Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014
Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014
Giới Thiệu Tác Phẩm
Lời Ngỏ vào thi phẩm THAO THỨC
Sự tàn khốc của cuộc chiến là một định đề kết nối bằng những chuỗi đau thương của bao nhiêu triệu người ngã xuống chỉ trong hai mươi năm của cuộc chiến Quốc – Cộng . Sự thổn thức khơi chảy những dòng lệ đỏ gồm nước mắt và máu của những con tim vỡ theo nức nở của tiếng khóc ngậm ngùi khi phải làm nạn nhân và chứng nhân trong những cuộc thảm sát của tập đoàn quân Cộng Sản chỉ biết thù hận và hủy diệt . Hủy diệt tình người, hủy diệt mặt đất, hủy diệt cả nền văn hóa dân tộc .
Thử hỏi quí vị, một người cưu mang chữ nghĩa phải đi như thế nào dưới sự khắc nghiệt của chiến tranh và sự hủy diệt mà không bị gục ngã? Phải "vịn câu thơ mà đứng dậy", tiếp tục đi. Cảm ơn chữ nghĩa cho tôi chỗ tựa suốt đời với niềm tin rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông . Thứ mặt trời của ánh sáng chân lý, của khát vọng làm người, của tự do dân chủ . Bởi mặt trời đang có ở quê nhà là mặt trời của thống trị, đốt cháy màu sanh của lá, đốt cháy tình người, đốt cháy mọi di sản nhân bản Việt Nam .
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảng da vàng còn tươi …!
Dẫu cuộc chiến đã chấm dứt gần bốn mươi năm . Nhưng trên hành trình thơ tôi đi qua, tất cả đều mới quá . Mới cả hơi thở cuối của đồng đội trong vòng tay tôi, mới cả đôi môi bé thơ ngậm núm vú tìm giọt sữa nơi người mẹ đã chết trên con đường chạy trốn kẻ thù. Và mới quá những trại tù nơi núi rừng Việt Bắc chứa những phận người thoi thóp sống để chờ ngày về sống lưu vong trên chính quê hương mình, và tiếp đến lưu vong mãn kiếp trên đất người .
Trong sự rủi ro của một phận người sinh lầm thế kỷ điêu linh, tôi có cái may được làm người lính có trách nhiệm giữ nước, được làm chứng nhân của giai đoạn lịch sử khắc nghiệt đó . Một khắc nghiệt cay đắng của chiến binh: chưa buông súng đã đầu hàng!
Trong bàng hoàng thao thức, những giọt nước mắt pha máu chảy từ tim, luồn lách qua dòng nghĩ rót từng con chữ lên mặt giấy thành dòng thơ lưu vong!
Thơ ta đó rừng ơi ru chút nhé!
Nghe tưởng chừng lời ủy mị của kẻ thoái thân . Không đâu, tôi vẫn khẳng định mình là một chiến bình còn tại ngũ, vì chưa hề nhận được chứng chỉ giải ngũ từ Bộ Quốc Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Nên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù dân tộc bằng loại vũ khí mềm - cây bút . Còn nghiêm chỉnh chào lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, vẫn áp tay lên ngực trái hát bản quốc ca: này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi … và cúi đầu mặc niệm những linh hồn vị quốc vong thân !
Luôn cầu xin hồn thiêng đất nước ban ơn lành cho quê hương Việt Nam sớm thoát cơn nguy biến nước mất nhà tan, nhân dân thống khổ .
Có thể nào một tối
Nhìn nhân loại sắp hàng
Chờ phiên mình hối lỗi
Trước những nỗi lầm than !
Mong lắm thay . Một cuộc tự hối của những tên đồ tể, những kẻ bán nước hại dân, kể cả những tên vong bản bán cả linh hồn đồng đội, phản trắc và trở cờ !
Riêng về tập thơ “Thao Thức”, ngắm bức tranh “Ngàn Đêm Thao Thức” của họa sĩ Vũ Hối, tôi nảy ra ý niệm dùng chữ “Thao Thức” cho chủ đề . Bởi vì chính tôi đã thao thức qua mấy nghìn đêm từ trong trại tù Cộng Sản đến nhập cuộc lưu vong . Qua dòng nghĩ, chữ nối chữ, câu nối câu hình thành những bài thơ tôi phóng lên các trang website, hoặc lưu lại trên báo giấy .
Sự cảm nhận ưu ái của người đọc qua dòng thơ này, hổ trợ tinh thần cho từng bài thơ tiếp theo . Suốt chiều dài 20 năm lưu vong ẩn chứa trong nguồn thơ đó . Điểm xuất phát từ bi hận của Tháng Tư Đen: Chưa buông súng đã đầu hàng … Dấy lên bao trăn trở trên từng góc cạnh đời nghĩ đến hay chạm đến trái tim Việt Nam .
Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức
Vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng!
Tôi là một người Việt Nam . Mỗi quí vị là một người Việt Nam . Có trái tim Việt Nam nào không thổn thức trước những điêu linh, nhà tan nước mất, còn phải chạy trốn kẻ thù tàn bạo cưỡng chiếm quê hương mình ?
Là một người Việt Nam
Trái tim tôi bị đau
Kể từ khi bỏ nước
Sống nhập cuộc lưu vong!
Việt Nam quê hương tôi
Một đất nước tuyệt vời
Đau và thương mãnh liệt
Trong trái tim Việt Nam!
Đau lắm, thưa quí vị .
Nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực
lòng quặn đau nghẹn nỗi sa trường!
Nỗi đau của người lính bị bức tử là vậy, nhưng vẫn nhỏ hơn nỗi đau của một dân tộc qua các cột mốc thời gian 1954, 1968, 1072, 1075 … phải chạy trốn một thế lực thù hận đã mất tính người “thà giết lầm hơn bỏ sót” những ai chống lại chúng, những ai đòi quyền tự do và bình đẳng . Những hố chôn người tập thể luôn là ấn tượng ghìm sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt, đã trực tiếp hoặc gián tiếp là chứng nhân, là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân theo chủ thuyết Cộng Sản .
Qua hơn 200 bài thơ trong tập thơ Thao Thức, tôi muốn chia xẻ cùng quí vị những gì mà một người Việt Nam, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương . Tôi chia xẻ cùng quí vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người . Tôi cũng chia xẻ cùng quí vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được tái tạo từ những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, những thơ mộng của núi sông . Hơn thế nữa là sự phục hung nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên dựng xây và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay .
Còn đâu một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến với niềm tự hào của giòng giống Lạc Long! Còn đâu một thành phố Sài Gòn với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông! Tất cả đã bị “lăng trì” bởi tiếng nổ kinh tâm trong ngày 30 tháng 4 năm 1975!
Rơi vang một tiếng nổ bùng
Thắt ngang nước Việt một vòng khăn tang!
Ba mươi chín năm qua rồi phải không quí vị ? Một nửa đời người, một nủa thế kỷ .
Nửa thế kỷ Việt Nam
Nửa thế kỷ thật buồn!
Một nỗi buồn bi đát triền miên thấm dần trong tâm trí chúng ta, hình thành nỗi khắc khoải ưu tư suốt một đời người . Niềm đau còn thấm vào giòng hệ lụy cưu mang một nỗi ngậm ngùi:
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi …
… Máu loang xé toạc tiếng cười /
Ngang lung vết chém của loài thú hoang !
Từ khắc khoải ưu tư đến hoài vọng tái tạo quê hương, tôi đã viết “Trường Ca Bi Tráng” . Bi rất nhiều mà Tráng cũng không ít . Bởi những anh hung vị quốc vong thân, đã làm nên một trang sử oai hung cho các thế hệ tiếp sau noi gương tiền nhân đi làm lịch sử . Học lịch sử để biết làm Lịch sử
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh
Mà phải đổi bằng chính mình xương máu
Vì non sông, vì tổ quốc Việt Nam .
Cảm ơn quí vị đã dành chút thời gian để nghe đôi điều tâm tình của tác giả “Dòng Thơ Lưu Vong” .
Trân trọng
Cao Nguyên
(Trích nội dung buổi hội thoại tại Đài Truyền Hình vùng Hoa Thịnh Đốn, ngày 13/4/2014)
Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014
Vãi Chữ Lên Trời
“lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế
Bao chiến công … cũng thế mà thôi
Hải Vân … tro rắc bốn trời
Hạt tro nào … lạc vào nơi Cổ Thành!”
Nhất Tuấn
Trời Đông Bắc Mỹ những ngày cuối Đông xám xịt sau trận tuyết phủ trắng mặt đất . Không thể đi đâu và không thể viết gì lên trời sáng nay vì mất điện .
Cánh cửa thông ra thế giới bên ngoài bị đóng lại . Đành đi vào thế giới bên trong những trang sách . Mắt tôi dừng lại nơi “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết trong Giai Phẩm Xuân 2011/ Người Việt . Kể chuyện những người thân của tướng Ngô Quang Trưởng vãi di thể tro của Ông trên đỉnh đèo Hải Vân .
Đúng là một đoản văn hay, những con chữ cuốn tôi theo dòng hồi tưởng qua một thời đoạn trong chu kỳ sinh tử của một đất nước, một đời người .
Với đất nước:
Trong khoảng thời gian 30 năm, từ lúc nhà văn Nguyễn Tường Thiết gặp tướng Ngô Quang Trưởng lần đầu ở Thủ Đức/Việt Nam (1962), đến lần gặp cuối ở Virginia/Hoa Kỳ (1993) . Tôi cũng từ một chinh nhân đi xuyên qua chiến tranh và hòa bình . Một chiến tranh mang đủ chất bi tráng và một hòa bình đau thương trong lòng người dân Việt luôn khát khao ánh sáng tự do và công lý . Bởi nhiệt huyết dấn thân bảo vệ quê hương bị phản bội bởi đồng mình và nội thù .
Điều còn lại sau cuộc chiến là những hồi tưởng xót lòng khi nhìn chút long lanh trong những hạt bụi của những nhân dáng chinh nhân “vị quốc vong thân” và văn thi nhân “phong trần tải đạo” . Rồi cũng thế …mà thôi! Lời thơ của Nhất Tuấn buồn u uẩn! Chấm một dấu than hay bỏ lửng … cũng làm chùng tâm người lữ khách của hai miền nội, ngoại cả trong giá rét mùa Đông hay trong nắng ấm Xuân về . Hạt tro nào … quyện vào hồn thiêng Tổ Quốc! Hạt tro nào là vóc thân em hiện về …
em về ngồi giữa chơi vơi
uống trăng như thể rượu mời thuở xưa
hỏa châu sáng mấy chưa vừa
còn chong con mắt thắp thừa lòng tin
(rằng ta đi vẽ hòa bình
trên lưng cuộc chiến để tình thăng hoa!)
…
Thế nhưng …
bao nhiêu năm nhân loại tìm
chưa ra bản vẽ hòa bình của em
tấm lưng cuộc chiến còn nguyên
chỉ thêm vết đạn xuyên tim xoắn vào!
Cuộc dấn thân đi vẽ hòa bình trong tình nhân ái đã không được hồi báo theo lòng ước nguyện . Sự tàn bạo của cơn hồng thủy phủ tràn lên đất nước một lớp sóng hòa bình giả tưởng trên những thực thể điêu tàn đến thê lương . Để tôi có những ngày ngồi nơi Quán Gió
…
ngồi đây nghe tiếng vó câu
vang sâu thẳm, đáy cốc sầu rượu xưa
chiến bào, màu hổ phách khua
kiếm loang loáng sáng, đắng thừa chạm môi
Và hơn thế, nhìn xuyên đêm qua khung cửa, thấy sương pha trăng rót lấp loáng trên cành cây, ngỡ như còn rõ mặt kiếm cung:
Đêm nhìn sương trăng thấy cành nhớ kiếm
kiếm gãy xuyên đêm rơi suống đất cằn
mộ lá vàng khô gió xếp trăm năm
đá chạm chữ khua lòng ta thao thức!
Với đời người:
Những giọt lệ hồng pha sương đêm thấm đẫm vào suy tưởng có không thân phận một đời người trong vòng thiên mệnh . Biết có, để thấy sự hợp lý của những thử thách sinh tồn vì cuộc dấn thân . Không tự đứng lên là bị dìm xuống dưới khắc nghiệt của thế thời . Biết không, để thôi chấp ngã về những vọng niệm đi về giữa tử sinh, vinh nhục . Cho nhẹ hều thân tâm chờ hóa bụi bay vào vô định!
Giữa khi còn có, còn không . May được nỗi vui giữa những bồi hồi chữ nghĩa gởi cho đất và người những bản chúc thư trầm mặc chờ một cơ duyên hạnh ngộ dẫu như hoang tưởng:
đất không nước và ta người tàn phế
vói đôi tay không thể chạm quê hương
còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm
nước thời gian chảy thấm mạch yêu thương!
Còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm, là còn thấy yêu thương cả trong vụn vỡ một đời người đến độ hóa tro vẫn chứa sự long lanh của giòng nước mắt . Từ những dòng thơ của nhà thơ Nhất Tuấn đến “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, tôi lan man nghĩ đến và nhớ về những người anh, người bạn hân hạnh biết trên đường chinh chiến và trên hành trình chữ nghĩa đã vào nơi vô định, yên phận tử sinh như các anh Phạm Huấn, Kim Tuấn, Hiếu Anh, Vương Đức Lệ … Dẫu họ đã hóa tro bay vào thinh không, những tinh thể vẫn sáng trong tâm tôi . Nếu những hạt tro của thân thương được vãi lên từ một đỉnh cao của quê hương như những hạt tro của tướng Ngô Quang Trưởng được thoát bay từ đỉnh Hải Vân thì quá tuyệt vời . Ai mà không ham tro mình được vãi vào lúc cuối đời! Của phù du trả về cát bụi!
Cho nên vào những ngày cậnTết như hôm nay, sao tôi mong được người về ngồi đối ảnh, dù biết …
còn có gì đâu mà khoản đãi ...
ngoại trừ dòng chữ rót đau thương
ly biệt xin thôi đừng nhắc mãi
buồn nẫu lòng ta hoài cố hương
người về cũng chỉ là nhân ảnh
ly rượu mời sóng sánh khói hương
Xuân muộn hay trời Đông Bắc lạnh
mà hoa chạnh nở đóa vô thường ..
Ôi những đóa vô thường dễ thương biết mấy, những đóa hoa yêu thương chẳng bao giờ tàn . Dù khi người về thoát đó lại đi . Chỉ còn lại những giòng chữ lung linh dưới ánh nến chiều cuối năm chạm cửa đêm trừ tịch, đang chờ mùi trầm hương với men rượu hồ trường . Bùi ngùi của quá khứ đủ cho một trầm khúc mới níu gót chân xuân chạm vào hành trình còn mở để nghe ngân tấu bài sử thi ngạo nghễ lời huyết mạch Văn Lang:
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
(Nguyễn Đức Quang)
Ôi triệu khối kiêu hùng trong lòng người dân Việt đang chờ được hát tiếp lời ngạo nghễ, với hành trang mới lên đường thực hiện giấc mơ cũ của cha, ông trong sứ mạng bảo vệ non sông Tổ Quốc .
Hành trình đi lên còn mở, những ước mơ chưa hề khép lại . Như tôi đang hăm hở chào mùa Xuân khi mùa Đông còn sương tuyết trắng . ..và em còn những băn khoăn ...
em hỏi: còn Đông sao chào Xuân?
thưa rằng: đời vẫn đợi tin mừng
từ trong sương tuyết hừng đông mới
nắng cứ xôn xao rộn cả lòng!
Giữa hai cuộc gọi trưa nay, một với nhà thơ Nhất Tuấn – người cùng thời đã tặng tôi những ân tình chữ nghĩa, và một với trung tá Tôn Thất Tuấn – một hậu duệ đã gởi tôi những tâm cảm chân thành về thế hệ đàn anh . Đã làm thành một chiếc cầu vồng quá đẹp nối hai nhịp quá khứ với tương lai . Chiếc cầu vồng lấp lánh sáng những hạt tro hồng vãi bay theo gió trên đỉnh Hải Vân, trên đỉnh cao của tình người miên viễn trân trọng phẩm giá nhân sinh công bằng và bác ái .
Cám ơn nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã cho tôi cảm hứng gõ thêm những giọt chữ trên dòng sông tâm thức nối mạch đông tây và sau trước của một phận người còn hào sảng với những ước mơ . Còn rưng lòng cảm xúc tri ân những hạt tro hồng… vị quốc vong thân!
Chỉ còn chờ có điện, đèn bật sáng, tôi vãi chữ lên trời! Lời thong dong bay trong cõi đời hư ảo!
Cao Nguyên .
Rải Tro Theo Gió
Nguyễn Tường Thiết
Tặng Nhung, “đứa con đầu lòng” của nhà văn Thạch Lam.
Tôi gặp anh tất cả bốn lần. Bốn lần đó trải dài hơn ba thập niên. Không nhiều. Đã thế dường như trong cả bốn lần đó ngoài cái gật đầu chào chúng tôi không hề trao đổi với nhau lấy một tiếng. Anh vốn ít lời. Còn tôi thì e dè. Tôi vốn có tính rất ngại bắt chuyện với một người nổi tiếng, đặc biệt nếu người ấy lại là người có quyền thế. Trong thâm tâm tôi biết nếu tôi mở chuyện thì anh cũng sẽ vui vẻ bắt chuyện ngay. Đằng sau gương mặt lầm lì ít nói ấy anh là người rất bình dị. Nhưng lần nào cũng thế sau cái gật đầu chào, tôi không bao giờ cất tiếng. Để đến bây giờ ngồi trước bàn máy vi tính một buổi sáng mùa thu miền Tây Bắc nước Mỹ, tôi viết đôi dòng về anh mà lòng không khỏi gợn chút nuối tiếc: bài viết của tôi vì thế sẽ không ghi lại một mẩu đối thoại nào, dù ngắn, để làm kỷ niệm giữa anh và tôi. Mà nào giữa chúng tôi đâu có phải người xa lạ gì cho cam? Anh là nguời rất thân cận trong đại gia đình Nguyễn Tường chúng tôi, là chồng của người em họ tôi, trưởng nữ của nhà văn Thạch Lam.
Tôi nhớ lại hình ảnh anh trong bốn lần gặp ấy. Bốn lần thì có đến ba anh hiện lên trước ly rượu. Đó cũng là hình ảnh cha tôi thường thoáng hiện mỗi lần tôi nhớ về ông. Trước ly rượu anh trầm ngâm yên lặng. Cha tôi cũng thế. Và bao giờ cũng vậy mỗi lần nghĩ về anh lòng tôi không khỏi có ngầm một sự hãnh diện thầm kín rằng dòng họ tôi có được một người rể như anh nổi tiếng là người thanh liêm. Cách đây sáu năm khi tái bản cuốn truyện của cha tôi, cuốn Giòng Sông Thanh Thủy, tôi đã viết lời đề tặng anh trên trang đầu cuốn sách những lời thật lòng: “Tặng anh Ngô Quang Trưởng, với cả tấm lòng quí mến và ngưỡng mộ”.
Tướng Ngô Quang Trưởng
Cơ duyên nào mà một vị tướng lừng danh của quân lực miền Nam Việt Nam lại kết duyên với cô con gái lớn của nhà văn tài hoa nhất Tự Lực Văn Đoàn? Tôi không biết nhiều để trả lời thật đúng cho câu hỏi này. Người có thẩm quyền trả lời là bà Trưởng. Mang dòng máu của nhà văn Thạch Lam tôi nghĩ Nhung nếu muốn viết cũng sẽ dễ thôi. Tôi cũng không có ý định viết hồi ký về anh vì thật tình tôi không biết nhiều. Chỉ xin ghi lại đây đôi chút kỷ niệm với anh trong dăm lần gặp gỡ hiếm hoi.
Trước khi gặp anh lần đầu tiên vào năm 1962 tôi đã nghe lan truyền câu chuyện về một mối tình tay ba của hai sĩ quan trẻ thuộc hai binh chủng khác nhau của QLVNCH, một không quân và một nhẩy dù, với cô con gái lớn của một nhà văn nổi tiếng. Hai quân nhân cùng yêu một cô gái. Đó là chuyện thường tình trong cuộc chiến. Điểm đặc biệt họ lại là đôi bạn rất thân nhau. Trước cái chết có thể đến bất cứ khi nào, họ giao ước với nhau trong tình bạn là nếu người nào nằm xuống trước thì người kia nguyện sẽ suốt đời chăm lo cho cô gái kia. Người phi công sau đó tử nạn máy bay và định mệnh đã đẩy cô em họ tôi gắn liền cuộc đời với anh Trưởng. Sau này nhiều lần gặp Nhung tôi toan hỏi Nhung về câu chuyện tình này có đúng sự thực hay không, nhưng tôi lại thôi không hỏi. Với tôi đó là một huyền thoại đẹp, hãy cứ để nguyên vẹn như thế trong trí tưởng tượng của tôi.
Năm 1962 tôi ở Sài Gòn và dậy học tại trường trung học Minh Tân ở Biên Hòa. Một bữa anh Triệu tôi, hiệu trưởng trường Minh Tân, chở tôi từ Biên Hòa về Sài Gòn trên chiếc xe lambretta của anh. Đến Thủ Đức anh tôi đề nghị ghé thăm Nhung lúc này đang ở đó. Trong lúc nói chuyện với Nhung thì có tiếng xe đỗ ở ngoài cửa. Tôi nhìn ra. Từ trên xe jeep một sĩ quan bận đồ dù nhẩy xuống. Hai bông mai trên ve áo trận. Anh Trưởng lúc ấy cấp bậc Trung úy giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù. Anh người tầm thước, nước da ngâm đen, khuôn mặt sần sùi khắc khổ. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là anh không những không đẹp trai, lại không có cái “tướng” hùng của một quân nhân. Trí tôi lúc ấy thoáng hiện câu chuyện tình tay ba và tôi hình dung khuôn mặt anh chàng phi công tử trận chắc là phải hào hoa và đẹp trai hơn anh Trưởng.
Năm 1967 tôi gặp anh Trưởng lần thứ nhì ở Huế thì trên ve áo trận của anh hai bông mai đã thay thế bằng một ngôi sao. Anh đã lên tướng! Người sĩ quan tôi trông không có “tướng” ấy, năm năm sau đã được thăng tướng trong một thời gian ngắn kỷ lục. Trong họ tôi bắt đầu có lời đồn đãi là từ khi anh Trưởng lấy Nhung thì như diều gặp gió đường binh nghiệp của anh lên vùn vụt. Từ một Trung úy Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù anh bây giờ là Chuẩn tướng Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 Bộ Binh. Năm ấy từ Sài Gòn tôi bay ra Huế hai tuần lễ và tá túc tại đại học xá Nam Giao, nơi mà hai năm trước tôi đã từng là sinh viên nội trú để theo học ở Đại Học Khoa Học Huế. Từ Nam Giao tôi đi bộ đến thăm cô em họ, lúc này đã khó gặp vì ở một nơi rất “kín cổng cao tường”. Tư dinh của tướng Trưởng là một biệt thự trên đường Lê Thánh Tôn gần nhà bưu điện Huế. Chung quanh tòa nhà giây thép gai giăng đầy, ở bốn góc là bốn lô cốt thiết lập bằng những bao cát với những họng súng chĩa ra từ lỗ châu mai. Người lính gác cổng vào trong nhà báo và Nhung đã ra tận cổng để tiếp tôi. Chúng tôi đang nói chuyện ở sa lông thì anh Trưởng về. Trông anh mệt nhọc nhưng oai phong hơn hẳn lần tôi gặp anh 5 năm trước. Thuở ấy tôi chưa nhập ngũ, vẫn còn là sinh viên, dù vậy trông anh tôi cũng có cảm giác hơi khớp. Không biết có phải vì ngôi sao trên ve áo anh khiến tôi thấy anh oai vệ hơn không. Tôi đứng dậy chào anh trong lúc Nhung nói với anh Trưởng: “Anh Thiết, con bác Tam đấy!”. Anh không nói gì, chỉ khẽ gật đầu, rồi lẳng lặng ra chỗ quầy rượu nơi có đặt mấy chai Martell có ngâm những củ sâm bên trong, anh rót rượu vào ly rồi cầm ly rượu trên tay không uống, anh chậm rãi bước tới bước lui trong phòng khách, đầu cúi nhìn sàn nhà vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ.
Đèo Hải Vân
Năm 1970 khi tôi gặp lại anh lần thứ ba thì tôi đã là một quân nhân. Sau biến cố Tết Mậu Thân tôi nhập ngũ khóa 2/68 Thủ Đức. Ra trường tôi phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại Tổng Cục CTCT ở Sài Gòn. Năm ấy khoảng gần tết thím Sáu tôi tức là bà Thạch Lam mất tôi đi viếng thím trong bộ quân phục. Quan tài thím đặt tại tư dinh tướng Trưởng trong cư xá sĩ quan Chí Hòa. Họ hàng chúng tôi đứng chật hai bên quan tài đặt chính giữa phòng khách. Xe jeep đậu trước cửa. Anh Trưởng bước vào. Bỏ chiếc mũ lưỡi trai cặp tay – chiếc mũ gắn hai ngôi sao đen – anh đứng yên lặng trước quan tài mẹ vợ cúi đầu. Đứng ở bên này quan tài, đối mặt anh lần đầu trong tư thế một quân nhân, một Thiếu úy trước một Thiếu tướng, tôi cảm nhận tất cả cái trọng trách lớn lao của vị tướng Tư Lệnh Quân Đoàn IV, quân khu IV, hằn trên gương mặt khắc khổ của anh. Hai phút sau anh đội mũ lên đầu rồi vội vã bước ra xe đi mất.
Năm 1972 sau “mùa hè đỏ lửa” tôi là một trong ba sĩ quan của Khối Kế Hoạch/ Tổng Cục CTCT đi thanh tra vùng giới tuyến. Ba người ấy là Trung tá Vĩnh Huyền, Thiếu tá Nguyễn Công Luận và tôi với cập bậc Trung úy. Phái đoàn bay ra Huế trú đóng hai tuần lễ ở Mang Cá trong cổ thành Đại Nội. Không khí nơi đây đượm mùi chiến tranh. Lần đầu tiên kể từ ngày ra trường tôi trực diện với cuộc chiến. Cộng quân lúc này thỉnh thoảng vẫn tiếp tục nã pháo vào cổ thành Huế. Mỗi lần nghe tiếng đạn rít trên không trung tôi quơ nón sắt chụp lên đầu nhào xuống giao thông hào nơi hàng trăm binh sĩ thuộc đủ loại binh chủng và cấp bực cùng nhào xuống trú pháo. Theo bản năng tự nhiên mỗi lần nghe tiếng đạn pháo rít trên cao là tôi lại chúi đầu xuống đất mặc dù tôi biết rằng nghe được tiếng đạn rít tức là mình đã thoát chết vì đạn đã bay qua khỏi đầu. Chính trong lúc trú pháo này mà tôi hiểu được nỗi kinh hoàng mà anh vợ tôi Trung úy Nguyễn Thái Hòa và những chiến sĩ sư đoàn 5 Bộ Binh tử thủ An Lộc đã phải hứng chịu trước những trận mưa pháo dữ dội hơn gấp cả ngàn lần. Trước khi ra Huế lần này tôi đã đi chôn anh Hòa tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Anh tử trận ngày 7-7-1972 đúng ngày Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay xuống An Lộc gắn lon Đại úy cho anh và ngay đêm đó anh bị pháo chết. Nội trong 24 tiếng đồng hồ ông anh vợ tôi đã lên chức hai lần, từ Trung úy lên cố Thiếu tá. Và cũng chính trong lần ra Huế này mà tôi được nghe được rất nhiều giai thoại về anh Trưởng, “người hùng tái chiếm Quảng Trị” lúc này đã được vinh thăng Trung tướng với ba sao trên ve áo và giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân khu I. Tất cả những giai thoại đó nếu được ghi lại đầy đủ tôi nghĩ có thể viết thành một quyển sách. Giai thoại về sự thanh liêm trong sạch của anh cũng có. Giai thoại về tác phong chỉ huy của anh cũng có. Giai thoại về lòng thương lính dưới quyền của anh cũng có.
Tôi nhớ là trong giao thông hào giữa hai đợt pháo kích một vị sĩ quan cạnh tôi sau khi biết sự liên hệ rất gần giữa tôi với anh Trưởng hỏi tôi có đi thăm tướng Trưởng trong lần ra Huế này không. Tôi trả lời không. Rồi tôi nói thêm: “Mình chả dại. Đang ngon lành trong ngành CTCT lại ở hậu cứ, gặp ổng nhỡ ổng lại ký giấy tống mình ra tiền tuyến thì mệt lắm. Mà không phải tôi nói giỡn đâu. Một người anh họ tôi cùng khoá với tôi 2/68 đã bị lãnh búa rồi. Ông tướng hãnh diện đi khoe với cố vấn Mỹ là có người anh họ đang chiến đấu ở ngay tuyến đầu!”
Lần thứ tư tôi gặp anh Trưởng là vào tháng 7 năm 1993 tại Virginia, tiểu bang êm đềm của nước Mỹ. Như một khúc phim được quay nhanh, hai mươi ba năm sau ngày tôi gặp anh lần chót ở Việt Nam tôi lại thăm anh Trưởng tại tư gia, một căn nhà khiêm nhường tại vùng thủ đô Hoa Kỳ. Cuộc chiến Việt Nam như một giấc mơ hãi hùng nhưng không thực lúc này đã trở thành dĩ vãng. Năm đó vào tháng 7 chúng tôi bay qua miền Đông nhân ngày giỗ thứ 30 của cha tôi được tổ chức tại nhà anh cả tôi, anh Việt, ở Virginia. Lần đầu tiên gặp anh Trưởng trong bộ thường phục, trông anh là lạ. Anh bận chiếc áo mông-ta-gu màu đỏ trông anh mập ra, trẻ trung và khỏe mạnh. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ở anh vẻ an bình hiện trên gương mặt. Nhưng đó chắc chỉ là bề ngoài. Bên trong chắc hẳn anh mang nặng nỗi đau và niềm cay đắng của một vị tướng bại trận sẽ mang theo anh cho đến tận cuối đời. Anh đích thân rót rượu và ân cần mời tất cả mọi người. Tôi toan tiến lại gần anh, nói với anh vài lời, đặc biệt là bầy tỏ tấm lòng của tôi đối với anh, nhưng tôi lại thôi. Tôi nghĩ trong bụng anh có thể đã nghe những lời bầy tỏ tương tự như thế rất nhiều lần rồi, nói ra lại thành khách sáo, vả lại chúng tôi là người nhà, còn thiếu gì những dịp khác để gặp anh tâm tình. Nhưng tôi đã lầm. Dịp khác để gặp anh đã không bao giờ đến, cho đến khi anh ra đi vĩnh viễn vào ngày 22 tháng 1 năm 2007. Tôi không thể ngờ lần thứ tư tôi gặp anh ở Virginia đó cũng là lần chót. Và chúng tôi vẫn chưa bao giờ trao đổi với nhau được lấy một lời. Tôi chỉ còn cách tự an ủi là ba năm trước khi anh mất anh đã đọc những lời chân tình của tôi viết về anh trên trang đầu cuốn sách Giòng Sông Thanh Thủy tôi gửi tặng.
* *
Trưa hôm nay tôi lái xe đến thăm anh Phạm Hậu. Nhà anh Hậu ở Bothell, cách Shoreline chỗ chúng tôi ở khoảng 20 phút lái xe. Từ mấy năm nay chúng tôi có một giao ước. Cứ cách khoảng hai tháng là hai đứa phải ới cho nhau một tiếng, hẹn nhau tại một quán ăn, ăn trưa rồi ngồi hàn huyên. Luân phiên chúng tôi trả tiền. Nhưng dạo này anh hơi lẫn, ngại lái xe, nên tôi thường đến nhà anh chở anh đi.
Từ trong nhà bước ra anh nói ngay:
– Tôi quên mất rồi. Không biết lần này ai trả tiền, ông hay tôi?
– Tôi cũng không nhớ. Nhưng nhầm nhò gì. Để tôi trả cho. Anh cứ “vô tư” đi cho tôi nhờ!
– Này này! Ông đừng có lợi dụng cái bệnh Alzheimer của tôi nhé! Cái gì cũng phải cho nó sòng phẳng...
Trong lúc lái xe tôi nghĩ đến sự tình cờ hi hữu đã khiến chúng tôi gặp lại nhau và ở gần nhau trên nước Mỹ. Bốn mươi năm trước chúng tôi có một thời gian cùng phục vụ tại Khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT. Anh Hậu lúc ấy là Thiếu tá nhưng anh chỉ tạm trú ở Tổng Cục vài tháng trước khi chờ biệt phái sang Phủ Tổng Thống. Hồi đó tôi nghe đồn anh có “gốc” lớn lắm. Sau này kể anh chuyện ấy anh cười nói: “Gốc mẹ gì! Toàn là đồn nhảm không à!”. Tôi cũng nhớ là sau khi biết tôi là con của ông cụ, anh Hậu, tác giả tập thơ Chuyện Chúng Mình, có đọc cho tôi ngay câu thơ mà anh đã làm trước đó mười năm: “Yêu Nhất Linh tôi chọn tên Nhất Tuấn”. Cùng sang Mỹ năm 1975 và cùng chọn tiểu bang miền Tây Bắc nước Mỹ để định cư, chúng tôi đã có dịp gặp nhau thường xuyên từ hơn ba mươi năm nay.
Ăn trưa xong, bên tách trà nóng, chúng tôi ngồi ôn chuyện cũ. Lẫn trong câu chuyện hình ảnh của những người mà chúng tôi đã từng quen biết năm xưa, người mất kẻ còn, lần lượt hiện ra. Tội nghiệp Trung tá Ngô Văn Hùng, Trưởng khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT, xếp của chúng tôi, đã chết vì ngộp thở trên chuyến tàu hỏa chở những tù nhân cải tạo ra Bắc. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Trưởng phòng Nghiên Cứu Kế Hoạch, xếp trực tiếp của tôi, cũng đã ra đi tại tiểu bang New Jersey miền Đông nước Mỹ. Trung tá Vĩnh Huyền, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 50 CTCT, người mà anh Hậu vẫn khen là có gương mặt và tác phong rất bảnh, đã từ lâu tôi mất liên lạc, không biết còn ở Calgary bên Canada hay không. Và Thiếu tá Nguyễn Công Luận nữa, không biết anh còn ở San José hay không, sức khoẻ anh hiện ra sao...
Bên ngoài lướt qua khung kính của nhà hàng mưa nhẹ bay bay. Bãi đậu xe lá vàng phủ ướt nhẹp. Bây giờ là cuối thu, những chiếc lá của hàng cây phong trồng trên bãi đậu xe đã bắt đầu chuyển từ màu vàng óng sang màu đỏ tía. Mỗi lần cơn gió mạnh thổi lá rụng lả tả bay đậu trên mui trên kính những chiếc xe hơi nằm trên bãi.
Tôi nhìn anh Phạm Hậu ngắm hàng râu mép của anh và bỗng thấy anh cũng bảnh y như Trung tá Vĩnh Huyền trong hình ảnh ký ức tôi năm xưa. Chỉ khác là bây giờ râu tóc của nhà thơ này đã chuyển sang màu muối tiêu. Nhớ đến Trung tá Vĩnh Huyền tôi lại liên tưởng đến lần chúng tôi ra Huế năm 1972 và tôi nói với anh Hậu:
– Tôi đang viết giở một bài về tướng Ngô Quang Trưởng, nghe nói anh có làm bài thơ về ông Trưởng hay lắm, anh có thể đọc cho tôi được không?
Năm ngoái cũng trong một lần đi ăn trưa như hôm nay tôi đã kể cho anh Hậu nghe về ước muốn sau cùng của anh Trưởng là sau khi anh chết tro của anh được thả trên đèo Hải Vân. Vào mùa hạ năm 2008, một năm sau khi anh chết, ý nguyện đó đã được gia đình thực hiện. Theo lời Nhung kể cho tôi trong một lần điện đàm thì anh Trưởng có một người tài xế sống ở Việt Nam mà Nhung vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ từ nhiều năm nay. Chính chú tài xế ấy đã đón Nhung và các con Nhung tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Nhung mang bình tro anh Trưởng về Việt Nam. Từ phi trường chú tài xế chở mọi người về nhà chú tại ngoại ô thành phố Sài Gòn. Thật là một điều lạ lùng là nhà chú tài xế đó lại ở trên đường Thạch Lam, một con đường mới mở sau này khá lớn và dài ở sâu trong Chợ Lớn. Tôi có hỏi Nhung là chú ấy có biết Nhung là con của Thạch Lam hay không Nhung trả lời là chú ấy không biết và Nhung cũng không nói. Rồi sau đó tất cả bay ra Huế thuê xe lên đèo Hải Vân. Đến gần đỉnh đèo nơi một khúc ngoặt nguy hiểm có một cái miếu nhỏ thờ những người bị tai nạn chết ở đó Nhung quyết định chọn chỗ này để rải tro. Suốt ngày hôm đó trời âm u giông gió. Mấy mẹ con và chú tài xế khấn nguyện trước miếu. Một lát lâu sau khấn xong ngửng lên thì trời đất bỗng dưng quang đãng hẳn lên mây tan và trời trong xanh. Vợ con anh Trưởng từng người một kể cả người tài xế trung thành lần lượt rải tro theo gió, tro của vị tướng lừng danh của quân sử VNCH bay trên ngọn đèo hùng vĩ Hải Vân nơi mà chú tài xế kia đã nhiều lần chở vị tướng ba sao qua lại trên trục lộ Huế-Đà Nẵng, ngọn đèo đã đưa vị tướng chấn lĩnh vùng địa đầu lên đỉnh vinh quang và cũng là ngọn đèo đã kéo vị tướng ấy xuống chốn cùng thảm bại.
Rải tro theo gió... trên đỉnh đèo Hải Vân... ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
Ngậm ngùi tôi lắng nghe anh Phạm Hậu đọc bốn câu thơ sau đây của anh:
Lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế!
Bao chiến công... cũng thế mà thôi
Hải Vân... tro rắc bốn trời
Hạt tro nào... lạc vào nơi cổ thành?
Nhất Tuấn
Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù VN (3/1954-9/1954).
Nguyễn Tường Thiết
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)