Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

HUẾ XƯA


Huế buồn

Mai em về Vĩ Dạ
nhặt hương nhớ hoa cau
hứng mưa đầu mái rạ
theo nón lá qua cầu

Nắng Nam Giao cuối Hạ
Thu ngược quá Văn Lâu
đời Mệ buồn vật vã
con cháu đã về đâu?

*

Mốt về thăm Đập Đá
ngắm bến lạ sông quen
đổi thay chừ hối hả
thương nhớ biết mô tìm?

Bờ ni và Bến nớ
khoảnh khắc đã là mơ
Huế qua mùa trăn trở
đã cháy vỡ trời thơ!

*

Đêm ghé về Thiên Mụ
trăng sáng tụ lầu chuông
soi nghiêng hồn cổ ngữ
kinh rót chữ bi thương!

trầm hương gieo cổ tích
theo tĩnh mịch ngược nguồn
âm u đường hoang phế
lễ mễ những hồn oan!

*

Nửa đời em háo hức
về thăm chốn chôn nhau
Huế đêm mơ . ngày thực
chuông vọng thức kinh cầu!

Cao Nguyên

Nghe nhạc phổ thơ

Cố Đô Huế


trầm Mặc Huế

chiều nghe tiếng dế trong Thành Nội
hát giữa khe hoang phế Hoàng Cung
lời Mệ ru trăm năm vời vợi
hồn trống chiêng thức đợi bao năm

đêm Thần Kinh gập ghềnh ngói vỡ
cờ đào khua Thiên Mụ chuông ngân
cửa Thượng Tứ khói tàn lỗ chỗ
điện Thái Hoà ảo vỗ Quân Thần

nương ngọn gió Mậu Thân trẩy hội
rưng giọt buồn cuộn khói Nam Giao
nét rực rỡ chừ nghe đã mỏi
nát câu hò nghẹn lối Sông Hương

Huế trầm mặc trăng buồn Bến Ngự
nghiêng nón chào nhạt chữ tâm thơ
lượm di chứng điêu tàn Cổ Sử
nhờ Nghệ Nhân khắc chữ Bi Thương !

Cao Nguyên
Festival 2004

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều và Tôi



Tôi được biết đến nhà văn Doãn Quốc Sỹ lần đầu tiên khi tôi vừa tròn 17 tuổi. Ngày ấy, tôi học môn Vật Lý với cô Doãn thị Kim Oanh. Cô Oanh là một cô giáo tận tâm yêu nghề, rất gần gũi với học trò. Tôi còn nhớ, các bạn lớp 11D4 và tôi, năm đó, đã đến nhà thăm cô vào ngày mùng ba Tết. Trong không khí náo nhiệt đón Xuân đáng lẽ mang nhiều niềm vui rộn ràng, nhưng đôi mắt tròn xoe của cô tôi lại vương nhiều nỗi muộn phiền lo âu. Hỏi ra, chúng tôi mới biết là thầy Doãn Quốc Sỹ vừa bị công an đến bắt đi tối hôm qua. Nhìn cô buồn và lo lắng, đôi mắt ngấn lệ, cô cố gắng giữ không rơi nước mắt trước đám học trò, mà tôi thấy thương cô vô hạn. Có lẽ vì tôi là đứa học trò duy nhất của cô ngày hôm ấy có ba đi học tập cải tạo, cho nên tôi cảm nhận và hiểu được nỗi đau của cô. Tôi cũng thấy đau lòng cho thầy Sỹ lại một lần nữa mang thân tù tội chỉ vì thầy đã cống hiến cả đời để góp phần "gìn vàng giữ ngọc" cho nền văn hóa Việt Nam...

Tôi từ nhỏ đã bị lôi cuốn vào trong thế giới văn học nghệ thuật truyền thống. Tôi sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình mô phạm; ông Ngoại tôi và các dì của tôi đều là nhà giáo. Tôi được đọc những sách truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn rất sớm khi các bạn cùng trang lứa còn đọc những truyện thuộc tủ sách "tuổi hoa tím ". Ở nhà, gia đình thường gọi đùa tôi là "con mọt sách ". Và tác phẩm " Chiếc chiếu hoa cạp điều " của thầy Doãn Quốc Sỹ đã đến với tôi ngay mùa xuân năm đó. Đây tuy chỉ là một câu truyện ngắn với một sắc thái viết văn giản dị, không cầu kỳ, không hoa mỹ nhưng đã làm rung động lòng tôi. Câu chuyện tường thuật những năm tháng khó khăn đói khổ của thời kỳ sơ tán làm tôi chợt nhớ bài thơ « Bên kia sông Đuống » mà nhà thơ Hoàng Cầm đã viết từ Việt Bắc tháng 4, năm 1948:

...Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quảy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ...


Tôi yêu thích « chiếc chiếu hoa cạp điều » vì qua ngòi viết chân tình, nhà văn đã lột tả hết được cái đói, cái nghèo, cái khổ của người dân Việt Nam trong thời chiến loạn dưới làn bom đạn rơi. Khung cảnh đi sơ tán, tuy đã xảy ra thật lâu lắm rồi nhưng rất quen thuộc với tôi. Cái cảnh đói khổ nghèo túng đó trong những cơn gió bấc rét đến tận xương tủy phải có một lần sống qua mới có thể cảm nhận hết nỗi sự bần cùng của con người... « Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi... ». Ba tôi đã mất mát rất nhiều trong những lần đi tản cư chạy loạn những năm 1945-1950. Từ là một cậu ấm trong một gia đình danh giá vọng tộc, ba tôi cũng đã nếm đủ mùi của cái đói, cái rét, cái nghèo, cái khổ, khi vành tang trắng vội khoác lên mái đầu xanh; khi trên đôi vai gầy guộc thơ ngây của một cậu bé mười tuổi phải gánh lấy trách nhiệm kiếm ăn nuôi gia đình. Cái cảnh gia đình « giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu » cũng không còn xa lạ...Bao cảnh cơ hàn gian truân mà nhà văn đã trải qua cho ông thấy cái nét đẹp rạng ngời của tình yêu thương đùm bọc trong gia đình…Gia đình muôn đời vẫn là trường học đầu tiên về yêu thương. Bài học vỡ lòng về yêu thương khởi đầu bằng tình yêu thưong mẫu tử thiêng liêng, đuợc duy trì trong tình yêu thương gia đình và được tái sinh qua từng thế hệ.


Tôi yêu thích « chiếc chiếu hoa cạp điều » vì ở đây tác giả đã cho tôi thấy một Tình Mẹ tuyệt vời luôn ban « cho con cái tình thương vô bờ bến trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là "Mẹ" đương đầu với những thử thách khó khăn, những cơn nguy khốn, những nhọc nhằn đầy lo âu và "Mẹ" luôn nhấp nhận những vô lý nhất của cuộc sống. Nhưng trái tim của "Mẹ" vẫn là sự thủy chung với cha và sự lan tỏa hơi ấm cho đàn con thơ dại... » (trích từ « Tình thương của Mẹ » - Việt Hải). Hình ảnh người Mẹ bất kể dưới lằn đạn oanh tạc của phi cơ, vẫn lo vớt nhặt rồi giặt một mảnh chiếu con bị vứt bỏ bên lạch để mong cho đứa con mình đêm về có được chút hơi ấm giữa cái rét vô tình của mùa đông lạnh giá...Ôi, không ai có thể yêu thương và chăm sóc con tận tình bằng Mẹ. Tôi còn nhớ thầy Sỹ đã có nhắc đến một câu thơ Pháp trong bài viết « Nghĩa Mẹ Tình Mẹ qua những tác phẩm văn nghệ Việt Nam » nhân dịp lễ Vu Lan năm 1973 rằng: « l'amour d'une mère, l'amour que nul n'oublie » (tình yêu của người mẹ là tình yêu mà không ai có thể quên được).


Khi đông tới gió mang theo lạnh lẽo
Mẹ âm thầm từng mũi chỉ đường kim
Trắng thâu đêm, mẹ thức trắng thâu đêm
Đan xong áo, ấm lòng con của Mẹ...
(trích « Những con đường » - Hoàng Thy)


Tấm lòng người Mẹ yêu con quả thật bao la như biển rộng sông dài. Vì con, mẹ hy sinh cam chịu gánh lấy bao nhục nhằn, ray rứt, riêng mang

Mẹ gói trọn gian truân vất vả
Mang vào thiên thu hai chữ thành tâm...
(trích « Gian truân tuổi Mẹ » - Mạc Phương Đình)


Tôi nhớ có đọc một đoản văn viết về tình mẹ của Cha Cao Tường trong « Vồng Trầu của Mẹ » mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc: « ...người mẹ nào cũng cả đời chịu thua thiệt. Mà cũng chính vì cứ cam chịu phần thấp nên mới thành « lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào ». Chỗ trũng nhất trên mặt đất thì nhận được tất cả,từ mọi thác suối, sông rạch, mưa trời, rồi chế biến tất cả, dung hóa thành đại dương bát ngát...

...người Việt nên tặng mẹ mình một vồng trầu thay vì một bó hoa. Lá trầu là chính cõi lòng người mẹ Việt Nam, càng bị nhai nát thua thiệt càng nẩy sinh tình yêu... »


Tôi yêu thích « Chiếc chiếu hoa cạp điều » vì câu truyện đã gợi cho tôi bao hoài niệm đau thương của một thời thơ ấu. Quê hương mình suốt hơn ba chục năm dài chìm trong khói lửa chiến tranh. Tác giả đã chịu bao nỗi cơ hàn thời chinh chiến. Còn tôi thì ngược lại, cái cảnh phải lo cho các em tôi có bữa cơm no, có được giấc ngủ ngon trong cái đói nghèo khi ba tôi bị đi tù cải tạo, mẹ tôi vì không chịu nỗi sự chia ly, tương lai mịt mù đã ngã bệnh, lúc ấy thì chiến tranh đã tàn, tuổi tôi chưa tròn mười bốn và em út của tôi cũng chỉ vừa lên ba. Trong câu truyện này có một đoạn thầy Sỹ viết bằng cả tấm lòng mình mà khi đọc tôi càng thấy thấm thía. Tôi hiểu và cảm nhận nỗi đau của người, vì chính tôi cũng đã mang cùng một tâm trạng như thế:...« Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điếu đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc hoa cạp điều...» Tác giả vi một lần nói dối về một mảnh chiếu con cho em đắp mà đã thấy ray rứt cả cuộc đời. Cái này tôi không cho là một “sa ngã” nhưng là một chức năng sinh tồn trong thời loạn ly. Có ai trong chúng ta sống trong cảnh nhiễu nhương cơ hàn nhất, dưới gông cùm của bạo quyền áp chế, vì muốn bảo vệ những người thân yêu của mình, đã không khỏi có những phút giây “sa ngã” đó. Nói dối để cho cha có thêm miếng ăn ngon trong tù, hay cho mẹ có những viên thuốc tốt để trị bệnh, hay cho đàn em thơ không thấy thiếu thốn nhiều tình yêu thương phụ mẫu...tôi không cho đó là điều đáng khinh rẻ. Nếu tôi tự đặt mình vào vị trí của tác giả lúc ấy, tôi cũng sẽ làm như thế chỉ vì vỏn vẹn hai chữ “yêu thương”, tôi không muốn em mình lại phải chịu cảnh co ro những đêm rét trời.

Tôi mang cùng quan điểm với thầy Sỹ là một khi đã từng trải những cảnh thiếu thốn đói khổ tột cùng đó, cái nhìn nhân sinh quan của mình về tình người mang một sắc thái khác. Là một đứa trẻ đã từng sống khổ cực lăn lóc ngoài chợ đời để có được miếng ăn miếng sống cho gia đình, ba tôi cũng có cái nhìn như thế. Ba tôi, tôi, cũng như thầy Sỹ đều: « ...Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy; Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh nghèo túng giật gấu vá vai, Tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, này nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành...»

Tôi yêu thích « Chiếc chiếu hoa cạp điều » vì tác giả đã viết bằng cả trái tim mình, có lẽ vì thế mà câu truyện rất đơn sơ mộc mạc nhưng lại có nhịp độ rung cảm cao nhất. Đọc « Chiếc chiếu hoa cạp điều » để thấy hết nét thanh cao sáng trong vằng vặc như ánh trăng của một cõi « Tâm » đạo đức, hiền hòa, đôn hậu, hướng thiện.

« Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn, ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình yêu thương rộng rãi và chân thành...»

Những dòng tâm tình hôm nay tôi viết lên đây như một lời tri ân về một nhà văn đã cống hiến cả đời mình để “gìn vàng giữ ngọc ” tiếng Việt và người Việt mến yêu. Cám ơn Thầy đã qua những tác phẩm ngắn, dài của mình, là ánh trăng tâm linh cho thế hệ trẻ mai sau nhận thức được chữ trung, chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ tình, tình yêu thương nhân bản, tình gia đình, tình yêu non nước cho dù ở nơi đâu, hay trong hoàn cảnh nào...Tôi xin mượn hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà để minh họa hình ảnh của Thầy trong tôi

Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc
Tuyết sương phô trắng một cành mai...

Tôi thành tâm nguyện chúc Thầy sống lâu trăm tuổi để tiếp tục góp cho đời những thông điệp và những bài học về tình yêu thương nhân ái

Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhứt
Trên trái đất này biết yêu nhau
Để những cặp tình nhân khác bắt chước
Để con cái sau này không khổ đau

(Bài ca tháng giêng- Thanh Tâm Tuyền)

Tôi kính gửi về thầy vài dòng thơ đơn sơ nhân kỷ niệm ngày thọ 84 của Thầy, kính chúc Thầy luôn đạt được ý nguyện « Gìn vàng giữ ngọc » cho thế hệ mai sau:

Vần thơ kính thầy
Thầy tôi tuổi đã tám mưoi tư
Nợ nước tình nhà vai nặng gánh
Dạy dỗ cháu con lẽ thiệt hư
« Gìn vàng giữ ngọc » tâm lấp lánh
Không hổ danh « Người Việt đáng yêu »
Biết tổ tông cội nguồn dân tộc
Vun xới tâm hồn đẹp mỹ miều
Lòng hiếu hạnh gieo « Hương nhân loạỉ »
Quê hương mình bao năm gian khổ
« Dòng sông định mệnh » chia đôi miền
Chiến hận mang thân lìa đất tổ
« Tiền kiếp » ta đâu? Nỗi truân chuyên!
Ngục tù, chiến tranh rồi ly hương
Ngọc vẫn trong « không hề hoen ố »
Tiếng hát từ lòng đất yêu thương
Gióng chuông « Vào Thiền » mặc bão tố
« Hãy quay trở về với chính mình... »
Thông cảm, bao dung...chân thiện mỹ
« Người vái tứ phương » kiếp nhân sinh
Thắp sáng cõi Tâm tình chung thủy
Dâng lên Thầy đôi dòng cảm nghĩ
Kính chúc Người vạn thọ vô biên
Mãi là gương soi, là hiền sĩ
Văn chương tiếp nối, danh lưu truyền
Hậu thế mai sau còn ghi nhớ
Công đức trồng hoa « Tâm » của người...
Kính tặng Thầy Doãn Quốc Sỹ
Bích Phượng

chiếc chiếu hoa cạp điều


 Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang. Đến năm 1948 khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn thể gia đình chúng tôi ai nấy đều có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.

Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng tôi – lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi – chứ cứ như thế này thì không chết cũng chẳng còn ra hồn người nữa.

Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói thác:

- Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc nhưng nay vì có nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm.

Cậu tôi không chịu:

- Anh chị về Vĩnh Yên gần chúng tôi cho có anh có em, vừa tránh được nạn sốt rét rừng vừa có cơ buôn bán khá. (Dạo đó Vĩnh Yên còn là cửa ngõ của việc thông thương giữa Liên khu III với Bắc Việt).

Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên, nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.

Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên, còn một mình tôi ở lại Sở Thông Tin Liên khu III. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơị Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác. Trụ Sở Thông Tin ở một làng bên tả ngạn sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang, bến đò Lục Liễu. Để tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là “Bến đò liễu xanh”.

Thư của em tôi tới báo cho hay gia đình đã tới tản cư cùng làng với gia đình cậu mợ tôi. Làng đó ở ngay bến Rau, bên này là Vĩnh Yên, bên kia là Sơn Tây rất thuận tiện cho việc buôn bán.

Rủi thay, thầy mẹ tôi vừa đến Vĩnh Yên thì quân Pháp mở chiến dịch càn quét khắp vùng Sơn Tây rồi thiết lập thêm đồn quân dọc theo hữu ngạn sông Hồng từ Sơn Tây ngược lên đến Việt Trì. Các ngả đường giao thông với Liên khu III đều bị quân Lê Dương phục kích ráo riết.

Cậu tôi đã rơi vào ổ phục kích của chúng, dấn vốn khánh tận may thoát được người. Mẹ tôi phải ngừng chuyện buôn bán.

Nghe nói làng N.H. bên hữu ngạn sông Đáy gần chân dãy núi Tam Đảo là một làng trù mật, chuyên bán đỗ, gia đình tôi bèn chuyển đến đây theo sáng kiến của mẹ tôị khi tới nơi, mẹ tôi mới thấy rằng mình đã nhầm. Trước đấy một năm thì địa điểm này buôn bán được vì hầu như dân chúng toàn hạt Vĩnh Yên đổ xô về để tránh Pháp tấn công, nhưng nay, tình hình tạm yên ai nấy trở về chốn cũ, địa điểm N.H. trở lại chốn trầm mặt của chốn chuyển tiếp giữa vùng trung du bên dưới với vùng đèo heo hút gió bên trên.

Vừa lúc đó tôi xin thôi ở sở Thông Tin về.

Mẹ tôi mừng lắm vì người vẫn thường nói: “Thời loạn lạc gia đình nên gần nhau nhỡ có thế nàọ..”. Hình như trong óc người – có thể nói trong óc mỗi người trong gia đình tôi – đều luôn luôn lo sợ cảnh một người bị chết vì bom đạn rồi mất xác vì gia đình không kịp biết để nhìn nhận. Niềm vui đoàn tụ giúp chúng tôi bớt buồn nản khi thu xếp gồng gánh trở lại huyện Yên Lạc. Lần này gia đình tôi không dám ở gần bến đò Rau nữa vì sợ phi cơ oanh tạc, mà ở một làng cách huyện Yên Lạc chừng gần một cây số. Gia đình cậu tôi ở ngay làng bên. Lẽ cố nhiên cả hai gia đình chúng tôi cùng nghèo túng lắm, nghèo túng đến nỗi cậu mợ tôi, thày me tôi cũng không dám sang nhà thăm nhau, chỉ chiều chiều ra gặp nhau trên quãng đường đá nối huyện Yên Lạc với bến đò Rau.

Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên. Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Huyện – cậu mợ tôi là những người làm chứng – nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả, y như một đám cưới vụng trộm.

Em gái lớn tôi xoay đi buôn gạo, ngày ngày kĩu kịt đi về 20 cây số kiếm chút lãị Ở Yên Thế tuy bị sốt rét nhưng nhà ở giữa rừng ít lo bị địch tấn công bất ngờ; tuy cũng nghèo túng nhưng còn có đất rộng để tăng gia rau cỏ và nuôi được lợn gà.

Về đây những buổi ăn cháo ngô trừ bữa, mẹ tôi thường có ý khép cửa giữa lại.

Em gái tôi đã phải đi chợ thật xa để đong gạo rẻ mà rồi tính ra lời lãi cũng chẳng được là bao. Các cụ giải thích hiện tượng kinh tế này bằng câu: “Thóc gạo có tinh”, mẹ tôi làm tương gánh đi các chợ xa bán để kiếm thêm. Vợ tôi tạng người yếu nhưng khéo tay, không làm được việc nặng, nàng phụ trách những việc nhẹ như rang đỗ tương, ủ mốc, pha muối vào nước tương…

Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có ghi tên theo học nốt năm thứ ba hy vọng ngày thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến các giáo sư thường từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tự tìm tài liệu nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những công việc nặng.

Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đị Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu mất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên.

- “Ấy cứ thế mà ấm ra phết anh ạ” – Nó vừa cười khoái trí vừa nói với tôi như vậy.

Các em trai em gái tôi đã lớn cả, chúng tôi hầu như thường thi đua trong việc nhường nhịn nhaụ Mẹ tôi chỉ còn thắc mắc về thằng em út của tôi. Nó còn nhỏ tuổi quá chưa thể tìm nguồn vui ở tinh thần để quên đói rét. Tương đối với cả nhà nó được mặc lành nhất. Nó mặc cái áo đỏ chót có những vệt chữ nho đen và những đường kim tuyến (nguyên đó là chiếc câu đối người ta phúng bà tôi hồi chưa tác chiến). Câu đối đỏ thì may áo, còn nẹp sa teng vàng mẹ tôi cố gạn may thêm cho nó chiếc áo di-lê. Chúng tôi gọi đùa nó là “anh cờ đỏ sao vàng”. Đêm đến rét quá không đủ chăn ấm, nó thường khóc khậm khạch. Chỉ cần có thêm đôi chiếu nữa thì cả nhà đủ ấm.

- “Chiếu cói kỵ gió”. – Mẹ tôi bảo thế.

Nhưng đến ăn còn chẳng đủ làm sao chúng tôi mua được đôi chiếu bây giờ?

Hôm đó suốt từ sáng sớm đến trưa phi cơ bay từng đoàn bắn phá và dội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc… Mọi ngày chỉ khoảng bốn giờ chiều mẹ tôi có mặt ở nhà. Ngày đó giời đã xế chiều mà người vẫn chưa về. Toàn thể gia đình tôi bắt đầu sốt ruột tuy không ai nói một câu.

Chiều ngả màu xẫm. Gió bấc rít trong bụi tre già làm nền cho tiếng khàn khàn của lũ quạ lục đục trong ổ, gió bấc xoáy từng vòng cuồng loạn dứt từng vốc lá tre, lá bưởi vàng úa rồi lại nhào vút mất hút ra ngoài cánh đồng bát ngát hiu quạnh.

Mẹ tôi vẫn chưa về.

Trong óc tôi thoáng hiện những cảnh chợ bị phi cơ tàn phá, những hình người không kịp xuống hầm bị đạn chết gục bên cột lều tay còn quờ ôm những đồ hàng của mình, những hình người bị bom napalm thiêu rụi như những thân chuối cháy đen… Và tôi vùng ra cổng.

Thày tôi biết ý hẹn với:

- Con cứ thẳng đường ra bến Rau. Mẹ con thường về đường ấy.

Ra tới cổng làng, tôi đi như bay theo đường đã định, cổ họng nghẹn ngào, dạ cồn lên như lửa đốt. Con đường như rộng thênh thang, cánh đồng ngập trong bóng chiều xẫm và trong gió bấc, càng trở thành mênh mông. Tôi vun vút nhảy qua các hố phá hoại mà đi như một bóng ma cô độc đương muốn biến theo luồng gió.

Từ xa như có bóng người đi lại. Chắc người đó ở chợ Rau về. Để tôi phải hỏi tin tức về việc phi cơ oanh tạc hôm nay.

Hình như trên đòn gánh người đó có vắt ngang một cái gì.

Tôi lướt vội lên. Trời ơi, mẹ tôi!

Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi như gặp nhau ở cửa âm ti.

Tôi hỏi: “Sao mẹ về muộn thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên”. Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Đó là chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba.

Mẹ tôi chỉ vào chiếc chiếu phơi trên đòn gánh nói:

- Về đến nhà thì chiếu vừa khô con ạ. Tối hôm nay thằng Tư – tên thằng em út tôi – có chiếu đắp ấm.

- Mẹ ơi, “giàu con út, khó con út”, mẹ chẳng để ý gì đến chúng con, chỉ chăm chút cho chú Tư thôi.

Mẹ tôi đi trước, gió ngược chiều nên tiếng tôi mất hút về phía sau. Tuy nghe tiếng được tiếng không nhưng mẹ tôi vẫn hiểu câu nói đùa. Người vừa giữ cái chiếu vừa quay nhìn tôi mỉm cười.

Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bí tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi “thoát ly” ra ngoài.

Dạo đó chỉ còn một tháng nữa là tết. Tôi lại có dịp tạm rời trường Luật, đợi đến qua giêng mới có giáo sự Tôi về vừa đúng lúc gia đình đương cần nhân công xay thóc giã gạọ Dấn vốn của gia đình tôi còn đong được năm nồi thóc. Dùng số tiền đó làm tiền đặt mẹ tôi có thể đong về được tám nồi. Theo như mẹ tôi phác tính mỗi nồi thóc làm, được lợi ít ra là hai ca gạo, vị chi với tám nồi thóc, chúng tôi sẽ lợi ít nhất là một nồi rưỡi gạo. Cứ như vậy mà đủ việc liền trong một tháng, nghĩa là vừa đến tết, thì chúng tôi có thừa tiền đong gạo nếp gói bánh chưng và mua thịt cá để đón một mùa xuân kháng chiến tương đối huy hoàng.

Chúng tôi ngoại giao ổn thỏa với các nhà có cối xay cối giã rồi bắt đầu vào việc. Thầy tôi trông nom mấy đứa nhỏ sửa soạn cơm nước. Tôi và thằng em giai xay thóc trong khi mẹ tôi điều khiển vợ tôi và cô em gái sàng gạọ Xay hết thóc chúng tôi đã có gạo đem đi giã, giã đến đâu mẹ và em tôi sàng tấm sẩy cám đến đấy. Trong khi xay thóc tôi nhẩm ôn các đạo luật, các án lệ để sửa soạn kỳ thi cuối niên khóa. Khi giã gạo với vợ, tôi cùng nàng thủ thỉ xây mộng tương lai. Ngày kháng chiến thành công hẳn chúng tôi đã có những đứa con kháu khỉnh, đã trở về quê hương dựng lại căn nhà xinh, sống tự do bình dị trong tổ ấm gia đình.

Ngày đầu chúng tôi làm được tám nồi thóc với số gạo dư là hai nồi. Một cụ già ở đấy gật gù nói: “Vạn sự xuất ư nho, đúng thật. Học trò thì cái gì cũng làm được. Cứ bảo người Hà nội không chịu được lam lũ!”

Ngày hôm sau có tin quân Pháp đánh lên Vĩnh yên. Những người có thóc giữ lại. Mẹ tôi phải vất vả lắm mới mua được bằng giá khá cao sáu nồi thóc để chúng tôi có việc làm.

Quân Pháp chiếm Vĩnh Yên. Tiền Hồ Chí Minh sụt giá vùn vụt. Vẫn số tiền cũ giờ đây chưa chắc mẹ tôi đã mua nổi bốn nồi thóc.

Quân Pháp theo sông đào tiến lên chiếm chợ Mẹ Dân chúng xao xác chuẩn bị chạy. Số tiền trong tay mẹ tôi hầu trở thành giấy lộn. Chúng tôi ăn một bữa quà bánh đúc, lúc giả tiền thấy vợi hẳn túi. Viễn ảnh những ngày đầu xuân có gạo nếp, có thịt gà, thịt lợn bị giập vùi trong khói súng và biến thành một điểm mong manh chết đuối giữa cảnh tàn phá rùng rợn của bom đạn tơi bời cha lạc con vợ lạc chồng, anh em tán loạn mỗi người một phương.

Dạo đó tuy đã có phong trào “rèn cán chỉnh cơ” nhưng chưa có cố vấn Tàu, chưa có chính sách “ba cùng”, học tập đấu tố nên mặc dầu kinh tế nguy ngập ai nấy vẫn tin tưởng ở ngày mai huy hoàng của dân tộc, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của già Hồ (như lời tuyên truyền phát thanh chiều chiều).

Sang hạ tuần tháng chạp, suốt ngày mưa phùn gió bấc lạnh như cắt ruột. Không hiểu là vì rét nhiều hơn hay là vì chúng tôi đã bắt đầu giảm khẩu phần! Chiếc chiếu mẹ tôi vớt ở lạch đắp cho thằng em út đã rách xơ xác. Trong khi gia đình tôi giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu thì xảy cuộc hỗn chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Kháng Chiến ở chân núi Tam Đảọ Để giữ vững ưu thế quân sự về mình tại mặt trận Vĩnh Yên. Tướng Pháp De L. quyết định hy sinh đoàn quân hắn, và hạ lệnh cho thả bom tận diệt đôi bên.

(Trong cái điên ba của một cuộc thế lọc lừa phản trắc, người ta dày xéo lên tình người, điềm nhiên hy sinh xương máu đồng bào đồng loại nơi này cho quyền lợi thực dân, nơi kia cho học thuyết giai cấp. Tôi không ghê tởm những bộ mặt lãnh tụ như chúng sao được?)

Từ chân núi Tam Đảo quân Pháp đánh tỏa ra ba mặt, đồng thời từ hữu ngạn sông Hồng, một toán Lê Dương vượt sang càn quét bến Rau ở tả ngạn. Dân chúng từ bốn mặt chạy về huyện Yên Lạc, đổ xô vào các làng. Mẹ tôi bèn thổi cơm hàng gánh đến bán cho họ.

Trong số rất đông các người ở làng Rau mang đồ đạc chạy đến làng Lũng Thượng, có gia đình ông Lý Cựu vốn là bà con với ông chủ nhà nơi tôi tản cư. Ông Lý nói chuyện với thầy tôi rất tương đắc nhất là khi ông biết tôi đương học trường luật thi ra thẩm phán.

Ông nói:

- Tôi có thằng cháu năm nay lên sáu; giời cho làm người, sau này kháng chiến thành công, tôi nhất định sẽ gởi cháu lên Hà Nội phiền ông bà và cậu Cả trông nom giúp cho thành thân người.

Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút lui về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn tết.

Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.

Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.

Mẹ tôi nói: “Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!”

Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bí tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc giây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đây đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp. Hai ngày sau, tới buổi sớm ba mươi tết, khi sực tỉnh, tôi thấy không khí trong làng có vẻ tưng bừng hơn vì những tiếng bàn tán xôn xao xen với tiếng cười ròn rã ngoài đường xóm. Tôi vùng dậy ra thẳng ngõ. Trời tuy lạnh ngọt nhưng quang đãng và êm ả vô cùng. Tôi gặp mọi người mắt ai nấy sáng sáng ngời tin tưởng. Thì ra ở khắp các tường làng đều đã kẻ khẩu hiệu:

“Chuẩn bị tổng phản công”.

Đồng bào thủ đô bàn nhau ngày về nhận nhà nhận cửa, đồng bào địa phương hơi có vẻ ngậm ngùi tưởng như giờ phút chia tay đã điểm.

Buổi trưa hôm đó ông Lý Cựu từ làng Rau mang theo vài thứ xa xỉ phẩm làm quà biếu ông chủ nhà vào dịp tết. Ông Lý Cựu có xuống căn nhà dưới thăm thầy tôi. Câu chuyện vừa xong phần xã giao thường lệ thì ông ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở giây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:

- Chiếc chiếu này của tôi.

Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.

Người nói:

- “Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi…”

Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.

Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn nách rồi thản nhiên nói:

- Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cặp điều từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.

Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra giải ở bụi tre nghỉ tạm, lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ.

Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi:

- Chiếc chiếu này mẹ mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếc chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).

Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết:

- Không, chiếc chiếu này của tôi.

Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra làm thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng.

Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:

- Thôi, sang giêng trời bắt đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!

“Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!” – mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui.

Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó – kể cả hy sinh một chút danh dự cho sự yếu đuối thường tình của con người – tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy vẫn sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.

Sớm mùng một năm đó mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại ỵên bình, gia đình được qua thì đói khỏi thì loạn.

Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe nước mắt như muốn trào ra.

Dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý “Vật chất quyết định hết thảy”. Họ lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này kh di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, tuy thực tình câu chuyện chỉ giản dị có vậy.

Cách đây ít lâu khi mua được đôi chiếu hoa Phát Diệm ở đường Hai mươi về giải lên phản cho con nằm, tôi thấy vợ tôi chợt úp mặt vào hai bàn tay trước bàn gương. Có lẽ nàng nghĩ đến câu chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều khi xưa. Chuyện đó như biến thành chiếc phao xẫm màu, bất chấp mọi giông tố vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành.

Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn, ở thế giới chủ trương duy vật, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.

Thấy tôi hằng kiềm chế được nóng giận và nhất là vẫn mỉm cười, khi ứa nước mắt các bạn bè thân thường khen tôi có thái độ hồn nhiên của Trang Chu.

Các bạn yêu quý của tôi!

Các bạn có ngờ chăng thái độ hồn nhiên đó là kết quả của biết bao cảnh cơ hàn mà tôi và những người thân của tôi đã trải qua, trong đó có chuyện Chiếc chiếu hoa cạp điều!

Doãn Quốc Sỹ

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Người và Đất

Lời giới thiệu



Mỗi khi được nghe một “Hậu Duệ” nói chuyện với “Niên Trưởng” trong những cuộc hội ngộ thân tình của các cựu chiến binh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, là mọi người có dịp ngắm lại quá khứ còn thấy mình vinh dự về trách nhiệm đối với Tổ Quốc trong cuộc chiến đấu vì Tự Do Dân Chủ cho quê hương Việt Nam . Đồng thời, mọi người cũng nhìn về tương lai với mong ước đàn em và con cháu của mình tiếp bước đi trên lộ trình cha, anh đã vạch ra từ khởi đầu chí nguyện vì Quê Hương thân yêu mà tận tâm phục vụ .
Trở lại với chuyên đề Từ Niên Trưởng đến Hậu Duệ
Hôm nay, tôi hân hạnh giới thiệu đến quí Chiến Hữu, quí Anh Chị Em và các Bạn Trẻ một "Hậu Duệ" quen tên: Trung Tá Tôn Thất Tuấn với lời phát biểu của anh trong cuộc hội ngộ các cựu chiến binh thuộc Tổng Hội Biệt Động Quân/QL.VNCH tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn ngày 17 tháng 7 năm 2011 .
Trong bài phát biểu có câu chuyện "Cái Bình Trà", tôi nghĩ anh Tôn Thất Tuấn muốn nhắn các bạn trẻ hãy nhớ về Đất từ Nguồn Cội để biết dựng lên cho mình một nhân cách sống xứng đáng với niềm tự hào: Tôi là Người gốc Việt dẫu đang ở đâu trên hành tinh này . Trong nhân cách đó còn thể hiện sự biết ơn tiền nhân với tấm lòng hy sinh vì đại nghĩa . Vì Tổ Quốc Việt Nam quang vinh . Đồng thời cũng nhớ đến Đất nơi mình đang sinh sống và nghĩa vụ mình phải hiến dâng để bảo tồn nền hòa bình, tự do dân chủ và nhân ái .
Đất nhờ Người mà tốt đẹp, Người nhờ Đất mà sinh tồn . Tình giữa Người và Đất là nhất quán .
"Người Và Đất" là tiêu đề do tôi đặt cho bài phát biểu . Mong anh Tôn Thất Tuấn niệm tình mà thuận ý .
Trân trọng
Cao Nguyên

***
Lời phát biểu của Trung Tá Tôn Thất Tuấn

Kính thưa quý niên trưởng, kính thưa Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, kính thưa quý chiến hữu Biệt Động Quân (BĐQ) và quý cựu chiến binh (CCB) Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), kính thưa Ban Tổ chức, đại diện quý hội đoàn, quý quan khách cùng toàn thể anh chị em thân mến.
Chân thành cảm ơn anh Phúc đã có lời giới thiệu về cá nhân của tôi. Gia đình tôi và các bạn đồng nghiệp của tôi rất là vinh dự được đến tham dự đêm hội ngộ năm nay của Tổng Hội BĐQ và tôi rất lấy làm hân hạnh được chia sẻ đến quý vị vài quan điểm và nhận định riêng của mình trong bầu không khí chứa chan tình hữu nghị và đoàn kết giữa 2-3 thế hệ trong đêm hôm nay.
Cách đây hơn hai tuần, tôi đã có dịp đến thăm Nghĩa Trang Quân Đội ở Biên Hoà, nên từ khi trở về Mỹ cho đến bây giờ lòng tôi cảm thấy bức rức và càng bồi hồi xúc động trong lể tưởng niệm “vị quốc vong thân” ngày hôm nay, bởi vì tôi đã có thể hình dung được rõ ràng sự hy sinh vô cùng quý báu của bao ngàn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ Việt Nam.
Cái bàn thờ cùng với chiếc nón sắt, cây súng và nhang đèn đã nói lên rất nhiều ý nghĩa cao đẹp và sâu sắc, bởi vì nơi đây đã biểu tượng cho một thế hệ oai hùng, kiêu hãnh, đã không ngần ngại hiến dâng những giọt máu cuối cùng của mình để bảo vệ cho nền tự do và hạnh phúc của một dân tộc.
Chúng tôi tin rằng sự hy sinh của những vị anh hùng đã nằm xuống sẽ luôn được những người yêu chuộng tự do mãi mãi tri ơn và chúng tôi cũng cầu xin cho gia đình và thân nhân của những anh linh đó vạn sự an lành.
Ngày hôm qua ở tiền đại hội, tôi đã có dịp tiếp súc với quý chiến hữu BĐQ đến từ nhiều nơi khác nhau và cũng đã được lắng nghe những mẫu chuyện thật dũng cảm của những ngày tháng gian nan đầy thử thách. Với những nét mặt niềm nở khi được gặp lại nhau hôm qua, cùng những tiếng cười nhộn nhịp trong đêm hôm nay, tôi đã thấy đây là phản ảnh thực chất của một binh chủng tràn đầy tình huynh đệ chi binh.
Thật là khó để có thể diễn tả được sự cảm kích mỗi khi tôi nhìn thấy những bộ quân phục hào hùng của quý vị, đặc biệt là những chiếc mũ Nâu trong đêm nay. Nếu tình chiến hữu và lòng trung thành vẫn còn tồn tại được như ngày hôm nay, thì
đây chính là bằng chứng của một binh chủng đã sống trong tinh thần bất khuất, một binh chủng đã mang nặng trên vai danh dự, tổ quốc và trách nhiệm. Thật vậy, đêm nay, BĐQ, một lần nửa, đã biểu hiện cho mọi người biết rằng đây là một binh chủng oai hùng, dày dặn, và mang đầy nhiệt huyết khi thi hành sứ mạng trong rừng sâu nước độc, từ cao nguyên cho đến đồng bằng, và bao ngàn ngõ hẻm trên khắp bốn vùng chiến thuật.
Những tháng vừa qua, chúng tôi đã được gặp gỡ và tâm sự với nhiều CCB nên càng thêm kính phục những chiếc áo trận bạc màu sau bao nhiêu năm gian khổ, hiểm nguy và vào sanh ra tử của một đời binh nghiệp. Tôi tin rằng những thế hệ con em của chúng ta sau này sẽ luôn luôn kính phục sự hy sinh cao cả của quý vị và sẽ cảm nhận được thế nào là giá trị, thế nào là sức sống mảnh liệt trong lý tưởng tự do, thế nào là chân lý làm người và thế nào là tình yêu thương nhân loại trong niềm tin chân chính.
Chiến tranh ở bất kể thời đại nào đều để lại những nổi buồn và đau thương, vì đây là tâm trạng hiển nhiên của những người đã hy sinh rất nhiều trong cuộc đời. Những cảm giác này hầu như không có một khoảng thời gian nhất định nào để tự chúng có thể xóa đi được, nhưng chúng ta có thể nhận định lịch sử một cách khách quan và phân tách rõ ràng những diển biến trong hiện tại, để rồi những buồn phiền và đau thương không thể trở thành nhiều năm tiếc nuối.
Kính thưa quý vị, khi cứu sét về chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có thể nhận thấy rằng chiến tranh đòi hỏi sự cân bằng của những phương diện cần thiết như chính trị quốc tế và liên hệ bang giao giữa các quốc gia. Chiến tranh như chúng ta hiểu cũng đòi hỏi sự phối hợp của nhiều lãnh vực khác nhau, chẳng hạn như ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, thông tin, tài chánh, xã hội và pháp lý…v/v.
Còn khi nói đến quân đội của một quốc gia dưới nền dân chủ, chúng ta cũng nên hiểu rằng đây là một quân đội phi chính trị và phải được đặc dưới quyền chỉ huy của các cấp lãnh đạo dân sự.
Cho nên sau chiến tranh, khi nguyện vọng và lòng quyết tâm của một quân đội vẫn còn vương vấn, không có nghĩa là quân đội ấy đã không có những anh hùng và cũng không có nghĩa là quân đội ấy thiếu kém khả năng, cương quyết và sự dũng cảm.
Có một cặp vợ chồng kia đi vào một cửa tiệm để kiếm mua một cái bình trà nhân dịp đầu Xuân, đi qua đi lại, nhìn tới nhìn lui, thì bổng dưng có một cái bình trà lên tiếng và nói như thế này:

 “anh chị ơ! anh chị mua tôi đi, tôi đáng giá lắm đó!” Trong lúc hai người đang im lặng xửng xờ nhìn nhau, thì cái bình trà này lại nói tiếp: “anh chị biết không, ngày xưa tôi là một miếng đất xét nằm giữa bải sình lầy đã bị tàn phá bởi chiến tranh, tôi thấy rất buồn cho số phận mình. Tôi đã không muốn ra đi vì phải xa đất mẹ quen thuộc, nhưng rồi có những bàn tay không màng gian nan và nguy hiểm và họ đã đem tôi ra khỏi vùng đất đầy bom đạn này.”
 “trong lúc tôi còn đẫm ướt và dơ dáy, thì họ lại đặt tôi lên một cái bàn, xoay tôi vòng vòng và nắn bóp cho đến khi tôi trở thành cái dáng của một bình trà. Vì chưa hiểu được chuyện đời ra sao nên tôi thấy thật chóng mặt và bối rối, nhưng rồi dần dần tôi mới hiểu được sự nhẩn nhục và khổ cực của bao nhiêu người để mình có thể trở thành một khuôn mẫu mới và có giá trị.”
 cái bình trà lại nói tiếp: “tôi tưởng cuộc đời đã được an lành từ đây, nhưng không ngờ vài hôm sau họ lại kéo tôi ra lấy cọ và sơn màu vẻ lên người tôi làm tôi thật ngứa ngáy và khó chịu. Rồi sau vài hôm nữa, họ lại cho tôi vào cái lò nung nóng, tôi rất bực bội vì hoàn cảnh không thích hợp, nhưng không ngờ rằng họ đã làm cho tôi cứng rắn hơn xưa.”
 “lúc tôi được ra khỏi cái lò, tôi mới nhận thức rằng trải qua bao nhiêu hoàn cảnh khổ cực và khó khăn giờ đây miếng đất sét của tôi năm nào đã trở một cái bình trà với nhiều vẽ đẹp và có giá trị hơn xưa.”
Từ câu chuyện vừa kể ở trên, tôi nghĩ rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, lớn lên ở Mỹ hoặc sinh ra tại đây, những chặng đường của miếng đất sét để được trở thành những bình trà hữu dụng với phẩm chất cao và màu sắc rực rở đều đã được nâng niu, che chở và sự hướng dẩn của quý vị từ bải chiến trường năm xưa cho đến đất nước Hoa Kỳ thân yêu của chúng ta ngày hôm nay.
Người xưa có nói “anh hùng tử, khí hùng bất tử” – quý chiến hữu BĐQ cũng như quý CCB đã ghi lại một lịch sử hào hùng của những người con gốc Việt cho đời đời noi gương và vẫn là những tấm gương luôn luôn soi sáng cho thế hệ của chúng tôi ngày nay cũng như những thế hệ trẻ sau này.
Chân thành cảm tạ toàn thể quý vị và xin trân trọng kính chào.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trung Tá Tôn Thất Tuấn, Lục Quân Hoa Kỳ, hiện đang là Cố vấn Quân sự cho Nha Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Những lời phát biểu trên đây là quan điểm và nhận định riêng của anh và không phản ảnh chính sách hoặc lập trường chính thức của Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, hay chính phủ Hoa Kỳ.