Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Vua Quang Trung


 
 
Vua Quang Trung (1788-1792). Ông Nguyễn Huệ (sau đổi
tên là Nguyễn Quang Bình) là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu
trí quyền biến, mẹo mực như thần, khởi binh ở đất Tây Sơn (thuộc huyện An
Khê, Bình Định) giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong
làm Bắc Bình Vương, đóng đô ở đất Phú Xuân.
Năm mậu thân (1788) quân nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà
Lê, chiếm giữ thành Thăng Long, có ý muốn lấy đất An Nam, Bắc Bình
Vương lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Quang Trung, rồi đem binh đi
đánh giặc.
 
 Vua Quang Trung Đại Phá Quân Thanh. Bắc Bình Vương
được tin quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng Long, lập tức hội các
tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh, các tướng đều xin hãy chính ngôi
tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh.
Bắc Bình Vương bèn sai đắp đàn ở núi Bàn Sơn, ngày 25 tháng mười
một năm mậu thân (1788), Vương làm lễ lên ngôi Hoàng Đế, rồi tự mình
thống lĩnh thủy bộ đại binh ra đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ An nghỉ lại 10
ngày để kén lấy thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi.
Vua Quang Trung điểm duyệt quân sĩ, truyền dụ nhủ bảo mọi người
phải cố gắng đánh giặc giúp nước. Đoạn rồi kéo quân ra Bắc, đến ngày 20
tháng chạp thì đến núi Tam Điệp. Bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhiệm đều ra
tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi, cho nên phải lui về
giữ chỗ hiểm yếu.
Vua Quang Trung cười mà nói rằng: "Chúng nó sang phen này là
mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định
mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ
chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất
chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không
thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ
Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm
nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng
nữa."
Vua Quang Trung truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước, để
đến hôm trừ tịch thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng giêng thì vào
thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Đoạn rồi, truyền lệnh cho ba quân đến
nghe lệnh điều khiển.
Đại tư mã Sở, Nội Hầu Lân đem tiền quân đi làm tiên phong. Hô hổ
Hầu đem hậu quân đi đốc chiến.
Đại đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết đem hữu quân cùng thủy quân, vượt
qua bể vào sông Lục Đầu. Rồi Tuyết thì kinh lược mặt Hải Dương, tiếp ứng
đường mé Đông; Lộc thì kéo về vùng Lạng Giang, Phượng Nhỡn, Yên Thế để
chặn đường quân Tàu chạy về.
Đại đô đốc Bảo, đô đốc Mưu đem tả quân cùng quân tượng mã đi
đường núi ra đánh phía Tây. Mưu thì xuyên ra huyện Chương Đức (nay là
Chương Mỹ), tiện đường kéo thẳng đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì,
đánh quân Điền Châu; Bảo thì thống suất quân tượng mã theo đường huyện
Sơn Lãng ra làng Đại Áng thuộc huyện Thanh Trì tiếp ứng cho mặt tả.
Năm quân được lệnh đều thu xếp đâu đấy, đến hôm 30 khua trống
kéo ra Bắc. Khi quân sang sông Giản Thủy, cánh nghĩa quân của nhà Lê
tan vỡ chạy cả. Vua Quang Trung thân đốc các quân đuổi theo đến huyện
Phú Xuyên bắt sống hết được toán quân Tàu đóng ở đấy, không một người
nào chạy thoát được; vì thế cho nên không có tin báo về, những quân Tàu
đóng ở làng Hà Hồi và làng Ngọc Hồi không biết gì cả. Nửa đêm ngày mồng
3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) quân vua Quang Trung đến làng Hà Hồi
vây kín đồn giặc, rồi bắc loa lên gọi, các quân dạ rầm cả lên, có hàng muôn
người. Quân canh đồn bấy giờ mới biết, sợ hãi thất thố, đều xin hàng, bởi
thế, lấy được hết cả quân lương và đồ khí giới. Sáng mờ mờ ngày mồng
năm, quân Tây Sơn tiến lên đến làng Ngọc Hồi, quân Tàu bắn súng ra như
mưa. Vua Quang Trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại
làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu dũng cứ 20
người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người
cầm khí giới theo sau. Vua Quang Trung cưỡi voi đi sau đốc chiến, quân An
Nam vào đến gần cửa đồn, bỏ ván xuống đất, rút dao ra, xông vào chém,
quân đi sau cũng kéo ùa cả vào đánh. Quân Tàu địch không nổi, xôn xao
tán loạn, xéo lẫn nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được
các đồn, giết quân Thanh thây nằm ngổn ngang khắp đồng, máu chảy như
tháo nước. Quân các đạo khác cũng đều được toàn thắng. Quan nhà Thanh
là đề đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long, tả dực Thượng Duy
Thăng đều tử trận cả; quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đóng ở Đống
Đa125 bị quân An Nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết.
Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên
ngựa và mặc áo giáo, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc. Quân
các trại nghe tin như thế, xôn xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu,
một lát cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị Hà đầy những thây
người chết.
Vua Chiêu Thống cũng theo Tôn Sĩ Nghị sang sông cùng với bà
Hoàng Thái Hậu và mấy người cận thần chạy sang Tàu.
Đạo quân Vân Nam và Quý Châu đóng ở miền Sơn Tây nghe tin
Tôn Sĩ Nghị đã thua, cũng rút quân chạy về.
Ngày hôm ấy vua Quang Trung đốc quân đánh giặc, áo ngự bào bị
thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng Long, sai
tướng đem binh đuổi đánh quân nhà Thanh đến cửa Nam Quan. Những dân
Tàu ở gần Lạng Sơn sợ khiếp, đàn ông, đàn bà dắt díu nhau mà chạy, từ cửa
ải về mé bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe thấy tiếng một người
nào!
Vua Quang Trung vào thành Thăng Long, hạ lệnh chiêu an, phàm
những người Tàu trốn tránh ở đâu ra thú tội, đều được cấp cho áo mặc,
lương ăn. Lại bắt được cả ấn tín của Tôn Sĩ Nghị bỏ lại, trong những giấy
má bắt được có tờ mật dụ của vua Càn Long nói rằng: " Việc quân nên từ
đồ, không nên hấp tấp. Hãy nên đưa hịch truyền thanh thế đi trước, và cho
các quan nhà Lê về nước cũ hợp nghĩa binh, tìm tự quân nhà Lê đem ra
đứng đầu để đối địch với Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng
người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến, ai là chẳng gắng sức.
Nguyễn Huệ tất phải tháo lui; ta nhân lấy dịp ấy mà sai Tự quân đuổi theo,
rồi đại binh của ta theo sau, như thế không khó nhọc mấy nỗi mà nên được
công to, đó là mẹo hay hơn cả. Ví bằng suốt người trong nước, nửa theo
đằng nọ, nửa theo đằng kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta hãy
đưa thư sang tỏ bảo đường họa phúc xem nó đối đáp làm sao. Đợi khi nào
thủy quân ở Mân, Quảng đi đường bể sang đánh mặt Thuận Hóa và Quảng
Nam rồi, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ trước sau bị địch, thế tất phải
chịu thua. Bấy giờ ta sẽ nhân mà là ơn cho cả hai bên; tự đất Thuận Hóa
Quảng Nam trở vào Nam, thì cho Nguyễn Huệ; tự châu Hoan, châu Ái trở ra
Bắc thì phong cho Tự quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai
bên, rồi sẽ có xử trí về sau".
Vua Quang Trung đem tờ mật dụ ấy bảo với Ngô Thì Nhiệm rằng: "
Ta xem tờ chiếu của vua nhà Thanh chẳng qua cũng muốn mượn tiếng để
lấy nước ta đó thôi. Nay đã bị ta đánh thua một trận, tất là lấy làm xấu hổ,
chắc không chịu ở yên. Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân. Vậy nên
dùng lời nói khéo, để khiến cho khỏi sự binh đao; việc ấy nhờ nhà người chủ
trương cho mới được".
Ngô Thì Nhiệm vâng lệnh làm thư đại khái nói rằng: "Nước Nam vốn
không dám chống cự với đại quốc, nhưng chỉ vì Tôn Sĩ Nghị làm nhỡ việc
cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hòa."
Vua Quang Trung sai sứ đem thư sang Tàu, và lại sai đem những
quân nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương thực, đợi ngày
cho về nước. Xếp đặt mọi việc xong rồi, đem quân về Nam, lưu Ngô Văn Sở
và Phan văn Lân ở lại tổng thống các việc quân quốc; còn những việc từ lệnh
giao thiệp với nước Tàu thì ủy thác cho Ngô Thì Nhiệm và Phan Huy Ích cho
được tự tiện mà khu xử, hễ không có việc gì quan hệ thì bất tất phải đi tâu
báo mà làm gì.
 
 
 

Tham Khảo:  VIỆT NAM SỬ LƯỢC của Trần Trọng Kim - ấn hành năm 1920
                 (Bấm vào đây để xem toàn bộ: Việt Nam Sử Lược - pdf của Viện Việt Học - California USA )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét