Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Sự Thật Lịch Sử Về "Trưng Nữ Vương"

Hàng năm nhân dân Việt Nam vẫn tổ chức ngày giỗ Hai Bà Trưng vào ngày 6 tháng 2 âm lịch mà tất cả chúng ta đều nhớ ơn. Thế nhưng, lịch sử viết về Hai Bà Trưng vẫn có nhiều điều cần phải phục hồi sự thật của lịch sử. Nhân ngày giỗ của Hai Bà, chúng ta cùng nhau tưởng nhớ Hai Bà, những anh thư của nước Việt. Đồng thời, chúng ta cùng nhau phục hồi sự thật lịch sử về Hai Bà Trưng để trả lại lịch sử những gì của lịch sử…
1. CÓ PHẢI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA VÌ THÁI THÚ TÔ ĐỊNH THAM LAM BẠO NGƯỢC?
Từ trước tới nay, sách sử cũ cứ dựa vào Hán sử với luận điệu "Thiên triều" biện minh cho sự đô hộ viết rằng Tô Định là tên thái thú tham lam tàn bạo nên Hai Bà Trưng mới đứng lên chống lại. Sách "Hâu Hán Thư" của Trung Quốc chép: "Trắc rất dũng mãnh, Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trắc căm phẫn nên chống lại”. Đây chính là luận điểm của Hán tộc cho rằng dân Việt vẫn chịu thuộc Hán nhưng chỉ vì thái thú tham lam tàn bạo nên người Việt mới đứng lên chống lại sự đô hộ mà thôi. Vì vậy, sử sách Hán hết lời ca tụng các viên Thái thú như Tích Quang, Nhâm Diên và Giả Tôn.
Sự thật lịch sử được chính Hán sử chép là sau khi Hán Vũ Đế xâm chiến Nam Việt năm 111 TDL, Hán triều đã chia thành 9 quận. Thế nhưng việc đặt quận huyện ở các quận lỵ, Huyện lỵ chỉ là trên hình thức vì trên thực tế toàn thể lãnh thổ vùng Lĩnh Nam vẫn do các Lạc Hầu lạc Tướng cai trị. Thật vậy, chính sách sử Trung Quốc là Hậu Hán thư chép rằng: “Lúc trước các quan châu mục tự cai quản mãi đến năm 29 mới sai sứ sang cống triều Hán”.
Tình hình Hoa Nam là lưu vực phía Nam sông Dương Tử hết sức rối ren nên lúc Hán triều suy yếu, thủ lĩnh các địa phương lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lại độc lập tự chủ, mỗi người hùng cứ một nơi. Anh hùng Khôi Hiệu rồi Công Tôn Thuật chiếm cứ Ba Thục, Lý Quảng chiếm giữ Hoãn Thành tỉnh An Huy, Duy Dĩ chiếm Hồ Nam rồi xưng là Sở Lê Vương đã tạo thành một cao trào giải phóng dân tộc.
Hán sử chép năm 29, Hán triều cử Nhâm Diên sang làm Thái Thú Cửu Chân đến năm 32, Hán triều đã phải bãi chức Thái Thú Cửu Chân của Nhâm Diên. Hai năm sau, năm 34 Hán triều lại triệu hồi Thái Thú Giao Chỉ là Tích Quang về rồi mới cử Tô Định là viên võ quan làm Thái Thú để đem quân đi đánh chiếm lại những vùng đã thuộc quyền tự chủ của dân ta. Giao Chỉ, Cửu Chân của nước ta thời kỳ này còn ở Nam Trung Quốc (Hoa Nam).
2. SÁCH SỬ CŨ CHÉP RẰNG THI SÁCH LÀ CHỒNG CỦA BÀ TRƯNG TRẮC, ĐIỀU NÀY CÓ ĐÚNG KHÔNG?
Sách sử cũ vẫn chép rằng "Trưng Trắc vốn là con gái Lạc Tướng huyện Mê Linh, là vợ của Thi Sách..." vì hầu hết dẫn sách Thủy Kinh Chú của Lệ (Lịch) Đạo Nguyên viết rằng: “Châu Diên lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê" nghĩa là: Con trai của lạc tướng Châu Diên tên là Thi hỏi (sách) con gái lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Chữ "sách" trong câu trên vốn có nghĩa là "hỏi". Do nhầm lẫn, người đời sau đã ghép chữ "sách" đó với từ Thi thành tên Thi Sách) người Chu Diên. Thật vậy, trong Hậu Hán Thư, mục Nam Man truyện ghi về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng như sau: “Người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc, cùng với em gái là Trưng Nhị nổi dậy đánh phá quận huyện. Trưng Trắc vốn là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi...".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét