Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

HIỆN TƯỢNG CHỮ NGHĨA








Chúng ta đang ở vào thời buổi mà giá trị vật chất đang trên đà lấn lướt, gần như đi tới chỗ đè bẹp mọi giá trị tinh thần. Đời sống văn hóa, luân lý, đạo đức ngày càng bị xói mòn.
Về phương diện văn học, trong mấy năm qua, ngoài hình thức có dáng vẻ của một trào lưu phát triển với sự phổ biến ồ ạt của sách báo, thơ văn, phim ảnh, đĩa nhạc, nhưng trên thực tế, nội dung văn học lại trên đà thoái hóa đáng quan ngại.

Nhiều hiện tượng văn-hóa-phi-văn-hóa và văn-học-phản-văn-học do vì thiếu trình độ hiểu biết, vì chút danh hão, vì không nhận thức được tầm mức quan trọng của giá trị những tác phẩm văn chương, nghệ thuật, vốn dĩ là xương sống văn hóa của dân tộc; Hoặc giả vì mù quáng bởi nỗi đam mê đi tìm hư danh mà không nhìn ra được mình là ai? Đang làm gì? Đang ở đâu?

- Một hiện tượng không biết người, biết ta khiến cho, thay vì định hình được một nền văn học chính thống, cả trong nước lẫn hải ngoại có thực chất thì đã biến văn học thành một thị trường bát nháo. Người ta có cảm tưởng tất cả các tác giả trong Văn Học từ xưa tới nay - từ Nguyễn Du, Nguyễn đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Đoàn thị Điểm… đến Nguyễn Văn X, Lê Thị Y… đều cùng vai vế, ngồi chung một chiếu, đều là thi sĩ, nữ sĩ. Tất cả là “cá mè một lứa”.

Trong khoảng hai thập niên qua, nhất là trong thập niên cuối của thế kỷ 20, người ta đua nhau in sách, in báo, in thơ, in truyện… Đây là một điều đáng mừng nhưng không phải là không là không có những cái gai góc, cái tiêu cực của nó.

Làm thơ, viết văn là một trong những thú tiêu khiển thanh tao. Nó vừa thỏa mãn sở thích cá nhân, vừa đem lại lợi lộc cho văn chương chữ nghĩa, có khi còn đem lại cho kho tàng văn học những đóa hoa tươi mới. Ca dao là một thí dụ, nếu người ta làm công việc đó một cách đúng đắn, “vô tư”. Ngược lại, làm thơ, viết văn với hậu ý kiếm chút hư danh để góp mặt với đời, như nhảy vào thị trường thương mãi với hai bàn tay trắng, không chút vốn liếng để kiếm chút lời lãi. Việc làm đó hoàn toàn mất tác dụng cho cả văn lẫn người.

Người làm thơ, viết văn – ngoài năng khiếu thiên phú còn cần có vốn liếng phong phú về cuộc sống và kiến thức, cùng nỗi đam mê miệt mài. Nhà thơ Tô Thùy Yên cho rằng làm thơ là một việc làm khó nhọc, chứ không phải làm chơi..

Kinh nghiệm, vốn sống và kiến thức là hai phạm trù riêng rẽ, phân cách nhau một lằn ranh rất mỏng, có tác dụng bổ sung lẫn nhau, giúp cho ý tưởng và ngôn ngữ thăng hoa để đưa vào tác phẩm.

Một tác giả đi vào lãnh vực văn chương, viết văn, làm thơ, sinh hoat văn học mà không có vốn sống và vốn kiến thức thì không thể nào giàn trải được ý tưởng và ngôn ngữ vào tác phẩm. Chính vì tình trạng này, chúng ta thường thấy có những bài thơ (đã in thành tập) chữ nghĩa rời rạc, hời hợt, bố cục lỏng lẻo, chệch choạc, ngôn ngữ sáo rỗng, trần trụi, có khi ngây ngô, lạ lẫm…

Rất tiếc một số người đã không nhìn ra, hay không muốn nhìn nhận điều đó. Nhiều tác phẩm có nội dung “nước ốc” chỉ tồn tại được ít lâu trong dịp “đăng quang ra mắt” rầm rộ; hoặc là sách “gối đầu giường” để đọc cho vợ nghe, hay cho ông chồng thưởng thức (*).
Dư luận dễ dàng chấp nhận loại “tác phẩm” vừa kể hơn là loại sách báo có nội dung kích động cực đoan, gây bất an trong tình tự đời sống của cộng đồng và những loại văn thơ dâm tục, nhảm nhí, thấp kém.

Cái lợi điểm của xã hội hôm nay (riêng ở hải ngoại) về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận đã trao cho những nhà văn, nhà thơ, nhà báo cái thiên chức của người cầm bút, thoát khỏi vòng kìm kẹp của quyền lực, không còn sợ hãi cái “lưỡi hái” kiểm duyệt của nhà cầm quyền.

Nhưng xã hội hôm nay lại thả lỏng cho những người sáng tác tự do vung tay, múa bút, đưa ra thị trường chữ nghĩa những loại sách báo có thứ “vô thưởng vô phạt”, và cũng có thứ gây mầm mống chia rẽ..

Chỉ trong 20 năm miền Nam đã tạo dựng được một nền văn học, báo chí quy củ. Thế mà đã hơn 35 năm hải ngoại vẫn chưa định hình được một cái vóc dáng của văn học hải ngoại (**).

Chữ nghĩa văn chương bị lạm dụng. Từ ngữ thơ văn lắm lúc mù mờ, suy đoán, ngược ngạo, có khi bị sử dụng như một thứ trọc phú khoe giàu; có khi cường điệu để tâng bốc, tán tụng hoặc để chỉ trích, đánh phá, khiến cho chữ nghĩa văn chương trở thành phản văn chương nghệ thuật, thành một thứ ngôn ngữ lề đường.

Tất cả những thứ đó đang là một mốt thời thượng phổ biến trong văn viết trên mạng. Làm thế nào để đem chữ nghĩa văn chương trả về cho văn học nghệ thuật, cho cái chân thiện mỹ vốn dĩ đang dần dà bị mai một là một nhắc nhở và là một đòi hỏi khó khăn.

Báo mạng
Từ ngày Internet là phương tiện chuyển tải và truy cập phổ biến, các bộ chữ Việt từ thô sơ đến hoàn chỉnh được phổ cập rộng rãi, báo mạng đã được nhiều cá nhân và nhiều nhóm thực hiện thành những tạp chí đa dạng và rất phong phú. Hàng ngày, những gì chúng ta muốn đọc, những gì chúng ta cần truy cứu, tất cả mọi thứ đều có đủ trên các trang mạng để chúng ta có thể xử dụng. Phần nhiều trang web báo mạng hiện nay có nội dung đa dạng, bổ ích. Thời kỳ đầu trang văn học talawas (2001) được nhiều tác giả trong và ngoài nước hưởng ứng, đông đảo độc giả theo dõi. Nhưng đến tháng 11-2010 ngưng hoạt động. Hiện nay số lượng trang web báo mạng ngày càng nhiều, khó có thể thống kê đầy đủ, “đại khái” như dcvonline.net , Riêng SaigonBao.com, chỉ bấm vào địa chỉ này là có thể đọc rất nhiều trang báo mạng khác. Ở trong nước có những tờ báo điện tử giá trị như boxitvn.net, danlambao v.v…., 

Có ý kiến cho rằng dù phong phú đa dạng đến đâu thì các trang báo mạng cũng vẫn là thế giới ảo. Có hôm nay, mất dấu ngày mai, khó lường. Ngày nay số lượng người đọc báo mạng chiếm ưu thế và đa số, nhưng không phải vì vậy mà hệ thống thư viện, chẳng hạn, ở Hoa Kỳ và các nước tiên tiến, mất chỗ đứng. Kỹ nghệ in ấn sách báo cũng vẫn hoạt động đều đặn, nhất là về lãnh vực xuất bản các tác phẩm, tuy có giảm bớt phần nào. 

Song Nhị

(*) Phát biểu của một nhà thơ lão thành HTN
(**) Trích dẫn ý của tạp chí Khởi Hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét