Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Thành Phố Tím


Thành Phố Tím 

Email của em hôm qua chạm vào cái ổ khóa trên khung cửa ký ức. Cùng lúc anh đang đọc "Con Gái Của Sông Hương" của nhà văn Dương Như Nguyện. Sự trùng hợp ngẫu nhiên thương chi lạ. Nguyên ba chữ "thương chi lạ" đủ mở cửa xem kỳ thư của Huế, ngắm những dấu lặng luyến láy đến mê hồn. Ngôn ngữ Con Gái Sông Hương chỉ danh Huế là Thành Phố Tim với những con đường sử thi. 

Màu tím tỏa ra từ nỗi lòng cung phi, từ cánh sen Hồ Tịnh Tâm, từ những vết hoen thời gian chạm trổ trên bề mặt của chiếc lư đồng trước điện Thái Hòa... 

Tất cả rất Huế của Em, và của những người có duyên với Huế. Trong đó có anh - chàng lãng tử (theo cách gọi của em)- chỉ một lần ghé Huế để nhìn "lá trúc che nghiêng mặt chữ điền". Vậy mà ánh nước Sông Hương còn âm ba sóng. 
Huế chừ không Huế của Em 
Bài thơ giữa nón đã mềm cánh bay...
(CN) 

Em chỉ còn nỗi nhớ Huế, tím những cơn buồn trong ngân âm hồi chuông Thiên Mụ quyện lời kinh Mệ tụng thường ngày. Nỗi nhớ kết chuỗi gây thành sóng, vỗ Huế bùng lên trong khói sương trầm mặc. 
Từ Huế lên Tuần ngang qua chùa Từ Hiếu, lăng Tự Đức, đồi Thiên An... 
Chỉ một cung đường của Huế gợi lên mà nỗi nhớ xốn xang là thế. Liệu em còn đủ sức đi hết những cung đường của Thành Phố Tím. Khi nỗi buồn vì nhớ nặng trĩu chân, chùn nhịp thở! 

Đồng Khánh ơi, Huyền Trân xưa đó 
Lắm tang thương vùi dập Huế vô chừng 
Sông, nước, biển, trời... đâu cũng có 
Nhưng não nùng làm Huế đẹp rưng rưng... (*) 

Nếu không thế, Hàn Mặc Tử đâu viết được "Đây Thôn Vỹ Dạ", Thanh Tịnh cũng không đắm mình với "Nhớ Huế Của Tôi" và Thu Bồn không dùng dằng khi "Tạm Biệt Huế" 
Chiếc cầu cong và con đường thẳng 
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu 
Con sông dùng dằng con sông không chảy 
Sông chảy về lòng nên nhớ Huế rất sâu... (**) 

Khép lại cánh cửa ký ức nhé em, nếu không mình sẽ sụt sùi. 
Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ 
Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông 
Trong nỗi nhớ, một cũng là tất cả 
Khi yêu thương tất cả sẽ vô cùng (*) 

Tấm lòng xa quê như thế đó, Huế ơi! 

Cao Nguyên 

------------------- 
(*) thơ Trần Kiêm Đoàn 
(**) thơ Thu Bồn 


Huế xưa

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Tưởng Như Còn Người Yêu


Lê Thị Ý: Tác Giả ‘Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng’

Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe. Nhà thơ Lê Thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ.
Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954.Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau
đây.
-Đinh Quang Anh Thái: Tình khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu”, thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ “Mười Bài Thương Ca”; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là “Thương Ca 1”.
-Đinh Quang Anh Thái: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân.
-Đinh Quang Anh Thái: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong
-Đinh Quang Anh Thái: Bài “Thương Ca 1”, Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này “phản chiến”; bà nghĩ sao ạ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên. Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh – người trụ trì sinh hoạt “Ðàm Trường Viễn Kiến” ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo – Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ.
-Đinh Quang Anh Thái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, “Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng” thì Phạm Duy sửa thành “Bây giờ anh phủ mầu cờ” và cắt đi câu thơ kế tiếp.
-Đinh Quang Anh Thái: “Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng”, tại sao lại phũ phàng ạ?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả.Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại.
-Đinh Quang Anh Thái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc.
-Đinh Quang Anh Thái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng…, cười) Chắc cũng phải có chứ ạ!
-Đinh Quang Anh Thái: Bài thơ “Thương Ca 1” do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười).
-Đinh Quang Anh Thái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài “Thương Ca 1”.
-Nhà thơ Lê Thị Ý:
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
-Đinh Quang Anh Thái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào?
-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài “Thương Ca 1” là
“Mùi hương cứ tưởng hơi chồng,
nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”,
để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu.
-Đinh Quang Anh Thái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến. 

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

An Vị Tượng Đức Thánh Trần

BẢO QUỐC AN DÂN


TỪ HOÀNG DIỆU TỚI NHỮNG THẦN TƯỚNG
CỦA QUÂN LỰC VNCH
“Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”
( Giử tinh hoa của nước, rửa nhục nước)
Danh dự của một người chiến sĩ là phần giá trị tinh thần từ sự ý thức và hoàn thành các trách nhiệm được giao phó đúng theo truyền thống nhân bản của Việt tộc của một người bảo vệ quê hương.. Được cầm súng bảo vệ quê hương và đồng bào của mình chính là danh dự, là đạo đức của người trai miền nam VN trong thời loạn ly. Nhìn lại lịch sử cổ đại đến cận đại của Đông hay Tây sử. Thì sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 của Việt Nam - chứng minh được một điều chưa có một quân đội của một quốc gia nào trên thế giới có số lượng tướng lãnh và binh sĩ tuẫn tiết theo lý tưởng nhiều như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những cấp chỉ huy trong quân lực VNCH đã nếu cao danh dự của một cấp chỉ huy theo đúng truyền thống của quân đội Đại Việt. Họ là những Nguyễn Tri Phương-Hoàng Diệu oanh liệt dũng cảm hy sinh trong chiến đấu, thà chết chứ không đầu hàng giặc.
Bối cảnh của tháng tư đen 1975 không khác gì bối cảnh của Hoàng Diệu trong thời chống Pháp - Kho thuốc súng trong thành Hà Nội bị nổ trong khi địch đang tấn công, thiếu vũ khí sỉ khí quân giử thành xuống thấp, sau đó Hà Nội thất thủ trước hoả lực quá mạnh của quân thù. Ông Hoàng Diệu thắt cổ tự tử cho trọn danh dự của một tướng giử thành.
Quân lực VNCH, trong năm 1975 vũ khí đạn dược đều bị cắt giảm đến mức tối đa, trong hoàn cảnh đó không khác gì thành Hà Nội vào năm 1882, đạn dược không còn để cung ứng cho việc chiến đấu trước sư tấn công vũ bảo của giặc cướp nước. Thân phận VNCH đành theo vận nước mà mất vào tay quân xâm lược Bắc Việt. Trong hoàn cảnh đó người dân miền nam mới thấy được những tấm gương trung liệt của các thần tướng VNCH. Trước khi nói đến cá thần tướng VNCH, người viết xin được nhắc lại tấm gương của thần tướng Hoàng Diệu cách đây 128 năm.
HOÀNG DIỆU
Đầu năm 1882, lấy cớ Việt Nam không tôn trọng hiệp ước năm 1873 mà lại đi giao thiệp với Trung Hoa, dung túng quân Cờ Đen (một nhánh quân của Thái Bình Thiên Quốc) ngăn trở việc giao thông trên sông Hồng của người Pháp, Đại tá Henri Rivière của Hải quân Pháp cho tàu chiến cùng hơn 400 quân đóng trại tại Đồn Thủy (trên bờ bắc sông Hồng, cách thành Hà Nội 5 km) nhằm uy hiếp Hà Nội. Hoàng Diệu đã hạ lệnh giới nghiêm tại Hà Nội và bố cáo các tỉnh xung quanh sẵn sàng tác chiến.
Quân Pháp tấn công mạnh vào thành Hà Nội, rạng ngày 25 tháng 4 năm 1882, tức ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ, lúc 8 giờ 15. Rivière là chỉ huy của quân Pháp cùng với 4 tàu chiến là La Fanfare, La Massue, La Hache, La Surprise (tàu này không kịp tới, vì mắc cạn dọc đường Hải Phòng đi Hà Nội) bắn vào thành yểm trợ cho số quân 450 người và một ít thân binh đổ bộ hòng chiếm thành Hà Nội. Tướng Hoàng Diệu đã điều quân chống trả quyết liệt, quân Pháp bị thiệt hại nặng và phải rút ra ngoài tầm súng để củng cố lực lượng.
Nhưng trong lúc chiến sự diễn ra khốc liệt thì kho thuốc súng của Hà Nội nổ tung, do Việt gian mua chuộc bởi bọn Pháp làm. Một số nhà sử học còn đoán rằng nó liên quan tới phản thần Tôn Thất Bá. dẫn tới đám cháy lớn trong thành làm cho lòng quân hoang mang. Quân Pháp thừa cơ phá được cổng Tây thành Hà Nội và ùa vào thành. Bố chính Nguyễn Văn Tuyển, Đề đốc Lê Văn Trinh và các lãnh binh bỏ thành chạy.Trong tình thế tuyệt vọng, Hoàng Diệu vẫn tiếp tục bình tĩnh dẫn đầu quân sĩ chiến đấu chống lại quân Pháp dù lực lượng ngày càng yếu đi, không thể giữ được thành nữa. Cuối cùng, Hoàng Diệu đã ra lệnh cho tướng sỹ giải tán để tránh thương vong. Một mình Hoàng Diệu vào hành cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 54 tuổi.
Tướng Hoàng Diệu cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội cho vua Tự Đức: "Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng". Cụ Tôn Thất Thuyết, một đại biểu nổi tiếng của sĩ phu kiên quyết chống Pháp đã ca ngợi ông trong hai câu đối:
Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện
Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm
Dịch:
Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước
Bình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm
Cụ Phó bảng Nguyễn Trọng Tỉnh có bài thơ điếu Hoàng Diệu, ghi lại trong Lịch sử vua quan nhà Nguyễn của Phạm Khắc Hòe như sau:
Tay đã cầm bút lại cầm binh
Muôn dặm giang sơn nặng một minh
Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa
Giữ thành, thành mất, mất theo thành
Suối vàng ắt hẳn mài gươm bạc
Lòng đỏ thôi đành gửi sử xanh
Di biểu nay còn sôi chính khí
Khiến người thêm trọng bút khoa danh.
Vị quốc vong thân là tầng cao nhất của TỔ QUỐC-DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM niềm hãnh diện và vinh dự cho cuộc đời của một người cầm súng. Danh dự đó chỉ thấy được nơi QL.VNCH: các thần tướng Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoá Khoa Nam, Trần văn Hai, Phạm văn Phú, Trung Tá Nguyễn Văn Long....và vô số chiến sĩ các cấp đã tuẩn tiết bằng súng, bằng lựu đạn, bằng thuốc độc để bảo toàn khí tiết, danh dự của QL.VNCH. Tôi kính trọng họ, và luôn tưởng nhớ đến họ, nhất là khi mùa quốc hận 30.4.hay ngày quân lực 19/6 hàng năm lại về...
Trước các thần tướng VNCH, Thiếu tá Ngụy văn Thà, hạm trưởng HQ.10 đã từng dũng cãm viết lên hai chử danh dự cho QL.VNCH khi thân xác theo con tàu minh chỉ huy đi vào lòng đất mẹ vào ngày 19/1/1974.
Cộng quân cưỡng chiếm miền nam ngày 30.4.1975, người chiến sĩ QL.VNCH không ngừng chiến đấu tiếp tục để làm tròn trách nhiệm của minh trước tổ quốc, tuy nhiên các cố gắng đó vẩn chưa đạt được kết qủa mong muốn. Họ vẩn phải kiên trì đấu tranh tiếp tục để quang phục lại quê hương.
Theo đúng tinh thần của QL.VNCH là: "Tổ - Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm", nhiều chiến sĩ QL.VNCH sau ngày 30/4/1975 đã từ hải ngoại trỡ về nước, để cùng với các lực lượng người Việt tự do trong nước mưu cầu giải thể chế độ khát máu, buôn dân bán nước. Họ đã ra đi trong ngày 30/4/1975, nhưng trách nhiệm với tổ quốc vẩn luôn đè nặng trên vai của họ, nên họ đã gạt bỏ những cuộc sống an nhàn nơi quê hương tạm dung quay trở lâi VN, đó cũng là những tấm gương trung liệt của các chiến sĩ VNCH, hết lòng với tổ quốc VN. Cuộc chiến đấu hiện nay vẩn tiếp tục cho ngày quang phục quê hương. Chiến đấu vì một nước VN dân chủ tự do là Danh dự và đạo đức của những con người ưu tú trong QL.VNCH, họ đã nêu cao tấm gương trung liệt của một người quân nhân hết lòng với tổ quốc VNCH.
Cuộc chiến đã đi qua từ 41 năm qua nhưng âm vang còn lưu lại trong tâm khảm người Việt tỵ nạn lưu vong với nhiều cay đắng, uất hận về thực trạng phũ phàng của biến cố 30/471975, khi mà người đồng minh đã phản bội lại QL.VNCH. Niềm uất hận đó người ta tưởng như nó mới diễn ra ngày hôm quạ, quá khứ đau lòng ấy vẫn còn sống mãi trong ký ức họ, chưa bao giờ phai nhoà. Cho đến nay họ, những người chiến sĩ trong QL.VNCH vẩn âm thầm vá lại ngọn cờ vàng để phất lên trong ngày đất nước hoàn toàn tự do và dân chủ.
VÁ CỜ
"Cảm đề tác phẩm Vá Cờ của Nguyễn Ngọc Hạnh"

Đường chỉ thẳng, một đường gươm bén
Chém ngang đời vết chém như mơ
Vá tim tan tác như cờ
Vá hồn vị quốc chưa mờ linh quang
Vá hạo khí dọc ngang trời đất
Bốn ngàn năm bất khuất kiêu hùng
Trên cờ thấy núi thấy sông
Người vì nghĩa cả đã dâng hiến đời
Nhấm dòng máu còn tươi nỗi hận
Nghiêng mái đầu súng trận còn vang
Yêu người, yêu lá cờ vàng
Lệ thầm nuốt nghẹn từng hàng mỗi đêm
Đời chinh phụ thoắt chìm trong tối
Tình yêu quê réo gọi đầy lòng
Lửa tim hận nước, thù chồng
Lửa thiêng còn cháy bập bùng ngàn thu/.
(hahuyenchi)
Người viết xin dâng môt nén hương lòng để tưởng nhớ đến công đức của tiền nhân và các thân tướng QL.VNCH, dùng cái chết bảo toàn danh dự của một dũng tướng để không rơi vào tay giặc.

Hậu duệ VNCH Nguyễn Thi Hong 
16/6/2016