Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014
Thao Thức
CAO NGUYÊN với thi phẩm THAO THỨC
Vai Trò & Sứ Mệnh của Thi Sĩ
Trước đây khá lâu, nhà thơ Cao Nguyên ngỏ ý muốn ủy thác Cội Nguồn xuất bản thi phẩm Thao Thức của anh. Vừa qua, vào những ngày chộn rộn cuối năm 2013, anh gửi đến chúng tôi bản thảo tác phẩm này.
Thao thức là một thanh âm nghe đâu đó đã quen tai, nhưng tập thơ này của Cao Nguyên không thể có một tên gọi nào khác lột tả được đầy đủ nội dung, thể hiện tâm thức dồn dập băn khoăn, mà âm ỷ dấy động từng ngày từ trái tim rướm máu của tác giả hơn, ngoài tựa đề Thao Thức.
Đã bốn mươi năm, sau khúc ngoặt nghiệt ngã 30 tháng Tư, người-lính-nhà-thơ vẫn ngày đêm quặn lòng nhức nhối về cuộc đổi đời lịch sử ấy: Ban ngày thì tác giả:
Ngồi đây ngắm cuộc lở bồi
trên thành quách cũ, nhói lời sử ca
(Quán Gió, tr. 41);
Và đêm đến:
Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức
vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng?
(Trường Ca Bi Tráng, tr.18)
Như có lần tôi đã trình bày, tất cả những người làm thơ đều có nguồn cảm xúc giống nhau, như nhau. Nhưng lại có cái riêng - rất riêng - ở căn nguyên đối cảnh, đối tình của nguồn cảm xúc. Đọc xuyên suốt thi phẩm, bạn đọc sẽ nhận ra nguồn xúc cảm nhất quán của một tâm hồn thi sĩ, với một mạch thơ trải dài từ trang đầu đến trang cuối theo một dòng chảy tưởng chừng như bất tận.
Hình như không lúc nào trong cuộc sống Cao Nguyên khuây nguôi được nỗi đau, niềm thương xót, lòng trắc ẩn trước vận nước mệnh nhà. Thơ anh là lòng anh, là lời thành trang trải:
-Để trao gởi đến mọi người, để:
“gởi người đi tình đoạn trường/ gởi người ở lại một chương sử buồn”
(Ru Đời tr.217)
-Để thưa cùng mẹ cha:
“chữ nghĩa con sẽ như viên đạn/ bắn vỡ lòng dối trá ngày qua!”
(Tái Tạo, tr 92)
-Để nói với chính mình:
“Này xóa, xóa tận cùng dối trá/ điêu ngôn vừa ngã giá chiều qua/ ta muốn ngắm nét chữ ngời bia đá/ những di thư viết bởi mực sơn hà!” (Lộng Bút, tr 159)
-Để nói với bạn hữu:
“thơ tao treo đỉnh mộ sầu
lời vui quá ít, niềm đau thật nhiều..”
(Bạn Cũ, tr. 160)
- Và để nói với hư vô:
“Cời than, viết chữ trên tro
thơ vui cũng được mấy giờ lửa reo”.
(Tích Xưa, tr 161).
Là một người lính chiến VNCH xuất thân từ trường Võ Khoa Thủ Đức, Cao Nguyên đi vào chiến trận trong suốt mười năm cho đến ngày tàn cuộc chiến. Muốn tìm hiểu một giai đoạn lịch sử dân tộc; muốn hiểu được một thế hệ con người, đọc thơ Cao Nguyên người ta mới có thể thấu hiểu được con đường mà anh cùng đồng đội đã đi, lý tưởng mà anh cùng thế hệ với anh đã phụng sự.
Người lính trẻ Cao Nguyên cùng với Quân Lực ấy đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ miền Nam, ngăn chặn hành động xâm lược thôn tính, nhằm nhuộm đỏ phần đất Tự Do của hơn ba mươi triệu người dân không chấp nhận chủ nghĩa tham tàn cộng sản. Cho nên khi nghe “tiếng nổ” kinh hồn sáng 30-4-75 trước cuộc giày xéo quằn quại một nửa phần đất tự do còn lại, Cao Nguyên òa khóc giữa tình tự quê hương, giữa “vận nước lăng trì”. Tác giả, từ đó đã nhoài theo vận nước trong vai trò và sứ mệnh của một nhà thơ.
Chúng ta sẽ không có chút nghi hoặc nào về một nhận định cho rằng “thơ là một thể hiện chính xác nhất bản sắc của tác giả bài thơ”. Tôi đã từng đọc và giới thiệu thơ của nhiều tác giả là chiến sĩ miền Nam từng chiến đấu giữa lúc “Bạn chém sau lưng, kẻ thù đâm trước ngực” (tr. 18), như tiếng thốt lên trong thơ Cao Nguyên. Và rồi sau ngày buông súng, họ cầm bút, dùng thơ văn như một thứ “Vũ Khí Mềm” (*) tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại cái ác đang ngự trị trên quê hương. Đã có nhiều tác giả viết về cơn rúng động thần kinh của hàng triệu người dân miền Nam và hàng trăm nghìn người lính về biến cố 30 tháng tư bảy lăm. Nhưng cơn chấn động hung hãn về cuộc “lăng trì” một nửa đất nước Việt Nam Tự Do thì cho tới hôm nay tôi mới đọc được sự lột tả chính xác tính chất rợn người của biến cố, qua trái tim ruớm máu của Cao Nguyên trong bài thơ sau đây của anh:
Rơi vang một tiếng nổ bùng
Thắt ngang đất Việt một vòng khăn tang
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi
Máu loang xé toạc tiếng cười
Ngang lưng vết chém của loài thú hoang
Đồng dao rao hát giữa đường
Sông khô núi vỡ đoạn trường ăn xin
Vong thân chuyển kiếp giật mình
Tôi ngồi khóc giữa tự tình quê tôi
Hỗn mang đời khóc hồn cười
Rong chân du mục xót lời sử thi
Đêm nghe vận nước lăng trì
Ngày xem bia mộ lời ghi vỡ tàn!
(Lăng Trì, tr.235)
Có thể nói Cao Nguyên không phải chỉ ngồi ôm “nỗi nhớ mãi triền miên thức dậy/ ngực ta đau, vết thương xoáy tận cùng”, khi anh viết bài thơ “Trường Ca Bi Tráng” (tr. 19), mà nỗi đau của tác giả khi âm ỷ, khi nhói buốt trong suốt phần đời của anh cho mãi tới hôm nay.
- Khi thì anh ray rứt nghĩ tới: “Có nỗi khổ nào mà dân ta chưa vượt” (Lửa Tim, tr.22). -Khi thì anh lại bị ám ảnh rùng mình “Tiếng rít rợn cửa sắt tù thế kỷ” (Trầm Tư, tr 35), và “Ngày gió Lào tây bắc/ thổi buốt rừng Lào Kay”. (Chờ Mai, tr 49)
- Khi thì anh nhớ về từng mảnh đời, từng con người, từng con đường, ngõ phố:
“Sài Gòn nghe gọi mà thương
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm”.
(Sài Gòn tr. 82).
Và cứ thế… “những nỗi nhớ chưa hề biết mệt / trong tâm tư suốt một đời người!” (Tháng Chạp, tr. 150) của Cao Nguyên, cũng như của số đông chúng ta triền miên lay gọi..
Nếu muốn trích dẫn giới thiệu hết những câu thơ đắt giá, những ý thơ nhuyễn cảm của Cao Nguyên thì còn nhiều lắm. Xin mời bạn hãy cầm quyển sách trên tay, trân trọng lật giở từng trang, cùng “thao thức” với tác giả, bạn sẽ “nhập vai”, sẽ rung cảm, sẽ thao thức theo nỗi thao thức của người viết, dù bạn có làm thơ hay không làm thơ; dù là bạn của ngày xưa ấy, của hôm nay hay của mai này, khi mà bạn cũng như tác giả, cũng như chúng tôi có trái tim rung động Việt Nam.
Có thể ngay hôm nay hay ngày mai, khi “định thần”, tĩnh tâm nhìn lại quá khứ, nhìn lại lịch sử, tôi tin bạn sẽ đứng lặng, trân người “mím môi nếm ngọt màu cờ”, và đôi mắt bạn sẽ chớm cay trước một thời đoạn lịch sử phũ phàng phủ trùm lên vận mệnh dân tộc - mà hiện tại - chỉ mới bốn mươi năm sau, đã có hàng triệu người dân Việt từ Bắc chí Nam đang nhỏ lệ buồn thổn thức trước sự suy vong đã đến hồi báo động...
Định thần ngắm cuộc trớ trêu
Mảnh bia vị quốc ngã xiêu ven đường
Phách chùng vó ngựa biên cương
Gõ âm quan tái trên chương sử mờ
Mím môi nếm ngọt màu cờ
Hoen cay máu rướm trên bờ lệ buông.
(Đối Ẩm tr. 226)
SONG NHỊ
San Jose, 12 tháng 1-2014
---------------------
(*) Tổ Ấm Bay Về - Võ Ý, Cội Nguồn 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét