Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

NGƯỜI TÌNH CHU VĂN AN





Viết theo lời kể của M.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những mối tình để nhớ, để thương, để sầu, để hận!
May mắn cho tôi, tôi chỉ có một người tình để nhớ: Người Tình Chu Văn An. Hay nói cho đúng hơn, người tình của tôi là học sinh trường Chu Văn An ở Sàigòn hồi tôi mười lăm, mười tám.

Mối tình của chúng tôi không nồng cháy, ngang trái, lâm ly, bi đát, tràn đầy nước mắt như một số những cuộc tình khác. Tình của chúng tôi, nhẹ nhàng như cánh bướm non, tươi vui như buổi sáng mùa xuân với nắng vàng, gió nhẹ, chim hót líu lo trên cành...

Năm mươi năm qua đi...Chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau tiếng “yêu”, nhưng bằng những sự chăm sóc, cảm thông, chia sẻ cùng nhau trong đời sống, chúng tôi biết, chúng tôi luôn luôn có nhau trong tâm hồn, mặc cho vật đổi, sao dời và cả khi hai chúng tôi có “nửa kia” lù lù ở bên cạnh.

Anh là anh của bạn tôi, hơn tôi hai tuổi. Anh đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu. Anh có lối nói chuyện và tán gái... ấm ớ như bao nhiêu chàng trai Chu Văn An khác.

Một mẫu người lý tưởng như thế mà tôi lại để vuột khỏi tầm tay kể cũng là một điều lạ! Bạn bè bảo tôi ngu! Nhưng tôi cho rằng, chúng tôi có duyên mà không có nợ. Hoặc là trong tận đáy lòng, tôi bị ảnh hưởng hai câu thơ : “Đời mất vui khi đã vẹn câu thề, Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”, nên tôi đã giận hờn anh vì một lý do rất mơ hồ, rồi hai chúng tôi... hai ngả xe bông.

Đám cưới anh, tôi không đi dự. Ở nhà, ngồi trước bàn học, nguyệch ngoạc trên tờ giấy trắng mấy câu thơ của một tác giả nào đó: “Đám cưới nhà ai chắc phải vui. Xe hoa đáng nhẽ để tôi ngồi. Và bao nhiêu rượu cho tôi uống. Say ngã bên thềm xác pháo rơi.”

Đám cưới tôi, anh lăng xăng làm đủ thứ chuyện, cứ như một ông anh thứ thiệt và làm quà cho tôi một bộ bàn trang điểm thật đẹp. Có một lúc, anh ghé tai tôi thì thầm: “Cô ngu lắm! Cô làm bể hết mọi chuyện!”

Chúng tôi ít đi chơi riêng với nhau mà thường đi chung cả đám: em anh, bạn tôi, bạn anh.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng ồn ào, cười nói như chợ vỡ!

Những buổi chiều thứ Bảy, chúng tôi cùng nhau đi dạo phố Lê Lợi, Tự Do... La cà vào các hiệu sách Khai Trí, Tự Lực, Việt Bằng...Chúng tôi cũng lượn qua nhà hàng La Pagode để nhìn vào xem có nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng nào đang ngồi khật khù ở đấy không. Đây là một yêu cầu của những người em gái, các anh bất đắc dĩ phải chiều mà thôi vì các anh cũng biết ganh tị chứ!
Tất nhiên, chúng tôi không dám bước chân vào nhà hàng ấy. Nơi đó, không phải là thế giới của chúng tôi. Chúng tôi kéo nhau vào hiệu kem Mai Hương ngồi chuyện trò và ngắm người qua kẻ lại trên hè phố.

Lâu lâu, có tiền, chúng tôi học làm sang, rủ nhau phóng xe Velo Solex ra xa lộ, đi Thủ Đức ăn nem hoặc đi Biên Hòa, ăn đầu cá hấp. ( Hình ảnh nữ sinh Sàigòn thời thập niên 60, mặc áo dài trắng, đội nón bài thơ với quai nón màu đỏ hoặc tím ngồi trên chiếc Velo Solex mảnh mai, đen bóng, chạy trên đường phố, nhất là những con đường có cây dài bóng mát - chắc quý vị còn nhớ?)
Những lần đi xa như thế, các ông anh Chu Văn An của tôi mặt mày tươi rói, nói cười huyên thuyên, tưởng như không bao giờ hết chuyện!
Các anh vui, vì một lý do rất dễ hiểu, bọn con gái chúng tôi không dám lái xe xa, phải ngồi đằng sau, ôm eo các anh.
Thế là các anh có dịp trổ tài làm...anh hùng xa lộ! Thỉnh thoảng, bất ngờ, các anh cho xe chạy thật nhanh khiến chúng tôi phải hét ầm lên và ôm chặt các anh hơn! Chúng tôi hét lên vì sợ thì ít, vì vui thì nhiều ( Chúng tôi nào có phàn nàn gì về trò chơi nghịch ngợm, dễ thương như thếâ!)

Chúng tôi cũng thích đi chèo thuyền ở Phú Lâm, Tân Thuận.
Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè, con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên dòng sông với những đám lục bình hoa tím, với những lùm cây thấp lòa xòa soi bóng nước. Những bài hát, có những câu hợp tình, hợp ý được các anh tranh nhau hát để ngầm… tán chúng tôi: “Ngày đó có em đi nhẹï vào đời…...” “Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh…...”… “ Yêu ai, yêu cả một đời..!” “Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng. Và quên đường về…”...
Anh của tôi thì không thèm hát, anh đọc thơ: “ Yêu hết một mùa đông. Không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng…”...”Gió thổi mùa thu hương cốm mới. Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em…”...

Hôm nào, tôi bằng lòng đi riêng với anh thì anh vui lắm! Anh bảo: “Hôm nay anh trúng số!” Tôi nói: “Em với anh đi riêng như vậy, em sợ người ta hiểu lầm!” Anh cười thật vui: “Người ta hiểu đúng chứ hiểu lầm cái gì?”
Rồi được dịp, anh dạy dỗ tôi đủ thứ chuyện, ra dáng bậc đàn anh lắm:
“ Lần sau, đi chơi tối như thế này, cô phải mang theo áo len nhé! Ốm, không ai lo cho cô được đâu!”. “Anh chàng H. nham nhở lắm! Cô nên tránh nói chuyện với nó!” “Còn có mấy tháng nữa là thi, cô phải học hành cho chăm chỉ. Anh muốn cô phải đỗ kỳ này. Nếu không thi đỗ thì...(anh bỏ lửng câu nói ở đây?)...

Những lần ra miền Trung cứu trợ bão lụt cũng để lại trong tôi những điều đáng nhớ. Vào những ngày ấy, chúng tôi quên hẳn những...mối tình con. Chúng tôi “ôm” những mối tình lớn! Chúng tôi cùng nhau say sưa nói về quê hương, dân tộc. Tình hình đất nước. Mộng ước tương lai...

Anh chưa bao giờ khen tôi đẹp. Nhưng lần nào gặp nhau, anh cũng ngắm tôi , gật gù bảo: “ Cô mặc cái áo này hợp lắm!” Hoặc: “màu tím làm nổi bật nước da trắng của cô!” Hoặc: “ mắt cô giống mắt của Audrey Hupburn!”...

Mỗi lần đi với anh, anh cứ tỉnh tỉnh nắm tay tôi suốt buổi, lâu lâu lại siết nhẹ một cái! Đôi khi, anh choàng tay, ôm ngang lưng tôi, kéo sát vào anh. Anh hôn lên tóc tôi rồi ghé vào tai tôi hỏi: “ Cô mới gội đầu bằng bồ kết phải không?”

Những lần đi dự những buổi dạ vũ gia đình, tôi chỉ thích ngồi ngắm mọi người quay tròn trong tiếng nhạc, dưới ánh đèn mờ ảo. Tôi thường nhắc anh mời các bạn tôi nhảy. Lâu lâu, có bản Slow, anh kéo tôi ra cho bằng được, anh bảo: “Cô không thích nhảy thì chỉ cần tập cho anh một điệu Slow này thôi cũng được!”

Quà cáp anh cho tôi, thật đặc biệt! Không phải nước hoa, son phấn đắt tiền, mà là những thứ hằng ngày tôi thích. Khi thì gói ô mai, khi thì vài quả ổi, quả cốc, ly thạch, chè Hiển Khánh Đa Kao.
Anh mua cho tôi hầu hết những bản nhạc mà tôi ưa thích. Thơ tình của các tác giả nổi tiếng, anh chép cho tôi nguyên cả một tập, giấy pelure màu xanh nhạt, đóng gáy da, chữ mạ vàng cẩn thận. Thỉnh thoảng, lại có những trang anh vẽ hình ảnh rất đẹp: Một cô gái tóc dài, xõa ngang vai, ôm cặp sách đi dưới hàng phượïng vỹ đỏ thắm. Một con thuyền nhỏ thấp thoáng trên sông. Một cành mai vàng rực rỡ...

Di tản sang Mỹ, anh ở miền Tây, tôi ở miền Đông. Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên qua điệïn thoại. Nói chuyện với nhau, lâu dần, trở thành một nhu cầu của chúng tôi. Nhất là những khi chúng tôi có chuyện vui, buồn, cần người để chia sẻ.

Có một lần, tôi buồn lắm! Anh bảo: “Anh sẽ sang thăm cô. Anh cho cô 5 ngày, muốn hành anh sao cũng được!”
Đến tiểu bang tôi ở, anh thuê xe từ phi trường, lái thẳng về khách sạn. Rồi mới gọi tôi, vẫn cách nói như ra lệnh:
- Anh đang ở khách sạn...gần nhà cô. Một tiếng nữa, cô đến, anh đưa đi ăn trưa. Anh đã lên Net, tìm được mấy nhà hàng rất lý tưởng! Anh sẽ không đưa cô đi ăn tiệm Việt Nam đâu! Lý do rất dễ hiểu, anh không muốn chúng mình gặp bạn bè bà con. Anh chỉ dành thời giờ cho cô thôi!

Anh đón tôi từ dưới phòng khách của khách sạn với nụ cười và giọng nói ấm áp:
- Cô vẫn thế! Không thay đổi nhiều.
Tôi đùa:
- Anh có cần mượn kính lão của em không? Có đến mười mấy năm rồi mình mới gặp nhau mà anh bảo em vẫn thế? Không thay đổi nhiều.
Anh nheo mắt:
- Thì anh nói cho cô vui mà! Chứ thật ra, chúng mình là lão ông, lão bà cả rồi! Cô xem này, tóc anh...đi chơi hết rồi!
Tôi cũng cười:
- Anh thấy da em nhăn giống quả táo tàu không?
Anh và tôi cùng cười xòa, vào thang máy để lên phòng anh ở.
Ra khỏi thang máy, chúng tôi nắm tay nhau, đi trên lối hành lang nhỏ, có trải thảm màu đỏ thẫm. Anh nhìn tôi mỉm cười hóm hỉnh:
- Cô muốn anh đưa cô đi ăn hay là muốn gì khác?
Tôi cũng cười, đáp:
- Ghé phòng anh một chút thôi, rồi mình đi ăn ngay. Phòng anh... có chuột đấy! em sợ lắm! (Mỗi lần thấy chuột, rôi sợ đến bủn rủn chân tay, có khi ngất xỉu luôn!)
Anh nheo mắt nhìn tôi cười:
- Anh nhớ là cô sợ chuột và...sợ cả anh nữa, đúng không? Nhưng anh hứa với cô, anh sẽ không lộn xộn, lôi thôi gì hết. Anh biết cô vẫn thích anh ăn mặc vét tông, cà vạt đàng hoàng mà!

Trong năm ngày anh ở tiểu bang nơi tôi ở. Ngày nào anh cũng đưa tôi đi thăm các thắng cảnh, đi ăn trưa, ăn tối ở những nhà hàng rất sang, rất đặc biệt hoặc lái xe vòng vòng trên khắp các con đường rợp bóng cây cao. Anh bảo: “Anh mê cây xanh ở tiểu bang này! Nơi anh ở, ít cây cối. Khi đi làm, nhiều khi anh phải đi qua những vùng xa mạc, nắng chang chang và nóng như lửa!”

Những lúc chúng tôi ngồi bên nhau trên xe, anh hát nho nhỏ những câu hát mà ngày xưa anh và các bạn anh vẫn hát để ngầm tán nhóm bạn gái chúng tôi. Anh cũng không quên đọc những bài thơ mà ngày nào anh đã đọc cho tôi nghe: “Yêu hết một mùa đông, không một lần đã nói. Có nói cũng không cùng...” “Gió thổi mùa thu hư ơng cốm mới. Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em…...” Rồi anh hỏi tôi có nhớ tên tác giả những bài hát, bài thơ đó không?

Ngoài những bản nhạc, bài thơ mang nhiều kỷ niệm, lần này, anh còn hỏi tôi: “Cô có thích bài hát You Are My Sun Shine không nhỉ? Anh thường hát bài ấy cho mấy đứa con của anh, khi chúng còn bé. Anh hát cho cô nghe nhé!
Hỏi, nhưng anh không cần tôi trả lời. Anh thì thầm hát bên tai tôi. Tôi nhắm mắt lại như thiu thiu ngủ... Quá khứ mộng mơ, hiện tại êm đềm khiến tôi nhận biết tôi là một người hạnh phúc.
Tôi hạnh phúc, bởi vì trong cuộc đời, tôi đã may mắn có một người tình Chu Văn An để nhớ, để thương, để ủi an tôi trong những cơn sóng gió đời.
Tôi nghĩ rằng, ở một nơi nào đó, những người bạn gái năm xưa của tôi, cũng có được niềm hạnh phúc như tôi, và có khi, hơn cả tôi nữa, vì họ thực sựï có nhau trong cuộc sống. Còn tôi, suốt đời, “Tôi chỉ là người em gái thôi...” của một chàng Chu Văn An có lối nói chuyện và tán gái... ấm ớ như bao nhiêu chàng trai Chu Văn An khác.
Xin cảm ơn Người Tình Chu Văn An, xin thay mặt các bạn gái, cảm ơn tất cả các anh học sinh Chu Văn An ngày xưa, các “cụ” cựu học sinh Chu Văn An bây giờ!

Lê Thị Nhị

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Thuong Nguoi Mien Trung




bão cuồng

người ơi! đốt lửa giùm em
cho tan đói lạnh, qua đêm bão cuồng
lũ dồn, sóng quặn, xoáy nguồn
xé rừng, toạt đất, vỡ cồn lúa khoai!

quê ta nghèo đói luân hồi
mãi râm ran khóc, rối bời ruột gan
năm nào bão chẳng dập ngang
còn đay nghiến gió cho oan nghiệt tràn!

mẹ ôm cái bóng ru dòn
thân con nước cuộn, hồn còn quẩn quanh
xót đời, cha níu mái tranh
đã tan hoang vỡ, tanh banh cột kèo!

tội em, náu giữa quê nghèo
đời qua đếm tuổi trên điều rủi may
chưa về, buồn đã quắt quay
gặp em, nước mắt chắc đầy ngợp tim!

chỉ đành đốt lửa giùm em
xua tan đói lạnh qua đêm bão cuồng
ngủ đi em nhé, ngủ ngon
đừng kinh hãi mẹ ru dòn bóng con!

Cao Nguyên

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

PHONG CHÂU MỞ HỘI II
MỘT CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT CA-VŨ-NHẠC ĐỘC ĐÁO HIẾM CÓ TẠI HẢI NGOẠI.
DÀN DỰNG CÔNG PHU. MÀU SẮC LỘNG LẪY.TIẾT MỤC CHỌN LỌC HAY LẠ VÀ GIÁ TRỊ

SÂN KHẤU ÂM THANH ÁNH SÁNG TUYỆT HẢO.
MỜI QUÝ VỊ ĐẾN VỚI ĐÊM TRÌNH DIỄN NGHỆ THUẬT CA-VŨ-NHẠC CÓ MỘT KHÔNG HAI
TẠI QUẬN CAM ĐỂ THƯỞNG THỨC, PHÁT HUY, GÌN GIỮ NHỮNG NÉT ĐẸP TUYỆT VỜI CỦA
ÂM NHẠC VIỆT NAM.

***
Liên lạc BTC:
714-360-2629; 714-360-2630; 714-713-4079
Address: Tran Lang Minh & Nga Mi 12861 West St. Spc 160 Garden Grove, CA 92840
Chi phiếu bảo trợ hoặc mua vé xin đề: CVECA ( Center for Vietnamese Ethnic Culture & Art )
Điạ điểm bán vé: Tú Quỳnh 714-531-4384; BolsaTickets.com 714-418-2499



















Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

THƯ MỜIBan tổ chức buổi Ra Mắt Sách Giới Thiệu Tác Phẩm Mới
Trân Trọng Kính Mời:
Quý niên trưởng, các cơ quan truyền thông báo chí, các tổ chức, hội đoàn, quý văn nghệ sĩ, đồng hương tị nạn Cộng sản; đặc biệt kính mời qúy chiến hữu H.O vui lòng bớt thì giờ đến tham dự buổi Ra Mắt Sách, giới thiệu tác phẩm

Nửa Thế Kỷ Việt Namtập bút ký tự truyện, viết bằng máu và nước mắt của hàng triệu nạn nhân cộng sản, kể lại sự thật những biến cố lịch sử nửa thế kỷ máu lệ của dân tộc Việt.
Tác giả - cựu tù chính trị HO: Song Nhị
Buổi Ra mắt bắt đầu từ 1 giờ đến 4 giờ chiều Thứ Bảy 13 tháng 11 năm 2010
tại Hội trường James Lee Community Center Theater
2855 Annandale, Fallschurch, VA 22042
VIRGINIA

Sự hiện diện của quý vị là một vinh dự cho Ban Tổ Chức và là một khích lệ lớn lao cho tác giả – một nạn nhân trong cụôc Cải Cách Ruộng Đất, một người tù cải tạo lưu đày từ Nam Ra Bắc, một nhân chứng tại chỗ về những biến cố lịch sử bi tráng trong suốt
nửa thế kỷ Việt Nam.
Trân trọng kính mời
Rất mong được tiếp đón quý vị đúng giờ


Ban Tổ Chức
Nhà văn Phong Thu  GS Nguyễn Ngọc Bích 
Họa sĩ Vũ Hối  Nhà văn Nguyễn Lân  Nhà thơ Cao Nguyên 
 Bà Khúc Minh Thơ
 nhà thơ Phan Khâm  nhà thơ Đăng Nguyên  nhạc sĩ Vĩnh Điện
 Thanh Trúc (Biên tập viên đài Á Châu Tự do,
Phóng viên đài truyền hình SBTN.DC và VATV)
 Nguyễn Thị Ngọc Dung (Chủ Nhiệm tạp chí Cỏ Thơm)
 Nguyễn Văn Minh (Chủ nhiệm báo Văn Nghệ Tiền Phong)
 Phạm Bá Vinh (Chủ nhiệm báo Sóng Thần)


Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Trở Về



____________________________________________________________________
Có phải tôi lại đang lạc vào vùng hoang tưởng trong tâm thức?
Phải không nhỉ? Đó có thực là "vùng hoang tưởng" như tôi vừa nói hay đó chính là "đời sống thật" mà tôi vừa tình cờ làm một chuyến hành trình trở về? Tôi ngờ rằng, đời sống hiện tại của mình với những buồn, vui, ăn, uống, ngủ nghỉ, giận, ghét, yêu thương v.v.. mới chính là một "cơn hoang tưởng" sâu thẳm mà tôi đang bị chìm sâu trong ấy.

_____________________________________________________________________



Thư Gửi Bạn



Kính chào Chú Thanh Tuệ,

Lâu quá không có tin gì của chú. Chắc chú vẫn khoẻ? Công việc ở chùa có bận lắm không mà chẳng thư cho tôi? Tối qua trên con đường về nhà, tôi bỗng nhìn thấy ông trăng treo lơ lửng trên không, tròn và sáng vằng vặc. Tôi lại chợt nhớ tới chú....

Nói đúng ra, chú có cái tật...xấu mà tôi rất ghét :)
Chú giật mình hả? Để tôi nói cho chú biết nghe.
Những gì tôi hỏi mà nếu chú không muốn trả lời (hay khó trả lời) thì chú cứ lờ tịt đi, "nghỉ chơi" với tôi một thời gian không thèm viết thư, cũng chẳng thăm hỏi, lại càng không ấm ớ hội tề gì hết. Tựa như chú biến mất ở một góc trời nào đó. Yên lặng một thời gian rồi mới viết vài dòng cho tôi nhớ rằng, trên trái đất này còn có chú cùng dùng chung bầu không khí hít thở với tôi mỗi ngày. Thường thì chú hay gửi tặng tôi những tấm hình bông sen, bông súng, thăm hỏi bâng quơ, tựa như tôi chưa từng bao giờ hỏi chú những điều chú không muốn trả lời vậy.

Không tin, chú cứ lục lại đống thư cũ thì biết!

Nhưng tôi cũng xin "mách nhỏ" với chú là tôi chẳng "ghét" ai lâu bao giờ, huống chi lại với chú! Tính tôi dễ quên, nên khi nhận được thư chú, tôi lại vui vẻ, tạm để "cái ghét" qua bên cạnh. (Chỉ tội nghiệp cho Cái Ghét, nó cứ thắc thỏm đứng ngòai, lâu lâu lại gợi tôi nhớ lại những tính xấu của đám con gái là ưa cằn nhằn, khó chịu thì nó mới hả hê!) Thế mà tôi lại chẳng thèm nghe lời nó xúi đâu chú ạ. Chú thấy chưa? Chờ mãi không thấy chú khen tôi lấy một tiếng là tôi đã có tâm bồ đề to như....hạt cát rồi - ậy, đừng có cười vì nó còn quá nhỏ bé nhé - tôi sẽ cố gắng trưởng dưỡng thêm để nó sẽ lớn bằng hạt mè, rồi bằng hạt đậu, rồi bằng viên kẹo ngọt tặng chú ngậm chơi!

Nhưng tâm bồ đề tôi sẽ không ngừng lại ở đấy đâu, một ngày kia, nó sẽ lớn thêm...lớn thêm...lớn thêm nữa. Có lẽ nó sẽ lớn bằng cái...núi Tu Di mà đức Phật thường hay nói đến trong các kinh sách. Cái núi đó thật lạ chú ạ, nghe nói nó phìng ra ở hai đầu và tóp lại phía giữa. Đẹp lạ lùng. Điều đáng nói là nó óng ánh biến đổi thành những mầu sắc và tâm thức tùy theo đối tượng của nó chiếu vào. Chư thiên ưa bị đắm nhiễm vào nó tựa như người nhân thế mình ưa bị đắm nhiễm ở những điều phù phiếm của thế gian...

Ồ... Tôi lại bắt đầu mơ mộng rồi chú ạ...

Một ngày nào đó, tôi sẽ viết về nó. Về cái núi Tu Di tôi vừa kể cho chú nghe ấy mà. Dĩ nhiên, tôi viết dưới con mắt của một đứa con gái nhỏ. Một cái tuổi mà tâm thức chưa bị nhuốm nhơ bởi những khổ đau vật vã của cuộc đời, có thể nhìn thấy được một phần của sự thật hồn nhiên như nó là, không giới hạn, cộng thêm với trí tưởng tượng phong phú mở rộng theo chiều dài của không gian và thời gian

Ồ... Tôi bắt đầu thấy tâm thức mình đang làm một cuộc trở về đầy mộng tưởng...

Một ngày nào đó...
Tôi sẽ về... Tôi sẽ đi từ Bắc đến Nam. Dĩ nhiên là tôi sẽ đi đến những nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Chắc bây giờ thay đổi rất nhiều mà có thể tôi không còn nhận ra được nữa. Tôi sẽ thật thong thả. Đi mà không có một mục đích nào nên không bị đốc thúc phải làm cho xong chuyện. Tôi sẽ nhìn ra được nhiều điều tốt đẹp mà những người khác - vì quá bận bịu vì sinh kế - đã không nhìn thấy. Từ những con đường êm đềm đầy bóng mát, những luống hoa tươi đẹp, được cắt tỉa một cách cầu kỳ rất công phu trong những công viên. Tôi sẽ nằm lăn trên cỏ, co tay làm gối để nhìn những cụm mây xanh lơ lửng đang khúc khích cười khi ghé mắt nhìn xuống trần thế đầy những đa đoan....

Tôi sẽ trở về Nha Trang nơi tôi sinh ra. Sẽ viếng thăm tỉnh Khánh Hòa, viếng thăm tu viện Hải Đức rất nổi tiếng ở đó. Dĩ nhiên tôi sẽ không quên viếng thăm tượng Phật cao ngất ngưởng an tọa trên một ngọn núi thấp mà tôi vẫn thường thấy trong sách vở và trong những postal card chụp sẵn bán cho những du khách.

Một ngày nào đó...
Tôi sẽ trở về Dalat, vùng đất tuổi thơ tôi. Thăm lại ngôi trường xưa với hình ảnh của một con bé với mái tóc bum bê cứng như rễ tre chôm chỉa, đứng nép ở một cái cột trong sân trường rộng vào những ngày cuối tuần, nhìn thèm thuồng các bậc cha mẹ tấp nập ra vào, đưa đón con em họ trở về nhà. Con bé biết chắc rằng, sẽ chẳng có người nào đón đưa nó cả, nhưng vẫn đứng đấy hàng giờ, hòai vọng, thèm thuồng nhìn những niềm vui của người khác và khao khát biến những niềm vui ấy trở thành niềm vui của chính mình. (Chú ạ, giá phải như lúc ấy, con bé tóc rễ tre biết được cái hạnh "tùy hỷ" trong nhà Phật thì hay biết mấy. Niềm vui của người chính là niềm vui của chính mình vậy!)

Một ngày nào đó...
Tôi sẽ đi lại trên những con đường xưa như trái đất. Nơi một phần tuổi thơ tôi đã lớn lên tại đó. Tôi sẽ đi thăm lại ngôi trường Thánh Mẫu, chắc hẳn những bà sơ dạy tôi học năm xưa đã già. Ông cha giám thị (rất dữ, chuyên đánh học trò hư bằng roi mây) cũng đã...hết dữ. Có thể các vị đó đang ngồi trên một chiếc ghế đong đua và nhớ lại thời xa xưa, trong đó có tôi, một con bé nhát nhúa, dễ khóc và không bao giờ dám làm phiền ai.

Một ngày nào đó...
Tôi sẽ đi lại những con đường có hàng me xanh ngắt, với áo trắng, sân trường, với má hồng, môi đỏ và cả một ước vọng hướng về tương lai. Nhớ đến những bước e thẹn, ngập ngừng với những dấu chân chậm bước theo sau. Chỉ theo thôi mà hai bên chẳng nói với nhau lời nào, một việc làm rất nhàm chán và mất rất nhiều thời giờ. Tôi ngừng thì "người ta" cũng ngừng. Bước chậm, bước nhanh thì lúc nào cũng có một khoảng cách ngắn. Chỉ có thế! Nhưng cũng làm tôi thật hồi hộp và mất ngủ bao đêm...

Và hiển nhiên. Một ngày nào đó...
Tôi sẽ đi thăm một ngôi chùa rất xa lạ mà tôi hoàn toàn chưa có ý niệm gì trong đầu. Nhưng dẫu vậy, hình như trong tôi cũng đã rất thân quen. Tôi sẽ đi thăm chú, một vị tăng sinh ưa "nói nhỏ" với tôi một vài điều mà tôi thực chẳng thấy có gì cần phải nói nhỏ. Tôi sẽ phì cười về thái độ nghiêm cung của chú. Chú sẽ ngạc nhiên về "tuổi già" của tôi. Một người đã sống cả hàng vạn vạn kiếp, qua cả hàng vạn vạn thân, đang cười hồn nhiên trước mặt....

Rồi, một ngày nào đó...
Tôi sẽ trở về nhà... Nơi mà thuở nguyên sơ tôi đã từ đó mà ra. Nơi không có những thống khổ, bon chen, âu lo và đố kỵ. Nơi chỉ có thuần lạc với những đóa sen tinh khôi mà cây cỏ cũng phát ra được những pháp âm. Tôi sẽ sinh trở lại trong đóa sen ấy. Sẽ gặp lại vị cha già đầy từ ái với đôi tay mở rộng, vươn ra đón lấy mình...

Ồ...
Ồ....
Thật tuyệt diệu phải không chú?
Hiển nhiên, chúng ta sẽ gặp nhau cùng với những bạn đồng môn khác...

............

Này chú...
Có phải tôi lại đang lạc vào vùng hoang tưởng trong tâm thức?
Phải không nhỉ? Đó có thực là "vùng hoang tưởng" như tôi vừa nói hay đó chính là "đời sống thật" mà tôi vừa tình cờ làm một chuyến hành trình trở về? Tôi ngờ rằng, đời sống hiện tại của mình với những buồn, vui, ăn, uống, ngủ nghỉ, giận, ghét, yêu thương v.v.. mới chính là một "cơn hoang tưởng" sâu thẳm mà tôi đang bị chìm sâu trong ấy.

Mộng hay Thực?

Thế gian này thật có lắm điều không thể trả lời...

Chiêu Hoàng

Bánh Ích Lá Gai



“Phong Thu ! Con có đi Eden thì mua cho má mấy cái bánh ích lá gai nghen. Má thèm ăn bánh ích lá gai”. Má tôi thường dặn dò tôi mỗi khi đi chợ Việt Nam. Bánh ích lá gai ở đây bán chỉ gói một gói vuông rất nhỏ và bán mỗi cái $1.75 cent. Tôi thường mua về cho má tôi ăn cho đở nhớ. Thật ra bánh ích lá gai ở đây không thể nào sánh bằng bánh má tôi làm. Tiếc rằng lá gai không trồng được ở xứ lạnh. Nó chỉ thích hợp khí hậu ở vùng nhiệt đới. Trong tất cả món bánh má tôi làm, bánh ích lá gai là món ăn chị em tôi rất thích.

Món bánh ích lá gai là món ăn cổ truyền của bà cố ngoại tôi truyền lại. Tôi nghe mẹ tôi kể rằng ông cố ngoại tôi là một vị quan Tri Phủ dưới triều nhà Nguyễn. Ông rất giàu có và có nhiều vợ. Bà cố ngoại tôi buồn nên thường ra vườn chăm sóc cây kiểng, vườn hoa. Trong vườn có một cây lá gai bà thường hái vào nhồi với bột làm bánh ích. Trong làng nếu có ai sinh đẻ bị băng huyết bà thường tặng cho họ bánh ích bà tự tay làm, và vạt võ cây lá gai trộn vào thang thuốc cho họ uống vài lần người đó sẽ khoẻ mạnh ngay. Bà ngoại tôi đã học món bánh ích lá gai và truyền cho má tôi. Má tôi chỉ thích ăn bánh ích bà ngoại tôi làm mà không hiểu tác dụng của nó. Mãi đến khi bà ngoại tôi qua đời, má tôi sống một mình với ông ngoại. Cứ mỗi năm Tết đến má tôi làm bánh ích lá gai cúng trong ba ngày Tết và để tưởng nhớ bà cố và bà ngoại tôi. Món bánh ích lá gai đã đi theo má tôi suốt cả cuộc đời. Má tôi kể rằng khi sinh ra tôi, má tôi bị băng huyết tưởng đã chết. Ba tôi thì đi đánh trận liên miên không có ở nhà. Nhưng má nhớ lời bà ngoại dặn nên đã vạt võ của lá gai bỏ vào thang thuốc để uống. Sau đó má tôi lành bịnh.

Nhà tôi trước 1975, có một miếng vườn nho nhỏ sau nhà. Trước sân nhà có một cây hoa giấy đỏ. Dọc theo hàng rào có hoa trang, hoa nhài, hoa dâm bụt. Sau vườn, có mảnh đất nhỏ sát bờ sông là dừa lửa, mía lau, hai cây ổi xá lị, một cây mận trắng, một cây chôm chôm, ba cây mít tú nữ... Má tôi còn trồng thêm một số rau thơm, ngò gai, rau má, rau răm, rau tiá tô... ớt đủ màu. Má tôi còn dành một khoảng đất đủ rộng để trồng hai bụi lá gai. Nếu chăm bón và tưới nước hàng ngày, thân cây sẽ có nhiều nhánh nhỏ, lá to xòe rộng bằng một bàn tay. Thân cây thấp và rất nhiều lá. Lá gai trên mặt xanh dưới màu trắng. Mỗi khi chị em tôi thèm ăn bánh ích thường năn nỉ má làm bánh ích lá gai.

Hàng năm, cứ vào những ngày Tết cổ truyền, má tôi gói bánh tét đậu xanh, bánh tét nhân chuối, bánh ích đậu xanh và đặc biệt là bánh ích lá gai. Mỗi lần Tết đến má tôi rất vất vả. Ba tôi tử trận nên má tôi một mình phải nuôi năm đứa con, bốn gái một trai nhưng không có đứa nào biết làm bánh. Má tôi một mình đi mua nếp từ dưới ghe của những thương thuyền từ Miền Tây chở lên chợ Bình Dương bán. Họ bán mắm lóc, mắm sặc, mắm ruốc, mắm nêm, mắm thái... mắm nào cũng ngon, giá cả phải chăng. Má tôi lựa nếp tốt, mỗi hạt nếp phải dài, trắng ngần, thơm và dẽo quẹo. Má mua về rồi ngâm nếp và đậu xanh qua đêm. Đậu xanh ở Việt Nam luôn có vỏ nên phải đãi trong nước cho đến khi không còn có một cái vỏ nào. Tôi không biết làm bánh nhưng phụ má tôi đem nếp đến nhà cô giáo Ánh Hồng xay ra bột rồi đem về đổ vào một cái tấm vải màng treo trên trần nhà cho nước ráo. Má gói bánh tét trước rồi đến bánh ích ngọt đậu xanh. Sau cùng là làm bánh ích lá gai. Má hái lá gai thật nhiều rồi rửa thật sạch để vào rổ cho lá khô ráo. Nhà không có cối xay nên má phải giã bằng tay. Tôi không biết má giã bao lâu nhưng má nói khi nào lá thật nhuyễn thì mới trộn vào với bột và đường. Má tôi lấy cái cối đá giã lá gai rồi trộn vào bột nhồi trong một giờ đồng hồ. Má lau lá chuối thật sạch và vò từng cục bột rồi bỏ nhân đậu xanh vào gói lại. Má lấy một cái vĩ đặt bên trên nồi bánh tét và xếp bánh ích vào hấp.

Đêm Ba Mươi, trời vào xuân lành lạnh, chị em tôi không bao giờ đi ngủ sớm. Tôi ngồi cạnh má tôi canh lửa nồi bánh tét. Dưới ánh lửa bập bùng, lửa reo vui tí tách mừng năm mới. Cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa háo hức chờ nghe tiếng pháo Giao Thừa. Em trai tôi nghịch ngợm nên thích đốt pháo. Tôi nhìn những tràng pháo chuột dài thòng từ trên cây hoa giấy xuống gần mặt đất mà hí hửng nhảy tưng tưng. Đốm lửa đầu tiên loé sáng rồi từng tràng pháo nổ tung vang rền mặt đất cũng là lúc tôi nghe trong xóm tiếng pháo nổ rộn rả đầu ngỏ, cuối xóm, dọc theo đường phố. Những ánh hoả châu bắn lên trời cao thành những vệt sáng long lanh trong bầu trời đêm đầy sao và rơi xuống dòng sông những ánh bạc lấp lánh. Đêm Giao thừa thiêng liêng đối với chị em tôi và mẹ tôi. Chúng tôi bé nhỏ cô đơn không có bàn tay của cha chăm sóc nên lớn lên sợ hải cuộc sống đầy lo âu trong chiến tranh. Má tôi đặt mâm ngũ quả, hoa thọ trên bàn thờ Phật và các loại bánh trên một cái mâm khác để cúng ông bà. Mùi trầm hương bay nghi ngút tỏa hương thơm ngát. Tôi ngóng mắt lên bàn thờ để nhìn cho được những cái bánh ích lá gai má tôi để trong điã cúng ông bà. Tôi nghe tiếng má tôi lâm râm khấn vái đất nước thanh bình để chúng tôi được bình yên, khôn lớn, học hành. Cứ mỗi năm đến ngày Giao Thừa, đôi mắt má tôi sáng lên một niềm hy vọng vào năm mới. Nhưng năm tháng cứ trôi đi trên mái tóc của Người. Tôi thấy niềm vui cứ vơi dần đi và nỗi lo cho cuộc sống càng oằn xuống đôi vai gầy gò của người goá phụ. Tôi thường suy nghĩ rằng tóc má tôi có bao nhiêu sợi bạc là bấy nhiêu thăng trầm của nhọc nhằn, gian truân mà má tôi phải nếm trãi. Chị em tôi lớn lên cũng không giúp được gì cho má tôi. Chúng tôi cũng chỉ làm cho má tôi lo vì chẳng đứa nào hoàn thành ước nguyện ba tôi để lại.

Có thể lời khấn nguyện của má tôi có hiệu nghiệm nên hoà bình đã trở về. Thế nhưng ước mơ của má tôi cũng vỡ tan khi cộng sản đã tràn vào thôn xóm, khói bay, lửa cháy, súng nổ đì đùng và xác người trôi đầy sông. Dòng sông quê tôi không còn trong xanh, xinh đẹp đầy hoa lục bình tim tím nở mà dòng sông mang màu sắc chết chóc của những cuộc trả thù. Xác người trôi trên sông nhiều hơn lục bình trôi. Má tôi khóc mấy ngày đêm và buồn rầu không ăn uống gì. Người gầy và già đi rất nhanh. Chị em tôi thơ ngây chẳng biết gì về cộng sản nên thấy hoà bình, cả nhà bình yên thì an tâm rồi.

Rồi một ngày kia, căn nhà nhỏ và mảnh vườn con con với bao kỷ niệm đã bị tước đoạt. Gia đình tôi và những người trong làng phải đi kinh tế mới. Má tôi biết chúng tôi lớn lên trong thành phố làm sao biết trồng tỉa để sống nên phải dời nhà đi nơi khác. Ngày đi, má bứng theo cây lá gai và đem trồng bên hông căn nhà mới. Bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ mà gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác của người Miền Nam phải chịu dựng hết năm nầy sang năm khác dưới chế độ mới. Thời thế đã đổi thay, chúng tôi chỉ còn nhìn mùa xuân trôi qua cùng với những chiếc lá me bay trên con đường mỗi ngày tôi đi học, đi bán chợ khuya về. Tuổi thanh xuân của tôi cũng theo gió ngàn bay đi và rơi rụng đâu đó ở cuối trời xa. Tôi chỉ còn lại những giấc mơ mòn mỏi về dòng sông bình yên của tuổi thơ, giấc mơ về những ngày ngồi vắt vẻo trên vai ba tôi ra ruộng nhìn những cánh đồng luá bạc ngàn. Ba tôi đã đi vào lòng đất muôn đời. Nhưng âm vang tiếng cười, giọng nói và tình yêu dành cho ông vẫn còn ầm ĩ trong trái tim nhỏ bé của tôi. Ông như một biểu tượng chói lọi, dũng cảm để tôi phấn đấu đi vào cuộc đời đầy chông gai, nghiệt ngã sau nầy.

Ngày Tết càng ngày càng khó khăn hơn. Bàn thờ không còn mâm ngũ quả, không còn hoa để cắm bàn thờ tổ tiên. Hoa mai chỉ có người nhà giàu mới dám mua về chơi. Tết không bao giờ còn cho phép được đốt pháo. Nhưng nếu nhà nước cho cũng không ai có tiền. Những chiếc áo mới của những năm cũ chị em tôi đem ra mặc lại cho tề chỉnh. Má tôi thì không bao giờ còn muốn may áo mới trong ngày Tết. Bà chỉ mặc độc nhất một cái áo tím sậm từ thời còn son trẻ. Miếng ăn, cái mặc má tôi dành hết cho các con. Tết mà phố xá im lìm, buồn hiu hắt. Tôi chỉ nghe tiếng chó sủa đêm và tiếng xe lam, xe bò lọc cọc của những người dân quê buôn bán chợ đêm cuối cùng trong đêm ba mươi.

Nhà tôi bỗng nghèo đến thảm hại. Nhưng ngày Tết má tôi vẫn gói bánh ích, bánh tét và nhất là gói bánh ích lá gai. Má tôi lo rằng chúng tôi lớn lên không còn màng gì đến món bánh cổ truyền của dòng họ tôi để lại.

Gia đình tôi đã rời Việt Nam gần 20 năm. Những ngày Tết Nguyên Đáng chị em tôi đâu còn ngồi bên nồi bánh tét chờ bánh ích lá gai nấu chín. Làm sao tôi còn nghe được tiếng thằng em tôi reo lên như pháo khi nghe tiếng súng Giao Thừa bắn lên trời cao và ánh hỏa châu đủ màu toả ra trên bầu trời trừ tịch. Và nó bắt đầu đốt những thanh pháo chuộc mà nó đã chuẩn bị mua từ hơn một tuần trước Tết. Xác pháo rơi đầy sân cạnh những chậu mai vàng nở rực rỡ. Nhang thơm, hoa quả, tiếng cười đã lùi xa, lùi xa... Bây giờ má tôi đã già. Người đã bị thời gian, thời cuộc tước đoạt thú vui làm bánh. Nơi đây, Người làm gì còn có thời gian và hứng thú ngồi gói bánh tét, bánh ích và cũng đâu còn thấy lũ trẻ háo ăn, háo hức ngồi canh bên bếp lửa bập bùng để được thưởng thức cái bánh ích lá gai đen đen, ngọt ngọt, thơm nồng. Lũ trẻ như chúng tôi đã bị dòng đời cuốn đi trong cơn bão chiến tranh, ý thức hệ, tham lam, cuồng vọng... Và cuối cùng chúng tôi sống lạc loài trên xứ lạ quê người. Ngày Tết, tôi đi làm vắng nhà và đôi khi không còn nhớ bây giờ Việt Nam đang đón xuân. Mùa xuân Việt Nam chỉ có âm hưởng đâu đó trong cộng đồng người Việt khắp thế giới nhưng không bao giờ giống những ngày Tết tuổi thơ trên quê hương Việt Nam.

Mỗi khi gần Tết nếu có dịp trở lại Việt Nam thăm con cháu, má tôi vẫn nói nếu hải quan Mỹ cho mang cây cối sang Mỹ trồng, má tôi sẽ đem cây lá gai trồng trong nhà. Nhưng tiếc rằng giấc mơ trồng một cây lá gai trên đất Mỹ thật xa vời. Má chỉ còn đòi ăn bánh ích lá gai bán trong chợ Eden. Dù hương vị không thơm ngon và đặc biệt như má đã làm nhưng mùi lá gai làm cho má đở nhớ quê hương.

Bánh ích lá gai ăn thơm, dẽo và mềm hơn bánh ích làm bằng bột. Mùi lá gai hăng hăng và đậm đà nên ăn rồi nhớ mãi. Lá gai còn là một vị thuốc rất hữu hiệu cho những sản phụ bị băng huyết. Má tôi cứ lập đi lập lại sự thơm ngon của bánh ích và công dụng của cây lá gai đến hàng ngàn lần và lần nào cũng giống như nhau. Món ăn dân giã đó như chứa đựng một mong ước mà má tôi muốn nhắn gởi các con là phải giữ gìn bản sắc quê hương, nguồn cội của gia phả dòng họ tôi. Những ao ước lớn nhất của má tôi là tìm thấy lại những ngày hạnh phúc, êm ả của những mùa xuân đã qua mau trên quê hương Việt Nam. Những ngày xuân chan chứa tình người, không còn chia cắt, hận thù.Và chúng tôi phải trồng lại cây lá gai, gói lại tấm bánh mà má tôi đã từng gói cho chúng tôi ăn vào dịp Tết. Tôi thường nhủ với lòng mình rằng rồi một ngày nào đó tôi sẽ trở về.
Tôi về để trồng thêm những cây lá gai chứa đựng mầm thương yêu
Tôi về để nghe tiếng sóng vỗ bên thềm vắng, nhìn con đò chở khách sang sông.
Về để nhìn lại ánh trăng trong sáng, to và đẹp huyền ảo rơi trên sóng nước sau nhà.
Về để đốt lên những bó nhang thơm nguyện cầu cho lòng người quên đi thù hận.
Và chiếc bánh ích lá gai mãi mãi là một giấc mơ đẹp như một câu chuyện cổ tích của tuổi thơ yêu dấu.
Nguyện cầu cho Má bình yên! Má ơi! Con thương Má lắm!

Phong Thu

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Hình ảnh Huế xưa



trầm mặc Huế

chiều nghe tiếng dế trong Thành Nội
hát giữa khe hoang phế Hoàng Cung
lời Mệ ru trăm năm vời vợi
hồn trống chiêng thức đợi bao năm

đêm Thần Kinh gập ghềnh ngói vỡ
cờ đào khua Thiên Mụ chuông ngân
cửa Thượng Tứ hoang tàn lỗ chỗ
điện Thái Hoà gió vỗ Quân Thần

nương ngọn gió Mậu Thân trẩy hội
rưng giọt buồn cuộn khói Nam Giao
nét rực rỡ chừ nghe đã mỏi
nát câu hò nghẹn lối Sông Hương

Huế trầm mặc trăng buồn Bến Ngự
nghiêng nón chào nhạt chữ tâm thơ
lượm di chứng điêu tàn Cổ Sử
nhờ Nghệ Nhân khắc chữ Bi Thương !

Cao Nguyên
Huế - Festival 2004

Triều Đại Nhà Nguyễn

Tiểu Sử Mười Ba Vua và Chín Chúa
(click vào link để xem - sau 1 trang, click vào hình xem trang kế tiếp)

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

KỶ NIỆM 10 NĂM HÙNG SỬ VIỆT

Thiệp Mời

Invitation


VIETCH-PAF
The Vietnamese Cultural & Historical
Performing Arts Foundation

Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt trân trọng kính mời:
You are cordially invited
.................................................................................

đến tham dự:
ĐẠI NHẠC HỘI
KỶ NIỆM 10 NĂM HÙNG SỬ VIỆT


& Phát Hành Sách “Lam Sơn Khởi Nghĩa”
to attend the 10th Anniversary of Hùng Sử Việt

Chủ Nhật 10 tháng 10 năm 2010 - 10:00 AM - 2:00 PM
on Sunday, 10-10-2010 – 10:00 AM – 2:00 PM

at VHN-TV - 16157 Brookhurst Street

Fountain Valley , CA 92708 – Tel. (714)531-8884

Sự hiện diện của Quý vị là niềm khích lệ lớn lao cho
Ban Tổ Chức chúng tôi.

T.M. Ban Tổ Chức
Song Thuận

Vào cửa tự do - Ẩm thực do VHN-TV bào trợ

Chương Trình
Điều Hợp Chương Trình: Nhạc Sĩ Quốc Toản, Nguyễn Văn Khoa, Trần Quốc Sỹ.
MC: Minh Phượng, Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Đức Cường, Uyển Diễm.
Đại Nhạc Hội Thi Ca Vũ Nhạc Kịch Hùng Sử Việt
Trực Truyền Hình tại VHN-TV
NGHI LỄ KHAI MẠC:
1- Chào cờ Việt (đồng ca) - Mỹ (Đan Vy), Mặc niệm.
2- Hợp Ca Lời Mẹ Âu Cơ (Ban Hợp Ca HSV).
3- Diễn văn khai mạc (tóm tắt sinh hoạt 10 năm HSV và giới thiệu sách Lam Sơn Khởi Nghĩa).

VĂN NGHỆ:
1- Nhạc Cảnh Những Bước Chân Việt Nam (Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực).
2- CS Thúy Anh & Tuấn Khải (Trọng Thủy Mỵ Châu).
3- Nhạc Cảnh Hội Trùng Dương (Hội CNS Gia Long).
4- CS Dạ Lan (Nắng đẹp miền Nam & Vũ Dân Tộc Lạc Hồng).
5- Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng (Hoà nhạc dân tộc).
6- Kịch Hội Nghị Diên Hồng (Ban kịch HSV & Vũ Lạc Hồng).
7- Bảo Ngọc, Quốc Nam (Tiếng Trống Tây Nguyên)
8- CS Bảo Nam (Chiều Trên Phá Tam Giang - Có phụ diễn)
9- Nhạc cảnh Hòn Vọng Phu (Lạc Hồng -Thanh Mai phụ trách).
10- CS Quỳnh Hoa - Thương về xứ Huế - (có phụ diễn).
11- Ngâm thơ – Hà Phương: (Không Đòi Ai Trả?), Phi Loan (Anh Hùng Lê Lai). Tiếng Sáo Ngọc Nôi.

12- Ca Vũ Nhạc Cảnh về đời Tỵ Nạn: Mây Trôi, Trôi Hết Một Đời…(Ngọc Vân phụ trách).

12- Kỷ niệm 10 năm HSV: - Hợp ca Thắp lửa bình Ngô (Ban Tù Ca Xuân Điềm):

- Lễ Trao Lửa Thiêng cho thế hệ HSV Măng Non - Cắt bánh sinh nhật kỷ niệm 10 năm - Múa lân -Tặng quà (Đan Vy, Bảo Ngọc, Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực & Plaques tri ân các Đoàn Thể & Cá nhân đã tích cực yểm trợ CLB Hùng Sử Việt.

- Phát hành sách Lam Sơn Khởi Nghĩa - Chụp hình lưu niệm –


Đại Hội Thi Ca Vũ Nhạc Kịch Trực Tiếp Thu Hình, đài VHN-TV


***

CLB HÙNG SỬ VIỆT
với thành quả mười năm!



“Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt là một tổ chức thuần túy Văn Hóa Giáo dục - Mục tiêu là truyền bá văn hóa Việt; đối tượng chính là đi sâu vào giới trẻ Hải Ngoại – Hướng dẫn tuổi trẻ về nguồn, phát huy văn hóa dân tộc, lịch sử anh hùng của tổ tiên... Áp dụng dưới mọi hình thức như ca vũ nhạc kịch, các hình thức văn chương, nghệ thuật v. v... Khuyến khích con em gốc Việt hải ngoại học và nói thông thạo tiếng mẹ Việt Nam, yêu tổ quốc VN!...” Ðó là lời phát biểu ngắn gọn của Giáo Sư Song Thuận khi người viết xin tiếp kiến.

Trong buổi lễ kỷ niệm mười năm thành lập Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt – Ðược trực tiếp truyền hình tại Ðài VHN-TV trên đường Brookurst – lúc 11 giờ ngày 10-10-2010 - với rất đông quan khách tham dự. Sau phần thủ tục khai mạc, Họp ca Mẹ Âu Cơ do nhóm HSV thực hiện thật cảm động. Một ban họp ca hùng hậu Nam Nữ dưới danh nghĩa Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, đã làm toàn thể khán giả hiện diện lấy làm thích thú. Bản họp ca “Hội Trùng Dương” của Phạm Ðình Chương, với sắc thái mới, diễn tả những chiếc áo dài thước tha ba miền thân yêu của đất nước đã mang lại phấn khích thực sự cho đông đảo khán giả.

Giáo Sư Song Thuận phát biểu về thành quả mười năm mà Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đã đạt được. Theo đó ta thấy những tấm lòng vì quê hương dân tộc, vì tiền đồ đất nước, trong mười năm qua đã có nhưng đóng góp đáng kể. Bằng chứng là những tập sách được xuất bản với danh nghĩa Hùng Sử Việt mang dấu ấn đề cao những anh hùng lịch sử dân tộc, quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha...Bằng chứng là CLB Hùng Sử Việt đã góp phần vào sự hình thành nhóm Tượng Ðài Anh Hùng ba dân tộc Mỹ - Việt – Mexico trong Công Viên Staton Park thuộc Midway City ( góc Bolsa & Newland ) cùng rất nhiều những đóng góp khác tô điểm những nét sinh hoạt độc đáo mà Cộng Ðồng Việt Hải Ngoại có được trong mấy chục năm qua. Trong dịp kỷ niệm mười năm, một tập sách lịch sử nói về khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi được ra mắt.

Chương trình văn nghệ rất xúc tích, với các tiết mục thật hấp dẫn và xoáy quanh lịch sử Việt qua quá trình chống xâm lược phương Bắc, dựng nước, giữ cỏi bờ trong hơn bốn nghìn năm. Có thể nói, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt do Giáo Sư Song Thuận sáng lập, suốt mười năm qua, đã thể hiện được, công lao làm cho sáng danh một dân tộc anh hùng trước quốc nạn đang chà đạp trên qua hương, từ đó làm cho tuổi trẻ thấy được bổn phận tiếp nối truyền thống cha anh trong tương lai phải giành lại quyền tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn thể gần 100 triệu đồng bào trong nước!

Nhạc cảnh Hòn Vọng Phu làm toàn thể hội trường bừng bừng khí thế dỏi theo mệnh nước nổi trôi với vết chân chinh phu cùng người vợ chung thủy chờ chồng bao năm mòn mỏi phải hóa đá trơ gan với thời gian... Ban Tù Ca Xuân Ðiềm cũng góp phần xuất sắc “Thắp Lửa Bình Ngô”... Nhìn chung buổi lể kỷ niêm mười năm CLB Hùng Sử Việt rất thành công với rất đông đảo Quan Khách và Ðồng Hương tham dự. Một chương trình văn nghệ xúc tích với sự góp mặt hầu hết những nghệ sĩ trong Cộng Ðồng!

Ðây là nét văn hóa đặc sắc do công lao của CLB Hùng Sử Việt đã góp mặt. Trong vòng mười năm, thời gian tuy ngắn so với lịch sử, nhưng sự cố gắng đóng góp xây dựng nền móng văn hóa Việt tại hải ngoại do con chim đầu đàn , GS Song Thuận, sáng lập và dìu dắt, là đáng ca ngợi. Xin chúc mừng Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt mười tuổi và hy vọng rằng Cộng Ðồng người Việt tị nan Cộng Sản sẽ có dịp vinh danh quý vị qua những thành quả mà quý vị sẽ đạt được với mục đích phát huy văn hóa Việt và nâng cao tầm nhìn cho con cháu Việt hải ngoại về lòng yêu nước Việt Nam, chung xây dựng một tương lai tổ quốc thoát vòng nô dịch độc tài CS và họa xâm lăng phương Bắc!

letamanh
Oct12,2010