TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN (1930-2023)
Về tiểu sử của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã được phổ biến trước đây. Năm 1950, sau khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần tại Việt Nam, Lê Mộng Nguyên sang Pháp du học. Năm 1949, ông sáng tác nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối
Ban đầu ông muốn theo học hòa âm tại Trường Âm Nhạc Paris nhưng sau đó sang học Luật và Kinh Tế tại Đại Học Paris 1 Panthéon Sorbonne (Faculté de Droit et de Sciences Economiques).
Năm 1954, Lê Mộng Nguyên tốt nghiệp cử nhân Luật. Từ năm 1955 tới năm 1958, ông được mời làm tùy viên kinh tế và xã hội cạnh Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Paris (Attaché économique et social près l’Ambassade du Vietnam à Paris) dưới quyền của Đại Sứ Việt Nam Phạm Duy Khiêm. Sau đó ông thi đậu cuộc thi để được hành nghề luật sư. Năm 1962, ông đậu Tiến Sĩ Quốc Gia (Doctorat d’État) về Droit Public, Droit Privé và Sciences Politiques. Sau khi thôi hành nghề luật sư, năm 1967, ông dạy Luật Hiến Pháp (Droit Constitutionnel) và Khoa Học Chính Trị (Sciences Politiques) tại Đại Học Franche-Comté Besançon, miền Đông nước Pháp. Năm 1985 ông quay lại Paris và giảng dạy tại Đại Học Paris 8 Saint Denis đến khi về hưu năm 1997.
Lê Mộng Nguyên thành hôn với Nicole Moulin, một phụ nữ người Pháp vào ngày 8 tháng 1 năm 1959. Hai người không có con. Ông cũng chưa từng về lại Việt Nam từ khi đi du học năm 1950. Ngày 5 tháng 12 năm 1997, Lê Mộng Nguyên được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại (Académie des Sciences d’Outre-Mer) của Pháp. Lê Mộng Nguyên là người Pháp gốc Việt đầu tiên được bầu làm Hội Viên Chính Thức (Membre Titulaire), trước đó, đã có một số người Việt làm Hội Viên Liên Lạc (Membre Correspondant) như Phạm Quỳnh, Phạm Duy Khiêm…
Về lãnh vực âm nhạc, ông tự học nhạc từ khi còn nhỏ ở Huế, đàn mandoline, guitar và violon. Ca khúc đầu tay Xuân Tươi vào năm 15 tuổi ký tên Lan Đào. Bài nhạc Mừng Khánh Đản sáng tác vào năm 1948 nhân dịp khánh thành Chùa Từ Đàm. Kế tiếp với nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối, tháng 11, năm 1949 khi ông mới 19 tuổi. Và từ đó, ông tiếp tục sáng tác rất nhiều ca khúc…
Ông đã ấn các tác phẩm về chính trị, luật pháp, tài chánh… bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Lê Mộng Nguyên là luật sư, giáo sư đại học, học giả, nhà văn, nhà thơ… nhưng ông thích được gọi là nhạc sĩ vì âm nhạc là nguồn cảm hứng với ông khi còn nhỏ ở quê nhà cho đến tháng ngày ở Pháp. Ông là người rất tế nhị, khiêm tốn, lịch sự. Ông thích văn chương nên đã thực hiện tác phẩm Nhà Văn Hải Ngoại (tập 1, năm 2006) in tại Đức, dày 300 trang. Thời gian đó, ông và tôi thường liên lạc với nhau qua email, trao đổi với nhau vài điều qua các bài viết của ông, trước khi ấn hành.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên nay đã ra người thiên cổ! Cầu nguyện nhạc sĩ được siêu thoát cõi vĩnh hằng.
Thành Kính Phân Ưu.
Vương Trùng Dương
---
Chúng tôi vẫn còn nhớ vào năm 2008, nhạc sĩ Lê Mông Nguyên và nhà văn Đỗ Bình từ Paris đến Washington.DC thăm các thân hữu. Dịp này các anh chị em văn nghệ sĩ / Tạp chí văn học CỎ THƠM đã tổ chức chương trình thơ nhạc giới thiệu một số tác phẩm của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và nhà văn Đỗ Bình .
Khi đưa hai anh về lại Paris, tôi có làm bài thơ tặng các anh Lê Mộng Nguyên, Đỗ Bình và Hồ Trường An mà chúng tôi hân hạnh được tiếp đón trong tình văn thi hữu:
Náo Nức Hội Trăng Rằm
Náo nức người ơi! náo nức đời
náo nức như thời vượt trùng khơi
náo nức như tuổi chờ xuân tới
vỗ văn thơ náo nức từng lời
Rót đầy nhé vào nhau náo nức
những tiếng cười trong mắt long lanh
như chưa từng một lần biết khóc
như chưa từng nghe đời lầm than
Náo nức người ơi - hội trăng rằm
với thơ văn, với tình thân thương
như thảo nguyên xanh thơm cỏ mới
mỗi ý lời, mỗi độ sắc hương
Uống nhé anh em, rượu hồng náo nức
thấm chân tình bút mực thơ văn
đam mê trổ hoa đàm giữa ngực
ngát hương quê vừa lúc trăng về
Trăng mọc phương Đông, lặn trời Tây
trăng mọc trời Tây, lặn phương Đông
vẫn mãi sáng ánh hồng trong mắt
chứa yêu thương, chữ nghĩa vô cùng
Náo nức người ơi, náo nức say
nghe tình thơ hát giữa tim này
với trăng, với cả hồn dân tộc
chuyển mạch từ quá khứ vào mai
Tạ ơn đời! tạ ơn lòng Trăng
văn thơ đi qua bao thăng trầm
mỗi lời ý một vầng tỏa sáng
giữa đêm vui náo nức hội trăng rằm! (*)
Cao Nguyên
__________________________
(*) náo nức hội trăng rằm
Bút khảo của Hồ Trường An viết về 7 cây bút:
Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội - Bình Nguyên Lộc
Vi Khuê - Trương Anh Thụy - Nguyễn Thị Thụy Vũ
Trần Bích San - Nguyễn Thị Ngọc Dung
-------
TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN (1930-2023)