Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

VUA TRẦN NHÂN TÔNG



TRẦN NHÂN TÔNG
ĐẠI ĐẾ - ĐẠI SƯ

Trần Khâm là con trưởng của vua Thánh Tông. Ông sinh ra trong một gia đình sùng mộ đạo Phật. Ngay từ khi còn trẻ, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Thiền học của ông nội – vua Trần Thái Tông, tác giả các sách Thiền tông chỉ nam, Khóa hư lục…, của cha – vua Trần Thánh Tông, tác giả các sách Thiền tông liễu ngộ ca, Đại minh lục…, và nhất là của cậu ruột – Tuệ Trung thượng sĩ.

Năm 16 tuổi, ông trốn khỏi hoàng cung, định lên tu học ở núi Yên Tử. Vua Thánh Tông hay tin, sai quần thần đi tìm, bất đắc dĩ ông phải trở về. Bốn năm sau, vua Thánh Tông nhường ngôi cho ông. Ông lấy lời của quốc sư Trúc Lâm khuyên vua Thái Tông “Phàm người làm vua phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” (Phù vi nhân quân giả dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm) làm châm ngôn cho hành động của mình. Mặt khác, ông vẫn dành thì giờ để nghiên cứu kinh điển, thường mời các vị thiền sư vào cung đàm luận Phật pháp.

Trong mười lăm năm làm vua (1278 – 1293) và sáu năm làm thái thượng hoàng (1293 – 1299), vua chăm lo phát triển kinh tế và văn hóa, làm cho đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no. Đặc biệt, bên cạnh dòng văn chương chữ Hán, hình thành dòng văn chương chữ Nôm (được tôn vinh là chữ quốc ngữ) với các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Thuyên (được vua Nhân Tông đổi họ thành Hàn Thuyên), Nguyễn Sĩ Cố, Chu An… Bản thân vua cũng là một tác giả chữ Nôm. Cho đến nay, các nhà văn học sử chưa tìm thấy “bài văn ném xuống sông để đuổi cá sấu” của Hàn Thuyên nên không thể khẳng định bài ấy “viết bằng tiếng Nôm”[1] thì “bài Cư trần lạc đạo phú và bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trúc Lâm [Trần Nhân Tông] là hai bài văn biền ngẫu [bằng chữ Nôm] xưa nhất mà ta còn hiện có”[2].

Trên phương diện bảo vệ độc lập dân tộc, Nhân Tông cùng vua cha Thánh Tông lãnh đạo quân dân cả nước hai lần kháng chiến chống xâm lược Nguyên.

Năm 1278, vua Nguyên Hốt Tất Liệt (cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) sai sứ sang trách vua Đại Việt lên ngôi báu mà không xin phép “thiên triều”, đòi vua phải sang Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) chầu “thiên tử”. Nhân Tông từ chối.

Năm 1282, Hốt Tất Liệt lại cử người sang làm An Nam tuyên úy sứ để “giám trị các châu huyện” của nước ta, xem nước ta như một chư hầu của Tàu. Nhân Tông không nhận, đuổi về.

Cuối năm 1283, Hốt Tất Liệt lại sai sứ sang mượn đường đi qua Đại Việt để đánh Chiêm Thành. Nhân Tông không cho.

Biết rõ dã tâm của kẻ thù phương Bắc, Nhân Tông bề ngoài vẫn giữ quan hệ “hữu nghị”, song bên trong tích cực chuẩn bị mọi mặt để đối phó.

Tháng 11-1282, vua triệu tập các vương hầu cùng văn quan võ tướng đến Bình Than để “bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu”[3].

Tháng 11-1283, vua cho quân thủy và quân bộ diễn tập.

Tháng 9-1284, vua tổ chức cuộc duyệt binh ở Đông Bộ Đầu.

Vua cử Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải làm thượng tướng thái sư và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm quốc công tiết chế.

Tháng 1-1285, vua mời các vị phụ lão tiêu biểu trong cả nước về điện Diên Hồng. Theo bài hát “Hội nghị Diên Hồng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, vua cha Thánh Tông (người chủ trì hội nghị) hỏi các vị phụ lão: “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?”. Người nghe nghĩ rằng triều đình còn phân vân do dự. Thực ra, vua cùng triều thần đã hạ quyết tâm kháng chiến ngay từ hội nghị Bình Than hơn hai năm trước đó. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã nhận xét rất đúng: vua triệu tập hội nghị Diên Hồng nhằm “xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cũng để dân chúng nghe lời dụ hỏi [của vua] mà cảm kích hăng hái lên thôi”[4]. Nói cách khác, vua muốn biến quyết tâm của triều đình thành quyết tâm của toàn quân toàn dân. Sau hội nghị, mọi người tự động dùng mực thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát” (giết giặc Thát Đát).

Đúng như dự kiến của vua, Hốt Tất Liệt quyết định cử con trai của mình là Thoát Hoan (Toγan) chỉ huy 50 vạn quân sang đánh Đại Việt.

Trước lực lượng đông đảo của giặc, quân ta chặn đánh để làm chậm đà tiến của chúng, rồi rút lui nhằm bảo toàn lực lượng. Triều đình tạm thời rời kinh thành Thăng Long.

Giặc phải đối phó với cuộc kháng chiến lâu dài của ta, lực lượng bị tiêu hao, lương thực cạn dần. Vua Nhân Tông nói với triều thần: “Bọn giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt. Lấy nhàn chống mệt, trước hãy làm chúng nhụt chí, thì ắt là đánh bại được chúng”[5].

Chỉ trong hai tháng 5 và 6-1285, quân Đại Việt tổng phản công, liên tiếp đánh thắng quân giặc ở Tây Kết (2 trận), Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp. Tổng quản Trương Hiển đầu hàng. Quân giặc bị giết không sao kể xiết, trong đó có nhiều tướng giặc: nguyên soái Toa Đô, tả thừa Lý Hằng, tỳ tướng Lý Quán… Số còn lại cố mở đường máu chạy về nước. Chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng bắt quân lính khiêng chạy, Ô Mã Nhi lên thuyền nhỏ vượt biển trốn. Nửa triệu quân giặc bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Sau thất bại đau đớn đó, Hốt Tất Liệt quyết mở một cuộc chiến tranh xâm lược mới để phục thù. Bại tướng Thoát Hoan tiếp tục được chọn để tổng chỉ huy đạo quân viễn chinh. Lần này, Hốt Tất Liệt cử thêm một đạo thủy quân gồm 500 chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy, đồng thời lập thêm một đoàn thuyền gồm 70 chiếc để vận tải lương thực, do Trương Văn Hổ cầm đầu.

Về phía ta, sau chiến thắng năm 1285, vua Nhân Tông vẫn hết sức cảnh giác, ra lệnh tăng cường lực lượng để sẵn sàng chiến đấu. Khi quân giặc vượt biên giới tiến vào nước ta cuối tháng 12-1287, chiến lược của ta vẫn như cũ: đánh kiềm chân bộ binh của giặc ở một số nơi rồi rút lui để bảo toàn lực lượng.

Trong khi đó thủy quân và đoàn thuyền lương vào nước ta theo sông Bạch Đằng. Chờ cho thủy quân đi qua, quân ta đổ ra đánh đoàn thuyền lương đang nặng nề tiến vào Vân Đồn – Lục Thủy (Quảng Ninh), “bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất đông”[6]. Trương Văn Hổ lên một thuyền nhỏ chạy trốn ra đảo Hải Nam.

Quân giặc chiếm được kinh thành Thăng Long, nhưng thường xuyên bị quân ta tấn công, lực lượng hao mòn. Đặc biệt nạn thiếu lương thực ngày càng nghiêm trọng khiến tinh thần quân giặc rã rời. Tuyệt vọng, Thoát Hoan quyết định rút quân về để tránh nguy cơ bị tiêu diệt.

Nhưng việc rút lui không phải dễ. Thoát Hoan dẫn bộ binh mở đường máu chạy trốn, nhưng khắp nơi đều bị quân ta tập kích và phục kích, thương vong rất cao. Hữu thừa Abatri bị giết.

Ô Mã Nhi rút theo đường thủy. Đến sông Bạch Đằng, đoàn thuyền giặc rơi vào trận địa phục kích, vô số thuyền xô phải cọc, bị vỡ và bị đắm, khiến quân giặc số chết đuối, số bị giết, số còn lại bị bắt làm tù binh, trong đó có 2 viên tham tri chính sự Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp cùng viên quý tộc Tích Lệ Cơ.

Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định: vua Nhân Tông hai lần chiến thắng giặc ngoại xâm “khiến cho thiên hạ đã tan mà lại hợp, xã tắc đã nguy mà lại yên, suốt đời Trần không còn nạn xâm lược của giặc Hồ nữa. Công lao ấy to lớn lắm”[7].

Ngày 18-4-1288, vua Nhân Tông cùng vua cha và triều thần làm lễ hiến tiệp tại lăng vua Thái Tông. Thấy chân các ngựa đá trước lăng lấm bùn, vua nghĩ các ngựa đá cũng tham gia vào hai cuộc kháng chiến nên đọc hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

社稷 兩 回 勞 石 馬,
山 河 千古 奠 金 甌。

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.)

Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc, Nhân Tông tái thiết đất nước, miễn hoặc giảm tô, dịch cho nhân dân các địa phương tùy mức độ bị tàn phá. Đối với phương Bắc, vua thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, trao trả tù binh, trao đổi sứ bộ để bình thường hóa quan hệ, nhưng cương quyết không qua chầu “thiên tử” như Hốt Tất Liệt đòi hỏi.

Năm 1293, Nhân Tông truyền ngôi cho con trưởng là thái tử Thuyên (tức vua Anh Tông). Vua mới 17 tuổi nên thái thượng hoàng Nhân Tông tiếp tục chỉ bảo vua cách trị nước.

Sáu năm sau, 1293, khi vua đã trưởng thành, Nhân Tông mới chính thức xuất gia, tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) tại chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, lấy pháp hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau đổi thành Trúc Lâm Đầu Đà. Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ nhận xét: tuy Nhân Tông xuất gia, nhưng “đối với việc nước, hẳn không phải bỏ qua, không nghe biết gì”[8]. Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở cho biết thêm: “Có người thấy Tổ thứ nhất Điều Ngự [tức Nhân Tông] ra ở chùa Hoa Yên [tức chùa Vân Yên] thì nói là Người xuất gia, biết đâu rằng Tổ ta đương thời lấy thiên hạ làm việc chung. Trong nước vô sự, nhưng phía bắc có nước láng giềng mạnh, không thể xao lãng cảnh giác. Ý đó không nói rõ được, sợ lòng người dao động. Người lấy Yên Tử là ngọn núi rất cao, phía đông trông ra miền Yên Quảng, phía bắc nhìn tới hai xứ Lạng…, thường lui tới xem xét động tĩnh, khiến giặc ngoài không thể gây được những việc đáng lo”[9].

Mặt khác, Nhân Tông tìm cách liên minh với phái nam. Năm 1301, Nhân Tông sang Chiêm Thành, gặp vua Jaya Sinhavarman III (sử ta gọi là Chế Mân). Gần 20 năm trước, khi còn là thái tử Harijit, Chế Mân đã anh dũng kháng chiến chống quân Nguyên. Sử nhà Nguyên chép: Nhân Tông từng giúp Chiêm Thành 2 vạn quân và 500 chiến thuyền để đánh lại đạo quân viễn chinh của Toa Đô[10]. Sẵn lòng cảm mến Chế Mân, Nhân Tông hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân. Về sau, Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Rí để làm sính lễ, hai châu này được đổi tên thành châu Thuận và châu Hóa trong bản đồ Đại Việt.

TS. Phan Văn Hoàng

Mời xem tiếp: Vua Trần Nhân Tông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét