Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều và Tôi



Tôi được biết đến nhà văn Doãn Quốc Sỹ lần đầu tiên khi tôi vừa tròn 17 tuổi. Ngày ấy, tôi học môn Vật Lý với cô Doãn thị Kim Oanh. Cô Oanh là một cô giáo tận tâm yêu nghề, rất gần gũi với học trò. Tôi còn nhớ, các bạn lớp 11D4 và tôi, năm đó, đã đến nhà thăm cô vào ngày mùng ba Tết. Trong không khí náo nhiệt đón Xuân đáng lẽ mang nhiều niềm vui rộn ràng, nhưng đôi mắt tròn xoe của cô tôi lại vương nhiều nỗi muộn phiền lo âu. Hỏi ra, chúng tôi mới biết là thầy Doãn Quốc Sỹ vừa bị công an đến bắt đi tối hôm qua. Nhìn cô buồn và lo lắng, đôi mắt ngấn lệ, cô cố gắng giữ không rơi nước mắt trước đám học trò, mà tôi thấy thương cô vô hạn. Có lẽ vì tôi là đứa học trò duy nhất của cô ngày hôm ấy có ba đi học tập cải tạo, cho nên tôi cảm nhận và hiểu được nỗi đau của cô. Tôi cũng thấy đau lòng cho thầy Sỹ lại một lần nữa mang thân tù tội chỉ vì thầy đã cống hiến cả đời để góp phần "gìn vàng giữ ngọc" cho nền văn hóa Việt Nam...

Tôi từ nhỏ đã bị lôi cuốn vào trong thế giới văn học nghệ thuật truyền thống. Tôi sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình mô phạm; ông Ngoại tôi và các dì của tôi đều là nhà giáo. Tôi được đọc những sách truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn rất sớm khi các bạn cùng trang lứa còn đọc những truyện thuộc tủ sách "tuổi hoa tím ". Ở nhà, gia đình thường gọi đùa tôi là "con mọt sách ". Và tác phẩm " Chiếc chiếu hoa cạp điều " của thầy Doãn Quốc Sỹ đã đến với tôi ngay mùa xuân năm đó. Đây tuy chỉ là một câu truyện ngắn với một sắc thái viết văn giản dị, không cầu kỳ, không hoa mỹ nhưng đã làm rung động lòng tôi. Câu chuyện tường thuật những năm tháng khó khăn đói khổ của thời kỳ sơ tán làm tôi chợt nhớ bài thơ « Bên kia sông Đuống » mà nhà thơ Hoàng Cầm đã viết từ Việt Bắc tháng 4, năm 1948:

...Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quảy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ...


Tôi yêu thích « chiếc chiếu hoa cạp điều » vì qua ngòi viết chân tình, nhà văn đã lột tả hết được cái đói, cái nghèo, cái khổ của người dân Việt Nam trong thời chiến loạn dưới làn bom đạn rơi. Khung cảnh đi sơ tán, tuy đã xảy ra thật lâu lắm rồi nhưng rất quen thuộc với tôi. Cái cảnh đói khổ nghèo túng đó trong những cơn gió bấc rét đến tận xương tủy phải có một lần sống qua mới có thể cảm nhận hết nỗi sự bần cùng của con người... « Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi... ». Ba tôi đã mất mát rất nhiều trong những lần đi tản cư chạy loạn những năm 1945-1950. Từ là một cậu ấm trong một gia đình danh giá vọng tộc, ba tôi cũng đã nếm đủ mùi của cái đói, cái rét, cái nghèo, cái khổ, khi vành tang trắng vội khoác lên mái đầu xanh; khi trên đôi vai gầy guộc thơ ngây của một cậu bé mười tuổi phải gánh lấy trách nhiệm kiếm ăn nuôi gia đình. Cái cảnh gia đình « giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu » cũng không còn xa lạ...Bao cảnh cơ hàn gian truân mà nhà văn đã trải qua cho ông thấy cái nét đẹp rạng ngời của tình yêu thương đùm bọc trong gia đình…Gia đình muôn đời vẫn là trường học đầu tiên về yêu thương. Bài học vỡ lòng về yêu thương khởi đầu bằng tình yêu thưong mẫu tử thiêng liêng, đuợc duy trì trong tình yêu thương gia đình và được tái sinh qua từng thế hệ.


Tôi yêu thích « chiếc chiếu hoa cạp điều » vì ở đây tác giả đã cho tôi thấy một Tình Mẹ tuyệt vời luôn ban « cho con cái tình thương vô bờ bến trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là "Mẹ" đương đầu với những thử thách khó khăn, những cơn nguy khốn, những nhọc nhằn đầy lo âu và "Mẹ" luôn nhấp nhận những vô lý nhất của cuộc sống. Nhưng trái tim của "Mẹ" vẫn là sự thủy chung với cha và sự lan tỏa hơi ấm cho đàn con thơ dại... » (trích từ « Tình thương của Mẹ » - Việt Hải). Hình ảnh người Mẹ bất kể dưới lằn đạn oanh tạc của phi cơ, vẫn lo vớt nhặt rồi giặt một mảnh chiếu con bị vứt bỏ bên lạch để mong cho đứa con mình đêm về có được chút hơi ấm giữa cái rét vô tình của mùa đông lạnh giá...Ôi, không ai có thể yêu thương và chăm sóc con tận tình bằng Mẹ. Tôi còn nhớ thầy Sỹ đã có nhắc đến một câu thơ Pháp trong bài viết « Nghĩa Mẹ Tình Mẹ qua những tác phẩm văn nghệ Việt Nam » nhân dịp lễ Vu Lan năm 1973 rằng: « l'amour d'une mère, l'amour que nul n'oublie » (tình yêu của người mẹ là tình yêu mà không ai có thể quên được).


Khi đông tới gió mang theo lạnh lẽo
Mẹ âm thầm từng mũi chỉ đường kim
Trắng thâu đêm, mẹ thức trắng thâu đêm
Đan xong áo, ấm lòng con của Mẹ...
(trích « Những con đường » - Hoàng Thy)


Tấm lòng người Mẹ yêu con quả thật bao la như biển rộng sông dài. Vì con, mẹ hy sinh cam chịu gánh lấy bao nhục nhằn, ray rứt, riêng mang

Mẹ gói trọn gian truân vất vả
Mang vào thiên thu hai chữ thành tâm...
(trích « Gian truân tuổi Mẹ » - Mạc Phương Đình)


Tôi nhớ có đọc một đoản văn viết về tình mẹ của Cha Cao Tường trong « Vồng Trầu của Mẹ » mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc: « ...người mẹ nào cũng cả đời chịu thua thiệt. Mà cũng chính vì cứ cam chịu phần thấp nên mới thành « lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào ». Chỗ trũng nhất trên mặt đất thì nhận được tất cả,từ mọi thác suối, sông rạch, mưa trời, rồi chế biến tất cả, dung hóa thành đại dương bát ngát...

...người Việt nên tặng mẹ mình một vồng trầu thay vì một bó hoa. Lá trầu là chính cõi lòng người mẹ Việt Nam, càng bị nhai nát thua thiệt càng nẩy sinh tình yêu... »


Tôi yêu thích « Chiếc chiếu hoa cạp điều » vì câu truyện đã gợi cho tôi bao hoài niệm đau thương của một thời thơ ấu. Quê hương mình suốt hơn ba chục năm dài chìm trong khói lửa chiến tranh. Tác giả đã chịu bao nỗi cơ hàn thời chinh chiến. Còn tôi thì ngược lại, cái cảnh phải lo cho các em tôi có bữa cơm no, có được giấc ngủ ngon trong cái đói nghèo khi ba tôi bị đi tù cải tạo, mẹ tôi vì không chịu nỗi sự chia ly, tương lai mịt mù đã ngã bệnh, lúc ấy thì chiến tranh đã tàn, tuổi tôi chưa tròn mười bốn và em út của tôi cũng chỉ vừa lên ba. Trong câu truyện này có một đoạn thầy Sỹ viết bằng cả tấm lòng mình mà khi đọc tôi càng thấy thấm thía. Tôi hiểu và cảm nhận nỗi đau của người, vì chính tôi cũng đã mang cùng một tâm trạng như thế:...« Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điếu đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc hoa cạp điều...» Tác giả vi một lần nói dối về một mảnh chiếu con cho em đắp mà đã thấy ray rứt cả cuộc đời. Cái này tôi không cho là một “sa ngã” nhưng là một chức năng sinh tồn trong thời loạn ly. Có ai trong chúng ta sống trong cảnh nhiễu nhương cơ hàn nhất, dưới gông cùm của bạo quyền áp chế, vì muốn bảo vệ những người thân yêu của mình, đã không khỏi có những phút giây “sa ngã” đó. Nói dối để cho cha có thêm miếng ăn ngon trong tù, hay cho mẹ có những viên thuốc tốt để trị bệnh, hay cho đàn em thơ không thấy thiếu thốn nhiều tình yêu thương phụ mẫu...tôi không cho đó là điều đáng khinh rẻ. Nếu tôi tự đặt mình vào vị trí của tác giả lúc ấy, tôi cũng sẽ làm như thế chỉ vì vỏn vẹn hai chữ “yêu thương”, tôi không muốn em mình lại phải chịu cảnh co ro những đêm rét trời.

Tôi mang cùng quan điểm với thầy Sỹ là một khi đã từng trải những cảnh thiếu thốn đói khổ tột cùng đó, cái nhìn nhân sinh quan của mình về tình người mang một sắc thái khác. Là một đứa trẻ đã từng sống khổ cực lăn lóc ngoài chợ đời để có được miếng ăn miếng sống cho gia đình, ba tôi cũng có cái nhìn như thế. Ba tôi, tôi, cũng như thầy Sỹ đều: « ...Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy; Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh nghèo túng giật gấu vá vai, Tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, này nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành...»

Tôi yêu thích « Chiếc chiếu hoa cạp điều » vì tác giả đã viết bằng cả trái tim mình, có lẽ vì thế mà câu truyện rất đơn sơ mộc mạc nhưng lại có nhịp độ rung cảm cao nhất. Đọc « Chiếc chiếu hoa cạp điều » để thấy hết nét thanh cao sáng trong vằng vặc như ánh trăng của một cõi « Tâm » đạo đức, hiền hòa, đôn hậu, hướng thiện.

« Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn, ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình yêu thương rộng rãi và chân thành...»

Những dòng tâm tình hôm nay tôi viết lên đây như một lời tri ân về một nhà văn đã cống hiến cả đời mình để “gìn vàng giữ ngọc ” tiếng Việt và người Việt mến yêu. Cám ơn Thầy đã qua những tác phẩm ngắn, dài của mình, là ánh trăng tâm linh cho thế hệ trẻ mai sau nhận thức được chữ trung, chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ tình, tình yêu thương nhân bản, tình gia đình, tình yêu non nước cho dù ở nơi đâu, hay trong hoàn cảnh nào...Tôi xin mượn hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà để minh họa hình ảnh của Thầy trong tôi

Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc
Tuyết sương phô trắng một cành mai...

Tôi thành tâm nguyện chúc Thầy sống lâu trăm tuổi để tiếp tục góp cho đời những thông điệp và những bài học về tình yêu thương nhân ái

Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhứt
Trên trái đất này biết yêu nhau
Để những cặp tình nhân khác bắt chước
Để con cái sau này không khổ đau

(Bài ca tháng giêng- Thanh Tâm Tuyền)

Tôi kính gửi về thầy vài dòng thơ đơn sơ nhân kỷ niệm ngày thọ 84 của Thầy, kính chúc Thầy luôn đạt được ý nguyện « Gìn vàng giữ ngọc » cho thế hệ mai sau:

Vần thơ kính thầy
Thầy tôi tuổi đã tám mưoi tư
Nợ nước tình nhà vai nặng gánh
Dạy dỗ cháu con lẽ thiệt hư
« Gìn vàng giữ ngọc » tâm lấp lánh
Không hổ danh « Người Việt đáng yêu »
Biết tổ tông cội nguồn dân tộc
Vun xới tâm hồn đẹp mỹ miều
Lòng hiếu hạnh gieo « Hương nhân loạỉ »
Quê hương mình bao năm gian khổ
« Dòng sông định mệnh » chia đôi miền
Chiến hận mang thân lìa đất tổ
« Tiền kiếp » ta đâu? Nỗi truân chuyên!
Ngục tù, chiến tranh rồi ly hương
Ngọc vẫn trong « không hề hoen ố »
Tiếng hát từ lòng đất yêu thương
Gióng chuông « Vào Thiền » mặc bão tố
« Hãy quay trở về với chính mình... »
Thông cảm, bao dung...chân thiện mỹ
« Người vái tứ phương » kiếp nhân sinh
Thắp sáng cõi Tâm tình chung thủy
Dâng lên Thầy đôi dòng cảm nghĩ
Kính chúc Người vạn thọ vô biên
Mãi là gương soi, là hiền sĩ
Văn chương tiếp nối, danh lưu truyền
Hậu thế mai sau còn ghi nhớ
Công đức trồng hoa « Tâm » của người...
Kính tặng Thầy Doãn Quốc Sỹ
Bích Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét