Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010
Sài Gòn xưa và nay
“Xin quí khách cài giây an toàn và không rời chỗ ngồi cho đến khi máy bay ngừng hẳn”, tiếng lưu ý của cô tiếp viên vang lên trong lúc chiếc Airbus của hãng Hàng Không Việt Nam nhẹ nhàng đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất sau hơn hai giờ bay từ HongKong. Tôi đã đến Sài Gòn, thành phố đã từng một thời được gọi bằng cái tên mỹ miều: Hòn ngọc Viễn Đông của vùng Đông Nam Châu Á. Trở lại Sài gòn sau hơn hai năm xa cách, tôi lơ đãng đảo mắt nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, hình như quang cảnh chung quanh phi trường Tân Sân Nhất vẫn không có gì thay đổi so với những chuyến tôi về vào những năm trước đây. Vẫn cái mái nhà cũ kỹ, bờ tường mốc meo rêu phong , cây cỏ mọc cao và không ngay hàng thẳng lối của khu vực dành để bảo trì máy bay của Hàng Không Việt Nam. Có khác chăng là thêm dăm ba chiếc máy bay của Viet Nam Airlines đậu rải rác quanh đó, số lượng máy bay nhiều hơn đôi chút so với những gì người ta đã thấy ngày xưa. Thở phào một tiếng như để trút mọi lo âu và mệt mỏi ra khỏi thân mình sau một cuộc hành trình ngồi mười mấy tiếng trên máy bay, tôi lững thững, lục tục bước theo đoàn người vào trong sân bay để lo thủ tục nhập cảnh. Cái hình ảnh nghèo nàn của Tân Sân Nhất ngày trước, cửa khẩu nhập cảnh của Sài Gòn chỉ được ngăn chia bằng những tấm ván gỗ, ánh đèn không đủ sáng, cộng lẫn với nét mặt lạnh lùng của nhân viên cửa khẩu vẫn còn in đậm trong trí óc như ngày nào khi về thăm lại Sài Gòn. Những ai đã từng có dịp đặt chân đến các phi trường ở Bangkok , Seoul, Hongkong, Tokyo hay Kansai thì mới biết được cái rất khiêm nhường của sân bay Tân Sân Nhất và cái nét lạnh lùng của nhân viên làm việc lại càng không phải là sự đẹp đẽ của một xã hội văn minh. Thế mà, chỉ hơn hai năm thôi không gặp, Sài Gòn đã chuyển mình với thật nhiều thay đổi. Ngày xưa ấy, trước năm 1975, không hiểu vì sao mà Sài Gòn lại được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông của miền Đông Nam Á. Có lẽ, những ngày tháng ấy Sài Gòn thật đẹp, thật thơ mộng cho những người Việt lưu vong vì một khúc rẽ của con đường lịch sử. Ngày đó có người Sài gòn nào mà không một lần thơ thẩn trên con đường Duy Tân, nơi có những hàng cây dài bóng mát, có ngôi trường Luật khoa, nơi có biết bao nhiêu cặp tình nhân đã từng dìu nhau dạo bước trên quảng trường Chiến Sĩ Trận Vong (quảng trường con Rùa sau này), để thơ thẩn cùng nhau dạo bước về hướng Vương Cung Thánh Đường, ngôi nhà thờ Đức Bà tường đỏ cao vút ngay gần giữa trung tâm của Sàigòn, cạnh ngôi tòa nhà Bưu điện cổ, mang kiến trúc của Pháp ngày xưa còn để lại cho Sài Gòn. Trước cửa Vương Cung Thánh Đường, con đường Tự Do nối dài từ nhà thờ Đức Bà đến tận bến sông Sàigòn, bến sông còn được biết đến bằng cái tên lịch sử: Bến Bạch Đằng, nơi có những cơn gió thổi vào chiều đêm để làm dịu đi những cơn nóng ban trưa, làm giảm đi cái ẩm ướt của Sàigòn vào những ngày nắng hạ. Tuy nắng đấy, tuy nóng đấy, nhưng không vì thế mà nắng Sài gòn không đẹp, không có cái hồn của nó. Nhà thơ Nguyên Sa của Sài Gòn năm 1960 đã đưa Áo lụa Hà Đông vào nắng Sài Gòn để nhắn nhủ đến người yêu rằng “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát...bởi vì em, mặc áo lụa Hà Đông ...” Có lẽ ít người Sàigòn biết về áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa như thế nào! Nhưng cần gì phải biết về áo lụa Hà Đông. Cứ mỗi chiều tan học, biết bao nhiêu tà áo trắng tung bay trên khắp mọi cổng trường, nào là Trưng Vương , nào là Gia Long, nào là Lê Văn Duyệt, nào là Nguyễn Bá Tòng...và còn nhiều, nhiều nữa. Đâu phải chỉ một mình Nguyên Sa yêu màu lụa trắng! Nguyên Sa nói cho mình và còn nói hộ cho tất cả đám con trai của Chu Văn An, của Võ Trường Toản, của Petrus Ký, của Nguyễn Trãi, của Hồ Ngọc Cẩn ... của những cậu học trò ít nhiều đã có những lần trốn học... đứng ẩn sau những đám cây ...ngẩn nhìn những áo trắng tiểu thư tan học để mà thương thầm trộm nhớ . Sài Gòn không có Hồ Gươm, không có Hồ Tây, không có Hồ Bẩy Mẫu như Hà Nội nhưng Sài Gòn có khu vườn Bách Thảo, có Cát Lái Thủ Thiêm, có Lái Thiêu Thủ Đức vây quanh, có những vườn trái cây nặng chĩu hai mùa để che nắng cho Sài Gòn và nơi đây cũng là nơi hẹn hò của những cặp tình nhân vào cuối tuần, đến đây tâm tình thủ thỉ, thay vì đi dạo phố làm đẹp Sài Gòn cuối tuần thứ bảy, chủ nhật. Sài Gòn vào mùa mưa thì cũng có những điểm riêng của Sài Gòn. Trời đang nắng bỗng mưa chợt ào đến như thác lũ, mưa chỉ rơi một lúc thật ngắn rồi tạnh, rồi lại mưa. Hình như những cơn mưa Sài Gòn cũng chẳng khác nào người vợ Sài Gòn khi giận chồng, giận thật giận nhưng chẳng được bao lâu rồi lại quên ngay như cơn mưa xối xả rồi lại tạnh... ngay. Nếu kể về các điểm đặc biệt của Sài Gòn thì phải kể đến Sài Gòn có một thứ âm thanh thật đặc biệt, đó là tiếng rao hàng vào buổi trưa, buổi chiều, và buổi tối. Người Sài Gòn thường hay nghe tiếng rao mua ve chai , tiếng rao bánh, tiếng rao chè. Trời đang mưa cộng thêm tiếng rao hàng, một thứ âm thanh nghe thật là buồn, nhưng đấy lại là một thứ âm thanh thật khó quên cho người Sài Gòn, những âm thanh mà có lẽ chỉ có Sài Gòn mới có và làm người Sài Gòn không quên được Sài Gòn. Đêm về Sài Gòn dịu mát và thật không có gì thú vị hơn … là nghe tiếng gõ nhịp lóc cóc của xe bán hủ tíu mì rong hay tiếng xúc xác của chú đấm bóp xúc xác vang lên từ đầu ngõ. Ngày nay, Sài Gòn hãy còn nguyên vẹn những âm thanh ngày xưa. Không biết bao giờ mới hết đi những tiếng rao hàng kỷ niệm. Âm thanh thì còn đó nhưng hòn ngọc Viễn Đông ngày xưa thì đã và đang được trau chuốt dũa gọt rất nhiều. Con đường Tự Do ngày xưa, Đồng Khởi ngày nay, hai hàng cây như đã cao hơn, những tàng cây lớn rộng hơn che mát cả con đường. Khách sạn Caravell bây giờ là khách sạn đẹp nhất, sang trọng nhất và cũng đắt nhất Việt Nam. Khách sạn và nhà hàng Maxim được sửa sang lại trông rất ra vẻ Pháp, vẻ Tây. Ngồi nhấm nháp một ly bia hay uống ly cà phê, lơ đãng nhìn ra bờ sông Sài Gòn ngắm bàn dân thiên hạ qua lại và... hít bụi cuả Sài Gòn. Không hiểu sao, người ngoại quốc hay Việt kiều lại cho đây là một cái thú. Kể cũng lạ! Nhà hàng La Pagode, Continental vẫn là những nơi chốn không phải để dành cho người bình dân. Tạt qua góc ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, thương xá Tax cũ kỹ , tối om ngày nào cũng đã được thay da đổi thịt trông như một thiếu nữ đài các với các thời trang đắt đỏ. Dọc theo phố Lê Lợi, các cửa hàng sầm uất kéo dài cho đến tận khu chợ Bến Thành. Khu đất bỏ hoang của nhà bán vé Hàng Không Việt Nam ngày xưa đã biến thành công viên cũng khá mát mắt nhất là vào ban đêm lúc Sài Gòn lên đèn . Ngoài ra, ngay sau lưng nhà thờ Đức Bà là một khu shopping tương đối đẹp, có tên là Diamone Plaza và đúng như cái tên của nó “Diamone” chỉ dành cho những người giầu có, Việt kiều hay người ngoại quốc. Bên trong có cả một tầng lầu dành bán đồ chơi, áo quần cho trẻ em và có cả một tầng để chơi Video games và bowlling. Từ nay, những người giầu có của Sài Gòn không còn sợ không có chỗ tiêu tiền nữa! Nói về những nơi chốn đắt đỏ của Sài Gòn bây giờ thì chắc cũng phải mất ít nhất vài trang giấy. Thôi vậy, tìm một chỗ re rẻ để mà có một nơi riêng tư tình tự chứ! Ngày xưa thì đi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Thủ Đức hay Bình Dương cuối tuần thì bây giờ người Sài Gòn có thể đi phà sang Cần Giờ hưởng thú thiên nhiên đôi chút. Chứ hít không khí ô nhiễm cũng đã 6 ngày trong 1 tuần rồi còn gì! Người Sài Gòn đã tung bay đi tứ xứ trên khắp địa cầu này, nhưng người Sài Gòn vẫn luôn là Sài Gòn vì ở đâu có nhậu ... là có người Sài Gòn. Nhậu ..Nhậu , không biết nhậu. ..thì chắc anh không phải người Sài Gòn mất rồi. Rời Sài Gòn với một chút vương vấn khác với những lần về trước. Phi trường Tân Sân Nhất đã được sửa sang bên trong thật gọn ghẽ và sang trọng hơn. Người du khách cảm thấy một chút gì dễ thở hơn, thoải mái hơn những ngày xa xưa. Mọi chuyện được giải quyết một cách nhanh chóng. Tại vì Seagames sắp đến! Hay tại vì Sài Gòn đã thực sự chuyển mình? Như là một viên ngọc của vùng Viễn đông, Sài Gòn càng ngày càng có thêm các điều kiện để cho du khách năm châu bốn bể trên thế giới đến thăm. Sài gòn sẽ đẹp hơn, chắc chắn sẽ đẹp hơn vì tự nó, Sài Gòn đã từng là viên ngọc cho nên dù thế sự thăng trầm như thế nào đi nữa thì ngọc vẫn muôn đời là ngọc. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn của tôi ơi !
Hoài Nguyên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét