Theo tự điển của Nguyễn Văn Khôn, chiến đấu là tranh đấu nhau, đánh nhau. Như vây, chiến đấu tính hay tính chiến đấu là đặc tính về những việc đánh nhau, về sự chiến đấu chống lại quân thù. Vậy thì trong âm nhạc Việt Nam, ta thấy có tính chiến đấu này không?
Đã nói đến tính chiến đấu thì nhạc phải hùng tráng, dồn dập, thôi thúc. Vì vậy trong âm nhạc khi sáng tác những bản nhạc đầy màu sắc chiến đấu, các nhạc sĩ thường hay xử dụng nhịp điệu quân hành, nhịp đi (March) hay điệu Fox mà thôi. Những nhịp điệu khác thường ít khi xử dụng đến vì không tạo được sự hùng tráng và thôi thúc như các điệu slow, tango, bolero, rumba vv… Ngoài nhịp điệu của bản nhạc, ta cần phải đề cập đến lời của chính bản nhạc đó nữa mới khám phá được chiến đấu tính của bản nhạc.
Hấu hết những từ ngữ trong các bản nhạc này khi hát lên đều làm cho ta liên tưởng ngay đến chiến tranh, khói lửa mịt mù, bom rơi đạn nổ, ngựa hí vang trời vv...
Hỡi tất cả toàn dân Việt Nam, hãy nghe theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi cùng nhau đứng lên bảo vệ tổ quốc cho dù phơi thây trên gươm giáo, cho dù bỏ xác ngoài chiến địa hoang tàn miễn sao làm cho khắp nơi vang tiếng người nước Nam, làm sao giữ được bờ cõi không để lọt vào tay quân thù cho dù một tấc đất để xứng đáng là con Rồng cháu Lạc. Đó là nội dung của bản nhạc Quốc ca Việt Nam sau đây khi hát lên ai cũng thấy tính chiến đấu bàng bạc trong toàn bản nhạc:
“Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống .Vì tương lai quốc dân cùng xông pha khói tên làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền. Dù cho phơi thây trên gươm giáo. Thù nước lấy máu đào đem báo. Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy này công dân ơi cố rèn tâm trí hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi vang tiếng nguời nước Nam cho đến muôn đời. Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ. Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng”.
Bởi vậy lúc nước nhà lâm vào cảnh quốc phá gia vong, quê hương đang đắm chìm trong khói lửa mịt mù vì quân thù rắp tâm giày xéo đất nước ta, tất cả mọi người nam phụ lão ấu đều đứng lên, đồng tâm hiệp lực bảo vệ biên cương; bảo vệ giang sơn gấm vóc mà tổ tiên ta đã từng nằm gai nếm mật và hy sinh không biết bao nhiêu máu xương từ đời này sang đời nọ mới có được ngày hôm nay. Nhưng nếu trước thế giặc quá lớn, quân thù đang rắp tâm ồ ạt kéo hằng vạn quân vượt biên giới qua xâm lăng nước ta, chúng ta khoanh tay ngồi chờ mất nước hay sao? Không bao giờ! Hãy triệu tập các bô lão lại tại Hội Nghị Diên Hồng để thỉnh ý kiến nên chiến đấu hay nên hòa. Mặc dầu tuổi đã xế chiều, đi phải chống gậy, nhưng tất cả các bô lão đều đồng thanh trả lời phải hy sinh mà chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Chúng ta hãy nghe bản nhạc Hội Nghị Diên Hồng sau đây của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sẽ thấy rõ chiến đấu tính bàng bạc trong bản nhạc như thế nào:
Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
Tuôn dậy non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu
Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?
Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân
Hỡi đâu tứ dân!
Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
Ôi Thăng Long! Khói kinh kỳ phơi phới
Loa vang vang, chiếu ban truyền bốn hướng
Theo gió bay khắp miền sông núi réo đời.
Lòng dân Lạc Hồng nhìn non nước yêu quê hương
Giống anh hùng nâng cao chí lớn
Giống anh hùng đua sức tráng cường.
Ta lên đường lòng mang tâu đến long nhan
Giòng Lạc Hồng xin thề liều thân liều thân!
Đường còn dài
Hờn vương trên quan ải
Xa xa trông áng mây đầu non đoài
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
Ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la
(Hỏi) Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Đáp) Quyết Chiến!
(Hỏi) Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Đáp) Quyết Chiến!
Quyết chiến luôn
Cứu nước nhà
Nối chí dân hùng anh
(Hỏi) Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp) Hy Sinh!
(Hỏi) Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp) Hy Sinh!
Thề liều thân cho sông núi
Muôn Năm Lừng Uy!!
Vâng, trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến! Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến? Quyết chiến! Không bao giờ lại làm hòa với kẻ xâm lăng. Vậy thì chúng ta phải quyết chiến vì chúng ta là giống dân Lạc Hồng. Chúng ta phải liều thân tranh đấu để giữ gìn non sông. Bởi vì máu anh hùng luôn luôn làm rạng danh nòi giống Tiên Rồng, máu anh hùng ngàn đời nhuộm thắm non sông. Đó là những ý chí quyết chiến đấu dứt khoát trong bản nhạc Quyết Chiến của Võ Đức Thu sau đây:
Quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng
Liều thân sống tranh đấu giữ gìn non sông
Quyết tiến khi nước non nguy biến
Máu anh hùng ngàn đời nhuộm thắm non sông
Quyết tiến khi nước non reo hò
Lòng cương quyết tranh đấu giữ gìn tự do
Quyết tiến khi nước non nguy biên
Máu anh hùng rạng danh nòi giống Tiên Rồng
Vết anh hùng ngàn xưa nay còn lưu dấu
Theo sử xanh nước Việt ngàn đời hùng anh
Chí quật cường toàn dân hy sinh tranh đấu
Giống Lạc Hồng rạng danh nòi giống Tiên Rồng.
Không ai có quyền nằm ngủ khi sơn hà nguy biến! Không ai có quyền phớt tỉnh trước cảnh đất nước đang lâm nguy. Hãy nghe tiếng gọi của hồn thiêng sông núi quyết vùng lên phất cờ khởi nghĩa đánh cho tan tành giặc ngoại xâm từ phương Bắc tràn xuống.
Kìa! Tiếng ngựa hí vang trời vọng về từ biên ải! Kìa! Gió bụi mịt mù của vó câu muôn dặm tỏa khắp non sông! Đâu đây tiếng kèn thúc quân như thúc dục toàn dân hãy tiến ra biên cương cho dù trời đang mưa bão, cho dù sấm chớp liên hồi. Vẫn biết lắm lúc “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” nhưng hồn thiêng sông núi vẫn đang vọng về giữa quê mẹ, vậy thì toàn dân Việt Nam hãy nuôi chí căm hờn mà tuốt gươm bay ra quan ải tiêu diệt quân thù để bảo vệ quê cha đất tổ. Vâng, những lời trên đây là nội dung mang đầy màu sắc chiến đấu tính của những bản nhạc Đường Ra Biên Ải, Chiến Sĩ Vô Danh, Chiến Sĩ Anh Hùng, Xuất Quân của nhạc sĩ Phạm Duy mà ta lần lượt nghe sau đây điển hình qua một vài đoạn trong các bản nhạc đó:
Bài “Chiến Sĩ Anh Hùng”:
“Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong, nước non đang chờ mong tay ngươi hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời. Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng là trang nam nhi. Quyết chiến sa trường. Sống thác coi thường. Mong thác trong da ngựa bọc thân thế trai”.
Bài “Đường Ra Biên Ải”:
“Ra biên cương! Ra biên cương! Thiết tha lòng gái, hôm nay nâng khăn hồng, đưa chân anh hùng ngàn phương. Ra biên cương! Ra biên cương! Khói hôn hoàng xuống ven rừng, qua con sông khuất ngàn nẻo thương. Trăng non dị thường, ngựa tung vó bước. Hiu hiu, lá rơi lối mòn tuyết sương. Sao băng trên vòm, mong qua đêm buồn. Là ánh nắng đến, sáng soi tâm hồn. Người ngàn trùng! Quên niềm son phấn. Biên ải như đuốc thiêng! Ôi non nước linh truyền! Ôi tiếng hát câu nguyền. Đời gai chông! Xin thề lưu luyến. Biên ải xin hiến thân. Thấm thoát đã bao lần. Bao người đi đền nợ máu xương. Người đi không về, chắc rằng có người nhớ. Hương khói chiêu hồn. Hiu hắt những chiều trận vong. Đời vui thái bình, cũng vì bao đời lính. Tiếng hát công thành. Thương nhớ những người tòng chinh”.
Bài “Chiến Sĩ vô Danh”:
“Ra biên khu trong một chiều sương âm u. Âm thầm chen khói mù. Bao oan khiên đang về đây hú với gió. Là hồn người Nam nhớ thù. Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn. Muôn lời thiêng còn vang. Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng. Sầu hận đời lấp tan. Gươm anh linh, đã bao lần vấy máu. Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình. Rừng trầm phai sắc. Thấp thoáng tàn canh. Hỡi người chiến sĩ vô danh...”
Bài “Xuất Quân”:
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam.
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha.
Ngàn lời chính khí đưa
Ầm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa.
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu
Oán thù khắp nơi.
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa.
Ngay trong bản nhạc “Hòn Vọng Phu” 1, 2, 3, của nhạc sĩ Lê Thương, ta cũng thấy chiến đấu tính xuất hiện một cách rõ ràng qua nhiều đọan, nhiều trường canh được nằm trong nhịp quân hành mặc dầu toàn bài vẫn là những nhịp điệu phù hợp với nội dung của bản nhạc mang tựa đề là Hòn Vọng Phu:
“Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường,
Đoàn ngựa xe cuối cùng,
Vừa đi theo lối sông.
Phía cách quan sa trường,
Quan với quân lên đường,
Hàng cờ theo trống dồn
Ngoài sườn non cuối thôn,
Phất phơ ngậm ngùi bay.
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
Người đi ngoài vạn lí quang san,
Người đứng chờ trong bóng cô đơn.
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng.
Người không rời khỏi kiếp gian nan,
Người biến thành tượng đá ôm con.
Ngựa phi ngoài xa hí vang trời,
Chiêng trống khua trăm hồi,
Ngần ngại trên núi đồi,
Rồi vọng ra khắp nơi …
Đường chiều mịt mù cát bay tỏa buớc ngựa phi
Đường trường nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió
Bóng từ xa sắp dần qua bóng chàng chập chùng vượt núi non xưa
Với hành lương độ đường
Chiếc hùng gươm danh tuớng
Dưới tà uy đếm nhịp đi vó ngựa phi
Dấn bước tang bồng giữa nơi núi rừng …”
Khi đã quyết chí ra đi theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi. Khi đã quyết chí ra đi dù không hẹn được ngày về, ai ai cũng muốn bằng mọi giá phải mang vòng hoa chiến thắng về dâng cho quê mẹ. Cho dù bom rơi đạn nổ, cho dù đạn lạc tên bay, chúng ta phải cố gắng tận dụng hết sức bình sinh đánh cho quân thù tan tác tả tơi, đánh cho quân thù nằm chết la liệt giữa những chiến địa hoang tàn. Để rồi thừa thắng xông lên, cầm lưỡi lê xông tới tiêu diệt cho đến tên địch cuối cùng mới thấy được chiến thắng trọn vẹn khi trước mặt ta, xác giặc nằm phơi thây giữa cánh đồng khét mùi thuốc súng. Bản nhạc Sư Đoàn I Hành Khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sau đây cho ta thấy đặc tính chiến đấu nói trên rất rõ ràng trong âm nhạc:
“Đây miền Đông hà miền Gio Linh, nơi tuyến đầu nước Việt hùng anh đã chiến đấu bao phen quân giặc tan tành. Từ Ba lòng nhìn qua Khe Sanh, Làng Vei nhìn đồi Tám Tám Mốt. Từ Hương Điền nhìn qua Triệu Phong phơi xác giặc tràn đồng. Hò ơi! Hò ơi! Hò ơi! Quân ta tràn lên. Chiến thắng Việt An bao thây giặc phơi tràn, chiến thắng làng Cùa quân ta về hò reo!”
Khi xác quân thù đã nằm chồng chất giữa những chiến địa hoang tàn, khi xác giặc thù đã nằm rải rác ở các góc thành bên những đống gạch vụn đổ nát, chúng ta phải nhanh nhẹn kéo cờ lên cho lá cờ tung bay trước gió để báo hiệu cho toàn dân biết, rằng chiến thắng đã về trên đất mẹ sau khi đã chiếm lại Cổ Thành bằng máu đêm qua. Để rồi chúng ta tiến quân vào Cổ Thành trong tiếng kèn chiến thắng, để rồi chúng ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn lại mảnh đât thân yêu mà chúng ta vừa giải phóng và giữa đêm khuya đen tối như mực, ta đã tìm thấy ánh mặt trời!
Bài Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị của nhạc sĩ Lê Kim Hoa sau đây cho ta thấy rất rõ ràng tính chiến đấu trong âm nhạc:
“Cờ Bay, Cờ Bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.
Cờ Bay, Cờ Bay tung trời ta về với quê hương từng ngóng đợi quân ta tiến về.
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn đất thân yêu, Quảng Trị ơi! Chào quê hương giải phóng.
Hồi sinh rồi này Mẹ, này Em, Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời.
Đi lên, đi lên trên hoang tàn ta xây dựng ngày mai.
Nhà vươn lên, người vươn lên.
Quân bên Dân xây tin yêu đời mới.
Dắt nhau về anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà
Sạch bóng thù, đồng hân hoan quân dân vui vang câu hát tự do”.
Và khi đã chiếm lại được mảnh đất thân yêu bằng máu đào lai láng, chúng ta phải quyết chí bảo vệ mảnh đất này đến giọt máu cuối cùng cho dù phải bỏ thân ngoài trận mạc, nếu cần thì da ngựa bọc thây. Cầm chắc tay súng, giữ vững biên thuỳ, canh chừng địch quân dùng chiến thuật biển người ào ạt tái chiếm. Nhưng khi thấy quân thù đang chuẩn bị tiến quân về phía ta, ngay tức khắc hằng ngàn cánh tay đưa lên, hằng vạn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh tiêu diệt giặc thù. Đập nát tan mưu toan của quân thù. Ta thề chết chứ không bao giờ rút lui khỏi trận chiến. Bản nhạc hào hùng “Đứng Dậy” sau đây nói lên chiến đấu tính rất oanh liệt của quân dân ta một thời vang bóng:
“Một cánh tay đưa lên. Hằng ngàn cánh tay đưa lên. Hằng vạn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh cho môt nền hoà bình công chính. Đập nát tan mưu toan. Đầu hàng cái quân xâm lăng. Hòa bình sẽ trong vinh quang. Đền công lao bao máu xương hùng anh. Nào tiến lên bên nhau. Và cùng sát vai bên nhau. Thề nguyền quyết vung tay cao quyết đấu tranh đến khi nào đạt thành mong ước. Vận nước trong tay ta, là quyền của quân dân ta. Tình đoàn kết quê hương ta chận âm mưu chia cắt thêm sơn hà. Quyết chiến, thề quyết chiến, quyết chiến. Quyết không cần hòa bình đen tối, chẳng liên hiệp ngồi chung quân bán nước vong nô. Quyết chiến, thề quyết chiến, quyết chiến. Đánh cho cùng dù mình phải chết, để mai này về sau con cháu ta sống còn. Vận nước đang vươn lên. Hằng ngàn chiến công chưa quên. Hằng vạn xác quân vong nô đã chứng minh cho sức mạnh hào hùng quân dân. Thề quyết không lui chân, ngồi cùng với quân xâm lăng. Ta thề chết chứ không hề lui. Quyết không hề phản bội quê hương”.
Vâng, ta thề chết chứ không bao giờ rút lui, không bao giờ phản bội lại quê hương. Bởi máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông ta đã từng miệt mài qua bao nhiêu thế hệ để xây đắp một quê hương Việt Nam ngạo nghễ; bởi vì còn đất nước Việt Nam sẽ vẫn còn triệu con tim với triệu khối kiêu hùng sẽ sẵn sàng tung xiềng xích vào mặt nhân gian để phá tan chế độ độc tài Cộng sản và giặc phương bắc xâm lăng đất nước ta. Bản nhạc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sau đây cho ta thấy tính chiến đấu thật rõ ràng khi ta vừa mới nghe hát đoạn đầu của bản nhạc:
“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên”.
Tóm lại, qua một số bản nhạc hùng tráng của Việt Nam như đã được trình bày ở trên, hầu như tất cả đều được các nhạc sĩ sáng tác theo nhịp điệu quân hành hay điệu Fox, chúng ta thấy rằng thỉnh thoảng, chiến đấu tính đó khi thì tiềm ẩn trong từng chữ từng câu, khi thì bàng bạc trong từng câu từng đoạn, nhưng nhìn chung luôn luôn nổi bật trong toàn bản nhạc vậy.
Dương Viết Điền
Nguồn: http://www.caulacbotinhnghesi.net/index.php?option=com_content&view=category&id=91&Itemid=340
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét