HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THANH MÙA XUÂN KỶ DẬU 1789
Với bản chất cố hữu của “Đại Hán xâm lược” nên triều Thanh nhân cơ hội Lê Chiêu Thống cầu cứu, Càn Long điều động binh mã 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu gồm 20 vạn quân lính và dân phu tiến sang nước ta. Sách sử của nước ta ghi là 20 vạn quân Thanh, trong khi Thanh Sử chỉ chép có 18 ngàn quân chủ lực để biện minh cho sự thất trận. Ngay từ thời Minh mà Minh Thành Tổ đã huy động được hơn 17 vạn quân của 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, đặt dưới quyền điều động của tướng Mao Bá Ôn (1482 - 1545) thì đến triều Thanh, số quân huy động cả Vân Nam, Quý Châu chắc chắn phải bằng hoặc hơn số quân thời Minh. Như vậy, ngoài gần 2 vạn binh sĩ chủ lực mà sách sử Thanh chép là Lục Kỳ binh, còn gọi là Lục Doanh binh, là đơn vị quân đội trong đó quân binh là Hán tộc. Số quân còn lại gồm thổ binh, nghĩa dũng là quân địa phương các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng phải gấp 5, 10 lần quân chủ lực. Ngoài ra phải tính tới số dân phu chuyên chở lương thực và khí giới mỗi thứ mấy chục vạn thì tính tổng cộng cả quân chủ lực, quân địa phương và dân binh có thể lên tới ít nhất là hai mươi vạn người…
Tổng Đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị được cử làm Tổng chỉ huy 4 đạo quân xâm lược tiến vào nước ta theo 4 đường. Tháng 11 năm 1788, quân Thanh ồ ạt vượt biên giới tiến vào nước ta. Quân Thanh tiến chiếm Thăng Long không tốn một mũi tên một viên đạn nên nảy sinh kiêu căng tự mãn. Tôn Sĩ Nghị giương giương tự đắc huênh hoang tuyên bố: “Giặc còn gầy, ta hãy nuôi cho béo, để cho chúng tự đem mình đến nạp mạng cho ta …”. Thế nhưng, bài học đầy xương máu của lịch sử buộc Tôn Sĩ Nghị ngoài miệng nói huênh hoang nhưng trong lòng lo sợ nên y phải án binh bất động để nghe ngóng tình hình chưa dám manh động. Hơn nữa ngày tết cận kề nên bọn tướng sĩ giặc lo vui chơi hưởng thụ, quân lính giặc nhân cơ hội này tha hồ cướp bóc hãm hiếp phụ nữ ban ngày ban mặt giữa chốn kinh thành. Lê Chiêu Thống thì ngày ngày sang chầu chực bên dinh Tôn Sĩ Nghị, dâng hết cao lương này đến mỹ vị nọ, nem công chả phượng, rượu thịt ê hề. Để cung ứng nhu cầu không bao giờ đủ cho quân Thanh, tên vua bán nước cầu vinh này phải ra sức đốc thúc quân lương, các châu huyện kêu trời vì không cung ứng nổi. Mấy năm trước nhân dân bị mất mùa nên thóc gạo không đủ ăn, năm nay lại đói kém hơn nữa, thế mà Chiêu Thống lại chia quan đi các nơi hạch sách đốc thúc vơ vét tài sản cuối cùng của người dân đến nỗi “Nhiều nơi dân nghèo phải van xin khóc lóc mà dâng nộp, bao nhiêu lương thực tiền bạc thu được của dân đều đem dâng nộp hết cho bọn giặc …”. Người người ta thán, nhà nhà uất hận. Ngay cả Thái hậu và các trung thần của nhà Lê cũng phải “Kêu trời khi thấy họa diệt vong đến nơi rồi. Lịch sử nước Nam ta từ khi có đế vương đến giờ chưa thấy bao giờ có tên vua luồn cúi đê hèn như thế !!!”.
Ngày 22 tháng 12 năm 1788 tức ngày 25 tháng chạp tết Kỷ Dậu, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn lập đàn “Tế cáo Trời đất” ở phía Nam núi Ngự Bình kinh đô Phú Xuân. Bắc Bình Vương lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Quang Trung: “Giương cao ngọn cờ Đại Nghĩa, thuận lòng Trời hợp ý dân” để làm lễ xuất quân đại phá quân Thanh xâm lược. Sách sử chép rằng “Quân đi đến đâu, các bậc phụ lão bày hương án bên đường còn thanh niên trai tráng khắp nơi đổ về náo nức tòng quân. Quân đến Nghệ An, chỉ trong mấy ngày mà quân số lên đến hơn mười vạn người …”. Danh sĩ Nguyễn Thiếp đất Nghệ An đã về ở ẩn nhưng hết lòng ủng hộ người anh hùng dân tộc chống quân Thanh xâm lược. Trước khí thế của toàn quân toàn dân, danh sĩ đã tiên đoán: “Nếu đánh gấp thì không quá 10 ngày, còn nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà đoán được …”.
Ngày 15 tháng 1 năm 1789, hai đạo quân của Ngô văn Sở và Ngô Thì Nhậm đã hội quân với đại quân tại phòng tuyến Tam Điệp để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công thần tốc quét sạch quân thù ra khỏi đất nước. Chiến dịch “Tổng Tiến Công Thần Tốc” đã được hoạch định với 5 đạo quân tạo thành 5 mũi tiến công đồng loạt các doanh trại, đồn lũy giặc để bẻ gãy thế liên hoàn không cho chúng có thì giờ tiếp cứu lẫn nhau. Ngày 29 tháng chạp, Hoàng Đế Quang Trung tổ chức mở tiệc khao quân cho quân sĩ ăn tết trước để rạng sáng 30 tết xuất quân thần tốc, bất ngờ, quyết chiến quyết thắng. Đêm 29 tết, toàn quân làm lễ “Thệ sư” giữa núi rừng u linh vang lên lời hịch xuất quân của Quang Trung Hoàng Đế:
“Đánh cho được để đen răng Đánh cho được để dài tóc
Đánh cho xe giặc tan tành, Đánh cho quân thù tơi tả Đánh cho sử sách lưu danh Việt Nam hùng anh Muôn thuở …”.
Đánh cho xe giặc tan tành, Đánh cho quân thù tơi tả Đánh cho sử sách lưu danh Việt Nam hùng anh Muôn thuở …”.
Hoàng đế Quang Trung cùng toàn thể quân sĩ thề quyết tâm giết giặc để mồng 7 tết sẽ vào thành Thăng Long làm lễ “Hạ Nêu” mừng chiến thắng. “Hỡi ba quân tướng sĩ, các ngươi nhớ xem lời ta nói có đúng không?”. Đại danh tướng, Hoàng Đế Quang Trung vừa dứt lời, toàn quân hô dạ vang trời như sấm rền, rung động cả núi rừng … Tiếng trống lệnh xuất quân dồn dập, toàn quân ai nấy náo nức trong lòng, dồn dập tiến bước trong màn đêm lạnh lẽo của núi rừng Tam Điệp chập chùng …
Tảng sáng 30 tết, đại quân đã vượt sông Gián Khẩu tức sông Đáy tấn công các cứ điểm tiền tiêu của giặc. Lần lượt Gián Khẩu, Thanh Quyết rồi Nhật Tảo bị tiêu diệt gọn, không một tên giặc nào chạy thoát. Chiến dịch hành quân thần tốc, bất ngờ bốn hướng tập kích đồng bộ khiến quân giặc bị tiêu diệt gọn không kịp tháo chạy. Đúng nửa đêm mồng 3 tết, quân ta đã bao vây đồn Hà Hồi ở Thường Tín Hà Tây cách Thăng Long chưa đầy 20 cây số. Quân giặc đang say sưa ngủ thì từ 4 phiá, tiếng loa gọi hàng vang như sấm dậy, tiếng trống thúc quân dồn dập, quân ta hàng hàng lớp lớp hô vang “xung phong, xung phong” khiến quân giặc thất kinh hồn vía lên mây chỉ kịp quỳ xuống van lạy đầu hàng, một số hoảng hốt chống cự lại bị giết tại trận.
Đêm mồng 4 tết, cánh quân “Kỵ” của Đô Đốc Đông bất ngờ tập kích vào cứ điểm Đống Đa của giặc. Trong đêm tối, những con rồng lửa từ trên trời đổ ập xuống đầu quân giặc, chúng chưa kịp phản ứng gì thì quân ta đã tràn ngập cứ điểm. Quân giặc hốt hoảng tháo chạy tán loạn, dẫm đạp lên nhau mà chết tạo thành từng gò đống chồng chất xác giặc nên dân gian gọi tên nơi này là gò Đống Đa. Tướng giặc Sầm Nghi Đống cùng đường phải treo cổ lên cành Đa tự vẫn. Cửa ngõ Tây Nam Kinh thành đã mở toang cho đoàn kỵ binh tiến như vũ bão vào Thăng Long.
Cùng lúc đó, đại quân do Hoàng Đế Quang Trung đích thân chỉ huy ào ạt tấn công Ngọc Hồi, một cứ điểm quân sự trọng yếu của giặc. Cứ điểm Ngọc Hồi được xây cất công phu kiên cố và có quân số đông nhất do Phó tướng Hứa Thế Hanh chỉ huy để bảo vệ cho đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị. Trong tiếng hò reo, quân ta nhất loạt xung phong, đoàn voi chiến hung hãn xông trận. Hứa Thế Hanh tung đoàn kỵ binh thiện chiến nhất ra ngăn chặn nhưng bị các xạ thủ ngồi trên lưng voi nã từng loạt pháo vào đoàn kỵ binh giặc khiến người ngựa tan thây, hàng ngũ giặc náo loạn, đội hình giặc tan vỡ tức thì, quân giặc hoảng loạn quay đầu dẫm đạp lên nhau chạy vào trong thành tử thủ. Hàng loạt đạn pháo từ trong thành bắn ra nhưng quân ta vẫn tiến công như vũ bão. Đoàn voi chiến chia thành 2 cánh mở đường cho đội xung kích xông lên. Sáu trăm chiến sĩ cảm tử chia thành 20 toán, cứ 10 người dao ngắn dắt bên hông khiêng một tấm mộc lớn ghép bằng nhiều tấm ván, bên ngoài bện rơm ướt thành một lớp dày, phía sau tấm mộc là 20 chiến sĩ được trang bị “Bạch khí” “Hỏa hổ”, “Hỏa cầu lưu hoàng” và súng “Điểu Thương” lớp lớp tiến lên, tạo thành một bức tường thành di động từ từ áp sát chân thành. Đại bác, cung nỏ, hỏa mù của giặc bắn ra tới tấp. “Khói tỏa mù trời nhưng vẫn không cản được đoàn quân cảm tử. Khi áp sát chân thành lũy, các chiến sĩ xung kích nhất loạt bỏ tấm mộc rồi rút dao xông vào chém giết quân gìặc. Kèn thúc quân, tiếng trống trận Tây Sơn vang lên như sấm dồn chớp giật, hàng hàng lớp lớp quân ta ào ạt xông lên như vũ bão. Tuyến phòng thủ của giặc bị quân ta chọc thủng, quân giặc la hét hoảng loạn tháo chạy tán loạn. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết giặc thù, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối …”. Trận chiến khốc liệt xảy ra từ sáng sớm đến buổi trưa mồng 5 tết, cứ điểm cuối cùng của quân Thanh bị diệt gọn. Tướng giặc Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thanh bị giết tại trận. Tàn quân tháo chạy vào mũi đột kích của Đô Đốc Bảo, quân ta dồn giặc vào vùng Đầm Mực giết chết hàng vạn tên. Sách sử chép “Mờ sáng ngày mồng 5 tết, Tôn Sĩ Nghị còn đang hoảng hốt khi được tin Đống Đa thất thủ, Sầm Nghi Đống tự vận. Nghị chưa kịp hoàn hồn thì lại nhận được tin cấp báo đồn Ngọc Hồi bị tấn công tan tành. Sợ quá, Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc áo giáp vội nhảy lên mình ngựa chưa kịp thắng yên cương rồi phóng như bay về cầu phao chạy thẳng lên hướng Bắc. Thấy Tướng Tổng Chỉ Huy bỏ chạy, các tướng sĩ thi nhau tháo chạy như ong vỡ tổ … tràn ngập cầu phao, dẫm đạp lên nhau chết vô số kể...”.
Để thoát thân và sợ bị truy đuổi Tôn Sĩ Nghị đã ra lệnh chặt đứt cầu phao, quân Thanh rơi xuống sông chết thây ngập cả dòng sông. Tàn quân Thanh còn lại chạy đến Phượng Nhân thì lại lọt vào ổ phục kích của Đô Đốc Lộc chờ sẵn xông ra tiêu diệt không một tên nào sống sót. Sử triều Thanh chép: “Ngày mồng 2, Duy Kỳ báo cáo quân (Nguyễn) Huệ kéo đến, Tôn Sĩ Nghị kinh hoảng phá vòng vây vượt Phú Lương giang. Cầu phao bị đứt, Thế Hanh và Duy Thăng, Triều Long dẫn mấy trăm quân giao chiến ở phía Nam cầu phao, thua trận. Hứa Thế Hanh chỉ huy các tướng vượt qua sông, bị vây trong trận, tận lực giao chiến mà tử trận”. Trưa mồng 5 tết Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung ngồi trên lưng voi, chiến bào ướt đẫm mồ hôi, đen xạm khói súng dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào kinh thành trong tiếng reo hò hoan mừng khôn xiết của già trẻ lớn bé thành Thăng Long. Hai dãy bàn “Hương án” được các bô lão bày dọc hai bên đường nghinh đón Đại đế Quang Trung và đoàn quân bách chiến bách thắng Tây Sơn. Ngày mồng 7 tết, Đại đế Quang Trung tổ chức lễ ăn mừng chiến thắng vào đúng lễ Hạ Nêu như đã hứa với ba quân theo truyền thống của Việt tộc. Tổng kết chiến dịch diễn ra chưa đầy 5 ngày, đại danh tướng Nguyễn Huệ đã đánh tan tành 20 vạn quân Thanh xâm lược, một kỳ tích có một không hai của thiên tài quân sự lỗi lạc không những của Việt Nam mà cả trong quân sử của thế giới nữa. Đại Đế Quang Trung không những là một thiên tài quân sự, bách chiến bách thắng” mà còn ấp ủ hoài bão thu hồi lãnh thổ xa xưa của Việt tộc. Sau khi dùng kế sách ngoại giao mềm mỏng để có thời gian củng cố quốc phòng, xây dựng một đội quân chủ lực thiện chiến. Hoàng Đế Quang Trung không chấp nhận cống người bằng vàng, cái nợ Liễu Thăng bị chém bay đầu từ thời vua Lê. Vua Thanh Càn Long phải nhượng bộ, trong bài thơ tặng vua Quang Trung, Càn Long tỏ ý hổ thẹn về việc các triều vua trước bắt Việt Nam cống “người vàng”.
Hoàng Đế Quang Trung lệnh cho Ngô Thời Nhiệm làm biểu gửi Tổng Đốc Lưỡng Quảng đòi lại 7 châu thuộc Hưng Hóa của nước ta. Khi thấy triều Thanh làm ngơ chưa chịu giao trả, Quang Trung tức giận nói với các tướng lãnh “Được rồi, cứ thư thả cho ta vài năm nữa, ta nuôi vững uy lực, đầy đủ nhuệ khí thì có gì mà sợ chúng …”. Đầu năm 1792, Hoàng Đế Quang Trung cử Đại tướng Vũ văn Dũng cầm đầu Sứ bộ sang triều Thanh để cầu hôn công chúa con gái Càn Long, đồng thời đưa biểu đòi lại đất Lưỡng Quảng gồm 2 tỉnh Quảng Đông (tên cũ là Việt Đông) và Quảng Tây (Việt Tây) cho Việt tộc. Nhận được biểu tâu, viên Tổng đốc Lưỡng Quảng lo sợ nhưng vẫn phải tâu lên Càn Long. Theo gia phả họ Vũ thì Vũ văn Dũng đã bệ kiến Càn Long và vua Càn Long đã giao cho bộ Lễ nghiên cứu việc gả công chúa cho Quang Trung và đồng ý cho đất tỉnh Quảng Tây làm của hồi môn. Sự việc mới tiến triển đến đó thì Hoàng Đế Quang Trung đột ngột băng hà. Việc cử một võ tướng cầm đầu sứ bộ sang cầu hôn để nắm vững đường đi nước bước, địa hình chiến lược mai mốt sẽ tiến đánh Trung Quốc, đồng thời để Càn Long thấy rõ quyết tâm đòi lại đất xưa của Việt tộc. Việc cầu hôn chỉ là cái cớ để chọc giận Càn Long, nếu Càn Long từ chối không giao trả Lưỡng Quảng thì Hoàng Đế sẽ xuất quân đánh chiếm lại Lưỡng Quảng. Vua Thanh Càn Long hẳn cũng hiểu rõ ý định của Quang Trung nhưng cũng biết khả năng quân sự của Quang Trung nên đành chấp nhận gả công chúa và trả lại tỉnh Quảng Tây làm quà sính lễ rồi tính sau.
Hoàng Đế Quang Trung không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một vị vua đức độ, thương dân và trân trọng bảo lưu truyền thống văn hiến của Việt tộc. Trong lịch sử Việt, sau Hồ Quý Ly là Hoàng Đế Quang Trung đã ban chiếu phải dùng chữ Nôm trong việc triều chính, thi cử để phục hưng văn hóa Việt … Thế nhưng bất hạnh thay cho dân tộc, thù trong chưa dẹp, mộng lớn chưa thành thì người anh hùng dân tộc, một đại danh tướng lỗi lạc chưa một lần thất bại đã đột ngột qua đời ở tuổi bốn mươi vào tháng 9 năm 1792, để lại sự mất mát lớn lao cho cả một dân tộc. Bách Việt Từ Đường Tộc Phả đã ghi lại lời nói của Hoàng Đế Quang Trung với các bô lão làng Vân Nội như sau:
“Chúng ta đều do Tổ Tiên sinh ra, không cứ là trai gái già trẻ, không cứ là chi tộc nào, dòng họ nào. Mọi người đều là ”CON RỒNG CHÁU TIÊN”, đều từ một bào thai của mẹ Âu nên tất cả từ một mẹ sinh ra các ngành các chi mà thôi. Cành cây lớn muôn lá, gốc vốn ở rễ. Nước có nghìn dòng sông, muôn ngọn suối, vốn có gốc từ một ngọn nguồn. Cảnh vật còn như vậy, huống chi là con người chúng ta. Con người sinh ra đời, đời đời nối tiếp về sau, đều do các người đời trước nuôi nấng dìu dắt vậy.
Ngưỡng mộ và tưởng nhớ Tổ Tiên, chúng ta hãy lấy việc siêng năng mà bồi đắp cho gốc rễ. Lấy sự cần kiệm làm răn rồi tu nhân tích đức, giàu lòng thương người hơn là chê bai ghen ghét người. Là con cháu thì chúng ta phải nối tiếp truyền thống của Tổ Tiên, chứ lẽ nào con cháu mà lại không suy nghĩ về ý nghĩa thâm trầm cao đẹp nói trên hay sao?
Phạm Trần Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét