Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011
Tôn Sư Trọng Đạo
Truyền Thống Tôn Sư Trọng Đạo
Của Người Việt Nam
Dân Việt Nam có tính hiếu học và rất biết ơn người có công dạy dỗ mình. Dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. "Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư" người xưa thường nói. Mang ơn thầy là bổn phận của người học bởi "không thầy đố mầy làm nên". Nhưng bổn phận này không phải chỉ là sản phẩm của lý trí thuần túy mà còn xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa bền bĩ: sự thương mến kính trọng thầy. Bởi người làm thầy phải là người biết thương mến, lo lắng cho học trò mình, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ, trỡ nên người tốt ở trên đời. Thầy có sứ mạng cao cả của thầy, phải ý thức được sứ mạng cao cả đó, để làm hết phận sự của thầy, làm cho thế hệ trẻ nên người. Có vậy học trò và người đời mới thương mến kính trọng thầy. Tinh thần tôn sư nói lên lòng tôn kính người thầy. Tinh thần đó luôn luôn có trong xã hội Việt Nam. Nó bao gồm sự kính trọng, lòng biết ơn và lòng thương mến của người học trò đối với thầy. Tinh thần đó bây giờ vẫn tồn tại ở nhiều người, nhưng không sâu đậm bằng ở các người xưa. Càng đi ngược về xưa chừng nào thì tinh thần đó càng sâu xa đậm đà chừng nấy. Trọng đạo là đánh giá thật cao đạo lý của thánh hiền xem như mẫu mực để người đời noi theo. Đạo lý đây là luân lý đạo đức và thánh hiền không ai khác hơn là Không Tử mà người Á Đông thường tôn sùng như bậc thánh nhân. Khổng Tử cũng là người đầu tiên làm nghề dạy học. Ngài cũng là vị thầy cao cả nhất trong xã hội Á Đông. Người đi dạy cũng như người đi học từ xưa luôn luôn xem Ngài là bậc "vạn thế sư biểu" tức là ông thầy tiêu biểu của muôn đời.
Khổng Tử ra đời năm 551 trước Tây lịch. Ngài là người nước Lỗ nay thuộc vùng Sơn Đông ở phía Bắc nước Trung Hoa. Lúc mới lên ba tuổi, Khổng Tử phải chịu cảnh mồ côi cha. Đến 19 tuổi, Không Tử lập gia đình và bắt đầu đi làm việc với chức vụ khiêm nhường là "ủy lại", là chức coi việc thóc lúa trong kho. Sau đó được đổi sang việc coi nuôi bò trong việc tế lễ. Thiên tư dạy học của Ngài bắt đầu xuất hiện khi Ngài nhận dạy riêng cho con trai của Lỗ Hầu. Lúc này Ngài mới 22 tuổi. Khổng Tử rất thích nghiên cứu học hỏi về những gì liên quan đến lễ nghi, văn hóa, lịch sử nước Tàu. Khoảng 29 tuổi Khổng Tử nhờ con của Lỗ Hầu giúp cho phương tiện để đi đến Lạc Ấp (kinh sư nhà Chu) để học hỏi. Ở đây có nhà Minh đường do triều đình thiết lập để chứa các luật lệ, thu tập những bảo vật cùng những di tích của các bậc thánh hiền đời trước (xem như văn khố và viện bảo tàng hồi đó). Ở đây Khổng Tử có cơ hội khảo cứu tường tận các nghi thức tế lễ, các thể chế nơi miếu đường và các nơi giao tế.
Sau đó Khổng Tử trỡ về nước Lỗ chánh thức đi vào cuộc đời dạy học. Chỉ trong thời gian ngắn tiếng tăm của Ngài được đồn đãi khắp nơi. Học trò theo học càng ngày càng đông. Năm 517 trước Tây Lịch, lúc này Ngài đã được 35 tuổi, nước Lỗ trãi qua một cuộc loạn ly, Không Tử phải tản cư qua nước Tề, sống ở đây một thời gian hơn năm năm. Mãi đến năm 511 trước Tây Lịch Ngài mới trỡ về nước Lỗ san định sách vở, và tiếp tục dạy học. Học trò của Ngài đến từ nhiều nơi trên khắp cả nước Tàu. Một hôm, theo lời mời của vua nước Lỗ, Ngài xuất chính, giử chức Trung Đô Tể, tức kinh thành Phủ Doản (như Đô trưởng). Ít lâu sau thăng lên chức Đại Tư Khấu (như tổng trưởng tư pháp) và sau cùng Nhiếp Chính Sự (như Thủ Tướng chính phủ). Ngài không mấy thành công trên chính trường vì chính sách cai trị của Ngài quá thiên về đạo đức (vương đạo). Lối cai trị đạo đức của Ngài chỉ có lợi cho dân mà không có lợi (vật chất) cho kẻ cầm quyền, nó không thỏa mãn được lòng tham lam, ham muốn bá quyền của các vua chúa. Ngài chỉ làm quan thời gian ngắn, rồi cùng các đệ tử đi chu du thiên hạ suốt mười mấy năm trời nhưng không tìm được nơi để thi hành vương đạo của Ngài nữa. Ngài trỡ về nước Lỗ lúc 68 tuổi, sống những ngày còn lại nơi quê nhà. Ngài mất năm 474 trước Tây Lịch, thọ 73 tuổi.
Ngài mất đi khiến học trò vô cùng thương tiếc. Ai cũng để tang 3 năm. Hơn 100 đệ tử làm nhà ở gần mộ Khổng Tử để ở đó cho đến ngày mãn tang. Riêng Tử Cống thì đã ở đây hơn 6 năm. Thuật lại cuộc đời Khổng Tử, Tư Mã Thiên viết: "Tôi đọc sách họ Không, tưởng tượng như trông thấy cách làm người của Thầy. Sang nước Lỗ xem nhà thờ Không Tử với nào xe, nào áo, nào đồ thờ , nào các học trò thời thường đến đó tập lễ, tôi bồi hồi ở lại không về được. Nhiều vua chúa và những người tài giỏi khi sống rất vẻ vang nhưng khi chết rồi là hết , chẳng còn gì để lại cho đời sau. Thầy Không Tử thì áo vải đạm bạc vậy mà khi mất đi rồi lời dạy của thầy truyền hơn 10 đời mà học giả vẫn còn tôn trọng. Từ thiên tử đến vương thần ở nơi xứ Trung Quốc này, hể nói đến Sấm kinh đều phải lấy thầy làm đích. Thật đáng là bậc chí thánh vậy."
Khổng Tử là một nhà giáo dục chân chính, một bậc thầy vĩ đại không phải chỉ riêng của Trung Hoa mà còn của cả thế giới loài người. Nhờ Khổng Tử địa vị của ông thầy được người đời xưa nâng cao, hơn cả địa vị của ông cha, chỉ đứng sau địa vị của ông vua. Câu "Quân, Sư, Phụ" cho biết sau ông vua là đến ông thầy rồi sau ông thấy mới đến ông cha. Người làm cha cũng có công dưỡng dục, dạy dỗ con cái, nhưng trong xã hội người dạy con mình nhiều nhất, người có công vun xới vườn kiến thúc và đạo đức của con mình, chính là ông thầy của nó. Làm cho một người non dại trỡ thành một người trưởng thành có kiến thức, có đạo đức, có khả năng, có đời sống xứng đáng với ý nghĩa cao đẹp của con người, đó là công lao to lớn của ông thầy, của người biết mang trong người cái trọng trách "hối nhân bất quyện" (dạy người không biết mệt). Khổng Tử là người ý thức rõ cái sứ mạng, cái thiên chức cao quý đó của một lương sư. Hậu thế tôn sùng Ngài như bậc thầy của muôn đời, bậc "Vạn Thế Sư Biểu" bởi chủ trương, đường lối, mục tiêu, phương pháp giáo dục của Ngài chứa đựng nhiều giá trị mà người đời sau phải công nhận, đề cao và học hỏi.
Quan trọng nhất là "đạo"(tức con đường hay hướng đi) của Ngài. Ở đây ta cứ hiểu là đạo Nho hay đạo Khổng, bao gồm những tư tưởng hay triết lý căn bản mà Đức Khổng Tử đã tổng hợp và phát huy để dẫn dắt con người đi đến nơi toàn thiện (bằng cách tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ). Đạo của Ngài là đạo của người quân tử, đạo của bậc đại nhân (đại học chi đạo), lấy chữ nhân làm đầu, xem con người và xã hội là cứu cánh. Từ mấy trăm năm trước Tây Lịch cho đến những ngày gần đây đạo của Ngài vẫn được mạnh mẽ lưu truyền trong các xã hội Á Đông. Ở đâu còn có sự giáo dục chân chính, còn có những người tận tâm dạy dỗ (những lương sư), còn có những người muốn học thật sự để nên người thì ở đó lòng tôn sư trọng đạo vẫn còn được duy trì.
Ngày nay trước sự bành trướng của duy vật vô thần chủ nghĩa, tính "linh ư vạn vật" của con người bị phủ nhận, giáo dục trỡ thành chợ buôn bán, phẩm chất tụt hậu, thầy không còn đủ điều kiện để làm thầy, học trò không còn cơ hội để học làm người, đạo đức suy đồi, xã hội trụy lạc đổ vỡ, lòng người hoang mang, tinh thần tôn sư trọng đạo hơn bao giờ hết, cần phải được phục hồi, truyền thống tốt đẹp đã có cần được chấn hưng để những thế hệ sau này còn có cơ xây dựng lại tinh thần nhân bản, dân tộc, khai phóng rất cần cho việc hiện đại hóa và phát triển quốc gia trong những thập niên tới.
GS. Nguyễn Thanh Liêm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét