Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Miền Nam yêu dấu







(Địa lý Nam Việt: 6 tỉnh miền Đông với thành phố Sài Gòn & 12 tỉnh miền Tây và thành phố Cần Thơ)


Ngày xưa Lục Tỉnh miền Nam (1)
Bây giờ mười tám tỉnh thành … nhớ nhung! (2)
Ai về sáu tỉnh miền Đông
Cho ta nhắn gửi tình nồng chẳng phai…

Bình Dương, Bà Rịa, Đồng Nai
Tây Ninh, Bình Phước dạ này sắt son!
Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông
Thủ Đô một thuở, chờ trông ngày về…(3)

Miền Tây vẫn nặng lời thề
Đồng bằng - sông rạch bốn bề - Cửu Long (4)
Chín con rồng - chín cửa sông
Vượt biên ngày ấy nghe lòng xốn xang!

Bến Tre, Đồng Tháp, Long An
Mê Kông hai nhánh, (Hậu) Tiền Giang vơi đầy (5)
Sáu cửa biển ở nơi này:
Hàm Luông, Tiểu, Đại, Chiên, Lai, Cung Hầu.(6)

An Giang xuôi tới Cà Mau
Cần Thơ, Rạch Giá (7) qua cầu: Vĩnh Long
Trà Vinh dòng cuối Hậu Giang (8)
Cửa sông Ba Thắc, Định An, Tranh Đề.

Bạc Liêu đến - Sóc Trăng đi
Nơi đây bãi biển tóc thề trăng soi
Cho ta nhớ mãi một đời
Miền Tây - mùa nước nổi trôi… như người! (9)

Vương Sinh
(Tháng 5/2011)

Chú thích:

(1) Nam Kỳ Lục Tỉnh là 6 tỉnh miền Nam thời vua Minh Mạng (1820-1840), đặt ra vào
năm 1834, gồm ba tỉnh miền Đông là Gia Định (mới đầu tên là Phiên An, với tỉnh thành
Sài Gòn), Biên Hòa và Định Tường (tỉnh thành Mỹ Tho). Ba tỉnh miền Đông bị Pháp
chiếm năm 1862 (hòa ưóc Nhâm Tuất 1862) thời vua Tự Đức (1848-1883).
Ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang (tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên bị Pháp
chiếm năm 1867, cụ Phan Thanh Giản tử tiết.

(2) Ngày nay, miền Nam được chia thành 18 tỉnh, gồm có:
- 6 tỉnh miền Đông là: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng
Tàu và thành Phố Sài Gòn.
- 12 tỉnh miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long) là: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang,
Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc
Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

(3) Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Trước 1975, Sài Gòn phát triển phồn
thịnh, không thua gì những thành phố lớn ở Đông Nam Á và được mệnh danh là “hòn
ngọc Viẽn Đông”.

(4) Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều kinh rạch chằng chịt và được bồi đắp phù sa
bởi 2 nhánh sông Mê Kông, chảy ra biển bằng 9 cửa, trông như 9 con rồng vùng vẫy,
nên gọi là Cửu Long.

(5) Sông Mê Kông là một trong 12 con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng,
chảy qua Vân Nam (Lan Thương Giang), Miến Điện (còn gọi là Diến Điện, Myanma), Thái
Lan, Lào, Cao Miên (Nam Vang), rồi chia ra 2 nhánh, chảy vào miển Tây Nam Việt Nam
là sông Tiền (Tiền Giang – Mê Kông) và sông Hậu (Hậu Giang – Bassac), mỗi sông dài
220-250 km, lưu lượng từ 6000 m3/1sec (mùa khô) đến 120,000 m3/1sec (mùa mưa).

(6) Sông Tiền có lòng sông rộng, nhiều cù lao ở giũa dòng, chảy qua Tân Châu (An
Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Cai Lậy (Tiền Giang) chia làm 4 sông
chảy ra biển Đông bằng 6 cửa. Bốn sông và 6 cửa biển là:
- Sông Mỹ Tho qua tỉnh Tiền Giang (Định Tường, Mỹ Tho) chảy ra biển bằng 2 cửa Đại
và cửa Tiểu.
– Sông Hàm Luông chảy qua phía nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông.
- Sông Cổ Chiên ranh giới Bến Tre và Trà vinh (Vĩnh Bình), ra biển bằng 2 cửa Cổ Chiên
và Cung Hầu.
- Sông Ba Lai chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa), ra cửa Ba Lai

(7) Rạch Giá là thị trấn của tỉnh Kiên Giang.

(8) Hậu Giang (sông Hậu) chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), thành phố Cần
Thơ, Sóc Trăng và ra biển bằng 3 cửa Định An, Ba Thắc (đã bị đất bồi lấp năm 1970) và
Tranh Đề.

(9) Mùa nước nổi ờ vùng đồng bằng sông Cửu Long do nước sông Cửu Long dâng
cao và do mưa lũ từ tháng 5 đến tháng 11 (mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4). Nước lênh
đênh nổi trôi như số mệnh con người!

Tham Khảo:
http://namkyluctinh.org/a-thumuc/lvbe-thumucNKLT[1].pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét