Người Việt Quốc Gia phải ôm canh cánh trong lòng hai mối hận: “Quốc Hận Hồng” đánh dấu ngày một nửa Quê Hương phía Bắc vĩ tuyến 17 bị cắt giao cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, do Hiệp Định Genève ngày 20-7-1954 và “Quốc Hận Đỏ” ghi nhớ ngày toàn thể dân tộc Việt Nam bị đặt dưới ách thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam, do cuộc rút quân của Đồng Minh Hoa Kỳ sau khi ký Hiệp Định Paris 1973, dẫn đến cuộc đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh vào ngày 30-4-1975. (Hình phải:Cầu Bến Hải (Hiền Lương 1954-1975).
Trước năm 1975, miền Nam Việt Nam vẫn kỷ niệm ngày “Quốc Hận Hồng”, nhưng hiện tại, Cộng Đồng người Việt tỵ nạn chỉ còn cử hành ngày “Quốc Hận Đỏ”. Thực tế, Hiệp Định Genève 1954 đã mang những nét chính trị đặc biệt, dọn đường cho Hiệp Định Paris 1973. Nói cách khác, không có ngày Quốc Hận Hồng thì không thể có ngày Quốc Hận Đỏ được.
Nỗi nhục chia cắt đất nước
Vào ngày 26-4-1954, 9 quốc gia đã nhóm họp đề bàn về việc khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Đó là Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Pháp, Lào, Campuchia, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn và Quốc Gia Việt Nam do ông Nguyễn Quốc Định, trưởng đoàn, sau đó là Bác sĩ Trần Văn Đỗ.
Trong suốt 9 năm theo đuổi cuộc chiến ở Đông Dương, nước Pháp đã trải qua những ngày khủng hoảng chính trị trầm trọng với 2 đời Tổng Thống và 17 lần thay đổi chính phủ. Có chính phủ mới chỉ lên được vài ngày đã bị lật đổ.
Vào lúc Pháp thua trận Điện Biên Phủ thì chính phủ Laniel từ chức và Mendès France lên thay thế. Ông này đã cam kết với dân chúng Pháp khi lên nhậm chức ngày 17-6-1954: “Nếu trong 4 tuần lễ, tức vào ngày 20/7 tới đây, mà không đạt được một cuộc ngưng bắn tại Đông Dương, tôi sẽ từ chức”.
Hội nghị Genève tái nhóm vào ngày 8-5-1954 và đã trở thành cuộc mặc cả và đi đêm bẩn thỉu giữa Việt Minh và thực dân Pháp.
Với khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Minh đòi chia đôi Việt Nam kể từ vĩ tuyến 13 (ngang với Tuy Hòa) và đòi chiếm giữ miền Bắc. Nhưng đến sau, với sức ép của Liên Xô và Trung Cộng, Việt Minh chấp thuận đề nghị dời lên vĩ tuyến 17 (tỉnh Quảng Trị).
Đại diện phía Quốc Gia Việt Nam luôn luôn phản đối việc chia cắt đất nước. Ông Nguyễn Quốc Định tuyên bố: “Tôi để cho phái đoàn Việt Minh trách nhiệm đối với lịch sử… Chia đôi, nghĩa là sớm muộn cũng lại có chiến tranh”. Vào đúng ngày ký kết, trưởng phái đoàn Trần Văn Đỗ đã đứng lên phản đối với giọng nghẹn ngào.
Sáng ngày hôm sau, 21-7-1954, Bác sĩ Trần Văn Đỗ đã ra một bản tuyên ngôn với những lời lẽ gay gắt: “Chúng tôi long trọng phản đối việc ký kết hấp tấp thỏa hiệp ngưng chiến do hai cơ quan Tư Lệnh Tối Cao Pháp và Việt Minh mà thôi”, và “yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp Định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của nhân dân Việt Nam”.
Sở dĩ phái đoàn Quốc Gia Việt Nam phải chống đối kịch liệt việc chia cắt đất nước, vì thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước cũng bị chia đôi bởi dòng sông Gianh và là một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam. Nay Việt Minh lại cấu kết với thực dân Pháp phân chia đất nước thì đó chính là niềm uất hận chung cho cả dân tộc.
Đúng 12 giờ đêm ngày 20-7-1954, Hiệp Định vẫn chưa được ký. Mendès France ra lệnh cho đồng hồ trong phòng họp ngưng chạy cho đến khi có bản Hiệp Định. Và thực sự, Pháp và Việt Minh đã phải vội vã ký kết vào lúc 3 giờ 50 sáng ngày 21-7-1954, nhưng lại đề ngày 20-7-1954 với chữ ký của hai viên chức quân sự liên hệ. Đó là Thiếu Tướng Delteil, thay mặt cho Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Quốc Phòng của VNDCCH.
Nội dung Hiệp Định có những điểm chính như sau:
- Sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17 chia cắt Việt Nam thành hai phần: miền Bắc do VNDCCH kiểm soát. Miền Nam do chính quyền Quốc Gia và khối Liên Hiệp Pháp kiểm soát.
- Hai bên có 300 ngày để di chuyển nhân sự.
- Hai năm sau, tức ngày 20-7-1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
- Ủy Ban Quốc Tế Giám Sát gồm 3 quốc gia: Ấn Độ (Chủ Tịch), Ba Lan và Canada để giám sát việc thi hành Hiệp Định.
- Cấm phá hủy cơ sở trước khi rút quân, cấm trả thù hoặc ngược đãi những người đã cộng tác với đối phương khi trước, cấm đưa thêm quân đội, vũ khí hoặc lập căn cứ quân sự ở vùng đối phương.
Bỏ phiếu bằng chân
Hiệp Định Genève 1954 ấn định một thời gian chuyển tiếp để dân chúng miền Nam và miền Bắc được quyền tự do lựa chọn đi theo chính phủ Cộng Sản hay Quốc Gia.
Phía Quốc Gia có thời hạn tập trung dân chúng 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng để xuôi Nam.
Còn bộ đội tập kết Việt Minh có quyền tập trung tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Định 100 ngày và Cà Mâu 300 ngày để di chuyển về Bắc.
Dân chúng và quân đội Quốc Gia ồ ạt bỏ làng xóm để di cư vào Nam. Nhiều làng ở Hưng Yên và Bắc Ninh, dân chúng tự ý đốt nhà cửa để di cư. Tổng kết tính đến ngày di tản cuối cùng vào tháng 3 năm 1955, đã có khoảng 950 ngàn người theo “Con Đường Đến Tự Do” (Passage to Freedom) từ Bắc vào Nam. Tại nhiều nơi, Việt Minh đã ngăn cản đồng bào di cư, gây nên những cuộc xô xát đẫm máu như ở vùng Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh. Khi thời gian di cư đã chấm dứt, nhiều người vẫn tiếp tục vượt biên bằng thuyền bè và đã bị Việt Minh sát hại. Nhiều người bơi qua sông Bến Hải đã bị Việt Minh bắn bằng mũi tên độc, vì có lệnh cấm nổ súng trong vùng phi quân sự
Trong khối người di cư này, tín đồ Công Giáo được coi là đông đảo nhất, với 650 ngàn người gồm 1.127 tu sĩ. Vì thế, sau năm 1954, Giáo Hội Công Giáo miền Bắc chỉ còn khoảng 300 ngàn giáo dân và 300 tu sĩ, hầu hết già cả và bệnh tật.
Cuộc di cư vĩ đại của gần một triệu người miền Bắc đã làm cả thế giới ngỡ ngàng. Đây là một cuộc bỏ phiếu bằng chân của người dân Việt cương quyết chối bỏ chủ nghĩa Cộng Sản(Cảnh đồng bào Bắc Việt di cư năm 1954).
Điểm đặc biệt là không có người dân miền Nam nào di cư về Bắc. Con số bộ đội tập kết được ghi nhận là thưa thớt, vì Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho bộ đội chôn dấu vũ khí và len lỏi khắp nơi để chờ lệnh khởi sự một cuộc chiến tranh mới.
Bức màn tre ảm đạm đã rủ xuống cầu Bến Hải. Trong lúc dân chúng miền Nam nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao dân trí thì Cộng Sản miền Bắc ra tay khủng bố dân chúng, bắt dân phải thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng để nuôi dưỡng cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam.
Chiến tranh “chống Mỹ ngụy”
Bộ máy truyên truyền chiến tranh của miền Bắc đã hô hào dân chúng “chống Mỹ ngụy” và ngày nay vẫn vỗ ngực tự hào đã chiến thắng “đuổi Pháp và đánh Mỹ”, nhưng ngay khi ký Hiệp Định Genève 1954, Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tiếp tục chiến tranh ở miền Nam. Năm 1959, Lê Duẫn bí mật vào Nam nghiên cứu, rồi công khai đề nghị khai diễn cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” trong Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 15 ở Hà Nội ngày 13-5-1959. Từ đó, quân đội và vũ khí bắt đầu tăng cường vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Để trợ giúp chính phủ VNCH chống lại cuộc chiến tranh này, mãi đến năm 1961, chính phủ Kennedy mới gửi đến miền Nam 400 cố vấn quân sự. Như vậy, rõ ràng là phong trào “chống Mỹ” của miền Bắc hoàn toàn chỉ là chuyện bịa đặt.
Chính Lê Duẫn đã tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” (Vũ Thư Hiên, “Đêm Giữa Ban Ngày”). Chủ trương này trùng hợp với lời xách động của Tố Hữu:
“Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sit-ta-lin bất diệt…”
Thi sĩ Phùng Quán trong phong trào Trăm Hoa Đua Nở đã nhận xét rất đúng về người Cộng Sản: “Những con người tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả”.
Chiếc cầu Hiền Lương chia đôi nước Việt Nam ngày nay đã được nhà cầm quyền Cộng Sản coi như một di tích lịch sử và không còn được sử dụng nữa. Một chiếc cầu mới được dựng lên song song ngay bên cạnh chiếc cầu cũ để cho xe cộ lưu thông. Bên phía Bắc chiếc cầu, Cộng Sản cho xây một kỳ đài vĩ đại cắm cờ đỏ sao vàng, tượng trưng cho chiến thắng. Còn phía Nam cầu thì không được quan tâm tới. Nhưng sự thực không thể che dấu được là quang cảnh nghèo đói, với những ngôi nhà tranh vách đất bên phía Bắc cầu. Trong khi đó, ở phía Nam, nhà cửa khang trang của Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đó. Người Cộng Sản chỉ quan tâm đến việc xây kỳ đài phô trương chiến thắng mà coi thường đời sống kinh tế ấm no của dân chúng.
Người ta tự hỏi: Tại sao Hồ Chí Minh không chủ trương thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình, thương yêu, không trả thù, không tập trung cải tạo như Đông và Tây Đức?
Hơn ba triệu người của cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đã bị thương vong, khốn khổ trong cuộc chiến dòng dã trên 20 năm, chỉ vì Hồ Chí Minh đã coi thường sinh mạng của người dân. Đó là chưa kể đến khoảng 500 ngàn người bỏ xác nơi biển sâu, rừng thẳm trên đường vượt biên trốn chạy Cộng Sản để đi tìm Tự Do sau ngày Quốc Hận Đỏ. So với cuộc chiến Việt Pháp từ năm 1946 đến 1954, con số tử vong chưa tới 100 ngàn người. (Hình phải : Pa nô(panneau) phía nam trên sông Bến Hải)
Cái tiền đề của Hồ Chí Minh: “Không gì quý hơn Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc” đã hoàn toàn sai và đã đưa đến cảnh người dân Việt dùng vũ khí ngoại bang để sát hạt chính đồng bào mình. Nếu Hồ Chí Minh biết nghĩ rằng “Sinh mạng con người quý hơn Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc” thì đã không có cảnh gia đình Việt Nam của cả hai miền phải có những thân nhân hy sinh hoặc mất đi một phần thân thể. Rõ ràng dân tộc Việt Nam là nạn nhân của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản của ông ta trong cuộc chiến sau ngày Quốc Hận Hồng.
Trong lãnh vực thể thao, bên thắng cuộc tượng trưng cho sức mạnh và mưu trí hơn. Nhưng trong lãnh vực chính trị, kẻ thắng trận chưa chắc đã là người thật sự ái quốc, thương dân, thương nòi. Lịch sử Việt Nam đã tôn vinh nhiều vị anh hùng mà cả đời không đạt được một chiến thắng nào, ngoài tinh thần yêu nước.
Bài học lịch sử rút ra từ ngày Quốc Hận Hồng, 20-7-1954, là:
Bài học lịch sử rút ra từ ngày Quốc Hận Hồng, 20-7-1954, là:
a) Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã toa rập với thực dân Pháp chia cắt Quê Hương Việt Nam.
b) Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa hai miền Nam Bắc vào một cuộc chiến tranh vô ích và không cần thiết, được gọi là “giải phóng miền Nam” hay “chống Mỹ ngụy”, khiến cho hơn ba triệu đồng bào phải hy sinh. Cái giá mà Đảng Cộng Sản VN đã phải trả cho việc thống nhất đất nước quá đắt và tàn bạo. Lịch sử hậu thế sẽ phán xét về việc này.
Tiến Sĩ Trần An Bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét