Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Tháng Tư Đen (Black April)


Tháng Tư Đen

Không thể nào hằng triệu người dân Việt còn trong nước hay đang lưu vong quên được Tháng Tư Đen tàn khốc đó! 
Tháng Tư của máu và nước mắt, khi sinh mệnh của đất nước và con người bị bức tử. Bốn mươi năm đã qua, nhưng tiếng gào thét của sự bức tử còn âm vọng mãi mãi trong tâm trí mọi người. Vết thương tâm linh luôn rướm máu, máu của chính mình, của đồng đội, của đồng bào ruột thịt miền nam Việt Nam.

Black April của Veith là tập hợp những nguồn máu đó chảy râm ran qua suốt tháng năm dưới hóa thân những dòng lệ đỏ! 
Nếu những trang sử của Việt Nam Cộng Hòa được ghép bởi những di ngôn uất hận. Đời con cháu sau này sẽ hiểu được tinh thần của những chiến binh chiến đấu bảo vệ tự do và dân chủ cho một dân tộc đáng được trân quí như thế nào. Và cũng đáng được truy nguyên những chiến công của họ. 

Mỗi đánh giá về từng đoạn đường của lịch sử một dân tộc, cũng giống như sự đánh giá từng tác phẩm viết về dòng lịch sử đó, cần được phát biểu bằng ngôn ngữ của con tim chân chính được nuôi lớn bởi nguồn sống nhân bản . 
Mọi chất liệu đấu tranh chống cái ác được phơi bày dưới ánh sáng mặt trời luôn là hiện thực. 
Black April là một sân phơi những chất liệu đó. Qua sóng gió cuộc đời, qua trầm thăng thế cuộc, những chất liệu trung thực này sẽ được đặt trong bảo tàng lương tâm của nhân loại. Mọi tham vọng và ý đồ khuynh đảo quốc gia sẽ phải trả giá bởi chính lương tâm của họ. 

Tham dự buổi giới thiệu tác phẩm Black April, tại hội trường của Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn, chiều Chúa Nhật 12 tháng 7 năm 2014. Cảm nhận của tôi đầy những bồi hồi. Bồi hồi qua các giải trình từ tác giả và các diễn giả về nội dung những chương quân sử của quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào những năm cuối của cuộc chiến đầy những ấn tượng bi thương! Bồi hồi vì sự cảm kích tinh thần chiến đấu của một tập thể quân đội chỉ biết tiến chứ không lùi bước trước kẻ thù cộng sản xâm lăng. Bồi hồi vì được gặp lại vài vị chỉ huy từ tham mưu đến chiến trường, mà qua những năm quân vụ tôi đã có dịp diện kiến và phục lệnh. 

Bây giờ tôi được gọi những cấp chỉ huy này là niên trưởng. Đặc biệt, với Trung Tướng Lữ Lan, một thời là Tư Lệnh Quân Đoàn II, nơi tôi đã phục vụ lâu nhất và có nhiều kỷ niệm nhất trong suốt thời gian binh nghiệp. Hôm nay được nhìn ông còn sức khỏe khang trang, tôi rất vui. Vui cả những đoạn phim thời sự của thập niên 60 nơi vùng cao nguyên đầy lửa đang khởi hiện trong tiềm thức tôi. Những đoạn phim hùng tráng với những trận thư hùng oanh liệt của những đơn vị dưới quyền ông đối lực với quân đội cộng sản Bắc Việt trên khắp lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật.

Những thước phim tài liệu về quân sử Quân Đoàn II/QL. VNCH mãi còn đó. Những quyển sách như Tháng Tư Đen của George J. Veith mãi còn đó. Như những dấu tích đau thương mãi còn đó trong tâm khảm mỗi người dân miền nam Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh bảo vệ quốc gia, chống lại sự xâm lăng của tập đoàn quân cộng sản Việt Nam và các thế lực đồng lõa. 
Người viết sử đừng bao giờ nói dối 
Trước trăm nghìn câu hỏi của hồn oan! 

Tôi đã viết những lời thơ như vậy, để cảnh tỉnh những người mon men vào con đường viết sử với những xảo ngôn, vong bản và xu thời. Khỏi phải ân hận trối trăn khi cuộc đời đi vào cõi đất! 

Sau khi chấm dứt phần giải trình về tác phẩm Black April. Tôi đến mở lời chào niên trưởng Lữ Lan với vài gợi nhớ, ông niên trưởng Lữ Lan và tôi bắt tay với nụ cười thân mến trao nhau cùng những câu tâm tình huynh đệ chi binh. 

Tiếp sau sự diện kiến thân tình với niên trưởng Lữ Lan, tôi đến làm quen với một người Mỹ, ông Merle L. Pribbenow – người bạn đồng hành với Veith - tác giả Black April. Merle nói thông thạo tiếng Việt, nên lời mở đầu của tôi được đón nhận với lòng cởi mở. Tôi cảm ơn Merle về sự thấu hiểu tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam Việt Nam suốt hai mươi năm chiến đấu chống giặc bắc phương. 

Trong dịp này, tôi gởi tặng Veith và Merle tập thơ Thao Thức của tôi, với ý muốn được gởi chút tâm tư của một trong hằng triệu chiến binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa có mặt trong Tháng Tư Đen. Và hơn thế, là sự mong cầu tâm tư thao thức được thẩm thấu vào tấm lòng tuổi trẻ Việt Mỹ có lưu tình tri thức Việt Nam. 
Trân trọng, 
Cao Nguyên 
Washington.DC – July 12, 2014 

@

Chương trình giới thiệu Black April – The Fall Of South VietNam! 

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Nhà Tù

 Nhà Tù 

Sau ngày ba mươi tháng tư

Việt Cộng xây dựng nhà tù khắp nơi
để giam hằng triệu con người
như một biện pháp trả thù Miền Nam 

Biết bao thảm cảnh gian nan
ghi trong hồi ký Duyên Anh thuở nào
đọc lại càng thấy lòng đau
cùng một dân tộc vì sao hận thù 

Lấy trường học làm nhà tù
là một phương cách diệt trừ văn minh 
giam thầy giáo đốt chương trình
thủ tiêu văn hóa của nghìn năm qua 

Nhà Tù - hồi ký xót xa 
nạn nhân trong cuộc thiết tha gửi người
bi thương chứng tích một thời 
Tháng Tư quốc hận ngàn đời không quên !

Cao Nguyên 



Mời quý vị đọc hồi ký NHÀ TÙ của nhà văn Duyên Anh để hiểu thêm về chính sách tàn ác của Việt Cộng sau ngày cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam (30/4/1975) đối với quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa .

Nhật ký gồm 26 chương, sau khi đọc hết một chương, theo dấu V nhấn vào xem chương kế tiếp  ...

https://vietmessenger.com/books/?title=nha%20tu 

" ... Hồi ký của tôi gồm 2 cuốn. Cuốn thứ nhất mang tên NHÀ TÙ. Cuốn thứ hai mang tên TRẠI TẬP TRUNG. Như đã trình bày, nhà tù là một xã hội thu hẹp, nó gần gũi nên nó tự lột trần muôn mặt. Tôi có gắng ghi chép thật trung thực cái muôn mặt đỏ.

Montreuil, tháng Giêng, 1984.
Duyên Anh  




Ngọn Triều Âm

 Ngọn Triều Âm

Những đồng điệu trong tâm hồn kẻ lãng tử và sự cảm nhận nơi trái tim kẻ chính nhân .. đã cho chúng ta bắt gặp nhau để cùng có dịp suy ngẫm hơn chút nữa những điều đã thấm sâu vào máu huyết và bám chặt trong tâm thức của mình về trách nhiệm và bổn phận với quê hương, giống nòi mình ... 

Không biết từ đâu - những ngọn gió ẩn mình trong "Ngọn Triều Âm" riêng một tháng Tư - vết nám không thể tẩy xóa của lịch sử Việt Nam - khởi đầu từ vùng Tây Nguyên dưới chân dãy Trường Sơn và kết thúc ở Sài Gòn - Một kết cuộc bi thương lan tỏa và còn mãi mãi không bao giờ có thể chấm dứt, dù đã sau 35 năm.

Mỗi tháng Tư về, những linh hồn bắt gặp linh hồn trên đỉnh đầu biết bao nhiêu “ngọn triều âm” ? Và, trong những lần chạm tới của hơi thở từ những mồ hoang vào sự linh thiêng và nhiệm mầu của một Đấng siêu nhiên từ bên ngoài và tận cùng Vũ Trụ - tạo nên một tái tạo của khoảnh khắc tràn đầy bi thương uất hận ấy.

Xin được cám ơn cuộc đời và tất cả những gặp gỡ của htmt với những người đã, đang và sẽ lướt qua cuộc đời và chữ nghĩa cõi trần gian hôm nay và mai sau !

Cảm ơn nhà thơ Cao Nguyên với Ngọn Triều Âm
Trân Trọng,
Hoàng Thy Mai Thảo (Paris)
(Tháng Tư, 2010)

@

Ngọn Triều Âm

(mến tặng những tiếng hát
như ngọn triều âm trên tháng tư buồn)

khi mặt trời vỡ, chiều rơi xuống
ngọn triều âm từ vực thở vút lên
phả vào không gian trường ca sóng vỗ
ngợi ca rừng nuôi mộ cỏ rêu xanh!

lời khai tử chào tiếng hát em
anh đọc trên đỉnh trường sơn mùa tuẫn nạn
còn âm vang bi tráng đến bây giờ
giữa tháng tư đứng chờ mặc niệm!

*

khi mặt trời tung bình minh lên núi
ngọn triều âm xóa rêu phủ mồ hoang
anh lại chào em tiếng hát ngày xưa
bằng hơi ấm khúc dương cầm của biển

tháng tư về với nụ cười thánh thiện
đất trở mình khoe hoa nở lời chim
rừng dụi mắt sau triền miên tĩnh mịch
nhìn chăm chăm cây lá biếc quanh mình!

cám ơn em, tiếng hát của rừng xưa
ngọn triều âm dấu trong mùa sử tích!

Cao Nguyên

---

Ngọn Triều Âm
thơ : Cao Nguyên
nhạc & hát : Hoàng Thy Mai Thảo
đàn : Hồng Thư - Paris
https://app.box.com/s/bubudx9g9dt39w16rfp2d4bt3d8usg5y