Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Nhã Nhạc HUẾ



Nhưng "di sản sống" của nhã nhạc Huế

Những dấu xưa nơi chốn cung đình và những nốt nhạc hò, xự, xàng, xê, cống... đã được những "di sản sống" trình diễn tuyệt kỹ một thời. Tưởng rằng, không gian, thời gian khiến tiếng nhã nhạc ngày ấy nghe rưng rức, trôi dạt. Thế nhưng, rải rác ở các miền quê, các nghệ nhân vẫn còn bảo lưu những bí quyết, những "ngón nghề", thậm chí là cả hệ thống bài bản của nhã nhạc cung đình.

Cuối năm 2003, âm nhạc Cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (triều Nguyễn) được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Dẫu vậy, sau hơn 7 năm nhã nhạc được công nhận, những bí quyết nghề nghiệp trong trình diễn nhã nhạc mà những nghệ nhân còn lại đang nắm giữ chưa có cơ hội trao truyền, để phô diễn. Trong khi đó, những tài liệu lịch sử về nhã nhạc lại manh mún; không gian diễn xướng nguyên thủy không còn và số nghệ nhân, nghệ sĩ hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng ngày càng mai một. Thực tế này đã đặt ra nhiều vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của nhã nhạc.

Hồ sơ khoa học về các nghệ nhân, nghệ sĩ nhã nhạc, tuồng cung đình và Múa cung đình lần đầu tiên đã được thực hiện. Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế Trương Tuấn Hải gợi mở: 'Lập hồ sơ khoa học về các nghệ nhân, nghệ sĩ là cách để gìn giữ những 'ngón nghề', những bí quyết nghề nghiệp mà các nghệ nhân, nghệ sĩ đang nắm giữ. Ðây cũng là cơ sở để chúng ta xây dựng hệ thống 'báu vật nhân văn sống' về nhã nhạc, tuồng và múa cung đình sau này'.

Sau gần một năm điền dã, nhóm nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu - nghệ thuật (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế) đã tiếp cận với 20 nghệ nhân, nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật nhã nhạc, tuồng và múa cung đình đang sinh sống ở Huế và các vùng phụ cận. Chính những ngày cùng ăn, ở với các nghệ nhân, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, nhã nhạc không hề mất đi bản sắc vốn có của nó, những gì còn lại của loại hình này vẫn được các nghệ nhân lưu giữ. Anh Trương Trọng Bình, thành viên của nhóm biên soạn, cho biết: 'Khó nhất là quá trình tiếp cận với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Các nhà nghiên cứu phải kiên trì, vừa tạo sự tin tưởng nơi họ, vừa tạo được sự thoải mái để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn hết khả năng của mình'.

Nói đến nghệ nhân nhã nhạc, người ta nhắc đến cụ Lữ Hữu Thi và cụ Trần Kích. Mùa xuân này, cụ Lữ Hữu Thi ở làng Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đã 102 tuổi. Cụ là nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng trong đội nhạc Hòa thanh (đội Tiểu nhạc) thời vua Bảo Ðại. Cụ Thi chơi được các loại như đàn nhị, kèn, trống, tam âm, phách tiền, mõ, bạt... nhưng nổi nhất vẫn là tài chơi đàn nhị và kèn bóp. Cụ cũng là người duy nhất còn nhớ rõ bảy bản 'Thài' cổ dùng trong lễ tế Nam Giao. Trong ký ức của nghệ nhân này, các 'nghi lễ' cung đình rất cầu kỳ và phức tạp. Trước khi diễn phải đến sớm, ăn mặc nghiêm chỉnh, tư thế đứng phải thẳng tắp, không nhúc nhích. Khổ luyện là vậy nhưng thỉnh thoảng Ngài (Vua) mới đi ngang qua. Bây giờ thì tuổi cao, sức yếu, song nếu hằng ngày không đờn hát được một vài câu là dạ lại bồn chồn. Hơn 80 năm gắn bó với nhã nhạc cung đình Huế, cụ đã kịp truyền nghề cả bốn thế hệ trong gia đình. Ðêm đêm, cả gia đình lại quây quần học nhã nhạc. Cụ sửa các âm điệu sai, bắt con cháu hò lại theo âm điệu đúng của lời, của nhạc...

Theo nhóm nghiên cứu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, trong suốt hành trình tìm hiểu và ghi lại những bí quyết, những kỹ năng nghề nghiệp của các nghệ nhân, họ thật sự xúc động khi tiếp xúc với nghệ nhân Trần Kích ở làng Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Ðiền. Ông là nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng còn lại của triều đình nhà Nguyễn, vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Hơn 70 năm tuổi nghề, ông đã nghiên cứu cách ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài, bản về Ðại nhạc và Tiểu nhạc. Ông là người nắm giữ điệu Hò đưa linh (trong Ðàn Bạt độ giải oan). Những cây đàn nhị, nguyệt, bầu, sáo, kèn,... khi đã vào tay ông biểu diễn như được nâng thêm tầm cao âm thanh mới trong nghệ thuật. Những ngón nhấn, vuốt, vê, rung... tài hoa của ông độc đáo, luyến láy tinh vi, điệu nghệ, cung bậc uyển chuyển, nồng thắm... tạo nên sự trang trọng, gần gũi, âm hưởng mượt mà sâu lắng lòng người. Ông nói, người đánh đàn phải gửi cái tâm của người nghệ sĩ vào cây đàn. Mỗi tiếng đàn ngân lên, người nghệ sĩ không chỉ nghe bằng tai mà còn phải nghe bằng cả trái tim. Mỗi nốt nhạc được đánh lên, người nghệ sĩ nhắm mắt lại vẫn thấy nó vấn vương quanh mình. Làm được như thế, tiếng đàn mới đúng chất, mới thanh thoát...

Các nhà nghiên cứu đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi chứng kiến nghệ nhân Hồ Ðăng Châu với khả năng trình diễn sanh tiền điêu luyện. Nghệ nhân Trương Cảnh Hùng thổi sáo réo rắt như tiếng chim phượng hoàng bay về Ðại nội trong mùa ngô đồng kết hạt. Hay nghệ nhân Phạm Bá Diện ở xã Phong Bình (huyện Phong Ðiền) là người hiện đang nắm giữ kỹ thuật và nội dung bài múa Thiên hạ thái bình. Bên dòng Ô Lâu, tâm hồn của nhiều đứa trẻ lớn lên từ những điệu múa đặc sắc như múa Thiên hạ thái bình, múa Bát dật... của cụ. Ở các lễ hội, ma chay trong làng xã đều có tiếng trống, tiếng đàn của cụ cất lên. Thế nên, dân làng đã không ngần ngại gọi cụ là ®báu vật sống nhã nhạc của làng'.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải cho rằng: 'Thiết lập hồ sơ khoa học về các nghệ nhân đang nắm giữ các bí quyết về âm nhạc cung đình là một nội dung nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy âm nhạc cung đình Huế. Ðây là cơ sở để chúng tôi tiếp tục rút kinh nghiệm và mở rộng việc điều tra lập hồ sơ nghệ nhân, đồng thời chuẩn hóa các thông tin để phục vụ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu âm nhạc cung đình Huế'.

Nhã nhạc vẫn còn đó, song các nghệ nhân ngày càng yếu đi, có cụ đã không thể đánh đàn bởi sức khỏe, không còn minh mẫn. Cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý trao truyền những kỹ năng nghề nghiệp cho lớp hậu sinh.

Nguyễn Công Hậu

Nguồn: http://tranquanghai.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét