“Kiếp hoa” – nét son của Hà Nội ngày tháng cũ
“Kiếp hoa” là một trong những bộ phim có âm thanh đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam sản xuất (trước đó cũng có rất nhiều phim truyện hoặc do người Pháp hoặc do người Việt thực hiện với tài tử – cảnh trí Việt Nam, song thời lượng thường rất ngắn và chất lượng nội dung cũng kém). Được quay tại Hà Nội năm 1953 và trình chiếu trên toàn quốc năm 1954, bộ phim “Kiếp hoa” là sự kiện vô tiền khoáng hậu lúc bấy giờ, đồng thời gây nên làn sóng ái mộ trên khắp ba miền – điều mà trước đó chỉ dành cho phim ảnh nhập cảng từ ngoại quốc.
“Kiếp hoa” vốn chỉ là một dự án phim mang tính gia đình, bởi thời đó chưa có nhà làm phim chuyên nghiệp. Để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm điện ảnh do chính mình chỉ đạo sản xuất, ông bầu Long (tức Trần Viết Long, nghệ danh Trần Lang, trưởng đoàn hát Kim Chung) đã tổ chức một cuộc thi sáng tác truyện phim và chọn ra kịch bản tâm đắc “Kiếp hoa” từ 300 tác phẩm ứng thí.
Các tài tử của bầu Long ban ngày thì đóng phim, đến chập tối lại phải lên sâu khấu diễn cải lương. Ngoại cảnh “Kiếp hoa” được quay tại Hà Nội, nhưng nội cảnh thì phải sang Hồng Kông quay. Vì thế, cứ vài ngày, tiền bán vé cải lương lại được ông bầu Long gom lại và đổi thành dollar Hồng Kông để lo kinh phí quay phim tại Hồng Kông. Đạo diễn và nhà quay phim đều là người Hồng Kông. Nội cảnh nhà nhân vật nam chính được sắp đặt y hệt nội thất tự gia của ông bầu Long đang ở lúc đó – nơi ngày nay là số 84 phố Nguyễn Du (Hà Nội) ; sau khi bộ phim gặt hái doanh thu lớn, ông bầu Long đã mua hẳn tòa biệt thự từng được thuê để quay phim đó. Phim quay gấp nhằm cạnh tranh với bộ phim “Bến cũ” cũng đang sản xuất tại Sài Gòn, kết quả là “Kiếp hoa” ra rạp trước “Bến cũ” gần một tháng. Theo lời tài tử Tiêu Lang (em ruột của bà Kim Chung), “Bến cũ” tuy là phim màu nhưng chỉ là phim 16 ly quay bằng máy cầm tay, nên độ chuyên nghiệp vẫn kém phim 35 ly “Kiếp hoa”.
Truyện phim “Kiếp hoa” mô tả số phận nổi trôi của hai chị em Ngọc Lan – Ngọc Thủy với những tình tiết vô cùng éo le, gai góc ; bối cảnh phim là giai đoạn trong và sau cuộc tản cư kháng Pháp của người dân Hà Nội. Ngọc Thủy nhí nhảnh, hồn nhiên bên cạnh người chị đa đoan mà bạc mệnh. Đảm nhiệm vai Ngọc Lan là nữ tài tử Kim Chung (phu nhân của ông bầu Trần Viết Long), nữ tài tử Kim Xuân (em dâu của bà Kim Chung) đóng vai Ngọc Thủy ; nhân vật nam chính – Thiện – do tài tử Trần Quang Tứ thủ diễn (chủ yếu do ông có chiều cao tương xứng với nữ tài tử Kim Chung, bởi ông vốn là một thương gia buôn gạo ở phố Hàng Chiếu chứ không phải diễn viên chuyên nghiệp).
Để tăng phần hấp dẫn cho “Kiếp hoa”, các nhà làm phim đã mượn giai điệu của một số ca khúc đang nổi tiếng bấy giờ làm nhạc nền : Giai điệu “Dư âm” (Nguyễn Văn Tý) làm nền cho cối cảnh đô thị ; cảnh trí thôn dã thì có “Làng tôi” (Chung Quân) ; cảnh ly loạn có “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong) ; ca khúc “Cây đàn bỏ quên” (Phạm Duy) được một nhân vật nam nghêu ngao hát ở quán cà phê để tán tỉnh mỹ nữ. Ca khúc “Làng tôi” đã làm nên danh tiếng của nhạc sĩ Chung Quân (lúc đó mới 16 tuổi) khi vượt lên nhiều ca khúc khác trong cuộc thi chọn nhạc nền cho phim.
Ông bầu Trần Viết Long và phu nhân Kim Chung trong ngày khai chiếu phim “Kiếp hoa” tại rạp Đại Nam, 1953.
Một khán giả từng có dịp xem “Kiếp hoa” ngay khi bộ phim mới trình diện công chúng – ông Mai Văn Minh, nay đã ở tuổi bát tuần – cho biết : “Ngày đó, ‘Kiếp hoa’ thực sự là một sự kiện nghệ thuật đình đám của đất Thăng Long. Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy người ta quảng bá bộ phim này bằng cách thuê nguyên một máy bay trực thăng rải các tờ bướm quảng cáo quanh hồ Gươm. Trong những lần chiếu đầu tiên, bao giờ rạp cũng đông kín người. Nghe nói tiền bán vé thu được sau một thời gian công chiếu đã giúp ông bầu sắm được một ngôi biệt thự sang trọng“. Thực vậy, các tài liệu nghiên cứu về lịch sử điện ảnh Việt Nam đều thừa nhận, “Kiếp hoa” được xem là phim nội địa đầu tiên hay nhất, doanh thu hơn 10 triệu đồng (vào thời điểm 1954 là một con số khổng lồ) khiến đoàn Kim Chung có nội lực để phát triển trong rất nhiều năm về sau (đoàn Kim Chung là gánh hát cải lương lớn nhất trong suốt thời Việt Nam Cộng hòa). Bộ phim “Kiếp hoa” ra đời trong thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương, trong khi điện ảnh vẫn còn rất xa lạ với đại chúng ; trong phim, hẳn bất cứ ai cũng thấy cách dàn dựng còn nặng tính ước lệ, lối diễn xuất cũng như kỹ thuật hóa trang chưa thoát khỏi ảnh hưởng của ca kịch – song so với mặt bằng chung của điện ảnh thế giới đương thời thì thực trạng như vậy không hề tệ. Tác giả Ngành Mai nhận định : “Vào thời ấy, sau thất bại về kỹ thuật của hai phim ‘Trận phong ba’ và ‘Cánh đồng ma’ của Đàm Quang Thiện quay năm 1930, ‘Kiếp hoa’ ra mắt như một cuốn phim đầu tay hoàn hảo về kỹ thuật và khá điêu luyện về diễn xuất“.
Ở Hà Nội, suốt tháng 10 năm 1953, “Kiếp hoa” chiếu một lúc tại rạp Đại Nam (phố Huế) và Bắc Đô (Hàng Giấy), chênh nhau nửa giờ. Cứ xong một cuộn ở rạp này, lại có người chạy xe Mobilet mang sang rạp kia chiếu tiếp. Ở Sài Gòn, phim cũng chiếu cùng lúc hai rạp Nam Quang và Nam Việt. Theo ông Tiêu Lang, nghề đầu cơ vé xem phim ở Việt Nam bắt đầu từ phim này. Tiền bán vé “Kiếp hoa” cũng giúp ông bầu Long có thể đầu tư phát triển tới 7 đoàn Kim Chung đi diễn khắp miền Nam về sau.
Bà Kim Xuân hồi tưởng, thay vì trả thù lao cho em dâu (chồng của bà Kim Xuân là tài tử Tiêu Lang), bầu Long mua tặng bà chiếc nhẫn kim cương 1 carat. Sau này, bà bán chiếc nhẫn được 5 triệu đồng, phụ vào số tiền 13 triệu mua căn nhà số 46 phố Bát Đàn mà vợ chồng bà đang ở bây giờ.
Ông Tiêu Lang kể : “Mới đầu, anh chị tôi hợp tác với bà Ái Liên thành đoàn Kim Chung – Ái Liên. Có nghề rồi, anh chị tôi mới tách riêng“. Cũng theo ông Tiêu Lang, ông bầu Long xuất thân từ một gia đình điền chủ, sở hữu hàng ngàn mẫu thượng đẳng điền ở tỉnh Vĩnh Yên cũ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), có đồn điền Văn Lãng ở huyện Bình Xuyên (thuộc tỉnh Phúc Yên cũ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đoàn Ái Liên không lâu sau cũng đầu tư sản xuất các phim “Nghệ thuật và hạnh phúc” và “Phạm Công – Cúc Hoa”, những ít được công chúng biết đến.
Trước thành công vượt bậc của bộ phim “Kiếp hoa”, ông bầu Long đã lên kế hoạch chuyển thể tiểu thuyết “Trống mái” của nhà văn Khái Hưng thành phim. Thế nhưng, dự án này chỉ mới ở khâu tuyển lựa tài tử thì phải kết thúc vì vấp phải những biến cố chính trị sau Hiệp định Genève. Phần lớn thành viên đoàn hát Kim Chung vội vã di cư xuống Nam phần vĩ tuyến 17 (ông Tiêu Lang và phu nhân vẫn ở lại Hà Nội), từ đó về sau đoàn hát này chỉ chuyên tâm phát triển cải lương và không thực hiện thêm bất cứ dự án điện ảnh nào nữa. Tại miền Nam, phim “Kiếp hoa” được chiếu đi chiếu lại nhiều lần với đối tượng khán giả chính là những người Bắc di cư còn nặng lòng hoài cổ và tưởng nhớ cố đô đã ở bên kia giới tuyến, lần cuối cùng “Kiếp hoa” xuất hiện là năm 1974.
Suốt nhiều thập niên, tưởng chừng “Kiếp hoa” đã vĩnh viễn mất tích khỏi làng giải trí Việt Nam, may thay trước khi từ trần (2008) nữ danh ca Kim Chung đã gửi tặng Viện Lưu trữ phim Việt Nam 8 cuộn băng gốc của bộ phim “Kiếp hoa”. Các chuyên viên kỹ thuật của cơ quan này đã bắt tay ngay vào việc phục chế bộ phim và hoàn tất vào năm 2012. Bản phim lưu hành trên các kệ đĩa và mạng xã hội hiện nay chính là bản phim đã qua công đoạn phục chế, với độ phân giải cao hơn bản gốc, đồng thời các vết ố và đoạn âm thanh bị rè đã được khắc phục.
KIẾP HOA
Năm sản xuất : 1953
Quốc gia : Quốc gia Việt Nam
Nhà sản xuất : Kim Chung Điện ảnh Công ty
Đạo diễn – Biên kịch : Trần Lang
Tài tử : Kim Chung (Ngọc Lan), Kim Xuân ( Ngọc Thủy), Trần Quang Tứ (Thiện), Ngọc Toàn ( Nhạc), Tuấn Sửu (Tam), Nhã Ái (mẹ Ngọc Lan), Tiền Phong (cha Thiện), Tiêu Lang (người mua thuốc lá)…Trên đường tản cư hai chị em Lan và Thúy dìu dắt mẹ già đi lánh nạn. Lần đầu tiên trong đời, hai cô gái thị thành từng quen với cảnh lầu cao cửa kín kia tiếp xúc với cuộc sống gai lửa, vất vả do thời chinh chiến tạo nên. Họ đã vượt qua bao chặng đường nguy hiểm, người mệt lả bụng đói mà bên tai thì tiếng súng đạn vẫn réo lên từng hồi. Mệt quá mẹ của Lan ngồi nghỉ dưới gốc cây, mà trong lúc này cơn đau tim của bà lại nổi lên, khiến cho hai chị em Lan và Thúy vô cùng lo lắng.Trời gần tối không biết đêm nay tá túc nơi đâu, họ cố gắng đi một đoạn đường nữa và trông thấy một ngôi nhà to lớn hiện ra trước mắt. Lan đánh bạo đến ngỏ lời với một người đàn ông mà nàng đoán là ở trong ngôi nhà kia, và theo lời giới thiệu của người này, nàng được gặp một thanh niên khôi ngô tuấn tú tên là Thiện. Vừa nghe hai chị em Lan trình bày cảnh ngộ Thiện vội vàng mời ba mẹ con vào ở lại nhà chàng, Thiện tỏ ra lễ phép, sốt sắng giúp đỡ khiến ba mẹ con Lan vô cùng cảm kích. Bữa cơm thanh đạm được dọn ra, gia đình tị nạn và ông chủ nhà cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Thời loạn lạc khiến người ta dễ thân nhau nên chẳng mấy chốc họ thấy những lề lối khách sáo mất dần, thay vào đó Lan cũng như Thúy đã gọi Thiện bằng “anh” thân mật, và Lan cảm thấy có một cái gì vui vui chợt hiện đến với nàng.Lần đầu xa nhà, Thúy không thể nào nhắm mắt được và ngoài trời trăng sáng quá, đêm thôn quê tĩnh mịch trầm lặng chan hòa ánh trăng. Cây lá lao xao, động đậy uốn mình dưới ánh trăng, khiến lòng người thiếu nữ yêu mến cảnh vật, và nàng rón rén ra khỏi nhà, lần đi theo hàng hiên ra khỏi vườn.
Trăng sáng gió dịu, Thúy tự nhiên cất tiếng hát réo rắt ngân nga giữa không gian tịch mịch của đêm trường. Vui chân nàng như quên rằng đêm đã khuya, và chỗ mình đang ở là một vùng đất lạ. Bỗng nàng kêu thét lên, một bóng người ở đâu xông ra ghì chặt lấy nàng, cố đặt cái hôn lên má nàng. Nàng vùng vẫy nhưng y mạnh quá, siết chặt nàng như bị thúc đẩy bởi sức mạnh của ngọn lửa nhục dục bừng bừng. Thúy cố dằn co và hét to lên. Ðang ngủ, nghe tiếng la Lan vội vùng dậy và Thiện cũng nghe thấy. Hai người hốt hoảng chạy về phía có tiếng động, thì ra kẻ ấy chẳng ai khác hơn là gã đày tớ của Thiện. Phẫn nộ, Thiện đã giáng cho y một trận nên thân.
Sau hôm đó Thúy và Lan cũng thấy yên lòng bên cạnh sự che chở đùm bọc của Thiện và Thúy vẫn nhí nhảnh ca hát theo bản tính hồn nhiên của nàng. Lan nhiều tuổi hơn em, nàng tỏ ra lo lắng cho tình cảnh mình không biết là ngày mai sẽ ra sao đây, khi nàng phải bỏ nơi này mà đi, phải xa người thanh niên mà nàng đã bắt đầu yêu mến. Sống gần bên nhau hai người không thể kéo dài sự yên lặng được, nên một hôm nọ Thiện thú thật nỗi lòng mình, và từ đó mối tình nồng thắm bắt đầu nảy nở giữa những ngày khói lửa súng đạn.Một hôm đang sum họp vui vẻ thì họ được lệnh phải tản cư gấp, Lan và Thúy vội sửa soạn hành lý dìu mẹ lên đường, nhưng bà cụ mệt quá không đi được, bịnh đau tim lại nổi lên hành hạ bà già không gượng được, nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng trong tay Lan – Thúy, hai nàng gào khóc thê thảm. Mẹ chết phải chạy loạn không biết ngày nào mới hết khổ, Lan và Thúy chỉ còn một nguồn an ủi là Thiện. Hôm từ biệt nhau, Thiện lấy một tấm hình của mình ra trao cho Lan, và chàng xin Lan một tấm để làm kỷ niệm, để khi nào nhớ nhau thì lấy ra xem. Họ cầm tay nhau, ngậm ngùi hẹn nhau ngày gặp và sáng hôm sau Lan cùng Thúy lên đường, hai chị em dắt dìu nhau qua nhiều chặng đường gai gốc mà khói lửa vẫn đuổi theo bên lưng họ.
Sau một thời gian vất vả họ chạy về đến Thái Bình, ở đó Thiện đã hẹn với chị em Lan Thúy nhưng lại không gặp và Thiện chờ mãi nhưng hai nàng lại đang rẽ sang một lối khác. Nửa giờ sau Thiện đạp xe đến tìm Lan Thúy thì hai chị em đã đi xa rồi. Buồn rầu chàng toan đạp xe đi thì gặp Nhạc là bạn của Thiện chủ tiệm cà phê, có tài đàn hát cũng vừa dẹp quán chạy tản cư. Gặp nhau họ mừng rỡ vô cùng.Thiện vội hỏi :- Anh có gặp chị em Lan và Thúy đâu không ?Thấy vẻ vồ vập của Thiện, Nhạc mỉm một nụ cười tinh quái :- Không !Thiện rút trong ví ra chiếc ảnh của Lan, lật phía sau đề vài câu nhắn gặp nàng tại một chỗ nhất định, xong chàng chìa cho Nhạc :- Anh làm ơn trao bức ảnh này cho Lan nếu anh gặp nàng, bảo rằng tôi vẫn đợi, nếu nàng không tin thì tấm hình này sẽ là một bằng cớ chắc chắn, chứng tỏ rằng tôi đã nhờ anh, mong anh vui lòng giúp tôi việc ấy.- Vâng, tôi sẽ làm theo lời anh.Họ chia tay nhau, trông theo bóng Thiện khuất sau rặng cây, Nhạc đưa tấm hình của Lan lên ngắm nghía. Một nụ cười bí mật thoáng nở trên môi, y nhớ lại hôm Thiện dẫn Lan và Thúy đến quán cà phê của y. Lúc đó y đã lợi dụng tài đàn ngọt, hát hay để cám dỗ Lan, nhưng cô gái này đã gởi trái tim cho Thiện nên đã trả lời bằng cái nhìn lạnh lẽo, không thiện cảm. Càng nhớ lại càng khó chịu. Y nhìn chiếc ảnh một lần nữa và cất kỹ vào túi áo.
Nghe tin Thiện đã hồi cư về Hà Nội, Lan và Thúy một sáng kia cũng lần mò trở về đây. Sau ngày chính biến thay đổi khá nhiều, trông điêu tàn đổ nát, nhà cửa của mẹ Lan đã tiêu tan trong cơn binh lửa, bà con thân thích cũng chẳng có một ai. Hai chị em tìm đến nhà Thiện hỏi thăm thì ra Thiện vẫn chưa về. Chán nản buồn rầu, Lan – Thúy lại thất thểu ôm gói áo quần lang thang qua hầu hết các hè phố, người mệt bụng đói không biết tối nay sẽ ngủ ở vỉa hè hay tá túc nơi đâu. Ðang đi bỗng Lan véo vai Thúy, reo lên :- Thúy ơi! Ai như là anh Tam bán mì ngày trước quen với nhà ta.Thúy ngẩn nhìn và mắt nàng sáng lên :- Ðúng rồi, gặp người quen rồi, vào đi.Họ bước vào ngôi quán bán mì đông nghẹt cả khách ăn. Vừa trông thấy họ, Tam vui vẻ :- Kìa cô Lan cô Thúy, các cô về bao giờ thế ?- Thưa anh, chúng tôi vừa mới về.- Cụ đâu ?Buồn rầu, Lan đáp :- Mẹ tôi mất rồi anh ạ !Mùi xào nấu thơm phức bay lên khiến Thúy không nén khỏi cơn đói cồn cào như vò xé ruột gan. Nàng nhìn vào tô mì nóng hổi mà Tam vừa làm xong. Biết ý, Tam liền mời hai chị em ăn, họ ăn rất ngon lành như đói đã lâu ngày.
Bây giờ thì Lan và Thúy ở hẳn nhà Tam, ngày ngày Lan đi chợ mua hàng, Thúy giúp Tam công việc trông hàng tiếp khách, họ sống ẩn nhẫn để chờ Thiện về. Một hôm đang xách làn đi chợ ngang cửa ô thì Lan gặp Nhạc đang đạp xe qua đường. Thấy Lan, Nhạc vội thắng xe đứng lại :- Ô kìa, cô Lan !- Anh Nhạc, anh về bao giờ thế, anh có gặp anh Thiện đâu không ?Một ý nghĩ thoáng qua đầu Nhạc :- Có gặp nhưng mà câu chuyện dài lắm, còn nhắc đến làm chi cho thêm đau lòng.- Anh Nhạc, anh nói sao ? Trời ơi anh làm ơn kể lại cho tôi nghe đi !- Chuyện còn dài, ngày mai đúng 9 giờ cô đến hồ Tây, tôi sẽ kể hết cho cô nghe.
Ðúng giờ hẹn, Nhạc chải chuốt ăn mặc bảnh bao chờ Lan ở trên một chiếc ghế đá và khi hai người đã ngồi yên bên bờ hồ, Lan giục :- Thế nào anh Thiện ra làm sao hở anh ?Nhạc nói giọng nghiêm trọng :- Thiện đã chết.Lan òa ra khóc :- Trời ơi, anh Thiện đã chết thật rồi sao ?Nhạc yên lặng rút trong mình tấm ảnh của Thiện gửi cho gã và đưa ra cho Lan. Mặt sau ảnh y đã tẩy xóa hết những dòng chữ của Thiện và tự tay y điền vào những câu khác.
Lan cầm tấm ảnh lên ngắm nghía đúng là tấm ảnh của nàng đã trao cho Thiện lúc chia tay. Và lật ra sau lưng bức ảnh để xem những dòng chữ Thiện gởi cho nàng mà do Nhạc đã bịa ra : “Em Lan, anh trúng đạn, không sống nổi, vĩnh biệt em” !Tim Lan như tan nát, cảnh vật trước mặt Lan như tối sẩm hẳn lại, nàng nghẹn ngào :- Anh Thiện ơi !Trong lúc nàng đưa tay ôm lấy mặt, nước mắt nàng ứa ra, Nhạc xốc cổ áo, bước đến bên Lan :- Thôi cô đừng buồn nữa, Thiện chết đi thì đã có…Lan quay phắt lại :- Anh bảo gì ?Nhạc ấp úng :- Thiện chết đi thì đã… có tôi, buồn mà làm gì ?Lan tức giận :- Anh nói thế mà cũng nghe được ư ? Ðồ đểu giả, bạn anh vừa mới chết chưa bao lâu mà anh nỡ đối xử với tôi như thế ư ?Nhạc sấn tới cầm tay Lan.- Bởi vì tôi yêu Lan từ hôm gặp nhau lần đầu. Em đẹp quá !Một cái tát của Lan làm Nhạc tối tăm mày mặt, y xấu hổ chuồn như con chó ăn vụng bị người ta bắt gặp.
Về đến nhà, Lan buồn rầu bỏ cả cơm suốt ngày bần thần rũ rượi. Tam liền bày trò mời Lan và Thúy đi xem hát cho đỡ buồn. Tan hát họ đưa nhau vào một tiệm ăn nhưng Lan từ chối không ăn uống gì cả, nàng còn đâu tâm trí mà nghĩ đến chuyện uống ăn. Thừa cơ Thúy về nhà mời Ân, bạn của Tam, còn một mình gả với Lan, gả liền ép Lan uống rượu, Lan càng từ chối y càng khẩn khoản mời mọc. Nể quá, Lan uống một ly, rồi hai ly, ba ly… chưa bao lâu nàng đã say mèm không còn hay biết gì nữa. Tam nở một nụ cười đắc ý và khi trả tiền xong hắn dìu Lan vào một phòng ngủ. Thế là trong đêm bất hạnh ấy người thiếu nữ trong trắng kia đã bị dập liễu vùi hoa, tấm thân trinh bạch đã bị hoen ố vì tên bán mì. Tỉnh dậy việc đã lỡ, Lan đành ngậm đắng nuốt cay gọi tên gian xảo làm chồng. Từ đây mất Thiện, đời nàng chẳng còn nghĩa lý gì nữa, và tên sở khanh kia không phải chỉ đểu cán chừng ấy mà thôi, làm nhục chị chưa đủ, y còn muốn dòm ngó Thúy nữa, ra cái điều “hoa thơm thì chiếm cả cụm”.Thế là một buổi sớm kia vì không chịu nổi tủi nhục, Lan và Thúy dắt dìu nhau ra khỏi nhà Tam, trong tay không có một đồng một chữ, ngay đến chiếc nhẫn vàng hai đồng cân, Lan cũng đã tháo ra trả lại cho gã bán mì.Nhờ sự giúp đỡ của vài người quen biết, hai chị em Lan mở một quầy thuốc lá sống đắp đổi qua ngày, một hôm họ trông thấy Thiện ăn mặc sang trọng, lái xe hơi ngang qua chỗ mua bán của hai nàng. Thấy chị em Lan, Thiện không nén nỗi vui mừng, liền xuống xe bước vào, chàng tưởng Lan sẽ niềm nở đón tiếp, ngờ đâu Lan tự nghĩ thân mình đã nhơ nhớp không xứng đáng với Thiện, liền quay mặt đi. Nàng lạnh nhạt với Thiện nhưng khi trở về một mình trằn trọc trên giường, nàng lại không nén nổi nước mắt tủi buồn khóc cho đời mình.Thiện vẫn yêu Lan như ngày nào, nên chàng vẫn luôn để tâm tìm kiếm dù Lan cố tình trốn tránh. Rốt cuộc Lan tự nghĩ không thể sống xa Thiện được nên nàng để cho trái tim toàn thắng.Lễ cưới của Thiện – Lan được cử hành trong một khung cảnh long trọng tưng bừng, mọi người đều tấm tắc khen cô dâu ngoan và đẹp. Thiện thì hoàn toàn sung sướng, nhưng than ôi ! Giờ âm u đã điểm, trong lúc nâng ly rượu mừng, Lan bỗng tái mặt vì trông thấy gã bồi bưng rượu cho mình không ai khác hơn là bạn của Tam bán mì và hắn cũng nhận ra Lan. Một nỗi lo sợ xâm chiếm tâm hồn, khiến nàng như mất trí vội vàng cáo ốm lên trên gác, nàng nghĩ đến lúc tên bồi kia tố cáo tất cả những sự nhơ nhớp của nàng, đến đoạn đời đen tối khi sống tại nhà gã Tam.Và nàng nghĩ đến Thiện, đến thanh danh của cái gia đình đã lầm tưởng nàng là người chính chuyên đức hạnh. Không, nàng không muốn cho Thiện biết tất cả sự thật xấu xa của nàng che dấu bấy lâu nay, tưởng đến cái phút Thiện nghe hết những lời tố cáo của tên bồi kia, Lan như muốn chết ngay lúc đó. Không, nàng phải đi khỏi nơi này ngay, thân nàng xấu xa nhơ nhớp, đâu xứng đáng với tình yêu cao cả của Thiện.Trong đêm giông tố, Lan lặng lẽ ra đi như người mất hồn. Mưa gió phũ phàng như vô tình toa rập với nghịch cảnh của cuộc đời, vùi dập thêm kiếp hoa cho tan tác rã rời. Ðến núp dưới một bức tường, Lan mơ màng nghĩ đến hai người thân thích trong đời nàng – Thiện và Thúy – mà từ đây nàng không bao giờ còn gặp lại. Mưa gió vẫn cuồng loạn, một trận gió hung hãn thổi đến đẩy tường ngã xuống, vôi gạch rơi ào ào đè lên mình Lan, nàng lịm đi trong cơn giông bão. Ðến lúc Thiện và Thúy đánh xe đi đến nơi thì Lan chỉ còn là một cái xác không hồn.Mưa đã tạnh nhưng trong đêm khuya tiếng rao hàng của một anh bán mì lảnh lót vẫn vang lên trong cái im lặng của đêm dài. Thúy hốt hoảng choàng mình thức dậy, nàng vừa tỉnh một cơn mơ hãi hùng, trong giấc mơ cả dĩ vãng chua xót vừa sống lại, rõ ràng trước mặt tiếng rao hàng đều đặn của gã bán mì vẫn dai dẳng như một ám ảnh nặng nề. Nó theo đuổi Thúy, châm chọc Thúy gợi lại một tấn kịch đau thương làm nàng bỗng khóc lên rưng rức. Ở phòng bên, Thiện không ngủ được, nghe tiếng khóc liền bước sang. Nhìn Thúy, một nét buồn hiện rõ trên gương mặt người đàn ông đau khổ. Ngoài kia tiếng rao mì vẫn lanh lảnh kéo dài, ngân nga trong cái tĩnh mịch hiu hắt của đêm trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét