Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Mẹ Việt Nam








Những bà mẹ Việt Nam theo dòng lịch sử

Theo truyền thuyết, bà Mẹ Âu Cơ khi chia tay với Lạc Long Quân, đã đưa 50 con băng
rừng vượt núi, từ Động Đình hồ về miền Nam nắng ấm xây dựng nước Văn Lang. Mẹ Âu Cơ
muôn thuở là bà mẹ Việt Nam nhân từ, nuôi dạy các con nên sự nghiệp lớn lao. Người con
trưởng của Mẹ Âu Cơ là vua Hùng Thứ Nhất, truyền được mười tám đời làm rạng rỡ non
sông. Dân tộc Việt từ đó hào hùng bất khuất, giữ vững đất nước Việt cuối cùng trong hàng
trăm bộ lạc Việt giờ đây đã bị đồng hóa thành quận huyện Bắc phương!

Cũng theo Ngoại sử, Bà Trình Thị là một bà Mẹ Việt Nam ở vùng đất Chân Định thuộc trấn
Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình (1), là Hoàng Thái Hậu triều đại Triệu Vũ Đế nước Nam
Việt. Thái Hậu Trình Thị sinh ra Trọng Thủy, sau kết duyên với nàng Mỵ Châu sinh ra Triệu
Hồ tức Triệu Văn Đế của nước Nam Việt. Truyện tình Trọng Thuỷ Mỵ Châu có lẽ bị người
Tàu xuyên tạc, khiến ai cũng chê trách Triệu Đà và Trọng Thủy. Mặc dù vậy, trong câu
chuyện này kẻ ác giết con không phải là Triệu Đà và người chồng chung tình, chung thủy
vẫn là chàng Trọng Thủy, đời đời nêu gương sáng chẳng thể mờ phai.

Bà Thái Hậu Dương Vân Nga chấp chính khi chồng bị ám hại và con trai lên ngôi vua mới 6
tuổi. Lúc đó nhà Tống bên Tàu rất hùng mạnh, muốn sang nuốt chửng nước ta để tiếp nối
mộng “đô hộ nghìn năm”. Thái Hậu Dương Vân Nga vì việc nước trên việc nhà đã can đảm
nhường ngôi nhà Đinh cho nhà Tiền Lê. Việc làm cao cả cuả bà, đã gây nên biết bao sóng
gió! Búa rìu dư luận nghiêm khắc của những vị “Tống Nho” đã cùng đổ lên đầu bà. Có ai
sống ở cuối thế kỷ thứ 10 đâu mà thông cảm với Bà trong hoàn cảnh “thù trong giặc ngoài”
như vậy?

“Tôi không sợ mất tiếng”
“Mà chỉ sợ mất nước!”
”Mất danh tiếng chỉ riêng mình tôi chịu”
“Nước mất rồi, trăm họ sẽ ra sao?”

(Kịch thơ Hoàng Bào Chính Nghĩa)

Bà Ỷ Lan Thái Phi cũng được kể là một bà mẹ hiền lương, tài đức. Khi vua Lý Thánh Tông
thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Bà được giao trọng trách “giám quốc”, giữ việc triều chính
đối xử trăm quan và coi sóc muôn dân. Khi vua Thánh Tông rút quân trở về vì việc đánh
dẹp không thành công, nghe tiếng đồn trong dân gian bà Nguyên Phi giám quốc ở nhà,
trong nước được yên trị dù sẩy ra việc đói kém và giặc dã nổi lên vài nơi. Vua Lý Thánh
Tông vì tự ái đã mang quân trở lại đánh Chiêm và được thành công, mở mang đất đai Đại
Việt đến phía bắc Quảng Trị ngày nay (2).

Vua Lý Nhân Tông chính là Thái Tử Càn Đức, con bà Thái Phi Ỷ Lan. Lý Nhân Tông lên
ngôi lúc 7 tuổi, được mẹ là Ỷ Lan Thái Phi buông rèm thính chính và được Thái Sư Lý Đạo
Thành làm phụ chính. Theo sử gia Phạm Văn Sơn, chính nhờ mẹ dạy giỗ lúc còn thơ dại,
vua Lý Nhân Tông đã trở thành một minh quân lỗi lạc, một vị anh hùng dân tộc có công
đánh Tống bình Chiêm làm vẻ vang dân tộc Việt.

Ngoài những bà mẹ quyến quý hoàng gia, nơi dân dã những bà mẹ Việt Nam cũng tài giỏi
trung trinh tiết liệt không kém, một lòng một dạ lo cho chồng cho con. Thực vậy, “con cò“
trong ca dao và trong văn chương Việt Nam chính là hình ảnh của người phụ nữ Việt: Cần
cù, chịu thương chịu khó vất vả chắt chiu nuôi bầy con thơ, mẹ già. Đôi lúc nàng còn phải
nuôi cả chồng vì hoàn cảnh chồng đi lính giữ nước nơi biên ải xa xôi, hoặc bị đầy ải nơi
rừng xanh nước độc do chính sách trả thù của kẻ thắng trận:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chông tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh trảy hội nước non Cao Bằng

Khi sa cơ lỡ vận, người phụ nữ Việt có thể phải hy sinh, nhưng trước khi chết, nàng vẫn
thành khẩn xin được chết thanh cao, trong sạch để tiếng thơm cho con cháu sau này:

Cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con

Trong văn chương, Bà Tú Xương được chồng trân trọng biết ơn vì một mình bà lo quán
xuyến việc nhà, nuôi dạy con thơ và nuôi chồng ăn học. Cũng nên biết thêm rằng cuộc đời
ông Tú Xương rất long đong, lận đận về đường thi cử. Ông phải thi cử đến 8 lần mới đỗ Tú
Tài và thi cử nhân mãi không đậu, nên không học cao thành ông nghè ông Cống được:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Trong lịch sử dân tộc chống Tàu, chống Pháp đô hộ, người phụ nữ Việt Nam cũng luôn luôn
hiên ngang sát cánh cùng chồng ngoài chiến trường hay trên đường tranh đấu. Bà Trưng
Trắc đã cùng chồng là ông Thi Sách chống lại sự hà hiếp của thái thú Tô Định. Khi Tô Định
dùng pháp luật đô hộ giết hại ông Thi Sách, Bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị vì nợ
nước thù nhà nổi lên đánh đuổi Tô Định về Tàu và cùng lên làm vua:

Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

Ngoài ra, còn Bà Ba Đề Thám vợ hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám , Cô Giang vợ
chưa cưới của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học... vân …vân…và biết bao nhiêu nữ tướng
anh hùng, nữ sĩ…, những bà mẹ Việt Nam chung thủy cùng chồng nuôi dưỡng con thơ khôn
lớn nên người…

Kết luận: Ngày Lễ Mẹ là một ngày lễ chính thức có ý nghiã tôn vinh vai trò cao quý của
những bà Mẹ nuôi dưỡng con thơ. Không phải chỉ loài người mới có những bà mẹ nuôi
dưỡng con thơ , mà đối với loài vật cũng thế. Đây là một nghĩa cử có vẻ theo bản năng
thiên nhiên, nhưng cũng có vẻ theo tập tục lâu dài? Cổ nhân có câu nói: “nước mắt chảy
suôi”. Làm bậc cha mẹ là phải có nhiêm vụ nuôi dưỡng con cái để bảo tồn nòi giống. Tạo
hóa sinh ra thế và tất cả những loài sinh vật đều được “hiểu” như thế. Do đó chữ Hiếu hay
thờ kính cha mẹ luôn được đề cao đối với bất cứ tôn giáo nào. Loài vật không có tiếng nói,
củng không có một nền văn hóa như loài người. Phần lớn chúng hành động theo bản năng
và rất có thể cũng có những loài vật thông minh, hiểu biết phần vụ mà chúng phải hoàn
thành?

Mẹ là một đề tài phong phú trong văn chương và Ngày Lễ Mẹ cũng là một đề tài phong phú
trong thi ca nhạc vậy!

Song Thuận

(1) Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thời Sỹ), tr. 24. Theo Sổ Tay Địa Danh Việt Nam của Đinh Xuân
Vịnh, “Chân Định là huyện về đời Lê, thuộc phủ Kiến Xương, do phủ kiêm lý, trấn Sơn Nam.
Nguyên là huyện Chân Lợi, đời Lê vì kỵ huý vua Lê Thái Tổ, nên đổi là Chân Định, lấy tên là
quê hương Triệu Đà ở nước Triệu bên Trung Quốc. Đà có người vợ người Việt quê ở Đồng
Sâm, huyện Chân Định. Đời Thành Thái vì kỵ huý tên vua Dục Đức là Ưng Chân, đổi là Tr
ực Định và chuyển thuộc tỉnh Thái Bình mới thành lập (1894), từ năm 1945 l à huyện Kiến
Xương. Quê Nguyễn Quang Bích, Tr ơng Quỳnh Như.”

(2) Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh mang 10 vạn quân vào đánh Chiêm Thành,
bắt được vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Củ(Jaya Rudravarman). Chế Củ buộc phải dâng
đất của ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cầu hòa. Vua Lý Thánh Tông đặt tên cho
vùng đất mới này là trại Tân Bình, lãnh thổ Đại Việt thêm vùng đất này, nay là Quảng Bình
và bắc Quảng Trị. (nguồn Wikipedia)

Sách tham khảo:
Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim - Nhà XB Miền Nam
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Việt Khoa Học Xã Hội Việt Nam - Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
Việt Sử Tiêu Án - Ngô Thời Sỹ - Nhà Xuất Bản Văn Sử.
Sổ Tay Địa Danh Việt Nam – Đinh Xuân Vịnh - Nhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội 2002.
Tuyển Tập Thi Nhạc Vịnh Sử Việt Nam - Nhiều tác giả - Hùng Sử Việt Xuất Bản 2007
Tài liệu trên internet: Wikipedia, Đài VOA
Nghe Nhạc: Người con gái Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét