5 bản nhạc cho mùa Giáng Sinh
Mỗi Giáng Sinh, các nước có người theo Thiên Chúa Giáo đều có những bài hát riêng của mình để mừng Giáng Sinh, tuy cũng phải nói là đã từ lâu không phải chỉ có những người theo Cơ Đốc Giáo mới coi đấy như một ngày vui.
Riêng tại Hoa Kỳ thì mỗi năm, vào mùa Giáng Sinh ta lại đuợc nghe quanh đi quẩn lại từng ấy bài hát, từng ấy bản nhạc. Và trong những điệu nhạc quen thuộc ấy thì lại nổi lên một giai điệu không những phổ thông ở Hoa Kỳ mà là cả thế giới: giai điệu của bài “Silent Night” xuất phát xưa kia từ bên nước Áo, của tác giả Franz X Gruber, năm 1818.
Từ bấy đến nay, trong mùa Giáng Sinh chưa có nước nào theo đạo Thiên Chúa có đuợc bản nhạc nào vượt qua đuợc bản nhạc đó. Mới hay, làm cho được một giai điệu đẹp để người ta giữ lại trong lòng, để trở thành một nét của truyền thống, không phải là chuyện đơn giản! Lai lịch bài "Silent Night" đại để như sau:
Vì bài này xuất phát từ bên Áo cho nên cái tựa đề của nó khi xưa, ở Âu Châu, là “Stille Nacht”! Tương truyền rằng vào mùa Đông năm 1818, Thầy Phó Tế, phụ tá cho cha xứ nhà thờ Thánh Nicolas o Obendorf, một làng kế cận thành phố Salzburg ở nuớc Áo, đã phải đối phó với một việc khá gay go! Giáng Sinh thì đã đến nơi, ấy thế mà cái đàn “organ” của nhà thờ khi không nó lại ăn vạ, bị trục trặc nên không xử dụng đuợc. Hát hò trong một dịp lễ lớn sắp tới như thế ở trong nhà thờ mà không có cái đàn “organ” thì còn làm ăn đuợc cái nỗi gì? Trong làng lại không có tay thợ chuyên môn để đến sửa cây “organ”! Làm thế nào bây giờ?
Thầy Joseph Mohr, tên của Thầy Phụ Tế, bèn được Bề Trên “soi sáng”! Trước đó thì Thầy đã có viết đuợc một bài thơ nói về việc Chúa Giê-su ra đời! Một bài thơ rất giản dị! Bây giờ làm thế nào để trong dịp Giáng Sinh đó, thay vì xài cái đàn “organ” thì tạm xài một cây đàn ghi-ta nào đấy để cho một nhóm hợp ca có thể “hát” đuợc bài thơ nọ! Tính thì tính vậy, thế nhưng thơ thì cho dù có hay đến mấy cũng làm sao để người ta “hát” lên được? Phải có nhạc vào đấy chứ? Phải có một màn “Thơ phổ Nhạc” như xưa giờ dân Việt Nam ta vẫn khá quen thuộc chứ?
Vậy thì ai phổ nhạc bây giờ? Thầy Joseph không thuộc loại người thích làm càn, tức là không rành về nhạc nhưng vẫn cứ phổ nhạc đại cho thơ của mình! Thầy thuộc loại “biết mình biết người”; và Thầy biết đuợc một người có thể làm cái việc “phổ nhạc” đó! Thầy có người bạn thân tên là Franz Gruber, tức chả có ai khác hơn là kẻ vẫn chơi cái đàn “organ” đang nằm vạ ra kia!
Vậy thì Bề Trên đã soi sáng, chỉ đuờng mách nước cho Thầy Joseph thì bây giờ đến luợt ông Franz Gruber nhà ta lại đuợc Bề Trên ban ân cho có đuợc cảm hứng cấp kỳ! Có thể nói là chỉ trong nháy mắt, sau khi xem qua bài thơ của bạn mình, ông Franz Gruber đưa ngay đuợc vào bài thơ nọ cái giai điệu tuyệt vời mà từ hai trăm năm nay cả thế giới đều biết đến.
Đêm Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 1818, bài hát “Stille Nacht” đuợc nhóm hợp ca của nhà thờ Thánh Nicholas tại làng Obendorf bên Áo trình bày lần đầu tiên với sự phụ họa của một cây ghi-ta rất ư là bình dân!
Ở đây, mùa Giáng Sinh này ta cùng nghe năm bản nhạc do dàn nhạc của Paul Mauriat trình tấu. Trên CD thì người sản xuất ghi ở phần tác giả các bản nhạc là “thuộc loại cổ truyền” ( “Traditional” ) nhưng trong số đó lại có một bản chả có “cổ truyền” một tí nào là bài “White Christmas” của nhạc sĩ Hoa Kỳ nổi danh xưa kia là Irving Berlin, sáng tác vào năm 1940; sau được nam danh ca Hoa Kỳ Bing Crosby hát vào năm 1942 và đuợc truyền tụng cho đến bây giờ! Tương truyền là sau khi viết xong bài hát thì sáng hôm sau ông Irving Berlin nói với tay thư ký của mình:
"Grab your pen and take down this song. I just wrote the best song I've ever written - hell, I just wrote the best song that anybody's ever written!" (“Lấy ngay bút và chép bài hát hay nhất từ xưa đến giờ của tôi ! Bố khỉ ! Tôi vừa viết xong một bài hát mà xưa giờ chưa có tay nào làm hay đuợc như thế !”). Câu nói tất nhiên có nghĩa là nói về một bài hát thuộc đề tài Giáng Sinh, và ta cũng hiểu là tác giả khi nói “ chưa có tay nào” thì chỉ nghĩ đến cái đám dân Mỹ như mình!
Riêng đối với một số người Việt ở Sài Gòn của năm 1975 thì bài “White Christmas” lại nhắc nhở đến một kỷ niệm đầy kinh hoàng! Tháng Tư năm đó, giới theo rõi tình hình đều có đuợc cái tin là khi đài phát thanh của các giới quân sự Hoa Kỳ đóng tại Sài Gòn cho phát bài “I'm dreaming of a white Christmas” (tức là một cách khác để gọi tên cũng bài hát đó) thì đấy là mật lệnh để toàn bộ lực lượng quân sự Hoa Kỳ rời khỏi Sài Gòn, rời khỏi miền Nam, phó mặc số phận của miền Nam trước những đạo quân Cộng Sản đang tiến chiếm!
Thanh Trang (Mùa Giáng Sinh 2007)
Mời quý vị nghe 5 bản nhạc nổi tiếng về Giáng Sinh do dàn nhạc của Paul Mauriat trình bày:
1. Silent Night
2. Adeste Fideles
3. White Christmas
4. Jingle Bells
5. O Tannenbaum
Nghe Nhạc:
NHẠC GIÁNG SINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét