Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Tháng Tư Đen

Lại sắp đến một ngày 30/4 nữa, bốn mươi năm sau ngày 30/4 định mệnh vào năm 1975, chúng ta không khỏi ngậm ngùi nghĩ về một miền Nam của Tự Do và Nhân Bản.  "Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan / Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn" (Nguyễn Chí Thiện).
       Tiếng Việt ta có câu "Được làm vua, thua làm giặc," ngụ ý là lịch-sử thường được viết bởi "bên thắng cuộc."  Nhưng ngay tác-giả của một cuốn sách với tên đó cũng phải công-nhận là trong hầu hết mọi nghĩa, trừ về mặt quân-sự, chính miềnNam mới là bên đã thực-sự thắng cuộc.  Đến ngay một trận chiến-bại của Miền Nam, như trận hải-chiến Hoàng-sa, cũng vẫn chứng tỏ được chính-nghĩa sáng ngời của VNCH.
       Chính vì thế mà nhiều sách, do ngay cả các tác-giả ngoại-quốc, trong những năm gần đây đã tỏ ra công-bằng hơn đối với quân và dân VNCH như:
       - Cuốn NO PEACE, NO HONOR của Larry Berman (mà G.S. Nguyễn Mạnh Hùng đã dịch sang tiếng Việt thành "Không Hòa bình, Chẳng Danh dự")
       - VIETNAM'S FORGOTTEN ARMY của Andrew Wiest (nói về anh-hùng Trần Ngọc Huê và nhóm Hắc Báo của ông trong Trận Mậu Thân ở Huế)  
       - ĐỨC: A reporter's love for a wounded people của ký-giả người Đức Uwe Siemon-Netto (bản dịch tiếng Việt của Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền)
       - Cuốn BLACK APRIL của George J. Veith (mà Nguyễn Ngọc Anh đã dịch thành "Tháng Tư Đen" do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông in ra)  
       - RIDING THE THUNDER của Richard Botkin (bản dịch tiếng Việt rất hay của Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bình An)  
       - NATIONALIST IN THE VIETNAM WARS của Nguyễn Công Luận
       - MOURNING HEADBAND FOR HUE dịch "Giải Khăn Sô cho Huế" của Nhã Ca (bản dịch tuyệt vời bởi Olga Dror, một giáo-sư người Nga dạy ở Texas A&M University) v.v. và v.v.


"THÁNG TƯ ĐEN"
HAY LÀ HAI NĂM CUỐI MỘT CUỘC CHIẾN TÀN KHỐC
Tâm Việt
Đa phần người Việt hải-ngoại là những người đã rời Việt-nam, đã ra đi sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Với sự cưỡng-chiếm miền Nam bởi người Cộng-sản, lịch-sử đã sang trang để đem lại những ngày đen tối không có tương-lai, những ngày mà sau này đến báo lề phải ở trong nước khi hồi-tưởng cũng phải gọi là "những đêm dài bao cấp." Vậy mà thử hỏi, bao nhiêu người trong chúng ta đã nhớ, đã biết rõ chuyện gì đã xảy ra để rồi chúng ta phải gặp chuyện "sẩy đàn tan nghé" như ngày hôm nay?
Có lẽ vì cái thảm-kịch nó lớn quá, tới mức không ai trong chúng ta có thể mường tượng nổi. Cũng tựa như một trận sóng thần nó ập đến, nhà cửa bỗng đổ nát tan hoang, cây tróc rễ, tàu bè dưới biển bị bốc lên cao rồi nằm trên lưng đồi hay ngọn núi, như một trận cuồng-phong đem thủy-quái lên cao nghênh chiến với quân nhà trời.
Thành thử bốn mươi năm qua, nhiều người trong chúng ta vẫn còn đi tìm câu giải thích cho cái hiện-tượng đó, hiện-tượng mà có người mô-tả, theo lời kể của nghệ-sĩ Trần Văn Trạch, "đến cái cột đèn mà nó biết đi thì nó cũng đi nốt."


Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ đã cho tung ra bản dịch cuốn Black April của soạn-giả người Mỹ, một nhà quân-sử tên George Veith mà giữa bạn bè thường được gọi thân mật là "Jay." Có điều lạ là "Jay" không hề là một cựu-chiến-binh ở Việt-nam. Anh còn trẻ quá để có thể tham-gia vào trong cuộc chiến tàn khốc đó cách đây gần 50 năm. Nhưng ám-ảnh của anh về cuộc chiến xa xôi, cách nước Mỹ nửa vòng trái đất vẫn không để cho anh yên. Anh thắc mắc, anh tìm tòi, anh đào sâu, anh đi vào thư-viện, đi vào văn-khố, đi tìm những chứng-nhân để đào cho đến đáy của vấn-đề thì may ra, anh mới có thể tìm ra được sự thật!
Và cuối cùng anh đã sản xuất được ra một cuốn sách mà Đại-tá hồi hưu Lewis Sorley, một tác-giả nổi tiếng với 5 cuốn sách về chiến-tranh VN, đã phải mô-tả là "một cuốn sách được nghiên cứu tuyệt vời về sự phòng thủ anh dũng và hữu hiệu của miền Nam Việt Nam sau khi quân-lực Mỹ đã rút lui cho đến khi, bị hủy hoại bởi sự thất hứa của Hoa Kỳ không tiếp-tục hỗ-trợ mạnh mẽ về tài vật cũng như về tài chính, miền Nam đã bị tràn ngập bởi những người Cộng-sản được các quốc gia đàn anh đỡ đầu cho tăng vọt phần viện trợ. Một cuốn sách trả đáp hữu hiệu đối với những ai đã gian dối mô tả quân lực VNCH như là những người không muốn hay không có khả năng tranh đấu cho tự do của họ, và đây cũng là một chiếc nón ngả chào sự can trường của họ trong lúc phải tranh đấu chống lại những rủi ro không thể vượt qua nổi."
Đọc được cuốn sách này, một cựu-phiên-dịch-viên của MACV đã cảm-động tới mức ông đi tìm tác-giả và ngỏ ý muốn được dịch sang tiếng Việt ngõ hầu nhiều đồng-bào của ông có thể đến với cuốn sách. Ông Nguyễn Ngọc Anh ở Arizona sau đó đã bỏ toàn-thời ra dịch cuốn sách trong một thời-gian kỷ-lục. Và Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ lại được cái duyên là cả tác-giả lẫn dịch-giả đều đồng-ý trao lại cho trách-nhiệm duyệt bản và in cuốn sách nhằm đưa vào thị-trường sách tiếng Việt trên quy-mô rộng lớn.
.
Mấy đặc-điểm của cuốn THÁNG TƯ ĐEN
Được viết ra gần 40 năm sau cuộc chiến, cuốn Tháng Tư Đen của "Jay" Veith đã có cái lợi là nhiều văn-khố đã được mở ra cho các học-giả đến nghiên cứu. Nhiều tài-liệu mật sau 30 năm đã được giải mật, như luật của Hoa-kỳ đòi hỏi. Thành thử nhiều tin tức mà trước kia, trong thời-kỳ chiến-tranh chỉ đồn đoán thì giờ đây ta đã có thể tìm ra nguồn gốc của những quyết-định đó. "Jay" đã chăm chỉ tận-dụng những nguồn thông tin này.
Song nếu nhiều, đa-phần các học-giả hay sử-gia Mỹ chỉ biết tìm đến các tài-liệu viết bằng tiếng Anh thì "Jay" đã làm một chuyện phi-thường. Anh tìm về rất nhiều nguồn tư-liệu tiếng Việt mặc dù chính anh không biết nhiều tiếng Việt. Anh đã có nơi một người bạn, Merle Pribbenow, một cột dựa chính-xác và đáng tin cậy để nhờ đọc hàng trăm, hàng nghìn tài-liệu của đối-phương, tức đến từ các tác-giả hay nguồn tin Bắc-Việt hay Việt-Cộng miền Nam. Merle, chẳng hạn, là người đã dịch bộ sử chính của miền Bắc về chiến-tranh mà họ gọi là "chống Mỹ cứu nước." Merle còn khai thác hầu hết những gì các tướng lãnh Bắc-Việt đã viết về cuộc chiến đến mức "Jay" có thể xem anh như đồng-tác-giả.
Không ngưng ở đó, "Jay" lại đi tìm các bạn Việt-nam để có thể tiếp cận các tướng tá ở miền Nam, thuộc quân-lực VNCH để phỏng vấn vào chi-tiết. Anh cũng lại nhờ Merle đọc hết những hồi-ký của các tướng lãnh hay các bài báo rải rác trong hàng trăm đặc-san hay báo của quân-đội ở hải-ngoại kể lại các trận chiến.
Nhờ vậy nên cuốn sách rất công bằng, để cho cả ba bên trình bầy cuộc chiến "từ Hiệp-định Paris đến ngày mất miền Nam," tức hai năm cuối tính từ tháng 1/1973 đến tháng 4/1975. Nghĩa là cuốn sách khác một trời một vực với đa-số sách viết về chiến-tranh Việt-nam, nhiều khi chỉ đưa ra được cái nhìn từ một phía--hoặc của Mỹ, hoặc của Bắc-Việt hoặc của miền Nam, ít khi đan kết được câu chuyện nhìn từ cả ba phía.
Mà lạ thay, khi viết đầy đủ nhìn từ ba phía, tức là đúng với thực-tế của cuộc chiến dưới đất thì người ta lại thấy một sự thật thần-kỳ. Đó là chiến đấu trong những điều kiện vô cùng eo hẹp nếu không muốn nói là dã-man của hai năm cuối cuộc chiến, sau khi bị đồng-minh chính là Mỹ bỏ rơi cũng như mặc dù lãnh-đạo miền Nam đã có những quyết-định không mấy khôn ngoan, quân-lực VNCH vẫn đã có những nỗ lực ngoạn mục để chứng tỏ sự "can trường trong chiến bại" như cách nói của Phó-đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại viết về trận chiến Hoàng-sa chống lại hải-quân Trung-Cộng. Chúng ta đã không chỉ có một trận Hoàng-sa chống ngoại-xâm với 72 anh-hùng của trận chiến đó.
Chiến-đấu trong những điều-kiện bất-cân-xứng do đối-phương được tiếp-tế tận-lực, dồi dào bởi Liên-Xô và Trung-quốc, Quân-lực VNCH đã có những trận chiến để đời mà đến ngay các tướng lãnh Việt-Cộng sau đó cũng phải công-nhận sự chống trả anh-dũng. Đó là những trận như trận Phan-rang, nơi VC đã bị cản trở bước tiến vỡ bờ của họ trong nhiều ngày. Đó là một trận như trận Xuân Lộc mà một sư-đoàn VNCH, sư-đoàn 18 dưới quyền của tướng Lê Minh Đảo, đã kiên cường ngăn chặn được ba sư-đoàn địch. Đó là một trận như trận Tây-ninh nơi thiết-giáp của tướng Trần Quang Khôi đã làm cho địch-quân khốn đốn nhiều ngày. Chưa kể những trận đụng độ nhỏ hơn, có khi chỉ ở một quận như Thủ-thừa, mà về sau đến Lê Đức Thọ cũng phải nói lên lời thán phục.
Tóm lại, người lính VNCH, dù là quân hay là tướng, ngay trong những giờ tuyệt vọng nhất, nhiều khi cũng đã chứng tỏ hết sự hy sinh của mình cho chính-nghĩa để sau này, như năm vị tướng tuẫn tiết và hàng trăm, hàng ngàn sĩ-quan binh lính khác đã chọn cái chết vào giờ chót để nói lên hết lòng thương yêu của mình với quê hương, dân-tộc và gia-đình. Để giờ đây vẫn còn được ngưỡng mộ như một Ngụy Văn Thà hay một Nguyễn Khoa Nam, lưu danh thiên cổ. 

TỔ HỢP XUẤT BÀN MIỀN ĐÔNG HOA KỲ HÂN HẠNH GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH MỚI:
THÁNG TƯ ĐEN
Nguyên-tác: Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-1975
Tác giả: George J. Veith
Dịch giả: Nguyễn Ngọc Anh
.
Đầu thập niên 1970, để phá vỡ thế bao vây của Cộng-sản, Mỹ đã đi đêm với Trung-Cộng, kết-quả là miền Nam bị bỏ rơi và CS Bắc-Việt chiến-thắng (với sự yểm-trợ dồi dào áp-đảo của Nga-Hoa). Người dân Mỹ đã đền bù phần nào sự phản-bội này của các chính-khách Mỹ bằng cách mở lòng đón nhận chúng ta, giúp chúng ta xây dựng nên một cộng-đồng hải-ngoại vững mạnh như ngày hôm nay. Các sử-gia Mỹ dần dần cũng đã trông ra sự thật về cuộc chiến và đã có những đóng góp ngày càng giá-trị để đem lại công-bằng cho người dân, quân-đội và xã-hội miền Nam--một sự đánh giá mà giờ đây ngay ở trong nước người ta cũng nhìn ra.
.
Tác-giả George J. Veith đã nghiên cứu cặn kẽ và trong chi-tiết mọi tài-liệu xuất phát từ các văn-khố Mỹ, từ các báo-cáo quân-sự, chính-trị đương-thời của phía Mỹ cũng như các sách vở, tài-liệu ngày càng phong phú do cả hai phe Việt-nam, CS Bắc-Việt và Việt-nam Cộng-hòa về giai-đoạn từ Hiệp-định Paris tới ngày 30/4/1975.
.
Dựa vào các nguồn tin đó, cộng thêm các cuộc phỏng vấn nhiều sĩ-quan Quân-lực VNCH đã dự trận, ông đã vẽ lại được thật rõ ràng và đầy đủ các trận chiến từ trận Ban-mê-thuột đến trận đánh cuối cùng ở Sài-gòn, để khám phá ra rằng trong nhiều trường-hợp người lính VNCH đã chiến-đấu rất anh-dũng trong những điều-kiện vừa thiếu thốn vừa khó khăn tột độ.
.
Vậy mà không ít nơi, quân-đội đó đã có những chiến-thắng đáng ghi lại trong quân-sử (như trận Xuân Lộc), làm vinh-dự cho một quân-lực mà nhiều lúc đã bị chê bai, khinh miệt một cách vô lối, bất công--chỉ vì người ta tin theo các nguồn tin CS hay các báo chí thiên tả, phản chiến hoàn-toàn không có cơ-sở. Đây là một việc làm trả lại sự thực cho lịch-sử, trong một bản dịch lưu loát và chính-xác của dịch-giả Nguyễn Ngọc Anh.

Nguyễn Ngọc Bích
.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét