Ai Đang Viết Sử Cho Chúng Ta?
Phỏng Vấn Giáo sư-Trần Nữ Anh Một Trong Hai Chủ Biên
Sách Giáo Khoa “Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa 1920-1963”
LTG: Không chỉ là những danh tướng, các khoa học gia, các bác sĩ, kỹ sư trong các ngành khoa học đã và đang làm dạng danh cộng đồng người Việt Hải Ngoại của chúng ta, các Tiến sĩ, Giáo sư, các nhà nghiên cứu trẻ người Mỹ Gốc Việt trong các ngành nhân văn, đặc biệt là sử học, chính trị học cũng đã và đang làm sáng dần lý tưởng của chúng ta trên những trang sử của người Việt tự do trong gần một thế kỷ qua đã bị bóp méo, bôi đen bởi giới thiên tả và CSVN. Họ đang thay chúng ta để làm công việc khó khăn này, họ đang cần sự hỗ trợ của chúng ta.
Tháng 10 năm 2019, Gs Tường Vũ, trưởng Khoa Chính Trị học và còn là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ tại Đại học Oregon đã mời Hội VAHF đến tham dự và thực hiện cuộc triển lãm về chương trình Lịch sử Truyền Khẩu VIDDA (Vietnamese Diasporas Digital Archives) tại Hội Thảo dài hai ngày quy tụ trên 100 các giáo sư Việt Mỹ và từ nhiều quốc gia khác, nghiên cứu sinh, nhà biên khảo và đồng hương quan tâm đến lịch sử người Việt tự do đã và đang được phổ biến và giảng dạy một cách sai sót và xuyên tạc trên báo chí, phim ảnh, sách giáo khoa. Trong dịp này, chúng tôi hân hạnh được gặp gỡ những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu trẻ người Mỹ Gốc Việt, họ rất trẻ, cả trai lẫn gái xinh đẹp, thông minh, trí thức. Có những người còn trong tuổi 20, 30, 40…Những người trẻ này đã và đang miệt mài tìm kiếm sự thật về lịch sử của cha anh mình.
Với sự hướng dẫn đầy kinh nghiệm của Gs Tường Vũ, 17 người trong số họ trở thành tác giả của hai cuốn sách sử giáo khoa về Lịch sử Người Việt tự do, do hai nhà xuất bản sách giáo khoa Hawaii University Press và Temple University Press in ấn và Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ vừa phát hành vào cuốn năm 2022 và đầu năm 2023:
“BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963” và
“TOWARD A FRAMEWORK FORVIETNAMESE AMERICAN STUDIES: HISTORY, COMMUNITY, MEMORY”
Trong loạt bài “Ai Đang Viết Sử Cho Chúng Ta?”, chúng tôi đã phỏng vấn Gs Tường Vũ và Gs Alex Thai Võ. Xin xem Linh dưới đây:Báo Người Việt Boston: https://
Vietbao. com: https://vietbao.com/a314903/
Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh giới thiệu Tiến sĩ Giáo Sư Trần Nữ Anh, đang giảng dạy môn sử tại Đại học Connecticut, cô là một trong hai chủ biên của sách sử “ Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa tại Việt Nam 1920-1963”
( BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963) . Xin xem tiểu sử chi tiết của cô qua link được đăng tải trên website của Đại học Connecticut. https://history.uconn.edu/
Và xin mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn đầy thú vị dưới đây:
SINH Ở SÀI GÒN QUA MỸ TỊ NẠN KHI CÒN BÉ
Triều Giang: Xin Gs. cho biết vài dòng tiểu sử?
Gs Trần Nữ Anh: Tôi sanh ở Saigon, tỵ nạn qua Mỹ lúc còn bé. Gia đình tôi định cư ở Seattle, tiểu bang Washington. Tôi học tiến sĩ ở Đại học Berkeley chuyên ngành lịch sử Đông Nam Á, rồi dạy ở Đại học Connecticut (University of Connecticut) từ năm 2014 trở đi. Năm ngoái, tôi xuất bản cuốn sách đầu tay lấy tựa là Disunion: Anticommunist Nationalism and the Making of the Republic of Vietnam (tạm dịch là Quốc Cộng Phân Tranh, Quốc Gia Phân Hoá: Nứt Rạn Trong Việc Hình Thành Chế Độ Việt Nam Cộng Hoà, University of Hawaii Press), viết về chính trị thời Ngô Đình Diệm. Đến cuối năm 2022, cuốn Building a Republican Nation in Vietnam, 1920-1963 (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963, University of Hawaii Press) ra mắt độc giả. Cuốn nầy tuyển tập các bài nghiên cứu xu hướng cộng hòa ở Việt Nam.
Triều Giang: Lý do khiến Gs. nhận lời làm đồng chủ biên với Gs. Tường Vũ sách sử: “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963)?
Gs Trần Nữ Anh: Mùa thu năm 2019, anh Vũ Tường mời tôi tham dự hội nghị ở Đại học Oregon về xu hướng cộng hòa ở Việt Nam. Tôi rất thích chủ đề và nhận thấy các bài thuyết trình đều xuất sắc. Nên tôi rất vui lòng nhận lời làm đồng chủ biên. Anh Tường là bậc đàn anh của tôi trong giới học giả, có nhiều kinh nghiệm hơn tôi, nên tôi cho rằng đó là cơ hội học hỏi rất quý.
Triều Giang: Những thuận lợi và thách đố khi viết cuốn sử này? Và thời gian Gs đã phải dành cho việc viết cuốn sách?
Gs Trần Nữ Anh: Thuận lợi đáng kể nhất có lẽ là sự hướng dẫn của anh Tường vì trước đây tôi chưa có kinh nghiệm biên soạn.
Còn trở ngại lớn nhất là dịch covid. Nạn covid đến đầu mùa xuân năm 2020 trong khi chúng tôi soạn bản thảo và các tác giả mới bắt đầu sửa bài. Chỉ trong vài tuần thư viện các nơi đều ngưng hoạt động, không cho mượn sách. Mà không có sách tài liệu thì làm sao sửa bài được? Các tác giả đều là giáo sư đại học, phải lập tức chuyển sang dạy trên mạng. Ai có con nhỏ phải vừa dạy học, vừa giữ con. Vì dịch covid mà công việc bị chậm trể chút ít.
Tôi không nhớ rõ thời gian dành cho cuốn sách vì công việc không liên tục. Tổng cộng lại thì hình như mất khoảng 6 tháng.
Hình trái: Bìa của sách sử đầu tiên. Hình phải: Bìa sách đồng chủ biên với Gs. Vũ Tướng
HÀNG NGÀN TÀI LIỆU GỐC TỪ NHIỀU NGUỒN KHÁC NHAU
Triều Giang: Chúng tôi đọc thấy sách đã tham khảo gần 1,000 tài liệu và những cuốn sách đã xuất bản (808 tài liệu), xin Gs. cho biết những tài liệu này đã được chọn theo tiêu chuẩn nào?
Gs Trần Nữ Anh: Sách sưu tập các bài nghiên cứu hay nhất về thời điểm 1920-1963 đã được trình bầy trong cuộc hội nghị ở Đại học Oregon. Mỗi tác giả lựa tài liệu theo tiêu chuẩn của môn học của mình, nên tôi chỉ có thể trả lời riêng về bài nghiên cứu của tôi thôi (chương 5).
Bài của tôi về sự chuyển tiếp năm 1955-1956 từ chế độ Quốc Gia Việt Nam đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và các tranh luận giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và giới đối lập chính trị. Theo nguyên tắc, nghiên cứu lịch sử phải dùng tại liệu gốc (primary sources), tức tài liệu từ chính thời điểm mình nghiên cứu. Chẳng hạn hồ sơ chính quyền, sách báo xưa, nhật ký, thư từ, hoặc lời tường thuật của nhân chứng (phỏng vấn, hồi ký, v.v.).
Trước đây, các học giả Tây phương thường dựa theo tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mà viết vắn tắt về sự chuyển tiếp năm 1955-1956. Tài liệu gồm có thư từ và điện tín của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Saigon gởi về Hoa Thịnh Đốn kể lại những diễn biến chính trị và các cuộc đối thoại giữa nhân viên ngoại giao Mỹ và chính khách Việt Nam. Hồ sơ đó nay được lưu trữ ở Nha Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ (National Archives and Records Administration) tại thành phố College Park, tiểu bang Maryland. Tôi cũng dùng hồ sơ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ như các học giả khác, nhưng tôi lại phối hợp với sử liệu Việt Nam. Trước hết, tôi về Saigon xem hồ sơ của Phủ Thủ Tướng Quốc Gia Việt Nam, Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Chính quyền VNCH theo dõi hoạt động của phe đối lập nhưng tin tức có khi không xác thực, nên phải đối chiếu với tài liệu khác. Tôi qua Thư Viện Quốc Gia cũ (nay là Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp) xem nhật báo, tuần báo của các chính đảng để hiểu đường lối chính trị của phe đối lập. Chẳng hạn báo Việt Chính và Thời Đại của Việt Nam Phục Quốc Hội (Cao Đài Tây Ninh, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Thành Danh, Hồ Hán Sơn), báo Quốc Gia của Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến (Cao Đài Liên Minh, Trình Minh Thế, Nhị Lang), báo Quần Chúng của Đảng Dân Xã (Hòa Hảo, Nguyễn Bảo Toàn). Ở miền Nam lúc đó, Đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) chưa có cơ quan ngôn luận chính thức ngoài tờ Đuốc Việt của Đại Việt. Tôi đọc thêm báo Cách Mạng Quốc Gia (Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, phe Ngô Đình Diệm) và Con Đường Chính Nghĩa tuyển tập diễn văn của Ngô Đình Diệm để hiểu tư tưởng và lập luận chính trị của chính quyền. Ngoài ra, tôi xem thêm hồi ký và sách nghiên cứu của các nhân vật lịch sử như Cao Văn Luận, Đoàn Thêm, Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Long Thành Nam, Nhị Lang, và Phạm Văn Liễu. Tôi tiếc rằng vì thì giờ giới hạn, tôi không có dịp phỏng vấn các chính khách còn sống hoặc qua Pháp đọc tài liệu.
CỘNG HÒA HAY CỘNG SẢN, AI CÓ TRƯỚC?
Triều Giang: Điều gì khiến Gs. hài lòng về cuốn sách hơn cả? Và điều gì Gs nghĩ rằng sẽ mở ra cho những tranh luận hay bổ túc? Vì sao?
Gs Trần Nữ Anh: Tôi rất hài lòng với đề tài và lập luận cuốn sách. Trước kia, nhiều người ngoại quốc cho rằng chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, còn chế độ VNCH được tạo nên nhờ bàn tay của Mỹ. Nhưng gần đây, nhiều học giả tranh luận rằng chủ nghĩa cộng hòa (republicanism) đã thịnh hành trong giới trí thức và các tổ chức cách mạng thời Pháp thuộc. Chủ nghĩa cộng hòa là tư tưởng dân chủ qua ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng Pháp và chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên và cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa. Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu (sau 1912) đều theo chủ nghĩa cộng hòa. Tự Lực Văn Đoàn và VNQDĐ cũng vậy. Mãi đến thập niên 40, 50 thì chủ nghĩa cộng sản mới từ từ lấn át chủ nghĩa cộng hòa. Cuốn sách của chúng tôi tuyển các bài nghiên cứu về tư tưởng, chính trịnh, và kinh nghiệm xây dựng một quốc gia cộng hòa từ thời thuộc địa đến thời Ngô Đình Diệm. Mục đích chứng minh rằng chính những xu hướng chính trị Việt Nam chứ không phải xu hướng ngoại lai đã đưa đến sự hình thành của xã hội và chế độ VNCH. Tôi mong cuốn sách sẽ khuyến khích các nhà học giả tiếp tục nghiên cứu VNCH và chủ nghĩa cộng hòa.
Triều Giang: Theo ý kiến của Gs. thì cuốn sách sẽ giúp sinh viên, học sinh, các giáo sư dùng để giảng dậy và nghiên cứu ra sao?
Gs Trần Nữ Anh: Tôi mong cuốn sách sẽ giúp các bạn đồng nghiệp soạn bài giảng. Các thầy cô dạy về Việt Nam, Đông Nam Á, chiến tranh Việt Nam, hoặc cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể lựa một hai chương cho sinh viên đọc và bàn cãi. Sinh viên cao học có thể đọc lời giới thiệu của Vũ Tường và tôi và chương thứ nhất của Peter Zinoman để hiểu căn bản về xu hướng cộng hòa trong giòng lịch sử Việt Nam.
TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VỀ VNCH
Triều Giang: Trong phần kết luận của cuốn sách Gs. và Gs. Tường Vũ đã viết;” Các di sản của Cộng hòa miền Nam vẫn chưa được khám phá đầy đủ. Là những học giả về thời đại, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên làm như vậy”, Gs.sẽ còn tiếp tục nghiên cứu hay viết sách về lịch sử Người Mỹ Gốc Việt trong tương lai không?
Gs Trần Nữ Anh: Tôi tiếp tục nghiên cứu lịch sử VNCH chứ không phải cộng đồng người Mỹ gốc Việt sau 1975. Nhưng phải hiểu lịch sử VNCH thì mới hiểu được cộng đồng của chúng ta. Những khuynh hướng chính trị, văn hóa, xã hội trong cộng đồng đều bắt nguồn từ trước 1975.
LỊCH SỬ VÀ THỜI SỰ: “MÌNH THUA NHƯNG MÌNH ĐÃ THẮNG”
Triều Giang: Lịch sử và thời sự. Theo sách, Gs. và Gs. Tường Vũ đã giải thích rất rõ về Cộng đồng người Mỹ Gốc Việt là một cộng đồng Người Việt Quốc gia chống công, họ sống và tin tưởng vào tinh thần của chủ nghĩa Cộng hòa. 48 năm qua, tinh thần này thể hiện rất rõ qua những sinh hoạt của họ, nhưng những năm mới đây, có những người, phần đông là mới từ VN sang sau này, hoặc vì di cư theo diện kinh tế, hoặc đi du học rồi tìm cách ở lại hoặc được gia đình bảo lãnh và nhất là nhân viên và gia đình của các tòa đại xứ VN đã đứng ra nhận là cộng đồng người Việt gốc Canada, gốc Úc…gây ra những tranh chấp về danh xưng và tính cách đại diện trước chính quyền sở tại và với các cộng đồng khác, đơn cử là trong dịp Tết Quý Mão vừa qua tại Toronto, Canada và Melbourne, Úc châu đã có hai nhóm người tổ chức hội chợ mừng Xuân và xưng danh là công đồng Người Canada gốt Việt và người Úc Gốc Việt, nhưng họ không treo cớ vàng ba sọc đỏ biểu tượng cho người Việt tị nạn, theo Gs. thì tương lai của cộng đồng người Việt Quốc gia sẽ phải đối diện với những thách thức ra sao và Gs có giải pháp nào để cho cộng đồng người Việt Quốc gia khắp nơi trên thế giới hay không, bởi vì theo tôi được biết các cộng đồng người Việt Quốc gia sống tại các nước nhỏ hơn đã phải đối diện với vấn nạn đã khá lâu?
Gs Trần Nữ Anh: Những chuyện thời sự ngoài lãnh vực chuyên môn của tôi, nhưng tôi ráng trả lời câu nầy cho Triều Giang vui lòng.
Tôi cho rằng chính trị Việt Nam đã có sự phân hóa giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia cộng hòa (republican nationalism) trong những thập niên 20, 30, 40, 50. Sự phân hóa đó đã có hậu quả lâu dài, từ chiến tranh 1954-1975 đến sự đối nghịch giữa chính quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại sau 1975. Đến nay lại thấy có hai cộng đồng Việt Nam sống song song với nhau ở Mỹ, Canada, Úc, v.v., một bên hướng về CHXHCNVN, bên kia vẫn còn lưu luyến VNCH.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thường cho rằng chúng ta ở thế yếu vì ta đã thua trận. Nhưng chúng ta lại quên rằng mình đã thành công về mặt khác. Cộng đồng của chúng ta dã duy trì văn hóa VNCH ở hải ngoại trên bốn mươi năm nay, duy trì văn hóa mà không cần sự hướng dẫn của bất cứ chính quyền nào. Chúng ta làm được điều đó vì văn hóa của chúng ta phong phú, có một sức thu hút mãnh liệt. Chúng ta vẫn thích nghe nhạc tiền chiến và nhạc thời VNCH, thích đọc văn chương trước 75. Ngay ở Việt Nam “nhạc vàng” vẫn được ưa chuộng. Nhưng ngược lại ở hải ngoại ít ai tự ý nghe “nhạc đỏ” của Bắc Việt, tự ý đọc văn chương xã hội chủ nghĩa thời chiến. Văn hóa VNCH thu hút đồng bào vì nó phong phú. Mà nó phong phú chính vì nó được phát triển dưới một chế độ có chút tự do dân chủ, dù quyền tự do bị giới hạn, dù nền dân chủ còn trong giai đoạn phôi thai.
Vậy chúng ta hãy cố gắng duy trì và phát huy tất cả những cái đẹp, cái hay của cộng đồng chúng ta thay vì lo đối phó với cộng đồng kia. Người Mỹ gốc Việt nên gìn giữ tiếng nói và truyền thống của dân tộc Việt Nam, học hỏi văn chương và lịch sử của mình, để phát huy văn hóa. Chúng ta nên củng cố dân chủ ở đất Mỹ, bảo vệ dân quyền, tôn trọng quyền tự do của mọi người. Chúng ta phải ủng hộ những chính sách nâng đỡ dân tỵ nạn và dân nghèo vì nhờ những chính sách ấy mà ta mới có ngày hôm nay. Cái đẹp của văn hóa mình có sức mạnh mà không đảng phái nào, chính quyền nào tiêu diệt được.
SAY MÊ VĂN CHƯƠNG VÀ LỊCH SỬ TỪ BÉ
TrIều Giang: Vì sao Gs. chọn ngành học về lịch sử, nhân văn hay về nhân chủng học? Khi có quyết định này thì gia đình có đồng ý và ủng hộ không?
Gs Trần Nữ Anh: Tôi đã có khuynh hướng theo đuổi những môn nhân văn từ nhỏ. Tôi say mê văn chương, rồi sau đổi qua môn sử.
Tôi thường hỏi ba mẹ, thầy cô về chiến tranh Việt Nam, nhưng không hài lòng với những câu trả lời. Sách sử trong thư viện cũng không đầy đủ. Năm tôi học lớp 12, thầy dạy sử khen bài của tôi viết về Cuba và khuyến khích tôi hãy trở thành sử gia. Từ đó, tôi quyết chí nghiên cứu lịch sử Việt Nam để giải đáp thắc mắc. Lên đại học, tôi làm công tác xã hội dạy tiếng Anh cho người Việt mới sang. Tôi thấy dạy học thật là hào hứng, nên muốn làm giáo sư.
Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ sự quyết định của tôi. Ba mẹ tôi đều làm báo trước 75, nên rất trọng môn nhân văn, không bao giờ ép các con học bác sĩ, kỹ sư, luật sư, v.v.
NGÀNH SỬ KHÓ HỌC NHƯNG MỤC ĐÍCH THÌ CAO CẢ
Triều Giang: Cô có điều gì muốn nói với những người trẻ cũng muốn theo ngành nghề nghiên cứu, giảng dạy và viết sử? Những thuận lợi và khó khăn khi theo đuổi ngành nghề này?
Gs Trần Nữ Anh: Muốn theo ngành nghiên cứu, giảng dạy ở bậc đại học thì rất khó, nhưng tôi cho rằng ngành nầy có mục đích cao cả. Mục đích của việc nghiên cứu là tạo nên kiến thức mới, đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại. Còn giảng dạy và viết sách là để phổ biến kiến thức. Nói riêng về môn Việt Nam học thì ngành nầy lại thêm ý nghĩa. Tôi muốn viết lịch sử của cộng đồng mình. Người Mỹ gốc Việt thường chỉ trích các lập luận sai lầm về chiến tranh Việt Nam trong sách báo, phim ảnh ngoại quốc. Vậy chúng ta phải cố gắng viết lịch sử của chính mình, đừng giao phó cho kẻ khác. Tôi dạy đại học để phổ biến kiến thức lịch sử trong giới trẻ. Tuy tiểu bang Connecticut không đông dân Việt, những mỗi năm trong lớp học tôi dạy khoảng 5-10 sinh viên người Mỹ gốc Việt. Các em không có ý định nghiên cứu lịch sử nhưng thường nói với tôi rằng nhờ học với tôi mà các em hiểu thêm về kinh nghiệm của cha mẹ, ông bà.
Ngành nầy có nhiều lợi điểm đặc biệt. Tôi có nhiều cơ hội về Việt Nam, thăm bà con, tìm hiểu văn hóa, trau dồi tiếng mẹ đẻ. Trong công việc nghiên cứu, tôi đọc biết bao nhiêu hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp chí, báo chí Việt ngữ. Nói thẳng ra là tôi được lãnh lương đọc tài liệu và trau dồi tiếng Việt. Vậy thì lý tưởng quá rồi!
Nhưng muốn trở thành giáo sư đại học thật là vất vả. Học đại học 4 năm, cao học và tiến sỹ từ 6 đến 10 năm, rồi mất thêm vài năm kiếm việc làm… nếu may mắn kiếm được việc. Tôi khuyên những người trẻ muốn theo ngành nghiên cứu, giảng dạy phải kiên trì. Nếu thích môn Việt Nam học thì phải cố gắng học tiếng Việt, nhất là biết nói và đọc, và nên về Việt Nam cho sớm để làm quen với nơi mình nghiên cứu trong tương lai.
Triều Giang: Chân thành cám ơn Gs. đã cho phép chúng tôi phỏng vấn đầy thú vị hôm nay.
Triều Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét