Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

TÂM CẢM

Do “Duyên” , mà tôi và Trung Tá Tôn Thất Tuấn đã gặp nhau trong đêm hội ngộ với các chiến hữu Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức hồi Tháng Chín năm 2010 . Để được giới thiệu đến mọi người một “Hậu Duệ” trong bài viết: “Từ Niên Trưởng Đến Hậu Duệ”:
XEM Ở ĐÂY


Tôi vẫn tin mối chân tình 2 thế hệ này còn đẹp mãi , như nét đẹp tuyệt vời của những người Bạn Trẻ luôn có tâm huyết nhiệt thành với Quê Hương Việt Nam .
Niềm tin đó hôm nay thêm một lần được khẳng định qua email Trung Tá Tôn Thất Tuấn gởi cho tôi kèm theo bài phát biểu của anh, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Biệt Động Quân vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận trong ngày 14 tháng 11 năm 2010, tại Falls Church - Virginia .

Do “Tâm Cảm” sâu sắc về bài viết chứa giòng tâm tình của người Bạn Trẻ, nối mạch thương yêu vào cội nguồn Dân Tộc luân chuyển giữa các thế hệ trong tinh thần Nhân Ái Việt Nam . Bởi những bài viết của Trung Tá Tuấn có giá trị như một bài học Nhân Bản trong giòng Lịch Sử . Vì người viết cùng lúc thực hiện hai sứ mệnh: Vừa chiến đấu bảo vệ Tự Do và Hòa Bình Thế Giới, vừa bảo vệ truyền thống hào hùng và nhân ái của Dân Tộc Việt Nam .
Trong niềm hãnh diện với người Bạn Trẻ này, tôi xin gởi bài phát biểu của Trung Tá Tôn Thất Tuấn đến quí Niên Trưởng, Quí Chiến Hữu và các Bạn Trẻ cùng xem . Với ước mong sợi chỉ hồng Nhân Ái luôn xuyên suốt qua tâm tư các Thế Hệ Việt Nam .
Trân Trọng,
Cao Nguyên
MD. NOV 15,2010

*****
Lời phát biểu của Trung Tá Tôn Thất Tuấn, Lục Quân Hoa Kỳ:


Kính thưa quý Niên Trưởng. Kính thưa Ban Tổ Chức (BTC) và Đại Diện các hội đoàn. Kính thưa Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh. Kính thưa Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất. Kínk thưa quý anh chị Biệt Động Quân (BĐQ) cùng toàn thể quý vị thân mến.
Trước hết tôi xin được phép tự xưng là “tôi” ở đây để chia sẽ vài quan điểm và nhận định riêng của mình trên phương diện là một người lính, một người Mỹ gốc Việt với 2/3 cuộc đời đã nhận được nhiều ưu đãi tại quê hương thứ hai này.
Chân thành cảm ơn BTC đã có lời giới thiệu về cá nhân tôi và vợ chồng chúng tôi rất là hân hạnh được đến tham dự buổi tiệc tối hôm nay. Từ hôm Chiến Hữu Lê Hữu Phúc gọi điện thoại yêu cầu tôi phát biểu vài cảm tưởng nhân dịp ngày thành lập Hội BĐQ Hoa Thịnh Đốn và các vùng phụ cận, tôi thật đã lúng túng không biết làm thế nào để ngỏ lời từ chối với ông.
Lý do là đứng ở đây không giống như là đứng hát karaoke, tôi biết tim mình sẽ đập mạnh hơn bình thường, hồi hộp trong không khí trang nghiêm bởi vì khán giả đêm nay có nhiều bậc lão thành, quý niên trưởng, quý đàng anh và đàng chị với nhiều kinh nghiệm chiến trường cũng như đã trải qua nhiều quảng đời léo lắc quanh co, thử thách cũng như thành công, thì làm sao tôi có thể sánh đo để nói gì đây.
Tuy nhiên, tôi đã nhận thấy được rất rõ ràng là mặc dù hoàn cảnh và tình huống đã thay đổi nhiều theo thời gian trong 3-4 thập niên qua, nhưng tinh thần đoàn kết và tinh thần trách nhiệm đối với đồng đội vẫn được tiếp tục duy trì tình huynh đệ chi binh giữa quý Cựu Chiến Binh (CCB) với nhau. Thật vậy, “một ngày làm BĐQ cả đời là BĐQ” hay “một ngày làm lính cả đời là lính”.
Tuy có một số chiến hữu trong Hội BĐQ hôm nay chỉ lớn hơn tôi độ vài tuổi, nhưng quý vị đã không màng hy sinh tuổi trẻ của mình cho tổ quốc và cho dân tộc. Tuy quý vị lớn hơn tôi có mấy tuổi nhưng con đường hào hùng của quý vị đi đã được ghi vào sử sách, những trang tài liệu quý báu đó hiện đang được cất giữ tại Cơ Quan Lưu Trữ Tài Liệu Quốc Gia ở Hoa Thịnh Đốn.
Vì đời lính hay di chuyển nhiều cho nên khi mới dọn nhà đến Virginia, vợ chồng tôi thường lang thang ở những quán hàng có đông người Việt để kiếm đồng hương. Rồi một hôm nọ, hai vợ chồng tôi đã gặp hai vợ chồng kia, chắc cũng cở chừng lứa tuổi của chúng tôi, trao đổi với nhau được vài câu chuyện bên đường, rồi tôi hỏi:
Anh chị à, ở đây có hay tổ chức ca nhạc hay hội hè gì không?
Người chồng trả lời: “ca nhạc lâu lâu cũng có chớ, nhất là vào dịp những ngày lễ, còn hội hè của mấy ông lính hồi xưa thì thấy cũng có, nhưng bây giờ chắc cũng chả làm được cái gì cho Việt Nam.”
Tôi bổng dưng hỏi tiếp một câu hoàn toàn thiếu tế nhị: “Vậy ở đây có hội nào trẻ đã làm được việc gì chưa?”
Thế rồi hai vợ chồng anh ấy quay sang nhìn nhau rồi quay đi không lời từ giả mà còn để lại cho tôi ánh mắt thiếu nhiều thiện cảm.
Vợ chồng tôi vẫn thường đến sinh hoạt ở khu phố Eden, không phải để mua sắm gì nhiều, nhưng để có dịp tiếp xúc với những người cũng mang gốc Việt với cùng hoàn cảnh năm xưa. Đối với tôi, Eden Center, những khu phố như Little Saigon, không chỉ là những khu thương mại rực rở, những đêm tiệc họp mặc như đêm nay không phải là để giải trí cuối tuần, mà những nơi này đã đánh dấu sự thành công và gắn bó của người Mỹ gốc Việt (MGV) trong xã hội hôm nay.
Ở nơi đây, truyền thống, phong tục tập quán của người Việt Nam vẫn được tiếp tục phổ biến, duy trì trong cộng đồng, chẳng hạn như hội chợ Tết hàng năm, rước đèn Trung Thu cho các trẻ em, hay chỉ để ca hát, trò chuyện với những người mình chưa bao giờ quen biết nhưng lại dễ dàng cảm thông với nhau.
Cũng ở nơi đây, quý CCB cũng đã nói lên tình tương thân tương trợ nhằm giúp đở những kẻ kém may mắn ở Việt Nam qua các chương trình quyên góp cứu trợ bão lụt, giúp đở cho nơi còn thiếu phát triển, yểm trợ cho thương phế binh hay người cùng đơn vị năm xưa đã một thời sống chết bên nhau. Những tấm lòng quý báu này đã để lại nhiều biểu tượng rõ ràng của tình đồng đội và tình nhân loại giữa con người đối với con người. Tôi nhận thấy, khi mình vượt qua được những giới hạn của riêng mình thì những mục đích cao cả luôn được hoàn thành dễ dàng và tốt đẹp hơn.
Bây giờ tôi cũng xin mượn khung cảnh ấm cúng đêm nay để nói lên, hay đúng hơn để vinh danh những vị anh hùng hầu như cả cuộc đời đã phục vụ trong thầm lặng, ít khi được nhắc đến ở những nơi công cộng, không đòi hỏi được mang quân hàm và cũng chẳng bao giờ được nhận huy chương khen tặng – những vị anh hùng này chính là quý phu nhân, hay nói một cách nôm na, đó là những người vợ của lính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).
Người vợ lính trong thời chiến, vừa làm cha vừa làm mẹ cho bầy con trẻ, làm bác sĩ khi đêm con đau ốm, làm tu sĩ khi nghe tiếng súng vọng về từ chiến trường. Xoay sở với đồng lương nghèo của lính, các bà làm lụng thật vất vả, chăm nuôi cả cha mẹ chồng, các bà đảm đang tất cả việc nhà, từ trong ra ngoài, để trấn an tinh thần cho chồng chiến đấu cùng đồng đội nơi vùng xa xôi, hẻo lánh và đầy nguy hiểm. Có nhiều bà không may đã biết thế nào là cảnh đi nhận xác chồng lúc tuổi chỉ vừa mới đôi mươi.
Những năm thử thách sau 1975, các bà đã trở nên cứng rắn hơn trong môi trường cưỡng bách và biết mưu sinh trong tương lai viễn vọng. Nghèo đói, có bà phải mặc cả hai cái quần một lúc, bởi vì cả hai cái đều bị rách, nhưng hên là mỗi cái lại rách mỗi chổ khác nhau. Khi dành dụm được năm ba con cá khô, vài viên thuốc bổ, một hai đồng tiền lời từ buôn bán chợ rong, bà lặn lội tả tơi trên những con đường mòn đầy cát bụi chông gai, mưa gió bão bùn đi thăm nuôi chồng trong những trại cải tạo, với hy vọng là sẽ có được vài phút vui ngắn ngủi được gặp chồng và thăm nuôi chồng. Tuy nhiên trong lòng các bà luôn băn khoăn lo sợ vì không biết lần thăm này có phải là lần cuối hay không. Vì hoàn cảnh đưa đẩy, tinh thần của các bà cũng đã được rèn luyện qua nhiều đêm thất vọng mòn mõi đợi chờ.
Những phút ban đầu tại Hoa Kỳ cùng bầy con nhỏ, có bà vẫn chưa được đoàn tụ với chồng, với tiền lót túi cũng chẳng có bao nhiêu, năm ba chữ tiếng Anh ngượng ngùng vừa cố gắng học, các bà đã phải đối diện với thực tế của một xã hội hoàn toàn văn minh và mới mẻ, để một lần nữa tự gánh chịu cho gia đình.
Một điều mà chắc quý ông cũng phải đồng ý với tôi là chưa có một người vợ lính nào được trải qua các trung tâm huấn luyện, như trường BĐQ hay trường nhảy dù, để được rèn luyện cho tinh thần lẫn thể xác, nhưng các bà lại có một sức chịu đựng phi thường, dẻo dai và kiên trì, khôn ngoan, lanh lẹ, và sẵn sàng đối đầu với bất cứ thử thách nào, từ bên kia cho đến bên này của Thái Bình Dương. Các bà thật là những vị anh hùng, những người đã hy sinh cả một đời mình cho chồng, cho con, cho gia đình và cho xã hội.
Vậy thì bây giờ tôi xin mời quý ông hãy cùng đứng lên, cùng tôi nâng ly chúc mừng và cũng để tỏ lòng biết ơn và quý mến đến tất cả những người vợ của lính VNCH.
Chúc mừng người vợ lính!
Thật ra tôi đã không muốn gợi nhắc lại những năm tháng xưa nhưng nhân dịp lễ thành lập Hội BĐQ và tôi lại không muốn bỏ đi một cơ hội để cảm tạ sự hy sinh lẫn những khó khăn mà quý vị đã phải trải qua, từ những ngày gian khổ trong chiến tranh, cho đến những gian nan sau chiến cuộc.
Theo quan điểm là người Mỹ gốc Việt, quý vị đã thành công, thành công rất nhiều khi nhìn thấy con cháu của mình đã trưởng thành, tạo được sự nghiệp tốt đẹp và đang hướng đến tương lai tươi sáng như một người công dân xứng đáng của nước Mỹ tự do và thân yêu của mình. Đó cũng là nhờ công lao vĩ đại và sự hy sinh cao cả của tất cả qúy vị.
Nếu qúy bà, vì hoàn cảnh, đã có thể đối đầu qua nhiều chặn đường đầy thử thách từ bên kia cho đến bên này của Thái Bình Dương, thì tôi nghĩ rằng chúng ta, vì tình người, cũng có thể nối lại nhịp cầu của đại dương. Bất kể ở thời nào, đối với tôi, quý vị, quý ông cũng như quý bà, luôn luôn là những vị anh hùng!
Kính chúc sự thành lập Hội BĐQ Hoa Thịnh Đốn nhiều thành công và tốt đẹp. Chân thành cảm tạ toàn thể quý vị và trân trọng kính chào.

--- ### ---

Trung Tá Tôn Thất Tuấn, Lục Quân Hoa Kỳ, hiện đang là Cố Vấn Quân Sự cho Nha Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Những lời phát biểu trên đây là quan điểm và nhận định riêng của anh và không phản ảnh chính sách hoặc lập trường chính thức của Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, hay chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét