do thì họ mới tìm hiểu văn hóa này. Nhưng thay vì, chính mình nói về văn hóa mình thì cách hay nhất là để những người bạn ngoại quốc nói và hiểu được về văn hóa VN"Ý tưởng có vẽ trái chiều nhưng mới lạ này nảy sinh và anh Thiều Đoàn bắt đầu tìm những người ngoại quốc yêu thích văn hóa Việt để thành lập tốp ca.  Sau những ngày một mình đi dán giấy ở quận 13 khu Á châu để tìm người, dần dần một nhóm với 10 người được hình thành.  Họ là những người biết đến văn hóa VN và gắn bó với âm nhạc VN qua một chuyến du lịch, qua một cuốn phim, một quyển sách, một chương trình văn nghệ hay cũng có thể qua một chuyện tình hai chủng tộc.Chị Mais, người đảo Guadeloupe, tuy nói tiếng Việt không rành, nhưng khi hát, người ta nhìn thấy sự say mê, niềm hân hoan, phấn khởi hiện rõ trên gương mặt và đôi tay không ngừng múa may của chị, chị nói :- Tôi thích học hát tại vì tôi thích phong cảnh VN, tôi thích bài hát "Làng tôi", tôi thích ca sĩ "Như Quỳnh"


Thành viên được lựa chọn khá gắt gao
Toàn ban nh ¡c Favic   ang trình di Ån t ¡i Paris.
Toàn ban nhạc Favic đang trình diễn tại Paris. Photo by Tuong An, RFA


Sự phát triển của nhóm rất chậm, từ 10 người đầu tiên, sau 10 năm, nhóm chỉ lên được 15 người bởi sự chọn lựa khá gắt gao: Chỉ những người hoàn toàn không có chút dòng máu Việt nào mới được tham gia, trong vài trường hợp ít ỏi thì anh Thiều Đoàn mới nhận người có 25% hoặc 50% dòng máu Việt, nhưng phải có những điều kiện kèm theo.Hiện FAVIC có 15 thành viên gồm 7 nguồn gốc khác nhau: Pháp, Nhật, Nam Tư (Yougoslave), Đức, Thụy điển, Martinique, và Guadeloupe.... Khó khăn là chúng tôi không thể nào chấp nhận tất cả mọi người, thành ra lúc đầu là 10 người, bây giờ cũng chỉ có 15 người.  Mỗi một thành viên phải có 3 tháng tập sự và sau 3 tháng khi thấy sinh hoạt hợp và hai bên đều đồng ý chấp nhận nhau thì mới được giữ lại.  Và điều kiện để vào nhóm cũng không phải là dễ: phải không là người VN...Ngoài ra, khó khăn chính vẫn là vấn đề ngôn ngữ :Đây cũng là một trắc nghiệm về sinh ngữ: làm thế nào để chuyển một ngôn ngữ đa âm sang môt ngôn ngữ độc âm.  Đây là vấn đề mà có những người không thể nào thích ứng được, có những người thì thích ứng được một cách dễ dàng, đó là điều kiện thứ nhất.  Điều kiện thứ hai là chấp nhận kỷ luật tập thể, sống chung trong tập thể với nhau, biết tôn trọng, tương kính lẫn nhau.Trước tiên chúng tôi ưu tiên hát dân ca, sau đó chúng tôi hát tân nhạc.  Những bản tân nhạc mà chúng tôi chọn phần nhiều về nội dung nói về sức sống của dân tộc.  Về hình thức phần nhiều là nhạc điệu Rumba, Chachacha … để cho dễ hát.  Sau đó, chúng tôi cũng chọn những bản nhạc ngoại quốc những lời Việt, như bản La Paloma, Bésamé Mucho, Come back to Sorento …. bằng lời Việt.Thành quả của nhóm FAVIC, theo anh Thiều Đoàn, hãy còn nhỏ nhoi, tầm thường cũng chỉ vì thiếu nhân lực và vật lực.  Anh nói: "Một cánh én không làm nổi mùa Xuân.  Thế nhưng, nhìn lên bầu trời, không một bóng mây, trông thấy được một cánh én, kể cũng vui vui" và trong cái vui vui ấy, anh kể lại một câu chuyện mà đối với anh đó là phần thưởng quý giá cho hơn 10 năm gầy dựng tốp ca:Một kỷ niệm mà chúng tôi đáng nhớ nhất là trong khi chúng tôi hát trên chùa Khánh Anh thì tôi đi xuống dưới đồng bào để tôi xem phản ứng như thế nào thì 1 bà mẹ đã quay lại nói với các con mình: "Đó ! người ta ngoại quốc mà người ta còn biết hát nhạc VN còn chúng mầy ở nhà bảo nói tiếng Việt mà không chịu nói tiếng Việt".  Thì đó là một điều cảm động và đúng với mục đích mà chúng tôi nhắm vào.  Và đối với các cộng đồng, các hội đoàn ngoại quốc thì đó cũng là một cái gì mới lạ.  Chưa có bao giờ có một ca đoàn gồm 7 quốc tịch khác nhau, không có một người VN mà chỉ chuyên hát nhạc VNSự đa dạng của tốp ca được nhìn thấy qua những mái tóc vàng xen lẫn tóc nâu, mắt xanh biên biếc hay mắt thẳm màu nâu, da đen Phi châu lẫn da trắng Tây Phương.  Những gương mặt rất trẻ bên cạnh những mái đầu đã bạc.  Họ tự hào trong những bộ đồ bà ba, áo dài VN, áo tứ thân thắt lưng xanh đỏ.  Tình yêu VN của họ được thể hiện qua những bài dân ca mà họ say sưa hát với niềm đam mê trong mắt, trên môi; dù với cách phát âm hãy còn lạc điệu một cách hồn nhiên. FAVICngôn ngữ VN, ngôn ngữ của một dân tộc nhỏ bé đã vượt trùng dương và trở thành nơi hội tụ của nhiều chủng tộc. Bài hát "Đất lành" của nhóm FAVIC sẽ kết thúc bài phóng sự về một tốp ca không có một người VN nhưng chuyên hát nhạc VN.
 http://www.youtube.com/watch?v=ROYH4dFmxxI
Tường An, thông tín viên RFA, Paris

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Đóa Cỏ Thơm

Posted Image



Đóa Cỏ Thơm 

Bóng câu qua cửa sổ. Thời gian thoáng qua, thoáng qua. Tuổi già ngồi đếm từng sat-na và tuổi trẻ đếm bằng những mùa hoa. Có buồn, có vui nhưng mà đẹp. Nếu không đẹp, ai chịu khó ngồi đếm để được dịp chúc nhau còn những bóng câu chưa qua cửa thời gian và mừng thấy mình còn hiện hữu .
Không bi quan và cũng không lạc quan với cách tính trung dung thì tất cả đã vô cùng và đang vô tận trên đường đi về trước, vào sau . Gần hay xa kể chi, miễn còn sức, Xuân Thì vẫn đó, trên cả bốn mùa chẳng thiếu hoa khai. Ngay cả mùa Đông nơi vùng Đông Bắc Mỹ, đẹp ơi hoa tuyết trắng tuyệt vời chờ Xuân đến với Đào hồng rực rỡ .
Cảnh sắc của đất trời và lòng người phối hợp với thời gian tạo chu trình duyên khởi vào chữ nghĩa cho những đóa hoa Cỏ Thơm nở đẹp bốn mùa . Mỗi đóa nghĩa lung linh từng cánh chữ, nhụy hồng tâm vạn ý đẹp vô cùng .
Tôi yêu từng đóa Cỏ Thơm của mỗi mùa . Tùy theo tiết trời nóng lạnh mà màu hoa chuyển đổi thích nghi với mạch đời Đất Nước . Lời ý lung linh dòng hồi tưởng nguồn xưa, chuyển tải tin yêu vào nụ biếc mùa sau .
Sự nhập đề lung khởi trên đây có làm bạn mỉm cười không đấy ? Cầu cho còn những nụ cười trên môi những người bạn Cỏ Thơm . Nhớ có lần tôi nói đùa với chị Ngọc Dung trong lần họp mặt: Nơi nào có Cỏ Thơm là có tôi . May thay, điều nói đùa là sự thật.
Mỗi lần Xuân đến, những người bạn đếm tuổi Cỏ Thơm . Năm 2012, Cỏ Thơm tròn mười bảy tuổi, tuổi của trăng tròn nhất nên niềm tin và hy vọng cũng sáng nhất về một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng .
Trong niềm vui hàn huyên sẽ không thiếu những dòng hồi tưởng vừa buồn, vừa đẹp. Buồn nhớ lúc tiễn bạn cùng thời vào cõi vĩnh hằng như các anh Vương Đức Lệ, Hoàng Trùng Dương, Trịnh Hưng … Hoặc nhớ lúc chào tạm biệt anh Đỗ Bình, Lê Mộng Nguyên về lại Paris sau mấy ngày thăm hoa đào nở ở Washington.DC vào mùa Xuân 2008 .
Tiễn biệt hay tạm biệt đều lưu lại nét đẹp của ân tình chữ nghĩa và thanh âm của dòng nhạc quê hương thắm tình non nước . Trong dòng hồi tưởng những kỷ niệm buồn mà đẹp, tôi nhớ đã viết lời chào tiễn biệt Hoàng Trùng Duong:
… Bạn cùng thời bỏ ta đi
Về bên kia núi còn gì để vui
biệt ly lời ý ngậm ngùi
áng thư gát bút bồi hồi cố nhân …

Với nhạc sĩ Trịnh Hưng, anh ra đi nhưng chữ nghĩa và âm hưởng nhạc của anh vẫn thong dong lan tỏa trong cõi đi, về . Vẫn Tôi Yêu – Lúa Mùa Duyên Thắm trên cánh đồng bát ngát quê hương . Vẫn bạn anh gần xa bùi ngùi luyến nhớ:
… đã như mới đó không gì
chỉ còn chữ nghĩa lầm lì cuộc chơi
ra đi, ở lại
đất
người
có không, không có
còn khơi chi buồn!... 

Phải, còn khơi chi buồn! Tôi nhủ tôi cứ lầm lì cuộc chơi với chữ nghĩa. Vãi chữ lên trời, chữ rơi xuống đất. Ở đâu có bạn ta, sợ chi ý lời chẳng thấm. Miễn sao mình còn vì Đất, vì Người mà gởi gấm yêu thương.
Bạn đi rồi bạn đến. Tháng 4 năm 2008, anh Đỗ Bình và anh Lê Mộng Nguyên đến thặm, bằng hữu chào đón các anh với sự hân hoan như Mùa Xuân Vỗ Cánh. Khi chào tạm biệt hai anh trở về Paris, tôi buông lời trách nhẹ:
… sao không về tháng Giêng
sao không về tháng Chạp
mà về giữa tháng Tư
tháng nụ cười se thắt … 


Bạn biết rồi, trong cảnh đẹp hoa đào đang rộn nở, cũng là lúc dòng hồi tưởng hiện lên tháng Tư buồn:
… nỗi buồn như sóng chao
xô mạn thuyền thuở nọ
thuở mình đi ngược gió
Quê Hương ở đằng sau! 


Ôi quê hương! Sau 37 mùa Xuân, mỗi tháng Tư về lòng người viễn xứ vẫn buồn.
Buồn bởi Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi, dòng nước mưa như dòng nước mắt rơi xuống Sài Gòn thân yêu của những người dân Việt đã có một thời để yêu rồi đành đoạn nhận chịu một thời để chết bởi những đòn thù .
Trong nỗi buồn dằng dặc của tháng Tư, tôi lại ước mong phải chi có một lực lượng từ triệu triệu con tim đập theo lẽ phải, đập theo hướng tới của mặt trời và của tuổi trẻ khởi sóng triều dâng làm nên một chuyển mùa, xóa sạch tai ương cho quê hương giàu đẹp.
Từ nỗi khát khao sự chuyển mùa, tôi thèm viết một tình khúc sờn hà để cám ơn những tấm lòng chữ nghĩa vì quê hương, vì dân tộc mà dấn thân vào cuộc phục hưng nền nhân bản Việt Nam.
Hy vọng lại vươn lên theo nắng Xuân về trên những Đóa Cỏ Thơm.

Maryland, Xuân 2012
Cao Nguyên

Tác phẩm:
Tôi Yêu – Lúa Mùa Duyên Thắm / Nhạc Sĩ Trịnh Hưng
Mùa Xuân Vỗ Cánh / Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên
Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi / Nhà Văn Phong Thu
Chuyển Mùa / Nhà Văn Trương Anh Thụy

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Tiếng Việt - Hồn Dân Tộc






TIẾNG VIỆT, HỒN DÂN TỘC VIỆT NAM


Thấm thoát đã 30 năm người Việt chúng ta phải xa lìa quê hương để sống tha phương khắp mọi nơi. Chúng ta như đàn chim vì tìm tự do phải rời tổ ấm bay phân tán đi khắp thế giới. Chúng ta chọn xứ lạ làm quê hương thứ nhì. Chúng ta sinh sống trên đất người nhưng lúc nào lòng cũng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Chúng ta học được nhiều ngôn ngữ mới, biết được nhiều tập quán lạ để gia nhập vào cuộc sống mới. Nhưng rồi những buổi chiều sau giờ làm việc mệt nhọc, ta cảm thấy cần nghe và nói tiếng Việt. Chỉ có tiếng Việt mới có thể đưa ta trở về con người sâu sắc của chính mình. Tiếng Việt đưa ta về cội nguồn của tâm hồn ta và nó có thể làm vơi đi những căng thẳng trong ngày. Tiếng Việt đem ta trở về một thế giới quen thuộc êm đềm và ru ta vào giấc ngủ say sưa.

Trong giấc ngủ ta trở thành bé thơ nằm gọn trong lòng mẹ và nghe mẹ ru ta ngủ bằng giai điệu ngọt ngào của tiếng Việt. Chính vì thế mà tiếng mẹ đẻ đã thấm nhuần vào từng thớ tâm hồn ta như dòng sữa ngọt đưa ta vào đời. Thân thể ta cần sữa thì tâm hồn ta cần nghe mẹ ru ta. Ta nhắm mắt lại và chìm đắm trong một thế giới êm đềm. Tiếng mẹ ru như những câu thần chú đánh đuổi những sợ hãi của đêm tối. Ta nở một nụ cười hạnh phúc trên môi và trôi dần vào giấc ngủ say sưa.

Ta thức dậy. Thời gian trôi qua nhanh quá. Mới đây tóc xanh giờ đã hoa tiêu. Những con sóng của cuộc đời nhồi lên nhồi xuống con thuyền không bến. Tuy ta mất quê hương nhưng khi ta duy trì được tiếng mẹ đẻ thì ngôn ngữ đó trở thành một mảnh đất quê hương mà ta mãi mang theo trong tâm hồn của người tha hương. Khi những người đồng hương ở xứ người gặp nhau trò chuyện bằng tiếng Việt, giai điệu âm thanh đó ngọt ngào làm sao. Khi di tản, ta không mang theo mảnh đất quê hương yêu dấu được, nhưng khi hỏi thăm trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt thì quê hương ta hiện ra đâu đó.

Khi nói đến ngôn ngữ thì phải nói đến văn hóa. Ngôn ngữ và văn hóa như sữa và nước thật khó tách rời. Vị sữa làm cho nước ngọt và chất nước làm cho sữa dễ tiêu hóa. Văn hóa ta tôn trọng quan hệ gia đình và xã hội chớ không đề cao chủ nghĩa cá nhân đè đầu người khác để làm mình trội hơn. Cá nhân được thương mến khi cá nhân đó tôn trọng quan hệ giữa người và người. Vì thế người Việt chúng ta rất tình cảm. Quan hệ tình người được bảo vệ và tăng trưởng nhờ ngôn ngữ. Thí dụ ta dùng từ "anh chị" để gọi nhau, để tự nhắc nhở cho nhau chúng ta cùng một đại gia đình Việt Nam. Chúng ta dùng từ "chú, bác, dì, thím" để gọi những người lớn tuổi hơn ta. Qua ngôn ngữ ta cho họ biết là ta tôn trọng họ như những người lớn tuổi trong gia đình ta.

Ngôn ngữ Việt Nam, ngoài vai trò thông tin còn có vai trò củng cố quan hệ tình cảm nửa. Đó là cái tính chất văn hóa lồng trong ngôn ngữ. Thí dụ như vợ chồng Mỹ gọi nhau bằng "I" và "you". Khi phân tích ngôn ngữ học thì "I" hoàn toàn cách biệt với "you", "I" và "you" là hai cá thể hoàn toàn độc lập và khác biệt. Tiếng Việt ta dùng từ "anh, em" hay "mình", cho ta thấy rõ cái quan hệ tình cảm của cặp vợ chồng. Tuy vợ chồng không có máu mủ với nhau, nhưng khi gọi nhau bằng "anh, em" thì diễn tả được mối tình thân thiết. Còn từ "mình" có vẻ thân thiết hơn, ta coi người phối ngẫu như một phần của chính ta, ta không thể sống thiếu người đó được.

Ngôn ngữ nào cũng có giai điệu của nó. Khi đứa bé mới học nói, nó không hiểu hết ý nghĩa của danh từ. Đầu óc nó học qua giai điệu (melody) của âm thanh qua tiếng nói người mẹ. Nó vui buồn theo cái giai điệu biểu hiện tình cảm do người mẹ phát ra. Vì thế giai điệu ngôn ngữ gắn liền với rất nhiều tình cảm đồi dào trong lòng người. Giai điệu đó phản ảnh tình mẫu tử bao la và đồng thời phản ảnh non nước quê hương bao quanh ta. Cái giai điệu và cách cấu trúc câu văn (cú pháp) đặc trưng ở từng ngôn ngữ. Có thể nói giai điệu và cú pháp rung động cùng nhịp với môi trường sống tại một thời điểm nào đó. Thí dụ ta khó dịch câu thơ Việt Nam tả cảnh sống êm đềm ở nông thôn ra ngôn ngữ ngoại quốc mà vẫn giữ được hồn thơ. Có lẽ ngôn ngữ của thành thị không có khả năng diễn tả những rung động đặc trưng của nông thôn. Những câu ca dao tục ngữ, những bài ca, điệu hò mang đặc trưng cái hồn dân tộc Việt Nam và chỉ có tiếng Việt mới diễn tả được. Vì thế khi tuổi trẻ sanh trưởng tại hải ngoại không học nói tiếng Việt từ nhỏ, sẽ mất đi cái chìa khóa quý giá giúp họ đi vào hồn dân tộc khám phá nhiều kho tàng văn chương và tình cảm vô giá.

Duy trì ngôn ngữ Việt Nam ở tuổi trẻ hải ngoại là một điều rất cần thiết. Trao đổi bằng tiếng Việt làm cuộc sống tình cảm dồi dào hơn, nhứt là khi ta so sánh với tiếng ngoại quốc và ý thức được nét đặc trưng của ngôn ngữ và văn hóa ta đề cao quan hệ tình người. Cũng thời hai thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài, cô thiếu nữ nói được tiếng Việt và hiểu được văn hóa Việt Nam lúc nào cũng có vẻ dịu dàng và dễ mến hơn. Cô ta diễn tả được hồn Việt trong chiếc áo dài đó! Khi hiểu được tiếng Việt thì tuổi trẻ sanh ra tại hải ngoại sẽ yêu và thông cảm cha mẹ mình hơn. Khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ rút ngắn lại và những mâu thuẫn sẽ ít đi. Rồi trong tình yêu tiếng Việt đó họ sẽ gặp gỡ được hồn dân tộc và cảm thấy gần gũi với quê hương Việt Nam hơn. Duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam sẽ làm tuổi trẻ Việt Nam nổi bật vì họ có thêm cái đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam mà các nước khác không có.

Ta sẽ mất quê hương lần thứ nhì khi ta để con cái ta dần dần quên tiếng Việt. Chính vì thế,chúng tôi tha thiết kêu gọi các vị lãnh tụ chính trị và tôn giáo ở hải ngoại nên thành lập một ngày tưởng nhớ đặc biệt sau ngày 30 tháng 4 gọi là ngày "Tiếng Việt, hồn dân tộc". Đó sẽ là ngày mà tất cả dân Việt Nam rải rác trên thế giới tổ chức nhiều cuộc họp mặt thảo luận qua truyền thông báo chí về những nét hay và đặc trưng của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Nơi nào có đông dân Việt Nam, chúng ta nên vận động chính quyền bản xứ đem tiếng Việt vào trường học, với những lớp căn bản học nói và viết tiếng Việt đến những lớp cao hơn nghiên cứu về ngôn ngữ học (linguistic) Việt Nam, văn hóa, văn chương Việt Nam trong nước và hải ngoại. Có nghiên cứu, có hiểu được về tiếng Việt, con cháu ta mới tự hào về nguồn gốc mình và cảm thấy gắn bó yêu thương dân tộc mình hơn. Bằng không thế hệ trẻ sau này chỉ là những người mang dòng máu Việt Nam nhưng với tâm hồn của người ngoại quốc.

Qua tiếng Việt, chúng tôi muốn thế hệ sau này hiểu dòng máu mà mình mang trong người là dòng máu của một thế hệ trước đấu tranh với những thảm cảnh của ngục tù cải tạo và những chuyến vượt biên tràn đầy hiểm nguy. Thế hệ đó đã cắn răng sống trong bao nỗi nhục nhằn để thế hệ sau này được vẻ vang trên đất người. Chúng ta không nên nhắc lại những chuyện đau lòng đó để gợi lên lòng hận thù, đó là cái nhìn về quá khứ. Chúng ta nên nhìn về tương lai và nhắc lại những chuyện đó như một tình thương hy sinh cao cả của thế hệ trước. Cái chất keo hàn gắn sự khác biệt giữa hai thế hệ tạo sự thông cảm chính là ngôn ngữ Việt Nam! Ta có thể hình dung rằng khi mất tiếng Việt Nam, ta sẽ có nhiều cô gái Việt trên thế giới mặc áo dài, mới nhìn trông thật đẹp, nhưng khi lại gần trò chuyện thì mới biết họ là những người ngoại quốc trong chiếc quốc phục dịu dàng. Lúc đó ta chợt hiểu rằng khi ta mất tiếng Việt thì hồn dân tộc bị chết theo!

BÁC SĨ THÁI MINH TRUNG

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Hội Giáo Dục Trẻ Em Việt Nam



Kính gửi qúy vị Phụ Huynh Học Sinh, Thân Hữu, Thầy Cô và Anh Chị Em ,
 Mùa hè 2012, đánh dấu 36 năm sinh hoạt của Hội Giáo Dục Trẻ Em Việt Nam vùng Hoa Thịnh
Đốn (VYEA).
Môt lần nữa, xin qúy vị Phụ Huynh Học Sinh,Thân Hữu,Thầy Cô và ACE tiếp tục hỗ trợ, phổ
biến và giới thiệu chương trình Lớp Hè Tiếng Việt  VYEA 2012 đến thân nhân và bằng hữu.
Năm nay ngoài Lớp Hè Tiếng Việt của mỗi năm, lớp Văn Hóa Phổ Thông (Pop Culture - PC) sẽ
trở lại với VYEA 2012, dành cho các em học sinh từ 14 tuổi trở lên, với 4 phần:  
Văn hóa Việt:  giới thiệu ngôn ngữ, phong tục, tập quán, âm nhạc, mỹ thuật, lịch sử và văn
chương.
Thực phẩm Việt:  giới thiệu đặc sản 3 miền, nếm mẫu thức ăn.
Võ Thuật:  giới thiệu võ thuật phòng thân tự vệ.
Nói chuyện và học chữ Việt: dùng phương pháp ngoại ngữ tân tiến nhất.
Kính nhờ qúy vị cha mẹ chuyển đến con em đoạn phim nhỏ của VYEA xem bằng cell phone
http://youtu.be/RjQknrhzGew
 và góp lời khuyến khích các em tham dự các sinh hoạt đặc sắc này. Chương trình được đặc
biệt thành lập cho các em và vì các em. Đoạn phim này cũng có dạng lớn tại
http://vyea.com/web/2012
Trong hoàn cảnh hạn hẹp nhưng với tất cả tấm lòng yêu thương tiếng Việt, chúng ta đã và
đang cố gắng gìn giữ và gửi gấm cho các em ít nhiều khái niệm về cái đẹp, tình người và tinh
hoa Việt Nam...để dưới ánh mặt trời rực rỡ, cũng như những sắc dân khác với niềm kiêu hãnh
riêng của họ, các con em của chúng ta vẫn có được niềm tự hào là người Việt Nam, người Việt
Nam lưu vong của bốn phương trời.
Kính thư,
Hội Giáo Dục Trẻ Em Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn ( VYEA)

http://vyea.com/web/2012/

gọi điêu tàn thức dậy

Posted Image


 Gọi điêu tàn thức dậy
(Tưởng nhớ Nhạc Sĩ Trịnh Hưng)

Sau một bài viết ngắn như một niệm khúc gởi Nhạc Sĩ Trịnh Hưng, khi anh vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nhạc sĩ Phan Anh Dũng gởi cái link cho tôi nghe lại 2 bài nhạc của anh Trịnh Hưng: "Tôi Yêu" và "Lúa Mùa Duyên Thắm" với chính lời thơ của anh. Mới thấy tâm hồn anh rộng trãi bao la trên những cánh đồng Miền Nam thắm tình sông nước:
"kìa cùng đùa chơi trẻ thơ ca hát say đời
dù nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười!" 

(Tôi Yêu - Trịnh Hưng)

Tôi đã hân hạnh gặp con người có hồn thơ chơn chất ấy, với nụ cười rộng mở chứa niềm vui với những thân quen.
Nhắc cuộc gặp với nhạc sĩ Trịnh Hưng trong ngày Đại Hội Thân Hữu của Hội Thơ Tài Tử Hải Ngoại ở Washington.DC vào tháng 10 năm 2004. Tôi chợt nhớ trong đêm ra mắt Tuyển Tập Thơ "Cụm Hoa Tình Yêu 10", có một kỷ niệm khó quên.
Một trong những vị khách mời dự đêm ra mắt sách là Nhà Văn Trần Quán Niệm. Người mà trong lời ngỏ chúc mừng Đại Hội Thơ Tài Tử Hải Ngoại, đã đọc bài thơ "gọi điêu tàn thức dậy" của tôi trong tuyển tập Thơ "Cụm Hoa Tình Yêu 10".
Gợi nhớ đến, tôi vẫn còn bồi hồi từ tâm thức buồn của bài thơ được chọn đọc như một bất ngờ.
gọi điêu tàn thức dậy
uống cho hết chua cay!

Có giọt lệ rưng đau thấm vào lòng chăng? Có phải chữ nghĩa muốn khởi quật lên một tia sáng của hoài vọng: sau khi uống hết chua cay, sự điêu tàn hoang hóa sẽ trở mình hồi sinh những cánh đồng vàng rực lúa vụ chiêm, triều nghi xưa đượm tình hương sắc cũ, núi sông xanh sau cuộc chiến thê lương.
Thê lương đến độ phải bỏ nước ra đi. Đi để tìm sống trong cái lý lẽ làm người được bảo vệ bằng công bình nhân ái.
Đi với mục đích thoát những xiềng xích hận thù. Dẫu biết đi mà lòng đau như cắt khi để lại sau lưng bao thân thương của Đất, của Người.
Đi để rồi suốt nhiều năm sống trên đất người, lòng vẫn luôn cật vấn, cật vấn đến độ hóa ngông gọi điêu tàn thức dậy:
Nếu đi mà thong thả
Tội đếch chi quay về
Cứ nhìn đời đon đả
Ta dõi miết đường mê
Nếu về mà an tịnh
Cần quách gì phải đi
Ngồi lê đời bịn rịn
Mê hoặc cõi hồ nghi
Đi, Về - đường khúc gãy
Chồi nứt ngọn hoài thai
Giấc đời xa ngọt ngậy
Cong quắp khối hình hài!

Cả cái chồi nứt mầm lên cũng không xanh được, thì ngọt ngậy đời bao giờ mới có. Trách chi cái hình hài không quắp lại vì những nỗi đau mất Nước, tan Nhà!
Thế kỷ này thật tội
đau thương quá hóa rồ!
(gọi điêu tàn thức dậy)
*
"Lúa thắm vàng đầy đồng
Người sống với tình mặn nồng
Như cùng nhau xây tình yêu sông núi
Tô màu cho nước Việt ngày thêm tươi!" 

(Lúa Mùa Duyên Thắm - Trịnh Hưng)

Ôi yên ả và thanh bình chi lạ
Phù sa thơm ôm gốc mạ xanh!
Vậy mà điêu tàn! Vậy mà hoang phế! Uổng công thơ chuốt chữ cho đời!
Còn đâu trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh, rôm rả tiếng hát:
... gánh thóc về
gánh thóc về...

Chỉ còn những đường khúc gãy, mỗi nhìn trước nhìn sau nghẹn những niềm đau, khi người làm ruộng thiếu gạo ăn, khi trẻ đến trường không lành tấm áo!
Mặc, tôi vẫn gọi điêu tàn thức dậy, uống niềm tin để thoát cơn đau.
Phù sa rồi lại thơm
Lúa đòng đòng mẩy hạt
Câu thơ lồng tiếng hát
Trong khúc nhạc đồng quê

Những tấm lòng gặp nhau từ tâm điểm ấy - Ân tình gởi núi sông!
Tạm biệt hôm qua, hay vĩnh biệt hôm nay, ngày mai... chỉ là sự vắng mặt không là sự xa cách của ngôn từ thơ, nhạc viết cho đời, viết về nguồn cội quê hương.
Khi điêu tàn thức dậy, con mắt thơ không nhìn sự đổ nát mà nhìn qua khao khát để tìm về Tổ Quốc trong tim!

Cao Nguyên
Virginia 13/5/2008