Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Trăng, Sao và Sương


Lần đầu tiên tôi có dịp biết thêm nhiều về Nhà văn, Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh khi tôi có dịp phỏng vấn cô và phu quân của cô là Nhà văn Nguyễn Quang trong chương trình Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Talk Show.  Trước đây, tôi cũng có dịp gặp cô trong một vài buổi họp của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.  Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé và yếu ớt, vịn tay chồng đến tham dự những buổi họp.  Thường thì cô ít khi nào phát biểu, lặng lẽ đến, nghe và ra về. 

Tôi có thói quen dành ra vài giờ trước ngày thâu hình để tìm tài liệu về người khách mà tôi sẽ phỏng vấn trong chương trình talk show.  Trước đó, nhà văn Nguyễn Quang đã ân cần gửi cho tôi quyển sách "Ốc Muợn Hồn" của ông cũng như quyển sách "Văn Nghiệp và Cuộc Đời của Minh Đức Hoài Trinh" do ông thực hiện.

Mở quyển sách "Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh" , tôi say sưa đọc những bài viết, những hình ảnh về cuộc đời và những sinh hoạt của cô.  Càng đọc, tôi càng mến phục và thấy rằng trước đây mình biết quá ít về cô, ngoài những lần gặp mặt trong những buổi họp hay những bài hát được phổ nhạc từ một số bài thơ của cô mà thôi.

Sau biến cố tháng Tư đen năm 1975, Văn Bút Việt Nam bị chính quyền cộng sản bức tử và Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh là người đã bỏ nhiều công sức để vận động Văn Bút Quốc Tế (VBQT) công nhận Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.  Tôi rất cảm động khi đọc đến đoạn Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh "quá vui mừng, miệng thì cười nhưng nước mắt không ngừng rơi" khi Bồi thẩm đoàn VBQT tuyên bố với 25 phiếu thuận và 7 phiếu chống, công nhận Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại được chính thức là thành viên của tổ chức Văn Bút Thế Giới trong Đại Hội VBQT vào tháng 7 năm 1979 tại Rio De Janeiro, Brazil.

Không chỉ thành công trong nỗ lực vận động cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh tiếp tục đấu tranh không mệt mỏi cho các nhà văn Vit Nam bị cầm tù trong các lao tù cộng sản với các bài viết, các buổi thuyết trình, v.v. Mặc dầu sức khoẻ sút kém trong thời gian gần đây, cô vẫn sát cánh bên phu quân tham dự các chương trình sinh hoạt trong cộng đồng.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ có ý định phối hợp với Nhóm Thân Hữu Văn Bút VNHH và Nhóm Thân Hữu Quảng Ngãi thực hiện một quyển sách để vinh danh những đóng góp của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh trong nền văn học Việt Nam và đặc biệt cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Khi biết tôi có ý định phổ nhạc một bài thơ như một món quà sinh nhật dành cho Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Nhà văn Nguyễn Quang đã rất cảm động và ông mang quyển Tập Thơ đến trao cho tôi với lời nhắn nhủ là "thơ của cô Minh Đức Hoài Trinh khó phổ nhạc lắm đó." Xem qua những bài thơ trong Tập Thơ, tôi thấy có một vài bài thơ đã được một số nhạc sĩ phổ nhạc trước đây như bài "Ai Trở Về Xứ Việt" do nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc, "Kiếp Nào Có Yêu Nhau", "Đừng Bỏ Em Một Mình" do Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, rồi đến "Em Về Giữ Lửa" do Nhạc sĩ Trần Quang Hải và Bạch Yến phổ nhạc và trình bày. Bài thơ "Hỏi Mẹ" cũng được phổ nhạc và do chính tác giả là Ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa trình bày trước đây.  Nhạc sĩ Võ Tá Hân cũng đã phổ nhạc một số bài thơ của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh như "Ai Về Xứ Việt I", " Đợi Em Về", "Gỗ Đá", v.v..  

Khi đọc các bài thơ trong Tập Thơ, tôi hiểu ra lời nhắn nhủ của Nhà văn Nguyễn Quang.  Phần lớn những bài thơ trong Tập Thơ Minh Đức Hoài Trinh đều chất chứa nỗi niềm trăn trở của người con xa xứ hướng về quê hương Việt Nam thân yêu. Đong đầy trong nhiều bài thơ là những uất ức, những hờn căm, những nghẹn ngào của tác giả về cuộc chiến vừa qua.  Những nỗi đau thương, buồn tủi, căm hận, v.v. được khắc họa qua từng chữ, từng câu...Lời thơ tuôn chảy theo cảm xúc của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đôi khi như dòng thác cuồn cuộn tuôn trào, lắm lúc như tiếng nấc nghẹn ngào cho những sự mất mát, những đau thương cho thân phận quê hương với nỗi đau mất nước.  Dường như Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh làm thơ để diễn tả cảm xúc của mình, chứ không phải chú trọng chọn lọc những lời văn chương bóng bẩy để thi vị hoá những điều mình muốn nói.  Chúng ta hãy đọc một vài tâm tình của thi sĩ qua những vần thơ như sau:

Mình về phá tung gông cùm biên giới
Biên giới tình và biên giới kẽm gai
(Em Về Giữ Lửa)

Ta theo chim đến nghĩa trang Trung Việt
Cậy nắp hòm hôn từng mảnh xương yêu
(Mơ)

Nhưng họ tới, gót chân sắt
Họ đạp, họ chà, họ dẫm,
Thế là hết,
Ngọc ngà cháy sém...
Cây rừng úa héo
(Biết Đến Bao Giờ)

Ngoài tình yêu quê hương, tình mẫu tử thiêng liêng, xen kẽ trong các bài thơ trong tập thơ này là những bài thơ tình yêu đôi lứa. Tôi bắt gặp một bài thơ với một cái tựa khá lạ là "Trăng, Sao và Sương".  Chỉ với 4 câu đầu của bài thơ, thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã vẽ lên bố cục của câu chuyện qua hình ảnh của ánh trăng chiếu qua căn phòng và mảnh vườn đơn chiếc:

Ánh trăng chiếu qua song
Xanh xanh xanh mầu trăng trong
Chiếu phòng ai cô độc
Chiếu vườn ai đợi mong

Trong bốn câu thơ tiếp, 

Sương khóc trong lòng đêm
Sương trĩu cành lau mềm
Sương thương trăng thui thủi
Sương nhớ mầu sao êm

Hình ảnh hạt sương được tác giả nhân cách hoá, làm chúng ta liên tưởng ngay đến hình ảnh của người con gái đang đau buồn than khóc cho sự ngăn cách kẻ ở người đi. Người đọc tò mò muốn biết thêm tình tiết của câu chuyện và tác giả đã tiếp tục mượn ba hình ảnh của "trăng, sao và sương" để gửi gắm những nỗi niềm tâm sự đó.  Nếu như ngày xưa, người thiếu phụ trong Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm tiễn đưa chồng ra chiến trận và nương theo bóng trăng tưởng nhớ người chồng ở phương xa như qua hai câu thơ:
"Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi.
 Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San".
thì cũng với hình ảnh bóng trăng ấy, Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã diễn tả tâm trạng của người ở lại trước buổi chia ly: 

Trăng ơi và sương ơi
Người ấy sắp xa rồi
Bơ vơ mình trăng lạnh
Một vì sao đang rơi
Người ấy sẽ ra đi
Gió ngàn tung cánh phi 
Tương tư ai đâu nữa
Trăng sáng nhiều làm chi?

Và hệ lụy của sự chia cách này đã được thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh khéo léo lồng vào qua hình ảnh của "trăng, sương và sao", với ánh trăng cũng dường như lu mờ đi, ánh sao không còn lung linh nữa và ngay chính những giọt sương cũng nhỏ lệ cho sự xa cách.

Trăng sẽ ngừng rực rỡ
Sao sẽ ngừng long lanh
Khuya nào sương nức nở
Khóc ngay vui mong manh

Tuy trong nỗi đau chia cách, tác giả đã viết lên niềm hy vọng trong một viễn ảnh tươi sáng về ngày đoàn tụ, với hình ảnh của "trăng, sao và sương":

Bao giờ ta gặp nhau
Cho trăng quên buồn đau
Cho sao bừng ánh sáng
Sương thôi mờ khóm lau

Là một người hiền hoà, trầm lặng nhưng mang trong lòng một ý chí cương quyết, một tinh thần lạc quan như chúng ta đã có dịp được biết qua quãng đời hoạt động của Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh trong nhiều thập niên qua, chúng ta mong rằng niềm tin và ý chí lạc quan cho quê hương mà cô đã gửi gắm qua thi phẩm "Trăng, Sương và Sao" cũng như qua nhiều bài thơ khác sẽ sớm trở thành hiện thực với hình ảnh một ngày ánh trăng sao "bừng ánh sáng" trên quê hương Việt Nam không còn bóng cộng thù.  Ngày đó, những đôi tình nhân hay những cặp vợ chồng sẽ không còn gặp cảnh chia ly, kẻ ở lại trên quê hương tù đày, người đi tìm tự do hay các cô gái trẻ phải xa quê hương, lấy chồng nơi xứ người vì miếng cơm manh.  Và ngày đó, những người cầm bút trên quê hương Viêt Nam được tự do nói lên tiếng nói của mình mà không sợ phải gặp cảnh đàn áp, tù đày.  

Xin phép mượn bốn câu thơ đầu trong bài thơ "Trăng, Sương và Sao" và sửa lại một số chữ để kính tặng Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh,  Người Thi Sĩ đã cống hiến suốt cả cuộc đời mình cho nền văn học Việt Nam và cho tiếng nói của người cầm bút:

Ánh trăng chiếu qua song
Xanh xanh mầu trăng trong
Chiếu dòng thơ cương quyết
Nét bút không bẻ cong! 

-Cao Minh Hưng-
     9/2014
@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét