Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Thư gửi các con nhân ngày lễ dành cho cha (Father’s Day)


Các con thương yêu,
Hôm nay là ngày nghỉ lễ Father’s Day, còn gọi là ngày Lễ Cha, ngày Từ Phụ, ngày lễ nhớ 
ơn cha hay ngày vinh danh cha. Riêng Ba thích dùng nhóm từ ngày lễ dành cho cha (gọi 
tắt là Ngày Lễ Cha) để khỏi phải vay mượn tiếng nước người, cũng như giữ gìn được tính 
khiêm nhường của dân tộc.

 Lát nữa đây, Ba sẽ nhận được những lời chúc tụng của các con, những tấm thiệp nói lên 
cảm tình chân thật và biết ơn cũng như những món quà nho nhỏ như  máy điện tử, dụng 
cụ thể thao...kể cả những món tiền tặng Ba muốn tiêu gì tùy ý. Ba rất hạnh phúc và hãnh 
diện vì ngày nay các con đã khôn lớn, nói và hiểu được tiếng Việt, giữ gìn được bản sắc 
Việt Nam và nhất là thành đạt nơi xứ người. Các con cũng đã trở thành cha, thành mẹ, 
cho cha mẹ vui sướng được làm ông bà nội, ông bà ngoại. Ngày lễ dành cho cha như vậy 
thật là ý nghĩa.

 Tại Âu Mỹ, ngày lễ Father’ Day được biết đến và trở thành một tập tục tốt đẹp tại nhiều 
quốc gia, cách đây hơn một thế kỷ.
Ở Mỹ, ngày lễ Father’s Day đầu tiên được tổ chức tại Fairmont, West Virginia vào 5 
tháng 7 năm 1908. Ngày lễ này cũng được tổ chức vào 19 tháng 6 cùng năm tại 
Washington State trong một nhà thờ, nhân ngày tưởng niệm những người cha di 
dân từ Ý đến, bị chết trong một tai nạn nổ hầm mỏ giết hại 361 người.

Bà Sonora Smart Dodd sinh tại Creston, Washington State, đã nghĩ đến người cha 
thân yêu, một cựu chiến binh thời nội chiến (Civil War) sau ngày lễ Mother’s Day. 
Ông W. J. Smart đã ở vậy nuôi sáu đứa con nên người. Bà Sonora tưởng niệm ngày 
cha mất vào 5 tháng 6, nhưng vì thông báo trễ, nên ngày lễ được dời lại đến Chủ 
Nhật thứ 3 trong tháng 6. Như vậy, ngày lễ Father’s Day trong tháng 6 được tổ chức 
đầu tiên tại Mỹ vào June 19, 1910 tại Spokane, WA.

Tổng thống Calvin Coolidge đề nghị Father’ Day là ngày nghỉ lễ quốc gia vào năm 
1924, và tổng thống Lyndon Johnson chọn ngày Chủ Nhật thứ 3 trong tháng 6 là 
ngày nghỉ lễ Father’s Day. Tuy nhiên, mãi tới năm 1972, thời tổng thống Richard 
Nixon, Father’s Day mới trở thành ngày lễ chính thức của Hoa Kỳ.
Các con yêu quí,
 Hiện nay tại hầu hết các quốc gia văn minh trên thế giới đều có một ngày lễ dành cho 
cha, cũng như ngày lễ dành cho mẹ (Mother’s Day) vào Chủ Nhật thứ 2 của tháng 5. Các 
con sẽ hỏi, đối với nước Việt Nam thì sao? Chúng ta tự hào có nền văn hiến gần 5000 
năm, một trong những nền văn hiến cổ nhất thế giới, chúng ta có những ngày lễ dành cho 
cha mẹ không? Hay phải đợi đến ngày nay, mới du nhập các ngày lễ này vào sinh hoạt 
văn hóa nước nhà?

 Từ hàng ngàn năm trước, chúng ta đã có ngày lễ này rồi, các con ạ. Đó là ngày Mồng 
Một Tết âm lịch, một ngày Tết truyền thống và trọng đại của dân tộc Việt Nam: Ba còn 
nhớ rõ, vào buổi sáng Mồng Một Tết, ông bà đều mặc quần áo tươm tất và trang nghiêm, 
sau khi cúng lễ Tổ Tiên xong, đã gọi con cái ra mừng tuổi. Ba lúc đó còn nhỏ cùng các 
bác của các con, tất cả đều được mặc quần áo mới, ra chúc mừng tuổi thọ ông bà, cũng 
như tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục mình. Ông bà trao những phong thư đỏ trong 
đựng tiền mới, gọi là tiền mừng tuổi cho các con cháu. Cũng vì thế, ba ngày Tết Việt Nam 
bao gồm đầy đủ các ngày lễ trong năm của các nước Âu Mỹ ngày nay, đó là Mồng Một 
Tết  dành cho Cha, Mồng Hai Tết, dành cho Mẹ, Mồng Ba Tết dành cho Thầy..
“Mồng một ăn tết nhà cha
Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy” (ca dao)
 Tại Hải ngoại, ngày Tết Dương Lịch (Tết tây) chỉ nghỉ một ngày, dành riêng cho cá nhân 
vui chơi, xem đá banh, xem Diễn Hành Hoa Hồng, đi ăn tiệm hoặc đi khiêu vũ vào buổi tối. 
Gặp nhau cùng chào “Happy New Year” thế là hết. Còn ngày Tết Âm Lịch (Tết ta) thì cha 
mẹ phải đi làm, các con đều đến trường. Cho nên, Ba đã từng tức cảnh:

 “Tết quê người, Tết người, Tết ta, ta không có Tết”

 Mặc dù ngày Hội Chợ Tết (Tết ta) được tổ chức hàng năm, nhưng mục tiêu cũng chỉ chú 
trọng nhiều đến ca nhạc, giải trí với những ca sĩ nổi tiếng trình bày. Chúng ta đã mất đi 
tập tục tốt đẹp của ngày Mồng Một Tết để con cái có dịp chúc mừng và tỏ lòng biết ơn 
cũng như vinh danh cha. Đồng thời, cha mẹ cũng mất đi dịp chúc mừng sự trưởng thành, 
học hành tiến bộ và thành danh của con cái. Để bù vào sự thiếu sót này, những ngày lễ 
dành cho mẹ (Mother’s Day), và ngày lễ dành cho cha (Father’s Day) thật là cần thiết và 
quí giá.

 
Các con quí mến,
 Tương quan giữa hai Cha Con từ xưa đã được chú trọng và được đánh giá cao. Tại 
Trung Quốc, xưa đa số theo đạo Khổng, nên địa vị của người cha đứng hàng thứ 3 trong 
ba địa vị lớn nhất nước: Quân, Sư, Phụ (Vua, Thày dạy học và Cha). Cũng bởi thế, thần 
dân trong nước không ai được xây nhà cao, cửa rộng hơn cung điện vua ở, màu vàng chỉ 
dành riêng cho y phục Hoàng gia và không ai được mang tên thật của vua vì đó là phạm 
húy. Người cha của nước này chỉ mong sao “Hổ phụ sinh hổ tử” (Cha là chúa sơn lâm 
sinh con cũng là chúa sơn lâm). Con cháu cũng không được mang tên giống tên cha hay 
tên thày dạy, vì coi đó là điều bất kính.

Tại các nước Tây Phương, tương quan giữa cha con thân ái và ít cách biệt hơn. Người ta 
nói “cha nào con ấy” (ton père ton fils) để chỉ cha con thường giống nhau, và con cái có 
thể  lấy tên của ông hoặc cha đặt tên cho con cái của mình, coi đó là một điều vinh dự.

Tại Việt Nam, vì ảnh hưởng của văn hóa Tàu từ lâu, nên quan niệm của những nhà Nho 
học phần đông đều tương tự như Tàu. Tuy nhiên, đối với những ai có tinh thần dân tộc 
hay đối với dân quê thì lại khác. Người cha được coi như cái nóc nhà che chở cho con cái 
“Con có cha, nhà có nóc”, và tương quan cha con Việt tộc thăng tiến hơn nhiều với quan 
niệm: “Con hơn cha nhà có phúc”
. Cha mẹ chỉ biết hy sinh nuôi dưỡng con cái nên người, 
mà không hề đòi hỏi  được con cái  trả lại. “ Nước mắt chảy suôi” là vì thế, và “cha mẹ 
nuôi con bằng trời bằng bể” cũng là vì thế. Về tên gọi tại thôn quê, ông bà, cha mẹ hay 
con cháu khi còn nhỏ đều mang cùng một tên, rất thực tế và cũng rất thân thương. đó là 
“thằng cu”, “cái hĩm”.
Các con thân thương của Ba,
Trong lịch sử nước nhà, tương quan cha con trong quan niệm “Con hơn cha nhà  có 
phúc”
 đã được chứng nghiệm qua vài  sử tích như sau:

Nguyễn Trãi là con ông Nguyễn Phi Khanh. Năm 1407, giặc Minh xâm lăng bắt giải ông 
Bảng Nhãn Nguyễn Phi Khanh về Kim Lăng. Nguyễn Trãi thi đậu Thái Học Sinh (Tiến Sĩ), 
theo cha đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh khuyên: “Con hãy trở về lo trả thù cho 
cha, rửa hờn cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì?” Về sau, Nguyễn Trãi đã theo 
phò Bình Định Vương Lê Lợi, đánh tan quân Minh, giải phóng đất nước và làm nên nghiệp
lớn, là đệ nhất công thần đứng đầu bên quan văn triều Lê,  chức Quan Phục Hầu, mang 
họ vua (Lê Trãi). Nguyễn Trãi đã để lại một áng hùng thư tuyệt bút, đó là bài “Bình Ngô 
Đại Cáo”, và rất nhiều thơ văn lưu truyền mãi mãi trong sử xanh nước nhà.

Đặng Dung là con ông Đặng Tất phò tá Giản Định Đế nhà Hậu Trần cùng với ông 
Nguyễn Cảnh Chân.. Sau khi ông Đặng Tất và ông Nguyễn Cảnh Chân bị ám hại, Đặng 
Dung đã cùng ông Nguyễn Cảnh Dị (con ông Nguyễn Cảnh Chân) theo phò tá vua Trần 
Quí Khoách ((Trùng Quang). Đặng Dung được phong chức Tư Mã, đánh thắng giặc Minh 
nhiều trận và suýt nứa bắt sống được viên tướng Tàu Trương Phụ. Đặng Dung đã để lại 
bài thơ Thuật Hoài nổi tiếng, được mệnh danh là bài thơ “Mài Kiếm Dưới Trằng” với hai 
câu kết đầy bi tráng của một tâm hồn yêu nước tuyệt vời:

 ‘Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
 “Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma”
 
 “Nợ nước chưa xong đầu đã bạc”
 “Dưới trăng mấy độ tuốt gươm mài”

Các con thương yêu,
Xét trong lịch sử Việt Nam, những người con như Nguyễn Trãi, Đặng Dung không hiếm, 
đã “hơn cha” và làm nên sự nghiệp, nêu danh thơm mãi mãi nghìn thu.

Để khuyến khích các con tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, noi theo gương tiền nhân oai 
hùng chiến thắng ngoại xâm và theo gương bất khuất của những anh hùng dân tộc, Ba 
đã cùng sinh hoạt với các bác, các cô chú của các con, khởi xướng phong trào Hùng Sử 
Việt với mục đích phổ biến Văn Hóa, Lịch Sử rực rỡ và oai hùng của Tổ Tiên qua nhiều 
hình thức Thi, Ca, Vũ, Nhạc, Kịch, Họa, Điêu Khắc, và Tế Lễ...

Câu châm ngôn “Tổ Tiên Oai Hùng, Con Cháu Hãnh Diện” đã được các con thuộc nằm 
lòng. Các con đã đến học tiếng Việt tại các Trung Tâm Việt Ngữ. Các con cũng đã thấm 
nhuần Đạo Đức Văn Hóa Việt Tộc trong ý nghĩa 
“Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” hay “Có 
Học Phải Có Hạnh” 
và tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo”.

Ngày nay tại nước ngoài, con cái đều hơn cha, và thế hệ tuổi trẻ các con đều hơn cha mẹ 
thuộc thế hệ của cha, kể cả về học hành lẫn chức vụ, tài sản... Ba rất hãnh diện về sự 
thành công của các con, để nhà nhà trong Cộng Đồng Việt Nam đều có phúc...

Ba chỉ cầu mong sao các con luôn luôn giữ được nền tảng đạo đức dân tộc, biết hiếu, 
nghĩa với Ông Bà Cha Mẹ,  kính trọng Thày Cô, nhường nhịn Bạn học, thương yêu Tổ 
Quốc, Dân Tộc và có lòng bác ái với chúng sinh. Ba cũng mong các con học được tính 
khiêm nhường “thắng không kiêu, bại không nản”, học được tính kiên nhẫn, dấn thân và 
quyết tâm của Nguyễn Bá Học “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì
lòng người ngại núi e sông” và nhất là học được tính khoan hồng, độ lượng trong Bình 
Ngô Đại Cáo”:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”
“Lấy chí nhân mà thay cường bạo”
Với tấm lòng nhân bản và tinh thần yêu chuộng tự do sẵn có, Ba tin tưởng các con, 
cháu... mỗi người một việc lớn, nhỏ, sẽ đóng góp thiết thực cho công cuộc bình định đất 
nước sau này, noi theo gương sáng của Tiền Nhân. Mong lắm thay!

 
Thương yêu các con thật nhiều...

Song Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét