Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Cưỡi Ngọn Sấm




Lời Tựa
Cuốn sách“Cưỡi Ngọn Sấm” đã lột tả được tinh thần và lòng quyết tâm của một nhóm “huynh đệ chi binh” khác thường – một toán nhỏ cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và các chiến binh TQLC VNCH bạn trong một tình hình đặc biệt khó khăn của cuộc chiến Việt Nam.
Richard Botkin đã ghi chép lại những chiến công của các TQLC Hoa Kỳ và bạn đồng minh VNCH đã lãnh trách nhiệm chính trong công cuộc đẩy lui cuộc xâm lược của Bắc quân tại địa đầu miền Nam Việt Nam, được biết đến như là cuộc Tổng tấn công mùa Phục Sinh (mùa hè đỏ lửa) 1972 đối với người Tây phương, một cuộc tấn công nhằm đánh gục một quốc gia.
Mặc dù tất cả những ai hiện diện tại nơi đó không ít thì nhiều đều có dính dáng đến những trận đánh khốc liệt trong những chuyến công vụ trước và những hành vi anh hùng và chỉ huy dũng cảm xảy ra khắp nơi, nhưng Botkin đã chú trọng vào ba nhân vật chính.
Trung tá Gerry Turley, người đã hiện diện trong vùng hai ngày trước cuộc tấn công để tiến hành một cuộc viếng thăm tưởng chừng như thường lệ trong một thời kỳ yên lắng. Hoàn cảnh và một loạt các yếu tố bất thường đã đưa đẩy ông lên một vai trò chỉ huy đặc biệt trong đời. Ông đã phải đối mặt với toan tính hủy diệt của bọn Bắc quân ngoan cố cũng như các trở ngại của bộ máy quan liêu của quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã không đánh giá đúng sự suy xét của ông lúc ban đầu.
Ngoại trừ đối với những người đã quen thuộc với những câu chuyện về hành động của Đại úy Ripley tại cây cầu Đông Hà, rất khó mà không xác nhận cao tác động chiến lược của sự phá hủy cây cầu đó đối với những trận đánh còn lại tại Việt Nam sau buổi chiều Chủ nhật mùa Phục Sinh năm ấy.
Botkin làm nổi bật cho độc giả thấy mối liên quan đặc biệt giữa các cố vấn TQLC Hoa Kỳ đối với các TQLC Việt Nam mà họ đã phục vụ. Mối dây chân tình huynh đệ và tình bạn chân thành giữa Đại úy Ripley và Thiếu tá Lê Bá Bình, lúc đó đang chỉ huy bẩy trăm binh lính thuộc Tiểu đoàn 3 TQLC, đối diện với hơn hai chục ngàn quân Bắc Việt lăm le tiêu diệt họ tại Đông Hà, đã thăng hoa vượt lên trên cả ngôn ngữ và văn hóa khác biệt. Câu chuyện của hai người chiến binh vĩ đại cùng phục vụ cho một mục đích chung thật là hiển nhiên. Nếu đã có thêm nhiều người như Lê Bá Bình thì chắc chắn kết quả của cuộc chiến đã khác hẳn.
Khác với hầu hết các cuốn sách về thể loại này, Botkin đã theo dõi thật chi tiết cuộc sống gia đình của từng chiến binh và kể lại chiến sự qua trải nghiệm cá nhân của họ. Trong lúc nghiên cứu về lịch sử của chiến tranh người ta rất thường chỉ tập trung vào người lính chiến, do đó chỉ diễn tả nổi một nửa câu chuyện mà thôi.
Với tư cách một người đã từng tham dự những trận giao tranh tại đó, đã chứng kiến nhiều cuộc thử thách được ghi chép lại trong khoảng thời kỳ đặc biệt dữ dội lúc đó, tôi vẫn không mường tượng nổi những gì xảy ra cho bạn bè của chúng tôi sau khi phần tham chiến của người Mỹ đã kết thúc. Đối với các sĩ quan TQLC Việt Nam và gia đình họ, cơn ác mộng dường như bất tận của trại tù cải tạo mà Cộng sản đã chụp lên họ một cách tàn nhẫn từ sau tháng tư 1975, trong trường hợp của Lê Bá Bình là gần 12 năm trời, đã nói lên sự kiên trì, lòng nhẫn nại và niềm vinh quang của tinh thần con người.
Nước Mỹ đã có phước được những chiến binh như John Ripley và Gerry Turley phục vụ dưới cờ, nay lại còn may mắn gấp bội khi được kể thêm những người như Bình là công dân Hoa Kỳ. “Cưỡi Ngọn Sấm” là một cuốn sách hấp dẫn, ly kỳ rất đáng đọc, là một mảnh lịch sử chưa hề được nói đến bao giờ.
Chuẩn tướng James Joy TQLC Hoa Kỳ (hồi hưu)
Cố vấn trưởng cho Lữ đoàn 147 TQLC QLVNCH trong khoảng thời gian 1971-1972

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét